Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, từng không được thông qua cách đây hơn 1 thập kỷ vì chi phí quá cao, vừa được chính phủ Việt Nam đưa ra xem xét trở lại và, theo truyền thông trong nước, dự án hơn 58 tỷ USD sắp được trình lên Bộ Chính trị để lấy ý kiến.
Khách du lịch chụp ảnh đoàn tàu hướng về Ga Hà Nội trên đoạn đường sắt xuyên qua nội đô. Một báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, từng bị Quốc hội từ chối cách đây hơn 10 năm, sẽ được trình lên Bộ Chính trị xem xét vào tháng 9.
Một báo cáo của Bộ Giao thông vận tải được VietnamNet trích dẫn nói rằng dự kiến trong tháng sau, Bộ này sẽ trình Bộ Chính trị, cơ quan quyết định hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam, xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố và có tộc độ tàu chạy tối đa 320km/h.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt mới dài 1.545km sẽ kết nối thủ đô Hà Nội ở phía Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính, ở phía Nam. Tuyến đường này sẽ bổ xung cho tuyến đường sắt dài hơn 1.729km được xây dựng dưới thời Pháp thuộc.
TheoVnExpress đưa tin hồi tháng trước, tuyến đường sắt mới sẽ được dùng để khai thác riêng cho tàu chở khách trong khi tuyến đường sắt cũ, hiện đang được khai thác để chở hành khách, sẽ được cải tạo để chở hàng.
Nghiên cứu cho dự án tuyến đường cao tốc mới được Bộ Giao thông vận tải bắt đầu thực hiện từ 2005. Bộ này cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua hồi năm 2009. Tuy nhiên tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2010, dự án đã không nhận được sự ủng hộ của các nhà lập pháp.
Dự án này lúc đó vấp phải phản đối từ dư luận – chủ yếu là báo chí và công chúng – vì bị cho là "không hợp lý" trong lúc nợ công của Việt Nam đã sát trần 65% GDP. Ngân hàng Thế giới hồi giữa năm 2010 từ chối tài trợ cho dự án mà họ cho là có quá nhiều tham vọng đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Một số nhà lập pháp lúc đó cũngchống đối gay gắt vì cho rằng dự án sẽ khiến đất nước chìm ngập trong nợ nần.
Việt Nam, trong những năm gần đây, đã trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Trong bối cảnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã đưa dự án này trở lại và vào tháng 2/2019 đã trình thủ tướng xem xét. Bộ này cho biết, với quy mô thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng vào tháng 7 cùng năm đã ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ Giao thông vận tải đầu năm nay đã trình báo cáo này lên Chính phủ và đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét.
Truyền thông trong nước cho biết, với tổng mức đầu tư toàn bộ dự kiến khoảng 58,7 tỷ USD, nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư phân kỳ theo 2 giai đoạn. Theo đó, Giai đoạn 1 đầu tư đoạn Hà Nội-Vinh và đoạn Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,72 tỷ USD. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư đoạn Vinh-Nha Trang, dự kiến hết 33,99 tỷ USD, để nối thông toàn tuyến.
Bộ Giao thông vận tải chưa đưa ra thông tin về nguồn tài chính đầu tư cho dự án nhưng vào tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong buổi tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) Maeda Tadashi, đã đề nghị ngân hàng này hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam.
Ông Chính, được VnExpress trích lời nói với ông Tadashi hôm 22/7, rằng phát triển đường sắt cao tốc Bắc-Nam có thể "theo tinh thần làm từng đoạn, dễ trước, khó sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm." Vẫn theo tờ báo này, chủ tịch JBIC nhất trí với đề nghị của ông Chính và khẳng định ngân hàng mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.
Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320km/giờ đi từ Hà Nội vào Vinh mất một tiếng, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay và kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt cao tốc chặng Hà Nội-Nha Trang dự kiến là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay và làm thủ tục, trong khi chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là 5,5 tiếng, dài hơn thời gian bay và làm thủ tục khoảng 1 tiếng.
Theo VnExpress, giá vé tàu tốc độ cao 320km/giờ dự kiến bằng khoảng 75% giá vé máy bay bình quân.
Nguồn : VOA 15/08/2022
Dự án cao tốc Bắc-Nam và nỗi lo Trung Quốc
Thanh Phương, RFI, 23/09/2019
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam vẫn gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam liên quan đến vấn đề đấu thầu quốc tế, vì nhiều người sợ là dự án mang tính chiến lược này lại lọt vào tay các công ty Trung Quốc.
Một đoạn đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai chạy qua tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/11/2014AFP PHOTO / HOANG DINH NAM
Ngày 16/09/2019, Việt Nam đã khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98km nối Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, với tiền đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Đây là phần đầu tiên của đại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau khoảng 2.100 km, chạy qua 32 tỉnh, thành phố và được đầu tư theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (2017 - 2020), Việt Nam dự kiến đầu tư xây 654 km, gọi là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chia làm 11 phần, trong đó có 3 phần là dự án đầu tư công, như trường hợp của đoạn đường Cam Lộ - La Sơn. Tám dự án còn lại sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hiện chính phủ Việt Nam đang sơ tuyển các nhà đầu tư cho 8 dự án đó trong khuôn khổ đấu thầu quốc tế.
Theo kế hoạch, Bộ Giao thông và vận tải tổ chức sơ tuyển quốc tế và dự kiến là trong tháng 09/2019 sẽ công bố kết quả sơ tuyển. Từ tháng 10/2019 họ sẽ thực hiện đấu thầu qua việc mời thầu và đến tháng 3/2020 mới công khai kết quả đấu thầu, để tháng 4/2020 ký hợp đồng dự án, sau đó dự án này sẽ được triển khai.
Nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa biết kết quả sơ tuyển thầu đường bộ cao tốc Bắc-Nam, bởi vì theo lời thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 04/09, đây là "tài liệu mật, không thể công bố".
Tuyên bố của vị thứ trưởng nói trên càng không giải tỏa được mối quan ngại rằng dự án cực kỳ quan trọng này lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.
Mối quan ngại này đã được nêu lên trong một bản kiến nghị đề ngày do 118 văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nước ký ngày 5/6/2019 gửi đến lãnh đạo Việt Nam, yêu cầu không để Trung Quốc làm đường cao tốc và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Kiến nghị yêu cầu : "Để có nguồn vốn lớn cho đầu tư, Nhà nước nên chủ động khai thác tiềm năng, tài lực nội tại của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân mà đến nay họ đã trở thành một lực lượng mạnh".
Bản kiến nghị viết thêm : "Còn nếu không đủ lực, trong trường hợp cần kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài, thì nên thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt. Đặc biệt, trong tình hình cụ thể của giai đoạn này, chúng ta không thể chấp nhận trao những con đường xương sống của đất nước, hay bất cứ đoạn nào của những con đường này, vào tay những nhà đầu tư và nhà thầu Trung Quốc".
Tuy không tham gia ký tên vào bản kiến nghị nói trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Hà Nội, cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này trên báo chí Việt Nam. Trả lời RFI Việt ngữ, bà Phạm Chi Lan giải thích :
"Tôi lên tiếng về việc này vì tôi thấy là đưa ra 8 dự án đó được đưa trong một thời gian rất gấp gáp. Khi thay mặt bộ Giao Thông báo cáo với Thường vụ Quốc Hội vào cuối tháng 4 về tiến triển của dự án đó, thứ trưởng bộ Giao Thông có cho biết là các công ty, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện để tham gia. Với các quy định hiện hành, một số nhà đầu tư quốc tế như Nhật Bản, Pháp, Anh, v.v… thì không mặn mà, và chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, muốn tham gia.
Khi thấy thông tin đó được đăng trên báo chí Việt Nam, tôi đã lên tiếng ngay lập tức, cho rằng việc này cần phải xem lại : những quy định được đưa ra như thế nào mà khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam bị loại ra ngay từ đầu, không đủ điều kiện để tham gia ? Những điều kiện đó là điều kiện gì, khắc nghiệt đến mức nào mà doanh nghiệp Việt Nam không tham gia được ?
Tám dự án đó có độ dài bình quân của mỗi dự án chỉ khoảng độ 60 km, với khổ rộng của đường chỉ là từ 4 đến 6 làn xe. Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam đã làm nhiều dự án còn lớn hơn thế nữa, họ toàn toàn có khả năng tham gia. Ở đây có thể bất ổn nằm ở ngay chính các quy định của nhà nước đưa ra như thế nào đó để loại họ ra ngay từ đầu. Điều đó là bất công, phi lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, tôi cũng thắc mắc là tại sao các nhà đầu tư khác lại không mặn mà ? Phải chăng là các quy định đó không đủ độ minh bạch cần thiết để cho các nhà đầu tư khác có thể yên tâm mà tham gia ? Tại sao chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc mặn mà ? Như vậy, cách thiết kế và đưa ra các dự án này phù hợp với cách làm của người Trung Quốc hơn, như họ đã từng tham gia và thắng thầu trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Trong bài của tôi, tôi cũng nói rõ là nếu như tham gia theo kiểu đường sắt Cát Linh- Hà Đông, tức là rơi vào tay Trung Quốc, thì ở đây nó bất ổn ngay từ đầu, từ cách ra đầu bài, đến toàn bộ quá trình chọn thầu và giám sát, để cho nó trở thành một dự án tệ hại như vậy. Với kinh nghiệm, với bài học rất xấu của đầu tư Trung Quốc về dự án giao thông đó, không nên để cho các dự án này chỉ rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc.
