Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tây Ban Nha : Catalunya ngày đầu tiên dưới sự giám hộ của Madrid (RFI, 30/10/2017)

Một ngày sau cuộc biểu dương lực lượng lớn của phe chống Catalunya độc lập tại Barcelona, ngày 30/12/2017, vùng Catalunya bước vào ngày đầu tiên nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha.

tay1

Biểu tình phản đối Catalunya độc lập tại Barcelona, ngày 29/10/2017. PIERRE-PHILIPPE MARCOU / AFPs/AFP

Thời kỳ giám hộ chỉ kéo dài đến ngày 21/12, khi có cuộc bầu cử vùng trước thời hạn do Madrid ấn định. Catalunya tạm mất quyền tự trị, các lãnh đạo vùng bị truất quyền, nhưng chưa có gì bảo đảm là những người chủ trương độc lập đã chịu khuất phục Madrid.

Thông tín viên Léticia Farine từ Barcelona tường trình :

"Carles Puigdemont và Orion Junqueras, nhân vật số 2 của vùng, đã tỏ cho người dân Catalunya thấy là họ không muốn chấp nhận bị truất quyền. Mặc dù cuối tuần rồi, hai ông đã kêu gọi mọi người phản kháng một cách ôn hòa, nhưng họ không đưa ra chỉ đạo hành động rõ ràng với những người ủng hộ độc lập.

Hiện tại 200 nghìn viên chức chính quyền Catalunya đang trong tình trạng chờ đợi. Nếu họ quyết định không chịu tuân thủ mệnh lệnh của Madrid, họ có thể bị trừng phạt hoặc thậm chị bị tư pháp khỏi tố vì tội giống như trường hợp ông Carles Puigdemont có thể bị án 30 năm tù vì hành động nổi loạn.

Những câu hỏi khác được đặt ra ngày thứ Hai này về vị trí của những người chủ trương đòi độc lập trong cuộc tuyển cử ngày 21/12 tới do Madrid yêu cầu. Hai trong ba đảng có xu hướng ly khai có thể sẽ ra ứng cử. Đó là đảng cánh tả Esquera Republicana của phó chủ tịch vùng vừa bị phế truất Oriol Junqueras và đảng bảo thủ Dân Chủ Châu Âu Catalunya của ông Carles Puigdemont.

Hai lực lượng chính trị này có thể ra ứng cử chung, nhưng họ phải quyết định nhanh chóng vì thời hạn cuối cùng để giới thiệu liên danh là ngày 7/11".

Anh Vũ

********************

Tương lai Catalunya tùy thuộc sức kháng cự của phe ly khai (RFI, 30/10/2017)

Chuyện gì sẽ xảy ra tại Catalunya, vùng đất lớn bằng vương quốc Bỉ, vừa mới tuyên bố độc lập đã bị đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha ? Câu trả lời tùy thuộc vào sức kháng cự của các lãnh đạo phe ly khai và những người ủng hộ nền độc lập của Catalunya.

tay2

Hai người biểu tình, một mang lá cờ của vùng Catalunya và người kia mang cờ Tây Ban Nha bên ngoài Generalitat Palace, trụ sở vùng Catalunya, Barcelona, 30/10/2017. Reuters/Juan Medina

Chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont và nhân vật số hai của ông, Oriol Junqueras, có vẻ như không chấp nhận để bị Madrid truất chức như vậy, nhưng cũng chưa ra chỉ thị gì cho những người ủng hộ họ.

Ngày 30/10/2017, các lãnh đạo phe ly khai có sẽ đi làm bình thường bất chấp việc đã bị truất chức hay không ? Nếu thể hiện sự kháng cự như vậy, họ có thể khuyến khích những người khác đi theo. Nhưng trong trường hợp đó, các thành viên của chính quyền Catalunya có thể bị truy tố vì tội "bất tuân mệnh lệnh" và thậm chí vì tội "phản loạn". Các công chức vùng Catalunya thì có thể bị kỷ luật đến mức bị khai trừ nếu họ không nghe theo lệnh của chính quyền trung ương Madrid.

