Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo báo cáo mới nhất từ chính phủ Việt Nam, chỉ trong 2 năm rưỡi (2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023), đã phát hiện hơn 337.300 tỉ đồng, và hơn 184 triệu mét vuông đất vi phạm về kinh tế. Những vi phạm này bị phát hiện sau khi triển khai gần 16.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 355.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trên cơ sở đó ban hành 365.000 kết luận thanh tra.

datcong1

Các cơ quan chức năng chỉ mới thu hồi được hơn 5.100 tỉ đồng và 663 ha đất.

Cơ quan thanh tra đã kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 6.655 tập thể và 17.775 cá nhân ; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.090 vụ, 870 đối tượng. Xử lý sau thanh tra với hơn 20.000 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả, các cơ quan chức năng chỉ mới thu hồi được hơn 5.100 tỉ đồng và 663ha đất. Bên cạnh đó xử lý hành chính 8.211 tổ chức, 19.111 cá nhân ; chuyển cơ quan điều tra 245 vụ, 353 đối tượng ; khởi tố 29 vụ, 92 đối tượng…

Những con số mà chính phủ báo cáo với Quốc hội cho thấy một thực trạng tham nhũng vô cùng khủng khiếp đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam. Trong 2 năm rưỡi phát hiện 337.000 tỷ đồng vi phạm, tức là mỗi ngày có 370 tỷ đồng bị sử dụng một cách bất hợp pháp. 184 triệu mét vuông đất vi phạm kinh tế, nếu chia đều cho dân số Việt Nam, thì mỗi người dân đã bị mất 2 mét vuông đất vì các quan chức và tội phạm kinh tế.

Nên nhớ, đây chỉ là con số được chính phủ công khai trong 2 năm rưỡi vừa qua. Những số liệu không thể công khai trong nửa thế kỷ sau thống nhất sẽ là bao nhiêu và làm sao có thể xử lý được. Và những con số này sẽ không dừng lại mà sẽ tăng lên theo từng năm, từng tháng, từng ngày.

Tình trạng "thanh tra tới đâu phát hiện sai phạm tới đó" đã được nhiều cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản thừa nhận qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt là những chuyến thanh tra đột xuất, không báo trước. Tuy nhiên dù cho là đột xuất thì các quan chức cũng có thể dễ dàng xử lý bằng phong bì, quà cáp với nhiều hình thức khác nhau sau khi bị thanh tra. 

Tuần trước, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong gián tiếp thừa nhận tình trạng hối lộ của đảng cộng sản qua việc chỉ đạo "các đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi xuống địa phương làm việc không được ăn uống, ngủ nghỉ theo lời mời của đối tượng thanh tra, không được nhận quà, nhận tiền dưới mọi hình thức". Chỉ đạo là vậy, nhưng có thực hiện hay không thì có lẽ người dân nào cũng đoán được.

Một người bất đồng chính kiến đánh giá rằng những năm qua đảng cộng sản đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống tham nhũng, đưa những đại án, đại quan chức ra tòa, nhưng đó chỉ là chiêu bài triệt hạ của các phe cánh với nhau. Còn thực chất vẫn không thể thay đổi bản chất của người cộng sản. Tham nhũng, hối lộ vẫn tràn lan và năm nay nhiều hơn năm trước vì chính những người chống tham nhũng lại là những người tham nhũng nhất.

Theo người này, để chống tham nhũng triệt để thì bắt buộc phải có một nhà nước tam quyền phân lập, với các lãnh đạo chính trị được người dân bầu ra bằng lá phiếu minh bạch. Với tình trạng độc đảng lãnh đạo hiện nay thì không thể xử lý tham nhũng, vì chống tham nhũng là "ta tự đánh ta" theo quan điểm của Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam. Muốn hết tình trạng ta tự đánh ta, ta tự phê bình ta, thì phải có một vài thế lực khác xử lý thì mới trị được cái bệnh mà ta không thể trị này.

