Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biden có ý gì khi cùng lúc gay gắt với Nga và Trung Quốc ?

Minh Anh, RFI, 19/03/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tiến hành một cuộc đối đầu gay gắt trên hai mặt trận : Với Nga – kẻ thù của Mỹ từ thời Chiến Tranh Lạnh và với Trung Quốc – đối thủ của Mỹ trong sắp tới. Phải chăng nguyên thủ Mỹ đang liều lĩnh khi cùng lúc đối đầu với Nga và Trung Quốc ?

biden1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 18/03/2021.  Reuters – Carlos Barria

Quan hệ giữa Mỹ với hai cường quốc hạt nhân đang ở mức thấp nhất kể từ khi Nixon thiết lập bang giao với Trung Quốc năm 1970 và khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990.

Hôm 18/03/2021, khẩu chiến Mỹ - Trung đã nổ ra trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Alaska kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng. Ngoại trưởng Antony Blinken không ngần ngại tố cáo Bắc Kinh ngày càng trấn áp trong nước và mỗi lúc "hung hăng với bên ngoài".

Cùng ngày, truyền thông Mỹ tiết lộ tổng thống Biden tố cáo đồng nhiệm Nga là "kẻ sát nhân" khi trả lời một cuộc phỏng vấn. Moskva nhanh chóng đáp trả, tỏ thái độ khinh thường vị tổng tư lệnh mới của Mỹ là già nua.

Theo giới quan sát, sẽ là liều lĩnh khi nghĩ rằng tổng thống Mỹ mở cùng lúc hai mặt trận chống Nga và Trung Quốc – hai cường quốc hạt nhân trên thế giới. Bởi vì, qua những cuộc khẩu chiến này, tân chủ nhân Nhà Trắng dường như muốn bắn đi ít nhất ba thông điệp.

Thứ nhất, khi có những lời lẽ gay gắt với Nga và Trung Quốc, tân chính quyền Washington muốn cùng lúc đáp trả quan điểm chung của Moskva và Bắc Kinh, cho rằng Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung đang hồi suy tàn. Nhà nghiên cứu Maya Kandel chuyên gia về Hoa Kỳ, thuộc trường Đại học Paris 3 – Sorbonne Nouvelle, trên France 24 nhấn mạnh đến ý định đáp trả bằng một chiến lược "địa kinh tế" của Hoa Kỳ - mặt trận cạnh tranh chủ lực giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. An ninh kinh tế giờ được xem như là một phần an ninh quốc gia. Chiến lược này phải được thực hiện ở hai cấp độ : Tự chủ và vai trò hàng đầu các ngành công nghiệp Mỹ.

Từ chiến lược này, dẫn đến một thông điệp thứ hai của Biden "chính sách đối ngoại phục vụ cho đối nội". Cứng rắn với Trung Quốc, chủ nhân Nhà Trắng muốn trấn an những tầng lớp cử tri cánh hữu và một bộ phận cánh tả cũng như là nhiều nhà chiến lược đảng Dân chủ thường hay chỉ trích chủ nghĩa tân tự do đã tạo đà tiến cho Trung Quốc trên trường quốc tế, gây tổn hại cho việc làm của tầng lớp trung lưu trong các ngành công nghiệp Mỹ. Đây chính là lý do dẫn đến thắng lợi bầu cử của Donald Trump.

Mặt khác, khi có lời lẽ gay gắt với Putin, nguyên thủ Mỹ khẳng định sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Putin, và như vậy hy vọng giải tỏa phần nào ba áp lực mà ông đang đối mặt. Theo giải thích của nhà chính trị học Marie-Christine Bonzom, chuyên gia về Hoa Kỳ với trang mạng 20 Minutes, hai áp lực đầu tiên là đến từ các cơ quan tình báo và một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng hòa, kêu gọi phải có những biện pháp cứng rắn với Nga, mà hồ sơ Nordstream 2 là một ví dụ điển hình.

Áp lực thứ ba là đến từ đảng Dân chủ, những người chủ yếu gần gũi với cách suy nghĩ thời Clinton, và tân tổng thống Mỹ dường như đang nối lại với đường hướng này. Theo đó, việc nỗ lực xích lại gần Nga chỉ là "vô ích", rằng "Nga đã hoàn toàn ngả theo Trung Quốc", theo như phân tích của nhà chính trị học Jean de Gliniasty, viện IRIS.

Cuối cùng, thái độ cứng rắn này của ông Biden còn nhằm bảo đảm với các đồng minh tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, rằng đã qua rồi cái thời chính sách hỗn loạn của vị Donald Trump ngông cuồng trước những kẻ chuyên quyền ở Bắc Kinh và Moskva.

Nhìn chung, giới quan sát đều có cùng một nhận định đường hướng đối ngoại Biden không khác gì mấy so với Donald Trump, có khác chăng là về mặt phương pháp. Tuy nhiên, ở đây, có một câu hỏi đáng được quan tâm : Phải chăng trong cách đối xử với hai cường quốc hạt nhân, Hoa Kỳ đang có thái độ "Nhất bên trọng, Nhất bên khinh" ?