Sau khi bài báo của tôi được đăng trên nhiều kênh báo chí và đặc biệt là khi bài báo đến tay thủ tướng Phúc qua báo chí, thì thủ tướng đã ra chỉ thị và sau đó, bộ Giao Thông đã điều chỉnh lại quy định, theo cách để cho các các doanh nghiệp Việt Nam có thể liên doanh với nhau hoặc hợp vốn với nhau để đủ khả năng tham gia đấu thầu".
Trả lời kiến nghị nói trên của các nghệ sĩ, vào đầu tháng 7, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định : "Chủ trương này được nghiên cứu đầu tư trên tinh thần độc lập, tự chủ, không liên quan đến chính sách của bất cứ quốc gia nào". Vị bộ trưởng còn bảo đảm là việc đấu thầu sẽ được tổ chức "theo quy định của pháp luật về đấu thầu, xem xét chặt chẽ tất cả các điều kiện, tiêu chí của các hồ sơ dự thầu ; không chỉ quan tâm đến giá thầu mà còn xem xét các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, uy tín…".
Tuy nhiên, đối với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các luật lệ, quy định về việc đấu thầu quốc tế cho dự án đường cao tốc Bắc – Nam phải thật rõ ràng, minh bạch :
"Sau này, trên một số kênh khác, khi góp ý về cách làm PPP ở Việt Nam, tôi cũng đưa ra vấn đề tương tự : phải làm cho luật pháp và các quy định thật rõ ràng, minh bạch và có đủ thời gian cần thiết để cho các nhà đầu tư khác nhau có thể có được thông tin đầy đủ, hiểu đúng nhau về các yêu cầu của các dự án và từ đó họ có thể tham gia.
Thứ hai là Việt Nam cũng không nên đặt vấn đề đấu thầu chỉ căn cứ trên giá rẻ. Nếu nhà đầu tư nào đã chào giá rẻ, thì sau này cứ phải đúng giá đó mà làm, chứ nếu đội giá lên thì nhà đầu tư phải chịu, chứ không phải chính phủ Việt Nam chấp nhận trả thêm tiền nhiều lần, hoặc thời gian kéo dài quá lâu như trường hợp đường sắt Cát Linh – Hà Đông".
Sau khi bộ Giao Thông sửa đổi các quy định, đã có thêm các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển trong cuộc đấu thầu, nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thời gian vẫn còn quá ngắn để các doanh nghiệp Việt Nam kịp chuẩn bị :
"Theo những thông báo ban đầu của bộ Giao thông, sau khi đã điều chỉnh (các quy định), số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển vòng đầu trong cuộc đấu thầu cho 8 dự án này đã có tăng lên, nhưng cũng không thật nhiều.
Tôi cũng tiếc là thiếu những gương mặt của những nhà đầu tư lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam, mà ban đầu mọi người nghĩ là họ hoàn toàn có khả năng tham gia. Tôi cho ở đây có vấn đề là thời hạn quá ngắn, bởi vì khi điều chỉnh lại, như bộ trưởng Giao thông báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 5, thời gian còn lại để nộp đơn xin dự thầu chỉ kéo dài đến trước tháng 8 thôi, bởi vì tháng 8 là khóa thầu rồi và họ sẽ bất đầu sơ tuyển.
Thời gian quá ít thì ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam có muốn ngồi lại bàn với nhau để hợp vốn, hợp doanh, xem xét năng lực của các bên tham gia, ai mạnh về mặt gì và cùng nhau góp vốn như thế nào, thì họ cũng không có đủ điều kiện để hoàn tất những việc đó, để nộp đơn dự thầu với tất cả những lý lẽ và những điều kiện mang tính thuyết phục cao nhất.
Thứ hai, có lẽ họ cũng không có đủ thời gian để các nhà đầu tư lớn đưa vào kế hoạch tính toán của họ. Thông thường, các doanh nghiệp lớn, làm ăn quy củ, thường có một kế hoạch dài hạn, bỏ một số vốn khoảng vài nghìn tỷ vào một dự án mà trong một thời gian quá ngắn, ví dụ như chỉ có 3 tháng để quyết định, thì họ không đủ thời gian xem xét cần thiết. Khi tôi tìm hiểu một số nhà đầu tư, ví dụ như Nhật Bản, thì đúng như tôi phán đoán, đối với họ, thời gian quá ngắn, thành ra họ không quan tâm đến việc tham gia.
Thông thường, đối với những dự án như vậy, họ phải mất hàng năm trời để điều tra xem có đáng làm hay không, địa hình cụ thể những đoạn đường mà họ định tham gia như thế nào, điều kiện tự nhiên ra sao, yêu cầu kỷ thuật như thế nào, vốn liếng cần bao nhiêu, ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đoạn đường, cũng như yêu cầu của phía Việt Nam, từ đó họ tính toán xem có đảm bảo lợi ích kinh tế để tham gia hay không.
Một vài khía cạnh về chính sách của Việt Nam cũng có thể làm cho họ băn khoăn, ví dụ như các vấn đề về tỷ giá. Như vậy là cả nhà đầu tư Việt Nam lẫn nhà đầu tư Nhật Bản hoặc của một số nước khác đều có thể rơi vào tình huống là quá ít thời gian để có thể đọc và hiểu kỹ "đầu bài" mà bộ Giao Thông đưa ra, để từ đó quyết định là có nên tham gia hay không.
Một vấn đề khác, như đã nói ở trên, cho tới nay, bộ Giao thông vẫn chưa công bố danh sách các doanh nghiệp đã lọt qua vòng sơ tuyển, cho nên bà Phạm Chi Lan tỏ vẻ quan ngại :
"Khi họ công bố các doanh nghiệp nộp vào vòng sơ tuyển, họ cũng nói là có tới khoảng 30 doanh nghiệp là của Trung Quốc và hơn 30 doanh nghiệp là của Việt Nam và các doanh nghiệp khác. Lúc bấy giờ trên báo chí, bản thân tôi và nhiều người khác đã yêu cầu là đã công bố danh mục này thì phải công bố kết quả sơ tuyển : những doanh nghiệp nào trúng sơ tuyển, doanh nghiệp nào không. Tại sao những doanh nghiệp này lọt vào sơ tuyển và tại sao những doanh nghiệp kia bị gạt ra, thì phải công bố rõ. Rất tiếc là cho tới nay chưa thấy có thông tin đó".
Nói chung, mối quan ngại của nhiều người, trong đó có chuyên gia Phạm Chi Lan, vẫn là nguy cơ dự án đường cao tốc Bắc – Nam, một dự án chiến lược, rơi vào tay Trung Quốc, vào lúc Bắc Kinh đang gia tăng sức ép lên Việt Nam trên Biển Đông :
"Với tính chất của nó về an ninh quốc phòng, cũng như ý nghĩa về kinh tế, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi mà Trung Quốc đang quấy rối Việt Nam ở Biển Đông một cách càng ngày càng trắng trợn, xâm lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì Việt Nam tuyệt đối không thể để cho Trung Quốc làm các dự án bên trong lãnh thổ Việt Nam. Kẻ cướp ở trước cửa nhà thì không thể để nó vào trong nhà mình để làm những việc khác. Cho nên, Việt Nam không thể để cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia vào bất cứ dự án nào trong 8 dự án PPP của đường cao tốc Bắc-Nam cũng như tham gia vào cung cấp gì cho 3 dự án đầu tư công, vì điều đó sẽ gây thêm sức ép và những rũi ro rất lớn cho Việt Nam về mặt an ninh quốc phòng".
Ngoài dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Việt Nam còn dự kiến sẽ xây đường sắt cao tốc Bắc Nam, một dự án rất lớn, với tổng vốn đầu tư theo dự kiến của bộ Giao thông là khoảng 60 tỷ đôla. Dự án này vừa qua cũng gây nhiều tranh cãi khi bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra phương án có thể số vốn đầu tư sẽ giảm xuống còn 32 tỷ đôla, nếu có cách làm khác đi.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, rất nhiều người, trong đó cũng có bà, ủng hộ ý tưởng đó của bộ Kế Hoạch – Đầu Tư, thậm chí bà Phạm Chi Lan cho là còn có thể tiết kiệm hơn nữa, nếu có cách làm hợp lý hơn về các mặt. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị là dự án này nên được gác lại sau năm 2030 hãy tính đến, bởi vì hiện nay điều kiện về tài chính, cũng như nhu cầu thật sự đối với đường sắt cao tốc này chưa có. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bây giờ chỉ nên tập trung vào sửa con đường sắt hiện có, để bảo đảm an toàn hơn, sử dụng cùng với hệ thống đường bộ, đường thủy, đường ven biển. Độ khoảng 10 năm nữa, khi mà điều kiện kinh tế và trình độ kỹ thuật cho phép, thì lúc bấy giờ mới đặt lại vấn đề này.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 23/09/2019
*******************
Cao tốc Bắc Nam : Nhà thầu ‘ta’ hay nhà thầu ‘lạ’ cũng… rứa
Trân Văn, VOA, 23/09/2019
Nhiều người Việt thở phào khi chỉ có các doanh nghiệp của "ta" đầu tư và thi công đoạn cao tốc từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên – Huế).
Lời phản đối nhà thầu Trung Quốc xây cao tốc mới ở Việt Nam xuất hiện trên một diễn đàn mạng, 28/5/2019
Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài khoảng 100 cây số là 1/11 đoạn cao tốc cần thi công để hoàn tất tuyến cao tốc chạy suốt từ Bắc vào Nam.
Theo chính phủ thì hệ thống công quyền sẽ dùng ngân sách đầu tư 3/11 đoạn góp phần cấu thành cao tốc Bắc Nam, 8/11 đoạn còn lại sẽ được thực hiện theo hình thức BOT.
Đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn là một trong số 8 đoạn được đầu tư theo hình thức BOT. Tổng vốn đầu tư cho đoạn này khoảng 7.700 tỉ đồng.