Trần Chân Dân

Nguồn : VNTB, 24/07/2023

Published in Diễn đàn

Cưỡng chế đất, cơ sở tôn giáo và hệ lụy (RFA, 30/06/2017)

Vụ việc Đan viện Thiên An trong thời gian qua liên tục bị lực lượng chức năng địa phương theo dõi, sách nhiễu thậm chí ra tay hành hung những tu sĩ tại đó do xung đột đất đai giữa tu viện Công giáo này với chính quyền Thừa Thiên-Huế.

cong1

An ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá tại Đan viện Thiên An.  Tin Mừng Cho Người Nghèo

Đây có phải chỉ là một vụ việc đơn lẻ ? Và nếu tình trạng phổ biến sẽ dẫn đến hệ lụy gì ?

Cơ sở tôn giáo bị trưng thu

49 héc-ta đất rừng thông thuộc sở hữu của Đan viện Thiên An, được Ty Điền địa Thừa Thiên-Huế chứng nhận từ năm 1959, bị chính quyền Thừa Thiên-Huế trưng thu hồi năm 1998 để xây khu du lịch mà không bồi hoàn một đồng nào cho Đan viện Thiên An.

Quá trình khiếu nại, kiện tụng từ địa phương đến trung ương trong suốt thời gian dài của các vị tu sĩ ở Đan viện Thiên An về 49 héc-ta đất rừng thông vừa nêu không được giải quyết.

Không những vậy, hồi đầu tháng 5 năm 2017, các vị tu sĩ còn bị chính quyền và những cơ quan truyền thông bôi nhọ với cáo buộc "có những phần tử xấu trong Đan viện Thiên An tàn phá rừng thông đặc dụng trên 60 năm tuổi". Đơn thư yêu cầu giải quyết thông tin không đúng sự thật của Đan viện Thiên An được chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế hứa sẽ làm việc trong tháng 8 tới đây.

Tuy nhiên, trong hai ngày liên tiếp 28-29/6 vừa qua, một lực lượng đông đảo khoảng 100 công an, an ninh và côn đồ đến đập phá thánh giá cũng như hành hung các tu sĩ. Linh mục Phêrô Khoa Cao Đức Lợi, người phát ngôn của Đan viện Thiên An cho RFA biết vụ việc xảy ra là do Đan viện quyết tâm bảo vệ 107 héc-ta tổng thể đất đai còn lại của Đan viện trước những dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương rắp tâm chiếm đoạt và bán cho các công ty Đài Loan.

Không chỉ Đan viện Thiên An mà nhiều cơ sở tôn giáo khác nhau từ Bắc vô Nam đều buộc phải ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn đất đai và tài sản vật chất bởi sức ép của chính quyền Cộng sản sau năm 1975. Chúng tôi có thể trưng dẫn trường hợp điển hình như khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Chính phủ Việt Nam chủ trương hạn chế trưng dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo, trong đó có Công giáo. Và đối với những cơ sở Công giáo đã hiến tặng cho chính quyền với mục đích được sử dụng vào từ thiện hay công ích xã hội mà nhận thấy việc sử dụng không còn theo như yêu cầu ban đầu thì các cơ sở này có nhu cầu cần dùng sẽ được chính quyền có thể xem xét trả lại. Thế nhưng, hầu hết các trường hợp xin xét duyệt được trả lại của các cơ sở tôn giáo đều không được chấp thuận.

cong2

Một Đan sĩ Đan viện Thiên An bất tỉnh sau khi bị côn đồ tấn công. Tin Mừng Cho Người Nghèo

Trả lời câu hỏi của RFA về khía cạnh lịch sử, văn hóa thì những di tích tôn giáo như nhà thờ, chùa chiền, đền miếu nên được bảo tồn và gìn giữ hay không, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã cho biết quan điểm của ông :

"Về nguyên tắc thì tất cả những gì liên quan đến di tích lịch sử văn hóa là không nên đụng tới. Bởi vì nếu đụng tới thì có hệ lụy không hay. Theo tôi, nếu gọi là một di tích lịch sử hay di tích về văn hóa thì phải được tôn trọng. Không phải chính quyền tôn trọng mà tất cả người dân cũng phải tôn trọng. Một quốc gia biết tôn trọng văn hóa lịch sử của mình thì tự nhiên đất nước đó sẽ phát triển. Bởi vì nếu tự hào với lịch sử văn hóa của mình thì mình sẽ có động lực để làm cho đất nước mình phát triển. Còn không biết khai thác và sử dụng thì theo tôi cuối cùng sẽ không hay."

