Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/04/2020

Điểm báo Pháp - Sáu ngày Bắc Kinh che giấu dịch bệnh

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Sáu ngày Bắc Kinh che giấu dịch gây đại họa cho thế giới

Bóng dáng Trung Quốc lại xuất hiện trên trang nhất hầu hết các nhật báo ra ngày 16/04/2020 với hai sự kiện nổi cộm : Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đình hoãn việc tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS bị Hoa Kỳ cáo buộc theo đuôi Bắc Kinh để giảm nhẹ tầm mức nguy hại của dịch Covid-19 lúc mới bùng lên tại Vũ Hán, và việc ngoại trưởng Pháp triệu mời đại sứ Trung Quốc để phản đối sứ quán Trung Quốc ở Paris tung tin thất thiệt về dịch bệnh.

backinh1

Bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số 8 bác sĩ báo động virus corona và bị chính quyền xử phạt, qua đời vì nhiễm Covid-19. Ảnh tư liệu. AFP

Trong hàng tựa trang nhất, nhật báo Libération đã giới thiệu một hồ sơ 4 trang: "Đại dịch – Những tàn phá trên thế giới do hành vi kiểm duyệt của Trung Quốc". Bài viết chính bên trong với tít "Từ hành động gian dối cấp Nhà Nước tới đại dịch" không ngần ngại tố cáo đích danh chính quyền Bắc Kinh : "Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng Giêng, các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng con virus corona không lây nhiễm nhiều trong khi chính quyền đồng thời bí mật chuẩn bị kế hoạch chống lại dịch bệnh".

Ngay ngày 14/01/2020 lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đã biết

Libération tỏ vẻ cay đắng khi trích lại những tài liệu mà hãng thông tấn Mỹ Associated Press tiết lộ ngày 15/04/2020, theo đó ngay ngày 14/01, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã báo động cho giới lãnh đạo cao nhất về tính nguy hiểm của virus corona được nhận dạng hai tuần lễ trước đó ở Vũ Hán :

"Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp. Đây là thách thức lớn nhất từ dịch SARS năm 2003 và có thể biến thành sự cố nghiêm trọng nhất về y tế công cộng (…). Những cụm lây nhiễm cho thấy virus có chuyền từ người sang người (…) nguy cơ lây lan rất cao (…) Tất cả các vùng phải chuẩn bị đối phó với một đại dịch".

Sau lời báo động đó, một kế hoạch khẩn cấp được đưa ra và hàng trăm giường được chuẩn bị ở các bệnh viện.

Nhưng trước lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 20/01, tất cả những thông tin này đều đã được giữ kín, để cho người dân Trung Quốc cũng như thế giới không hay biết về mối nguy hiểm.

Và cũng ngay ngày 14/01, Tổ chức Y tế Thế giớixác nhận cuộc điều tra của giới chức y tế Trung Quốc, đảm bảo rằng không có bằng chứng virus lây từ người sang người. Ngày hôm sau, lãnh đạo trung tâm phòng ngừa dịch bệnh, đứng đầu nhóm chuẩn bị đối phó khẩn cấp, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước là "nguy cơ lây lan từ người sang người rất yếu".

Người ta đã biết là lãnh đạo Vũ Hán đã trừng phạt những bác sĩ đã lên tiếng báo động vào cuối tháng 12/2019. Và từ ngày 05 đến 17/01/2020, trong lúc diễn ra hai cuộc họp quan trọng của Đảng cộng sản ở Vũ Hán, lệnh đã được đưa ra là không thông báo trường hợp nhiễm virus corona trong lúc mà hàng trăm bệnh nhân đổ về bệnh viện.

Sáu ngày mở cửa cho 5 triệu dân Vũ Hán tỏa ra khắp nơi

Với những tài liệu mà AP tiết lộ, thì người ta có bằng chứng là chính quyền Trung Quốc đã cố tình che giấu tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh từ ngày 14-20/01, một khoảng thời gian 6 ngày trong đó một đại tiệc được tổ chức ở Vũ Hán cho 40.000 gia đình, 6 ngày mà 5 triệu người dân Vũ Hán đã tỏa ra những vùng khác ở Trung Quốc hay ra nước ngoài.

Đối với Libération, hiện nay không ai biết là sự chậm trễ do chế độ Trung Quốc gây ra đã có tác động quyết định đến mức nào trên đà lan rộng của đại dịch, đã khiến hơn hai triệu người nhiễm bệnh và làm cho hơn 126.000 người chết trên toàn thế giới. Thế nhưng, "dịch Covid-19 đã bộc lộ trước dư luận quốc tế thực tế của "chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc", được ông Tập Cận Bình phô trương kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, trái ngược hoàn toàn với các giá trị dân chủ của chúng ta".

Thái độ thần phục Trung Quốc của Tổ chức Y tế Thế giới

Ngay từ tháng những ngày đầu trong tháng Giêng, Tổ chức Y tế Thế giới đã ngợi ca sự "minh bạch" của Bắc Kinh, bác bỏ khả năng đình chỉ các chuyến bay giữa Trung Quốc và thế giới để giúp nền kinh tế nước này đã bắt đầu lung lay.

Phải chờ đến khi Bắc Kinh công khai tuyên chiến chống dịch ngày 23/01, thì Tổ chức Y tế Thế giới mới thừa nhận việc virus corona lây nhiễm từ người sang người, cho dù đã được giới bác sĩ ở Vũ Hán báo động ngay từ cuối tháng 12 trước đó.

Và trong khi các nhà điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới không được phép của Trung Quốc đến đến nước này điều tra mãi cho đến ngày 12/02, tổng giám đốc của tổ chức là Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã chúc mừng ông Tập Cận Bình vào cuối tháng Giêng, trong khi vẫn im lặng về chiến lược chống dịch mẫu mực và hiệu quả của Đài Loan.

Sau khi ngăn được dịch, Bắc Kinh tung chiến dịch viết lại lịch sử

Điều được Libération ghi nhận tiếp theo là guồng máy tuyên truyền Trung Quốc lại tung chiến dịch viết lại lịch sử sau khi ngăn chặn được dịch bệnh trên đất nước mình.

Cho dù bị cấm ở Trung Quốc, các mạng xã hội như Twitter hoặc Facebook tràn ngập những thông điệp tự chúc mừng, và dĩ nhiên là không thể không trích dẫn những lời khen ngợi đến từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Và sau khi đã nhập khẩu ồ ạt thiết bị bảo hộ y tế từ nước ngoài, khẩu trang hiện đang từ Trung Quốc tỏa ra thế giới. Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đã rầm rộ phô trương "tặng phẩm" gởi qua Ý, nhưng phớt lờ thực tế là thiết bị đó được bán chứ không phải là cho không.

Trong khi các chính phủ dân chủ đang phải vất vả đối phó với dịch bệnh trên nước họ, thì các cơ quan thông tấn Nhà nước, truyền hình và báo chí Trung Quốc thi nhau chỉ trích cách chống dịch của các nước phương Tây.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng ra sức loan truyền giả thuyết cho rằng virus không phải xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí còn đi xa tới mức phát tán tin đồn vớ vẩn về khả năng virus đã được lính Mỹ đưa đến Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019.

Đại sứ Trung Quốc bị ngoại trưởng Pháp chấn chỉnh

Cũng liên quan đến chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, các báo đều có bài phân tích về vụ đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để phản đối về những lời lẽ thiếu ngoại giao nhắm vào Pháp và phương Tây trên vấn đề dịch Covid-19.

Trong bài viết mang tựa đề : "Đại sứ Trung Quốc tại Pháp bị Jean-Yves Le Drian chấn chỉnh", nhật báo Le Figaro nêu bật tâm lý nhẹ nhõm của giới chuyên Pháp về Trung Quốc khi vốn đang chờ đợi Paris có phản ứng đối với Bắc Kinh.

Trong một tin nhắn Twitter gần đây, ông François Godement, cố vấn về Châu Á ở Viện Montaigne, cho rằng : "Phải nói là chúng tôi rất bực mình khi phải đọc những lời lẽ tuyên truyền phát xít của một nhà ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Pháp, và được đại sứ bảo trợ vì được công bố trên trang mạng chính thức. Đã đến lúc Pháp phải có phản ứng cũng một cách chính thức như vậy".

Le Figaro hài lòng cho rằng việc đó giờ đây đã được thực hiện. Đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã được ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian triệu mời để nhắc nhở về "những lời lẽ gần đây" trên trang mạng chính thức của đại sứ quán, bi Pháp cho là "không phù hợp với chất lượng quan hệ song phương giữa hai nước".

Đối với Le Figaro, diễn giải bằng ngôn từ phi ngoại giao, từ "propos" được ông Le Drian sử dụng có nghĩa là nhục mạ, loan tin thất thiệt. Tác giả của bức thư mà đại sứ quán Trung Quốc cho đăng ngày 12 tháng Tư, theo tờ báo Pháp, có lẽ là chính vị đại sứ Trung Quốc.

Libération thì nói thêm là "từ nhiều tuần lễ nay, đại sứ quán Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi khiêu khích, và đã công bố một bức thư dài tấn công vào các nhà báo, nhà nghiên cứu hay các đại biểu dân cử Pháp".

Báo Le Monde cũng có bài phân tích dài về sự cố này, ghi nhận trong hàng tựa "Đại sứ Trung Quốc tại Paris bị triệu mời vì những ghi nhận thiếu ngoại giao".

Trump quy trách nhiệm về đại dịch cho WHO/OMS

Tuy nhiên trang nhất báo Le Monde dành tựa lớn cho thông báo gây chấn động - nhưng được chờ đợi – của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cắt nguồn tài trợ của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo nhật báo Pháp, khi quyết định như vậy : "Trump quy trách nhiệm về cuộc khủng hoảng cho OMS", bị ông cho là quá thân thiết với Bắc Kinh. Chủ nhân Nhà Trắng trách định chế quốc tế là đã đi theo lập luận chính thức của Trung Quốc, giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh.

Một trong những chỉ trích được Le Monde trích lại là : "Nếu Tổ chức Y tế Thế giới đã làm đúng trách nhiệm của mình và cử chuyên gia y tế qua Trung Quốc để nghiên cứu tình hình hiện trường một cách khách quan, thì có lẽ dịch bệnh đã được kềm hãm tận gốc với rất ít người chết".

Biện pháp trừng phạt của Mỹ được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ đã chính thức trở thành quốc gia bị dịch bệnh nặng nhất, với hơn 25.000 người chết tính đến hôm qua.

Đối với Le Monde, "do bản thân bị tố cáo là đã giảm nhẹ nguy cơ dịch Covid-19, ông Trump đã đổ lỗi cho Tổ chức Y tế Thế giới và khẳng định đường hướng bác bỏ các tổ chức đa phương của ông".

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều thiếu đứng đắn

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều đã bị nhật báo công giáo La Croix chỉ trích trong bài xã luận mang tựa đề "Thiếu đứng đắn".

Tác giả, Guillaume Goubert, rất bất bình ghi nhận là trong lúc thế giới đứng trước một đại dịch đặc biệt khó khăn, hai cường quốc hàng đầu thế giới, Mỹ và Trung Quốc không làm được gì hay hơn là lợi dụng cơ hội để mưu cầu những lợi ích chính trị đáng ngờ…

Phía Trung Quốc, theo La Croix, thì nỗ lực tuyên truyền để xóa nhòa những lỗi lầm ban đầu trong việc đối phó với virus corona để khẳng định ngược lại là chế độ Công Sản hữu hiệu hơn các chế độ khác. Trung Quốc không ngần ngại dùng đến thủ đoạn vu khống, một điều vừa bị Bộ Ngoại giao Pháp công khai trách cứ thông qua đại sứ Trung Quốc tại Paris.

Về phía Mỹ thì ông Donald Trump đã thấy là phải khẩn cấp loan báo đình hoãn mọi đóng góp tài chính của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới, bị ông chỉ trích là quá dễ dãi đối với Trung Quốc.

Đối với tờ báo Pháp, tổng thống Mỹ đã tìm ra một cái bung xung, đánh lạc hướng dư luận để che đậy sai lầm của chính mình, nhất là trong giai đoạn bầu cử.

Giấc mơ về một Châu Âu phi biên giới kể như tan biến

Le Figaro dành hồ sơ chính và tít lớn trang nhất cho vấn đề tái lập các biên giới ở Châu Âu, được xem là điều không thể tránh khỏi.

Đối với tờ báo : "Thế giới không biên giới xuất hiện với chủ nghĩa toàn cầu hóa tân tự do đã biến mất, giấc mơ vĩ đại về một Châu Âu không bị biên giới ràng buộc mà ông Jacques Delors từng bảo vệ, ngày nay có vẻ như đã thuộc về quá khứ".

Le Figaro liệt kê những sự kiện đã lần lần làm tan biến giấc mơ này : Các vụ khủng bố nổ ra sau ngày 11/9/2001, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chính sách thắt lưng buộc bụng sau đó, kéo theo sự vùng lên của các chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu.

Sau đó đến lượt cuộc khủng hoảng người nhập cư năm 2015, tạo ra sự chia rẽ sâu sắc trong Liên Hiệp Châu Âu giữa các quốc gia mở cửa cho người tị nạn và những người đã xây dựng hàng rào để bảo vệ chính họ. Và, bây giờ là đại dịch Covid-19.

Các trang nhất khác

Như nói ở trên, Libération có tựa trang nhất cho hồ sơ Trung Quốc, nhưng chỉ là tựa nhỏ, còn tít chính lại là lời chứng của những bệnh nhân Covid-19 đã được chữa lành, kể lại chi tiết những gì họ đã phải trải qua.

Lời kể của một bệnh nhân 49 tuổi được cô đọng lại thành tựa : "Đối mặt với căn bệnh, óc tôi (như) đã ngắt kết nối".

La Croix cũng chạy tít trang nhất về dịch Covid-19, nhưng chú ý đến "Những bác sĩ trẻ trong cuộc thử lửa".

Les Echos như thông lệ tập trung trên chủ đề kinh tế nói đến "Kịch bản khiến các thị trường chứng khoán lo ngại"

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 417 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)