Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump trình diện FBI (VOA, 30/10/2017)
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort theo tin nói đã ra đầu thú với giới hữu trách liên bang hôm thứ Hai 30/10 liên quan tới những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về việc Nga có thể đã can dự vào cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, ông Paul Manafort (trái) trên xe rời nhà riêng ở Alexandria, Virginia, ngày 30/10/2017.
Ông Manafort ra đầu thú với cơ quan thực thi luật pháp liên bang – theo tin của hai hãng thông tấn CNN và New York Times, và mỗi hãng tin này trích một nguồn tin nắm rõ về cuộc điều tra này.
Đây có thể là những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Bộ Tư pháp được chỉ định thực hiện để xem Nga có phá hoại cuộc bầu cử giup cho ông Trump thắng cử hay không.
New York Times còn nói rằng ông Rich Gates, một cộng sự của ông Manafort, cũng ra trình diện cơ quan điều tra.
Ông Manafort, 68 tuổi, làm quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2016. Ông đã từ chức khi có tin nói rằng ông có lẽ đã nhận hàng triệu đôla bất hợp pháp từ một chính đảng thân Nga tại Ukraine.
Ông Mueller đang điều tra các giao dịch tài chính và bất động sản của ông Manafort và những liên hệ trước đó của ông với Đảng của các khu vực, là chính đảng ủng hộ cựu lãnh đạo Ukraine Viktor Yamukovich.
Các nguồn tin nói với hãng thông tấn Reuters rằng các nhà điều tra cũng xem xét việc ông Manafort có thể dính líu vào các hoạt động rửa tiền và các tội phạm tài chánh khác.
Ông Gates là một đối tác làm ăn lâu năm của ông Manafort và có nhiều quan hệ với các thế lực đầu sỏ chính trị ở Nga và Ukraine. Ông cũng làm phó cho ông Manafort trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Trước đó, tin nói những cáo trạng đầu tiên trong cuộc điều tra Nga phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 có thể sẽ được công bố trong ngày thứ Hai 30/10 và một đối tượng có thể bị câu lưu. Diễn biến này sẽ đánh dấu một bước mới đầy kịch tính trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Một đại bồi thẩm đoàn liên bang hôm thứ Sáu 27/10 đã chấp thuận những cáo buộc đầu tiên của cuộc điều tra và một thẩm phán liên bang ra lệnh niêm phong bản cáo trạng, theo một nguồn tin nắm rõ về cuộc điều tra nói với hãng thông tấn Reuters.
Công tố viên đặc biệt Muellercũng đang điều tra liệu các quan chức của ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với âm mưu của Nga hay không.
Ông Trump bác bỏ các cáo buộc nói rằng ban vận động của ông thông đồng với Nga và lên án các cuộc điều tra về vấn đề này là "săn lùng phù thủy" (ý nói ông bị truy bức về chính trị).
Ông Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, đang điều tra những mối liên hệ có thể có giữa các trợ lý của ông Trump với các chính phủ nước ngoài, cũng như các hoạt động rửa tiền, trốn thuế và những tội phạm tài chánh khác, theo một nguồn tin biết rõ về cuộc điều tra. Công tố viên đặc biệt cũng đang tìm hiểu liệu ông Trump và các phụ tá của ông có tìm cách cản trở cuộc điều tra hay không.
Hôm Chủ nhật ông Trump đã tìm cách chuyển sự chú ý vào Ðảng Dân chủ và bà Clinton bằng tin nhắn trên Twitter rằng vấn đề Nga được sử dụng để làm chệch hướng nỗ lực của Ðảng Cộng hòa cải tổ thuế và đề cao các đảng viên Cộng hòa đã đoàn kết trong sự cần thiết phải xem xét liệu phe Dân chủ và ban vận động của bà Clinton có trả một phần tiền để làm ra các hồ sơ cáo buộc chi tiết những liên hệ của ông Trump với Nga hay không.
Luật sư đặc biệt của Tòa Bạch Ốc, Ty Cobb nói rằng các tin Twitter của Tổng thống Trump "không liên quan với các công việc của luật sư đặc biệt Tòa Bạch Ốc, và ông Trump vẫn hợp tác với luật sư đặc biệt".
Cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra của ông Mueller được đài truyền hình CNN loan tải đầu tiên với tin nói là một đối tượng có thể bị câu lưu vào thứ Hai.
Điều này khiến một số đồng minh bảo thủ của ông Trump đòi sa thải ông Mueller. Ông Sebastian Gorka, một cựu cố vấn thường nói thẳng đã rời Tòa Bạch Ốc hồi tháng 8 viết trên Twitter rằng "phải tước bỏ thẩm quyền của ông Mueller" và điều tra xem liệu ông ấy có thi hành lệnh trong cuộc điều tra hay không.
Tòa Bạch Ốc hồi mùa hè nói rằng ông Trump không có ý định sa thải ông Mueller, mặc dù ông đã đặt câu hỏi liệu ông Mueller có công bằng hay không.
*********************
Mỹ : Tổng thống Trump phản công trước các buộc mới về vụ thông đồng với Nga (RFI, 30/10/2017)
Diễn tiến của vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Theo nhiều hãng truyền thông Mỹ, nhóm điều tra vụ việc trên của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller ngày 30/10/2017 có thể sẽ chính thức ra lệnh khởi tố một hoặc nhiều nhân vật trong chính quyền Trump bị tình nghi dính líu vào vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, tại Dallas, Texas (Ảnh chụp ngày 25/10/2017) - Reuters/Kevin Lamarque
Trước những động thái có thể khiến vụ việc chuyển sang hướng nghiêm trọng, tổng thống Donald Trump ngày 29/10 đã tung một loạt thông điệp trên Twitter nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington cho biết thêm chi tiết :
"Tổng thống đã tung lên bốn bình luận trên Twitter lên án đây là cuộc truy sát tới cùng, đồng thời ông đề nghị truyền thông nên hướng chú ý tới vụ thông đồng thực sự với Nga của bà Hillary Clinton. Phe Cộng Hòa đã lôi lại một vụ việc cũ liên quan đến chuyện bán uranium cho Nga khi bà Clinton còn làm ngoại trưởng.
