Một điều có thể đoán trước, là năm nay số người đi bỏ phiếu sẽ lên cao. Cử tri cả hai đảng đều có những lý do để được khích động đi bỏ phiếu.
Mỗi cuộc bầu cử ở nước Mỹ đều "không giống ai". Năm nay, kết quả các cuộc nghiên cứu dân ý trồi sụt rất bất thường.
Mỗi năm dân Mỹ đi bỏ phiếu, báo chí lại đăng kết quả các cuộc nghiên cứu dư luận để tiên đoán ai sẽ đắc cử hay đảng nào sẽ thắng. Có thể tin các dự đoán của họ hay không ?
Khi cuộc nghiên cứu tiên đoán ai sẽ thắng tại những tiểu bang "ngang ngửa" thì không nên tin. Đó là những nơi nhiều người dân hay đổi ý kiến ; khi thì đảng này, khi thì đảng khác, không chắc bên nào chiếm đa số phiếu. Không nên tin ngay, vì chính tác giả các cuộc nghiên cứu đã báo trước cần dè dặt.
Thí dụ, kết quả cuộc nghiên cứu cho biết trong hai ứng cử viên, ông A được 47% ủng hộ, bà B được 44%, A đắc cử ; nhưng họ kèm theo một chú thích nói rằng sai số là 4%. Với sai số 4%, ông A có thể chỉ được 45% còn bà B được 46% số phiếu ; là bà B thắng !
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho thấy những sai lầm nho nhỏ khi nghiên cứu dư luận cử tri gây kết quả bất ngờ. Hầu hết các cuộc nghiên cứu đều tiên đoán bà Hillary Clinton đủ số phiếu cử tri đoàn để lên làm tổng thống. Họ đã đoán sai ở ba tiểu bang ngang ngửa. Bà Clinton thiếu tổng cộng 77.000 lá phiếu tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Ba nơi là đủ mất một số phiếu cử tri đoàn vào tay ông Donald Trump ; bà Clinton thất cử.
Tại sao nhà nghiên cứu lại biết được những sai số như vậy ? Vì họ làm việc theo phương pháp môn thống kê học. Đó là một khoa học rất nghiêm ngặt, phát triển ở Anh quốc trong các thế kỷ 16, 17 bắt đầu từ ngành canh nông. Người nghiên cứu chuyên nghiệp phải rất thận trọng, vì đó là một nghề "kiếm ăn" cần phải giữ tiếng. Nghiên cứu dư luận về chính trị thì có tiếng, giữ tiếng để các công ty nhờ nghiên cứu tiếp thị, thí dụ, tìm hiểu sở thích của người tiêu thụ. Nhưng chỉ tìm và hỏi ý kiến 1.000 người trong một tiểu bang thì kết quả không thể nào đúng như khi hỏi tất cả mọi người. Vì vậy thế nào cũng sai, cần cho biết tỷ số sai lầm lớn hay nhỏ.
Kết quả nghiên cứu đúng sát với sự thật được bao nhiêu tùy thuộc vào số người trong "mẫu" (sample) được chọn để phỏng vấn. Quan trọng nhất là họ có tiêu biểu cho thành phần cử tri sẽ đi bầu trong tiểu bang hay trong đơn vị hay không. Trong hơn 500 người, hay hơn 1.000 người được chọn vào "mẫu" có bao nhiêu nam, bao nhiêu nữ, tỷ lệ mỗi lớp tuổi có giống tỷ lệ trong dân chúng hay không. Tỷ lệ về màu da, sắc tộc, tôn giáo, lợi tức, vân vân, cần phù hợp với tình trạng thật. Phương pháp thống kê học sẽ cho biết sai số, tức là kết quả có thể sai lầm là mấy phần trăm, dựa trên số người được phỏng vấn.
Cũng trong cuộc bầu cử năm 2016, các công ty nghiên cứu có thể đã phạm lỗi khi chọn những cử tri được đưa vào trong "mẫu" để phỏng vấn. Thứ nhất, chắc họ đã "bỏ sót" nhiều cử tri nòng cốt của ông Trump, không được nghe họ cho biết ý kiến. Những người này có thể sống ở nông thôn, lớn tuổi, không qua đại học ; họ từ chối trả lời các cuộc phỏng vấn vì họ vốn không tin các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ nhì, các người nghiên cứu có thể đã phỏng vấn số người ủng hộ bà Clinton nhiều hơn tỷ lệ thật của họ trong đám các cử tri đi bỏ phiếu. Khi được phỏng vấn, nhiều cử tri của bà Clinton nói rằng họ sẽ đi bỏ phiếu ; đến ngày bỏ phiếu thật thì họ ở nhà vì quá tin tưởng thế nào bà cũng thắng.