Vì sao tổng thống Biden lại có thể "mắng" đồng nhiệm Nga một cách thậm tệ như thế ? Từ thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ dường như không có cách đối xử công bằng giữa Moskva và Bắc Kinh. Vì đối thủ - nếu không muốn nói là kẻ thù chính là Trung Quốc, nên Joe Biden "không thể tự cho phép mình có một lời lẽ như vậy với Tập Cận Bình". Theo ông Jean de Gliniasty, sở dĩ Hoa Kỳ tự cho phép mình làm điều này đó là vì Mỹ nghĩ rằng "Nga chỉ là một cường quốc trong khu vực". Phải chăng đó là một suy nghĩ sai lầm và đầy rủi ro ?

Minh Anh

*****************

Mỹ-Trung đấu khẩu gay gắt trong cuộc gặp đầu tiên dưới chính quyền Biden

Thanh Hà, RFI, 19/03/2021

Trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu gay gắt, thể hiện sự bất đồng sâu rộng giữa hai nước.

biden2

Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ đấu khẩu gay gắt trong cuộc gặp đầu tiên tại Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021.  AFP – Frederiçc J. Brown

Một sự kiện hy hữu : trước các phóng viên quốc tế, ngoại trưởng Antony Blinken trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh đe dọa trật tự và ổn định chung toàn cầu qua lối hành xử trấn áp, cưỡng chế, hù dọa trong các hồ sơ Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan và qua các vụ tấn công cyber nhắm vào Mỹ.

Đáp trả, nhân vật cao cấp nhất trong ngành ngoại giao Trung Quốc, ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cảnh cáo : Hoa Kỳ nên tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và cần từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh.

Thông tín viên Eric de Salve từ San Fancisco tường thuật về không khí "giá lạnh" trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Alaska :

"Ngay từ đầu, cuộc thảo luận đã diễn ra không tốt đẹp. Trước ống kinh truyền hình, hai siêu cường đã lao vào một cuộc đấu khẩu. Lãnh đạo Ngoại giao Hoa Kỳ trước hết nên bật những mối ‘quan ngại sâu sắc’ về tình cảnh của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Tiếp đó, Antony Blinken đề cập thẳng thừng đến những chủ đề gây bất đồng như là Hồng Kông, Đài Loan và những đợt tấn công trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc lập tức đáp trả mạnh mẽ, lên án Hoa Kỳ 'can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và có cách tiếp cận vấn đề trịch thượng'. Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh Mỹ không có quyền lên lớp cho Bắc Kinh về nhân quyền hay dân chủ và tốt hơn hết là Hoa Kỳ nên tập trung giải quyết những vấn đề kỳ thị trong nước, và ông trích dẫn thí dụ của phong trào đấu tranh của người Mỹ da đen Black Lives Matter.

Một hình ảnh khác cũng đáng ngạc nhiên không kém đó là khi các phóng viên được mời rời khỏi phòng họp, thì phía Bắc Kinh đã mỉa mai về quyền tự do báo chí ở Mỹ. Ngoại trưởng Blinken vội vàng mời báo giới quay lại phòng họp trước khi đáp lời phái đoàn ngoại giao Trung Quốc rằng ‘Hoa Kỳ không làm ngơ trước những vấn đề của mình, cũng không cố gắng làm như thể không có chuyện gì xảy ra, hay tìm cách che giấu những vấn đề đó đi’. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Cuối cùng ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Washington hãy từ bỏ lối suy nghĩ như thời chiến tranh lạnh. Đối thoại giữa lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska dự trù diễn ra trong hai ngày". 

Thanh Hà

*********************

Nga-Mỹ : Bị gọi là "sát nhân", Vladimir Putin đề nghị Joe Biden đối chất "trực tiếp công khai"

Quỳnh Nguyễn, Anh Vũ, RFI, 19/03/2021

Đáp trả phát ngôn của tổng thống Mỹ Joe Biden, đánh giá mình là "kẻ sát nhân", ông Vladimir Putin dùng giọng điệu hài hước, như muốn tỏ cho thấy không cần phải làm trầm trọng hóa vấn đề. Trái lại tổng thống Nga còn đề nghị nói chuyện với đồng nhiệm Mỹ một cách công khai trực tiếp cho người dân hai nước hiểu rõ vấn đề.

biden3

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, ngày 17/03/2021  via Reuters - Sputnik

Thông tín viên RFI tại Moskva Daniel Vallot tường trình :

Được hỏi về phát ngôn của Joe Biden, tổng thống Nga Vladimir Putin thoáng cười và bắt đầu bằng lời chúc sức khỏe tới người đồng nhiệm Mỹ. "Tôi nói điều này không phải là khôi hài bỡn cợt gì", tổng thống Nga nói thêm.

Vladimir Putin có vẻ lại vui với những phát ngôn của ông Joe Biden. "Các vị biết đấy, thuở nhỏ khi cãi nhau ta vẫn hay nói với nhau câu này : ai nói người khác xấu thì chính người đó xấu !". Tổng thống Nga nói tiếp, "không chỉ là một câu nói của con trẻ, một chuyện đùa mà ở trong đó có ý nghĩa sâu xa. Đó là ý nghĩa tâm lý, tức là người ta vẫn suy bụng ta ra bụng người".

