Chiến dịch ngoại giao hậu Covid-19 của Trung Quốc bị phản công
Nhiều nước trên thế giới đang dồn hết sức cho cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời lo mở mặt trận mới thời kỳ hậu Covid-19. Còn Trung Quốc, dường như vừa thoát nạn, đã bước ngay vào thời kỳ sau dịch bằng một chiến dịch ngoại giao gây ảnh hưởng với bên ngoài.
Bắc Kinh ra sức tán dương tính hiệu quả của "mô hình Trung Quốc" trong chống dịch. Ảnh minh họa -
Đây cũng là sự kiện chính của nhật báo Le Figaro với hàng tựa trang nhất : "Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc làm phần còn lại của thế giới khó chịu". Tờ báo dành 2 trang "Sự kiện" nói về Trung Quốc, cho thấy một thực tế là "từ Đài Loan đến Châu Phi, qua Châu Âu, chính sách ngoại giao hậu virus corona của cường quốc thứ 2 thế giới đang vấp phải trở ngại ngày càng lớn, vào lúc mà Trung Quốc đang muốn viết lại lịch sử đại dịch bùng lên từ Vũ Hán, theo cách có lợi cho họ".
Le Figaro ghi nhận từ nhiều tuần nay, Bắc Kinh ra sức tán dương tính hiệu quả của "mô hình Trung Quốc" trong chống dịch bằng cách nhấn vào nỗi đau của các nước phương Tây đang ngập chìm trong Covid-19. Nhưng tờ báo cũng nhận thấy cuộc tấn công ngoại giao đó của Trung Quốc không những khó thuyết phục được ai mà còn đang bị công dân mạng và chính giới phản công dữ dội.
Bắt đầu là cuộc chiến trên mạng xã hội ở Đông Nam Á, được khởi phát từ sau khi các cư dân mạng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc ồ ạt "ném đá" vào một ngôi sao người mẫu Thái, cô Weeraya Sukaram, vì đã tung lên mạng xã hội giả thuyết cho rằng virus corona có xuất xứ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, từ Bangkok đến Đài Loan qua Hồng Kông, giới trẻ ủng hộ dân chủ liên kết với nhau qua mạng xã hội lao vào "ứng cứu" cô người mẫu Thái nổi tiếng đang bị người Trung Quốc tấn công.
Họ lập thành một mặt trận lấy tên gọi "Liên minh trà sữa", lấy cảm hứng từ thức uống đang rất thịnh hành trong giới trẻ đô thị Châu Á. "Liên minh trà sữa" chủ trương chống Trung Quốc quyết liệt và lôi cuốn rất đông giới trẻ Thái Lan cũng như các nước khác trong vùng hưởng ứng.
Le Figaro nhận định "thái độ dè chừng của giới trẻ Thái là dấu hiệu cho thấy giới hạn của "quyền lực mềm" Trung Hoa đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, khu vực chiến lược trong "Con đường tơ lụa mới" của Tập Cận Bình" và cũng là một mắt xích trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với nước Mỹ của tổng thống Donald Trump.
Sebastian Strangio, một chuyên gia thuộc đại học báo chí Yale Hoa Kỳ được tờ báo trích dẫn, nhận xét : "Dịch bệnh làm bùng phát tâm lý bài Trung Quốc đã tiềm ẩn trong dân chúng ASEAN".
Thất bại của chính sách đánh bóng lại hình ảnh
Ở cấp độ quốc gia, Le Figaro nhận thấy, những ngày qua ngoại giao Trung Quốc liên tiếp nhận được những thất bại.
Chẳng hạn ngoại trưởng Pháp cho triệu mời đại sứ tại Paris để phản đối về những phát ngôn, nhận xét không đúng mực về cách xử lý dịch của Pháp. Đồng nhiệm Kazakhstan cũng lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh về thái độ ngạo mạn tương tự. Hàng loạt nước Châu Phi cũng lên án Trung Quốc "kỳ thị chủng tộc" đối với kiều dân của họ ở Quảng Đông dưới cớ kiểm soát dịch Covid-19 …
Theo các chuyên gia chính trị được tờ báo trích dẫn thì chiến dịch tấn công ngoại giao của Trung Quốc nhằm xóa đi phần trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để dịch bùng phát, đi kèm theo đó là mục tiêu đối nội để khẳng định tính vượt trội của chế độ độc đảng dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình. Hôm 23/02, ông Tập từng tuyên bố : "Cuộc khủng hoảng này một lần nữa cho thấy ưu thế hơn hẳn của hệ thống xã hội chủ nghĩa mang đặc thù Trung Quốc". Nhà nghiên cứu chính trị độc lập Chen Daoyin nhận định : "Trận dịch đã củng cố quyền lực của Tập Cận Bình, nhờ việc tuyên truyền dựng lên huyền thoại Trung Quốc cứu cả thế giới bằng cách nhấn vào cảnh bấn loạn của phương Tây".