Sau khi bị mang tiếng vì những sai lầm trong năm 2016, các công ty nghiên cứu dư luận đã chỉnh đốn cách làm việc ; năm 2020 kết quả có khá hơn. Nói chung, đa số đoán trúng ông Biden đắc cử và đảng Dân chủ thắng ở Quốc hội. Nhưng vẫn nhiều chi tiết sai lầm. Nhiều công ty nghiên cứu đoán đảng Dân chủ sẽ chiếm 52 ghế nghị sĩ Thượng viện, trong đó có Maine và North Carolina,, nhưng cuối cùng họ thua và chỉ được 50 ghế.
Trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống năm 2020, công ty RealClearPolitics đã tổng hợp nhiều công ty nghiên cứu dư luận khác, nói chung đã đoán trúng kết quả tại 48 tiểu bang, nhưng đoán ông Trump thắng ở Georgia và ông Biden thắng ở Florida thì hoàn toàn sai.
Theo tính toán của Peter Baker, trong cuốn Divider mới xuất bản, thì năm 2020, nếu ông Trump được thêm 76,515 cử tri ủng hộ, chia cho bốn tiểu bang Arizona, Georgia, Nevada, và Wisconsin vừa đủ để chiếm đa số, thì ông đã thắng ông Biden rồi ! Con số này cũng không khác con số 77.000 năm 2016 ! Nhưng chưa bao giờ sự thắng bại trong cuộc chạy đua giành chức tổng thống lại được quyết định bằng 537 phiếu, như ông Al Gore thua ông Bush ở Florida năm 2000 !
Mỗi cuộc bầu cử ở nước Mỹ đều "không giống ai". Năm nay, kết quả các cuộc nghiên cứu dân ý trồi sụt rất bất thường. Đầu năm, hầu hết thấy đảng Cộng hòa có hy vọng tái chiếm đa số ở hai viện quốc hội. Điều này dễ hiểu, vì trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ một vị tổng thống, đảng của ông ta thường vẫn hay thua. Dân Mỹ muốn lập thế cân bằng giữa hai đảng. Năm nay, đảng Dân chủ không những nắm chức tổng thống mà còn kiểm soát cả hai viện quốc hội, nhu cầu "kiểm soát để cân bằng" cao hơn nhiều.
Nhưng đến giữa năm thì dư luận có vẻ thay đổi ; chính Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa ở Thượng viện phải công nhận đảng ông chắc sẽ lật ngược thế cờ ở Hạ viện nhưng ở viện trên thì hơi khó. Đến tháng Chín, các cuộc nghiên cứu lại khám phá ra ý dân đã thay đổi. Đảng Cộng hòa có thể chiếm đa số ở Hạ viện nhưng không nhiều lắm, còn ở Thượng viện thì hai đảng nghiêng ngửa bằng nhau. Trong tháng cuối cùng trước ngày bỏ phiếu, dân Mỹ còn tiếp nhận được nhiều tin tức, và còn có thể thay đổi ý kiến.
Một điều có thể đoán trước, là năm nay số người đi bỏ phiếu sẽ lên cao. Cử tri cả hai đảng đều có những lý do để được khích động đi bỏ phiếu. Những người thích Cộng hòa muốn "phục thù" cú thua đậm trong trận đấu 2020, mất cả hành pháp lẫn lập pháp. Họ có quân bài mạnh để tấn công đối thủ, là nạn lạm phát và tình trạng kinh tế suy yếu. Cả hai sẽ còn nặng nề qua ngày bỏ phiếu, và có thể kéo dài hàng năm sau. Hai yếu tố khích động những người ủng hộ đảng Dân Chủ là vụ Tối cao Pháp viện xóa bỏ quyền phá thai theo án lệnh Roe v. Wade, và hình ảnh cựu Tổng thống Donald Trump vẫn xuất hiện đều đặn.
Một tháng nữa chúng ta sẽ biết kết quả cuộc bầu quốc hội năm nay. Những người muốn bảo vệ quyền phá thai sẽ hăng hái đi bỏ phiếu nhiều hơn để cảnh cáo phe bảo thủ ? Hay những người nổi giận về về giá xăng dầu và thực phẩm lên cao muốn đi bỏ phiếu nhiều hơn để trừng phạt ông Joe Biden ? Tháng 11 dân Mỹ sẽ trả lời hai câu hỏi đó.
