Trận cháy rừng tại Nghệ An – Hà Tĩnh đang chìm vào quên lãng nhưng hình ảnh những người công an được đồng đội cột chiếc bình nylon chứa nước trên lưng, trèo đồi cứu lửa vẫn đọng lại trong tâm trí người xem khó gột cho trôi được cảm xúc trong lòng họ. Không ít người cho rằng lực lượng công an đóng kịch nhằm mua sự thấu cảm của người dân. Có người cười cợt vì con số công an viên mang thùng nước trên lưng tiến vào rừng chữa cháy sao quá nhỏ nhoi tệ hại, mỗi một người cõng một thùng nước 15 lít chữa được bao nhiêu cây rừng và tại sao họ lại làm một công việc xem thường nhận thức người dân như vậy ?
Việt Nam chưa dùng máy bay chữa cháy rừng, dập lửa 'kiểu du kích'
Nhưng cái đọng lại trong lòng hầu hết mọi người trước hình ảnh này là sự thụt lùi của đời sống. Thụt lùi không những về khoa học kỹ thuật mà chúng còn cho thấy tư duy chịu đựng của những người cầm quyền tại các khu vực khó khăn. Họ không dám lên tiếng đòi hỏi những phương tiện hỗ trợ phòng cháy chữa cháy vì họ biết chắc rằng có đòi hỏi cũng không ai nghe vì cung cấp phương tiện cho những khu vực này sẽ không mang chút lợi lộc gì cho người ký duyệt.
Những thùng nước trên lưng người công an điển hình cho mặt trái của ổn định phát triển mà Việt Nam đang rất đỗi tự hào. Những thùng xăng trên vai bộ đội xuất hiện gần 60 năm trước trên chặng đường hành quân từ Bắc vô Nam nay sống lại một cách bất ngờ giữa lúc biển lửa hoành hành và chính quyền khoanh tay chịu trận. Thế nhưng những thùng nước ấy hình như đang biến thành những ngón tay, chỉ thẳng vào những phá hoại đang thay nhau giày xéo đất nước bằng những dự án, những công trình đậm màu đen của chia chát và xẻ thịt ngân sách. Những công trình kêu to không khác gì sấm sét nhưng lụi tàn cũng chẳng khác một cơn mưa. Có cái rất khác là sau cơn mưa trời lại sáng nhưng sau cơn lên đồng nổ như súng thần công thì những dự án, công trình ấy trở thành ảm đạm u tối như địa ngục.
63 ngàn tỉ, 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương là điển hình cho vùng tối của ổn định phát triển vừa được Ban tuyên giáo cho phép báo chí lên tiếng sau bao năm nằm im ắng dưới chiếc dù doanh nghiệp nhà nước.
Lần này tới phiên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hát lại điệp khúc rút kinh nghiệm khi phát biểu : "12 dự án thua lỗ nghìn tỷ là bài học kinh nghiệm sâu sắc".
Người dân nghe quá nhàm nhưng hình như câu nói này là "kinh thánh" của đảng cộng sản Việt Nam, chỉ cần đặt tay vào đó là mọi sự sẽ trôi tuột vào thùng rác "rút kinh nghiệm". Sáu mươi ba ngàn tỉ không phải là quá nhiều nếu so với những thất thoát khác nhưng nếu đừng hoang tưởng vào tài năng của những cái đầu trong Bộ Công thương thì bao nhiêu chiếc xe cứu hỏa, bao nhiêu trạm cứu rừng, bao nhiêu đường dẫn nước sẽ được lấp đặt thay thế cho những chiếc thùng nhựa nhỏ nhoi trên lưng người chiến sẽ công an trong vụ cháy rừng vừa qua ?
