Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/04/2020

Pháp đề nghị xóa nợ công Châu Phi, Mỹ cắt tài trợ WHO

RFI tổng hợp

"Xóa nợ là điều thiết yếu để giúp Châu Phi đối phó với dịch Covid-19" (RFI, 16/04/2020)

Tối thứ Hai, ngày 13/04/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu với toàn dân. Ngoài việc kêu gọi người dân nỗ lực thêm một tháng phong tỏa nhằm tiếp tục kềm hãm đà lây lan của dịch virus corona chủng mới khiến hơn 17.000 người chết, nguyên thủ Pháp có nhắc đến việc xóa nợ cho Châu Phi.

chauphi1

Ảnh tư liệu : Tổng thống Pháp Emmanuel Macron © French presidency, AFP

Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI, bên cạnh việc bày tỏ quan điểm của ông về việc sử dụng thuốc chloroquine trong điều trị Covid-19, chủ nhân điện Elysée lần lượt đề cập đến bốn trục hành động để hỗ trợ Châu Phi vượt qua cơn đại dịch : y tế, nghiên cứu, nhân đạo và kinh tế.

Theo tổng thống Macron, Châu Phi là châu lục có hệ thống y tế yếu kém nhất, thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh : SIDA, lao, sốt rét… Đây cũng là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu : hạn hán, lốc xoáy, nạn châu chấu hoành hành phá hoại mùa màng… Châu lục đen này cũng khu vực có mức nợ vay cao nhất, chiếm đến 95% của GDP, gây khó khăn cho phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bắt đầu lan sang Châu Phi, trong khi bản thân các nước phát triển nhất, có hệ thống y tế tốt nhất cũng phải vật vã đối phó, nguyên thủ Pháp kêu gọi các nước cho vay, các định chế Nhà nước hay tư nhân quốc tế nên gia hạn nợ và nếu có thể nên xóa nợ để cho châu lục đen này có đủ sức đối phó với dịch bệnh.

Ban Tiếng Việt đài RFI xin trích dịch một số đoạn phỏng vấn tổng thống Pháp giải thích vì sao và nên làm cách nào để hỗ trợ Châu Phi.

********************

RFI : Tổng thống biết rằng tại Châu Phi, có rất nhiều người phải làm việc không hợp đồng, không đăng ký, một cách không chính thức để sống đắp đổi qua ngày. Thế nên, lệnh phong tỏa là không thể áp dụng. Về mặt nhân đạo, đâu là những vấn đề khẩn cấp ?

Emmanuel Macron : Ông hoàn toàn có lý. Có nhiều nguyên thủ và thủ tướng Châu Phi mà tôi đã gặp có nói với tôi điều này. Đúng là có một thị trường lao động không chính thức, có sự di chuyển giữa các vùng, để có cái ăn, người ta cần phải đến những nơi có nguồn thức ăn và có thể tìm được việc làm trong thị trường không chính thức này… Do vậy, lệnh phong tỏa hoàn toàn như chúng ta đang nói hiện nay tại Châu Âu, không thể nào áp dụng chính xác theo cùng một cách.

Nhưng dù gì đi chăng nữa, cũng phải thiết lập để phòng ngừa. Và điều này tạo ra, nếu tôi có thể nói, một tình trạng bội phần bi thảm, nghĩa là có những khu vực nghèo khó nhất, thiếu lương thực thiếu cả các cơ sở chăm sóc y tế. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang manh nha. Hơn nữa, chúng ta cũng hoàn toàn thấy rõ điều này mỗi khi virus Ebola xuất hiện tại một số vùng nào đó.

Chúng tôi hiểu rõ tình hình này. Điều làm cho chúng tôi lo nhất là tình trạng này sẽ còn gia tăng thêm với dịch Covid-19, làm nghiêm trọng thêm những gì mà một số đợt dịch bệnh đã gây ra. Người dân và những khu vực khốn khó nhất quả thật là rất cần đến trợ giúp nhân đạo. Giải pháp là phải thông qua Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ Chương Trình Lương Thực Thế Giới. Vấn đề nhân đạo chính là trục thứ ba của sáng kiến này, có sự liên kết với Chương Trình Lương Thực Thế Giới và Liên Hiệp Quốc.