Người Việt Nam trong nước quan tâm đến bầu cử nước Mỹ còn hơn bầu cử nước mình, đó là một hiện thực. Bởi vì cuộc tranh cử nước Mỹ hấp dẫn và khó đoán, bởi vì tổng thống Trump nhen nhúm cho người Việt hy vọng kháng cự lại với Trung quốc nghênh ngang thoải mái ngoài Biển Đông.
Trưa ngày 3/11, một chiếc xe Ford Escape xuất hiện trên đường Sư Vạn Hạnh Thành phố Hồ Chí Minh với cờ và băng rôn ủng hộ tổng thống Donald Trump thắng cử
Và cũng bởi một sự thật đau đớn nhục nhã mà người Việt đang cố giả vờ say sưa với cuộc bầu cử nước Mỹ để tìm quên, đó là người Việt không có quyền chọn Tổng thống cho mình.
Người Việt đã không thể cầm trong tay lá phiếu đích thực kể từ khi chế độ độc tài toàn trị áp đặt lên đất nước Việt Nam. Mặc dù cái quyền bầu cử ghi rành rành trong hiến pháp nhưng người Việt chưa bao giờ được sử dụng nó một cách thật sự.
Nói ra cứ như một sự cay cú báng bổ vào các vị lãnh đạo vì nước vì dân kia… nhưng thật đấy, thật 100%, các bạn cứ gặp thẳng một người dân bất kỳ để hỏi xem họ có bầu cho ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, làm chủ tịch nước không, khi nào và ở đâu chuyện ấy xảy ra, đố ai biết có thằng nhân dân nào ở đấy không.
Rồi các ông ấy có tranh cử, có thuyết trình, có tranh luận như ông Trump và ông Bai-Đần hay không ?
Nói ra thấy buồn cho đất nước cho dân mình như một bầy cừu dưới cái roi của Đảng, cứ mỗi 5 năm lại được ngắm những băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp nơi "sáng suốt lựa chọn người tài đức" rồi "bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân", nhưng tất cả đều là những trò hề giễu cợt như những tượng đài trăm tỷ nghìn chế giễu dân nghèo càng ngày càng mọc ra như nấm sau mưa.
"Có thật người Việt Nam lo cho nước Mỹ hơn nước Việt ?" là chủ đề mà Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đặt ra và bình luận trên Facebook cá nhân của mình. Ông viết :
"Từ mấy tháng trước, hàng triệu người Việt Nam đã dành nhiều thời gian và tâm trí cho bầu cử Tổng thống Mỹ. Càng đến gần ngày bầu cử thì sự quan tâm của người Việt đến bầu cử Tổng thống Mỹ càng gia tăng. 3 ngày hôm nay thì cả chục triệu người Việt Nam mất ăn mất ngủ vì bầu cử Tống thống Mỹ. Và sự mất ăn mất ngủ của hàng triệu người Việt Nam vì bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ còn kéo dài nhiều ngày nữa.
Không chỉ mất ăn mất ngủ, mà bầu cử Tổng thống Mỹ còn gây chia rẽ trong xã hội người Việt. Sự chia rẽ xẩy ra không chỉ ở nước diễn ra bầu cử là Mỹ, mà sự chia rẽ diễn ra ngay tại Việt Nam. Chia rẽ không chỉ ở mức tranh cãi, mà đến cả mức hủy bỏ bạn bè.
Sự chia rẽ sẽ còn hằn sâu ít nhất là thêm 4 năm nữa cho đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.
Ở Việt Nam, hiện có nhiều cuộc bầu cử. Hết ngày này sang ngày khác, hết tỉnh này sang tỉnh khác đang diễn ra các cuộc bầu cử. Bầu cử diễn ra bất chấp các cơn bão giật cấp 10-12, bất chấp các cơn lũ lịch sử nước ngập mái nhà, bất chấp các trận sụt lở kinh hoàng cướp đi nhiều mạng sống. Đó không phải các cuộc bầu cử hội đoàn. Đó là các cuộc bầu cử chọn người đứng đầu một tỉnh – quyết định sự giàu sang của cả triệu cư dân trên địa bàn tỉnh. Còn sắp tới là cuộc bầu cử liên quan đến vận mệnh của cả 100 triệu dân Đất Việt.
