Sau vài ngày trời mưa tầm tã do ảnh hưởng của trận bão thứ hai trong năm nay, cơ quan chuyên trách về khí tượng – thủy văn vừa dự báo, cả miền Bắc lẫn miền Trung sẽ tiếp tục nóng như thiêu. Điều đó đồng nghĩa với cháy rừng có thể tái bùng phát trên diện rộng bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục thị sát trực tiếp việc chữa cháy rừng tại huyện Đức Thọ vào trưa 1/7 ngay sau khi tiếp xúc cử tri. (Nguồn : VGP)
Từ 26 tháng 6 đến 1 tháng 7, nhiều cánh rừng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,… đã cháy rừng rực. Chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn đã có vài trăm héc ta rừng bị biến thành tro. Thảm họa rừng cháy chỉ được chặn lại nhờ tác động của trận bão thứ hai trong năm nay.
Những cơn mưa từ trận bão vừa kể làm nhiều người, đặc biệt là cư dân những vùng mà rừng cháy rừng rực sắp tròn một tuần thở phào. Từ hệ thống truyền thông chính thức đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền gọi những trận mưa xối xả làm lở đất, chết người ấy là mưa… vàng vì giúp giải cứu rừng thôi làm mồi cho lửa !
***
Trong đợt cháy rừng trên diện rộng, kéo dài từ giữa tuần trước đến đầu tuần này, Hà Tĩnh trở thành nơi thu hút sự chú ý của nhiều người nhất vì có tới bảy huyện cùng phải đối phó với hàng trăm điểm cháy và rừng cháy đi, cháy lại ít nhất năm lần. Người ta ước đoán Hà Tĩnh phải điều động tới 15.000 bộ đội, công an, dân chúng, tham gia chữa cháy.
Cảnh hàng ngàn người loay hoay trước biển lửa, chật vật ứng phó với cháy rừng bằng cuốc, xẻng, cưa máy, máy thổi lá,… đã làm bật ra câu hỏi, tại sao cháy rừng là vấn nạn thường niên mà không đầu tư trực thăng chữa cháy ( ?), tại sao không điều động trực thăng của Binh đoàn 18 tham gia chữa cháy (1).
Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm đại biểu của Hà Tĩnh tại Quốc hội, kiêm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt cả hệ thống biện bạch là vì gió lớn, rừng cháy trên diện rộng nên dùng trực thăng chữa cháy… không khả thi. Tốt nhất vẫn là chữa cháy theo kiểu… du kích (2) !
Đáng ngạc nhiên là vẫn có một số người ủng hộ quan điểm của ông Huệ một cách nhiệt thành, rủa sả những người nêu thắc mắc về trực thăng không tiếc lời. Bất kể thiên hạ luôn dùng trực thăng chữa cháy rừng và chính Indonesia đã ký hợp đồng thuê trực thăng của Binh đoàn 18 chữa cháy rừng cho Indonesia trong ba năm vừa qua (3) !
Giống như để minh họa cho sự tài tình, sáng suốt của đảng ta, ngày 1 tháng 7, báo Hà Tĩnh công bố phóng sự ảnh có tên là : "Cõng nước lên non" phòng lửa rừng tái phát – giới thiệu cảnh công an, cảnh sát dùng đủ thứ dây để giúp mỗi người có thể mang một can nước loại… mười lít lên núi, dự trữ cho tình huống lửa lại bùng lên (4).
Những tấm ảnh hi hữu về nỗ lực phòng cháy – chữa cháy rừng ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này tiếp tục làm nhiều người thở dài và giống như vài ngày trước, lại có một số người dạo khắp các diễn đàn điện tử, blog, trang facebook để bày ra những lời rủa sả, theo đó, thở dài, thắc mắc là… chọc ngoáy, thiếu thiện chí !
Chẳng hạn Nguyen SA Huynh, người bày tỏ sự nghi hoặc về hiệu quả của việc "cõng nước" lên núi chữa cháy rừng, bị một facebooker có tên là Hải Vân chửi "ngu" vì… "phòng cháy" thì… phải như thế, kèm cảnh cáo" : "Đất nước này khó phát triển bởi lũ ngu dân trí thấp như thế ! ?". Giống như Hải Vân, Cường Phương giảng giải theo hướng, "cõng nước" là… tất nhiên vì… "chẳng lẽ tự nhiên… đào được nước trên núi" (5) !
Thôi thì cho dù vẫn phải xem Việt Nam tiếp tục phòng và chữa cháy rừng theo kiểu du kích với các phương tiện thô sơ, phương thức thủ công, dứt khoát không đầu tư, sử dụng các phương tiện bay để dập lửa là… sáng suốt, vẫn phải tiếp tục ca ngợi chuyện dùng ngân sách dành cho quốc phòng, mua trực thăng nhằm tạo điều kiện cho quân đội giành được hợp đồng chữa cháy thuê cho thiên hạ là… tài tình, song đảng ta cần phải suy tính thêm để giảm cường độ lao động cho những cá nhân "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" đang phải tới lui trên Internet chửi những thằng "ngu". Có một thực tế mà ai cũng thấy là những thằng "ngu" thích thắc mắc càng lúc càng đông !