Vladimir Putin gợi lại lịch sử đẫm máu của Hoa Kỳ : Những cuộc tàn sát thổ dân da đỏ hay chế độ nô lệ. Theo lãnh đạo Nga, bạo lực giờ được phản ánh trong các phát ngôn của tổng thống Mỹ. Ông Putin sau đó nhắc tới quyết tâm bảo vệ lợi ích của Nga trước Hoa Kỳ.

"Chúng ta sẽ làm việc với người Mỹ, nhưng theo những điều kiện của chúng ta", tổng thống Nga khẳng định, "và họ sẽ phải chấp nhận cho dù trừng phạt và những lời lăng mạ".

Với việc gọi đại sứ tại Washington về nước "để tham vấn" tình hình, Nga rõ ràng tỏ cho Hoa Kỳ thấy họ đánh giá các phát ngôn của ông Joe Biden là không thể chấp nhận được.

Tuy vậy, với lựa chọn giọng điệu bỡn cợt, Vladimir Putin dường như muốn tránh biến sự cố thành khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước.

Quỳnh Nguyễn – Anh Vũ

**********************

Mỹ dọa gia tăng trừng phạt các đối tượng tham gia dự án Nordstream 2

Minh Anh, RFI, 19/03/2021

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, ngày 18/03/2021 kêu gọi "tất cả các thực thể có tham dự" vào công trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt "Nordstream 2" giữa Nga và Đức phải thoái lui "ngay lập tức" nếu không muốn gánh thêm các đòn trừng phạt của Mỹ.

biden4

Tàu đặt ống dẫn khí Fortuna của Nga, neo tại cảng Wismar, Đức. Ảnh chụp ngày 14/01/2021.  AP - Jens Buettner

Trong thông cáo, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ khẳng định chính phủ của tổng thống Joe Biden "quyết tâm thực thi" đạo luật được Quốc hội thông qua năm 2019 và được mở rộng trong năm 2020, quy định các biện pháp trừng phạt những tổ chức, định chế tham gia dự án Nordstream 2.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố "Nordstream 2 là một dự án tồi – cho Đức, cho Ukraine và cho cả các đồng minh cũng như là các đối tác Đông – Trung Âu", đồng thời nhắc lại lập trường của Mỹ là phản đối công trình lắp đặt đường ống dẫn dầu khí dài 1.200km ngầm sâu dưới lòng biển trị giá đến 9 tỷ euro.

Les Echos dẫn các nguồn tin từ hãng Bloomberg cho biết các biện pháp trừng phạt sắp tới có thể nhắm vào một hãng bảo hiểm có cộng tác với các đội tầu lắp đặt đường ống dẫn khí tại vùng biển Baltic cũng như là các nhà thầu cung cấp tầu thuyền và nguyên vật liệu.

Hoa Kỳ lên án một "công trình địa chính trị của Nga nhằm chia rẽ Châu Âu và làm suy yếu an ninh năng lượng Châu Âu". Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo "Hoa Kỳ theo dõi sít sao mọi nỗ lực để có thể đi đến việc hoàn tất công trình và xem xét các thông tin về những thực thể có can dự vào dự án".

Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ, chủ yếu thuộc đảng Cộng hòa, ra sức gây áp lực, buộc chính quyền Biden phải áp dụng các biện pháp trừng phạt chiểu theo luật pháp của Mỹ. Ngoại trưởng Antony Blinken nhắc lại : "Mọi thực thể có tham gia vào dự án Nordstream 2 có nguy cơ lãnh trừng phạt của Mỹ, do vậy, cần phải ngưng hợp tác với dự án này ngay lập tức".

Minh Anh

Published in Diễn đàn

Châu Mỹ Latinh : Trận địa đầu tiên cho Biden trong cuộc đọ sức với Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 18/02/2021

Học thuyết Monroe năm 1823 và chính sách Big Stick của Theodore Roosevelt năm 1904 đã cho phép nước Mỹ tạo dựng một vùng ảnh hưởng rộng lớn từ hơn một thế kỷ qua : Châu Mỹ Latinh. Nhưng từ hai thập niên nay, khu vực này trở thành địa bàn đối đầu chiến lược quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo giới quan sát, Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chận Trung Quốc ngay tại sân sau nhà mình.

doingoai1

Một mô hình vệ tinh của Venezuela do Trung Quốc thiết kế. AP - Howard Yanes

Nhà nghiên cứu Christophe Ventura, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trong một chương trình Địa Chính Trị của đài RFI đưa ra một nhận định cay đắng : Đà ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Mỹ Latinh gia tăng", không gì cưỡng lại được", và", không thể lay chuyển được".