Có nhiều lý do khiến người Việt âu lo và đòi giới hữu trách không vay, không giao bất kỳ công trình giao thông nào ở Việt Nam cho nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc.
Thể theo nguyện vọng của đồng chí, đồng bào, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã chọn hai liên danh thuần… Việt, thực hiện đoạn Cam Lộ - La Sơn của cao tốc Bắc Nam : Liên danh thứ nhất gồm hai doanh nghiệp là Công ty Đầu tư Xây dựng 703 và Tổng Công ty Thành An. Liên danh thứ hai gồm ba doanh nghiệp là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 và Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam.
Nếu tuyến metro Cát Linh – Hà Đông đã tạo thêm một trái đắng qua việc vay vốn Trung Quốc, sử dụng nhà thầu Trung Quốc và dù rất… ráng nhưng cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam vẫn khó mà nuốt cho trôi thì giao các đoạn của cao tốc Bắc Nam cho những nhà đầu tư, nhà thầu thuần… Việt liệu có… ngọt hơn không ? Khẳng định là không thì võ đoán vì công trình xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn chỉ mới khởi công nhưng ai dám bảo là… có vì quả sẽ… "ngọt" hơn ?
***
Trong năm doanh nghiệp thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn có hai doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng Công ty Thành An và Tổng Công ty Trường Sơn. Tuy cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng thông báo giải thể "14 ‘lữ đoàn công binh dự bị động viên’ thuộc bảy tổng công ty" (36, 319, Đông Bắc, Lũng Lô, Thái Sơn, Thành An, Trường Sơn) (1) nhưng về bản chất, vốn liếng, phương tiện, nhân lực của các tổng công ty này vẫn rút từ nguồn dành cho quốc phòng !
So với Trung Quốc, Thành An và Trường Sơn nếu không hơn thì có lẽ cũng bằng ngoại nhân cả về năng lực thi công lẫn mức độ thiện lương. Cả hai tổng công ty này cùng với Tổng Công ty 789 (cũng thuộc Bộ Quốc phòng) là 3/5 nhà thầu thực hiện đoạn quốc lộ chạy ngang Phú Yên và Bình Định. Dẫu đoạn đó của quốc lộ 1 chỉ chừng 140 cây số, ngốn gần 8.000 tỉ và ngay trong thời hạn bảo hành, trên mặt đường có tới 5.300 hố, ổ, gây ra đủ thứ thiệt hại, kể cả thiệt hại nhân mạng nhưng không nhà thầu nào thèm sửa chữa (2)...
Ba doanh nghiệp còn lại thuộc hai liên danh được chọn tham gia đầu tư, thi công đoạn Cam Lộ - La Sơn cũng thế. Công ty Đầu tư Xây dựng 703 chính là bạn đồng hành với Tổng Công ty Trường Sơn trong thi công đoạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (3), vốn nổi tiếng vì vừa khánh thành đã lún, lõm, bề mặt bể thành vô số hố, ổ, cầu bị nứt, thấm, (4)… Muốn biết chi tiết hơn về chất lượng đoạn cao tốc trị giá 34.500 tỉ đồng này thế nào, cứ dùng google !
Còn Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 ? Doanh nghiệp này nổi tiếng vì "đấu đâu, thắng đó". Một số tờ báo ở Việt Nam từng thú nhận, họ không hiểu tại sao Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 liên tục thắng các gói thầu lớn (chừng 15 gói thầu, tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ) trong đủ mọi lĩnh vực! Gần đây, Công ty Xây dựng Dịch vụ Thương mại 68 tiếp tục thắng gói thầu xây dựng đường sá ở Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 200 tỉ mà báo giới ví von là "gói thầu cấm cửa báo chí" (5)…
Doanh nghiệp cuối cùng trong số năm doanh nghiệp tham gia hai liên danh thực hiện đoạn Cam Lộ - La Sơn: Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng thuộc loại lẫy lừng vì tên tuổi gắn chặt với Tổng Công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) trong mua – bán các gói thầu (6). Công ty Đầu tư xây dựng Xuất nhập khẩu 168 cũng lả doanh nghiệp mà tên tuổi gắn chặt với trễ hạn, nhiều hạng mục chưa nghiệm thu đã hư khi tham gia thực hiện tuyến tránh Pleiku thuộc dự án đường Hồ chí Minh (7)…
***
Ý tưởng dùng vốn của Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn tất cao tốc Bắc Nam từng khuấy động dư luận, khiến đồng chí, đồng bào xúc động mạnh. Chẳng phải công chúng, báo giới mà ngay cả các chuyên gia cũng phản đối tiêu chuẩn chọn thầu (phải có sẵn khoản vốn tối thiểu là 20% tổng giá trị dự án, tìm được ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng nào đó khẳng định cho vay phần còn lại). Hạ tiêu chuẩn chọn thầu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia, trở thành… nguyện vọng chung (8) !
Cho dù càng ngày càng nhiều người Việt bất bình vì cách thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BOT : Thiếu cả năng lực tài chính lẫn thi công, chất lượng công trình tồi, dự án trở thành gánh nặng mà cả kinh tế lẫn xã hội khó kham (do có thể vay hơn 90% tổng giá trị dự án, nhà đầu tư biến hệ thống ngân hàng thành con tin, vì vậy được thu phí cao, thời gian thu phí bất hợp lý so với suất đầu tư,…) nhưng ý tưởng chọn Trung Quốc đã đẩy công chúng đến chỗ tự nguyện ủng hộ nhà đầu tư – nhà thầu "ta" !
Nhìn một cách tổng quát, ý tưởng chọn Trung Quốc đã thúc đẩy đồng chí, đồng bào "đại xá" cho nhà đầu tư – nhà thầu "ta". Viễn cảnh tồi tệ nếu dùng vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc khiến đồng chí, đồng bào bỏ qua chuyện chính phủ sẽ dùng ngân sách hỗ trợ các nhà đầu tư - nhà thầu "ta" hoàn tất những đoạn thuộc cao tốc Bắc Nam theo hình thức BOT để nhà đầu tư, nhà thầu "ta" thu… phí ! Chưa kể đó còn có thể là cơ hội để nhà đầu tư - nhà thầu "ta" vừa nhận tiền hỗ trợ của chính phủ, vừa tăng phí ở các dự án BOT khác (9).
Không rõ ý tưởng chọn Trung Quốc – gióng lên hồi chuông cảnh báo dự án, công trình rơi vào tay Trung Quốc - có quan hệ thế nào với Dự luật về Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mà chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến. Theo đó, để nhà đầu tư – nhà thầu "ta", mạnh dạn tranh thầu trong các dự án thuộc loại PPP, chính phủ cam kết sẽ "chia sẻ" đến 50% phần thiếu hụt nếu doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự kiến. Điều mà ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, xem là bất hợp lý vì "thua lỗ thì nông dân phải ráng chịu, còn nhà đầu tư – nhà thầu BOT thì được… chia sẻ" (10).
***
Rõ ràng, vốn Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc là một thứ… "vỏ dưa" không người Việt nào muốn vấp để quốc gia, dân tộc trượt dài như đã và đang phải trượt theo những dự án kiểu như Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông. Song nhà đầu tư – nhà thầu "ta" có khá hơn hay cũng chỉ là một thứ vỏ như… "vỏ dừa" ? Liệu có kẻ nào dùng "vỏ dưa" để dụ đồng chí, đồng bào tự nguyện chọn… "vỏ dừa" không? Chưa rõ nhưng ít nhất có một điều đã rõ là nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại vẫn có quyền lựa chọn như trước nay thì đường chúng ta đi sẽ còn vô số loại vỏ do chính họ chọn và bày ra. Tránh được vỏ này sẽ đụng nhằm vỏ kia, không tử thương cũng trọng thương!
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/09/2019
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/bo-quoc-phong-giai-the-hang-loat-don-vi-3860230.html
(3) https://baodautu.vn/2400-ty-dong-xay-88km-duong-cao-toc-da-nang-quang-ngai-d2293.html
(5) https://baodauthau.vn/dau-thau/chan-dung-nha-thau-trung-goi-thau-cam-cua-bao-chi-105646.html
(8) https://tuoitre.vn/dau-thau-cao-toc-bac-nam-nha-dau-tu-trong-nuoc-gap-bat-loi-20190812080934284.htm
(9) https://tuoitre.vn/bo-xay-dung-de-nghi-khong-dung-ngan-sach-cuu-du-an-bot-20190703143618074.htm
Một nữ nhà báo lý giải với BBC vì sao theo bà, tất cả mọi tầng lớp nhân dân "đều phản đối, không muốn để Trung Quốc nhúng tay vào dự án cao tốc Bắc-Nam" nhưng một giảng viên đại học Fulbright Việt Nam nói "không thể đóng cửa trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc".
Cao tốc Bắc Nam - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tin cho hay, 118 văn nghệ sĩ cùng ký vào bản kiến nghị "không để Trung Quốc đầu tư và thầu làm đường cao tốc Bắc-Nam".
Trong số này có những nhà văn, diễn viên, nhạc sĩ, đạo diễn nổi tiếng như Vũ Tú Nam, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Thanh Quý, Lê Khanh, Trần Tiến, Thanh Hoa, Kim Chi, Trần Lực, Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng, Trần Văn Thủy...
Bản kiến nghị nhấn mạnh hai điểm :
1. Ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân để làm dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội này.
2. Không được để cho Trung Quốc - đất nước duy nhất hiện nay đang xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược quốc gia này !