Hậu quả ra sao ?

Mặc dù việc trưng dụng đất đai và tài sản tôn giáo tại Việt Nam trong suốt hơn 4 thập niên qua được chính quyền giải thích phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển quốc gia, nhưng hiệu quả từ việc làm này cho đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức nào được công bố. Ngược lại, một trong những hậu quả nghiêm trọng như Tiến sĩ Nguyễn Nhã đề cập đến "hệ lụy không hay" là sự xung đột giữa chính quyền với tôn giáo trong vấn đề tranh chấp đất đai. Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng nhận định :

"Qua việc đụng tới đất đai của tôn giáo, đặc biệt đụng tới đất đai của các cơ sở Công giáo thì điều đó không phải là chỉ ảnh hưởng đến niềm tin hay lòng tin của giáo dân đối với Chính phủ, chế độ hay đảng cầm quyền mà còn khuấy động cả một cuộc xung đột giữa Công giáo và Cộng sản mà đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây mới là nguy cơ rất ghê gớm. Cho nên việc đụng tới một cơ sở đất đai tôn giáo như Đan viện Thiên An thì rõ ràng có thể nói là một tình huống mà chính quyền đã hành xử cực kỳ thiếu ngôn ngoan."

Chúng tôi cũng tìm hiểu về ích lợi kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra một ví dụ, diện tích đất 600 m2 của Chùa Liên Trì, vừa bị cưỡng chế, theo giá thị trường hiện tại có thể thu về 60 tỷ đồng. Theo suy luận của một nhà kinh tế, ông Phạm Chí Dũng cho rằng số tiền này là không lớn đối với chính quyền và hiệu quả kinh tế mang lại cho quốc gia từ diện tích đất đai của Chùa Liên Trì trong tương lai như thế nào thì chưa ai biết. Nhưng rõ ràng, thực tế cho thấy chính quyền quận 2 cưỡng chế đất đai Chùa Liên Trì sai luật theo Luật Đất đai 2013 cũng như vi phạm Luật Tố tụng Hành chính 2010.

Qua tìm hiểu và tiếp xúc với một số cơ sở tôn giáo ở Việt Nam bị trưng thu đất đai, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận sự phân hóa ngày càng lớn giữa chính quyền với tôn giáo trong tranh chấp đất đai đến mức các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng cáo buộc Hà Nội không quan tâm gì về tâm linh, tín ngưỡng của người dân, thậm chí đàn áp tôn giáo qua việc cưỡng chế đất đai thờ tự và tu tập.

https://youtu.be/Md-hc68W60k

Hòa Ái, RFA, 30/06/2017

*******************

Hàng ngàn giáo dân biểu tình chống nhà máy Formosa (RFA, 30/06/2017)

Hàng ngàn giáo dân hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh thuộc giáo phận Vinh vào chiều thứ Năm 29 tháng Sáu tuần hành biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường cho địa phương.

cong3

Giáo dân hạt Kỳ Anh, Hà Tĩnh tuần hành biểu tình chống nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường vào ngày 29/06/2017. Tin mừng cho người nghèo

Theo nguồn từ những người xuống đường thì đoàn người hoặc đi bộ hoặc đi xe gắn máy, diễu hành trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn Kỳ Lợi, Kỳ Anh với băng rôn có nội dung đòi hỏi được bồi thường vì từ sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển từ năm ngoái đến giờ họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ khoản 500 triệu đô la Mỹ mà chính phủ Hà Nội nhận từ phía Formosa.

Sau cuộc tuần hành, mọi người tụ về quảng trường Giáo xứ Đông Yên tham dự thánh lễ dưới sự hướng dẫn của linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Khiêm Cường, cầu nguyện cho môi trường biển và những ngư dân đang gặp khó khăn do biển bị ô nhiễm.