Nam Mỹ : Mặt trận liên minh đầu tiên chống Trung Quốc

Hoa Kỳ trong những năm 2000 vì quá bận rộn với những cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, Iraq… lơ là", sân sau", Nam Mỹ, khi ấy rơi vào vòng xoáy chính trị quan trọng, rẽ hẳn theo cánh tả. Một bước ngoặt tạo cơ hội cho Trung Quốc có thể thâm nhập Châu Mỹ Latinh một cách dễ dàng trong khi Bắc Kinh vào lúc đó chỉ là một đối tác còn rất khiêm tốn trong khu vực.

Nếu như vào đầu những năm 2000, trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc với khu vực Châu Mỹ Latinh chỉ ở mức 10 tỷ đô la, thì nay con số này đã tăng lên gấp 34 lần, đạt mức 340 tỷ đô la. Giao thương giữa đế chế Trung Hoa với các nước Châu Mỹ Latinh không chỉ trên bình diện thương mại, mà cả trong lĩnh vực tài chính, dần chuyển sang cả địa chiến lược, thậm chí cả về quân sự.

Theo giải thích của ông Christophe Ventura, Trung Quốc giờ còn cung cấp cho nhiều nước Nam Mỹ từ vũ khí hạng nhẹ đến các hệ thống quân sự hoàn chỉnh, tinh vi hơn,… đến mức trở thành một đối tác lớn nhất trong khu vực.

"Trung Quốc cứ thế dần dần thâm nhập vào vùng Châu Mỹ Latinh để rồi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực Nam Mỹ, nhất là ở những nước quan trọng như Brazil, Argentina… đến mức mà từ nhiều năm qua, ngay từ dưới thời tổng thống Obama, Trung Quốc được xem như là một mối thách thức hàng đầu cho thế bá quyền của Washington trên bình diện quốc tế.

Đến thời kỳ tổng thống Trump, Trung Quốc là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Rồi bây giờ, đến thời ông Biden, mọi chuyện sẽ không thay đổi bởi vì ông Biden giải thích rất rõ Trung Quốc là một vấn đề của cả hai đảng tại Mỹ. Ông Biden xem Trung Quốc là một đối thủ có hệ thống đối với Hoa Kỳ.

Do vậy, tổng thống Mỹ cho rằng cần phải chiến đấu chống lại đối thủ này vì tương lai, và phải giành được thắng lợi trong cuộc cạnh tranh chống Trung Quốc.

Ở đây, có một điểm khác biệt với người tiền nhiệm là tổng thống Biden cho rằng cần phải có một chiến lược khác, bằng cách xây dựng một liên minh và một mặt trận thống nhất với các đồng minh của Mỹ đề kềm hãm thế mạnh của Trung Quốc.

Điều đó cần phải được bắt đầu từ Châu Mỹ Latinh. Chúng ta sẽ thấy là thế nào rồi ông Biden cũng sẽ đề nghị chiến lược thành lập mặt trận chung với các nước Châu Mỹ Latinh nhằm ngăn chận Trung Quốc, trên các bình diện thương mại, tài chính và công nghệ".

Venezuela : Một điểm lớn cho Trung Quốc tại khu vực

Đây không phải là một chuyện dễ làm. Trong vòng hai mươi năm, Bắc Kinh thực hiện một chính sách ngoại giao nguyên liệu thô có thể nói là rất hiệu quả với các nước trong khu vực. Một chuỗi các hiệp định tự do mậu dịch song phương được ký kết với nhiều nước Nam Mỹ.

Sách Trắng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc với khu vực Châu Mỹ Latinh năm 2008 nêu rõ tính chất bổ sung giữa các nền kinh tế Trung Quốc và Châu Mỹ Latinh. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ này cho thấy rõ nhu cầu to lớn của Trung Quốc về nguyên nhiên liệu (dầu lửa, khí ga, sắt, đồng, đậu nành, gỗ, lithium…).

Tuy nhiên, theo quan sát của nhà nghiên cứu Viện IRIS, trong số các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Nam Mỹ, chính quyền Washington đặc biệt lo ngại về mối bang giao mật thiết giữa Bắc Kinh và Caracas. Ngược lại, Trung Quốc cũng rất lo lắng cho tiến triển quan hệ Mỹ - Cuba. Nhà nghiên cứu Christophe Ventura giải thích :

"Bởi vì, Venezuela là điểm tựa cho Trung Quốc tại Nam Mỹ. Đây là quốc gia tiếp nhận hỗ trợ của Trung Quốc nhiều nhất. Các khoản vay tài chính từ Trung Quốc đối với Nam Mỹ chủ yếu là cho Venezuela.

Bắc Kinh tài trợ cho nước này với một ý đồ sâu xa là nguồn tài nguyên dầu lửa, khí đốt và quặng khai thác vàng, những nguồn tài thiên nhiên chính mà Venezuela đang có. Do vậy, Trung Quốc can dự nhiều vào Venezuela, quốc gia cùng với Cuba đang đối đầu với Mỹ.

Ngược lại, đúng là dưới thời ông Donald Trump, những gì diễn ra cùng với việc siết chặt cấm vận chống Cuba, là một vấn đề cho Trung Quốc. Vì những lý do kinh tế và địa chính trị, Bắc Kinh vẫn tiếp tục là một đồng minh của La Habana. Đây là một thách thức quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc".

Vẫn theo Christophe Ventura, ở đây còn có một thách thức khác đối với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Hiện vẫn còn đến 9 trong số 14 nước tại vùng biển Caribe công nhận Đài Loan là một nước độc lập. Đây là những nước đồng minh của Mỹ thời chiến tranh lạnh. Với nhà địa chính trị học", thách thức này là hoàn toàn mang tính địa chiến lược cho Trung Quốc. Đây là một điểm thật sự cũng không kém phần quan trọng".

Nam Mỹ : Chỉ là nhà khai thác và xuất khẩu nguyên liệu

Liệu rằng những chính sách ngoại giao mà Trung Quốc đang áp dụng có gây thiệt hại cho vùng Nam Mỹ hay không ? Nhà nghiên cứu địa chính trị nhắc lại rằng thỏa thuận ban đầu giữa Trung Quốc và các nước Châu Mỹ Latinh vào đầu những năm 2000 là rất đơn giản.

Theo đó, các nước Nam Mỹ phải cung cấp, bảo đảm việc cung ứng nguyên liệu thô, nguồn tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh xuất khẩu sang Nam Mỹ hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng có giá trị gia tăng công nghệ và cho phép những nước này mở cửa thị trường tiêu thụ thông thường cho nhiều dòng sản phẩm như điện thoại, tivi…

Hệ quả của thỏa thuận này ra sao ? Chuyên gia Christophe Ventura cho biết : "Chỉ có điều, thỏa thuận đó đã khiến các nước Châu Mỹ Latinh không thể làm gì hơn ngoài chức năng một nhà khai thác-xuất khẩu nguyên liệu thô, các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị gia tăng thấp mà không có được những lợi thế làm giầu công nghệ, cụ thể là đa dạng hóa các ngành công nghiệp, thậm chí còn bị phi công nghiệp hóa như Brazil, Argentina chẳng hạn.

Tuy nhiên, hiện nay đang có những thay đổi bởi vì có nhiều sự chuyển dịch nhỏ. Trung Quốc giờ chấp nhận đầu tư nhiều hơn trong các lĩnh vực dịch vụ hay năng lượng tái tạo tại Châu Mỹ Latinh, và đến lượt họ phải đồng ý chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân công có tay nghề tại chỗ, các kỹ sư, kỹ thuật viên…

Châu Mỹ Latinh, đến lượt họ rất có thể tích lũy được vốn nhờ vào mối quan hệ với Trung Quốc. Đây sẽ là một trong những thách thức lớn cho tương lai các mối quan hệ giữa Nam Mỹ với Trung Quốc trong những năm sắp tới".

Thế mạnh nào của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ?

Sau kinh tế, tài chính, thương mại là quân sự, không gian. Bắc Kinh đầu tư khá nhiều trong lĩnh vực mà Washington đã bỏ lơ. Năm 2017, Argentina sở hữu một trạm quan sát không gian vệ tinh tại vùng Pentagonie do Trung Quốc phát triển. Ngoài ra, Bắc Kinh còn trang bị vũ khí cho quân đội nhiều nước như Argentina, Bolivia, Brazil, Chilê, Ecuador, Peru và cả Venezuela, hiện là khách hàng số một của Trung Quốc.

Thế nhưng, làm ăn với Trung Quốc không phải là không có rủi ro. Nguy cơ Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế cũng có thể làm nhiều nước lao đao, vốn dĩ lệ thuộc nhiều vào nguồn tài chính của Hoa Kỳ. Một lợi thế tương đối của Mỹ để chặn đà phát triển của Trung Quốc ? Nhà nghiên cứu về Nam Mỹ đưa ra một số phân tích :

"Đấy từng là một thông điệp của chính quyền Donald Trump trong vòng bốn năm qua mà ông Pompeo đặc biệt chuyển tải đến. Nói một cách ngắn gọn như sau : Nếu quý vị có giao dịch làm ăn với Trung Quốc, thì quý vị sẽ có một cái giá phải trả. Và cái giá đó chính là hạn chế giao thương với Mỹ.

Họ sẽ ngưng toàn bộ chương trình hợp tác, nhất là đối với các nước vùng Trung Mỹ, hầu như lệ thuộc rất nhiều vào nguồn hỗ trợ tài chính của Hoa Kỳ. Những nước này thậm chí sống ‘thoi thóp’ nhờ vào nguồn hỗ trợ tài chính của Mỹ. Chính quyền Washington còn dọa đóng cửa thị trường Mỹ đối với những nước Châu Mỹ Latinh nào quá gần gũi với Trung Quốc. 

Điều này làm chúng ta nghĩ đến Brazil, Argentina, những nước đặc biệt cung cấp thép cho Mỹ để sản xuất các loại máy móc nông nghiệp. Dù vậy, ngay cả khi đà tăng thế mạnh của Trung Quốc là không thể cưỡng lại, Hoa Kỳ vẫn duy trì được một lợi thế tương đối.

