Đảng cộng sản Việt Nam cần phải vượt qua tính hình thức về đại diện nữ ngay trong các cơ quan đưa ra quyết định cao nhất của Đảng
Các hệ thống cộng sản có mục đích là quân bình và không phân biệt giới. Nhưng ở Việt Nam, cũng như với Trung Quốc, bất chấp những lời lẽ hoa mỹ, quốc gia này vẫn không đạt được những mục tiêu và lý tưởng đã đặt ra.
CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo trong một cuộc phỏng vấn ở văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam hôm 10/1/2017 - KHAM/Reuters
Một số nhỏ những người phụ nữ đã thành công trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam, như tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Và bà Trương Mỹ Lan đã thiết lập một ngưỡng ngoạn mục về các vụ rắc rối liên quan đến các tập đoàn. Bà Lan nhận án tử hình và một án chung thân trong hai vụ án về gian lận và rửa tiền tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam, quốc gia thường được nói là có tỷ lệ cao phụ nữ tham gia vào chính trường ở Châu Á. Dựa vào số liệu của Quốc hội, với tỷ lệ chỉ khoảng dưới 30% phụ nữ tham gia chính trường, Việt Nam hiện đứng trên các quốc gia khác ở ASEAN, trừ trường hợp của Philippines.
Nhưng ở một khía cạnh khác của chính trị, Việt Nam đang còn ở rất xa so với mục tiêu mà mình tự đặt ra.
Bình đẳng giới luôn được gắn với các lý tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Một trong những luật đầu tiên được nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 trao sự bình đẳng cho phụ nữ theo luật.
Điều 26 của Hiến pháp, sửa đổi vào năm 2013, đảm bảo bình đẳng giới và khiến Nhà nước phải có nghĩa vụ thúc đẩy các quyền của phụ nữ và ngăn cấm việc phân biệt giới tính.
Trong báo cáo quốc gia năm 2024, tổ chức Freedom House viết rằng : "Việt Nam đã đưa ra các chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy sự tham gia vào chính trị của phụ nữ, nhưng trên thực tế, những mối quan tâm của phụ nữ lại không được Chính phủ nhìn nhận đầy đủ".
Việt Nam đã tự lập ra một ngưỡng cao cho mình, với mục tiêu là có 60% các cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương có các lãnh đạo then chốt là nữ đến năm 2030. Việt Nam dường như đang đi đúng hướng để đạt tỷ lệ 35% phụ nữ đại diện trong Quốc hội đến năm 2030.
Những đại biểu quốc hội dũng cảm
Phụ nữ Việt Nam đã khá thành công trong Quốc hội kiên cường. Dù bị điều khiển bởi Đảng cộng sản Việt Nam (CPV), cơ quan này không chỉ là một cơ quan bù nhìn đơn thuần, mà còn cho thấy một mức độ độc lập đáng ngạc nhiên.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội giảm trong giai đoạn 2007 - 2016, trước khi hồi phục lại. Nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn mục tiêu đặt ra. Phụ nữ hiện chỉ chiếm 27% số đại biểu Quốc hội.
Nhưng ngoài Quốc hội, vẫn còn sự thiếu vắng của đại diện nữ ở cả cấp lãnh đạo cao cấp và ở các con đường quan trọng dẫn đến vị trí lãnh đạo cấp cao. Đây là điều quan trọng để tỷ lệ đại diện của phụ nữ cao hơn tiến tới các Đại hội Đảng 15 và 16 dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2031 và 2036.
Hiện chỉ có một nữ lãnh đạo trong hàng ngũ Bộ Chính trị 15 người là bà Bùi Thị Minh Hoài, người vừa được bầu giữa kỳ tại Hội nghị Trung ương 9 vào tháng 5 vừa qua.
Bà Trương Thị Mai, người phụ nữ duy nhất được bầu vào Bộ Chính trị 18 người ở Đại hội Đảng 13 hồi tháng 1/2021 đã bị bắt buộc phải từ chức vào tháng 5 vừa qua như một phần trong chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đang diễn ra. Bà Mai là Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Vị trí này khiến bà là nữ chính trị gia có cấp bậc cao nhất trong lịch sử của quốc gia này.
Với việc bà Mai từ chức, hiện không còn đại diện nữ nào trong Ban Bí thư 12 người. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm điều hành công việc hàng ngày của Đảng.
Bộ Chính trị khóa 12 là đỉnh điểm của sự tham gia của phụ nữ vào chính trường với ba phụ nữ nằm trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm 16%.
Tất cả những người này đều giữ vị trí lãnh đạo ở Quốc hội bao gồm : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng, và bà Mai - lúc đó là ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Tòng Thị Phóng và bà Mai đều có mặt trong Bộ Chính trị khóa 11, đều giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội.
Vì vậy, ngay cả ở trong Bộ Chính trị, con đường tiến tới quyền lực cho phụ nữ cũng thường là đi qua Quốc hội.
Những con đường đến quyền lực
Vậy các con đường khác đến quyền lực thì sao ?
Để bắt đầu, chỉ có 1/3 trong số 5,3 triệu đảng viên Đảng cộng sản là phụ nữ.
