Covid-19 : Sáu ngày Bắc Kinh che giấu dịch gây đại họa cho thế giới
Bóng dáng Trung Quốc lại xuất hiện trên trang nhất hầu hết các nhật báo ra ngày 16/04/2020 với hai sự kiện nổi cộm : Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đình hoãn việc tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS bị Hoa Kỳ cáo buộc theo đuôi Bắc Kinh để giảm nhẹ tầm mức nguy hại của dịch Covid-19 lúc mới bùng lên tại Vũ Hán, và việc ngoại trưởng Pháp triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối sứ quán Trung Quốc ở Paris tung tin thất thiệt về dịch bệnh.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số 8 bác sĩ báo động virus corona và bị chính quyền xử phạt, qua đời vì nhiễm Covid-19. Ảnh tư liệu. AFP
Trong hàng tựa trang nhất, nhật báo Libération đã giới thiệu một hồ sơ 4 trang: "Đại dịch – Những tàn phá trên thế giới do hành vi kiểm duyệt của Trung Quốc". Bài viết chính bên trong với tít "Từ hành động gian dối cấp Nhà Nước tới đại dịch" không ngần ngại tố cáo đích danh chính quyền Bắc Kinh : "Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Giêng, các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng con virus corona không lây nhiễm nhiều trong khi chính quyền đồng thời bí mật chuẩn bị kế hoạch chống lại dịch bệnh".
Ngay ngày 14/01/2020 lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đã biết
Libération tỏ vẻ cay đắng khi trích lại những tài liệu mà hãng thông tấn Mỹ Associated Press tiết lộ ngày 15/04/2020, theo đó ngay ngày 14/01, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã báo động cho giới lãnh đạo cao nhất về tính nguy hiểm của virus corona được nhận dạng hai tuần lễ trước đó ở Vũ Hán :
"Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp. Đây là thách thức lớn nhất từ dịch SARS năm 2003 và có thể biến thành sự cố nghiêm trọng nhất về y tế công cộng (…). Những cụm lây nhiễm cho thấy virus có chuyền từ người sang người (…) nguy cơ lây lan rất cao (…) Tất cả các vùng phải chuẩn bị đối phó với một đại dịch".
Sau lời báo động đó, một kế hoạch khẩn cấp được đưa ra và hàng trăm giường được chuẩn bị ở các bệnh viện.
Nhưng trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 20/01, tất cả những thông tin này đều đã được giữ kín, để cho người dân Trung Quốc cũng như thế giới không hay biết về mối nguy hiểm.
Và cũng ngay ngày 14/01, Tổ chức Y tế Thế giớixác nhận cuộc điều tra của giới chức y tế Trung Quốc, đảm bảo rằng không có bằng chứng virus lây từ người sang người. Ngày hôm sau, lãnh đạo trung tâm phòng ngừa dịch bệnh, đứng đầu nhóm chuẩn bị đối phó khẩn cấp, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước là "nguy cơ lây lan từ người sang người rất yếu".
Người ta đã biết là lãnh đạo Vũ Hán đã trừng phạt những bác sĩ đã lên tiếng báo động vào cuối tháng 12/2019. Và từ ngày 05 đến 17/01/2020, trong lúc diễn ra hai cuộc họp quan trọng của Đảng cộng sản ở Vũ Hán, lệnh đã được đưa ra là không thông báo trường hợp nhiễm virus corona trong lúc mà hàng trăm bệnh nhân đổ về bệnh viện.
Sáu ngày mở cửa cho 5 triệu dân Vũ Hán tỏa ra khắp nơi
Với những tài liệu mà AP tiết lộ, thì người ta có bằng chứng là chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh từ ngày 14-20/01, một khoảng thời gian 6 ngày trong đó một đại tiệc được tổ chức ở Vũ Hán cho 40.000 gia đình, 6 ngày mà 5 triệu người dân Vũ Hán đã tỏa ra những vùng khác ở Trung Quốc hay ra nước ngoài.