Có thể nói là Châu Mỹ Latinh giờ trong thế trên đe dưới búa, bởi vì họ cũng rất cần đến mối quan hệ với Mỹ, vẫn còn là một đối tác thương mại không thể thiếu cho khu vực. Thế nên, lời giải cho phương trình này là không đơn giản chút nào và sẽ ngày càng khó cho các nước trong khu vực Nam Mỹ trong những năm sắp tới".

Đấu trường đã mở màn

Trên trang mạng của viện IRIS, Christophe Ventura nhấn mạnh dịch bệnh bùng phát còn làm cho cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực thêm phần gay gắt. Washington và Bắc Kinh đua nhau cung cấp khẩu trang và các bộ xét nghiệm Covid-19. Trung Quốc dường như đang dẫn trước một bước khi hứa hẹn cung cấp vac-xin.

Hai siêu cường này còn đang chuẩn bị cho một cuộc đấu kinh tế và tài chính quy mô lớn trong triển vọng tái thiết các nền kinh tế Châu Mỹ Latinh sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng trong năm 2021. Nhìn từ lăng kính này, Washington ngay từ 12/09/2020 đã áp đặt ông Mauricio Claver-Carone làm lãnh đạo Ngân hàng Phát triển liên Châu Mỹ (BID).

Đây cũng là lần đầu tiên một người không phải gốc Châu Mỹ Latinh lãnh đạo định chế đa phương. Nổi tiếng có đường lối cứng rắn chống Trung Quốc, Mauricio Claver-Carone hy vọng có thể tăng thêm vốn cho BID khi phối hợp cùng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới để dễ bề ngăn chận chính sách đầu tư và cho vay của Trung Quốc trong khu vực.

Hoa Kỳ còn xúc tiến một kế hoạch đầu tư mới và tài trợ cơ sở hạ tầng Nam Mỹ trị giá 60 tỷ đô la. Được đặt tên", Growth in the Americas", cường quốc hàng đầu thế giới tìm cách ngăn chận các nước Nam Mỹ gia nhập vào dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, vốn dĩ đã thu hút sự tham gia của 19 nước.

Về phần mình, Bắc Kinh chăm chút các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước Châu Mỹ Latinh. Trung Quốc thông báo thiết lập một chương trình", kết hợp chiến lược toàn diện mới", với Argentina.

Dịch bệnh Covid-19 tại Châu Mỹ Latinh và cuộc huy động sức lực của Mỹ cũng như là Trung Quốc để đối đầu nhau khẳng định rằng vùng lục địa này đã trở thành một trong số mặt trận tranh giành thế bá quyền giữa hai siêu cường trên đấu trường quốc tế.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 18/02/2021

******************

Bộ Tứ Quad họp lần đầu dưới thời tổng thống Mỹ Biden

Thùy Dương, RFI, 18/02/2021

Chính quyền Mỹ hôm 17/02/2021 thông báo có các cuộc thảo luận với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong ngày hôm nay 18/02 : Bất chấp những cảnh cáo từ Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Joe Biden muốn hồi sinh liên minh chiến lược có tên Bộ Tứ "Quad".

doingoai2

Hải quân Bộ Tứ Quad (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) tham gia cuộc tập trận chung Malabar, tại phía bắc biển Ả Rập, ngày 17/11/2020.  AP

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ họp trực tuyến với đồng nhiệm của Úc, Ấn Độ và Nhật Bản bàn về hai chủ đề chính là đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho báo chí biết là các cuộc thảo luận của các ngoại trưởng trong Bộ Tứ là thiết yếu để thúc đẩy các mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và để đối phó với những thách thức của thời đại. Đây là cuộc họp đầu tiên của Bộ Tứ kể từ khi tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức cách nay gần 1 tháng.

Tổng thống Biden từng nhấn mạnh tới việc hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và coi đó là chìa khóa cho chiến lược của ông đối với Trung Quốc. Trong một cuộc điện đàm tuần trước, nguyên thủ Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã đồng ý tăng cường an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua Bộ Tứ.

Hãng tin AFP nhắc lại là Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo Nhà nước của Trung Quốc, mới đây đã cảnh báo ông Joe Biden rằng việc hồi sinh liên minh Quad sẽ là",một sai lầm chiến lược nghiêm trọng" và tổng thống Mỹ có nguy cơ",đối đầu chiến lược nghiêm trọng" với Bắc Kinh nếu tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bộ Tứ, một nhóm chiến lược không chính thức được thành lập năm 2007. Cựu thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, khuyến khích mạnh mẽ liên minh này vì Tokyo muốn tạo một đối trọng với một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và đầy tham vọng. Hồi tháng 11/2020, các nước trong Bộ Tứ đã tiến hành các cuộc thao dợt hải quân chung quy mô lớn ở Vịnh Bengal.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 18/02/2021

Published in Diễn đàn

Một báo cáo (*) ít được chú ý được Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peacecông bố ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11 được coi là đã vạch ra lộ trình chính sách đối ngoại cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

biden1

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden nói chuyện với Chủ tịch Thomas Conway của United Steelworkers khi đi trên chuyến tàu vận động tranh cử giữa Alliance, Ohio và Pittsburgh, Pennsylvania, vào ngày 30 tháng 9. © Reuters

Với tiêu đề "Để chính sách đối ngoại Hoa Kỳ phục vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu", báo cáo lập luận rằng không có phương pháp tiếp cận chính sách đối ngoại lớn nào hiện nay – cho dù là chủ nghĩa quốc tế tự do sau Chiến tranh Lạnh được các chính quyền Đảng Cộng hòa và Dân chủ kế tiếp áp dụng, chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, hay việc tập trung vào biến đổi khí hậu hoặc cắt giảm quy mô chi tiêu quốc phòng của Mỹ do các tổ chức cấp tiến đề xuất – thu hút được sự ủng hộ rộng rãi ở Mỹ.

Thay vào đó, báo cáo kêu gọi một chính sách đối ngoại khiêm tốn, "ít tham vọng hơn" nhằm tránh các cuộc chiến tranh thay đổi chế độ và đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra có lợi cho tầng lớp trung lưu ở quê nhà.

Ba đặc điểm nổi bật của báo cáo là, giống như Trump, nó thừa nhận rằng toàn cầu hóa không có lợi cho người Mỹ ; nhóm chính sách đối ngoại phải phối hợp như thế nào với nhóm chính sách trong nước và nhóm kinh tế để điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ ; và Mỹ nên nỗ lực để xây dựng một sự đồng thuận chính trị mới về một chính sách đối ngoại phù hợp hơn với tầng lớp trung lưu Mỹ.

Hai trong số các lựa chọn nhân sự của Biden cho thấy rằng báo cáo này của Carnegie sẽ có vai trò nổi bật.

Đầu tiên, lựa chọn cố vấn an ninh quốc gia của ông, Jake Sullivan (trong hình), là đồng tác giả của báo cáo và đã tư vấn cho Biden trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.

Khi Biden giới thiệu Sullivan vào ngày 24 tháng 11, ông nói rằng người được bổ nhiệm trẻ tuổi sẽ mang lại "tư duy mới" cho việc hoạch định chính sách đối ngoại.

"Jake hiểu tầm nhìn của tôi, rằng an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia và điều này giúp định hướng điều mà tôi gọi là chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu, cho những gia đình như nơi anh ấy lớn lên ở Minnesota, nơi anh ấy được nuôi dưỡng bởi cha mẹ là những giảng viên và dạy anh ấy các giá trị của làm việc chăm chỉ, lễ phép, cống hiến và tôn trọng", Biden nói.

biden2

Jake Sullivan, người được Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden chọn làm Cố vấn an ninh quốc gia, phát biểu tại Wilmington, Delaware, vào ngày 24 tháng 11.

Thứ hai, việc chọn cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, một chuyên gia chính sách đối ngoại lâu năm, làm giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa của Nhà Trắng, cho thấy bà đóng vai trò là người liên lạc giữa hai nhóm an ninh quốc gia và kinh tế.

Khi giới thiệu Rice hôm thứ Sáu tuần trước, Biden cho biết Rice sẽ hợp tác chặt chẽ với Sullivan và Brian Deese, lựa chọn của tổng thống đắc cử cho vị trí giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia.

"Họ sẽ cùng nhau điều chỉnh chính sách trong nước, chính sách kinh tế và an ninh quốc gia theo cách không giống như trước đây", Biden nói.

Rice cũng nói rằng "trong thế kỷ 21, các mục tiêu đối ngoại, kinh tế và đối nội của chúng ta đan xen sâu sắc".

Biden cũng nói về chiến lược mới khi giới thiệu lựa chọn nhân sự của mình cho vị trí Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Katherine Tai. Ông nói : "Thương mại sẽ là một trụ cột quan trọng trong khả năng xây dựng trở lại tốt hơn và việc thực hiện chính sách đối ngoại của chúng ta – mộtchính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu".

Tất cả điều này báo trước một chính sách đối ngoại có vẻ khác biệt đáng kể so với chính sách của Trump và của cựu Tổng thống Barack Obama.

Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với Nikkei Asia : "Cho đến nay, các cuộc đàm phán thương mại tập trung nhằm đảm bảo cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ, và ở mức độ thấp hơn, là nhằm giảm giá hàng hoá cho người tiêu dùng Mỹ".

Ông nói : "Không có khái niệm nâng tầng lớp trung lưu trong cấu trúc hiện tại. Đó sẽ là một tập hợp các ưu tiên khác biệt".

Nhóm dự án của Carnegie đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với các chủ doanh nghiệp nhỏ, nông dân, nhà giáo dục, quan chức chính quyền địa phương và tiểu bang, và những người khác ở Ohio, Nebraska và Colorado, để hỏi suy nghĩ của họ về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

Báo cáo cho biết trong phần tóm tắt mở đầu : "Sau ba thập niên Mỹ chiếm ưu thế trên trường thế giới, tầng lớp trung lưu của Mỹ đang ở trong tình trạng bấp bênh".

"Toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích không cân xứng cho những người có thu nhập cao nhất của quốc gia và các công ty đa quốc gia, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng trong nước. Nó không thúc đẩy mức tăng lương thực tế trên diện rộng cho công nhân Mỹ", báo cáo lưu ý.