'Hậu quả đổ lên đầu nhân dân'
Hôm 19/6, nhà báo tự do Phan Thị Châu nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh :
"Vì sao tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều phản đối, không muốn để Trung Quốc nhúng tay vào dự án cao tốc Bắc-Nam ? Thực tế cho thấy hầu hết các công trình do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam đều kém chất lượng, không đảm bảo tiến độ và luôn đội vốn lên quá cao so với giá thầu lúc ban đầu".
"Hậu quả đó là đều đổ lên đầu nhân dân và ai cũng biết, không phải các quan chức Việt Nam ngu để bị lừa mà vì những món tiền "dưới gầm bàn" quá lớn. Tiếc thay, tiếng nói của nhân dân thông qua biết bao kiến nghị, tâm thư của các tầng lớp sĩ phu, chuyên gia tâm huyết đều bị gạt bỏ".
"Rất tiếc là dường như người dân đã không còn tin vào sự trong sạch của các quan chức cũng như các nhà thầu Trung Quốc, vì thế tốt hơn là gạt bỏ những nhà thầu của những nước đã gây ra quá nhiều di hại. Cũng như các nước phương Tây luôn cảnh giác, xếp loại chót trong mọi lãnh vực cần phải lựa chọn đối với những đối tượng bị đánh giá là tín nhiệm xấu. Và việc này thì chẳng có gì là vi phạm luật lệ quốc tế".
Tuyến đường sát đô thị Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng đến nay chưa rõ ngày vận hành
'Quả đắng'
Cũng trong hôm 19/6, blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc bình luận với BBC :
"Mới đây, có ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Việt Nam sẽ là "ngư ông đắc lợi" khi làm cao tốc Bắc-Nam nếu để Trung Quốc làm với chi phí thấp và Nhật giám sát. Lý tưởng quả là đáng mơ mộng, nhưng với những quả đắng mà nhà thầu Trung Quốc gieo cho người dân Việt Nam, liệu còn ai tin vào lựa chọn từ cơ quan chức năng, khi tàu Cát Linh-Hà Đông được chính báo chí trong nước cái tên "bảo tàng" về kinh nghiệm thất bại".
"Những người quan tâm chắc không quên bê bối khi nhà thầu Trung Quốc thi công đoạn cao tốc qua Quảng Ngãi, đường được vá víu bằng... bùn. Kể cả dưới thời Bộ trưởng Giao thông-Vận Tải Đinh La Thăng, người có những phát ngôn và việc làm cứng rắn, việc quản lý chất lượng công trình cũng không được đảm bảo.
"Với cao tốc Bắc-Nam, ngay cả tổ chức đấu thầu quốc tế thì khả năng nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu rẻ nhất, "lại quả" mức cao và thắng thầu cũng không còn gì lạ".
"Tôi từng gặp một cựu binh Chiến tranh biên giới 1979. Người này kể rằng khi Trung Quốc khởi chiến, đạn pháo của họ bắn chính xác các cứ điểm của ta, vì họ rất rành rẽ đường xá, công sự phía ta... Người cựu binh quan ngại rằng cao tốc Bắc-Nam trải dài cả nước, đưa gói thầu này vào tay họ vô cùng nguy hiểm".
- Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, dài 654 km, tổng kinh phí 118.716 tỉ đồng (gồm 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách), được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), loại hợp đồng BOT.
"Chính vì vậy, đừng hỏi vì sao việc nhà thầu Trung Quốc nhúng tay vào cao tốc Bắc-Nam sẽ gặp sự phản đối tới cùng của người dân, khi nó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh quốc gia".
"Được biết mới đây, 118 văn nghệ sĩ trong nước ký kiến nghị không để Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, nhưng trong đó có đề cập : ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của người dân để làm đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội".
"Các văn nghệ sĩ có lòng với quốc gia thì tốt, nhưng dường như họkhông hỏi ý kiến những người dân khác về giải pháp. Người dân gánh phí điện, xăng cao, lại bao nhiêu thuế đường bộ, thuế môi trường, BOT... Vì sao không kêu gọi sự chung tay của giới quan chức, quản lý tốt hơn nguồn quỹ đầu tư và thuế má của dân chúng, khi khó khăn lại trút lên đầu người dân ?"
Hôm 19/6, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội :
"Về phát ngôn của một số người liên quan đến cao tốc Bắc-Nam, tôi thấy dường như họ đang bị nô lệ bởi luật trên giấy mà không thấu hiểu lòng dân. Cũng như một số người chỉ nhớ nghị quyết mà vô cảm trước sự sôi sục phẫn nộ của dân. Cuộc biểu tình ngày 10/6 năm ngoái là ví dụ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ biết "Bộ Chính trị đã kết luận…" mà không hiểu lòng dân thế nào".
"Một nhà nước dân chủ thì phải lắng nghe, thấu hiểu ý nguyên của người dân và có quyết sách theo đa số dân chúng. Người dân không cần Nhà nước lý sự lằng nhằng. Người dân phản ứng bằng thái độ. Chính quyền không nghe theo lòng dân thì sụp đổ".
"Không thể đóng cửa với Trung Quốc'
Hôm 20/6, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nói với BBC :
"Đúng là có những quan ngại về mặt an ninh quốc phòng cũng như các vấn đề chính trị trong mối quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc của Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấm cửa hoặc nói không với các nhà thầu và vốn Trung Quốc là không thực tế. Hơn thế, điều này có khả năng vi phạm các cam kết quốc tế và thiết lập sân chơi bình đẳng".
"Mục tiêu của Việt Nam là có được tuyến đường cao tốc được xây dựng với chất lượng cao và chi phí phải chăng. Việc càng có nhiều đối tác tham gia thì càng có thể đạt được điều này. Nói về trục trặc thì điều này có thể xảy ra với bất kỳ nguồn vốn hay nhà thầu nào. Chúng ta có thể thấy nhiều dự án của Nhật hay Ngân hàng Thế giới cũng bị bê trễ và đội vốn ở Việt Nam. Nhìn ra bên ngoài cũng vậy".
"Việt Nam không thể đóng cửa trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc được. Việt Nam không thể sử dụng các công cụ như Mỹ đang làm với Trung Quốc. Nếu không khéo, các hàng hóa của Việt Nam hay các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc bị chặn lại và hậu quả sẽ rất lớn".
"Trong tình huống này, tôi cho rằng, giải pháp là tổ chức đấu thầu quốc tế một cách công khai minh bạch. Các tiêu chí và điều kiện rõ ràng. Nhà thầu nào đạt điểm cao nhất thì chọn. Chất lượng và tiến trình triển khai như thế nào chủ yếu là do mình. Trung Quốc cũng như nhiều nước khác có thể triển khai các dự án nhanh và hiệu quả ở nhiều nơi, nhưng đến Việt Nam lại bê trễ và trục trặc. Việt Nam cần phải tổ chức giám sát thi công thật tốt với tất cả các nhà thầu".
Bàn về phản ứng của công luận trước nhà thầu Trung Quốc, ông Du bình luận : "Đúng là đường sắt Cát Linh-Hà Đông với vốn vay từ Trung Quốc và các nhà thầu Trung Quốc đang xảy ra rất nhiều các vấn đề như : đội vốn, chậm tiến độ … Tuy nhiên, đây là đặc điểm chung của các dự án đầu tư công cũng như các dự án vay vốn ưu đãi".
"Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 50% và kéo dài hơn ba năm; nhưng dự án tuyến Metro số 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh thì vốn vay và nhà thầu Nhật đội vốn hơn 100% và kéo dài hơn tiến độ so với dự kiến gần chục năm. Nhiều dự án khác cũng gặp phải tình trạng tương tự".
"Ở vấn đề này, ví dụ ưa thích của tôi là dự án đường hầm lớn ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ - nơi có thể xem là phát triển nhất thế giới với hai đại học hàng đầu thế giới về quản lý và công nghệ là Harvard và MIT. Dự án kéo dài hơn hai thập kỷ này có mức đầu tư ban đầu từ chưa đến 1 tỷ đô la đã tăng lên hơn 20 tỷ đô la mà nó được gọi là "kỳ quan" về chính trị cũng như kỹ thuật".
"Vốn ODA hay vay nước ngoài với các điều kiện ưu đãi thường rất đắt chứ không phải riêng Trung Quốc. Với các nước khác cũng vậy thôi".
"Tôi cho rằng, Việt Nam muốn lớn lên thì cần sự tự tin dựa trên trí tuệ và bản lĩnh của mình. Nếu cứ sợ sệt điều này điều kia thì thân phận nước chưa phát triển khó mà thoát được".
"Có một điều rất đáng suy nghĩ là những nơi đi trước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc thuê bên ngoài làm một dự án là có thể nắm bắt công nghệ để làm dự án thứ hai tương tự ngay, nhưng tại sao Việt Nam lại không làm được điều này ?"
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được các báo dẫn lời :
"Về dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông-Vận tải phải khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh sự trì trệ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Đối với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài thì phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Các khâu không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự dự án Cát Linh-Hà Đông".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 21/06/2019
Một bản tuyên bố "phản đối dự án đường cao tốc Bắc-Nam" đang lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Nêu ra một số quan ngại về chất lượng, tiến độ, an ninh, chính trị, tuyên bố của "các tổ chức xã hội dân sự và người dân khắp nơi" ở Việt Nam yêu cầu chính quyền "không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc" cho dự án này.
Lời phản đối nhà thầu Trung Quốc xây cao tốc mới ở Việt Nam xuất hiện trên một diễn đàn mạng, 28/5/2019
Nhiều người sử dụng Facebook, trong đó có các nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh và Huỳnh Ngọc Chênh, đã và đang chia sẻ bản tuyên bố trên trang cá nhân. Lời phản đối tương tự cũng được đăng trong diễn đàn Bàn luận về Kinh tế-Chính trị có hơn 190.000 thành viên và nhận được hành chục lời bình luận ủng hộ.