Đối với Libération, hiện nay không ai biết là sự chậm trễ do chế độ Trung Quốc gây ra đã có tác động quyết định đến mức nào trên đà lan rộng của đại dịch, đã khiến hơn hai triệu người nhiễm bệnh và làm cho hơn 126.000 người chết trên toàn thế giới. Thế nhưng, "dịch Covid-19 đã bộc lộ trước dư luận quốc tế thực tế của "chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc", được ông Tập Cận Bình phô trương kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, trái ngược hoàn toàn với các giá trị dân chủ của chúng ta".
Thái độ thần phục Trung Quốc của Tổ chức Y tế Thế giới
Ngay từ tháng những ngày đầu trong tháng Giêng, Tổ chức Y tế Thế giới đã ngợi ca sự "minh bạch" của Bắc Kinh, bác bỏ khả năng đình chỉ các chuyến bay giữa Trung Quốc và thế giới để giúp nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay.
Phải chờ đến khi Bắc Kinh công khai tuyên chiến chống dịch ngày 23/01, thì Tổ chức Y tế Thế giới mới thừa nhận việc virus corona lây nhiễm từ người sang người, cho dù đã được giới bác sĩ ở Vũ Hán báo động ngay từ cuối tháng 12 trước đó.
Và trong khi các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới không được phép của Trung Quốc đến đến nước này điều tra mãi cho đến ngày 12/02, tổng giám đốc của tổ chức là Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chúc mừng ông Tập Cận Bình vào cuối tháng Giêng, trong khi vẫn im lặng về chiến lược chống dịch mẫu mực và hiệu quả của Đài Loan.
Sau khi ngăn được dịch, Bắc Kinh tung chiến dịch viết lại lịch sử
Điều được Libération ghi nhận tiếp theo là guồng máy tuyên truyền Trung Quốc lại tung chiến dịch viết lại lịch sử sau khi ngăn chặn được dịch bệnh trên đất nước mình.
Cho dù bị cấm ở Trung Quốc, các mạng xã hội như Twitter hoặc Facebook tràn ngập những thông điệp tự chúc mừng, và dĩ nhiên là không thể không trích dẫn những lời khen ngợi đến từ Tổ chức Y tế Thế giới.
Và sau khi đã nhập khẩu ồ ạt thiết bị bảo hộ y tế từ nước ngoài, khẩu trang hiện đang từ Trung Quốc tỏa ra thế giới. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã rầm rộ phô trương "tặng phẩm" gởi qua Ý, nhưng phớt lờ thực tế là thiết bị đó được bán chứ không phải là cho không.
Trong khi các chính phủ dân chủ đang phải vất vả đối phó với dịch bệnh trên nước họ, thì các cơ quan thông tấn Nhà nước, truyền hình và báo chí Trung Quốc thi nhau chỉ trích cách chống dịch của các nước phương Tây.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng ra sức loan truyền giả thuyết cho rằng virus không phải xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí còn đi xa tới mức phát tán tin đồn vớ vẩn về khả năng virus đã được lính Mỹ đưa đến Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019.
Đại sứ Trung Quốc bị ngoại trưởng Pháp chấn chỉnh
Cũng liên quan đến chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, các báo đều có bài phân tích về vụ đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để phản đối về những lời lẽ thiếu ngoại giao nhắm vào Pháp và phương Tây trên vấn đề dịch Covid-19.
Trong bài viết mang tựa đề : "Đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị Jean-Yves Le Drian chấn chỉnh", nhật báo Le Figaro nêu bật tâm lý nhẹ nhõm của giới chuyên Pháp về Trung Quốc khi vốn đang chờ đợi Paris có phản ứng đối với Bắc Kinh.
