Việt Nam : Không "chung vận mệnh", nhưng phải "chia sẻ tương lai" với Trung Quốc
Hoàng Việt, Thanh Phương, RFI, 18/12/2023
Trong hai ngày 12 và 13/12/2023, chủ tịch kiêm tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước ở Việt Nam, chỉ vài tháng sau chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Khác với tổng thống Biden, ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất long trọng, với những nghi thức cao nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài, thậm chí thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra tận sân bay để đón chủ tịch Trung Quốc ngay tại chân cầu thang của máy bay.
Chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc diễn ra sau khi Hà Nội vừa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành "Đối tác chiến lược toàn diện", cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, và như vậy đặt Mỹ ngang tầm với Trung Quốc. Cho nên, ông Tập Cận Bình đã cố thúc ép Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, để Hà Nội không xích lại quá gần Washington, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn gay gắt.
Theo Tân Hoa Xã, phát biểu tại Hà Nội ngày 13/12, chính ông Tập Cận Bình cùng đã kêu gọi Việt Nam cùng với Trung Quốc "chống mọi mưu toan nhằm làm xáo trộn vùng Châu Á-Thái Bình Dương", áp chỉ sự can dự ngày càng mạnh của Hoa Kỳ vào khu vực này.
Trong bản tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên nhắc lại Việt Nam và Trung Quốc là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng".
Từ "chung vận mệnh" thành "chia sẽ tương lai"
Chính là dựa trên sự tương đồng này mà hai nước "nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược". Thật ra thì ban đầu Trung Quốc đã muốn ép Việt Nam chấp nhận xây dựng cái gọi là "Cộng đồng chung vận mệnh" như đối với Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Nhưng sang đến Việt Nam thì cụm từ này được sửa đổi thành "Cộng đồng chia sẻ tương lai" cho có vẻ ít mang tính ràng buộc hơn. Thật ra thì dường như đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm tìm ra một khái niệm phù hợp nhất để mô tả mối quan hệ mới giữa hai quốc gia "vừa là đồng chí, vừa là anh em".
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 13/12/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Ở đây chúng ta thấy ít nhất nổi lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Việt Nam đã không chọn cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh". Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia thứ 8 tham gia vào "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc. Trong khối ASEAN, trừ Đông Timor, chỉ có 2 quốc gia là Singapore và Philippines chưa tham gia.
Thế thì vì sao khi đến Việt Nam thì Trung Quốc đổi lại thành là "cộng đồng chia sẻ tương lai" ? Một là, phía Việt Nam cho rằng "chung vận mệnh" có nghĩa là "anh sống thì tôi sống, anh chết thì tôi chết", như vậy vô hình chung nó xác định Việt Nam đã chọn bên, dù Việt Nam đã chính thức tuyên bố là không chọn bên nào cả. Chính vì vậy, Việt Nam muốn đổi tên thì mới chấp nhận tham gia "cộng đồng" này.
Lý do thứ hai, nói thẳng là người dân Việt Nam không thích "chung vận mệnh" với Trung Quốc, cho nên phía Trung Quốc phải chiều lòng Việt Nam, chuyển sang cụm từ khác là "chia sẻ tương lai". Hai bên đều có sự nhượng bộ nhau.
Tôi được biết là trước chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Vương Nghị, đã có rất nhiều trao đổi giữa hai bên, kể cả đến chuyến thăm của ông Vương Nghị để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên vẫn tiếp tục bàn luận. Có rất nhiều vấn đề hai bên chưa thống nhất được và có lẽ sau đó mới thống nhất được. Một trong những vấn đề gai góc nhất chính là "cộng đồng chung vận mệnh" hay "cộng đồng chia sẻ tương lai".
Được tiếp đón long trọng hơn Biden
Như đã nói ở trên, khi sang thăm Việt Nam vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc đã được giới lãnh đạo Hà Nội đón tiếp long trọng hơn nhiều so với khi tiếp tổng thống Mỹ Biden. Vì sao có sự khác biệt này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích :
"Chuyện này là đương nhiên. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện". Cho đến bây giờ thì đã có 6 quốc gia đã trở thành "đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên. Trong các phát biểu, các lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu.