Luật sư của Nhà Trắng, Ty Cobb, nói rõ rằng các thông điệp trên Twitter của tổng thống không liên quan gì đến cuộc điều tra của thẩm phán đặc biệt Robert Mueller. Ông nói thêm là tổng thống đang hợp tác hoàn toàn với cuộc điều tra này.
Phủ kín các chương trình chính trị phát sóng hôm Chủ Nhật là chuyện truy tố. Ông Adam Schiff, dân biểu của đảng Dân Chủ thuộc tiểu bang California, một nhân vật đang nổi lên của đảng, trên đài ABC, đã nêu danh người có khả năng bị khởi tố là ông Paul Manafort, từng là lãnh đạo trong giai đoạn đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump và cũng là người đã có quan hệ làm ăn với Nga.
Ông Adam Schiff nói : "Ông Manafort đã cung cấp thông tin gì cho người Nga ? Tổng thống sẽ làm gì với các biện pháp trừng phạt (Nga), đó có thể sẽ là những thông tin quan trọng nhất mà Kremlin muốn biết".
Thông báo khởi tố, nếu xảy ra, sẽ có nguy cơ che lấp việc Hạ Viện bỏ phiếu vào thứ Tư (01/11) thông qua chủ trương cắt giảm thuế, một điều có thể được coi như là một thành công của tổng thống Donald Trump".
Anh Vũ
************************
Trump giận dữ về bà Clinton và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử (BBC, 30/10/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra một loạt tin đăng trên Twitter về 'tội' của bà Hillary Clinton và Đảng Dân chủ đối lập.
Ông Trump nói rằng các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là 'giả mạo'
Cơn giận dữ của ông nổ ra vào sáng Chủ Nhật, giữa lúc có các tường thuật nói vụ bắt giữ đầu tiên của tiến trình điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào tuần này, mà sớm nhất là có thể vào thứ Hai.
Ông Trump nói rằng các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là 'giả mạo' và là một cuộc 'săn phù thủy'.
Ông nói các thành viên phe Cộng hòa cần thống nhất đứng sau ông, và thúc giục họ : "HÃY LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ".
Các tường thuật trên truyền thông nói rằng những cáo buộc đầu tiên đã được đưa vào hồ sơ cuộc điều tra do cố vấn đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu, điều tra cáo buộc là Nga can thiệp vào kỳ bầu cử 2016 nhằm hỗ trợ ông Trump.
Hiện chưa rõ các cáo buộc có nội dung gì, và nhằm vào ai, CNN và Reuters tường thuật, dẫn các nguồn giấu tên.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng chính phủ Nga tìm cách giúp ông Trump thắng cử.
Cuộc điều tra của ông Muller đang tìm hiểu về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump. Cả hai đều cùng bác bỏ việc có bất kỳ dính líu, liên quan gì.
Nhóm của ông Muller được nhiều người biết đến về việc đã có những cuộc phỏng vấn quy mô đối với một số quan chức hiện thời cũng như các cựu quan chức của Tòa Bạch ốc.
Ông Mueller được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt sau khi Tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey
Ông Mueller, cựu giám đốc FBI, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt hồi tháng Năm, ngay sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Ông Trump hôm thứ Sáu nói rằng nay 'có sự đồng ý chung' rằng không hề có sự thông đồng gì giữa ông và Nga, nhưng nói có những mối quan hệ giữa Moscow và bà Clinton.
Các nhà lập pháp thuộc phe Cộng hòa nói thỏa thuận uranium với một công ty của Nga hồi 2010, khi bà Clinton còn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã được chốt lại nhằm đổi lấy những khoản tài trợ cho quỹ thiện nguyện của chồng bà.
Một cuộc điều tra của Quốc hội đã được mở đối với vụ việc. Các thành viên Dân chủ nói rằng đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng chú ý khỏi các mối quan hệ giữa Nga và ông Trump.
**********************
Mỹ ‘đang chia rẽ’ như thời Chiến tranh Việt Nam (VOA, 29/10/2017)
Phần lớn người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng chia rẽ chính trị nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam, và 60% số người được hỏi tin rằng Tổng thống Donald Trump khiến tình hình nghiêm trọng hơn, theo một cuộc thăm dò dư luận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến, được tờ The Washington Post và Đại học Maryland thực hiện, công bố hôm 28/10, cho thấy rằng chính trị Hoa Kỳ đang "rơi xuống mức thấp nguy hiểm".
70% số người được hỏi cho rằng các khác biệt về chính trị hiện nay đã gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam.
Người biểu tình bên ngoài khách sạn Trump International hôm 30/9.
Con số đó tăng lên 77% trong nhóm người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, và nhiều người trong số đó trưởng thành những năm 60, theo tờ Washington Examiner.
85% số người trả lời thăm dò cho rằng ông Trump là người gây ra chia rẽ trên chính trường Mỹ, và 51% cho rằng "nhiều" sự chia rẽ hiện thời là do lỗi của đương kim tổng thống.
Các nguyên nhân khác gồm : tiền bạc trong chính trị (96%), những người giàu đóng góp vào chính trường (94%), các nhóm có quan điểm cực đoan ở cả hai đảng (93%), truyền thông (88%) hay Quốc hội (94%).
Cuộc thăm dò 1.663 người Mỹ trưởng thành được tiến hành từ ngày 27/9 tới ngày 5/10.