Ở khóa hiện tại, chín trong số 63 tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh có người lãnh đạo là phụ nữ bao gồm : An Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Vào giữa năm 2024, ủy viên mới của Bộ Chính trị là Bùi Thị Minh Hoài được chọn là Bí thư Hà Nội, sau khi cựu Bí thư Đinh Tiến Dũng bị bắt buộc phải từ chức với cáo buộc tham nhũng.
Thay đổi này đưa tỷ lệ những nữ lãnh đạo cấp tỉnh lên 16% trong tổng số. Điều này quan trọng vì khoảng 1/3 số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là các đại diện tỉnh.
Vào lúc bài viết này được đăng, Ban Chấp hành Trung ương chỉ có 183 thành viên và ủy viên dự khuyết. Chỉ có 16, tương đương 9% là nữ. Con số này thấp hơn so với hồi Đại hội 13 vào tháng 1/2021, khi phụ nữ chiếm 9,5% trong Ban Chấp hành Trung ương.
Hiện tại, chỉ có hai chính quyền tỉnh là Bắc Ninh và Bình Phước có phụ nữ là lãnh đạo, chiếm 3%.
Trong Chính phủ, không có ai là nữ trong số năm phó thủ tướng, và chỉ có 3 trong số 22 người cấp Bộ trưởng là nữ. Những người này bao gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Điều chỉnh sự mất cân bằng
Bộ trưởng Y tế bị nghi ngờ từ sau vụ rắc rối liên quan đến bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á làm xáo trộn bộ này và khiến người tiền nhiệm của bà phải vào tù. Cư dân mạng từ lâu đã chế giễu bộ này là một ổ tham nhũng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tương tự vậy, cũng đang bị soi xét sau thất bại của Chính phủ trong việc quản lý và giám sát Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn trong vụ rắc rối liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khiến Chính phủ phải chi 24 tỷ đô la bảo lãnh cho ngân hàng này.
Một lĩnh vực mà phụ nữ tiếp tục thành công đó là trong đội ngũ những nhà ngoại giao cấp cao của đất nước.
Tại một buổi lễ gần đây, 5 trong số 16 đại sứ được bổ nhiệm là nữ. Trong khi điều này là quan trọng cho Việt Nam trên trường quốc tế, nó lại gần như không mấy quan trọng trong chính trị Việt Nam.
Bình đẳng giới đã là mối quan tâm từ khởi đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ; ông Hồ Chí Minh cũng đã đặt điều này là ưu tiên của cách mạng. Nhưng trong những năm gần đây, Đảng cộng sản Việt Nam đã bị bỏ lại quá xa so với mục tiêu đặt ra.
Vẫn có một cơ hội để thay đổi tại Đại hội 14 Đảng cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2026. Việc lên kế hoạch bao gồm cả việc chuẩn bị thành phần cho Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 đang được thực hiện.
Trong khi Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đang mất cân đối về nhiều mặt - chủ yếu mang tính vùng miền - Đảng phải vượt lên trên tính hình thức về đại diện nữ ngay trong các cơ quan đưa ra quyết định cao nhất của mình.
Zachary Abuza
Nguyên tác : Scarce room at the top of Vietnamese politics for women, RFA, 27/10/2024
Nguồn : RFA, 01/11/2024
Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
Sau khi Bộ chính trị Việt Nam bầu bổ sung bốn thành viên hôm 17/5/2014, ông Tô Lâm, người đã rời vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, hôm thứ Tư (22/5/2024), được Quốc hội Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Quốc Tỏ nắm quyền điều hành Bộ công an (chưa chính thức được bầu thay thế đại tướng Tô Lâm để trở thành Bộ trưởng bộ này). Nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng sắp tới, chính trường Việt Nam còn nhiều biến động gây cấn thú vị nữa.
Đại tướng Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước hôm 22/5/2024 - Nhac Nguyen/AFP
Trao đổi với RFA, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ : (Đại học Houston at Downtown) cho rằng nếu so sánh cuộc đua lên vị trí thượng đỉnh của chính trị Việt Nam hiện nay như một "giải đấu" thì "giải đấu" đã qua "vòng bán kết", đi dần vào "trận chung kết". Theo ông, có bốn vấn đề cần quan sát ở trận chung kết này : ai sẽ là Bộ trưởng công an, các thành viên của Bộ chính trị, quan hệ với Mỹ - Trung Quốc, và cuối cùng là ảnh hưởng của "giải đấu" này tới nền kinh tế. Nguyễn Văn Chữ : dự đoán giải đấu sẽ kết thúc trong vòng một năm tới, và từ đây đến đó, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Dưới đây là cuộc phỏng vấn mà Nguyễn Văn Chữ : dành cho RFA.
RFA : Nếu so sánh cuộc đua lên thượng đỉnh chính trị Việt Nam như một "giải đấu" giữa các "cao thủ" thì theo ông, sau khi ông Tô Lâm lên chủ tịch nước, "giải đấu" này đã qua "trận bán kết" chưa ?
Nguyễn Văn Chữ : Chung kết.
RFA : Tại sao ông nhìn nhận là đã vô "chung kết" ? Với tình thế của Bộ chính trị hiện nay thì "trận chung kết" sẽ như thế nào ?
Nguyễn Văn Chữ : Vấn đề chung kết thì mình chưa đoán bây giờ được vì có bốn vấn đề cần quan sát xoay quanh trận chung kết này.