Theo nhận định của nhà chính trị học Pablo Simon được hãng tin AFP trích dẫn, các công chức vùng Catalunya, gồm khoảng 200 ngàn người, chắc là sẽ không dám để bị mất việc, mà có thể họ sẽ kháng cự một cách thụ động, chẳng hạn như sẽ làm việc lề mề hơn. Tuy vậy, việc này cũng chẳng có ảnh hưởng gì lớn, vì chính quyền Catalunya bây giờ chỉ đóng vai trò "xử lý thường vụ", trong khi chờ cuộc bầu cử ngày 21/12 mà thủ tướng Mariano Rajoy đã quyết định.

Tại vùng Catalunya có những hội chủ trương độc lập như "Ủy ban bảo vệ nền Cộng Hòa". Nhưng hội này có thể huy động hàng trăm ngàn người một cách dễ dàng. Nhưng họ chỉ có thể kháng cự một cách biểu tượng, chứ không thể làm gì khác hơn, mặc dù những người cực đoan nhất trong phe ly khai đã dọa rằng vùng Catalunya sẽ là một "Việt Nam" mới đối với chính quyền trung ương Madrid.

Mặt khác, ngay chính các đối thủ của ông cũng nhìn nhận rằng thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lấy một quyết định rất khôn ngoan, đó là tổ chức bầu cử nhanh chóng cho vùng Catalunya, để chứng tỏ là ông tôn trọng nền dân chủ, chứ không hành xử như một nhà độc tài. Làm như vậy, ông Rajoy buộc các chính đảng chủ trương độc lập ở vùng này phải chọn một trong hai con đường : một là từ chối tham gia bầu cử ngày 21/12, hai là tham gia cuộc bầu cử này, tức là chấp nhận một cuộc bỏ phiếu do Nhà nước Tây Ban Nha tổ chức.

Trong nhiều tháng qua, các đảng chủ trương độc lập này đã bất đồng với nhau. Những đảng có xu hướng ôn hòa, thân cận với giới kinh tế, thì rất dè dặt khi thấy nhiều doanh nghiệp lo lắng trước viễn cảnh vùng Catalunya tách khỏi Tây Ban Nha.

Theo một nhà xã hội học được AFP trích dẫn, ít nhất có 2 trong số 3 đảng chủ trương độc lập sẽ ra tranh cử vì sợ sẽ bị mất ảnh hưởng trong các định chế của vùng Catalunya.

Như vậy, tình hình những ngày tới sẽ cho thấy là Nhà nước Tây Ban Nha có đủ sức để áp đặt quyền lực lên vùng bất trị Catalunya hay không.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Quyết định ký tuyên bố độc lập rồi yêu cầu Nghị viện "đình hoãn thi hành"của chủ tịch vùng Catalunya có thể làm cho xung khắc giữa Barcelona và Madrid nghiêm trọng thêm. Mưu kế của Carles Puigdemont : nhượng bộ về hình thức nhưng bước quyết định ly khai đã đạp lên làn ranh đỏ.

cata1

Chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập ở Barcelone, ngày 10/10/2017. Reuters/Albert

Ngày thứ Ba 10/10/2017, phải mất nhiều tiếng đồng hồ trễ hơn dự kiến, chủ tịch Catalunya mới ký tuyên bố "Catalunya là một nước Cộng hòa, độc lập". Nhưng ngay sau đó ông đình hoãn hiệu lực để hé mở cánh cửa đối thoại với Madrid mà không ấn định thời gian.

Theo giới phân tích, thái độ ngập ngừng này của chủ tịch vùng Catalunya thể hiện chiến lược trung dung. Sau khi làm hài lòng phe ly khai, chủ tịch Catalunya tỏ ra thực tế trấn an những phe đối nghịch. Khi yêu cầu nghị viện địa phương "đình hoãn" áp dụng tuyên bố độc lập, Catalunya tiếp tục sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra : không bỏ đồng euro, không lập ngân hàng trung ương riêng, không phân định biên giới…

Nói cách khác, chuyện ly thân với Tây Ban Nha chỉ là lý thuyết nhưng sẽ được sử dụng để gây áp lực buộc Madrid đàm phán trong thế yếu. Một trong những yêu sách cốt yếu nhất là buộc Madrid phải chấp nhận tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, hợp pháp, không cản trở để qua đó buộc phải thừa nhận Catalunya độc lập. Phe ly khai vẫn tin chắc là sẽ giành được đa số như kết quả cuộc trưng cầu dân ý địa phương ngày 01/10 với 90% phiếu thuận cho dù tỷ lệ đi bầu chỉ có 43%.