Trung ương có lẽ đang ngồi nhẩm tính thiệt hại của 12 dự án thua lỗ này nhưng chưa bao giờ Trung ương nhẩm tính trước khi những dự án thua lỗ tương tự bắt đầu thành hình với những cái đầu từ những Bộ, những Viện những đơn vị xin ngân sách nhà nước bằng quan hệ, bằng tham nhũng chính sách, bằng vận động của các nhóm thân hữu, và kể cả bằng sự coi thường kiến thức của cấp trên.
Trung ương tiếp tục nhìn cấp dưới rút sợi giây kinh nghiệm bằng những tán thán từ nhưng chưa bao giờ chính Trung ương lên tiếng thừa nhận sự bất lực của mình khi gián tiếp chấp nhận những lời lẽ "nhận khuyết điểm" ranh mãnh ấy của cấp dưới.
Không những ranh mãnh mà còn mang đậm sự khinh nhờn khi phát biểu nó. Bằng chứng dễ thấy nhất khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố sự đau lòng ấy khi báo chí tường trình buổi lễ hôm 9-7, ông Trần Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Công thương bàn giao 11/12 dự án ngàn tỉ thua lỗ cho Ủy ban Quản lí Vốn Nhà nước quản lí. "Siêu ủy ban" này sẽ gánh thay trách nhiệm của Bộ công thương tìm phương án xử lí hiệu quả các dự án hoặc cho phá sản.
Đăng kèm với bản tin là hình ảnh ông Trần Tuấn Anh và người đại diện cho "Siêu Ủy ban" cùng cười hớn hở như đang tham dự một dự án mới mà "tiền đồ" rộng mở trước mắt của cả hai người.
Họ cười vì biết chắc 12 dự án này rồi sẽ đi vào quên lãng. Tiền nhà nước trôi tuột vào túi tham của quan chỉ làm nhân dân đau lòng, chưa bao giờ thấy ai trong số Ban tham mưu Trung ương lên tiếng tự nhận sai lầm và đưa ra kế hoạch chấn chỉnh cho lần sau. 12 dự án này tiếp nối các dự án trước đây thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ cũng chẳng ai quan tâm vì từ trên xuống dưới đều đã học rất thuộc bài "rút kinh nghiệm".
Người dân mới đây phấn khởi ra mặt khi Bộ Kế hoạch Đầu tư trình chính phủ dự án Cao tốc Bắc Nam với kinh phỉ chưa bằng phân nửa của kinh phí mà Bộ Giao thông và vận tải đưa ra trước đây, thế nhưng ca khúc "rút kinh nghiệm" hình như vẫn đang ám ảnh những ai theo dõi và quan tâm tới các dự án mà các Bộ trình lên cho Thủ tướng chính phủ, kể cả dự án này khi nó được tiếng là rẻ và khả thi nhưng ai dám đoan chắc nó không thất bại, đội vốn, kéo dài thời gian thi công và nhất là điệp khúc rút kinh nghiệm lại được lu loa trên báo chí ?
Bởi suy cho cùng, thất bại không nằm trong dự án mà nó nằm sẵn bên dưới mặt bàn của những kẻ đặt bút ký vào nó.
Bộ Chính trị tỏ ra thiếu khả năng phán đoán ai là kẻ thủ lợi trong từng dự án thua lỗ và vì vậy không kịp thời chấn chỉnh nên mới tạo ra hàng loạt sự sụp đổ liên tiếp của các doanh nghiệp nhà nước mà kết quả là hàng trăm chiếc thùng nhựa sẽ tiếp tục nằm trên vai các công an, bộ đội trong các đợt cháy rừng tiếp theo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 12/07/2019
Sau vài ngày trời mưa tầm tã do ảnh hưởng của trận bão thứ hai trong năm nay, cơ quan chuyên trách về khí tượng – thủy văn vừa dự báo, cả miền Bắc lẫn miền Trung sẽ tiếp tục nóng như thiêu. Điều đó đồng nghĩa với cháy rừng có thể tái bùng phát trên diện rộng bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục thị sát trực tiếp việc chữa cháy rừng tại huyện Đức Thọ vào trưa 1/7 ngay sau khi tiếp xúc cử tri. (Nguồn : VGP)
Từ 26 tháng 6 đến 1 tháng 7, nhiều cánh rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,… đã cháy rừng rực. Chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn đã có vài trăm héc ta rừng bị biến thành tro. Thảm họa rừng cháy chỉ được chặn lại nhờ tác động của trận bão thứ hai trong năm nay.