Trong một tin nhắn Twitter gần đây, ông François Godement, cố vấn về Châu Á ở Viện Montaigne, cho rằng : "Phải nói là chúng tôi rất bực mình khi phải đọc những lời lẽ tuyên truyền phát xít của một nhà ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Pháp, và được đại sứ bảo trợ vì được công bố trên trang mạng chính thức. Đã đến lúc Pháp phải có phản ứng cũng một cách chính thức như vậy".
Le Figaro hài lòng cho rằng việc đó giờ đây đã được thực hiện. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã được ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để nhắc nhở về "những lời lẽ gần đây" trên trang mạng chính thức của đại sứ quán, bi Pháp cho là "không phù hợp với chất lượng quan hệ song phương giữa hai nước".
Đối với Le Figaro, diễn giải bằng ngôn từ phi ngoại giao, từ "propos" được ông Le Drian sử dụng có nghĩa là nhục mạ, loan tin thất thiệt. Tác giả của bức thư mà đại sứ quán Trung Quốc cho đăng ngày 12 tháng Tư, theo tờ báo Pháp, có lẽ là chính vị đại sứ Trung Quốc.
Libération thì nói thêm là "từ nhiều tuần lễ nay, đại sứ quán Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi khiêu khích, và đã công bố một bức thư dài tấn công vào các nhà báo, nhà nghiên cứu hay các đại biểu dân cử Pháp".
Báo Le Monde cũng có bài phân tích dài về sự cố này, ghi nhận trong hàng tựa "Đại sứ Trung Quốc tại Paris bị triệu mời vì những ghi nhận thiếu ngoại giao".
Trump quy trách nhiệm về đại dịch cho WHO/OMS
Tuy nhiên trang nhất báo Le Monde dành tựa lớn cho thông báo gây chấn động - nhưng được chờ đợi – của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo nhật báo Pháp, khi quyết định như vậy : "Trump quy trách nhiệm về cuộc khủng hoảng cho OMS", bị ông cho là quá thân thiết với Bắc Kinh. Chủ nhân Nhà Trắng trách định chế quốc tế là đã đi theo lập luận chính thức của Trung Quốc, giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh.
Một trong những chỉ trích được Le Monde trích lại là : "Nếu Tổ chức Y tế Thế giới đã làm đúng trách nhiệm của mình và cử chuyên gia y tế qua Trung Quốc để nghiên cứu tình hình hiện trường một cách khách quan, thì có lẽ dịch bệnh đã được kềm hãm tận gốc với rất ít người chết".
Biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ đã chính thức trở thành quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, với hơn 25.000 người chết tính đến hôm qua.
Đối với Le Monde, "do bản thân bị tố cáo là đã giảm nhẹ nguy cơ dịch Covid-19, ông Trump đã đổ lỗi cho Tổ chức Y tế Thế giới và khẳng định đường hướng bác bỏ các tổ chức đa phương của ông".
Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều thiếu đứng đắn
Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều đã bị nhật báo công giáo La Croix chỉ trích trong bài xã luận mang tựa đề "Thiếu đứng đắn".
Tác giả, Guillaume Goubert, rất bất bình ghi nhận là trong lúc thế giới đứng trước một đại dịch đặc biệt khó khăn, hai cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc không làm được gì hay hơn là lợi dụng cơ hội để mưu cầu những lợi ích chính trị đáng ngờ…
Phía Trung Quốc, theo La Croix, thì nỗ lực tuyên truyền để xóa nhòa những lỗi lầm ban đầu trong việc đối phó với virus corona để khẳng định ngược lại là chế độ Công Sản hữu hiệu hơn các chế độ khác. Trung Quốc không ngần ngại dùng đến thủ đoạn vu khống, một điều vừa bị Bộ Ngoại giao Pháp công khai trách cứ thông qua đại sứ Trung Quốc tại Paris.
Về phía Mỹ thì ông Donald Trump đã thấy là phải khẩn cấp loan báo đình hoãn mọi đóng góp tài chính của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới, bị ông chỉ trích là quá dễ dãi đối với Trung Quốc.
Đối với tờ báo Pháp, tổng thống Mỹ đã tìm ra một cái bung xung, đánh lạc hướng dư luận để che đậy sai lầm của chính mình, nhất là trong giai đoạn bầu cử.
Giấc mơ về một Châu Âu phi biên giới kể như tan biến
Le Figaro dành hồ sơ chính và tít lớn trang nhất cho vấn đề tái lập các biên giới ở Châu Âu, được xem là điều không thể tránh khỏi.
Đối với tờ báo : "Thế giới không biên giới xuất hiện với chủ nghĩa toàn cầu hóa tân tự do đã biến mất, giấc mơ vĩ đại về một Châu Âu không bị biên giới ràng buộc mà ông Jacques Delors từng bảo vệ, ngày nay có vẻ như đã thuộc về quá khứ".
Le Figaro liệt kê những sự kiện đã lần lần làm tan biến giấc mơ này : Các vụ khủng bố nổ ra sau ngày 11/9/2001, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chính sách thắt lưng buộc bụng sau đó, kéo theo sự vùng lên của các chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu.
Sau đó đến lượt cuộc khủng hoảng người nhập cư năm 2015, tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong Liên Hiệp Châu Âu giữa các quốc gia mở cửa cho người tị nạn và những người đã xây dựng hàng rào để bảo vệ chính họ. Và, bây giờ là đại dịch Covid-19.
Các trang nhất khác
Như nói ở trên, Libération có tựa trang nhất cho hồ sơ Trung Quốc, nhưng chỉ là tựa nhỏ, còn tít chính lại là lời chứng của những bệnh nhân Covid-19 đã được chữa lành, kể lại chi tiết những gì họ đã phải trải qua.
Lời kể của một bệnh nhân 49 tuổi được cô đọng lại thành tựa : "Đối mặt với căn bệnh, óc tôi (như) đã ngắt kết nối".
La Croix cũng chạy tít trang nhất về dịch Covid-19, nhưng chú ý đến "Những bác sĩ trẻ trong cuộc thử lửa".
Les Echos như thông lệ tập trung trên chủ đề kinh tế nói đến "Kịch bản khiến các thị trường chứng khoán lo ngại"
Trọng Nghĩa
Tình báo Mỹ xác nhận Trung Quốc che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ảnh : Tổng thống Mỹ Trump tại họp báo ở Nhà Trắng hôm 1/4
Hãng tin Bloomberg cho biết ngày 01/04/2020, một báo cáo mật của tình báo Mỹ kết luận là Trung Quốc đã gian dối về số liệu của dịch bệnh viêm phổi xuất phát từ Vũ Hán khi đưa ra các con số thấp hơn thực tế.
Báo cáo mật này của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ IC (tập hợp 17 cơ quan tình báo Mỹ) đã được phân loại và gửi đến Nhà Trắng vào tuần trước.
Hãng Bloomberg đã dẫn lại thông tin này từ ba quan chức Mỹ.
Các quan chức này từ chối tiết lộ danh tính, cũng không cung cấp nội dung chi tiết của báo cáo trên.
Tuy nhiên họ nói rằng báo cáo cho thấy các báo cáo công khai của Trung Quốc về số ca nhiễm và tử vong là "cố ý không đầy đủ".
Hai trong ba quan chức nêu trên khẳng định số liệu của Trung Quốc là "giả".
Các quan chức trên cũng không khẳng định rằng liệu báo cáo có đề cập tới số liệu "thực tế" của Trung Quốc là bao nhiêu hay không.
Tóm lại, báo cáo của Cộng đồng tình báo Mỹ (IC) kết luận Trung Quốc cố ý làm giảm số liệu thương vong do virus corona chủng mới ở Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên.
Cũng trong thời điểm đó, Tổng thống Trump lấp lửng về số liệu bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán của Trung Quốc ở Vũ Hán.
Trong cuộc họp báo ngày 1/4 (giờ Mỹ), ông Trump nhận được câu hỏi về tính chính xác trong số liệu ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán gây ra ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Ông Trump đáp : "Làm sao chúng ta biết được" nó có chính xác hay không, "tôi không phải một kế toán ở Trung Quốc".
Cũng tại cuộc họp báo, ông Trump khẳng định chính quyền "chưa nhận được" bất kỳ báo cáo tình báo nào cho thấy Trung Quốc che giấu số liệu của bệnh nhân và nạn nhân của viêm phổi Vũ Hán. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói thêm "số liệu của họ dường như có một chút sáng sủa, liên quan tới những gì chúng ta chứng kiến và những gì được báo cáo và tôi đang khá thân thiện khi nói vậy".
Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm tra việc nối lại công việc ở Chiết Giang, Trung Quốc
Chính quyền tổng thống Donald Trump trong những tuần qua đã kịch liệt chỉ trích Bắc Kinh, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không tỏ ra minh bạch với thế giới về tình hình dịch bệnh ở nước đông dân nhất thế giới này.
Cho tới nay, Nhà Trắng chưa hề cáo buộc một cách rõ ràng và chính thức là Bắc Kinh gian dối về số liệu của dịch viêm phổi tại Vũ Hán.
Tin tức về báo cáo này xuất hiện một ngày sau khi bà Deborah Birx, điều phối viên của nhóm công tác chống viêm phổi Vũ Hán của Nhà Trắng, nói rằng cách thức Mỹ phản ứng với đại dịch có thể không hiệu quả tối đa vì "những thiếu sót" trong dữ liệu của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ngày 31/3, bà Birx nói "Cộng đồng y tế giải thích số liệu của Trung Quốc, nghiêm túc đấy, nhưng nhỏ hơn dự liệu của bất kỳ ai. Bởi vì có lẽ… chúng ta thiếu một số liệu đáng kể, giờ là lúc chúng ta xem chuyện gì xảy ra ở Ý và Tây Ban Nha".
Cho đến hết tháng 3, Trung Quốc đã báo cáo công khai hơn 82.000 trường hợp mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó hơn có 3.300 người chết.
Như vậy, số người chết vì virus corona tại Trung Quốc trong hơn hai tháng chỉ bằng một một nửa so với tại Tây Ban Nha trong hơn ba tuần lễ và bằng một phần ba so với tại Ý tính từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3/2020. Hoa Kỳ có số bệnh nhân cao hơn 2,5 lần so với Trung Quốc.
Truyền thông Tây phương không tin vào các con số chính thức của Bắc Kinh.
Trả lời trên đài truyền hình LCI ngày 29/03, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Saint Antoine, Paris, Karine Lacombe, cho rằng "dịch bệnh đã bùng phát từ tháng 9, tức là sớm hơn nhiều so với thời điểm chính thức Bắc Kinh thông báo. Bắc Kinh có lẽ đã che giấu về số người tử vong và con số đó cao hơn nhiều so với hơn 3.000 ca tử vong trong thống kê chính thức".
Trong tuần qua, hình ảnh cũng như những video ngắn mô tả hàng ngàn chiếc hũ đựng tro cốt bên ngoài các nhà tang lễ ở tỉnh Hồ Bắc lại càng khiến công chúng nghi ngờ báo cáo của Bắc Kinh.
Vào thời điểm Vũ Hán nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và một tuần lễ trước lễ Thanh Minh, điều tra của tờ báo kinh tế Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc cho thấy chỉ trong hai ngày 25 và 26/03/2020 một lò thiêu tại Vũ Hán đã nhận 5.000 hũ tro. Con số này cao hơn báo cáo chính thức là 2.535 người chết vì dịch bệnh tại Vũ Hán. Đó là chưa kể cả thành phố Vũ Hán có tổng cộng 7 nhà thiêu, và vẫn theo điều tra của thời báo Tài Tân, nếu mỗi đơn vị đều nhận được một số hũ tro như vậy, thì đã có tới 35.000 người chết trong hai tháng qua.
Tác giả bài điều tra của tờ báo Trung Quốc này lưu ý thêm : trong giai đoạn cao điểm của mùa dịch vừa qua, đã có thêm "khoảng một chục lò thiêu dã chiến" được dựng lên chung quanh thành phố và Vũ Hán, nhưng báo Tài Tân không thể kiểm chứng số liệu về hũ tro. Tờ báo đặt câu hỏi : "Vì sao sự chênh lệch lại quá lớn giữa thống kê chính thức của thành phố và thực tế trước cửa các nhà thiêu ở Vũ Hán ?".
Nhà báo Phạm Cao Phong ở Paris cho biết : Ngày 30/3, chương trình thời sự của các kênh chính đài truyền hình nhà nước Pháp như France 2, France Info, CNews Direct đều đồng loạt tố cáo hành vi Trung Quốc giấu nhẹm có chủ ý về con số tử vong giai đoạn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tại quốc gia này. Phóng viên Pháp Arnaul Miguel thường trú tại Vũ Hán đã cho thấy hình ảnh người nhà những gia đình xấu số xếp hàng chầu chực nhiều giờ để nhận lọ tro người thân tại các nhà hỏa thiêu. Trong một bức ảnh chụp dãy hộp khổng lồ xếp như những công sự của đội quân chết, người xem dễ dàng nhẩm tính có tới 1.800 bình tro. Đấy mới là tiền sảnh của một trong bảy nhà hỏa thiêu tại Vũ Hán. Phóng viên Pháp nói thẳng tuột, Trung Quốc đã giảm thiểu đến 20 lần con số thực.
Trung Quốc như thường lệ đáp lại phương Tây bằng những lời lẽ ngụy biện.
Thứ Năm, ngày 02/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về bản tin của Bloomberg.
Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc "cởi mở và minh bạch" trong phản ứng với viêm phổi Vũ Hán. Bà nói : "Một số viên chức Mỹ chỉ muốn đổ lỗi"…"Chúng tôi không muốn cãi nhau với họ, nhưng đối diện với sự bôi nhọ đạo đức liên tục của họ, tôi phải nói ra sự thật lần nữa".…"Chúng tôi muốn giúp đỡ họ theo khả năng của mình. Nhưng các bình luận của các chính trị gia Mỹ chỉ đáng xấu hổ".…"Những sự bôi nhọ, đổ lỗi không thể bù lại cho thời gian đã mất mà sẽ chỉ làm tốn thời gian và sinh mạng".
Giải thích cho sự việc người dân xếp hàng trước các nhà tang lễ sau khi mở cửa lại ngày 23/3, Đại sứ Trung Quốc ở Pháp Lu Shaye nói 2.500 người chết vì dịch bệnh và khoảng 10.000 người qua đời tại Vũ Hán hai tháng qua vì nhiều nguyên nhân khác.
Ông khẳng định : "Chúng tôi không giấu con số tử vong, các con số là chính xác".
Đại sứ Lu nói hạn chế đi lại tại Vũ Hán từ 23/1 đã khiến người dân không thể đến nhận tro cốt người thân. Vì thế khi giao thông mở cửa lại mới đây, người dân mới xếp hàng dài như vậy trước nhà tang lễ. Ông nói năm 2019, khoảng 51.200 người qua đời ở Vũ Hán, tức trung bình mỗi tháng 4.000 người qua đời. Con số tử vong tháng Giêng và Hai cao hơn các tháng còn lại trong năm vì thời tiết lạnh.
Chuyên gia về Trung Quốc Valérie Niquet, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) của Pháp cho rằng Bắc Kinh đã đưa ra những con số rất thấp về trường hợp tử vong vì viêm phổi Vũ Hán để khoe khoang thành tích, chứng minh với thế giới về thế thượng phong của Trung Quốc ngay cả trước một kẻ thù vô hình.