Thế nhưng, chính phủ Tây Ban Nha không để bị động. Theo phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria, Madrid có nhiều "phương án" để đối phó. Một trong những phương án của chính phủ Madrid được bàn thảo trong ngày thứ Tư hôm nay (11/10), chắc chắn sẽ có điều 155 của Hiến Pháp, với những "biện pháp đặc biệt, đối phó với tình trạng đặc biệt".

Có hai sự kiện chính trị làm thủ tướng Mariano Rajoy tự tin hơn :

- Thứ nhất, công luận Tây Ban Nha thức tỉnh. Hơn 350 ngàn người chống Catalunya ly khai xuống đường tại Barcelona hôm Chủ Nhật 08/10.

- Thứ hai,đảng Xã hội, đối lập, lúc đầu chống sử dụng điều 155 của Hiến Pháp, lấy lại quyền tự trị của Catalunya, nay dứt khoát ủng hộ xu hướng toàn vẹn lãnh thổ.

Cho dù Carles Puigdemont nói cứng : "dân chủ đứng trên hiến pháp" nhưng sự kiện ông do dự suốt ngày hôm qua thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ phe ly khai. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, không muốn đi theo cuộc phiêu lưu đầy bất trắc của phe ly khai, đã bắt đầu rút chân khỏi Catalunya.

Biết đối phương chia rẽ, chính quyền Madrid quyết tâm đi đến cùng, bác bỏ đề nghị của Barcelona kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hay Thụy Sĩ đứng ra làm trung gian hòa giải.

Viễn ảnh một cuộc đọ sức kéo dài gây thiệt hại cho quyền lợi chung liệu có làm cho hai bên xuống thang hay không ? Và bằng cách nào rút lại "tuyên ngôn độc lập" mà không làm mất mặt nhà lãnh đạo dấn thân đấu tranh đòi Catalunya tự chủ từ năm 20 tuổi ?

Tú Anh

Published in Quốc tế

Catalunya đòi độc lập : Thất bại được báo trước

Chủ đề xứ Catalunya, Tây Ban Nha, đòi độc lập, là một trong những tít lớn của các báo Pháp hôm nay 11/10/2017, sau thông báo nước đôi của chủ tịch xứ này tối hôm qua. Báo Libération chạy tựa trang nhất : "Độc lập : Barcelona chơi hiệp phụ", Le Figaro : "Catalunya độc lập, còn phải chờ xem". Về phong trào đòi độc lập cho xứ Catalunya, báo Le Monde có bài phân tích mang tựa đề "Catalunya : một dự án báo trước sẽ thất bại".

cata1

Hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình ở Barcelona phản đối Catalunya đòi độc lập, Chủ Nhật ngày 08/10/2017. Reuters/Eric Gaillard

Để hiểu về cuộc khủng hoảng Catalunya, một phân tích mang kích thước lịch sử là cần thiết. Bài viết của kinh tế gia Jean-Pierre Petit trên Le Monde mở đầu với nhận xét các sử gia tương lai chắc chắn sẽ không bỏ lỡ dịp để nhấn mạnh là vào thời điểm mà cả một bộ phận lớn các nước Châu Âu đang nỗ lực xây dựng một cấu trúc liên bang bao gồm các quốc gia dân tộc, thì một số tỉnh, vùng của một số nước, như xứ Catalunya lại quyết định ly khai.

Tuy nhiên, nếu xét về mặt kinh tế, dự án độc lập của vùng này hoàn toàn mang tính phiêu lưu. Sự thiếu chuẩn bị của các đối tác kinh tế, bao gồm Catalunya và chính quyền trung ương Madrid sẽ để lại một cái giá "khủng khiếp", điều đó có nghĩa là hai bên đều thua.

Nguy cơ cắt đứt với Liên Hiệp Châu Âu là hiện hữu, trong lúc xuất khẩu của Catalunya sang phần còn lại của Tây Ban Nha và Liên Hiệp Châu Âu chiếm gần 45% GDP của xứ này, và 70% đầu tư nước ngoài vào Catalunya là từ các thành viên Liên Âu.

