Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 19 juin 2024 18:19

Chính trị là tốt đẹp

Ai cũng biết cụ Ngô Đình Diệm xưa đã được chia một phần hai đất nước, có đất đai trù phú màu mỡ khí hậu tốt hơn, có hàng chục triệu quân dân. Rồi sau đó Việt Nam Cộng Hòa có phe tư bản, đứng đầu là Mỹ giúp hàng chục tỷ đôla, nhiều triệu tấn vũ khí hiện đại, có quân đội huấn luyện bài bản hơn... vậy mà không chống nổi quân của ông Hồ. Đảng cộng sản đã chiến thắng sau khi đưa quân vào ‘giải phóng’ miền Nam và sau đó áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn cõi Việt nam.

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong 21 năm tồn tại, dù đã rất cố gắng mà vẫn không thể bảo vệ miền Nam. Sau năm 1975 đã có nhiều nhóm chống đối chính quyền nổi dậy bằng vũ trang nhưng tất cả đều thất bại. Điều đó là đương nhiên. Các nhóm vài chục, vài trăm, vài ngàn người muốn ‘khởi nghĩa’ lật đổ cả một nhà nước cộng sản 100 triệu dân từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, có hàng chục sư đoàn quân khu, có gần 7 triệu công an an ninh các loại và đang cầm thuế, cầm tài nguyên, cầm quyền... thì lật sao nổi. Các chế độ cộng sản là bạo lực và tàn khốc nhất rồi, làm gì có lực lượng nào bạo lực và tàn khốc hơn nhà nước cộng sản... mà đòi lật đổ họ. Các nhóm khủng bố nổi tiếng trên thế giới có dám bén mảng đến các nhà nước cộng sản đâu. Nhà nước cộng sản là ‘ông cố nội’ của khủng bố đấy.

chinhtri1

Thế giới văn minh đã nói không với chủ nghĩa cộng sản, cực đoan, dân túy và khủng bố. Mọi hành vi bạo loạn và bạo lực đều bị lên án và phản đối.

Hơn nữa trong thời đại ngày nay, nhân loại đã xem ‘hòa bình’ thành một giá trị tiến bộ quan trọng nhất trong bang giao quốc tế. Thế giới không ủng hộ việc khởi nghĩa thoán đoạt quyền lực nữa. Nhân loại cổ súy việc thay đổi chế độ trong ôn hòa tổng tuyển cử, thuận theo lá phiếu của toàn dân bầu chọn. Các bà mẹ Việt Nam, nhân dân Việt Nam trải qua nhiều năm nội chiến tang thương quá nhiều nên đã chán việc khởi nghĩa đánh đấm thoán đoạt. Chóp bu đảng cộng sản từng nói "không ai, không thế lực nào lật đổ đảng ta cả, mà ta tự đánh ta rồi sụp đổ". Chóp bu đảng cộng sản đã nói đúng, tự họ đang đánh phá họ chứ không có thế lực thù địch nào làm được việc đó. Đảng cộng sản hiện nay là hiện thân cho cái cũ phải qua đi, đó là qui luật tất yếu của lịch sử.

Tại sao đảng cộng sản biết rõ một cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ và minh bạch để toàn dân lựa chọn bầu cử thì đảng cộng sản sẽ bốc hơi ? Đó là vì học thuyết Mác-Lê-Mao đã bị nhìn nhận như là tội ác chống lại nhân loại. Học thuyết đó không còn phù hợp với bất kỳ quốc gia nào nữa. Đảng cộng sản biết rõ dân chủ là tiến bộ nhân văn hợp thời, là xu thế tất yếu của thời đại. Nay đảng cộng sản chỉ cố tham lam, cố ôm độc tài độc quyền được ngày nào hay ngày đó, họ không muốn để hình thành các tổ chức đối lập dân chủ là vì thế. Đảng cộng sản biết rõ áp lực của lòng dân nên họ để 5% nghị viên quốc hội lâu lâu họp phát biểu phản biện, lên VTV xả áp cho dân. Tuyên giáo, công an cũng bố trí các dư luận viên ra vẻ phản biện chế độ hòng lôi kéo sự chú ý và xả áp cho dân.

Vậy làm thế nào để Việt Nam có dân chủ ? Cho dù đảng cộng sản bế tắc nội bộ oánh nhau rồi sụp đổ thì liệu Việt nam có dân chủ không ? Khi đảng cộng sản sụp rồi thì bạo động hay khởi nghĩa làm gì nữa ? Khi đó tổ chức nào sẽ đứng ra lãnh đạo và hướng dẫn cho người dân ? Hay là nội loạn chia phe cát cứ rồi vong quốc. Tại sao Liên Xô sụp đổ thì lại mọc ra phát xít Putin mà không phải là một chế độ dân chủ ?

chinhtri2

Chế độ cộng sản đã và đang qua đi, tương lai của Việt Nam phải là một chế độ dân chủ. Bao nhiêu người Việt Nam đã hình dung được chế độ dân chủ đó ?