Những cơn mưa từ trận bão vừa kể làm nhiều người, đặc biệt là cư dân những vùng mà rừng cháy rừng rực sắp tròn một tuần thở phào. Từ hệ thống truyền thông chính thức đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền gọi những trận mưa xối xả làm lở đất, chết người ấy là mưa… vàng vì giúp giải cứu rừng thôi làm mồi cho lửa !
***
Trong đợt cháy rừng trên diện rộng, kéo dài từ giữa tuần trước đến đầu tuần này, Hà Tĩnh trở thành nơi thu hút sự chú ý của nhiều người nhất vì có tới bảy huyện cùng phải đối phó với hàng trăm điểm cháy và rừng cháy đi, cháy lại ít nhất năm lần. Người ta ước đoán Hà Tĩnh phải điều động tới 15.000 bộ đội, công an, dân chúng, tham gia chữa cháy.
Cảnh hàng ngàn người loay hoay trước biển lửa, chật vật ứng phó với cháy rừng bằng cuốc, xẻng, cưa máy, máy thổi lá,… đã làm bật ra câu hỏi, tại sao cháy rừng là vấn nạn thường niên mà không đầu tư trực thăng chữa cháy ( ?), tại sao không điều động trực thăng của Binh đoàn 18 tham gia chữa cháy (1).
Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm đại biểu của Hà Tĩnh tại Quốc hội, kiêm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt cả hệ thống biện bạch là vì gió lớn, rừng cháy trên diện rộng nên dùng trực thăng chữa cháy… không khả thi. Tốt nhất vẫn là chữa cháy theo kiểu… du kích (2) !
Đáng ngạc nhiên là vẫn có một số người ủng hộ quan điểm của ông Huệ một cách nhiệt thành, rủa sả những người nêu thắc mắc về trực thăng không tiếc lời. Bất kể thiên hạ luôn dùng trực thăng chữa cháy rừng và chính Indonesia đã ký hợp đồng thuê trực thăng của Binh đoàn 18 chữa cháy rừng cho Indonesia trong ba năm vừa qua (3) !
Giống như để minh họa cho sự tài tình, sáng suốt của đảng ta, ngày 1 tháng 7, báo Hà Tĩnh công bố phóng sự ảnh có tên là : "Cõng nước lên non" phòng lửa rừng tái phát – giới thiệu cảnh công an, cảnh sát dùng đủ thứ dây để giúp mỗi người có thể mang một can nước loại… mười lít lên núi, dự trữ cho tình huống lửa lại bùng lên (4).
Những tấm ảnh hi hữu về nỗ lực phòng cháy – chữa cháy rừng ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này tiếp tục làm nhiều người thở dài và giống như vài ngày trước, lại có một số người dạo khắp các diễn đàn điện tử, blog, trang facebook để bày ra những lời rủa sả, theo đó, thở dài, thắc mắc là… chọc ngoáy, thiếu thiện chí !
Chẳng hạn Nguyen SA Huynh, người bày tỏ sự nghi hoặc về hiệu quả của việc "cõng nước" lên núi chữa cháy rừng, bị một facebooker có tên là Hải Vân chửi "ngu" vì… "phòng cháy" thì… phải như thế, kèm cảnh cáo" : "Đất nước này khó phát triển bởi lũ ngu dân trí thấp như thế ! ?". Giống như Hải Vân, Cường Phương giảng giải theo hướng, "cõng nước" là… tất nhiên vì… "chẳng lẽ tự nhiên… đào được nước trên núi" (5) !