Vấn đề thứ nhất là ai sẽ là bộ trưởng Bộ công an.
Nếu bộ trưởng Công an là "đàn em" của ông Tô Lâm thì sao ? Mình biết là không có người cộng sản nào có thể trung thành với chủ. Vì cái cấu trúc thể chế khiến người ta phải như vậy. Ít nhất trong một khoảng thời gian nào đó thì người đàn em vẫn phải trung thành với đàn anh nhưng điều đó không thể kéo dài lâu. Như hai ông Phạm Minh Chính và Tô Lâm thì ban đầu đều là "đàn em" của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng rồi cũng phải trở cờ.
Dù người kế nhiệm Bộ công an là đàn em ông Tô Lâm thì đến một lúc nào đó cũng phải như vậy thôi, nếu tình thế bắt phải như vậy. Bây giờ thì mình không biết, nhưng nếu mà ông Tô Lâm nắm được Bộ công an và giữ chức vụ chủ tịch nước, ông sẽ dùng chính lời của ông Trọng về "trách nhiệm của người đứng đầu" để đẩy ông Trọng ra đi, trước cuối năm nay. Lý do là ông Tô Lâm không muốn "đêm dài lắm mộng". Nếu ông Trọng còn ở đó thì ông Trọng sẽ không muốn giới thiệu ông Tô Lâm kế nhiệm ông ta.
Ngoài ra, ông Tô Lâm đã không thành công khi đề cử hai người của mình vào Bộ chính trị. Bộ chính trị bây giờ không ít người không ưa Tô Lâm vì ông đã hạ bao nhiêu người rồi.
Thành ra, nếu ông Tô Lâm còn kiểm soát được Bộ công an thì tiến độ của trận chung kết sẽ được đẩy mạnh và ông sẽ đẩy Nguyễn Phú Trọng ra, sẽ lên trước 2016, tức Đại hội 14. Còn nếu ngược lại thì ông Tô Lâm cũng sẽ bị gạt ra. Cái khổ của ông Tô Lâm là nếu không lên nữa thì ông không thể "sống sót" vì ông đã có quá nhiều kẻ thù. Chỉ riêng cái công ty Xuân Cầu của em ông Tô Lâm cũng đủ để những người khác đẩy ông ấy xuống rồi.
Thứ hai là trong kỳ bầu cử bổ sung Bộ chính trị vừa rồi, lấy thêm bốn người (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Chiến, Bùi Thị Minh Hoài) thì hai người là của ông Trọng, hai người thì trung dung. Người bên quân đội được kéo vào thêm để cân bằng người của bên công an. Thành ra nếu đưa ra biểu quyết thì ông Tô Lâm có thể bị thua. Cho nên một trong hai "con hổ" này sẽ phải ra đi.
RFA : Còn ông Phạm Minh Chính nữa chứ. Chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính đủ điều kiện kế nhiệm vị trí tổng bí thư, theo điều lệ hiện nay.
Nguyễn Văn Chữ : Nếu ông Tô Lâm ra đi thì ông Phạm Minh Chính thừa hưởng hết. Ông Phạm Minh Chính là người rất là tâm cơ. Ông rất giỏi cái chuyện này. Ông Vương Đình Huệ hay "làm thinh", nhưng rốt cục vẫn bị kẹt, nhưng ông Chính thì khác. Khi mọi người đang "đấm nhau" thì dường như ông Phạm Minh Chính đứng yên. Nếu phải lo thì ông Tô Lâm phải lo chứ không phải ông Chính. Nếu bây giờ ông Tô Lâm ra đi thì ông Chính lợi nhất. Chính ông Phạm Minh Chính là người ký quyết định cho ông Trần Quốc Tỏ nắm quyền điều hành Bộ công an.
RFA : Vấn đề thứ nhất là ai sẽ là bộ trưởng công an. Vấn đề thứ hai là Bộ chính trị sau cuộc bầu cử bổ sung hôm 17/5/2024. Vậy vấn đề thứ ba cần quan sát là gì ?
Nguyễn Văn Chữ : Vấn đề thứ ba là Trung Quốc và Mỹ. Họ có muốn can thiệp không ? Theo tôi, Trung Quốc không quan tâm vì ở Việt Nam, ông nào thắng thì cũng không bỏ họ được.
Còn vấn đề nữa là Mỹ. Tôi không biết Mỹ có can dự không. Mỹ đã chơi Trung Quốc một hai đòn rồi. Cách đây mấy năm, anh sếp tình báo của Mỹ đi thăm Trung Quốc, rồi sau ổng trở về thì Mỹ bất ngờ công bố hết vị trí của lực lượng tên lửa và nguyên tử của Trung Quốc. Sau đó thì Tập Cận Bình thanh trừng hết lãnh đạo tình báo và tên lửa của Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau khi Tập Cận Bình làm vậy thì Mỹ tuyên bố là các chân rết tình báo của Mỹ tại Trung Quốc đã bị thiệt hại rất nhiều.