Thế mà tại sao người Việt lại ít quan tâm đến bầu cử ở nước mình ? Có phải người Việt lo cho nước Mỹ hơn nước Việt ?
Đây là những câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng cần phải tìm ra câu trả lời. Nhất là ở vị trí lãnh đạo – từ cấp xã cho đến cấp trung ương thì càng phải trả lời.
– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử có số phiếu bầu trúng cử 100% ?
– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử bởi vì chỉ có 1 người duy nhất để bầu chọn ?
– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử được định đoạt trước khi bầu cử diễn ra ?
– Đó có phải là vì ở Việt Nam việc bầu cử chỉ là thủ tục hợp pháp hoá cho một quyết định trước đó ?
– Đó có phải là vì ở Việt Nam bầu cử không liên quan đến số đông hàng chục triệu cử tri ?
– Đó có phải là vì ở Việt Nam người thắng cử chưa đưa lại được những thay đổi có lợi lớn lao cho đa số dân chúng ?
Luật sư Lê Công Định phải bộc lộ cụ thể là mình ủng hộ tổng thống Trump để tránh việc bị phe cuồng Trump công kích
Có thể nối dài các câu hỏi tương tự. Đó là cách tốt nhất để trả lời tại sao người Việt Nam chưa quan tâm đến bầu cử ở Việt Nam như quan tâm đến bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhưng mọi sự đều có nguyên do. Người Việt Nam quan tâm đến bầu cử Tổng thống Mỹ cũng là vì Việt Nam.
Ai trở thành Tổng thống Mỹ là quyền của cử tri Mỹ. Nhưng ai trở thành Tổng thống Mỹ mà có lợi hơn cho người Việt Nam thì người Việt Nam ủng hộ người đó nhiều hơn.
Nhưng người Việt Nam mất ăn mất ngủ vì bầu cử Tổng thống Mỹ chính còn vì một nguyên nhân khác nữa. Đó là ước mơ. Đợi chờ một ngày Việt Nam có cuộc bầu cử mà toàn dân mất ăn mất ngủ". Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu quan điểm.
Có thể nói sự quan tâm của người dân Việt Nam đối với cuộc bầu cử ở nước Mỹ là hơn hẳn rất xa so với các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Người Việt xem bầu cử Mỹ mà hồi hộp không thua gì xem giải bóng đá thế giới World Cup.
"Chu choa mạ ơi – coi bầu cử mà nó đau tim hồi hộp còn hơn chuẩn bị nhận lời cầu hôn vậy" FB Chua Chua My, một cô gái xinh đẹp ở lứa tuổi ngoài 20 đưa ra lời bình luận.
Ông Bùi Văn Cường (bìa phải) người bị tố cáo đạo văn luận án tiến sĩ đến 70% nhưng vẫn tái đắc cử chức bí thư tỉnh Đắc lắc với 100% lá phiếu trong cuộc bầu cử chỉ có 1 ứng cử viên duy nhất là chính ông
Fanpage Cô bé Cát Linh ở Hà nội, cũng là một cô gái trẻ, đưa ra lời bình luận :
"Nhảy vô Facebook của Trump. Ông này đang livestream kêu gọi người dân ủng hộ mình, và thuyết phục người dân đi bầu cử.
Nhảy sang Joe Biden, ứng viên đang chạy đua vào Nhà Trắng với Trump. Đang nói đến khản cổ để người dân bỏ phiếu cho mình. Đang thề thề hứa hứa với cử tri…
Hai ông này dìm nhau như chưa bao giờ được dìm. Thể hiện mình như chưa bao giờ được thể hiện. Xem hai bên cũng vui.
Từ qua tới giờ thì bạn bè khắp nơi cũng nhắn tin quá trời vì bầu cử ở "Mỹ". Lạ lắm luôn.
Trong suốt cuộc đời còn lại không biết mình có được ai THUYẾT PHỤC để đi bỏ phiếu không nữa. Mà bỏ phiếu điện tử chứ không bỏ vào thùng đổ ra đếm nhá !!! Không biết có ai đưa ra những kế sách cho quốc gia để thuyết phục mình không nữa.
Bầu cử Tổng thống Mỹ thôi mà cả thế giới cãi nhau um tỏi. Bao giờ tổng thống nhà mình mà cãi nhau như vậy thì mới đáng quan tâm nhỉ !?" - cô bé Cát Linh nhận xét.