Published in Việt Nam

Chính phủ muốn tìm ra hướng tháo gỡ cho vụ việc ở Dương Nội qua hướng đối thoại dù bằng cách này hay cách khác phải có mặt của mẹ tôi. Người dân Dương Nội trong đoàn mẹ tôi làm đại diện cũng đã có những buổi hội ý đã đưa ra quyết định là trong các buổi đối thoại với Chính phủ phải có mặt của mẹ tôi nếu không thì sẽ không chấp nhận.

metoi1

Anh Trịnh Bá Phương (ảnh : Facebook Đinh Tấn Lực)

Một ngày sau khi đi thăm nuôi người mẹ là bà Cấn Thị Thêu hiện đang bị giam giữ tại trại giam Gia Trung, anh Trịnh Bá Phương thông tin cho những ai quan tâm đến tình hình bà Thêu ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam Thời Báo (VNTB) biết là sức khỏe của bà Thêu hiện tại tạm gọi là rất tốt. Ngoài ra, bà Thêu còn cho anh Phương biết là những người tù ở cùng nơi giam giữ với bà Thêu biết đoàn kết, biết yêu thương lẫn nhau nên bà Thêu cũng đón nhận được nhiều tình cảm.

Nhân dịp đầu năm 2017, với những biến động xã hội Việt Nam nói chung và tình hình đấu tranh của dân oan nói riêng ở năm 2016 hiện vẫn còn tiếp diễn, VNTB đã có cuộc trao đổi với anh Phương để nghe những chia sẻ, nhận định của anh về tình hình.

PV : Thưa anh ! Nhân dịp đầu năm 2017, nhìn lại tình hình đấu tranh của dân oan ở năm 2016 thì anh có thấy khả quan hơn ở năm 2017 này không ?

Trịnh Bá Phương :Nhân dịp đầu năm mới 2017, luật Nhân quyền toàn cầu Magnitsky Hoa Kỳ đã ban hành cách đây mấy tháng, những báo đài, truyền thông quốc tế phỏng vấn tôi cũng như những cơ quan ngoại giao quốc tế mà cụ thể ở đây là những Đại sứ quán của các nước có nền dân chủ tiến bộ trên thế giới mời tôi đến để tìm hiểu, quan tâm hơn những vụ việc xảy ra đối với dân oan Dương Nội, đến dân oan Việt Nam nói chung. Những cô chú, bác, anh chị, bạn bè làm bộ phim "Nỗi đau mất đất" đã cho công chiếu phần I và giờ chuẩn bị phần II về vấn đề dân oan Việt Nam... Trước những sự quan tâm, giúp đỡ đó tôi thấy tinh thần đấu tranh của người dân oan trước những thử thách đã cho thấy bước sang năm 2017, tinh thần không hề suy giảm, cho thấy người dân oan quyết tâm đấu tranh đến cùng để giành cho bằng được Quyền con người, Quyền sở hữu tư liệu đất đai...

Các Đại sứ quán cũng nói rất quan tâm đến tình hình Nhân quyền Việt Nam. Họ nói sẽ nỗ lực hết mình cho Nhân quyền Việt Nam thông qua các buổi đối thoại Nhân quyền sẽ nói lên tiếng nói của họ bằng cách này hay cách khác để gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam, bắt nhà cầm quyền Việt Nam phải tôn trọng và thực thi Quyền con người đối với người dân Việt Nam. Trên tinh thần này, tôi thấy cuộc đấu tranh của người dân oan rõ là hiện đang có một hướng mở, như một thông điệp nhắn đến nhà cầm quyền Việt Nam phải tìm giải pháp đối thoại với người dân thay vì giải pháp đấu đầu đang mang lại những thất bại, hậu quả của những trận đàn áp sẽ khiến cho người dân ngày một mất niềm tin với Đảng hơn. Chưa hết, qua việc nhà cầm quyền bắt mẹ tôi, ở trong trại giam mẹ tôi cho biết là sẽ viết đơn Giám đốc thẩm vụ án chứ quyết không chấp nhận bản án mà Tòa án quận Đống Đa và Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên phi lý, không có chứng cứ.

Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sửa đổi những nghị định về Đất đai trong đó có Nghị định về thu hồi, bồi thường. Và cũng mới đây nhất mà tôi biết là Quốc hội Việt Nam đã thừa nhận việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế là không có trong Hiến pháp, tức là việc thu hồi đất đã sai về Hiến pháp và cả sai về Luật pháp.

