Một bản tuyên bố "phản đối dự án đường cao tốc Bắc-Nam" đang lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây. Nêu ra một số quan ngại về chất lượng, tiến độ, an ninh, chính trị, tuyên bố của "các tổ chức xã hội dân sự và người dân khắp nơi" ở Việt Nam yêu cầu chính quyền "không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc" cho dự án này.
Lời phản đối nhà thầu Trung Quốc xây cao tốc mới ở Việt Nam xuất hiện trên một diễn đàn mạng, 28/5/2019
Nhiều người sử dụng Facebook, trong đó có các nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh và Huỳnh Ngọc Chênh, đã và đang chia sẻ bản tuyên bố trên trang cá nhân. Lời phản đối tương tự cũng được đăng trong diễn đàn Bàn luận về Kinh tế-Chính trị có hơn 190.000 thành viên và nhận được hành chục lời bình luận ủng hộ.
Theo tìm hiểu của VOA, bản tuyên bố được hơn 100 nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động đưa ra hồi cuối tháng 3. Bản tuyên bố xuất hiện trở lại trong những ngày này sau khi Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam tổ chức một hội nghị hôm 17/5 để "kêu gọi đầu tư" vào dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.
Báo chí trong nước tường thuật rằng ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư của bộ, nói với báo giới bên lề hội nghị rằng việc nhiều nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc-Nam là "điều hoàn toàn bình thường".
Ông Huy nói thêm là nhà đầu tư Trung Quốc "giống như" các nhà đầu tư đến từ các nước khác, vì thế "không nên phân biệt đối xử".
Trong khi đó, một đoạn trích của tuyên bố đang lan truyền trên mạng dẫn ra một số dự án do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam, như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở thủ đô Hà Nội hay các nhà máy bauxite ở Tây Nguyên, để khẳng định rằng nhiều công trình do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện "đội vốn rất lớn", "thi công dây dưa" và "chất lượng vô cùng tệ hại".
Dự án Cát Linh-Hà Đông lâu nay bị xem là một ví dụ tệ hại về nhà thầu Trung Quốc
Một nội dung nữa được bản tuyên bố nhấn mạnh là các nhà thầu Trung Quốc thường áp dụng "thủ đoạn bỏ thầu rẻ" rồi sau đó "kết hợp với quan tham Việt Nam đẩy giá lên nhằm tham nhũng chia nhau", gây thâm thủng ngân sách của Việt Nam, đồng thời "tạo thêm gánh nặng, góp phần làm kiệt quệ sức dân".
Bản tuyên bố cũng nhắc lại cảnh báo bấy lâu nay rằng không ít công ty Trung Quốc câu kết với quan chức có thẩm quyền trong nước để "đem các công nghệ lạc hậu và nhân lực Trung Quốc, kể cả lao động phổ thông" vào Việt Nam, một mặt gây ra thiệt hại về kinh tế, mặt khác gây phức tạp an ninh xã hội.
Nhà hoạt động nữ Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ với VOA về suy nghĩ của bà khi ủng hộ bản tuyên bố:
"Nội dung bản tuyên bố đấy nó đúng với suy nghĩ, đúng với ý nguyện của hầu hết người dân Việt Nam. Tôi tuyệt đối không đồng ý cho nhà thầu Trung Quốc ký hợp đồng để xây dựng công trình này".
Các cá nhân và tổ chức xã hội dân sự đứng sau bản tuyên bố đưa ra yêu cầu chính quyền "không vay vốn và nhận đầu tư từ Trung Quốc vì những lý do trên".
Bên cạnh đó, trên bình diện rộng hơn, các tác giả bản tuyên bố cũng đề nghị cần tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân cũng như các chuyên gia Việt Nam trong và ngoài nước để tìm phương án tối ưu cho việc quyết định đầu tư cho các dự án.
Làm được như vậy sẽ "loại bỏ dứt khoát" các dự án được vẽ ra chỉ để phục vụ cho "các cơ hội tham nhũng" như từng xảy ra ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, theo bản tuyên bố.
Để văn bản này phát huy hiệu quả trên thực tế, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đưa ra lời kêu gọi:
"Tất cả mọi người hãy tẩy chay, hãy lên án việc nhà cầm quyền Việt Nam đang có ý định ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc. Nên có những thỉnh nguyện thư yêu cầu phải có trưng cầu dân ý cho những quyết định lớn như thế này, liên quan đến kinh tế, an ninh quốc gia".
Bà Hạnh nói thêm người dân khó có thể làm gì khác vì các cuộc gặp giữa cử tri với đại biểu quốc hội lâu nay chỉ là những sự kiện được dàn xếp, mang tính hình thức, còn các cuộc biểu tình sẽ "bị dập tắt ngay từ đầu".
Đồ học của dự án cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh chụp màn hình Người Lao Động)
Trong khuôn khổ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) sẽ được đầu tư để xây dựng mới 654 kilomet đường. Khi hoàn thành, tuyến đường được xem như xương sống của Việt Nam sẽ đi qua 13 tỉnh thành, chạy từ Hà Nội tới Vĩnh Long. Nó bao gồm phần đường sẽ xây mới kể trên nối vào một số đoạn đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng, như đường Pháp Vân-Ninh Bình, hay Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Trong 2 tháng gần đây, trước thông tin nhà thầu Trung Quốc đề xuất được tham gia dự án, nhiều chuyên gia, nhà phân tích, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, bà Phạm Chi Lan, nhà báo Hoàng Hải Vân, v.v… đã bày tỏ lo lắng trên báo chí chính thống và mạng xã hội, thậm chí ví việc để cho Trung Quốc thực hiện dự án này và các dự án lớn không khác gì đưa chủ quyền quốc gia Việt Nam "vào thòng lọng" của Trung Quốc.