Và đương nhiên bằng cách huy động tất cả những gì chúng ta có được, thông qua vai trò trung gian của Liên Hiệp Quốc, trên khắp vùng Châu Phi, những nơi mà chúng ta hiện diện, đôi khi là quân sự, nhưng có thể hỗ trợ cho các chương trình này và tiếp cận những bộ phận dân chúng nghèo khó nhất, những nhu cầu cơ bản thiếu thốn nhất nhằm bảo đảm là họ có thể được hưởng các chế độ chăm sóc y tế thiết yếu, được cấp lương thực và được quyền làm ăn sinh sống.

RFI : Lĩnh vực kinh tế là trục hành động có phối hợp thứ tư của ông. Các nước Châu Phi mỗi năm phải hoàn trả cả vốn lẫn lãi khoảng 365 tỷ đô la cho các chủ nợ. Làm thế nào tổng thống có thể thuyết phục các chủ nợ, công cũng như là tư nhân, Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ từ bỏ một khoản tiền lớn đến như vậy ?

Emmanuel Macron : Khi nhìn xem tất cả các nền kinh tế phát triển đã phản ứng ra sao trước cuộc khủng hoảng, người ta nhận thấy hai việc : Có một cú sốc về chính sách tiền tệ và một cú sốc về chính sách ngân sách. Các ngân hàng trung ương, Ngân hàng Trung Ương Anh Quốc, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, đã thực hiện nhanh và mạnh chưa từng thấy một chính sách tiền tệ ồ ạt trong tháng Ba. Và sau đó là chính sách về ngân sách mà các chính phủ hiện đang tiến hành.

Trong bối cảnh này, không có các biện pháp tương đương như vậy ở Châu Phi và như vậy, Châu lục này phải hứng chịu hình phạt kép : đó là không có khả năng phát hành tiền tệ và khả năng huy động tiền tệ cần thiết cho các nền kinh tế. Hơn nữa, chúng ta đang chứng kiến tại những quốc gia này, vốn là những nền kinh tế đang trỗi dậy, sự di chuyển tư bản (vốn) ra bên ngoài, làm cho các nước này càng khó khăn hơn. Để có đối sách tương ứng, đó là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế phải phát hành công trái dưới dạng quyền rút vốn đặc biệt. Mục tiêu là huy động được 500 tỉ đô la ; cần phải thúc đẩy để đạt được mục tiêu này và phân bổ tối đa cho các nước. Đó là trụ cột thứ nhất.

Cột trụ thứ hai là trên bình diện ngân sách, có liên quan đến vấn đề nợ, chính là những gì ông vừa nhắc đến. Con số mà ông nhắc đến thật là khắc nghiệt. Mỗi năm, một phần ba những gì mà Châu Phi xuất khẩu trên bình diện thương mại là dùng để trả vốn và lãi. Thật là điên rồ ! Và người ta đã làm cho vấn đề này thêm nghiêm trọng những năm gần đây. Tôi mong muốn có một sự đáp ứng mạnh mẽ nhất về vấn đề này, bởi vì tình trạng này không thể kéo dài được nữa. Hôm qua, tôi có nói với người dân Pháp là tôi ủng hộ sáng kiến xóa nợ ồ ạt, đây là cách duy nhất để làm được điều đó.

Trong ngắn hạn, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận. Có bốn đại diện đặc biệt được Liên Hiệp Châu Phi ủy thác, họ đã đưa ra các đề xuất mà tôi mong muốn mọi người tham khảo. Họ đề xuất xin hoãn nợ. Bởi vì họ đã thảo luận rất nhiều, nghiên cứu rất nhiều. Họ cho rằng "Xóa nợ, chúng ta sẽ không làm ngay được". Nhưng nếu hoãn lại, có nghĩa là gì ? Điều đó có nghĩa là người ta sẽ không hoàn lãi nữa, "các ngài hãy để cho chúng tôi chút dưỡng khí". Chúng ta giãn nợ ra, và như vậy chúng ta có thể khiến mọi người đồng tình về ý kiến này.

Tối thứ Tư 15/4, nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) cần chấp nhận hoãn nợ cho các nước Châu Phi - tôi tin là mọi việc thuận buồm xuôi gió và dù sao đi chăng nữa chúng ta đã tác động tối đa về mặt chính trị. Việc hoãn nợ này không chỉ liên quan đến các thành viên Câu lạc bộ Paris, mà cả Trung Quốc, Nga, toàn bộ các nước vùng Vịnh, và các định chế tài chính đa phương lớn. Đây là sự kiện chưa từng có trên thế giới. Điều đó có nghĩa là trong thời điểm khủng hoảng, chúng ta nên để cho các nền kinh tế Châu Phi còn có sức lực và không nên đòi trả lãi nợ. Đây là một bước đi tối cần thiết, và tôi nghĩ rằng đây là một bước tiến lớn.