Về phần nợ công thì sao ? Nếu như Catalunya phải đảm nhiệm phần nợ riêng của mình (chiếm 35% GDP) cộng với phần phải gánh chịu do là thành viên của Tây Ban Nha (theo tỉ lệ tương đương 20% trọng lượng kinh tế Tây Ban Nha), thì nợ công của xứ này sẽ vọt lên tới 134% GDP.

Trong trường hợp khủng hoảng tài chính, Le Monde cảnh báo hệ thống ngân hàng xứ này sẽ hết sức dễ tổn thương. Liên Hiệp Châu Âu chắc chắn sẽ rất cứng rắn với một Catalunya độc lập, để ngăn ngừa khát vọng ly khai ở nhiều nơi khác, vốn cũng "rất mãnh liệt", như ở miền bắc nước Ý, ở xứ Flamand, Bỉ hay ở Vương Quốc Anh.

Cho đến nay, liên quan đến cuộc khủng hoảng Catalunya, các đối tác kinh tế - tài chính Châu Âu tỏ ra khắc nghiệt với Madrid hơn, tuy nhiên, mối quan hệ dễ dãi với Catalunya không thể kéo dài, với việc đe dọa di dời trụ sở của các cơ sở lớn ra khỏi vùng, giảm đầu tư, rút nhân lực trình độ cao.

Một kịch bản rất có khả năng xảy ra là, tình hình sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ đến mức mà đa số người Catalunya bác bỏ nguyện vọng độc lập, và thông qua một cuộc trưng cầu dân ý mới. Giống như ở Quebec trong những năm 1990 và Scotland năm 2014, áp lực kinh tế sẽ tạo điều kiện cho việc duy trì nguyên trạng.

Kinh tế gia của Le Monde nhấn mạnh là cuộc khủng hoảng Catalunya một lần nữa cho thấy rõ hội chứng "chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy tại các vùng giàu có", như ở xứ Bayern (nước Đức), miền bắc nước Ý, hay xứ Flamand, Bỉ. Dân Catalunya giàu hơn, ít thất nghiệp hơn và có trình độ công nghệ cao hơn hẳn mức trung bình của Tây Ban Nha.

Theo chuyên gia kinh tế Jean-Pierre Petit, cuộc khủng hoảng này cho thấy nhiều hơn nữa "tính chất ngây thơ" của dự án tiền tệ chung Châu Âu, về mặt lý tưởng được hình dung là sẽ "tự động dẫn đến sự hội nhập kinh tế". Tuy nhiên, ngay từ năm 2003, giải Nobel kinh tế Mỹ Paul Krugman đã khẳng định việc xây dựng liên minh tiền tệ Châu Âu, ngược lại, có thể làm gia tăng sự phân hóa giữa các khu vực. Bất chấp nhiều thập niên xây dựng khối, bất bình đẳng giữa các vùng vẫn còn là một thách thức lớn đối với Liên Âu.

Đòi độc lập : Chính quyền Catalunya "chơi hiệp phụ"

Libération ghi nhận, "cho dù chủ tịch vùng Catalunya Carles Puidgemont, chính thức tuyên bố độc lập, hôm qua, trước Nghị viện xứ này, nhưng ngay lập tức ông cũng tuyên bố ‘‘đình chỉ’’ việc áp dụng (quyết định này) và dành thời gian cho đối thoại".

Thông tín viên François Musseau của Libération tại Madrid cho biết lãnh đạo vùng Catalunya không có lựa chọn nào khác là giải pháp câu giờ nói trên, bởi một mặt ông không thể nói ngược lại hàng triệu người đang sôi sục đòi độc lập, trong lúc tuyên bố độc lập cũng có nghĩa là ngay lập tức sẽ trở thành đối tượng trấn áp của chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, đối thoại mà chủ tịch vùng Catalunya đề nghị rồi sẽ đến đâu, bài xã luận mang tựa đề "Nguy hiểm", nhấn mạnh là : "xứ Catalunya đang chuẩn bị nhảy vào một khoảng không vô định. Trước hết bởi vì, trong hiện tại, người ta không biết là hơn 50% cư dân còn lại của xứ này có thực sự mong muốn độc lập hay không (…).