Rồi cách đây hơn một năm, ông Burns (RFA chú thích : William Burns, Giám đốc CIA) đi thăm Trung Quốc, rồi trở về ổng cũng tuyên bố là Mỹ đã tái lập được mạng lưới tình báo của mình tại Trung Quốc như trước. Sau khi ông Burns tuyên bố như vậy thì Trung Quốc cũng trảm không biết bao nhiêu tướng. Kể cả "anh chàng" ngoại trưởng vốn thân cận với Tập cũng mất chức. Thành ra tôi không biết là Mỹ có dự tính gì không. Nhớ là khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ thì ông Tô Lâm cũng qua trước mấy tháng để lo về an ninh cho ông Trọng.
RFA : Trung Quốc là đối thủ chính thì Mỹ phải quan tâm. Bàn cờ Mỹ đang chơi rất lớn, trải dài từ Châu Âu qua Trung Đông đến Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam có quan trọng đến mức để họ quan tâm như vậy không ?
Nguyễn Văn Chữ : Đúng vậy. Mặt khác, ở Việt Nam ai thắng thì cũng không bỏ Mỹ được.
Còn một chuyện nữa mà Mỹ thua Trung Quốc là ở chỗ này. Mỹ có chính sách ngoại giao mà người ta gọi là "ngoại giao trực thăng vận" (helicopter diplomacy policy), có nghĩa là ngoại giao theo cách trao đổi quyền lợi qua từng giai đoạn.
Khi Mỹ cần cái gì, ở đâu, thì họ sẽ đến, giống như đánh trận thì cần đánh chỗ nào sẽ cho trực thăng đổ quân tới, đánh xong thì rút về. Ngoại giao trực thăng vận nghĩa là Mỹ cần chỗ nào thì đến đó, ve vuốt, thúc đẩy quan hệ, nhưng khi xong việc rồi thì lại rút về, đi chỗ khác, chứ không có chiến lược trường kỳ, không nhất quán như Trung Quốc.
Khác với Mỹ, Trung Quốc đeo bám Việt Nam trong dài hạn. Họ luôn phải cài người vào đó, họ rỉ tai, họ thắt chặt rất lâu. Hồ Chí Minh nói "vì lợi ích trăm năm trồng người" thì đó chính là điều học từ Trung Quốc. Còn Mỹ thì cần gì thì mua, trao đổi, trong một giai đoạn nhất định, xong rồi thì thôi.
Cách ngoại giao của Mỹ do đó không phù hợp với Á Châu. Ở Á Châu, muốn làm gì thì phải gặp người đó, xây dựng quan hệ trước, rồi mới nói chuyện cộng tác. Còn Mỹ thì mua. Họ mua 5 đồng không được thì trả 10 đồng. Đó là cách ngoại giao "helicopter" (trực thăng vận) kiểu Mỹ, cần gì thì mua cái đó, mua xong rồi thôi. Cái đó không phù hợp với Á Châu. Mỹ bị thua nhiều lần ở nhiều địa bàn khác nhau là vì vậy.
RFA : Vậy vấn đề thứ tư của "trận chung kết" mà các nhà quan sát nên chú ý là gì ?
Nguyễn Văn Chữ : Vấn đề thứ tư là kinh tế. Trận chung kết này sẽ kéo dài trong khoảng dưới một năm và nó sẽ ảnh hưởng rất tệ hại đến nền kinh tế.
Khi tôi dẫn các giáo sư và sinh viên Mỹ đi khảo cứu ở Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, chúng tôi đều gặp các công ty đa quốc gia lớn đang đầu tư ở Việt Nam. Đó là các công ty về công nghệ cao của Hàn Quốc, Châu Âu, có cả các công ty về may mặc. Chúng tôi đều đặt câu hỏi : "Tại sao Việt Nam ?" Tại sao họ chọn Việt Nam để đầu tư. Câu trả lời nhất quán của họ là lý do quan trọng nhất chính là sự ổn định chính trị. Việt Nam có lợi thế so với các nước đang phát triển khác là chính trị thượng tầng rất ổn định. Thứ hai là Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, có nhiều cơ hội. Thứ ba là nhân công Việt Nam giỏi.
Bây giờ cuộc đua trong trận chung kết sẽ kéo dài trong một năm tới. Khi nó xảy ra trong năm tới thì nhóm nào thắng thì Việt Nam vẫn vậy. Phía ông Tô Lâm thắng thì Việt Nam sẽ thành một nhà nước công an trị giống như Nga. Còn nhóm ông Phạm Minh Chính lên thì chúng ta còn nhớ "Chỉ thị 24" xiết chặt xã hội.
Bill Hayton nói cuộc đấu chính trị này sẽ khiến Việt Nam xa dần phương Tây, lại gần Trung Quốc, dù nó không liên quan đến đối ngoại. Ông ấy quên một điều là chính sách đối ngoại luôn có hai chiều. Anh muốn chơi với họ, nhưng họ có muốn chơi với anh không. "Chỉ thị 24" xiết chặt xã hội được đưa ra như vậy thì họ còn muốn chơi với anh nữa hay không.
Và nên nhớ là hiện nay có nhiều nước Đông Nam Á khác đã khởi sắc. Trong vòng năm năm, mười năm nữa họ còn khởi sắc hơn nữa, như Malaysia, Indonesia.
