Tây Ban Nha : Catalunya ngày đầu tiên dưới sự giám hộ của Madrid (RFI, 30/10/2017)
Một ngày sau cuộc biểu dương lực lượng lớn của phe chống Catalunya độc lập tại Barcelona, ngày 30/12/2017, vùng Catalunya bước vào ngày đầu tiên nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Biểu tình phản đối Catalunya độc lập tại Barcelona, ngày 29/10/2017. PIERRE-PHILIPPE MARCOU / AFPs/AFP
Thời kỳ giám hộ chỉ kéo dài đến ngày 21/12, khi có cuộc bầu cử vùng trước thời hạn do Madrid ấn định. Catalunya tạm mất quyền tự trị, các lãnh đạo vùng bị truất quyền, nhưng chưa có gì bảo đảm là những người chủ trương độc lập đã chịu khuất phục Madrid.
Thông tín viên Léticia Farine từ Barcelona tường trình :
"Carles Puigdemont và Orion Junqueras, nhân vật số 2 của vùng, đã tỏ cho người dân Catalunya thấy là họ không muốn chấp nhận bị truất quyền. Mặc dù cuối tuần rồi, hai ông đã kêu gọi mọi người phản kháng một cách ôn hòa, nhưng họ không đưa ra chỉ đạo hành động rõ ràng với những người ủng hộ độc lập.
Hiện tại 200 nghìn viên chức chính quyền Catalunya đang trong tình trạng chờ đợi. Nếu họ quyết định không chịu tuân thủ mệnh lệnh của Madrid, họ có thể bị trừng phạt hoặc thậm chị bị tư pháp khỏi tố vì tội giống như trường hợp ông Carles Puigdemont có thể bị án 30 năm tù vì hành động nổi loạn.
Những câu hỏi khác được đặt ra ngày thứ Hai này về vị trí của những người chủ trương đòi độc lập trong cuộc tuyển cử ngày 21/12 tới do Madrid yêu cầu. Hai trong ba đảng có xu hướng ly khai có thể sẽ ra ứng cử. Đó là đảng cánh tả Esquera Republicana của phó chủ tịch vùng vừa bị phế truất Oriol Junqueras và đảng bảo thủ Dân Chủ Châu Âu Catalunya của ông Carles Puigdemont.
Hai lực lượng chính trị này có thể ra ứng cử chung, nhưng họ phải quyết định nhanh chóng vì thời hạn cuối cùng để giới thiệu liên danh là ngày 7/11".
Anh Vũ
********************
Tương lai Catalunya tùy thuộc sức kháng cự của phe ly khai (RFI, 30/10/2017)
Chuyện gì sẽ xảy ra tại Catalunya, vùng đất lớn bằng vương quốc Bỉ, vừa mới tuyên bố độc lập đã bị đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha ? Câu trả lời tùy thuộc vào sức kháng cự của các lãnh đạo phe ly khai và những người ủng hộ nền độc lập của Catalunya.
Hai người biểu tình, một mang lá cờ của vùng Catalunya và người kia mang cờ Tây Ban Nha bên ngoài Generalitat Palace, trụ sở vùng Catalunya, Barcelona, 30/10/2017. Reuters/Juan Medina
Chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont và nhân vật số hai của ông, Oriol Junqueras, có vẻ như không chấp nhận để bị Madrid truất chức như vậy, nhưng cũng chưa ra chỉ thị gì cho những người ủng hộ họ.
Ngày 30/10/2017, các lãnh đạo phe ly khai có sẽ đi làm bình thường bất chấp việc đã bị truất chức hay không ? Nếu thể hiện sự kháng cự như vậy, họ có thể khuyến khích những người khác đi theo. Nhưng trong trường hợp đó, các thành viên của chính quyền Catalunya có thể bị truy tố vì tội "bất tuân mệnh lệnh" và thậm chí vì tội "phản loạn". Các công chức vùng Catalunya thì có thể bị kỷ luật đến mức bị khai trừ nếu họ không nghe theo lệnh của chính quyền trung ương Madrid.
Theo nhận định của nhà chính trị học Pablo Simon được hãng tin AFP trích dẫn, các công chức vùng Catalunya, gồm khoảng 200 ngàn người, chắc là sẽ không dám để bị mất việc, mà có thể họ sẽ kháng cự một cách thụ động, chẳng hạn như sẽ làm việc lề mề hơn. Tuy vậy, việc này cũng chẳng có ảnh hưởng gì lớn, vì chính quyền Catalunya bây giờ chỉ đóng vai trò "xử lý thường vụ", trong khi chờ cuộc bầu cử ngày 21/12 mà thủ tướng Mariano Rajoy đã quyết định.
Tại vùng Catalunya có những hội chủ trương độc lập như "Ủy ban bảo vệ nền Cộng Hòa". Nhưng hội này có thể huy động hàng trăm ngàn người một cách dễ dàng. Nhưng họ chỉ có thể kháng cự một cách biểu tượng, chứ không thể làm gì khác hơn, mặc dù những người cực đoan nhất trong phe ly khai đã dọa rằng vùng Catalunya sẽ là một "Việt Nam" mới đối với chính quyền trung ương Madrid.
Mặt khác, ngay chính các đối thủ của ông cũng nhìn nhận rằng thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lấy một quyết định rất khôn ngoan, đó là tổ chức bầu cử nhanh chóng cho vùng Catalunya, để chứng tỏ là ông tôn trọng nền dân chủ, chứ không hành xử như một nhà độc tài. Làm như vậy, ông Rajoy buộc các chính đảng chủ trương độc lập ở vùng này phải chọn một trong hai con đường : một là từ chối tham gia bầu cử ngày 21/12, hai là tham gia cuộc bầu cử này, tức là chấp nhận một cuộc bỏ phiếu do Nhà nước Tây Ban Nha tổ chức.
Trong nhiều tháng qua, các đảng chủ trương độc lập này đã bất đồng với nhau. Những đảng có xu hướng ôn hòa, thân cận với giới kinh tế, thì rất dè dặt khi thấy nhiều doanh nghiệp lo lắng trước viễn cảnh vùng Catalunya tách khỏi Tây Ban Nha.
Theo một nhà xã hội học được AFP trích dẫn, ít nhất có 2 trong số 3 đảng chủ trương độc lập sẽ ra tranh cử vì sợ sẽ bị mất ảnh hưởng trong các định chế của vùng Catalunya.
Như vậy, tình hình những ngày tới sẽ cho thấy là Nhà nước Tây Ban Nha có đủ sức để áp đặt quyền lực lên vùng bất trị Catalunya hay không.
Thanh Phương