Theo tìm hiểu của VOA, bản tuyên bố được hơn 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động đưa ra hồi cuối tháng 3. Bản tuyên bố xuất hiện trở lại trong những ngày này sau khi Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam tổ chức một hội nghị hôm 17/5 để "kêu gọi đầu tư" vào dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Báo chí trong nước tường thuật rằng ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của bộ, nói với báo giới bên lề hội nghị rằng việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là "điều hoàn toàn bình thường".
Ông Huy nói thêm là nhà đầu tư Trung Quốc "giống như" các nhà đầu tư đến từ các nước khác, vì thế "không nên phân biệt đối xử".
Trong khi đó, một đoạn trích của tuyên bố đang lan truyền trên mạng dẫn ra một số dự án do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam, như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở thủ đô Hà Nội hay các nhà máy bauxite ở Tây Nguyên, để khẳng định rằng nhiều công trình do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện "đội vốn rất lớn", "thi công dây dưa" và "chất lượng vô cùng tệ hại".
Dự án Cát Linh-Hà Đông lâu nay bị xem là một ví dụ tệ hại về nhà thầu Trung Quốc
Một nội dung nữa được bản tuyên bố nhấn mạnh là các nhà thầu Trung Quốc thường áp dụng "thủ đoạn bỏ thầu rẻ" rồi sau đó "kết hợp với quan tham Việt Nam đẩy giá lên nhằm tham nhũng chia nhau", gây thâm thủng ngân sách của Việt Nam, đồng thời "tạo thêm gánh nặng, góp phần làm kiệt quệ sức dân".
Bản tuyên bố cũng nhắc lại cảnh báo bấy lâu nay rằng không ít công ty Trung Quốc câu kết với quan chức có thẩm quyền trong nước để "đem các công nghệ lạc hậu và nhân lực Trung Quốc, kể cả lao động phổ thông" vào Việt Nam, một mặt gây ra thiệt hại về kinh tế, mặt khác gây phức tạp an ninh xã hội.
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ với VOA về suy nghĩ của bà khi ủng hộ bản tuyên bố:
"Nội dung bản tuyên bố đấy nó đúng với suy nghĩ, đúng với ý nguyện của hầu hết người dân Việt Nam. Tôi tuyệt đối không đồng ý cho nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng để xây dựng công trình này".
Các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự đứng sau bản tuyên bố đưa ra yêu cầu chính quyền "không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc vì những lý do trên".
Bên cạnh đó, trên bình diện rộng hơn, các tác giả bản tuyên bố cũng đề nghị cần tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân cũng như các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước để tìm phương án tối ưu cho việc quyết định đầu tư cho các dự án.
Làm được như vậy sẽ "loại bỏ dứt khoát" các dự án được vẽ ra chỉ để phục vụ cho "các cơ hội tham nhũng" như từng xảy ra ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, theo bản tuyên bố.
Để văn bản này phát huy hiệu quả trên thực tế, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đưa ra lời kêu gọi:
"Tất cả mọi người hãy tẩy chay, hãy lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam đang có ý định ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Nên có những thỉnh nguyện thư yêu cầu phải có trưng cầu dân ý cho những quyết định lớn như thế này, liên quan đến kinh tế, an ninh quốc gia".
Bà Hạnh nói thêm người dân khó có thể làm gì khác vì các cuộc gặp giữa cử tri với đại biểu quốc hội lâu nay chỉ là những sự kiện được dàn xếp, mang tính hình thức, còn các cuộc biểu tình sẽ "bị dập tắt ngay từ đầu".
Đồ học của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Trong khuôn khổ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) sẽ được đầu tư để xây dựng mới 654 kilomet đường. Khi hoàn thành, tuyến đường được xem như xương sống của Việt Nam sẽ đi qua 13 tỉnh thành, chạy từ Hà Nội tới Vĩnh Long. Nó bao gồm phần đường sẽ xây mới kể trên nối vào một số đoạn đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng, như đường Pháp Vân-Ninh Bình, hay Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Trong 2 tháng gần đây, trước thông tin nhà thầu Trung Quốc đề xuất được tham gia dự án, nhiều chuyên gia, nhà phân tích, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, bà Phạm Chi Lan, nhà báo Hoàng Hải Vân, v.v… đã bày tỏ lo lắng trên báo chí chính thống và mạng xã hội, thậm chí ví việc để cho Trung Quốc thực hiện dự án này và các dự án lớn không khác gì đưa chủ quyền quốc gia Việt Nam "vào thòng lọng" của Trung Quốc.
Phỏng vấn Lê Hà "dân oan" và đài truyền hình Tiếng Dân Tivi (VNTB, 21/05/2019)
Tiếng Dân Tivi, kênh truyền hình của những người dân yêu cầu thượng tôn pháp luật, đòi quyền chính đáng. Việt Nam Thời Báo có cuộc phỏng vấn với ông Lê Hà- thành viên chủ chốt của kênh Tiếng Dân Tivi để bạn đọc có lợi ích trùng hợp có được nơi hỗ trợ pháp lý và ủng hộ tinh thần cần thiết.
Ông Lê Hà, thành viên chủ chốt của kênh Tiếng Dân Tivi
Kiều Phong : Xin chào anh Lê Hà. Rất vui có cuộc phỏng vấn với đại diện của kênh truyền hình Tiếng Dân Tivi. Xin ông cho biết tôn chỉ của Tiếng Dân Tivi là gì ?
Lê Hà : Tôn chỉ của kênh Tiếng Dân TiVi chúng tôi, mục tiêu Thượng Tôn hiến pháp, và bảo vệ các quyền căn bản của dân, ví dụ như Quyền khiếu nại, tố cáo, quyền con người công dân được bảo đảm, theo công ước quốc tế nhân quyền ; yêu cầu các tổ chức, cá nhân, công dân thực hiện chính sách đúng luật pháp và đúng theo hiến pháp !
Kiều Phong : Chương trình hành động hay hoạt động cốt lõi của Tiếng Dân Tivi là gì ?
Lê Hà : Chương trình hành động cốt lõi của chúng tôi là nâng dân trí về mọi mặt để xã hội tốt đẹp hơn, và góp phần muốn hướng tới một xã hội dân chủ thật sự, còn hiện nay với thể chế này chỉ là dân chủ giả hiệu, và độc tài thì xã hội thiếu giám sát.
Kiều Phong : Cộng đồng thường gọi anh là Hà "dân oan". Xin cho biết từ khi nào anh được đặt cho biệt danh này ?
Lê Hà (cười) : Cộng đồng mạng xã hội biết tôi là dân oan vì gia đình tôi và 4.113 hộ dân phải di chuyển vì dự án thủy điện Tuyên Quang. Việc xây dựng dự án, và thực hiện chính sách di dân tái định cư rất bất cập liên quan tới nhiều cơ quan thực thi, gây thiệt thòi cho rất đông dân cư ,và sau 16 năm nhiều người dân đã kêu oan sai lên nhiều cấp nhưng đều vô vọng ; và tới năm 2017 tôi bắt đầu làm báo tự do và tìm hiểu về chính sách dự án này, và tôi đã tạo kênh cá nhân Tiếng Dân TV Lê Hà ; đứng ra cùng một số bà con khác đòi chính phủ, cũng như chính quyền thực hiện tiếp việc sai sót của dự án và đề nghị cấp tiếp kinh phí cho dự án thủy điện Tuyên Quang để chi trả tiếp cho dân. Vì việc tôi làm đúng và được nhiều người oan họ ủng hộ, nhiều lần dân tập trung về chính phủ khiếu nại, và vừa rồi đã được chính phủ phê duyệt tiếp 9.38 tỷ cho dự án để giải quyết cho dân, hiện nay đã trả được 2.980 hộ dân tiền đất ở, do trước cấp không đủ cho dân , tuy nhiên vẫn còn bất cập. Tôi vẫn đang đồng hành cùng bà con, có lẽ cái tên tôi là dân oan bắt đầu từ đây !
Kiều Phong : Xin cho biết công cuộc của các anh gặp những khó khăn gì ?
Lê Hà : Vâng, công cuộc của chúng tôi có nhiều cái khó khăn, ví dụ, chính quyền địa phương thì muốn bưng bít những sai phạm, còn công an, an ninh thì luôn rình rập và luôn nói chúng tôi là phản động. Còn điều nữa là ,chúng tôi làm việc giúp dân oan muốn đi nhiều nơi hơn nhưng không có kinh tế. Rất mong được sự góp sức và mọi tổ chức, cá nhân ủng hộ để có kinh phí hoạt động.
Kiều Phong : Kênh Tiếng Dân Tivi cũng mới ra đời được một thời gian. Các báo đài quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đi trước có thể giúp gì cho sự phát triển của Tiếng Dân ?
Lê Hà : Rất mong các tổ chức xã hội, báo đài quốc tế quan tâm theo dõi và chia sẻ, bảo vệ chúng tôi và những người dân oan. Xin cảm ơn Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập đã phỏng vấn ngày hôm nay.
Kiều Phong : Cám ơn anh Lê Hà.
Kiều Phong thực hiện
*****************
Doanh nghiệp Trung Quốc muốn làm cao tốc Bắc-Nam bất chấp lo ngại của người Việt (VOA, 20/05/2019)
Các doanh nghiệp của Trung Quốc nằm trong số những nhà đầu tư muốn đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam giữa bối cảnh có những quan ngại từ công chúng và cảnh báo của các chuyên gia về chất lượng kém cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong các dự án của họ.