Trung tâm Nghiên cứu Stratfor ở Austin, Texas, công bố một nghiên cứu, trong đó nêu rõ sẽ có 16 quốc gia sẽ khởi sắc, hưởng lợi từ cuộc xung đột Mỹ Trung. Những quốc gia này sẽ đóng vai trò tập thể, tạo thành chuỗi cung ứng thay thế cho Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ đồng lương đã quá cao, Tập Cận Bình lại tăng cường kiểm soát. Những quốc gia này do đó sẽ đóng vai trò là trung tâm sản xuất những sản phẩm rẻ tiền như Trung Quốc đã làm.
Trong cuộc cạnh tranh Mỹ Trung đó, Việt Nam hiện nay vẫn còn đóng vai trò một phần nào trong chuỗi cung ứng của thế giới. Nhưng mỗi năm đi qua thì vai trò của Việt Nam lại càng giảm dần.
Chuyện tham gia vào ngành bán dẫn của Việt Nam hiện nay thì thực ra Việt Nam đã nói từ 15 năm trước, nhưng chỉ nói mà không làm. Bây giờ thì quá trễ. Vẫn chỉ nói mà không làm thì thử hỏi năm mười năm nữa có gì khác không. Mặt khác, Việt Nam có chính sách kinh tế kiểu "dự án", tức là chiến lược luôn bị xé nhỏ thành các dự án riêng lẻ để rút ruột, thành ra chính sách không nhất quán. Chúng ta thử xét xem liệu năm mười năm tới có gì khác được không ? Nói chung, vị thế của Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều "phiền phức". Vì vậy, mặc dù chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn không thay đổi nhưng phương Tây sẽ không còn chơi với Việt Nam nhiều như bây giờ.
RFA : Các vấn đề đối nội, như xung đột nội bộ và nhân quyền, có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại trên thực tế không ?
Nguyễn Văn Chữ : Hai cuốn sách mới nhất của tôi có khảo sát những hiệp ước thương mại quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Các hiệp thương này rất toàn diện, không chỉ nói về thương mại mà đòi hỏi cả các vấn đề về nhân quyền, tự do báo chí, nghiệp đoàn. Liên Hiệp Châu Âu có cả một cơ quan để theo dõi việc triển khai các vấn đề này trong hiệp ước thương mại. Việt Nam cam kết là sẽ giải quyết Công ước 87 cho lập được công đoàn độc lập, và hứa hoàn tất năm 2023. Nhưng rồi Việt Nam có làm không ? Cho lập nghiệp đoàn độc lập nhưng chỉ cho ở cấp cơ sở mà không có cấp cao hơn thì cái nghiệp đoàn độc lập đó chỉ là "quái thai". Tôi nghĩ rồi thì Liên Hiệp Châu Âu sẽ không đồng ý chuyện này đâu.
Đó là vấn đề thứ tư trong cuộc trận chung kết. Trận chung kết này sẽ kéo dài. Và nó càng kéo dài thì càng gây ra nhiều phiền phức. Và dù bên nào thắng đi nữa thì vấn đề tham nhũng vẫn tiếp tục. Bên nào thắng thì Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền rất nhiều, từ đó nó ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế.
RFA : Như vậy trận chung kết này sẽ kéo dài và gây hệ lụy về kinh tế và quan hệ đối ngoại ?
Nguyễn Văn Chữ : Nó sẽ kết thúc trong vòng một năm. Tôi có viết một bài về "chu kỳ kinh doanh" (business circle) trong mối quan hệ với chính trị. Ở Mỹ, hoạt động kinh doanh cũng có chu kỳ liên quan đến các cuộc đua chính trị. Hai năm đầu nhiệm kỳ tổng thống thì giới kinh doanh yên tâm đầu tư, hai năm cuối nhiệm kỳ thì họ giới hạn đầu tư để nghe ngóng chính sách của các ứng viên tổng thống, phán đoán về bên thắng cuộc. Việt Nam bây giờ cũng bắt đầu có hiện tượng "chu kỳ kinh doanh". Giới kinh doanh phải quan sát các biến động trên thượng tầng để quyết định đầu tư.
Trong nghiên cứu, để đo lường ảnh hưởng của chính trị lên kinh tế thì đôi khi phải chờ năm năm hoặc 10 năm. Ví dụ đo lường ảnh hưởng của một chính sách lên tỷ lệ thất nghiệp thì phải đo liên tục trong khoảng mười năm mới thấy được chính xác. Nhưng nếu nhìn vào thị trường chứng khoán thì có thể thấy ngay chứ không cần chờ đợi. Vì phản ứng của thị trường chứng khoán là phản ứng trực tiếp và nhanh chóng trước các biến động chính trị.
RFA : Vậy thị trường chứng khoán ở Việt Nam gần đây có biến động gì không ?
Nguyễn Văn Chữ : Nó xuống rất mạnh. Và các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán hơn hai tỷ đô la để rút khỏi thị trường Việt Nam. Đó là điều tôi muốn nói. Ảnh hưởng của chính trị tới kinh tế rất nặng. Thị trường chứng khoán là cái cửa sổ để nhìn vào tương lai.
RFA : RFA xin cảm ơn Nguyễn Văn Chữ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 24/05/2024
Nhân sự, đường lối, thách thức sau khi ông Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước
Các khách mời là luật sư, chính trị gia, nhà phân tích, quan sát thời sự từ Việt Nam và hải ngoại phân tích tình hình chính trị Việt Nam, những vấn đề, thách thức mà ban lãnh đạo cấp cao của chính quyền và Đảng cộng sản Việt Nam đang đối diện hoặc còn phải đương đầu dù mới có thêm tân Chủ tịch nước.