Thế nhưng, việc hoãn nợ này mới là bước đầu tiên trước khi tiến hành các bước khác mà chúng ta phải làm, đó là các bước tái cơ cấu nợ của Châu Phi. Cần phải thực hiện điều này nhưng đương nhiên không nên gây bất lợi cho những nước quản lý nghiêm túc nhất, luôn duy trì một chính sách nợ khả thi. Về phần các chủ nợ, không thể để xẩy ra tình trạng "nỗ lực này chỉ có một vài nước làm mà thôi, và những nước khác thì không có". Ở đây tôi muốn nói là nỗ lực này phải được tất cả các chủ nợ lớn thực hiện như nhau.

RFI : Trung Quốc nắm giữ khoảng 40% các khoản nợ của Châu Phi hiện nay. Tổng thống có nói về chủ đề này với lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không ? Liệu ông ấy có đồng ý giãn nợ, thậm chí là hủy nợ như tổng thống đề nghị hay không ?

Emmanuel Macron : Tôi chưa bàn với ông Tập Cận Bình về chủ đề này. Tôi biết là Châu Phi có tầm quan trọng thế nào đối với ông ấy. Tôi tin chắc rằng đối với chủ tịch Trung Quốc, tình hình hiện nay của Châu Phi đòi hỏi phải có một hành động tương xứng với tầm mức quan trọng đó. Do vậy, đây sẽ là chủ đề một cuộc thảo luận mà chúng tôi sẽ đề cập đến, hoặc là trong khuôn khổ hội nghị G20, nếu được tổ chức trong những ngày hay những tuần sắp tới, hoặc ở cấp độ song phương, bởi vì tôi sẽ trao đổi với ông ấy về việc này. Tôi nghĩ đây là một cử chỉ quan trọng mà Trung Quốc phải làm để hỗ trợ cho việc giãn nợ, xóa nợ. Như ông vừa nhắc lại con số, có một điều chắc chắn, Trung Quốc hiện nay là chủ nợ lớn của Châu Phi. Tất cả các chủ nợ của Châu Phi phải di theo hướng nỗ lực giúp đỡ Châu lục vượt qua cuộc khủng hoảng này. Do vậy, Trung Quốc có vai trò và trách nhiệm của mình.

RFI : Thế còn những chủ nợ tư nhân thì sao ?

Như tôi đã nói : Tất cả mọi người. Về mặt đạo đức, nhân bản, đây là nghĩa vụ của chúng ta và phải hợp tác với Châu Phi. Thế nên, tôi nghĩ là các bên cho vay, dù là Nhà nước, tư nhân, song phương hay đa phương, đều phải đi theo cùng một lô-gic này. Tôi đã nêu ra triển vọng hướng tới. Giờ chúng ta phải thực hiện thành công. Tất cả các bên cần ngồi lại với nhau và thảo luận. Đây là điều chưa từng thấy !

**********

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, tổng thống Macron cho biết ông đồng tình với lời kêu gọi một lệnh hưu chiến trên toàn cầu do tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đưa ra. Một cuộc họp qua video giữa năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới.

Nguyên thủ Pháp cũng nhân cuộc phỏng vấn này bày tỏ tình liên đới, gởi một thông điệp hữu nghị đến các nước Châu Phi, đồng thời nói lời xin lỗi liên quan đến những phát biểu của một số nhà nghiên cứu Pháp xem Châu Phi như là một vùng đất thử nghiệm y khoa lý tưởng.

Minh Anh

*****************

Đại dịch Covid-19 : Các cường quốc G20 hoãn một phần nợ cho 77 nước nghèo (RFI, 16/04/2020)

Đại dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy hàng chục quốc gia nghèo nhất hành tinh vào tình trạng khốn cùng. Hôm qua, 15/04/2020, nhóm 20 cường quốc kinh tế thế giới (G20) đã quyết định hoãn trả nợ 14 tỉ đô la, cho 77 quốc gia nghèo. 

chauphi0

Châu Phi là châu lục có hệ thống y tế yếu kém nhất, thường xuyên đối mặt với các dịch bệnh

Theo AFP, khoảng 14 tỉ đô la, trên tổng số 32 tỉ đô la tiền nợ, đã được khối G20 chấp nhận hoãn trả. Việc trả nợ năm nay sẽ được triển hạn đến năm 2022. Trước đó, ngày thứ Hai, 13/04, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị các cường quốc hủy phần lớn các khoản nợ với các nước nghèo ở Châu Phi, tuy nhiên đề nghị của Pháp hoàn toàn không có mặt trong thông cáo cuối cùng của hội nghị G20. 