Một phần đồ họa của dự án cao tốc Bắc-Nam do Bộ Giao thông-Vận tải công bố. Theo bộ này cho biết các nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia xây dựng dự án này giữa những quan ngại của công chúng Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Tham dự Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, do Bộ Giao thông và vận tải tổ chức hôm 17/5, có hơn 170 nhà thầu trong và ngoài nước, trong đó có các nhà thầu Trung Quốc, theo truyền thông trong nước.
Cho đến thời điểm này, Bộ Giao thông và vận tải đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và cả các doanh nghiệp trong nước, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của Bộ Giao thông và vận tải, được tờ Người Lao Động trích lời nói.
Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, kể từ đầu năm nay, công chúng Việt Nam đã bày tỏ quan ngại trước các thông tin nói rằng Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông và vận tải được tham gia đầu tư vào Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Ngoài công chúng, các chuyên gia và cả những đại biểu quốc hội cũng khuyến cáo nhà chức trách cần cân nhắc kỹ việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc "huyết mạch" của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có ba nguyên nhân khiến người Việt quan ngại về các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong số đó là việc một số nước đã tham gia vào sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc và bây giờ "bị mắc nợ rất nặng".
Ông Doanh đưa ra 2 ví dụ là Sri Lanka và Campuchia, những nước đã cho Trung Quốc sử dụng cảng biển và giờ đây đang là những "con nợ" lớn của Trung Quốc.
Theo East Asia Forum, Sri Lanka hiện không có khả năng trả nợ Trung Quốc trong khi Campuchia bị phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
"Điều thứ hai mà người dân Việt Nam rất quan tâm là đường cao tốc Bắc-Nam là đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược và có liên quan đến vấn đề về an ninh, quốc phòng. Qua những điều mà báo chí thế giới nêu lên, nhiều nước lấy làm lo ngại về việc đầu tư của Trung Quốc có thể liên quan đến những tham vọng về bá quyền, chủ quyền và những tham vọng khác về an ninh quốc phòng", ông Doanh nói.
Hàng lang vận tải Bắc-Nam, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Nhật, "có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước". Ông Nhật được tờ Nhân Dân trích lời phát biểu khai mạc hội nghị hôm 17/5 rằng hành lang này "kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các đô thị lớn, các cảng biển, trung tâm kinh tế".
Theo South China Morning Post, trong những tháng gần đây, các quốc gia Châu, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật và Canada đã tham gia vào "một phản ứng dữ dội toàn cầu chưa từng có" đối với vốn đầu tư của Trung Quốc với lý do là các mối quan ngại về an ninh quốc gia.
TS Doanh, người từng là cố vấn kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, một mối lo ngại khác của công chúng Việt Nam là nếu nhà đầu tư Trung Quốc thắng thầu, họ "sẽ sử dụng hoàn toàn lao động Trung Quốc mà không sử dụng lao động Việt Nam".
Theo thống kê của Bộ Lao động, thương binh và xã hội đưa ra hồi năm 2017, lao động mang quốc tịch Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất, với 30% trong số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Liên quan đến việc dư luận lo ngại "có rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia các dự án" của cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, được Thanh Niên trích lời nói hôm 17/5 rằng Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới nên theo quy định của tổ chức này, không được phân biệt đối xử với bất kỳ một quốc gia nào.
"Việc nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là điều hoàn toàn bình thường, giống như các nhà đầu tư trong nước hay các nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác", theo ông Huy. "Vì thế chúng ta không phân biệt đối xử".
Theo báo chí trong nước, nghị quyết của Quốc hội ban hành ngày 22/11/2017 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trước mắt đầu tư 11 dự án thành phần với chiều dài khoảng 654km, đi qua 13 tỉnh, thành phố, gồm ba dự án đầu tư công và tám dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.
"Theo tôi rất cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nên có một hội đồng các chuyên gia độc lập để xem xét, giám sát việc đấu thầu này", Tiến sĩ Doanh nói.
Hồi tháng 3, hàng trăm người đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn mạng xã hội đồng tình với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam thì cần phải trưng cầu dân ý, vì việc này "liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc".
******************
Đại diện một cơ quan phụ trách vấn đề di dân và nhập cư của Canada đã trả lời VOA tiếng Việt, sau khi xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội về chuyện ông Võ Kim Cự đã "đi định cư ở Canada".
Tin chưa được kiểm chứng về việc quan chức tỉnh Hà Tĩnh, từng bị kỷ luật vì vi phạm liên quan đến dự án gây tranh cãi Formosa, sang Canada sinh sống xuất hiện từ năm ngoái, nhưng lại rộ lên tuần trước, khiến báo chí trong nước phải vào cuộc.
Trả lời VOA tiếng Việt, bà Nancy Caron, phát ngôn viên của Bộ Di trú, Người Tị nạn và Quốc tịch Canada, nói rằng bà không thể "xác nhận hay phủ nhận tình trạng của một người ở Canada mà không có chữ ký đồng ý của người đó" do "các luật lệ về quyền riêng tư".
Bà Caron cũng không đưa ra bình luận về một hình ảnh mà phóng viên VOA tiếng Việt gửi cho bà, về cái được cho là thẻ thường trú nhân Canada của ông Cự, vốn lan truyền trên các trang mạng của người Việt ở hải ngoại.
Nữ phát ngôn viên này cũng không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác, nhưng có gửi kèm các thông tin về yêu cầu đối với ảnh chân dung nộp cùng đơn xin trở thành thường trú nhân không hợp lệ, trong đó có đoạn nói rằng "mồm phải đóng, không mỉm cười".
Theo quan sát, miệng ông Cự mở, như đang nói, trong bức ảnh trên chiếc thẻ gây tranh cãi, mà VOA tiếng Việt không thể xác nhận tính xác thực.
Chân dung cựu quan chức tỉnh Hà Tĩnh dường như được cắt ra từ một bài báo ông trả lời các phóng viên tại Quốc hội Việt Nam năm 2016.
VOA tiếng Việt không thể liên lạc để phỏng vấn ông Cự. Tuy nhiên, trả lời tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5, cựu quan chức này nói rằng thông tin ông có thẻ thường trú nhân của Canada "không chính xác".
"Vớ vẩn ! Không bao giờ có mà cũng không cần thiết, kể cả có cho tôi cũng không lấy. Công nghệ cao nó cắt ghép ảnh lấy ảnh đầu tôi chắp sang người khác. Có cho thẻ rồi cho thêm tiền tôi cũng không, mà lấy làm gì ? Bọn phản động vớ vẩn !", ông Cự nói, theo tờ báo có cơ quan chủ quản là Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện các tin đồn quan chức Việt Nam "mua nhà và đi định cư ở nước ngoài" sau khi nghỉ hưu.
Do các sai phạm liên quan đến sự cố Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung, vốn từng gây ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ, ông Cự đã bị Đảng Cộng sản kỷ luật và cách chức.
Ông bị cáo buộc "đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ; giao và cho thuê mặt nước biển ; đồng ý chủ trương cho công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định... ; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai dự án".
Hôm 8/5, tờ Tuổi Trẻ đưa tin rằng "công an tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc xử lý" hơn "3 triệu tấn chất thải rắn" của dự án Formosa.
Theo tờ Dân Trí, Bộ Tài nguyên - Môi trường sau đó nói "sẽ giao Tổng cục Môi trường nghiêm túc, cầu thị nghiên cứu để tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường" đối với dự án sản xuất gang thép gây nhiều tranh cãi này.
Viễn Đông
Quan ngại Trung Quốc được giao làm chủ thầu Dự án đường cao tốc Bắc-Nam (RFA, 20/03/2019)
Bản Tuyên Bố nêu rõ mọi công trình tại Việt Nam hợp tác với các nhà thầu Trung Quốc từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn và thi công dây dưa, chất lượng công trình kém, không an toàn và làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, do đó không thể để Trung Quốc thực hiện công trình mang tính chiến lược của đất nước như thế.
Hình ảnh một tuyến cao tốc tại Việt Nam (Ảnh minh họa) - AFP
Một trong nhóm gần 100 người đầu tiên ký tên và cũng là một trong những người soạn thảo Bản Tuyên Bố là nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho chúng tôi biết.
"Một ví dụ lớn nhất là đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh ở Hà Nội và nó đội vốn lên nhiều mà thời gian thi công quá dài, chất lượng lại không ra sao giờ đưa vào khai thác theo kiểu lạc hậu như thế, 700 người quản lý đoạn đường 13km mà nhiều nhà kinh tế tính toán ra rằng hàng nghìn năm nữa không biết có lấy lại được vốn hay không. Thế thì đó là bài học xương máu mà Việt Nam phải trả thế nhưng không hiểu vì sao đến bây giờ người ta vẫn mơ màng đến nguồn vốn của nhà thầu Trung Quốc như vậy khiến dư luận trong nước rất là bất bình".
Còn đối với Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng từ Sài Gòn và cũng là người đồng ký tên vào Bản Tuyên Bố thì hễ cứ nghe đến Trung Quốc là mọi người sợ hãi bởi vì không có một công trình nào lớn tại Việt Nam do Trung Quốc chủ thầu mà mang lại kết quả tốt.
"Công trình nào mà có tên Trung Quốc làm chủ thầu là đi từ thua lỗ này đến thua lỗ khác như vậy là đủ để cho người Việt lo lắng rồi. Vô số công trình tại Việt Nam mà vào tay Trung Quốc thì có công trình nào tốt không, tốt là ở đây là chi phí phải trả so với lượng thu lại, nếu đơn vị khác làm tốt hơn mà giá lại rẻ hơn thì tại sao chúng ta không làm. Cái chiêu của Trung Quốc xưa nay là ký rẻ hơn rồi bị trượt giá rồi đôn lên cao như trường hợp tàu Cát Linh- Hà Đông nên người dân nghe đến Trung Quốc là người ta giật mình".
Đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Bang một kỹ sư xây dựng cầu đường tại Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng nếu nhà thầu Trung Quốc được chọn họ sẽ cung cấp vốn đưa các trang thiết bị và vật tư công nghệ từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng đó là những cộng nghệ lạc hậu lỗi thời.
Ngoài ra, anh còn cho biết thêm lý do vì sao anh ký tên vào bản tuyên bố dự án đường cao tốc Bắc Nam.
"Thủ đoạn của Trung Quốc là họ bỏ giá rẻ sau đó họ thông đồng với quan tham của Việt Nam để đẩy giá lên. Và lý do đẩy lên là do thời tiết rồi giải phóng mặt bằng không đúng thời hạn và Việt Nam là chắc chắn dính chỗ đền bù mặt bằng bởi vì nó không bao giờ sòng phẳng với dân, vì những cái lý do đó là họ đủ để câu giờ làm chậm trễ quá thời gian thì họ tăng giá lên cao, rồi họ đưa nhân công của họ vào làm khảo sát, họ khoang, họ làm gì trong khu vực của họ thì mình quản lý được không, nhân công họ lấy vợ lấy chồng ở lì trên cung đường, họ làm chậm sinh con đẻ cái đến mấy tuổi rồi mới về thì thành nữa Việt nữa Trung rồi thì quản lý ra sao nên có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi lo lắng nên chúng tôi ký vào tuyên bố là dứt khoát không để nhà thầu Trung Quốc xây dựng cao tốc Bắc Nam".
Trước thực trạng bị cho là tệ hại và nguy hiểm như các chuyên gia vừa nêu, yêu cầu được nêu ra trong Bản Tuyên Bố là chính phủ Việt Nam nên lấy ý kiến người dân, các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước để đưa ra một phương án tối ưu nhất cho toàn bộ dự án. Công khai minh bạch đấu thầu để chọn nhà thầu phù hợp nhất để thực hiện.
Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng muốn thuyết phục được người dân thì cách duy nhất là phải thật sự công khai minh bạch việc đấu thầu.
"Tôi nghĩ công khai này phải thật sự phải có cơ chế sao cho người ta kiểm soát được thì nhà thầu được trúng người dân có thể sẵn sàng chấp nhận còn với cách làm như hiện nay chưa mở thầu mà đã công bố người trúng thầu rồi thì ai mà chấp nhận được".
Một góc đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. AFP
Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo thì nếu nhà nước quyết tâm làm với tinh thần tiết kiệm, ngăn chặn được nguy cơ tham nhũng thì dù ngân sách quốc gia eo hẹp thì nó cũng hoàn toàn có khả thi thực hiện.
"Có nhiều cách để làm như huy động vốn xã hội hóa cùng với các doanh nghiệp trong nước có nguồn vốn cùng đầu tư vào khai thác. Làm đường cao tốc như thế thì sử dụng ngân sách ít thôi còn phần lớn của các doanh nghiệp thì ta đặt trạm BOT được như thường".
Ngoài ra, theo các chuyên gia mà chúng tôi có dịp trao đổi cho rằng, mỗi công trình tại Việt Nam phải đem lại công ăn việc làm, tạo điều kiện cho lao động và kỹ sư Việt có khả năng tích lũy kỹ năng, tiến tới tự phát triển được trong tương lai.
Anh Trần Bang nói với chúng tôi rằng, ngay cả các chuyên gia nước ngoài họ cũng công nhận rằng kỹ sư và công nhân Việt Nam bây giờ giỏi và phát triển hơn trước rất nhiều nên đủ khả năng làm được những công trình như thế. Anh dẫn một ví dụ
"Ví dụ như đại lộ Đông Tây chẳng hạn nhà thầu Nhật đó họ chỉ đưa vài người qua quản lý thôi còn lại kỹ sư, công nhân và ngay cả máy mọc họ cũng lấy của Việt Nam luôn, vì tôi cũng là thầu cung cấp cho dự án đó. Người Việt Nam mua máy về rồi cho người Nhật thuê, người Việt tổ chức huấn luyện thợ rồi cho Nhật thuê nhân công. Họ đánh giá đủ tiêu chuẩn là họ nhận như mua bán lao động với công ty cung ứng lao động của Việt Nam. Nói chung kỹ sư và nhân công Việt Nam đủ khả năng làm".
Dự án đường cao tốc Bắc Nam được cho là một dự án trọng điểm lớn nhất của Việt Nam trong tương lai. Đường cao tốc Bắc- Nam chạy dọc phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông và đây được xem là dự án chiến lược không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn liên quan chặt chẻ với an ninh quốc phòng cũng như việc phòng thủ Biển Đông. Tổng mức chi phí đầu tư dự án được dự trù lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải công bố đã làm việc với công ty Thái Bình Dương của Trung Quốc về việc công ty này ngỏ ý muốn làm toàn bộ cho tuyến đường cao tốc Bắc- Nam bằng nguồn vốn vay từ Trung Quốc.
******************
Việt Nam hôm 20/3 đã khởi công đường đua xe công thức 1 (F1) tại Hà Nội để chuẩn bị cho giải đấu đầu tiên được tổ chức tại quốc gia Đông Nam Á này vào tháng Tư năm tới.
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, được báo điện tử VnExpress trích lời nói rằng "sự độc đáo, khác biệt của đường đua Mỹ Đình sẽ là thách thức với các tay đua".
"Đường đua và công trình phụ trợ là sự kết hợp hài hòa, độc đáo giữa lịch sử và văn hóa ; giữa vẻ đẹp cổ kính với sự hiện đại, sáng tạo, góp phần đưa F1 Hà Nội trở thành giải đua hấp dẫn nhất thế giới", ông Chung nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn ôtô quốc tế (FIA) Jean Todt nói rằng việc đăng cai tổ chức giải đua F1 sẽ mang lại cho Hà Nội và Việt Nam "cơ hội quảng bá hình ảnh đến bạn bè quốc tế".
Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết rằng đường đua dài hơn 5,5 km sẽ hoàn thành vào tháng Ba năm 2020, theo Reuters.
Tin cho hay, đường đua gồm 22 góc cua được kế thừa và lấy cảm hứng từ những đường đua ở Đức, Monaco và Nhật Bản...
Đây sẽ là "nơi duy nhất cho phép tay đua vừa phô diễn tốc độ cao trên đoạn đường thẳng chạy dài, vừa thể hiện kỹ năng tại các góc cua lắt léo của một đường đua trong phố, tạo nên một trong những chặng đua kịch tính", theo VnExpress.
********************
Việt Nam khởi công đường đua xe tốc độ Công thức 1 tại Hà Nội (RFI, 20/03/2019)
Hà Nội hôm 20/03/2019 khởi công xây dựng đường đua Công thức 1 (Formula One, F1), chuẩn bị cho giải đua xe hơi tốc độ hấp dẫn nhất thế giới lần đầu tiên sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng Tư năm 2020.
Chủ tịch FIA, Jean Todt trong lễ khởi công đường đua Công thức 1, Hà Nội 2020, ngày 20/03/2019.Nhac NGUYEN / AFP
Chủ tịch Liên đoàn Xe hơi Quốc tế (FIA), ông Jean Todt trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên tuyên bố : "Sự kiện quan trọng này sẽ giúp Việt Nam và đặc biệt là thủ đô Hà Nội được toàn thế giới chú ý". Ông mong rằng khi người hâm mộ Việt Nam tận mắt chứng kiến các tay đua nổi tiếng như Lewis Hamilton (5 lần vô địch thế giới), Sebastian Vettel (4 lần)… biểu diễn, sẽ nảy sinh ra một thế hệ tay đua trẻ tuổi tại quốc gia mà xưa nay bóng đá vẫn ngự trị.
Theo thông cáo của Vingroup, đơn vị phụ trách việc tổ chức tại Việt Nam, đường đua dài 5,565 kilomet gồm 22 góc cua sẽ được hoàn tất vào tháng Ba năm tới. Đường đua F1 và các khu vực liên quan chiếm khoảng 88 hecta, gồm một phần Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình và các con đường xung quanh, cách trung tâm Hà Nội 13 kilomet. Các nhà tổ chức cho biết vòng đua không thể diễn ra tại khu vực phố cổ vì các khó khăn về hậu cần và chi phí.
Hà Nội đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đua nổi tiếng này, năm ngoái đã ký kết một hợp đồng 10 năm với Formula One, mà theo báo chí trong nước là tốn kém 60 triệu đô la mỗi năm. Tuy nhiên số tiền này không lấy từ ngân sách nhà nước, mà do tập đoàn tư nhân Vingroup chi trả. Ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch Vingroup cho biết : "Công thức 1 luôn được coi là giải đua xe danh giá nhất, và chúng tôi đã thiết kế một đường đua mang bản sắc độc đáo Việt Nam".
Reuters nhận định tuy Việt Nam không có truyền thống đua xe thể thao, nhưng các cuộc tranh tài thường được hào hứng theo dõi.
Việt Nam hy vọng đạt được thành công của vòng đua ban đêm tại Singapore trước đây, lấp đầy chỗ trống trong khu vực sau khi Malaysia rút lui năm 2017 do chi phí cao. Hà Nội cũng muốn tránh các vấn đề của Grand Prix ở Hàn Quốc năm 2010 và Ấn Độ năm 2011 : Seoul bị lỗ tổng cộng 170 triệu đô la còn New Delhi không công nhận F1 là thể thao nên làm tăng gánh nặng thuế má lên nhà tổ chức.
Thụy My
********************
Hội Nghề cá Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt (RFA, 20/03/2019)
Hội Nghề cá Việt Nam vào hôm 18/3 yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường vì gây chìm tàu ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa và lên án hành động này là vô nhân đạo, gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.