Nguồn : VOA, 23/05/2024
Chỉ trong vòng một tháng, chính trường Việt Nam đã diễn ra hai hiện tượng hoàn toàn phản ngược.
Ông Trọng và ông Tập ở Hà Nội.
Phản ngược
Vào những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, trên các mặt báo nhà nước Việt Nam tràn ngập hình ảnh Trần Đại Quang - Chủ tịch nước - trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương với các nguyên thủ quốc gia, kể cả bộ ba quyền lực mạnh nhất trên thế giới là Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong lúc đó, người ta lại không hề thấy bóng dáng tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc hội đàm cao cấp APEC. Chỉ sau khi Trump lên máy bay và Tập Cận Bình đến Hà Nội, người ta mới nhìn thấy ông Trọng "tay bắt mặt mừng" với họ Tập tại Phủ chủ tịch chứ không phải ở Văn phòng trung ương đảng.
Một tháng trước đó, tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, đã gần như chỉ độc tôn hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt báo nhà nước, trong khi hình ảnh của ông Trần Đại Quang hầu như "biến mất" - như thể tình trạng bị xem là "mất tích" của ông Quang vào tháng Tám năm 2017 sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc còn được gọi cách khác là "Trịnh Xuân Thanh đầu thú" theo lối đặt câu của công an Việt Nam và rút tít của báo đảng.
"Trọng tiếp - Quang đón, hội đàm - Phúc hội kiến Trăm"
Lẽ đương nhiên, có thể lý giải sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đón tiếp và hội đàm với nguyên thủ quốc gia các nước tại APEC Đà Nẵng là bởi ông không phải… nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số đại biểu trao đổi ý kiến bên lề phiên khai mạc Hội nghị
Nhưng không ít người vẫn nhớ sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama đặc cách tiếp như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015 như thế nào, lẫn việc ông Trọng đã như một nguyên thủ quốc gia tiếp đón ông Obama tại Hà Nội vào tháng Năm năm 2016 ra sao.
Những sự kiện trên, cùng với nhiều sự kiện tiếp đón và công du quốc tế khác trong vài năm gần đây, đặc biệt từ sau đại hội 12 khi "Nguyễn Tấn Dũng nghỉ", đã cho thấy vai trò của tổng bí thư đảng như một "nguyên thủ quốc gia không chính thức".
Nhưng khoảng ba tuần trước khi diễn ra APEC, Washington đã phát thông cáo báo chí : "Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam".
Sau đó, Nhà Trắng phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ "chào xã giao" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa Trump với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là "bổ sung", hoặc "phụ".
Vài ngày sau khi APEC kết thúc, Nhân Dân - "cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam" - đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".
Bản tin trên mở đầu bằng "Sáng 12/11, tại Trụ sở trung ương Ðảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm". Sau đó mới đến "Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm", mà không nêu rõ "kẻ trước, người sau".
Tuy nhiên như nhiều tờ báo tường thuật trực tiếp, cuộc gặp Quang - "Trăm" đã diễn ra đầu tiên, để sau đó mới là cuộc gặp Trọng - "Trăm".
Cũng tờ Nhân Dân đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít lục đục kèn cựa hơn : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm ; Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Nhân Dân được xem là "báo ruột" của Tổng bí thư Trọng.
Trước đây, Nhân Dân được phụ trách trực tiếp ; bởi Đinh Thế Huynh. Sau đó ông Huynh được nhấc lên vị trí Thường trực Ban bí thư, để từ đầu năm 2017 đến nay nhân vật này đã "biến mất" trên chính trường Việt Nam, cũng xem như không còn cơ hội để trở thành tổng bí thư nếu một ngày nào đó ông Nguyễn Phú Trọng "nghỉ".
Ông Trọng bị "trục trặc kỹ thuật" ?
Dường như đã có một "trục trặc kỹ thuật" nào đó xảy đến với ông Nguyễn Phú Trọng tại APEC Đà Nẵng, hay chính xác hơn là có thể bắt đầu từ những ngày ngay trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra vào đầu tháng 10/2017.
Tại hội nghị trên, ông Trọng đã không thể kỷ luật theo cách đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.
Sau Hội nghị trung ương 6 và dù hình ảnh của mình được thượng tôn trong hội nghị này, ông Trọng lại có vẻ "xìu" trong những phát ngôn chống tham nhũng. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay sau hội nghị trung ương 6, khẩu khí của ông Trọng bỗng dưng "hiền" hẳn, chứ không còn "lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" như trước đó không lâu.
Từ đó đến nay, mật độ "củi - lửa - lò" của Nguyễn Phú Trọng đã vơi đi một cách đáng kể. Mà không hiểu vì sao…
Trong khi đó, nhiều hình ảnh xuất hiện dày đặc của Trần Đại Quang tại APEC Đà Nẵng có vẻ cho thấy đà "phục hồi sức khỏe" đáng kể của nhân vật này.
Từ sau khi có dấu hiệu "khỏe lại" vào đầu tháng Chín, ông Quang đã có vài cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng và kể cả "dự và chỉ đạo Quân ủy trung ương" - một cơ quan mà Tổng bí thư Trọng là Chủ tịch quân ủy và rất thường đóng vai trò chỉ đạo cho cơ quan này.
