Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đó là câu hỏi đang làm cho nhiều nhà ngoại giao trên toàn thế giới vò đầu bứt tai. Và quyết định của Tổng thống Donald Trump rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh với Bắc Hàn đã lại càng làm thế giới thêm hoang mang.

trump1

Chính sách ngoại giao của Donald Trump là Hoa Kỳ trước hết

Có những nhà ngoại giao hẳn đang bảo nhau "Tôi đã nói mà," nhưng dầu có nói vậy họ cũng đang rất nuối tiếc. Dầu sao nó đã kết thúc sáu tuần lễ đầy biến động trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Và nó cũng cho chúng ta một cách cửa sổ nhìn vào cách mà Tổng thống Donald Trump hành xử trong lãnh vực ngoại giao : một phương thức đang làm cho cả bạn bè lẫn kẻ thù đều lo ngại.

Vào giữa tháng Tư chúng ta chứng kiến cuộc không kích ở Syria do Hoa Kỳ lãnh đạo với sự tham gia của Pháp và Anh. Nó có mục đích là để trừng phạt chế độ Assad cho việc sử dụng vũ khí hóa học. Chưa đầy một tháng sau, Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, được biết dưới cái tên tắt là JCPOA – một thỏa thuận mà ông luôn cả quyết là xấu cho Hoa Kỳ và xấu cho những các quốc gia bạn bè trong vùng. Giữa tháng Năm ông tiếp tục thực hiện một lời hứa khi tranh cử với việc Hoa Kỳ dời một cách biểu tượng tòa đại sứ từ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Nay, chỉ mười ngày sau, ông tự rút ra khỏi một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn.

Chỉ có một điều lúc nào cũng rõ rệt cho những quyết định khác biệt này đó là tổng thống đã chứng minh được là ông sẵn sàng thực hiện cho bằng được những hứa hẹn mà ông đã đưa ra khi tranh cử tổng thống.

Nhưng cả quyết định rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sự di chuyển tòa đại sứ đã được thực hiện mà hầu như không có bao nhiêu tính toán về toàn cảnh của tình hình cũng như hậu quả của những hành động đó.

Chúng xảy ra trong khi đang có gia tăng căng thẳng ở dải Gaza, và cùng với chiến thuật an ninh tàn bạo của Israel cộng với sự lãnh đạm của hàng lãnh đạo Hamas, nó có thể làm bùng lên bạo động vốn khó dập tắt. Trong khi đó kế hoạch hòa bình đã được khoe khoang lâu nay của chính phủ Trump vẫn chưa thấy tăm hơi đâu cả.

trump2

Chính sách ngoại giao của Donald Trump - Ảnh minh họa

Về thỏa thuận với Iran, một lần nữa cũng có vẻ không có một viễn ảnh chiến lược nào cả. Liệu bước này có sau cùng làm cho nó khó khăn hơn để giới hạn chương trình hạt nhân của Iran hơn không ? Liệu nó làm căng thẳng thêm nữa liên hệ với các đồng minh quan trọng trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hay không ? Và liệu nó có tạo thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và những nhân vật chủ chốt khác trong bàn cờ quốc tế như Nga và Trung Quốc không ?

Thông điệp lúc đầu cho vụ bỏ bom ở Syria có vẻ là để gửi một thông điệp cho Tổng thống Bashar al-Assad là quá đủ rồi. Nhưng một lần nữa đâu là chiến lược tổng thể ? Trong khi đó tổng thống đã nói đến muốn rút tất cả quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Syria, mặc dầu việc này có vẻ như hoàn toàn đi ngược lại những mục tiêu được công bố của chính phủ Hoa Kỳ vốn là giới hạn và hạn chế sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong vùng và xa hơn nữa.

Nay chúng ta có quyết định rút ra khỏi hội nghị thượng đỉnh Singapore với Bắc Hàn. Vấn đề ở đây có lẽ là một vấn đề khác : quá lạc quan và phải nói hoàn toàn thiếu kinh nghiệm hay ý thức về thực tế. Bắc Hàn quả là một quốc gia khó đối phó. Những chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm đã tìm cách có được một thỏa thuận. Hai lần họ đã đạt được thỏa thuận và hai lần thỏa thuận này sụp đổ. Phía Hoa Kỳ bảo là họ đã tìm cách liên lạc với phía Bắc Hàn để bàn thảo chi tiết về những gì có thể đồng ý và đã không có được bao nhiêu trả lời.