Nguyên nhân chính đó là vì thiếu sự ủng hộ của người dân, nhất là tầng lớp trí thức chính trị để các tổ chức dân chủ lớn mạnh. Cuộc cách mạng dân chủ bắt buộc phải do trí thức chính trị dẫn dắt và lãnh đạo. Không thể để bần cố nông vô học dẫn dắt như cuộc cách mạng vô sản trước đây. Vậy trí thức chính trị dân chủ đang ở đâu ? Có được mấy người trí thức khoa bảng can đảm rèn luyện theo tổ chức cho thành trí thức chính trị dân chủ ? Rõ ràng hiện tại ở Việt Nam, trong cũng như ngoài nước rất đông đúc trí thức khoa bảng, tại sao họ không chịu rèn luyện bản thân họ thành trí thức chính trị dân chủ để phục vụ và cống hiến cho tổ quốc và nhân dân ? Họ có đủ trí óc để làm mà !

Hiện nay đã rất cần kíp cho nên đồng bào chỉ cần hiểu khái niệm trí thức chính trị dân chủ như sau là tạm ổn : "Trí thức chính trị dân chủ là người có học thức hay tự học trên mức trung bình của xã hội, yêu tự do dân chủ, quan tâm đến vận mệnh đất nước, có am hiểu về chính trị Việt Nam và thế giới, can đảm thành lập hoặc tham gia vào một tổ chức chính trị để bảo vệ cái đúng và lẽ phải để đưa đất nước tiến tới một chế độ dân chủ".

Tư tưởng, văn hóa độc tài thì sinh ra chế độ độc tài. Tư tưởng, văn hóa tự do dân chủ đa nguyên sẽ sinh ra chế độ tự do dân chủ đa nguyên.

Do đó, vận động tư tưởng, văn hóa tự do dân chủ đa nguyên cho thấm vào xã hội Việt nam là một phần rất quan trọng trong cuộc đại cách mạng dân chủ. Không phải tự dưng mà ngôn từ, khái niệm về dân chủ đa nguyên xuất hiện và được đón nhận trong xã hội Việt Nam được. Ngôn ngữ và các khái niệm về chính trị phải đi trước thấm vào xã hội Việt Nam để người dân thấu hiểu. Nếu không, người dân vẫn nghĩ rằng chính trị là xấu xa nhơ bẩn, chính trị là trò lưu manh thủ đoạn tranh giành quyền lực... như hàng ngàn năm qua của lịch sử Việt Nam.

Phải làm sao để đa số người dân Việt Nam hiểu rằng ‘chính trị’ là tốt đẹp và cần thiết để mang lại cơm no áo ấm cho mọi người, là bảo vệ quyền làm người cho mọi người, là xây dựng một xã hội có tự do, liên đới, tiến bộ, nhân văn và hạnh phúc. Chỉ khi lá phiếu của toàn dân quyết định đảng nào sẽ là đảng cầm quyền thì khi đó đất nước mới là của toàn dân chứ không còn là của vua hay của đảng. Đất nước của dân thì mới gọi là quốc gia. Quốc gia là một phát minh mới, là tiến bộ của loài người. Nhà nước quốc gia mới do dân làm chủ thật sự qua lá phiếu bầu cử.

nga5

Bất cứ một tổ chức chính trị dân chủ nào cũng phải có một dự án chính trị để người dân Việt Nam biết được tổ chức đó muốn gì và đề nghị những gì ?

Muốn như thế thì ngay từ bây giờ, các đảng phái chính trị phải lo đào luyện đảng viên của đảng mình cho có đạo đức, lương thiện, có tâm có tầm... để người dân bầu chọn một cách minh bạch đàng hoàng với các đảng phái khác. Các đảng phái phải soạn ra một dự án chính trị tốt đẹp để người dân xêm xét và lựa chọn. Không làm được việc, không làm thăng tiến và mang lại hạnh phúc ấm no cho dân cho nước thì dân bầu cho dự án chính trị khác, của đảng khác. Như thế mới là làm chính trị thật sự và như thế chính trị là một lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi sự trong sạch, lương thiện và tốt đẹp. Chính trị dân chủ không hề xấu xa nhơ bẩn như chúng ta từng biết từ trước tới nay.

Một lần nữa đề nghị trí thức khoa bảng hãy tự rèn luyện bản thân thành ‘trí thức chính trị dân chủ’ để dẫn dắt cuộc đại cách mạng dân chủ ôn hòa, nhân văn, tốt đẹp này nhằm đưa Việt nam thoát khỏi kỷ nguyên độc tài mà bước sang kỷ nguyên tự do, dân chủ đa nguyên, nhân bản, tiến bộ và hạnh phúc. Vậy mới hòng sánh vai với các cường quốc hạnh phúc năm châu một cách thực sự.

