Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/05/2019

Giới đấu tranh bị hành hạ trong nhà tù, xử ấu dâm

Tổng hợp

Giới đấu tranh Việt Nam tuyệt thực đòi thông tin về Nguyễn Văn Hóa (BBC, 28/05/2019)

Giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam tuyệt thực để phản đối chính quyền tra tấn, biệt giam và giấu thông tin Nguyễn Văn Hóa.

xu1

Nguyễn Văn Hóa trong phiên tòa ngày 27/11/2017

"Việc này là vi phạm luật pháp và hiến pháp của Việt Nam và tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền cũng như công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc, trong khi Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2014 và đã ký kết không vi phạm công ước chống tra tấn", nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC hôm 27/5.

"Cá nhân tôi cho rằng với Nguyễn Văn Hóa, một công dân Việt Nam, chỉ lên tiếng bằng cách quay phim biểu tình chống ô nhiễm môi trường mà bị bắt và tra tấn rồi giam mất tích như vậy là quá tàn bạo".

Nhà báo Sương Quỳnh là một trong 13 nhà bất đồng chính kiến tuyên bố tuyệt thực ngày 28/5 để ủng hộ Nguyễn Văn Hóa và kêu gọi chính quyền cho biết tình trạng của anh.

Vào 21 :00 ngày 28/5, bà Sương Quỳnh cùng một số nhà hoạt động sẽ tổ chức thắp nến cầu nguyện bình an cho Nguyễn Văn Hóa và một số tù nhân chính trị.

Trước đó, một nhóm nhà hoạt động đang bị giam chung tại trại An Điềm, Quảng Nam với Nguyễn Văn Hóa, gồm ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Bắc Truyển, đã tuyệt thực từ ngày 13/5 để phản đối trại giam biệt giam và đánh đập Hóa.

Nguyễn Văn Hóa, sinh năm 1995, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cách nhà máy Formosa 18 km, đang thụ án 7 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.

'Bị đánh đập và biệt giam'

Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái Nguyễn Văn Hóa, nói với BBC hôm 27/5 rằng lần gần đây nhất gia đình vào trại giam thăm Hóa hôm 14/5 đã bị phía quản lý trại giam cản trở, không cho gặp.

Bà Huệ cho hay gia đình rất sốt ruột muốn biết tình hình của Hóa. Và mỗi lần đi thăm Hóa rất vất vả vì đường xa.

"Đến nay đã 15 ngày rồi Hóa không được gọi điện về", bà Huệ nói. "Phía trại giam nói không đánh Hóa. Nhưng gia đình tôi bây giờ không thể tin những gì họ nói".

"Tôi quá thất vọng về phía trại giam An Điềm. Nếu họ đánh Hóa thì họ đã đối xử rất àn ác. Gia đình rất ấm ức và lo cho em".

việc của em Hóa. Chắc chắn Hóa cũng rất mong muốn mọi người trong và ngoài nước hãy luôn ủng hộ đấu tranh cho tất cả các anh em trong tù, không riêng gì cho Hóa. Chúng tôi rất mong muốn các đại sứ quán giúp đỡ", bà Huệ cho hay.

Trao đổi với BBC hôm 27/5, ông Hoàng Nguyên, em tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, xác nhận thông tin Nguyễn Văn Hóa bị đánh đập, biệt giam.

"Ngày 23/4, gia đình chúng tôi vào thăm anh Bình thì được anh Bình cho biết Hóa bị đánh đập. Hóa có về nói với anh em trong trại là anh Bình, anh Nguyễn Bắc Truyển, và trên người Hóa có các vết thương, bầm tím".

"Nguyên nhân là do phía trại giam bắt Hóa ký vào một tờ đơn nào đó có ghi sẵn một số thông tin, nhưng lại bỏ trống một số phần và không có gạch chéo ở các phần đó, nhưng Hóa từ chối không ký. Sau đó Hóa bị đánh và cho biệt giam từ ngày 12/5".

"Anh Bình, anh Truyển đã làm đơn gửi lên trại giam tố cáo vấn đề Hóa bị đánh đập và biệt giam. Sau đó đến ngày 13/5 thì hai anh bắt đầu tuyệt thực để yêu cầu trại giam thông báo tình hình của Hóa".

"Hôm 26/5 vợ anh Truyển mới vào thăm anh thì được biết cả hai anh vẫn đang tuyệt thực. Tới nay đã 14 ngày rồi. Cả hai anh đều yếu, đi lại không vững do tuyệt thực dài ngày".

"Mới đây chúng tôi có viết đơn gửi lên các tổ chức nhân quyền và các đại sứ quán đề nghị giúp đỡ, kêu gọi trả từ do cho Hóa, cho anh Bình và các tù nhân lương tâm ở trại An Điềm".

"Tình hình ở trại An Điềm theo ghi nhận của gia đình chúng tôi những lần vào thăm anh Bình là tù nhân được trồng rau, chơi thể thao, nhưng chỉ được đọc mỗi báo Nhân Dân và bị đàn áp về tinh thần".

"Ví dụ như chúng tôi từng nhận được thư từ trại, cho biết anh Bình 'không nhận rõ tội lỗi, không chấp hành hình phạt", ông Nguyên cho biết thêm.

Tháng 9/2017, Nguyễn Văn Hóa từng gửi thư về gia đình nói bị đánh đập tại phòng cách ly của tòa án, phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng. Lý do là Hóa đã phản cung tại tòa, bác bỏ mọi cáo buộc đối với ông Lượng.

Báo Việt Nam nói gì ?

xu2

Nhà hoạt động Nguyễn Đức Bình hiện đang bị giam tại Trại An Điềm, Quảng Nam, cùng với Nguyễn Văn Hóa

Ngày 27/11/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Nguyễn Văn Hóa, bút danh "Con kiến con", 7 năm tù giam về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Cáo trạng cho hay từ năm 2013 Hóa đã "lập trang Facebook "Nguyễn Văn Hóa (Maria Luygonjaga) để chia sẻ, phát tán các bài viết, video, hình ảnh có nội dung kích động, xuyên tạc sự thật, tuyên truyền các luận điệu phản động, trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước", với "mục đích nhằm kích động người dân tụ tập biểu tình sau sự cố môi trường biển và tình hình lũ lụt trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình".

Hóa cũng bị cáo buộc sử dụng blog "Luoishoa" để đăng tải, phát tán các tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong quần chúng".

Hóa được cho là đã "copy, phát tán lại các bài viết của đối tượng thù địch", và cả "tự viết, tự quay phim, chụp ảnh" và "gửi ra cho các báo, đài nước ngoài để tiếp tục phát tán".

Hóa được cho là đã "kích động giáo dân tập trung gây rối tại cổng chính của Formosa tại xã Kỳ Liên" năm 2016, theo truyền thông Việt Nam. Hóa bị cáo buộc đã nhận hàng ngàn đô la "từ các cá nhân cực đoan, tổ chức phản động trong và ngoài nước".

Trong một video đăng trên báo Vietnamnet năm 2017, một người được cho là Nguyễn Văn Hóa nói những lời xin lỗi 'nhân dân' và 'xin được khoan hồng' để được 'trở về làm lại cuộc đời'.

Trong khi đó, trả lời BBC vào năm 2017, bà Huệ, chị Hóa, cho hay gia đình ở thôn quê không biết các hoạt động của Hóa do Hóa hay đi làm xa nhà.

Bà nói Hóa từ chối luật sư, muốn tự bào chữa, nên gia đình chỉ biết cầu nguyện cho em.

Truyền thông quốc tế nói gì ?

Trường hợp của Nguyễn Văn Hóa đã được tờ New York Times đăng tải năm 2017 dưới bài viết với tiêu đề 'Blogger Việt Nam lãnh án 7 năm tù vì đưa tin vụ xả thải độc hại'.

Bài báo viết về phiên tòa xử kín đối với Nguyễn Văn Hóa hôm 27/11.

Tác giả Richard C. Paddock dẫn lời Phó giám đốc Ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Phil Robertson : "Việc kết án Nguyễn Văn Hòa cho thấy mong muốn hoang tưởng của chính phủ duy trì kiểm soát chính trị cao hơn những quan niệm về công lý và nhân quyền".

"Làm thế nào mà các giám đốc điều hành của một công ty quốc tế đã đầu độc đại dương, hủy hoại nền kinh tế ven biển ở bốn tỉnh, được tự do công việc kinh doanh của họ trong khi nhà báo trẻ lý tưởng này phải đi tù vì giúp vạch trần những hành động sai trái ?" ông Robertson nói.

*********************

Mẹ tù nhân lương tâm Hoàng Bình gửi thư kêu cứu (RFA, 26/05/2019)

Bà Phạm Thị Vạn, mẹ tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, hôm 24/5 đã gửi một thư ngỏ đến các tổ chức nhân quyền và chính phủ các nước để kêu cứu cho ông Hoàng Bình cùng một số tù chính trị khác đang gặp nguy hiểm tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.

xu4

Mẹ tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình, hôm 24/5 đã gửi một thư ngỏ đến các tổ chức nhân quyền và chính phủ các nước để kêu cứu cho ông Hoàng Bình

Bức thư được công bố chính thức trên mạng hôm 26/5 và được ông Hoàng Đức Nguyên, em trai ông Hoàng Bình, xác nhận với RFA vào cùng ngày.

Theo bức thư, ông Hoàng Bình, người đang phải thụ án tù 14 năm với cáo buộc chống người thi hành công vụ và lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đang gặp nguy hiểm về tính mạng.

"Mạng sống của Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển và các tù nhân lương tam khác tại nhà tù Quảng Nam đang bị đe doạ", bức thư có đoạn viết.

Trước đó vào ngày 23/5, Hoàng Đức Bình đã thông báo cho mẹ và em trai trong lần thăm gặp ở trại giam An Điềm rằng ông cùng ông Nguyễn Bắc Truyển và một số tù nhân khác đang tuyệt thực từ ngày 12/5 để phản đối việc trại giam tra tấn tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá và đưa tù nhân này đi biệt giam chỗ khác mà không thông báo cho các tù nhân khác ở cùng được biết.

Bức thư của gia đình Hoàng Bình cũng kể lại việc Hoàng Bình đã bị an inh bắt cóc hôm 15/5/2017, bị tra tấn dã man sau khi bị bắt.

Ông Hoàng Đức Nguyên cho biết, tình hình sức khoẻ của Hoàng Bình trong tù hiện không được tốt vì bệnh tật và vết thương do bị đánh chưa lành.

"Sức khoẻ của anh Bình ngay từ đầu đã không tốt. Anh bị đánh chảy máu tai, giờ vẫn chưa lành, thỉnh thoảng vẫn chảy mủ. Anh còn bị đau lưng, thị lực kém. Thuốc trong trại giam không chữa khỏi được. Tôi phải nhờ bác sĩ bên ngoài kê đơn thuốc gửi vào", ông Hoàng Đức Nguyên cho biết.

Trong bức thư của mình, bà Phạm Thị Vạn cũng cho biết gia đình bà đang gặp nhiều khó khăn, o ép từ phía chính quyền.

"Suốt bao lâu nay, gia đình tôi liên tục bị nhà cầm quyền cộng sản o ép, đe dọa. Các con tôi, tức các em trai của Hoàng Đức Bình luôn luôn bị cộng sản tìm mọi cớ đánh đập, ngăn chặn mọi công ăn việc làm để nuôi sống gia đình. Các con tôi đều bị cấm xuất cảnh, dù là xuất cảnh sang Lào để làm thuê kiếm sống.

Là người mẹ, tôi không thể lặng im ngồi nhìn con mình bị đày đọa, có thể bị chết trong tù, những đứa con khác luôn luôn bị uy hiếp, ngăn chặn công việc làm ăn, đe dọa mạng sống", bà Vạn viết trong thư.

Tù nhân lương tâm Hoàng Bình là người tham gia các hoạt động về môi trường, phản đối công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam hồi năm 2016.

Ông Hoàng Bình bị đưa ra xử sơ thẩm hôm 6/2/2018 và bị tuyên án 14 năm tù. Phiên phúc thẩm hôm 24/4/2018 tuyên y án.

Luật sư và gia đình của ông Bình đều phản đối phán quyết của tòa và cáo trạng của Viện Kiểm sát vì cho rằng tòa án và Viện Kiểm sát đã sử dụng những chứng cứ nguy tạo và cáo trạng bất công, vô lý.

Ông Hoàng Đức Nguyên cho biết ông Hoàng Bình muốn tiếp tục kiện lên tòa án cấp cao về những sai phạm trong việc bắt giam và tra tấn ông.

"Chúng tôi sẽ kiện lên tòa án cấp cao về những sai phạm của họ. Họ đã sai khi bắt cóc anh Bình mà không có lệnh bắt. Sau đó họ đã tra tấn anh Bình, như vậy là trái với công ước quốc tế", ông Hoàng Nguyên cho biết.

Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với số điện thoại của trại giam An Điềm để xác định thông tin tuyệt thực của các tù nhân lương tâm và việc tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá bị tra tấn và biệt giam nhưng tất cả các cuộc gọi đều không nhận được trả lời.

*****************

Ông Nguyễn Hữu Linh đeo khẩu trang đến tòa (RFA, 27/05/2019)

Cựu Phó viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh hôm 27/5 đã đến tòa án nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh để nhận quyết định triệu tập liên quan đến vụ án "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".

xu5

Hình ảnh được cho là của ông Nguyễn Hữu Linh đeo kính và khẩu trang đến tòa vào sáng ngày 27/5/2019 -Courtesy of thanhnien.vn

Truyền thông trong nước hôm 27/5 đưa tin và các hình ảnh ông Linh đeo khẩu trang và kính mát khi đến tòa vào buối sáng cùng ngày.

Ông Nguyễn Hữu Linh là nhân vật được dư luận chú ý và lên án trong suốt gần 2 tháng qua sau khi hình ảnh camera an ninh cho thấy ông đã có hành động dâm ô đối với một em gái trong cầu thang máy ở một chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 1/4.

Lên tiếng sau khi hành động dâm ô bị phát giác, ông Linh cho biết ông chỉ có ý nựng em gái.

Nhiều người dân đã bày tỏ sự bức xúc của mình trên các trang mạng xã hội đòi các cơ quan liên quan phải điều tra và truy tố ông Linh về tội dâm ô với trẻ nhỏ.

Hình ảnh của ông Linh và nhà của ông tràn ngập trên báo chí và các trang mạng xã hội trong suốt nhiều tuần qua.

Ngày 22/5 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4 đã ký quyết định truy tố ông Nguyễn Hữu Linh với tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi" theo khoản 1 điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

Tuy nhiên, theo truyền thông trong nước, ông Nguyễn Hữu Linh được Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ vì phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Thông tin về khả năng ông Linh sẽ được giảm nhẹ án và có thể chỉ phải chịu mức án treo đã khiến người dân bức xúc vì cho rằng ông Linh là người đã từng hoạt động trong ngành kiểm sát thì đáng nhẽ phải bị phạt nặng hơn để có tính răn đe.

Quay lại trang chủ
Read 581 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)