Thôi thì cho dù vẫn phải xem Việt Nam tiếp tục phòng và chữa cháy rừng theo kiểu du kích với các phương tiện thô sơ, phương thức thủ công, dứt khoát không đầu tư, sử dụng các phương tiện bay để dập lửa là… sáng suốt, vẫn phải tiếp tục ca ngợi chuyện dùng ngân sách dành cho quốc phòng, mua trực thăng nhằm tạo điều kiện cho quân đội giành được hợp đồng chữa cháy thuê cho thiên hạ là… tài tình, song đảng ta cần phải suy tính thêm để giảm cường độ lao động cho những cá nhân "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" đang phải tới lui trên Internet chửi những thằng "ngu". Có một thực tế mà ai cũng thấy là những thằng "ngu" thích thắc mắc càng lúc càng đông !
Những hình ảnh chữa cháy rừng bằng các phương tiện thô sơ, hàng trăm người thay lừa, ngựa "cõng nước lên non" để phòng cháy đang tạo thêm nhiều thắc mắc khác. Chẳng hạn Nguyễn-Chương MT đăng lại hình ảnh, thông tin về JCR-6500 loại xe chuyên dùng chống bạo loạn được xem là hiện đại nhất (chứa 6.500 lít nước, cung cấp cho súng phun nước áp lực cao) mà đảng ta trang bị cho công an, kèm thắc mắc : Sao không dùng loại xe này cứu người, cứu rừng ở Hà Tĩnh ? Chẳng phải cứu người là mục tiêu cao nhất sao (6) ?
Hay Ngô Trường An bày ra một loạt ảnh chụp những phương tiện hiện đại mà đảng ta mua sắm – trang bị cho công an kèm thắc mắc : Có khốn nạn không khi chi bạc tỉ để mua đủ loại phương tiện hỗ trợ đàn áp (từ các loại xe tác chiến điện tử, phá sóng âm tầng cao, khai thác tác động hóa học, đến xe phun nước giải tán biểu tình, xe rải thép gai tự động,…), trang bị cho công an đủ thứ công cụ trấn áp (mũ chuyên dụng, mặt nạ chuyên dụng, giáp bọc thân, bọc tay chân,…) nhưng không sắm các phương tiện chữa cháy rừng, lính cứu hỏa thiếu cả mặt nạ phòng ngạt ? Có khốn nạn không khi chỉ đầu tư bảo vệ đảng, không bận tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản công dân và tài nguyên quốc gia (7) ?
Giống như nhiều người khác, Nguyễn-Chương MT, Ngô Trường An cũng bị một số cá nhân "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" bu vào, chửi không tiếc lời. Tới mức một facebooker có nick name là Rạp Cưới Đức Du phải buột miệng than : Thật đáng buồn khi dán mác "phản động" và "thế lực thù địch" vẫn tiếp tục được dùng như lá chắn che cho tội ác của cộng sản.
***
Lên tiếng hay làm ngơ, thậm chí phỉ báng những cá nhân thắc mắc về các khiếm khuyết của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong quản trị - điều hành Việt Nam thì chắc chắn sẽ cùng phải chia sẻ đủ loại hậu quả. Ví dụ cháy rừng. Do quản trị tồi, điều hành kém, diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam chỉ còn chừng 7%, diện tích rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm khoảng 70% tổng diện tích rừng và là loại rừng rất dễ cháy. Theo các số liệu do Thông tấn xã Việt Nam công bố, Việt Nam hiệu có khoảng 6 triệu héc ta rừng dễ cháy và diện tích rừng dễ cháy càng ngày càng lớn. Nguy cơ cháy rừng trên diện rộng càng ngày càng cao do biến đổi khí hậu (8).
Ngoài phá rừng, mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 16.000 héc ta rừng do hỏa hoạn và giới hữu trách chỉ có thể ước đoán thiệt hại là "nhiều trăm tỉ đồng/năm". Dù "ngu" mà bày tỏ nghi ngại, mong ước thay đổi hay "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" thì hai bên vẫn phải chia sẻ hậu quả do lũ lụt, sạt lở gia tăng vì mất rừng, do chi tiêu dành cho chăm sóc y tế, giáo dục bị ngắt đầu này, véo đầu kia nhằm… khắc phục và may lắm thì mới có cơ hội reo lên : Mừng quá ! Trời cứu rồi Hà Tĩnh mình ơi (9) !
Thiên Hạ Luận
Nguồn : VOA, 06/07/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/1247449025437506
(2) https://tuoitre.vn/chua-the-dieu-truc-thang-chua-chay-rung-vi-gio-thoi-manh-20190701181404984.htm
(4) https://baohatinh.vn/luc-luong-vu-trang/cong-nuoc-len-non-phong-lua-rung-tai-phat/175157.htm
(5) https://www.facebook.com/sahuynh.vanhoa/posts/10220102960425873
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=706685459765437&set=a.116686058765383&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/man.ngotan.7/posts/2078987285545240
(8) https://www.vietnamplus.vn/chay-rung-o-mien-trung-nhin-lai-yeu-to-tu-nhien-va-xa-hoi/579993.vnp
(9) https://www.facebook.com/tintucvtv24/photos/a.246269142227548/1210044009183385/?type=3&theater .
Lửa vẫn còn rừng rực ở Hà Tĩnh, rồi Nghệ An. Diện tích rừng đã thành tro ở hai tỉnh này được ước đoán ít nhất cũng khoảng 40 héc ta và con số này sẽ còn thay đổi. Tính đến cuối ngày 30 tháng 6, đã có một người chết cháy khi cứu khoảnh rừng mà chính quyền xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An giao cho gia đình bà chăm sóc (1)...
Cháy rừng ở Hà Tĩnh. Photo Báo Hà Tĩnh
Cho dù số người được huy động dập lửa tính bằng ngàn nhưng nhiệt độ cao, địa thế khu vực hiểm trở, bất tiện cho việc chữa cháy nên hàng ngàn, hàng ngàn lính cứu hỏa, bộ đội, công an, dân chúng vẫn bất lực trong việc dẫn nước dập lửa, ngăn lửa lan rộng. Chẳng riêng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế cũng trong tình trạng tương tự (2).
Cháy rừng ở Việt Nam không phải là chuyện lạ, bất lực trước lửa cũng không lạ, dập lửa, ngăn cháy rừng trời nóng như thiêu chỉ bằng sức người, thiếu hoàn toàn các phương tiện chữa lửa cần thiết thì làm sao đạt được hiệu quả mong đợi. Giống như những lần trước, từ các viên chức đến dân chúng đang cầu… trời mưa !
Trên mạng xã hội, người thì bất bình khi sát những cánh rừng thông phủ từ chân lên đỉnh ngọn Hồng Lĩnh là các khu dân cư, hàng quán, cây xăng,… qui hoạch như thế thì làm sao có thể ngăn ngừa thảm họa (3) ? Nhiều người thở dài khi nhìn lính cứu hỏa, bộ đội, công an, dân chúng địa phương chỉ loay hoay chặn lửa với đôi tay trần, xe cứu hỏa làm sao leo núi, bao nhiêu cây số ống dẫn nước mới đủ dập một biển lửa ? Rất nhiều người dẫn lại chuyện Binh đoàn 18 từng khoe cách nay đúng một năm : Điều động trực thăng sang Indonesia để hỗ trợ chống cháy rừng ở đó (4) - và thắc mắc, rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã cháy suốt ba ngày, tại sao quân đội không điều động trực thăng hỗ trợ đồng bào ?