Tiếp theo đó, bởi vì một quyết định chính trị cần được phán xét theo những hệ quả của nó. Sự ly khai của Catalunya chắc chắn sẽ kích thích một đòi hỏi tương tự tại xứ Basque (Tây Ban Nha). Đây có phải là điều thực sự đáng mong muốn hay không ? Và lý do cuối cùng là, theo các quy định của Liên Hiệp Châu Âu, một xứ Catalunya độc lập ắt hẳn sẽ buộc phải rời khỏi Liên Hiệp. Catalunya có muốn như vậy không ?".

Libération kết luận : "Nói một cách khác, trong vụ việc này, tất cả cho thấy là cần phải có một thảo luận nghiêm túc về tương lai của một xứ, có ảnh hưởng đến vận mệnh của toàn thể một đất nước. Chỉ còn vài tuần lễ thôi để tránh khỏi điều tồi tệ nhất. Thỏa hiệp dù theo kiểu gì đi nữa cũng đáng quý hơn là sự đụng độ ngu xuẩn của các chủ nghĩa dân tộc".

Mặc cảm lớn giữa Catalunya và Madrid

Vẫn về chủ đề khủng hoảng Catalunya, La Croix có bài tổng thuật về "những mặc cảm và sự không thông hiểu giữa Madrid và Barcelona". Trong lúc, Tây Ban Nha sẽ long trọng cử hành lễ Quốc Khánh vào ngày mai 12/10, thì nỗi ám ảnh lớn nhất của Madrid lại chính là Barcelona, nơi đa số dân chúng coi mình là nạn nhân của Tây Ban Nha. Ngược dòng lịch sử, chiến thắng năm 1714 của quân đội Pháp, áp đặt quyền lực của vương triều Pháp lên xứ này, một thất bại của người Catalunya lại được coi là một ngày hội dân tộc, ngày diada.

Bất đồng Catalunya và Tây Ban Nha không chỉ là lịch sử. Về mặt tài chính, người dân xứ này cho rằng họ là nạn nhân của chính quyền trung ương, bởi các chính sách hết sức bất công. Trong lúc Catalunya phải trả đến một nửa số thuế thu được cho Madrid, xứ Basque lại chỉ phải trả có 5%.

Châu Âu cần "liên bang" ở mỗi nước, mỗi quốc gia

Trở lại với vấn đề Catalunya đòi độc lập, Libération có bài phỏng vấn chủ tịch các đảng phái theo xu hướng tự do tại Nghị Viện Châu Âu, cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt. Bài phỏng vấn mang tựa đề : "Nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ có một Liên Hiệp Châu Âu với 75 quốc gia".

Đối với lãnh đạo các đảng phái tự do Liên Âu, cần "tạo điều kiện để các dân tộc tồn tại trong lòng các quốc gia", và điều này không hề mâu thuẫn với thể chế Liên bang mà Châu Âu cần hướng tới. Châu Âu cần đến một thể chế liên bang ở mỗi quốc gia, cũng như trên quy mô toàn Châu lục.

Chính trị gia Guy Verhofstadt bày tỏ hy vọng các bên sẽ "tỉnh táo" để tránh khỏi các hệ quả nguy hiểm trong vụ đòi độc lập ở Catalunya.

Buôn bán với Trung Quốc : Châu Âu "vùng lên"

Vẫn tại Châu Âu, nhưng về quan hệ với Trung Quốc, báo Les Echos có bài phân tích về một nỗ lực mới bất ngờ của Liên Hiệp Châu Âu, để tránh được chiếc bẫy "kinh tế thị trường" với Bắc Kinh. Trận chiến nói trên đã có thể đã kết thúc với kết quả xấu, "nếu không có sự kiên cường của Nghị Viện Châu Âu".

Cuối năm 2016, 15 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Liên Âu buộc phải xem xét việc chấp nhận cho quốc gia này được hưởng quy chế kinh tế thị trường, tuy nhiên, làm thế nào để Châu Âu có thể không bị hàng xuất khẩu Trung Quốc đè bẹp, mà rất nhiều trong số đó bị nghi được chính quyền trợ giá mạnh ?