Chính quyền của ông Tập Cận Bình muốn chứng minh hiệu quả của hệ thống chính trị tại nước này. Nói cách khác, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã phục vụ mục tiêu tuyên truyền cho đảng Cộng sản Trung Quốc cả với công luận trong nước lẫn cộng đồng quốc tế.
Biên tập viên James Palmer của Foreign Policy cũng cho đồng tình rằng rất có khả năng Bắc Kinh đang cố tình đánh giá thấp số người chết ở Vũ Hán, và tổng số trường hợp bị nhiễm trên cả nước vào tháng Hai. Ông viết : "Những con số tồi tệ ở Trung Quốc luôn được báo cáo thấp xuống, đặc biệt là khi hình ảnh quốc gia bị đe dọa, và Trung Quốc hiện đang muốn chiến thắng virus này để tương phản với những thất bại của phương Tây".
Nhưng ông đặt giả một giả thuyết là : "Tuy nhiên, không phải như thể giới lãnh đạo Trung Quốc có một bộ sách bí mật chứa những số liệu chính xác hơn. Họ cũng vậy, đang phải vật lộn để tìm ra chính xác những gì đang diễn ra trong đất nước rộng lớn của mình".
Ông giải thích, là vì : "Chính quyền địa phương một mặt được lãnh đạo khuyến cáo không được ‘giấu các trường hợp bị nhiễm vì mục đích báo cáo bằng không’, nhưng mặt khác lãnh đạo cũng đang yêu cầu gần như không có trường hợp nhiễm mới nào trong nước. Một loạt các cuộc thanh trừng trước đại dịch đã khiến các quan chức đứng ngoài cuộc, và bất kỳ chính quyền địa phương nào chẳng may có một ổ dịch trên lãnh thổ của họ đều có thể gặp nguy hiểm chính trị nghiêm trọng".
Không thể phủ nhận những thiếu sót, bất cập trong hệ thống y tế ngay cả tại các quốc gia giàu có nhất hành tinh, nhưng việc không chia sẻ thông tin chính xác về một siêu vi chủng mới nguy hiểm chết người là một tội ác cần phải được lên án của chính quyền cộng sản nước này.
Khi dịch mới bùng phát tại Vũ Hán, nhà cầm quyền Trung Quốc từng khẳng định rằng dịch viêm phổi cấp tính chủng mới không thuộc dòng các bệnh dịch "truyền nhiễm" và đổ vạ do Mỹ gây ra, Trung Quốc đã liên tục gian dối khi cố che giấu sự thật, chừng nào chế độ Cộng sản còn tồn tại ở Bắc Kinh, thì nhân loại sẽ còn tiếp tục nhận được những hậu quả chết chóc nặng nề từ thể chế độc tài đầy đau khổ này.
Các nước Châu Âu hồi hương công dân từ Việt Nam
Tại Việt Nam không có báo chí và các tổ chức độc lập để kiểm tra, theo dõi việc làm của nhà cầm quyền, mọi thông đều nằm dưới chỉ đạo của Ban tuyên giáo, nên người dân nước này sẽ không bao giờ biết được sự thật.
Nước Đức đưa ra chương trình hồi hương lớn nhất lịch sử, yêu cầu công dân Đức lập tức rời khỏi Việt Nam
Tại Việt Nam, cho đến ngày 4/4/2020, Chính phủ vẫn tuyên bố chỉ có 240 ca nhiễm virus Vũ Hán mà thôi. Câu chuyện "cá tháng 4" này lại một lần nữa thể hiện sự tương đồng của nhà cầm quyền tại Hà Nội, họ đã bắt chước Trung Quốc, che giấu con số nhiễm bệnh thực tế đối với trên 90 triệu người dân nước này, điều đó dẫn đến thêm nhiều người bị ủ bệnh và sẽ bùng phát dữ dội vào thời gian tới.
Hoàng Lan (Hà Nội)
Nguồn : Thoibao.de, 04/04/2020