Có vẻ như cuộc họp thượng đỉnh có thể trở thành một cơ hội chụp hình cho ông Kim Jong-un và điều đó dĩ nhiên là không thể chấp nhận được ở Washington. Nhưng nó cũng cho chúng ta thấy một số những điều khác về lối làm việc vô cùng cá nhân hóa và thiếu tổ chức của chính phủ hiện nay ở Washington về ngoại giao.

Ý tưởng cho cuộc họp thượng đỉnh này bỗng đột nhiên xuất hiện. Nó được chào đón vì nó là liều thuốc giải độc cho một cuộc trao đổi những lời thóa mạ lẫn nhau từ Washington và Bình Nhưỡng, cả hai đều đe dọa nhau bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng nó đã suýt chết yểu ngay từ giây phút chào đời. Thời biểu để tổ chức quá ngắn. Chưa có bao nhiêu những công việc chuẩn bị trước được thực hiện. Những vấn đề quá phức tạp và khoảng cách giữa hai bên có vẻ như khó mà có thể bắc được nhịp cầu.

Ngay cả việc ấn định có một hội nghị thưởng đỉnh có vẻ cũng chỉ là một quyết định mà đa phần phản ảnh cái tôi của tổng thống và niềm tin hầu như là vô tận của tổng thống vào cái tài của ông như là một nhà kinh doanh giỏi tài điều đình. Nhưng đó, các nhà ngoại giao đã muốn nói rõ, không phải là cách mà ngoại giao hoạt động.

Và rồi đến cả bức thư chính thức mà tổng thống viết cho ông Kim theo các nhà bình luận cũng khá kỳ lạ. Một phân tích của đài BBC chỉ ra là bức thư mở đầu gửi với "His Excellency" là một danh xưng bất bình thường cho ông Kim. Bức thư bắt đầu như là một bức thư làm ăn thương mại, nói đến "Chúng tôi rất cảm kích thời gian, sự kiên nhẫn và cố gắng của ông liên quan đến các cuộc điều đình và bàn thảo về cuộc họp thượng đỉnh lâu nay đều được cả hai bên muốn có."

Rồi bắt đầu sự khích bác khi nói đến "chúng tôi được thông báo là cuộc họp này được Bắc Hàn yêu cầu." Người đọc có cảm tưởng ông Trump viết cho ông Kim về một cuộc họp thứ ba. Nhưng rồi ông lại thêm "những nay thì không có ý nghĩa gì nữa" và một sự nhấn mạnh "cuộc họp dự trù lâu nay" trong khi thực sự mới được đề nghị hồi tháng Ba và ngày tháng mới được ấn định cách đây vài tuần.

Cây bút của tổng thống bắt đầu trở thành độc địa. Số là phía Bắc Hàn đã loan báo hôm sáng Thứ Năm là họ đã nổ bom sập hầm thử nghiệm hạt nhân nhưng đồng thời lên tiếng chỉ trích Phó Tổng thống Mike Pence. Tổng thống lại một lần nữa không chấp nhận thua cơ. Và ông đã trả lời cho đe dọa hạt khi một thứ trưởng ngoại giao của Bắc Hàn đặt câu hỏi là Hoa Kỳ muốn chọn hòa bình hay chiến tranh hạt nhân, bằng một câu "Ông nói đến khả năng hạt nhân của ông, nhưng khả năng của chúng tôi mạnh và to lớn đến nỗi tôi cầu thượng đế là chúng sẽ không bao giờ được dùng đến." Đây là trở lại cuộc đấu khẩu mùa Hè năm ngoái.

Nhưng sang đoạn sau, bức thư lại quay trở lại giọng điệu ngoại giao nói đến "đối thoại tuyệt vời đang được xây dựng giữa ông và tôi." Phải chăng cánh cửa chưa hoàn toàn đóng chặt ? Rồi ông lại nói đến vẫn muốn gặp ông Kim. Và "Tôi cảm ơn cho việc trả tự do cho ba con tin" vì "đó là một cử chỉ đẹp đẽ và rất được cảm kích."

Rồi giọng điệu của một văn thơ kinh doanh quay trở lại với đoạn cuối "Nếu ông thay đổi ý kiến về cuộc họp thượng đỉnh quan trọng này, xin đừng ngần ngại gọi tôi hay viết."

Ở một khía cạnh nào đó, nền ngoại giao Hoa Kỳ nay đang hoạt động ở mức cầm chừng. Các nhà ngoại giao cao cấp của Tây phương đã chỉ ra nguyên một tầng hầu như không có bóng người ở Bộ Ngoại Giao nơi mà đáng lẽ các phụ tá và thứ trưởng cho từng vùng hay từng sự vụ phải thấy ngồi làm việc. Nhưng cho đến nay họ cũng vẫn chưa được chỉ định.

Đó chính là lý do tại sao những chính phủ Âu Châu điều đình với Hoa Kỳ về một thỏa thuận theo sau cho Iran đã chưng hửng khi họ thấy là những cố gắng của họ đã không được báo cáo lên trên theo bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ. Vấn đề là những bộ phận tối quan trọng của bộ máy đó còn đang thiếu hay không hoạt động.

Vấn đề của sự nản chí và xuống tinh thần ở Bộ Ngoại Giao nghe đâu đang được Ngoại trưởng Mike Pompeo tìm cách giải quyết. Những nhà ngoại giao Tây phương đã buồn rầu bảo thôi thì trễ còn hơn không.

Và trong khi đó vấn đề tiếp tục chồng chất. Ở Á Châu, Trung Quốc đang công khai thách thức Hoa Kỳ ở Biển Đông, Trong khi đó cuộc điều đình mậu dịch cho thấy thiếu chuẩn bị và chia rẽ đã khiến Trung Quốc thắng vòng đầu. Ở Âu Châu, đồng minh hoang mang và mặc dầu đã có những cố gắng chưa từng thấy, đang cảm thấy mình bị bỏ qua.

Trong khi đó, đã có những quyết định ngoại giao quan trọng được đưa ra và Hoa kỳ và thế giới sẽ phải sống với các hậu quả của chúng.

Và ảnh hưởng của Hoa Kỳ sẽ mỗi ngày một phai mờ. Cho đến cuối tuần có vẻ như Nam Bắc Hàn quyết định tiếp tục đàm phán bất chấp Hoa Kỳ và nay tổng thống lại nói chuyện có thể trở lại bàn hội nghị. Nguyên thủ quốc gia không nói đi nói lại vì như vậy thì còn thể thống gì nữa. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 26/05/2018

Published in Diễn đàn

Ngay phiên họp đầu tiên của cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Trung mở ra hôm 21/06/2017, hai bộ trưởng Mỹ đã khẳng định trở lại quan điểm phản đối "mọi thay đổi nguyên trạng" tại Biển Đông và "cácđòi hỏi chủ quyền quá đáng không phù hợp với luật pháp quốc tế". Trước đó, ngày 06/06, Mỹ đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược hiện đại B-1B bay đến vùng Biển Đông, hai tuần sau khi một tàu khu trục của Hạm Đội 3 tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn, một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa.

bd1

Oanh tạc cơ B-1B Lancer của Mỹ luyện tập trên Biển Đông ngày 06/06/2017. Reuters

Trong bài phân tích "Chính sách Biển Đông của Trump đang định hình" (Trump’s South China Sea policy taking shape), đăng trên báo Nhật Japan Times ngày 23/06, giáo sư Mark J. Valencia, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung Quốc, đã cho rằng các sự kiện trên đây cho thấy là những đường nét trong chính sách Biển Đông và Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump "đang nổi lên từ sương mù của những tuyên bố và hành động lộn xộn và mâu thuẫn".

Từ cứng đến mềm, rồi kiên quyết trở lại !

Theo giáo sư Valencia, tân chính quyền Hoa Kỳ đã khởi đầu bằng một thái độ tương đối thù địch đối với Trung Quốc nói chung, và các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông nói riêng. Nhưng Washington dường như đã xét lại lập trường, và chính sách mới đang bắt đầu hình thành trông khá quen thuộc. Về cơ bản, đó là sự tiếp tục đường lối của chính quyền Obama, cho dù dường như có một sự nhấn mạnh hơn trên vế quân sự.

Đối với chuyên gia Valencia, dù đúng hay sai, các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông được coi là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của Mỹ - ít ra là một số nhà lãnh đạo trong vùng đã suy nghĩ như vậy.

Thời chính quyền Obama, cho dù mang tính chất không mấy rõ ràng và dứt khoát, đã có sáu chiến dịch FONOP được thực hiện ở Biển Đông nhằm chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng từ chiến dịch sau cùng ngày 16/10/2016, khoảng tám tháng đã trôi qua mà không thấy tân chính quyền Mỹ có động tĩnh mới.

Giáo sư Valencia ghi nhận là chính quyền của tổng thống Trump đã ba lần bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) để thực hiện các chiến dịch tuần tra FONOP mới. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, đô đốc Scott Swift, giải thích rằng phía quân đội chỉ đề xuất ý kiến, còn quyết định cho tiến hành hay không thì tùy thuộc vào chính quyền.

Thế rồi bắt đầu có dấu hiệu cho thấy rằng ông Trump, trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại theo kiểu "có đi có lại" của ông, đã tránh những lời chỉ trích và hành động đối với Trung Quốc nói chung và ở Biển Đông nói riêng để đổi lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn vũ khí hạt nhân và các chương trình phát triển tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Chủ trương mới : Nói nhẹ, nhưng không loại trừ hành động mạnh

Đối với giáo sư Valencia, đó chính là nền tảng cho các tuyên bố và hành động gần đây của Hoa Kỳ.

Trong bài diễn văn tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã tìm cách cân bằng giữa việc ca ngợi Trung Quốc, vì sự giúp đỡ của họ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên và việc chỉ trích các hoạt động "quân sự hóa không thể tranh cãi các hòn đảo nhân tạo" cũng như "các yêu sách biển đảo quá mức không được luật pháp quốc tế công nhận".

Thế nhưng ông cũng lên giọng nói thêm rằng Hoa Kỳ "không thể và sẽ không chấp nhận các hành vi cưỡng bức đơn phương để thay đổi hiện trạng". Ông cũng nêu bật chính sách kết hợp giữa thái độ hậu thuẫn và khi cần thiết, có hành động cụ thể để chứng tỏ "các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế" ; khuyến khích một khu vực liên kết với nhau trên vấn đề an ninh ; tăng cường khả năng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng ; và củng cố quan hệ quốc phòng Mỹ với các đồng minh và các đối tác sẵn sàng hợp tác với Mỹ, trong cả lãnh vực huấn luyện lẫn buôn bán vũ khí.

Theo giáo sư Valencia, điều đó về cơ bản tương tự như cách tiếp cận từng được tuyên bố của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đối với khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đã phát biểu mạnh mẽ hơn, nói với Quốc hội vào ngày 14 tháng 6 rằng ông đã cảnh báo các đối tác Trung Quốc rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh sẽ "kéo cả hai bên vào một cuộc xung đột". Ông cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã đến mức mà một cuộc chiến tranh có thể nổ ra, nếu không được quản lý đúng đắn.

Vào ngày 21 tháng 6, sau cuộc hội đàm tại Washington với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và tham mưu trưởng Quân Đội Trung quốc phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nhân cuộc đối thoại an ninh ngoại giao Mỹ-Trung, ông Tillerson nói rằng ông và ông Mattis đã nói rõ với các đồng nhiệm Trung Quốc rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên : "Chúng tôi phản đối những thay đổi nguyên trạng thông qua việc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông và các yêu sách biển quá mức mà luật pháp quốc tế không ủng hộ, và chúng tôi duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không".

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis nói thêm : "Tôi quyết tâm cải thiện quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Trung Quốc sao cho quan hệ đó vẫn là một yếu tố ổn định trong mối bang giao toàn diện giữa hai bên".

Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành mũi nhọn tiến công

Tóm lại, trên đây là chính sách Biển Đông của chính quyền Trump. Và người đã nổi lên thành "mũi tên" của cách tiếp cận chiến lược của Washington đối với Trung Quốc là viên chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris.

Thật vậy, theo chuyên gia phân tích an ninh Carl Thayer, đô đốc Harris là "chính là chất keo duy trì đường lối truyền thống của Mỹ trên toàn Châu Á". Chí ít, ông cũng là người chịu trách nhiệm thực hiện chính sách. Một số nhà quan sát cho rằng bài phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis, chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, phản ánh quan điểm của ông Harris cho rằng Hoa Kỳ cần có một thái độ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc ở đó.

Theo chính lời của đô đốc Harris, Mỹ "sẽ tiếp tục hợp tác ở những nơi có thể hợp tác, nhưng phải sẵn sàng đối đầu nếu cần. Vì vậy, tôi chỉ đơn giản là tiếp tục tập trung xây dựng các mối quan hệ quan trọng trong khi vẫn đảm bảo rằng Mỹ có sức chiến đấu đáng tin cậy để bảo vệ các cam kết an ninh của Mỹ và giúp nền ngoại giao Mỹ hoạt động trên thế mạnh".

Chiến thuật tiếp cận cứng rắn hơn này có thể là đã được chứng minh bằng các hành động gần đây của Hoa Kỳ trong khu vực. Vào tháng 5, hai hải đội tàu sân bay tấn công đã được triển khai tới phía tây Thái Bình Dương, và một trong hai hải đội này đã thực hiện các cuộc tập trận đầu tiên ở Biển Đông với tàu Izumo, trực thăng mẫu hạm lớn nhất của Nhật Bản. Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông đầu tiên dưới thời chính quyền Trump cũng đã được tiến hành vào cuối tháng 5 khi chiếc USS Dewey thực hiện một chuyến hải hành, không theo "thủ tục qua lại vô hại", bên trong vùng 12 hải lý (22km) của Đá Vành Khăn (Mischief Reef), gián tiếp thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể nửa chìm, nửa nổi.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mattis, người được cho là đã yêu cầu Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đề ra một chiến lược cho Biển Đông, đã cho biết rằng chiến dịch do chiếc Dewey thực hiện là một phần trong chiến lược của Hoa Kỳ.

Chuyến tuần tra của khu trục hạm Dewey đã được tiếp nối ngay sau đó bằng một bài tập huấn đầy tính thách thức trên Biển Đông, với hai oanh tạc cơ chiến lược hạng nặng B-1B Lancer, kết hợp với tàu khu trục USS Sterett lớp Arleigh Burke có trang bị tên lửa dẫn đường.

Vẫn duy trì củ cà rốt "hợp tác"

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Giáo sư Valencia, vế "củ cà rốt" của phương trình cũng được triển khai với việc chiếc Sterett thực hiện một chuyến ghé thăm đã được dự trù đến cảng Trạm Giang, một cơ sở chính của Hạm Đội Nam Hải của Hải Quân Trung Quốc.

Trưởng phái đoàn Mỹ không ai khác hơn là người có thể thay đô đốc Harris lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương vào năm tới : đô đốc Swift, hiện là chỉ huy Hạm Đội Thái Bình Dương.

Theo đúng chủ trương mới của ông Harris là "nói nhẹ, nhưng mang theo một cái gậy lớn", đô đốc Swift đã giảm nhẹ tầm mức quan trọng của các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải để nêu bật việc Mỹ thể hiện sức mạnh bằng sự "hiện diện nhất quán và bền vững" trong khu vực.

Tuyên bố mềm mỏng này phù hợp với quyết định gần đây về việc không thông báo hoặc nêu bật các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Đô đốc Swift xác nhận rằng cách tiếp cận kín đáo hơn tương ứng với một lập trường nhẹ nhàng hơn của Mỹ trong khu vực. Cũng trong tháng 5, Mỹ loan báo rằng Trung Quốc đã được mời tham gia cuộc tập trận quốc tế RIMPAC 2018, cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Hải Quân Mỹ tổ chức tại Hawaii.

Có thể kết luận rằng chính sách Biển Đông của Trump là một sự tiếp nối của chính sách Obama, nhưng lại nhấn mạnh hơn đến khía cạnh quân sự. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không sẵn sàng hoặc không giúp đầy đủ trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, hoặc trong các hồ sơ "đổi chác" khác mà Trump đề xuất, thì vế quân sự của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ có thể trở thành cách tiếp cận chính, thậm chí là cách duy nhất.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 27/06/2017

Additional Info

  • Author Mai Vân
Published in Diễn đàn