Tuy nhiên, theo tờ báo, những phát giác mới nhất cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc đã biết nguy cơ dịch từ ngày 14 tháng Giêng nhưng không báo động cho dân chúng, trong suốt 6 ngày để mặc cho Vũ Hán tổ chức bữa tiệc tập thể tập trung hàng nghìn người và dẫn đến dịch bùng lên rồi lây lan ra khắp thế giới như bây giờ.
Theo một hướng phân tích khác của Le Figaro, chiến dịch ngoại giao khẩu trang, thiết bị y tế, hỗ trợ nhân viên y tế của Bắc Kinh đối với các nước phương Tây đang gặp khó khăn dịch bệnh còn có một mục đích vụ lợi khác. "Đối với Đảng cộng sản Trung Quốc cuộc khủng hoảng dịch bệnh này có thể kéo theo khủng hoảng kinh tế xã hội, chính trị ở trong nước, nhất là khi nước ngoài giảm đầu tư vào Trung Quốc", chuyên gia Chen nhận định. Nếu Bắc Kinh tạo dựng được hình ảnh đẹp với bên ngoài thì sẽ giảm bớt được nguy cơ đó.
Bài báo nhấn mạnh, chế độ Bắc Kinh đang chuẩn bị hứng cú sốc mạnh về kinh tế trong những tháng tới với nạn thất nghiệp, phá sản hàng loạt, bên cạnh đó là mối đe dọa xảy ra làn sóng virus corona thứ 2. Việc các nước xem lại chức năng "công xưởng thế giới" của Trung Quốc sẽ là điều đáng sợ nhất trong mắt các "ông quan đỏ". Vì thế mà "quyền lực mềm" sẽ là thách thức chiến lược đối với Trung Quốc lúc này.
Thế giới đốn củi ba năm đốt 1 giờ vì Covid-19
Song song với cuộc chiến chống Covid-19, một mặt trận thứ 2 đang mở ra khắp thế giới không kém phần khốc liệt là kinh tế. Nhật báo công giáo La Croix có bài "Nhiều tỷ để giảm sốc".
Khắp nơi trên thế giới, các nước đều đang đôn đáo tìm mọi cách để huy động hàng tỷ đô la, cố cứu nền kinh tế đang dính bẫy trong khủng hoảng virus corona. Những ngày qua, chính phủ ở khắp nơi liên tục thông báo về các nguồn tài chính, trợ giúp trực tiếp các doanh nghiệp, hỗ trợ việc làm…
La Croix ghi nhận "Người ta không thể tính phải cần bao nhiêu lít nước khi dập tắt một vụ hỏa hoạn". Đối phó với mức độ tràn lan nhanh chóng của virus corona và hoạt động kinh tế bị đình lại vì phong tỏa trên khắp hành tinh, các kế hoạch hỗ trợ, từ các hộ gia đình cho đến các doanh nghiệp, đã lên tới số tiền hàng tỷ tỷ. Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1930.
La Croix cho biết hành động đầu tiên là từ các ngân hàng trung ương. Tất cả các ngân hàng của các nước mới trỗi dậy cũng như đã phát triển, từ Hoa Kỳ cho đến khu vực đồng euro đều đồng loạt có những hành động khẩn cấp mạnh mẽ hơn rất nhiều thời khủng hoảng tài chính 2008, sẵn sàng tung nhiều nghìn tỷ euro để mua trái phiếu, cổ phần nhằm giữ cho lãi suất vay tiền trên thị trường tài chính không quá cao.
Bên cạnh đó, các công ty, hộ gia đình còn phải được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Con số này cũng lại là hàng nghìn tỷ. Đúng là cả thế giới đang trong tình cảnh đốn củi bao nhiêu năm nay phải mang đốt trong một giờ.
Cũng trong chủ đề kinh tế, nhật báo Les Echos chạy tựa lớn "Một thế giới không du lịch". Tờ báo cho biết, ngành du lịch chiếm tỷ trọng 10% GDP của thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Năm nay dự tính lượng du khách sẽ giảm từ 20 đến 30%. Kéo theo đó là rất nghiều ngành nghề ăn theo du lịch như nhà hàng, khách sạn, du thuyền, hàng không … cũng điêu đứng. Hàng loạt nước đang tính đến các giải pháp hậu Covid để cứu ngành công nghiệp không khói.
Trong khi đó, Libération ghi nhận một cách hình ảnh : "Tại Hoa Kỳ, thất nghiệp vẫn không ngừng lây lan". Tờ báo cho biết : "Với khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 kéo theo, tỷ lệ thấy nghiệp ở Mỹ đang từ 3,5% trong tháng Hai đã lên tới 20% trong nhưng tuần tới". Theo những kịch bản tồi tệ thì tỷ lệ này có thể đạt đỉnh ở mức hơn 32%. Phụ nữ, người gốc Phi và dân nói tiếng Tây Ban Nha là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Vũ