Bài viết mang tựa đề : "Buôn bán với Trung Quốc : Sự vùng lên của Châu Âu" điểm lại các nỗ lực của Châu Âu trong hơn một năm qua, và nhấn mạnh là trong quá trình tìm kiếm biện pháp đối phó với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu đang thoát khỏi vị thế của "một anh chàng ngốc trong ngôi làng toàn cầu" (diễn đạt của Emmanuel Maurel, một đại diện thương thuyết của Nghị Viện Châu Âu) về mặt thương mại, để bắt đầu "cuộc lột xác".

Theo luật sư Oliver Prost, việc hiện đại hóa các công cụ bảo vệ thương mại của Liên Âu trong một thời gian dài bị bế tắc, nay bắt đầu được khai thông. Cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2016 tại Nghị Viện Châu Âu với đa số áp đảo, như một hồi chuông cảnh báo Ủy Ban Châu Âu không được đầu hàng trước Trung Quốc.

Trong cuộc chiến xây dựng khả năng tự vệ trước sự lấn lướt của Trung Quốc về kinh tế, Liên Âu đã vượt qua được đối kháng giữa nhóm nước phía bắc, thiên về mở cửa kinh tế, và nhóm nước phía nam thiên về bảo hộ. Đức thay đổi quan điểm đã cùng với Pháp và Ý ký kết một sáng kiến chung, yêu cầu gia tăng sức mạnh phòng thủ của Châu Âu.

Tháng 11/2016, Ủy Ban Châu Âu ra được một văn bản quy định việc chống phá giá, để vừa lách khỏi khó khăn pháp lý mà Trung Quốc giương ra, vừa bảo tồn cho Châu Âu khả năng tự vệ. Một văn bản được đánh giá là "khéo léo". Để ra được một sáng kiến như vậy, tiểu quốc Malta – với tư cách là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp – đã "đóng một vai trò đặc biệt".

Theo Les Echos, còn quá sớm để ăn mừng chiến thắng, các nỗ lực của Châu Âu vừa qua chỉ cho phép khối này tránh được "điều tồi tệ" nhất, trong lúc thế lực của Trung Quốc là "mạnh hơn bao giờ hết" (một số nước Châu Âu, như Bồ Đào Nha, Hy Lạp quá phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc. Đầu tư Trung Quốc vào Châu Âu riêng trong năm ngoái bằng 10 năm trước đó cộng lại).

Dù sao điều này cũng cho thấy nếu đoàn kết và sáng tạo trong phương pháp, Liên Âu có thể có những đột phá. Một Châu Âu "bảo vệ" được người dân, như điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trương, đang dần dần hình thành.

Hạt nhân Iran : Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có thể mất chức

Về tình hình nước Mỹ, Les Echos chú ý đến các đồn đại về sự ra đi sắp tới của ngoại trưởng Tillerson và kể cả bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, do những bất đồng với tổng thống Trump. Riêng về bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, theo Les Echos, lý do là lập trường đối lập với tổng thống Trump trong hồ sơ hạt nhân Iran. Trước Thượng Viện Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis bảo vệ hiệp ước với Iran, và khẳng định điều này có lợi cho an ninh của Hoa Kỳ.

Từ đây đến 15/10, tổng thống Trump sẽ phải đưa ra quyết định bác bỏ hay phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân với Iran. Một nghị sĩ Cộng Hòa, ông Bob Corker, lo ngại "thái độ không nhìn xa" của tổng thống Mỹ có thể đưa Hoa Kỳ vào con đường "Chiến tranh Thế giới thứ Ba".

Phim mới : "Xưởng viết", chân dung hiếm thấy về xã hội Pháp

Báo chí Pháp dành nhiều lời ca ngợi cho bộ phim "Atelier" (tạm dịch là "Xưởng viết"). Les Echos nhận xét đây là một bộ phim "đáng ngạc nhiên nhất" trong thời gian gần đây, về chân dung nước Pháp đương đại. "Xưởng viết" là câu chuyện một nhà văn nữ giúp các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, cùng viết tiểu thuyết trinh thám. "Một chiếc cầu giữa hai thế giới" là bài viết trên La Croix về bộ phim. Đạo diễn phim "Xưởng viết" là Laurent Cantet, tác giả của "Entre les Murs" (Trong lớp học), Cành cọ vàng 2008.

Trọng Thành

Published in Quốc tế