Lần gần đây nhất, vào cuối tháng Tám năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã chủ trì một hội nghị Quân ủy trung ương "với sự tham gia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang".
Sau đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, Quân ủy trung ương được cơ cấu lại theo chỉ định của Bộ Chính trị, với Bí thư quân ủy trung ương vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó bí thư là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Còn ông Trần Đại Quang chỉ là ủy viên thường vụ của Quân ủy trung ương, được hiểu như "cấp dưới" của ông Ngô Xuân Lịch.
Lẽ ra để có thể chỉ đạo Quân ủy trung ương, ông Trần Đại Quang cần có chức vụ Phó bí thư thường trực của cơ quan quân ủy này.
Như vậy, sau thời gian "bị bệnh nặng" và thậm chí còn bị blogger Huy Đức đòi "bàn giao chức vụ chủ tịch nước", đến nay ông Trần Đại Quang đã có tới 3 cuộc tiếp xúc với quân đội.
Đặc biệt vào ngày 17/10/2017, khi lần đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch nước, cựu đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc "đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội".
"Sẽ có kịch hay"
Có vẻ Quân ủy trung ương không còn do ông Trọng "độc quyền" nữa.
Cũng có vẻ một lần nữa trong nhiều lần thăng trầm, chính trường Việt Nam tạm trở về thế giằng co, với tương quan lực lượng đang có chiều hướng tiến tới quân bình.
Nhưng một số nhà quan sát dự báo rằng sau APEC Đà Nẵng, bầu không khí chính trường sẽ nóng lên, quyết liệt hơn trên cung đường "hướng tới Hội nghị trung ương 7" - có thể diễn ra vào đầu năm 2018, và đặc biệt là đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng - một sự kiện có thể diễn ra vào giữa năm 2018 và có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng giả tạo để quyết định "ai ở, ai về".
Sau APEC Đà Nẵng, một nữ viên chức chính trị nước ngoài mỉm cười và nói với tôi rằng bà trông đợi "sẽ có kịch hay".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 20/11/2017
Cái tết Nguyên đán lê thê mệt đứ đừ cuối cùng cũng đã "hoàn thành nhiệm vụ". Những màn hiếu hỉ quan chức ở đủ mọi cấp trước Tết và trong Tết rốt cuộc cũng "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Ai sẽ trở thành tổng bí thư, nếu ông Nguyễn Phú Trọng ‘giữ đúng cam kết ngồi 2 năm’ ?
Bây giờ thì còn lại cái gì ?
Ai sẽ xử lý ít nhất 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mà nhiều năm qua đã hầu như không bán được nợ cho ai ?
Ai sẽ xử lý số nợ công quốc gia lên đến 210 phần trăm GDP mà mỗi năm ngân sách phải xuất ra hàng chục tỷ USD để trả nợ quốc tế ?
Ai sẽ bảo đảm cho ngân sách hai năm 2017 và 2018 không đến nỗi kiệt quệ để không còn tiền trả lương cho một đội ngũ công chức có đến 30% "không làm gì cả" ?
Ai sẽ chống đỡ cho vị thế chính trị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để ngân sách Việt Nam khỏi rơi vào cảnh "sụp đổ tài khóa quốc gia" như ông cảnh báo vào đầu năm 2017 ?
Ai sẽ trở thành tổng bí thư, nếu ông Nguyễn Phú Trọng "giữ đúng cam kết ngồi 2 năm" ?
Ai hoặc những ai mang khuynh hướng "muốn thay đổi" để ít nhất tiến hành cải cách thể chế một cách thực chất chứ không phải chỉ nhằm mị dân, trong một đường hầm hun hút chưa lóe ra tia sáng nào ?
Hoặc ai sẽ xuất hiện như một "minh quân" để cứu vãn dân tộc khỏi sụp đổ kinh tế và rơi vào móng vuốt Trung Quốc ?
Quá nhiều câu hỏi đang bám chặt lấy cơ thể tàn tạ của đất nước và những gì còn lại của chân đứng chế độ.
Nhưng tuyệt nhiên chưa có câu trả lời.
Chẳng lẽ ngồi trơ mắt nhìn nhau ?
Trong lúc đó, "kênh Mỹ" lại biến động đến đáng kinh ngạc. Những người hài hước nhất mô tả rằng giới lãnh đạo Việt Nam từ cao xuống thấp đều "ngơ ngác" vì đã mất "mối" Hillary, người mà họ còn có thể phần nào đoán được và phần nào tái diễn chính sách đu dây cũ. Còn với Trump thì mọi việc gần như phải làm lại từ đầu…
Làm lại từ đầu… trong bối cảnh quá nhiều câu hỏi vẫn nguyên trạng khủng hoảng trong tâm não chính khách. Tìm ra lối thoát tập thể nhưng tối hậu là lối thoát cá nhân vào lúc này xem ra đau đầu tương đương với chuyện xử lý nợ xấu và nợ công.