Ảnh minh họa. AFP
Truyền thông trong nước loan tin dẫn văn bản của ông Nguyễn Việt Thắng chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam hôm 20/3.
Theo văn bản, Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam phải phản đối mạnh mẽ với phía Trung Quốc để chấm dứt hành động tấn công tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Đồng thời, Hội Nghề cá nhấn mạnh phải có biện pháp mạnh đối với những hành động này và yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Ngoài ra, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cũng yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường lực lượng tuần tra trên biển để kịp thời hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho ngư dân, ngăn chặn những hành động tư tượng diễn ra trong tương lại. Ông cũng kêu gọi ngư dân đánh bắt xa bờ nên đi theo từng đội tàu để cảnh báo và hỗ trợ cứu nạn cho nhau khi bị tàu Trung Quốc tấn công.
Thông tin từ cơ quan chức năng cũng như lời kể của nạn nhân khi về đến bờ vào ngày 17 tháng 3, thì tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 do ông Trần Minh Hùng làm thuyền trưởng với 5 ngư phủ, vào ngày 6 tháng 3 khi đang đánh bắt hải sản tại gần khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 tấn công, truy ép khiến tàu cá Quảng Ngãi bị chìm. Năm ngư dân trên tàu kêu cứu và được một tàu cá Việt Nam cứu vớt và đưa về đất liền an toàn. Tổng thiệt hại được cho biết lên đến ba tỷ đồng. Sang ngày 7 tháng 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cho rằng phía Trung Quốc cứu nạn nhân của chiếc tàu cá Việt Nam đang bị chìm ở Hoàng Sa.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 8 tháng 3 khi được báo chí hỏi thì nói có biết vụ việc và đang xác minh.
Cho Trung Quốc xây cao tốc, Việt Nam đưa đầu vào thòng lọng (VOA, 18/03/2019)
Ít ngày sau khi có tin một hãng Trung Quốc đề xuất được xây cao tốc cho Việt Nam, nhiều người Việt bày tỏ lo lắng trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Thậm chí, một nhà báo kỳ cựu ví việc để cho Trung Quốc thực hiện các dự án lớn cũng giống như "đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng" của nước này.
Một cây cầu được xây trên Quốc lộ 5 của Việt Nam (ảnh tư liệu, tháng 11/2015)
Hơn một tuần trở lại đây, nhiều báo trong đó có VnEconomy, CafeF, Đất Việt và Thanh Niên cho hay Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Các bản tin nói nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến.
Theo một bài của báo Tiền Phong, tổng mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng mới 654 kilomet đường thuộc dự án.
Theo tìm hiểu của VOA, khi hoàn thành, tuyến đường được xem như xương sống của đất nước sẽ đi qua 13 tỉnh thành, chạy từ Hà Nội tới Vĩnh Long. Nó bao gồm phần đường sẽ xây mới kể trên nối vào một số đoạn đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng, như đường Pháp Vân-Ninh Bình, hay Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, khuyến cáo nhà chức trách "cần xem xét thật kỹ" việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc huyết mạch của Việt Nam, theo một bài báo đăng hôm 18/3 trên trang Soha.
Ông Hòa dẫn ra công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội như là một bằng chứng về một số dự án do các nhà thầu Trung Quốc làm nhưng "hiệu quả đầu tư không tốt dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ hoàn thành, khiến dư luận bức xúc".
Dẫn tài liệu của Bộ Giao thông và vận tải, các báo Việt Nam trong đó có Dân Việt và Nhà Đầu Tư hồi cuối năm 2018 nói rằng số tiền chi cho dự án Cát Linh-Hà Đông tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng, đội vốn hơn 9.200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VOA được biết theo hợp đồng ban đầu dự án lẽ ra phải đi vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đến thời điểm giữa tháng 3/2019 vẫn chưa chính thức vận hành, như vậy tiến độ bị chậm 5 năm.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đến nay chậm tiến độ 5 năm
"Chúng ta đang rất cần vốn cho phát triển giao thông nhưng không vì điều đó mà đánh đổi lấy những hệ lụy, tiêu cực về sau như đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng thấp... gây tổn hại cho đất nước, nhân dân", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói với Soha.
Ông Hòa cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình xem xét đề xuất của nhà thầu Trung Quốc, nhà chức trách Việt Nam "cần làm rõ tiềm lực, họ đã từng thi công các công trình nào, chất lượng, tiến độ ra sao, giá thành thế nào…".
Lời cảnh báo từ vị đại biểu quốc hội được cộng hưởng bởi các quan điểm do một số Facebooker nổi tiếng và nhiều người sử dụng mạng xã hội khác đưa ra trong mấy ngày nay, theo quan sát của VOA.
Trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 90.000 người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân cũng nêu ra dự án Cát Linh-Hà Đông như một ví dụ, ngoài ra ông cũng nhắc đến sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, để gióng lên hồi chuông báo động rằng nếu đại công trình cao tốc Bắc-Nam giao cho Trung Quốc, "đất nước sẽ rơi vào đại họa".
Tiếp đến, ông Vân đưa ra lời nhận định gây lạnh xương sống : "Đây không chỉ là cái bẫy nợ nần hàng chục tỉ đô la đè nặng nhiều thế hệ, đây còn là cái thòng lọng thít chặt chủ quyền đất nước không thể thoát ra được trong khi chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc đe dọa hàng ngày".
Bài viết của Facebooker nổi tiếng được 490 người chia sẻ và nhận 2.600 phản ứng yêu, thích.
Hạ tầng Việt Nam quá tải, nhiều tuyến đường cần được xây mới
Một nhà báo khác, ông Mạnh Quân, có trang Facebook cá nhân được tổng cộng hơn 35.000 người theo dõi, viết rằng tuy không phủ nhận là Trung Quốc "vĩ đại, giỏi giang", song cần nhận thấy Trung Quốc "chỉ làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước của họ thôi và thải ra, mang qua những nước khác tất cả những thứ cặn bã, lạc hậu của họ…".
Ông Quân đưa ra nhận định cá nhân rằng Việt Nam "có lẽ là một trong những nước hứng những rác thải công nghệ, máy móc... lạc hậu nhất của Trung Quốc".
Để củng cố cho lập luận của mình, nhà báo này nêu ra một số dự án của Trung Quốc ở Việt Nam có hiệu quả tồi tệ, mà theo lời ông "đã thua lỗ hoặc phá sản với qui mô cộng lại chắc đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng".
Đó là "Dự án Đạm Ninh Bình (700 triệu đô la), 4 dự án Ethanol đã phá sản...và đỉnh cao đang là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, không biết bao giờ mới vận hành", ông Quân viết.
Nhà báo này kết luận bài viết của mình với lời khẳng định rằng nếu nhà thầu Trung Quốc "lại trúng thầu" trong dự án cao tốc Bắc-Nam, điều đó "có nguy cơ là thảm họa - bẫy nợ lớn nhất mà Việt Nam có thể sẽ rơi vào".
Ông Quân bày tỏ mong muốn những người có trách nhiệm "nhìn lại hết tất cả các dư án, công trình mà Trung Quốc được làm trên đất Việt Nam này và cả nhiều quốc gia khác để mà tỉnh ngộ".
Đề tài này cũng thu hút nhiều thảo luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Trên hai trang Góc nhìn Báo chí-Công dân và Bàn luận về Kinh tế-Chính trị, hàng trăm người bày tỏ ý kiến, trong đó nhiều người đồng ý với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam, họ cần phải trưng cầu ý dân, vì việc này liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc.
*****************
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, ép tàu ngư dân Việt đụng đá ngầm chìm (RFA, 18/03/2019)
Sau 12 ngày các ngư dân Việt Nam bị tàu Trung quốc truy đuổi va vào đá ngầm và chìm ở vùng biển Hoàng Sa, 5 ngư dân trên tàu cá bị nạn đã về đến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi.
Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, ép tàu ngư dân Việt đụng đá ngầm chìm - Ảnh Tuổi Trẻ online
Truyền thông trong nước loan tin ngày 17 tháng 3 . Theo đó ngay khi về đến đất liền, các ngư dân gặp nạn đã cho báo chí trong nước biết, bị tàu Trung Quốc tấn công, phun vòi rồng, ép tàu Việt Nam va vào đá ngầm và chìm.
Cụ thể ông Nguyễn Minh Hùng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá QNg 90819 bị nạn, khi trình báo với lực lượng biên phòng cho biết : Khoảng 10 giờ sáng ngày 6/3, khi đang neo cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 5 hải lý về hướng Tây Bắc, tàu của ông bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 44101 truy đuổi, phun vòi rồng. Trong lúc cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của tàu sắt, tàu cá QNg 90819 bị va vào đá ngầm và chìm tại vùng biển Hoàng Sa.
Ông Hùng cho biết thêm đã dùng bộ đàm kêu cứu, anh Lựu là ngư dân đánh bắt gần đó đã bắt được tín hiệu và báo về Trung tâm Cứu nạn. Sau 4 giờ đồng hồ đu bám trên mũi tàu chìm, các ngư dân đã được tàu QNg 90620 đến tiếp cứu và tiếp tục hành nghề cho đến nay.
Tuy nhiên vào ngày 7/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lại tuyên bố là, khi tàu Trung Quốc đến cứu hộ thì thấy tàu cá Việt Nam bị đâm chìm chưa rõ nguyên nhân, và các nhân viên cứu nạn Trung Quốc đã cứu sống những người trên tàu.
Còn Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 9/3 chỉ cho biết, đã có thông tin về việc này. Và lập lại câu thường nói là các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực xác minh, nhằm triển khai các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân…