Một nhà kho thực phẩm ở vùng Boston cần khử trùng toàn diện, để ngăn ngừa Coronavirus. Công việc cần nhiều người, làm việc nhiều giờ trong một phòng kín không gió. Họ sẽ phải đứng cách xa nhau và đeo mạng che miệng, chính họ phải tự phòng để không bị để thuốc sát trùng vào trong cơ thể. Tìm đâu cho đủ số người làm việc khử trùng này, trong lúc các cơ quan y tế yêu cầu dân không ra khỏi nhà và bớt di chuyển ?
Covid 19 khiến lợi tức chênh lệch nhiều hơn trong tương lai - Hình minh họa.
Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã có giải pháp. Phòng Thí Nghiệm Tin học và Trí khôn Nhân tạo (Computer Science and Artificial Intelligence Lab) của MIT đã cung cấp một đội quân "máy tự động" (robots) làm tất cả công việc tẩy uế trong nhà kho này. Mọi người đều thỏa mãn.
Nhưng có lại người lo xa : Sau khi bệnh dịch Covid 19 qua khỏi thì đám robots vẫn còn đó. Có cần thuê công nhân đi tẩy trùng các nhà kho, chợ búa, trường học, bệnh viện,… nữa không ? Đạo quân robot sẽ còn làm được nhiều việc khác, thay thế sức người.
Hai giáo sư MIT, David Autor và Elisabeth Reynolds, đã suy nghĩ về hậu quả của Covid 19 và đưa ra kết luận khá bi quan : Sau cơn bệnh dịch, này khoảng chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ sẽ mở rộng hơn ; vì nhiều người thuộc giới lao động lãnh lương thấp nhất sẽ không còn việc làm nữa !
Đây là chuyện bình thường, vẫn diễn ra mỗi khi có máy móc làm việc thay con người. Những đầu máy xe lửa đầu tiên đã làm cho bao nhiêu mã phu điều khiển xe ngựa mất việc làm ! Nhưng xe lửa cuối cùng đã thắng, vì năng suất cao hơn và chi phí thấp hơn. Phong trào tự động hóa (Automation), dùng máy móc làm thay con người, là bước tiến tự nhiên. Tự động hóa sẽ tăng năng suất và giảm phí tổn mạnh hơn nữa. Nhờ thế, lợi tức các xí nghiệp gia tăng trong mấy chục năm qua ; nhưng kết qua không được san sẻ đồng đều.
Từ năm 1973 đến 2016, năng suất chung của nền kinh tế Mỹ tăng 75% ; nhưng lợi tức bình quân của dân lao động chỉ tăng 50%. Nghĩa là khi năng suất được cải thiện thì cổ phần các công ty lên giá, lợi tức của giới đầu tư tăng vọt. Còn phần lợi lộc chia cho giới lao động không lên ; lương bổng những công nhân lãnh thấp nhất còn thật sự giảm xuống so với giá sinh hoạt.
Bởi vì lương người lao động cũng tăng không đồng đều. Nhiều sinh viên mới ra trường, nhờ học những ngành kỹ thuật tân tiến được trả lương cao hơn cha, hay mẹ dù họ cũng là kỹ sư. Vì các công ty đang lên thuộc ngành kỹ thuật cao cần tuyển các sinh viên học các ngành mới này. Còn cha, mẹ làm những nghề cũ, thuộc các ngành công nghiệp đang đi xuống.
Những con số biểu lộ tình trạng chung này. Mặc dù lương bổng bình quân tăng 50%, người lãnh mức lương "đứng chính giữa" từ thấp nhất lên cao nhất (gọi là trung vị, median), chỉ tăng được 20%. Tức là lương bổng những người ở trên mức trung vị đã tăng nhiều hơn 50%, còn lương những người bên dưới tăng ít hơn 20%.
David Autor và Elisabeth Reynolds nhận thấy Đại dịch Covid 19 thúc đẩy cho hiện tượng trên đây chạy nhanh hơn : Năng suất sẽ lên cao, lợi tức các xí nghiệp gia tăng, và khoảng chênh lệch về lợi tức cũng mở rộng hơn. Hai nhà nghiên cứu thấy bốn hậu quả lớn của cơn bệnh dịch trên thị trường nhân dụng.
Thứ nhất, vì Covid 19 nên nhiều người không thể đến sở, phải làm việc ở nhà. Các công ty sẽ thấy tình trạng "làm việc từ xa"( telepresence, telework) này là tự nhiên, không trở ngại gì cho năng suất. Sau khi bệnh dịch qua rồi, nhiều người sẽ không muốn phải đến sở mỗi ngày như trước nữa. Người Mỹ đi làm trung bình phải dùng 27 phút đi và 27 phút về. Tính ra mỗi người tốn 225 giờ chỉ để di chuyển.
Trong cơn đại dịch, các công ty tài chánh, các nhà họa kiểu, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, tiếp thị không cần mọi nhân viên phải luôn luôn có mặt tại chỗ. Ngay cả những người đi giới thiệu hàng hóa cũng không cần di chuyển vì có các phương tiện trình bầy từ xa. Sau khi Covid 19 qua rồi, Autor và Reynolds tiên đoán số giờ người ta làm việc ở nhà sẽ tăng gấp ba lần so với trước mùa bệnh dịch.
Hiện tượng trên đi đôi với tình trạng dân cư ở các thành phố giảm bớt (urban de-densification), cũng là một hậu quả của Covid 19. Vì có thể làm việc ở nhà, nhiều người ở San Francisco, New York, Chicago đang tính dọn ra ở ra ngoại ô, vì giá nhà đất rẻ mà họ chỉ lâu lâu mới cần tới sở.
Các đô thị sẽ bớt nhộn nhịp khi dân số đi xuống, và số công việc làm cũng bớt. Các cơ sở thương mại không cần bảo trì, dọn dẹp nhiều như trước. Số xe taxi, số người làm việc ở tiệm ăn, các cửa hàng bán lẻ giảm đi. Các khách sạn, khu giải trí, hộp đêm sẽ ít khách hơn nên thải bớt nhân viên. Các cơ sở thương mại sẽ sử dụng camera giữ an ninh, không cần nhiều người bảo vệ như trước. Mỗi buổi tối sẽ có máy móc, robots, lo việc lau chùi, tảy uế các văn phòng, nhà hàng.
Các công ty "ecommerce" bán hàng qua mạng đã phát triển trong mùa đại dịch, nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Ngành bán lẻ cung cấp việc làm cho 3.4 phần trăm số lao động ở Mỹ. Họ lãnh lương thuộc hàng thấp nhất, số lương đứng giữa (median) năm 2019 là $25,400 đô la một năm. Vì Covid 19, nhiều người sẽ mất việc luôn sau khi các công ty khai phá sản.
Những người cung cấp dịch vụ như trên đây hiện chiếm một phần tư số lao động ở Mỹ. Trong số những người sắp mất việc này, phụ nữ và các sắc dân thiểu số đông nhất. Đó cũng là những người từ trước đến nay vẫn lãnh lương thấp hơn trung bình. Sau trận Covid 19, họ còn chịu thiệt thòi hơn.
Ngoài hai hiện tượng "làm việc từ xa" (telepresence) và thành phố bớt tập trung (urban de-densification), David Autor và Elisabeth Reynolds còn nêu hai hậu quả khác do Covid 19 gây ra. Một là tình trạng các công ty lớn sẽ bành trướng, thu hút thêm nhân lực (employment concentration in large firms). Hai là nhiều xí nghiệp bị bắt buộc phải tự động hóa (automation forcing).
Trận đại dịch gây khó khăn, các xí nghiệp đều bị ảnh hưởng, trừ một thiểu số. Nhưng các công ty có số vốn lớn sẽ chịu đựng được, có thể vượt qua cơn hoạn nạn dễ dàng, chỉ cần sa thải bớt nhân viên rồi chờ đợi. Các xí nghiệp nhỏ thường không đủ tiền dự trữ, khi cần vay ngân hàng cũng khó khăn hơn, một số đã phải ngưng hoạt động. Sau trận dịch, giới lao động sẽ vào làm trong các công ty lớn nhiều hơn. Các công ty này thường tiến hành việc tự động hóa nhanh hơn vì họ đủ phương tiện. Do đó, nhiều công nhân sẽ bị robots thay thế.
Nhiều công ty bắt buộc phải tự động hóa sớm hơn, vì bị Covid 19 thúc đẩy. Trong thời gian bệnh dịch hoành hành, nhiều cơ xưởng hoặc văn phòng phải thay thế người bằng máy, vì nhân viên phải ở nhà. Các công ty bán thịt đẩy kế hoạch tự động hóa sớm, sau khi có lò heo, bò đóng cửa vì hàng trăm công nhân mắc bệnh. Công ty Amazon tăng số bán, cũng mướn thêm hàng trăm ngàn công nhân, nhưng các nhà kho của họ đã sử dụng robots để sắp xếp hàng lên kệ và đem xuống. Robots làm nhanh chóng, ít lầm lẫn hơn con người làm, và không bao giờ dọa đình công đòi tăng lương.
Giáo sư Daron Acemoglu, Đại học Massachusetts Institute of Technology thấy rằng trước trận đại dịch thì phong trào tự động hóa đã gây ra cảnh lương bổng giới lao động trì trệ, những người lương thấp nhất thì bị giảm lương khi mức lạm phát tăng nhanh hơn. Đại dịch Covid 19 khiến tình trạng này nặng nề hơn.
Ông Acemoglu cũng nhận thấy rằng hệ thống thuế khóa ở Mỹ khuyến khích các xí nghiệp dùng máy móc thay người lao động, ngay cả khi các robots làm việc không hữu hiệu hơn con người.
Từ năm 1982 đến 2018, suất thuế thực thụ (effective taxrates) của các công ty Mỹ đánh trên máy móc, dụng cụ đã tăng lên từ 9,7% năm 1982, lên 22% năm 2000, nhưng giảm xuống chỉ còn 1,6% vào năm 2011, tăng lên 4.8% năm 2018. Suất thuế thực thụ đánh trên việc dùng phầm mềm máy vi tính là 11.4% vào năm 1982, tăng lên 18% năm 2000, rồi xuống chỉ còn 4,8% cũng vào năm 2018.
Sau trận Covid 19, ai lãnh lương cao thì lợi tức sẽ tăng, đó là những người làm việc trong ngành Trí khôn nhân tạo (artificiel intelligence) và sản xuất robots. Còn người lao động vốn lãnh lương thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lợi tức đi xuống. Đó là một vấn đề xã hội mà chính quyền Mỹ sẽ phải lo trong thập niên tới, dù đảng nào đắc cử tổng thống năm nay cũng vậy.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 26/08/2020