Điều này cũng hợp lý, bởi vì thứ nhất Trung Quốc là một cường quốc lớn nhất ở Châu Á và nhất nhì thế giới. Trung Quốc lại là láng giềng của Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Việt Nam hiểu được cái giá của việc ở bên cạnh một người khổng lồ như thế nào.
Ngay cả giới nghiên cứu ở Việt Nam cũng nói rằng, nếu Việt Nam muốn phát triển thì phải có hòa bình, mà muốn có hòa bình thì Việt Nam phải có quan hệ tốt với Trung Quốc. Đó là lý do vì sao mà Việt Nam luôn đặt vị trí của Trung Quốc lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại.
Đương nhiên là trong buổi đón tiếp ông Tập Cận Bình có những sự khác biệt so với khi đón tiếp ông Biden. Sự khác biệt này không phải là do phía Việt Nam đặt ra. Qua một số tiết lộ, đặc biệt là của thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bản thân Hoa Kỳ và ông Biden cũng không đòi hỏi những chi tiết như trải thảm đỏ đón ông Biden từ sân bay, nghi thức bắn 21 phát đại bác, cho nên Việt Nam không sử dụng nghi thức đó.
Còn phía Trung Quốc thì khác. Điều này cũng cho thấy cái tư duy của Trung Quốc và tư duy của Hoa Kỳ có khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì làm được việc mới là quan trọng, chứ không phải là các nghi thức. Nhưng đối với Trung Quốc thì đây là một gặp mang tính biểu tượng rất lớn, vừa là hai nước xã hội chủ nghĩa, vừa là hai nước láng giềng. Và trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung quyết liệt cả về vị thế và ảnh hưởng, phía Trung Quốc phải thể hiện vai trò của mình. Trung Quốc rất coi trọng những nghi thức, mà theo luật về lễ tân của Việt Nam, trong một chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất thì các nghi thức được quy định như là khi đón tiếp ông Tập Cận Bình. Cái này là do hai bên thỏa thuận với nhau".
Trong chuyến thăm của Tập Cận Bình ở Việt Nam, Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ gia tăng hợp tác về các vấn đề an ninh, đẩy mạnh quan hệ giữa ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước, đồng thời ký hàng chục hiệp định hợp tác.
Vẫn còn nguy cơ căng thẳng vì Biển Đông
Tuy quan hệ Việt- Trung đang trong giai đoạn hữu hảo như vậy, nhưng cũng không nên quên rằng giữa hai nước căng thẳng có thể bùng nổ trở lại do vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhất là do những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Bản tuyên bố chung được công bố trong chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ghi : "Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực". Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, vấn đề là Trung Quốc có thực hiện đúng lời hứa giải quyết tranh chấp "bằng biện pháp hòa bình" hay không :
"Có hai vấn đề lớn, thứ nhất là tranh chấp Biển Đông, thứ hai xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều lúc gặp khó khăn do những rào cản đặc biệt mà phía Trung Quốc đưa ra.
Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nhưng quan điểm của Việt Nam là không phải vì tranh chấp Biển Đông mà không thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta chỉ nhìn quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines thì sẽ thấy, mặc dù hai nước cho tới nay vẫn căng thẳng hàng ngày trên khu vực Biển Đông, cụ thể là ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, nhưng quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines vẫn không ngừng tăng trưởng.
Báo chí Việt Nam có chụp hình ông Tập Cận Bình và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ngồi dự tiệc trà, xung quanh có mấy cây tre, đó cũng là hàm ý nêu bật chính sách "ngoại giao cây tre" ( giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc ) của Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, thứ nhất là Việt Nam vẫn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như những quyền mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn có những biện pháp để nếu Trung Quốc và Việt Nam có những bất đồng, căng thẳng thì hai bên có thể tìm ra những kênh đối thoại để giảm bớt căng thẳng, ví dụ như kênh chính phủ, hoặc là kênh ngoại giao nhân dân, hoặc là kênh giữa hai Đảng cộng sản. Đó cũng cho thấy Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp hòa bình và muốn hòa hoãn với Trung Quốc.
Tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp và khó khăn, nhưng không vì thế mà không thúc đẩy những quan hệ khác, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, mà hiện còn rất nhiều "dư địa" để phát triển, tại sao hai nước lại không tận dụng.
Có lẽ vấn đề Biển Đông sẽ còn tồn tại trong tương lai. Đương nhiên phía Việt Nam cố gắng giải quyết bằng bằng những biện pháp hòa bình và qua đối thoại, nhưng điều này còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cũng đã có những tuyên bố tương tự, tức là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển và hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nhưng chúng ta cũng không chắc là Trung Quốc có giữ được lời hứa của họ không. Nếu xảy ra thì chúng ta sẽ xem Việt Nam ứng xử trong trường hợp này như thế nào".
Thật ra, một trong những lý do khiến Việt Nam và Trung Quốc thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương, đó chính là cả hai nước đều quan ngại về các thế lực "thù địch" bên ngoài và sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định trong nước, thể hiện qua thỏa thuận mới về an ninh, được ký kết nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo một nhà phân tích Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 14/12/2023, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là về "an ninh chế độ và an ninh thể chế". Đây là lần đầu tiên hai nước đề cập đến an ninh của chế độ trong một tuyên bố chung như vậy. Cụ thể, hai bên sẽ "tăng cường giao lưu tình báo và phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của các thế lực thù địch, phản động".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 18/12/2023
***********************
Cách Trung Quốc nhìn Việt Nam ‘không thay đổi’
Trân Văn, VOA, 18/12/2023
Rất nhiều người Việt không những không mặn mà, mà còn thiếu thiện cảm với ý tưởng "chia sẻ vận mệnh chung" hay "chia sẻ tương lai" mà Trung Quốc đề xuất.
Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đặt vòng hoa viếng tại lăng chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Tuần rồi, chuyến thăm Việt Nam lần thứ ba của ông Tập Cận Bình đã trở thành một trong những sự kiện khuấy động mạng xã hội. Người Việt lại có thêm một dịp bàn luận về quan hệ Việt – Trung, về "chia sẻ vận mệnh chung", về "chia sẻ tương lai" với láng giềng phía Bắc.
Nhìn một cách tổng quát, đây có lẽ là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chủ động nhắm đến dân chúng Việt Nam thông qua việc gửi cho tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – một... "tâm thư" nhằm dọn đường dư luận trước khi ông ta đến nơi(1).
Trước nữa khoảng hai tháng – hồi tháng 10 vừa qua, ông Hùng Ba (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) cũng công khai bày tỏ sự quan tâm đến dân chúng Việt Nam khi nhấn mạnh, một trong những yếu tố mà hai đảng, hai nhà nước sẽ "đẩy mạnh kết nối" là "lòng dân"(2).
Đó cũng là lý do nên dạo một vòng mạng xã hội để xem những người Việt đương đại nghĩ gì về Trung Quốc và muốn gì trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc.
***
Rất nhiều người Việt không những không mặn mà, mà còn thiếu thiện cảm với ý tưởng "chia sẻ vận mệnh chung" hay "chia sẻ tương lai" mà Trung Quốc đề xuất.
Nhân Tuấn Trương cho rằng :Cách Trung Quốc nhìn Việt Nam không thay đổi trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" hay thời kỳ hai bên "có vận mệnh tương quan" như hiện thời.Việt Nam là mô hình thu nhỏ của Trung Quốcvề mọi mặt, từ ý thức hệ chính trị, đếncung cách xây dựng và quản lý quốc gia Việt Nam tự nguyện rập khuôn Trung Quốc. Trung Quốc có sáng kiến gì thì Việt Nam cố gắng học sáng kiến ấy. Đảng viên được đào tạo tại Trung Quốc, sĩ quan cũng vậy. Rõ ràng Việt Nam là một "chư hầu" thời hiện đại của Trung Quốc.Tức là Việt Nam có gia nhập hay không gia nhập "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốcthì cũng không bao giờ được Trung Quốc đối xử "bình đẳng" và lợi ích của Việt Nam được Trung Quốc tôn trọng.Tình hình là Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc như người đã bị nướcngập tới cổ.Nguyễn Việt – friend của Nhân Tuấn Trương – tóm tắt : "Chung vận mệnh" chỉ có thể là cùng sống- cùng chết, cùng vui- cùng khổ, cùng yêu- cùng ghét và cùng một đất nước. Ai thích thì cứ đâm đầu lao vào(3) !