Theo dõi bầu cử nước Mỹ vì cảm tình với ông Trump, vì sự gay cấn của một kết quả khó dự báo, vì báo đài truyền thông và mạng xã hội liên tục đưa tin, khiến cho đa số người Việt đều bị lôi cuốn.
Tuy nhiên, giới Luật sư và nhà báo thì đa phần cảm thấy một sự thua thiệt mất mát rõ ràng của người dân Việt Nam đã gần trăm năm nay ở tình thế "Đảng cử dân bầu", việc tranh cử và vận động bầu cử công khai là tuyệt nhiên không có dưới chế độ độc đảng toàn trị.
Từng có ý kiến đòi hỏi sự dân chủ công khai trong nội bộ Đảng mỗi kỳ bầu bán, tuy nhiên các vị lãnh đạo Đảng hầu như cũng không cần đối đáp, không cần trả lời trả vốn gì cho ý kiến này của nhân dân.
Bởi thế mới có những danh từ có tính mỉa mai như "bầu bán", "chia ghế" để nói về bầu cử trong Đảng và cũng chính là sự quyết định các chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam, mà nhân dân không bao giờ có cơ hội can dự.
Cuộc tranh cử giữa Trump và Biden luôn gay cấn và chắc chắn sẽ có một kết quả sít sao
Một bài viết có tựa đề hơi lạ – MỘT DÂN TỘC ĐÓI KHÁT – của bác sĩ Võ Xuân Sơn, nhằm diễn tả sự đói khát quyền bầu cử của người dân Việt khi nhìn vào nước Mỹ.
"Bạn đã bao giờ ngồi ăn mà có cả đám đứng nhìn bạn ăn mà thòm thèm, thậm chí có đứa chép miệng, xuýt xoa chưa ?
Đã mấy chục năm nay, tôi không gặp lại cảnh ấy. Hoặc có thể chuyện ấy vẫn xảy ra mà tôi không hề nhận thấy, do tôi quá bàng quang với thế giới quanh mình. Dân Việt Nam bây giờ không còn nhiều người phải thiếu thốn đồ ăn đến mức đi nhìn miệng người ta ăn nữa. Ngay cả những gia đình bị bão lũ cô lập, cũng đã được những cô Tiên, những nhà hảo tâm mang đồ ăn đến tận nơi.
Thế nhưng ngày hôm nay, 4/11/2020, giờ Việt Nam, thì tôi lại thấy cảnh đó, suốt cả ngày. Tôi nhận thấy, không phải chỉ một đám người, mà là gần như cả một dân tộc, đang đói khát, và đang hau háu, đang lom lom dòm người ta no nê, phủ phê.
Tôi nhìn thấy dân Việt Nam hào hứng với cuộc bầu cử ở tận bên Mỹ. Đúng rồi, sự tự do bầu cử, tự do bình luận, tự do biểu cảm chính là thứ mà dân tộc này đang đói khát. Và dân Mỹ đang no nê.
Sự thèm khát được quyền tự mình chọn lựa người lãnh đạo đất nước của mình, sự khát khao được bình luận thoải mái về những người sẽ và đang lãnh đạo đất nước mình, sự đói khát hình ảnh một lãnh đạo dám đối đầu với Tàu cộng, đã khiến hàng chục triệu dân Việt Nam trở thành những kẻ hau háu, lom lom dòm vào miệng người ta, khi người ta đang thưởng thức bữa tiệc tự do, dân chủ của họ.
Thương thay cho một dân tộc đang đói khát", bác sĩ Võ Xuân Sơn bộc lộ cảm xúc.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh thì nói ngay rằng mình đã 40 tuổi mà chưa đi bầu cử lần nào. Ông viết :
"Tôi gần 40 tuổi, mà thật lòng là chưa từng đi bầu cử lần nào. Nhiều bạn bè của tôi, cũng không đi bầu vì không tin kết quả.