Đã có khá nhiều người bình luận, trực thăng vốn là một trong những phương tiện hữu hiệu để dập những đám cháy lớn trên diện rộng, ở những tình huống xe cứu hỏa không thể phát huy tác dụng chẳng hạn như cháy ở trên cao, địa hình hiểm trở, cháy rừng. Người sử dụng Internet chia sẻ với nhau những video clip về hoạt động của các loại trực thăng. Trực thăng thường dùng gàu, lấy và tải vài tấn nước (5), trực thăng chuyên dụng hút nước từ sông, rạch, hồ, ao… rồi bay đến đám cháy, xả từ trên cao xuống vài khối nước (6). Dù là trực thăng thường hay chuyên dụng, thời gian lấy nước, xả nước xuống khu vực đang cháy cũng chỉ một vài phút - rất hiệu quả, tại sao Việt Nam không sắm ?
Nếu thử tìm thông tin về đầu tư vào trực thăng nhằm phòng và chữa cháy, có thể thấy hồi đầu tháng trước, lực lượng cứu hỏa của Ý vừa đặt mua thêm năm trực thăng chữa cháy. Chi phí trọn gói cho hợp đồng sẽ được thực hiện năm nay và năm tới này là 75 triệu Euro, bao gồm cả trực thăng lẫn huấn luyện phi công, kỹ thuật viên, các phương tiện đi kèm và bảo trì (7). Chia đều, số tiền phải trả cho sắm - tổ chức vận hành mỗi trực thăng chữa cháy khoảng 15 triệu Euro, qui ra tiền đồng khoảng 400 tỉ. Nếu tính tổng chi phí cho cả gói (phi đội năm trực thăng) thì tổng mức đầu tư chừng 2.000 tỉ đồng Việt Nam. Khoản tiền này rõ ràng không nhỏ nhưng cũng chẳng phải là quá lớn.
Vấn đề nằm ở chỗ, tại Việt Nam, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương vừa có thể phóng tay, liên tục chi từ vài trăm đến cả ngàn tỉ để dựng các… cổng chào, các trung tâm hành chính sang trọng, các tượng đài, khu tưởng niệm từ… "bác" đến… Fidel Castro, vừa liên tục rót vào các dự án vô bổ, chuyển cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vài chục ngàn tỉ tới hàng trăm ngàn tỉ, bất kể sau đó, tất cả trở thành giấy lộn, thậm chí tạo thêm nợ nần nhưng không nghĩ tới và cũng chẳng có bất kỳ kế hoạch nào để sắm những phương tiện thật sự cần thiết trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản công dân, tài nguyên quốc gia như trực thăng chữa cháy.
Chẳng phải bây giờ rừng mới cháy. Rừng đã cháy, đang cháy và sẽ còn cháy. Phòng cháy - chữa cháy rừng có lẽ vẫn chỉ là những con người chẳng may sinh ra, lớn lên, cư trú trong những khu vực có rừng bị cháy tự xoay sở với nhau rồi… thôi. Sau khi bỏ một khoản tiền chắc chắn là rất lớn để tu bổ toàn bộ "Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh" (8), tháng trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Hà Tĩnh - nơi rừng từng cháy nhiều lần và đang cháy rừng rực - tổ chức trọng thể "Lễ báo công với bác Hồ" (9). Với những gì thiên hạ đã biết về Hà Tĩnh, "Lễ báo công với bác Hồ" tiếp tục góp thêm một trong hài kịch mà người ta không thể nào cười.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/07/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/mot-phu-nu-tu-vong-khi-chua-chay-rung-o-nghe-an-20190630174714424.htm
(3) https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/1247449025437506
(5) https://www.youtube.com/watch ?v=cQ04w1gDFdI
(6) https://www.youtube.com/watch ?v=P3SjRZtnIIg
(7) https://helihub.com/2019/06/19/italian-national-fire-corps-orders-five-more-aw139s/
(9) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-tinh-to-chuc-le-bao-cong-voi-bac-ho-20190515145027296.htm