Báo cáo không nêu rõ liệu Biden có nên tham gia lại hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không nhưng nhắc lại rằng cả người Mỹ thành thị và nông thôn đều nhấn mạnh rằng chính quyền trước đây đã không làm đủ nhiều để chính sách đối ngoại phục vụ tốt hơn lợiích của tầng lớp trung lưu.

Nhu cầu về một "sự đồng thuận chính trị mới" bắt nguồn từ quan điểm rằng các đồng minh và đối tác trên thế giới không còn tin tưởng vào các thỏa thuận mà họ ký với Washington. Nỗi lo sợ rằng bất kỳ thỏa thuận nào với chính quyền Mỹ sẽ không thể sống sót sau quá trình chuyển đổi chính trị sang giai đoạn tiếp theo đã dẫn đến việc các đồng minh "ngày càng phòng vệ nước đôi trước rủi ro, cố gắng duy trì thiện chí của Hoa Kỳ trong khi vẫn để ngỏ các lựa chọn của họ với Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ", báo cáo viết.

Edward Alden cho biết báo cáo đáng nhận được sự chú ý lớn hơn so với những gì nó nhận được trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào tháng 11.

Ông nói rằng việc báo cáo của Carnegie kêu gọi một chính sách đối ngoại "ít tham vọng hơn" mâu thuẫn với quan điểm của những người có khả năng thay thế Trump trong Đảng Cộng hòa. "Ngoại trưởng Mike Pompeo và các thượng nghị sĩ Marco Rubio, Tom Cotton và Josh Hawley đều đang châm ngòi cho một cuộc đối đầu toàn cầu mới với Trung Quốc. Họ tin rằng họ có thể xây dựng một vị thế chính trị vững chắc hơn bằng cách chống Trung Quốc", ông nói.

Báo cáo lưu ý : "Không có bằng chứng nào cho thấy tầng lớp trung lưu của Mỹ sẽ ủng hộ những nỗ lực nhằm khôi phục vị thế thống trị của Mỹ trong một thế giới đơn cực, leo thang cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc hoặc tiến hành một cuộc đấu tranh lớn giữa các nền dân chủ trên thế giới và các chính phủ độc tài".

Bên nào đánh giá chính xác tâm lý của người Mỹ – Biden và Sullivan hoặc những người có khả năng lên lãnh đạo Đảng Cộng hòa – có thể là một nhân tố quan trọng trong các cuộc bầu cử trong tương lai.

Dale Mathias, một nhà đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp công nghệ ở Mỹ và Châu Phi và trước đây là phó chủ tịch công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản Lazard Freres, nói rằng giải quyết những thách thức kinh tế mà tầng lớp trung lưu Mỹ đối mặt phải là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ chính quyền nào.

Mathias nói : "Mỹ đã không tiếp nhận lại một cách phù hợp hàng trăm nghìn đàn ông và phụ nữ đã được triển khai đến Trung Đông và bị thương, tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Những người vợ, con cái và gia đình của họ đã bị ảnh hưởng bởi những biến cố làm thay đổi cuộc đời, và Mỹ đã không giải quyết được một cách hợp lý những vấn đề này một cách trực tiếp".

Kể từ khi đắc cử, Biden đã nhiều lần nói với người Mỹ rằng "chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra sự giúp đỡ, rằng "chính sách đối ngoại vì tầng lớp trung lưu" của ông là nhằm giải quyết những vấn đề này.

Báo cáo của Carnegie cho biết : "Đơn giản là có rất ít sự ủng hộ từ công chúng dành cho cuộc cách mạng của Trump về chính sách đối ngoại Mỹ".

"Nhưng điều đó không nên được diễn giải quá mức là công chúng ủng hộ khôi phục sự đồng thuận chính sách đối ngoại đã định hướng cho các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ trước đây", báo cáo nói thêm. "Bộ chính sách đó đã khiến quá nhiều cộng đồng người Mỹ dễ bị tổn thương bởi sự dịch chuyển kinh tế và đã đi xa quá mức trong việc cố gắng tạo ra sự thay đổi xã hội rộng khắp ở các nước khác. Tầng lớp trung lưu Mỹ muốn có một con đường mới tiến về phía trước".

"Khôi phục khả năng dự đoán được và tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đòi hỏi phải xây dựng một sự ủng hộ chính trị trên diện rộng cho nó", báo cáo lưu ý. "Và con đường tốt nhất và có lẽ duy nhất hiện nay để xây dựng lại một sự ủng hộ như vậy nằm ở việc làm sao để chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phục vụ tốt hơn cho tầng lớp trung lưu".

Ken Moriyasu

Nguyên tác : "Biden’s ‘middle-class foreign policy’ departs from Obama and Trump", Nikkei Asia, 15/12/2020.

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/12/2020

Tham khảo :

(*) "Making U.S. Foreign Policy Work Better for the Middle Class", Carnegie Endowment for International Peace, 23/09/2020

Published in Diễn đàn