Dù sao, theo bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire, đây cũng là một "bước tiến quan trọng". Đây là lần đầu tiên, từ hàng chục năm nay, các quốc gia thuộc Câu lạc bộ Paris và một số nước khác, bao gồm Trung Quốc, cùng nhau đưa ra một quyết định như vậy. Quyết định này được giới quan sát đánh giá là một "cử chỉ nhỏ" đối với các quốc gia nghèo nhất hành tinh.

Một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho Le Monde biết "việc hoãn trả nợ có thể được thực hiện ngay lập tức, trong khi việc hủy nợ đòi phải nhiều thời gian đàm phán, cho từng trường hợp một". 

Covid-19 có thể chặn đứng tăng trưởng của Châu Á 

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo, do Covid-19, tăng trưởng của toàn bộ Châu Âu có thể là 0% năm 2020. Số liệu được công bố hôm nay, 16/04. Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, ước tính 1,2%, so với 6% dự kiến. 

Theo IMF, cho dù khu vực Châu Á ít bị hậu quả của đại dịch hơn nhiều khu vực khác, tình hình khủng hoảng lần này vẫn tồi tệ hơn nhiều so với các đợt khủng hoảng trước tại Châu Á. Nghiêm trọng nhất trước đó là khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, khiến tăng trưởng khu vực chỉ còn 1,3%. 

Trọng Thành

*******************

Covid-19 : Mỹ trải qua ngày u tối, Tổng thống Trump đình chỉ đóng góp tài chính cho WHO (RFI, 15/04/2020)

Hoa Kỳ vừa trải qua ngày tang tóc nhất với hơn 2.220 người chết vì virus corona trong vòng 24 giờ, theo số liệu ngày 14/04/2020 của đại học Johns Hopkins, nâng tổng số người chết lên tới hơn 25.700 người và khoảng 600.000 ca nhiễm.

chauphi3

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời họp báo về dịch Covid-19, Nhà Trắng, 14/04/2020. AFP

Trong khi Mỹ vẫn đang tìm cách giảm đà lây lan của dịch, tổng thống Trump muốn khởi động lại một phần hoạt động kinh tế vào đầu tháng Năm. Ngoài ra, tại buổi họp báo thường nhật tối 14/04, ông Donald Trump đã biến lời cảnh cáo thành hiện thực, khi thông báo ngừng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), vì "cách quản lý tồi" :

"Hôm nay, tôi ra lệnh cho chính phủ ngừng mọi tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong thời gian tiến hành điều tra về vai trò của tổ chức này, trong việc quản lý tồi và che giấu tình trạng lây nhiễm virus corona. Người dân Mỹ đóng góp từ 400 đến 500 triệu đô la cho Tổ chức Y tế Thế giới, so với Trung Quốc, chỉ đóng có 40 triệu đô la mỗi năm, thậm chí còn ít hơn.

Với tư cách là nước đóng góp nhiều nhất, Hoa Kỳ có quyền đòi hỏi. Một trong những quyết định nguy hiểm nhất và phải trả giá đắt nhất của Tổ chức Y tế Thế giới là phản đối việc hạn chế các chuyến bay đến từ Trung Quốc và một số nước khác. Tổ chức này đã phản đối lựa chọn mà chúng ta đưa ra. Vì tôi đã cho ngừng các chuyến bay đến từ Trung Quốc, nhờ đó đã cứu được mạng sống của rất nhiều người. Nếu không hàng nghìn, hàng nghìn người đã bị thiệt mạng".

ONU : "Không phải lúc cắt giảm ngân sách"

AFP cho biết, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng ngay lập tức về quyết định của tổng thống Trump. Tổng thư ký Antonio Guterres cho rằng đây "không phải là thời điểm để giảm tài trợ cho các chương trình của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc bất kỳ định chế nhân đạo nào khác" đang chống đỡ dịch Covid-19.

Đối với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cần phải chờ sau khi dập được dịch, để có thời gian cùng xem xét tại sao dịch bệnh lại có thể lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu và từ đó có thể rút ra bài học nhằm ứng phó những thách thức tương tự trong tương lai.

Ngày 15/04, Trung Quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" . Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), "quyết định (của tổng thống Mỹ) sẽ làm suy yếu khả năng của Tổ chức Y tế Thế giới và làm xói mòn hợp tác chống dịch của quốc tế".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tổng hợp
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)