Quyết định ký tuyên bố độc lập rồi yêu cầu Nghị viện "đình hoãn thi hành"của chủ tịch vùng Catalunya có thể làm cho xung khắc giữa Barcelona và Madrid nghiêm trọng thêm. Mưu kế của Carles Puigdemont : nhượng bộ về hình thức nhưng bước quyết định ly khai đã đạp lên làn ranh đỏ.
Chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdemont ký tuyên bố độc lập ở Barcelone, ngày 10/10/2017. Reuters/Albert
Ngày thứ Ba 10/10/2017, phải mất nhiều tiếng đồng hồ trễ hơn dự kiến, chủ tịch Catalunya mới ký tuyên bố "Catalunya là một nước Cộng hòa, độc lập". Nhưng ngay sau đó ông đình hoãn hiệu lực để hé mở cánh cửa đối thoại với Madrid mà không ấn định thời gian.
Theo giới phân tích, thái độ ngập ngừng này của chủ tịch vùng Catalunya thể hiện chiến lược trung dung. Sau khi làm hài lòng phe ly khai, chủ tịch Catalunya tỏ ra thực tế trấn an những phe đối nghịch. Khi yêu cầu nghị viện địa phương "đình hoãn" áp dụng tuyên bố độc lập, Catalunya tiếp tục sinh hoạt như không có chuyện gì xảy ra : không bỏ đồng euro, không lập ngân hàng trung ương riêng, không phân định biên giới…
Nói cách khác, chuyện ly thân với Tây Ban Nha chỉ là lý thuyết nhưng sẽ được sử dụng để gây áp lực buộc Madrid đàm phán trong thế yếu. Một trong những yêu sách cốt yếu nhất là buộc Madrid phải chấp nhận tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, hợp pháp, không cản trở để qua đó buộc phải thừa nhận Catalunya độc lập. Phe ly khai vẫn tin chắc là sẽ giành được đa số như kết quả cuộc trưng cầu dân ý địa phương ngày 01/10 với 90% phiếu thuận cho dù tỷ lệ đi bầu chỉ có 43%.
Thế nhưng, chính phủ Tây Ban Nha không để bị động. Theo phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria, Madrid có nhiều "phương án" để đối phó. Một trong những phương án của chính phủ Madrid được bàn thảo trong ngày thứ Tư hôm nay (11/10), chắc chắn sẽ có điều 155 của Hiến Pháp, với những "biện pháp đặc biệt, đối phó với tình trạng đặc biệt".
Có hai sự kiện chính trị làm thủ tướng Mariano Rajoy tự tin hơn :
- Thứ nhất, công luận Tây Ban Nha thức tỉnh. Hơn 350 ngàn người chống Catalunya ly khai xuống đường tại Barcelona hôm Chủ Nhật 08/10.
- Thứ hai,đảng Xã hội, đối lập, lúc đầu chống sử dụng điều 155 của Hiến Pháp, lấy lại quyền tự trị của Catalunya, nay dứt khoát ủng hộ xu hướng toàn vẹn lãnh thổ.
Cho dù Carles Puigdemont nói cứng : "dân chủ đứng trên hiến pháp" nhưng sự kiện ông do dự suốt ngày hôm qua thể hiện sự rạn nứt trong nội bộ phe ly khai. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, không muốn đi theo cuộc phiêu lưu đầy bất trắc của phe ly khai, đã bắt đầu rút chân khỏi Catalunya.
Biết đối phương chia rẽ, chính quyền Madrid quyết tâm đi đến cùng, bác bỏ đề nghị của Barcelona kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hay Thụy Sĩ đứng ra làm trung gian hòa giải.
Viễn ảnh một cuộc đọ sức kéo dài gây thiệt hại cho quyền lợi chung liệu có làm cho hai bên xuống thang hay không ? Và bằng cách nào rút lại "tuyên ngôn độc lập" mà không làm mất mặt nhà lãnh đạo dấn thân đấu tranh đòi Catalunya tự chủ từ năm 20 tuổi ?
Tú Anh