Vuong Tran Ngoc dẫn lịch sử Trung Quốc để nêu một ví dụ khác về "cộng đồng chung vận mệnh" - đó là chuyện Tần Thủy Hoàng "di mệnh", khi ông ta băng hà phải đem tất cả cung tần, mỹ nữ đã "lâm hạnh" (từng được hoàng đế chọn để ân ái) chôn sống, không được bỏ qua ai cả - kèm kết luận :Đấy, biết thế nào là "chung vận mệnh" kiểu Tàu chưa (4) ?
Cũng mượn điển tích Trung Hoa nhưng phổ biến, nhiều người Việt biết hơn là Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi kết nghĩa anh em, Nguyen Khoi dẫn lại việc cả ba cùng thề :Tuy không cùng cha cùng mẹ, không sinh cùng ngày cùng tháng nhưng nguyện cùng chung vận mệnh, chết cùng tháng cùng ngày - và bình, cả ba người "chết ba ngày khác nhau, theo ba cách khác nhau. Các anh hùng thề thốt để câu like, uống thùng rượu to, ăn bát thịt lớn, chứ chẳng bao giờ họ tin nhau" (5).
***
Dường như do rất thiếu thiện cảm và không có chút tin cậy nào nên người dùng mạng xã hội Việt ngữ "soi" đủ thứ, từ việc bày tre khi ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tiếp ông Tập Cận Bình(6) đến việc cả hai cùng thưởng trà... tới việc ký các "thỏa thuận hợp tác". Có không ít người nêu ra những thắc mắc kiểu như Chanh Tam :Sắp tới sẽ có cán bộ nội chính, công an được đào tạo ở Trung Quốc về, không biết nêngọi là ở bên bển hay trên trển(7).
Đánh giá tổng quát về chuyện ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, có người bày tỏ như Nguyễn Tiến Tường :Bạn Tậpsang đây chơi, chúng tôi mang cái lịch thiệp của người Việt ra mà đãi đằng. Ấy là nếu đối đãi không hậu thì sợ chúng tôi bớt đẹp, chứ hổng có phải vì yêu thương gì bạn.Bạn đừng có hiểu nhầm rồi bày đặt miệng lưỡi cú diều "cộng đồng chung vận mệnh".Bạn đi cướp biển, cướp đảo người ta xong kêu chung vận mệnh là chung sao ? Chúng tôi người văn hiến, sao lại chung vận mệnh với cướp được(8) ? Có người nhận định như Lao Ta :Chẳng có tình hữu hảo, cùng chung hệ giá trị hay vận mệnh gì hết. Ông đạp xe xích lô, bà nhặt ve chai Hà Nội cũng biết rõ như vậynhưng hòa bình là thứ mà chúng ta theo đuổi, cho đến khi hết cơ hội cứu vãn mới buộc phải cầm súng. Đó là tư tưởng cũng như triết lý sinh tồn của người Việt, từ khởi thủy cho đến ngày tận thế. Vì vậy, tôi hoan nghênh ông Tập sang Hà Nội dùng trà. Trà Thái Nguyên ngon nhất thế giới ông ạ. Nhấp đến ngụm thứ bảy như cách uống của Lộ Tung tổ tiên ông, chắc chắn ông sẽ nhận ra Trung Quốc không có cơ hội nào chiế n thắng khi hành binh về phương Nam.Chúc ông đi đến nơi, về đến chốn bằng chuyên cơ(9).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/12/2023
Chú thích
(2) https://tienphong.vn/viet-trung-ket-noi-di-toi-thanh-cong-post1578043.tpo