Trong khi đó, Tổng Bí thư Trọng vẫn tiếp tục kiên định "định hướng xã hội chủ nghĩa", dù từ năm 2015 một quan chức chính phủ là ông Bùi Quang Vinh đã nói toạc ra rằng "có thứ đó đâu mà tìm". Ông Trọng vẫn hô hào "chống tự diễn biến, tự chuyển hóa", bất chấp cho tới giờ ông ta còn chưa thấy tăm hơi "tử thù" Trịnh Xuân Thanh ở đâu, còn những kẻ khác như Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng của Tập đoàn Dầu khí PViệt Nam lại đã theo chân Thanh biệt xứ.
Rõ ràng mọi thứ đã bế tắc, hoàn toàn bế tắc. Bế tắc toàn diện.
Chẳng lẽ không thể tìm được nút tháo ?
Ăn tết xong rồi thì làm gì ?
Làm gì để có tiền trả lương, trả nợ và để "đầu tư phát triển" ?
Làm gì để duy trì được quyền lực chính trị, lợi ích nhóm ? Kể cả một tương lai được bảo đảm sẽ không bị "hồi tố" trong hoàn cảnh chẳng ai thật sự an toàn ?
Làm gì để một bộ phận dân chúng khốn quẫn nhất khỏi vùng lên nổi loạn ?
Nếu không có một tia lửa phát ra, mọi chuyện sẽ vẫn như cũ trong năm 2017, để đến cuối năm nay vẫn tiếp tục bài ca bế tắc. Khi đó, chắc chắn sẽ còn những quan chức khác dám nói công khai đến chuyện "sụp đổ", sau lời cảnh báo của Thủ tướng Phúc.
Vài ba khuôn mặt mới nổi hoặc có vẻ mới nổi, chẳng hạn như "chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gương mặt thâm trầm nhưng khó mà yên tĩnh nổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vẻ từ tốn đều đều như đang cân nhắc tình thế của Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Chưa kể "nhóm quân đội" và những nhân sự chính ở thủ đô lẫn "thành đô"…
Nhưng nói gì thì nói, cái tết Nguyên đán vừa trôi qua đã chưa thể tạo ra được "tia lửa" nào.
Nói gì thì nói, vẫn chưa có gì được coi là "Làm gì ?" như một trước tác của Vladimir Ilich Lenin đã dạy họ.
Hay mọi chuyện phải chờ đến sau Tết - Hội nghị trung ương 5 và cả Hội nghị trung ương 6 ?
Sau những màn hiếu hỉ bất tận và cực kỳ đãi bôi ? Sau những nụ cười giễu cợt mà có thể ngầm hiểu như động tác sẵn lòng "rút súng sau lưng" ?
Nhưng hình như không ai biết được khi nào sẽ là quá muộn để hành động.
Hình như tất cả đều chờ nhau. Còn lớp dân đen lại ngóng cổ chờ "ơn mưa móc" hoặc những cú giáng từ trên trời xuống kiểu "cá chết Formosa".
Việt Nam năm thứ 72 của triều đại cộng sản tính từ 1945, kém thua đúng một năm của chiều dài 73 năm đảng cộng sản Liên Xô tính từ 1917. Ai muốn tồn tại, kẻ đó phải dựa vào dân, phải mở dân chủ, và phải quên đi thời hoàng kim chỉ hùng hục một đảng.
Hãy coi chừng : bài học lịch sử lớn nhất là chẳng có kẻ nào rút ra được gì từ lịch sử. Muôn đời vẫn thế.
Chẳng cần nói cũng biết, bất cứ ai muốn "kiến tạo" và "hành động" đều cần phải phát ra ít nhất vài ba tín hiệu nào đấy, dù chỉ là tín hiệu gián tiếp.
Những tín hiệu ấy, dù có thể chưa đến mức can đảm lộ diện công khai, tối thiểu cũng phải được phát lộ một cách âm thầm, nhưng lại không thể kín lặng đến mức chẳng ai hiểu được đó là cái gì.
Cũng không còn cái thời chỉ rặt một thứ dân chủ giả hiệu. Bây giờ, vào buổi hoàng hôn chân tường, giả hiệu phải biến thành thực chất.
Chẳng hạn, có xét lại Luật về Hội với những nội dung phải cởi mở hơn hẳn so với chế độ siết bức trong bản dự thảo gần nhất vào cuối năm 2016 ?
Hay rộng hơn nữa, thỏa mãn phần nào quyền tự do biểu tình, tự do báo chí của người dân như những gì mà Hiến pháp từ tận năm 1992 đã hứa nhưng trắng trợn nuốt lời ?
Và chẳng hạn, có đưa đảng cộng sản trở về tên cũ - đảng Lao Động ?
Hay những kịch bản khác cho một thể chế hỗn hợp ?
Để liệu sẽ có một làn sóng cựu quan chức cao cấp "tái xuất giang hồ" trong những vai trò mới nào đó ?...
Một phương trình quá nhiều ẩn số.
Nhưng tệ hại nhất là thói quen lâu năm cung cúc trong thế nín thở qua sông và kiểm điểm đảng viên đã khiến chữ DŨNG của những kẻ muốn làm việc lớn đã mất sạch từ bao giờ.
Mơ mộng thì nhiều nhưng có lẽ chẳng ai dám trở thành "ngọn cờ" mà có thể sẽ bị gió quật gãy.
Thôi thì đành thế.
Tất cả cùng chết.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA tiếng Việt, 17/02/2017