Những hình ảnh chữa cháy rừng bằng các phương tiện thô sơ, hàng trăm người thay lừa, ngựa "cõng nước lên non" để phòng cháy đang tạo thêm nhiều thắc mắc khác. Chẳng hạn Nguyễn-Chương MT đăng lại hình ảnh, thông tin về JCR-6500 loại xe chuyên dùng chống bạo loạn được xem là hiện đại nhất (chứa 6.500 lít nước, cung cấp cho súng phun nước áp lực cao) mà đảng ta trang bị cho công an, kèm thắc mắc : Sao không dùng loại xe này cứu người, cứu rừng ở Hà Tĩnh ? Chẳng phải cứu người là mục tiêu cao nhất sao (6) ?
Hay Ngô Trường An bày ra một loạt ảnh chụp những phương tiện hiện đại mà đảng ta mua sắm – trang bị cho công an kèm thắc mắc : Có khốn nạn không khi chi bạc tỉ để mua đủ loại phương tiện hỗ trợ đàn áp (từ các loại xe tác chiến điện tử, phá sóng âm tầng cao, khai thác tác động hóa học, đến xe phun nước giải tán biểu tình, xe rải thép gai tự động,…), trang bị cho công an đủ thứ công cụ trấn áp (mũ chuyên dụng, mặt nạ chuyên dụng, giáp bọc thân, bọc tay chân,…) nhưng không sắm các phương tiện chữa cháy rừng, lính cứu hỏa thiếu cả mặt nạ phòng ngạt ? Có khốn nạn không khi chỉ đầu tư bảo vệ đảng, không bận tâm đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản công dân và tài nguyên quốc gia (7) ?
Giống như nhiều người khác, Nguyễn-Chương MT, Ngô Trường An cũng bị một số cá nhân "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" bu vào, chửi không tiếc lời. Tới mức một facebooker có nick name là Rạp Cưới Đức Du phải buột miệng than : Thật đáng buồn khi dán mác "phản động" và "thế lực thù địch" vẫn tiếp tục được dùng như lá chắn che cho tội ác của cộng sản.
***
Lên tiếng hay làm ngơ, thậm chí phỉ báng những cá nhân thắc mắc về các khiếm khuyết của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong quản trị - điều hành Việt Nam thì chắc chắn sẽ cùng phải chia sẻ đủ loại hậu quả. Ví dụ cháy rừng. Do quản trị tồi, điều hành kém, diện tích rừng nguyên sinh ở Việt Nam chỉ còn chừng 7%, diện tích rừng thứ sinh nghèo kiệt chiếm khoảng 70% tổng diện tích rừng và là loại rừng rất dễ cháy. Theo các số liệu do Thông tấn xã Việt Nam công bố, Việt Nam hiệu có khoảng 6 triệu héc ta rừng dễ cháy và diện tích rừng dễ cháy càng ngày càng lớn. Nguy cơ cháy rừng trên diện rộng càng ngày càng cao do biến đổi khí hậu (8).
Ngoài phá rừng, mỗi năm, Việt Nam mất khoảng 16.000 héc ta rừng do hỏa hoạn và giới hữu trách chỉ có thể ước đoán thiệt hại là "nhiều trăm tỉ đồng/năm". Dù "ngu" mà bày tỏ nghi ngại, mong ước thay đổi hay "kính bác, yêu đảng, trung thành với chủ nghĩa xã hội" thì hai bên vẫn phải chia sẻ hậu quả do lũ lụt, sạt lở gia tăng vì mất rừng, do chi tiêu dành cho chăm sóc y tế, giáo dục bị ngắt đầu này, véo đầu kia nhằm… khắc phục và may lắm thì mới có cơ hội reo lên : Mừng quá ! Trời cứu rồi Hà Tĩnh mình ơi (9) !
Thiên Hạ Luận
Nguồn : VOA, 06/07/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/vpluatsuvidan/posts/1247449025437506
(2) https://tuoitre.vn/chua-the-dieu-truc-thang-chua-chay-rung-vi-gio-thoi-manh-20190701181404984.htm
(4) https://baohatinh.vn/luc-luong-vu-trang/cong-nuoc-len-non-phong-lua-rung-tai-phat/175157.htm
(5) https://www.facebook.com/sahuynh.vanhoa/posts/10220102960425873
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=706685459765437&set=a.116686058765383&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/man.ngotan.7/posts/2078987285545240
(8) https://www.vietnamplus.vn/chay-rung-o-mien-trung-nhin-lai-yeu-to-tu-nhien-va-xa-hoi/579993.vnp
(9) https://www.facebook.com/tintucvtv24/photos/a.246269142227548/1210044009183385/?type=3&theater .