Tôi tin tưởng rằng đã có áp lực dù chưa đủ để ép nhà cầm quyền Việt Nam thay đổi nhưng nó cũng có tác động nhất định.

PV : Theo như VNTB được biết, năm 2016 bản thân anh có nhận được một công văn gọi là "công văn mật" có nhắc đến việc Chính quyền sẽ giải quyết vụ dân oan Dương Nội khiếu kiện. Kết quả giải quyết vụ việc hiện tại đến đâu rồi thưa anh ?

Trịnh Bá Phương :Công văn mật đó có tên của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà, một số thành viên lãnh đạo thành phố Hà Nội và Chính phủ với nội dung là phải giải quyết dứt điểm vụ việc ở Dương Nội, họ có nêu đích danh là giải quyết dứt điểm đoàn do bà Cấn Thị Thêu làm đại diện. Những ngày gần đây, rất tiếc là tôi không có thời gian theo dõi các hệ thống truyền thông Nhà nước, nhưng được nghe bà con nói là có một chương trình phát sóng trên kênh VTC1 vào sáng 13/02/2017, có dẫn lời của ông Nguyễn Hồng Điệp Trưởng ban tiếp dân Trung ương và lời của một luật sư nào đó có nói là phải giải quyết dứt điểm vụ việc ở Dương Nội. Tuy nhiên, sau đó tôi có lật lại các trang mạng để xem chương trình này thì không tìm thấy... Chính phủ muốn tìm ra hướng tháo gỡ cho vụ việc ở Dương Nội qua hướng đối thoại dù bằng cách này hay cách khác phải có mặt của mẹ tôi. Người dân Dương Nội trong đoàn mẹ tôi làm đại diện cũng đã có những buổi hội ý đã đưa ra quyết định là trong các buổi đối thoại với Chính phủ phải có mặt của mẹ tôi nếu không thì sẽ không chấp nhận.

PV : Là một người con có người mẹ đi tù là bà Cấn Thị Thêu, anh có mặc cảm gì về hình ảnh người mẹ ở hiện tại hay không ? 

Trịnh Bá Phương :Nhà cầm quyền dùng nhà tù đối với mẹ tôi và gia đình tôi cũng như đối với người dân Dương Nội nói chung đó là một sự thất bại của họ, đối những người đấu tranh như mẹ tôi bản thân tôi với tư cách là người làm con tôi rất khâm phục, lúc nào tôi cũng nghĩ đến mẹ tôi, tôi nghĩ rất nhiều và vô cùng phẫn nộ khi mẹ tôi ở trong song sắt nhà tù. Tôi muốn mình phải hành động, phải tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội đã gây tội ác đối với mẹ tôi cũng như cho người dân Dương Nội.

PV : Một câu hỏi cuối là anh có nhận định như thế nào về phong trào đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền Việt Nam năm 2017 này ?

Trịnh Bá Phương :Thực ra tôi chỉ là người dân oan, hoặc có thể nói là người đấu tranh cho dân oan, nếu để nhận xét về tình hình phong trào dân chủ ở Việt Nam thì tôi không thể đưa ra được những ý kiến chính xác được. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng phong trào dân chủ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, ngày càng có nhiều người mới, người trẻ và nhiều nhân tố đã thay mặt cho những dân oan như tôi để lên tiếng, bảo vệ Quyền con người phải được thực thi tại Việt Nam. Tôi luôn tin tưởng rằng những phương pháp truyền thông của những người trong phong trào đấu tranh dân chủ, những Facebooker, Bogger cũng sẽ giúp cho người dân Việt Nam tăng theo cấp số cộng hiểu về thực trạng đất nước Việt Nam hiện nay. Hy vọng người dân hưởng ứng, tiếp tục đứng lên hòa cùng phong trào dân chủ để đấu tranh sao cho không bao lâu nữa người dân Việt Nam có quyền tối cao nhất là ; quyền tự quyết và quyền tự do bầu cử, quyền được đưa những người có tâm có tài lên lãnh đạo đất nước, xóa bỏ độc tài và áp bức bất công.

VNTB cám ơn những chia sẻ của anh Trịnh Bá Phương.

Nguồn : VNTB, 27/02/2017

Published in Việt Nam