Mà thật ra, danh sách để cho dân bầu, ai cũng "tài đức" như nhau. Cho dù ai lên hay xuống, cũng vô địch muôn năm 100%. Bầu cử ở mình anh nào cũng 100%, cũng như tỷ lệ học sinh xuất sắc 100% dù có em lên lớp 2 chưa biết chữ, cũng như cả nước ta là khu phố văn hóa nhưng mở cửa ra là đạp cứt chó, gia đình văn minh có con chém mẹ và đường phố an toàn đang lái xe thì bị nước miếng phun vô mặt…
Mấy năm nay, thấy dân mình quan tâm bầu cử ở Mỹ, thấy buồn quá. Người ta chọn ông Trump vì người ta cuồng ổng, người ta chọn ông Biden vì người ta… ghét ông Trump- chớ không phải vì cuồng ông Biden. Dân mình quan tâm bầu cử nước Mỹ, cũng như như cái cách yêu/ghét Trump vậy, họ chán cái tỷ lệ 100% giả dối nên con tình cảm đặt tuốt bên Mỹ – dù ông nào lên thì ổng cũng vì nước Mỹ chứ quan tâm gì xứ mình !
Thôi đi ngủ. Ông Biden hay ông Trump làm tổng thống, thì nước Mỹ vẫn vĩ đại.
Cũng như nước mình, ai lên thì cũng vô địch muôn năm". Nhà báo Trương Châu Hữu Danh đưa ra lời tâm sự.
Luật sư Phạm Công Út cũng kể trên Facebook rằng ông chưa từng đi bầu dù nay đã 60 tuổi.
"Xưa giờ tôi không nói chuyện chính trị, chính em. Nhưng nay nhân dịp bầu cử Tổng thống bên Hoa kỳ nên tôi mới có sự so sánh đối chiếu nho nhỏ của mình sau 60 năm cuộc đời", ông viết.
"Tính ra nay đã 45 năm, tính kể từ sau 30/4/1975, tôi chưa từng cầm cái thẻ cử tri để đi bỏ phiếu cho chính quyền các cấp. Có lẽ tôi tin tưởng tuyệt đối về sự lãnh đạo của đảng nên bầu hay không cũng chỉ là hình thức vô dụng thì đi bầu để làm gì cho mất thời gian. Vì đảng đã chọn ai thì hầu như mặc định, không cần lá phiếu của người dân làm chi để mắc công… kiểm phiếu, người đó cũng sẽ đậu.
Có lẽ vì thế mà dù cho tôi không đi bầu thì địa phương của tôi cũng đạt thường là 98,98% số cử tri đi bầu trở lên. Hỏi ra thì mới biết, có mấy ai đi bầu đâu mà đạt số cử tri đi bầu cực lớn như thế ?
Phường xã tới tận nhà lúc cuối giờ hối thúc đi bầu, cả nhà đưa cả chục thẻ cử tri cho một người để người đó muốn bầu ai thì bầu. Vì tin là đảng đã sắp xếp cả rồi.
Có nhà, ai cũng bận rộn, phường xã gom hết thẻ cử tri của cả nhà để… bầu thay. Thôi thì họ làm gì cũng được. Vì đảng đã chọn thì ai mà cãi lại.
Chỉ có nội bộ của họ có thể vì giành ghế mà đấu nhau quyết liệt, nhưng tôi chưa từng thấy vụ án hình sự nào về hành vi gian lận bầu cử đã nổ ra, cho dù nội bộ những nơi bầu bán nổ vào nhau còn hơn tiếng súng ran trời.
Tất nhiên, người ngoài đảng đừng mơ việc tự ứng cử vào một chức vụ ở một ghế chính quyền nào đó. Chỉ có thể họ có một cái lý lịch đỏ chót, chẳng qua là để đó, từ từ kết nạp đảng sau mà thôi". Luật sư Phạm Công Út bộc bạch.
Người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon ủng hộ ông Trump
Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà nội thì đưa ra dòng trạng thái tóm tắt một số kết quả bầu cử 100% ở Việt Nam rằng "Đông Lào thắng lớn, mỗi vị trí có một ứng viên" :
Ông Bùi Văn Cường tái đắc cử chức bí thư tỉnh Đắc lắc với kết quả 100% phiếu bầu.
Ông Dương Văn Thái trúng cử bí thư tỉnh Bắc Giang với 100% phiếu thuận.
Ông Hoàng Trung Dũng trúng cử bí thư Hà Tĩnh với 100% phiếu tín nhiệm.
Ông Vương Đình Huệ tái đắc cử bí thư Hà nội với 100% số phiếu.
Rồi các tỉnh Hà Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Điện Biên… đều có số phiếu 100% trúng cử cho một ông hay bà bí thư nào đó.
Phải công nhận rằng Việt Nam vô địch thế giới về khoản cái khoản bầu cử này". Luật sư Lê Quốc Quân chua chát bình luận.
Trung Nam (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 08/11/2020