Khải Nguyên

(19/6/2024)

Published in Quan điểm

zachary1

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam sau Đại hội 12 năm 2016

Một nhà nghiên cứu lâu năm về chính trị Việt Nam vừa có bài viết tiếng Anh cho rằng đã có mâu thuẫn trong đảng và tranh đua vị trí tại Việt Nam, chưa đầy một năm sau Đại hội Đảng 12.

Đăng trên trang The Diplomat hôm 23/12/2016, Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ, dự đoán có thể Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ, và ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên thay thế hàng đầu.

Ông cũng cho rằng ba vụ điều tra gần đây - liên quan cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, là cách gián tiếp làm suy yếu vị thế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng.

BBC có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Zachary Abuza về những điều ông đề cập trong bài viết.

BBC : Trong bài viết mới nhất của ông, ông cho rằng ông Đinh Thế Huynh đang có nhiều cơ hội nhất để trở thành Tổng Bí thư kế tiếp tại Việt Nam. Có phải quá sớm để nhận định như vậy ?

Zachary Abuza : Có thể còn sớm, và tôi có thể sai, nhưng theo tôi, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.

Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại thêm một nhiệm kỳ, nhưng quan điểm đồng thuận dường như cho rằng ông ấy sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.

Khó thấy còn ai khác đang rất nhiều cơ hội để thay ông Trọng giữa nhiệm kỳ. Tôi đoán là ông Trần Đại Quang đang chờ đến Đại hội Đảng 13. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dành nỗ lực chính trị để ngăn ông Huynh lúc này.

BBC : Bằng chứng nào để ông nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ ?

zachary2

Ông Đinh Thế Huynh (trái) và ông Trần Đại Quang là ứng viên cho vị trí Tổng bí thư sắp tới ?

Zachary Abuza : Không hoàn toàn chắc chắn, nhưng có lẽ ông ấy sẽ nghỉ. Ông Trọng sinh năm 1944, tương đối già hơn so với người nhiều tuổi thứ hai trong Bộ Chính trị. Đảng Cộng sản có lý do khi họ đề ra mức giới hạn tuổi khi chọn nhân sự.

BBC : Bài viết của ông có đề cập đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mà một số người cũng đồn đoán là ứng cử viên cho chức Tổng bí thư. Đánh giá của ông ?

Zachary Abuza : Tôi đồng ý là ông Quang có nhiều triển vọng. Ông đã mở rộng kinh nghiệm công tác, ra ngoài Bộ Công an. Ông sẽ là ứng viên rất mạnh. Tôi dự trù ông có thể là Tổng bí thư tại Đại hội 13.

Nếu có sự chuyển giao giữa nhiệm kỳ, và có đủ sự phản đối ông Huynh, thì ông Quang cũng sẽ là ứng viên rất mạnh.

BBC : Bài báo của ông tập trung nói về mâu thuẫn nội bộ trong Đảng sau Đại hội 12. Ông có thể giải thích rõ hơn ?

Zachary Abuza : Trước các kỳ Đại hội Đảng, luôn có nhiều đấu tranh phe phái. Nhưng sau đó, thường là giai đoạn "trăng mật", hay tương đối bình yên khi mà chính phủ và cán bộ mới hòa nhập vào vị trí mới. Nhưng một số bạn bè và tôi bắt đầu chứng kiến các dấu hiệu mâu thuẫn nội bộ chỉ trong vòng một năm.

BBC : Ông viết rằng các cuộc điều tra và bắt giữ gần đây dường như là cách nhắm vào Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Ông có vẻ cho rằng ông Thăng thuộc nhóm cải cách, bị những người bảo thủ tấn công. Trong khi đó, một vài tiếng nói hiếm hoi ở bên trong Việt Nam cũng đã có bài trên mạng xã hội xem ông Thăng là đối tượng cần điều tra. Ông có xem xét quan điểm của họ không ?

Zachary Abuza : Đáng tiếc là nền chính trị Việt Nam vốn vô cùng bí hiểm. Vì thế phần lớn quan tâm là chỉ về các bê bối tham nhũng. Chính trị Việt Nam bị chi phối bởi quan hệ người bảo trợ - đồ đệ, theo cùng vây cánh, vì thế khi có điều tra ai đó, nó có thể không hẳn là vì nghi ngờ tội phạm kinh tế mà thường là nhắm gián tiếp vào người bảo trợ. Nó khiến các đối thủ chính trị phải lo lắng, làm yếu đi nền tảng ủng hộ họ, mà điều này rất quan trọng trong một hệ thống chính trị chú trọng đến sự đồng thuận.

zachary3

Có nhiều đồn đoán về khả năng luân chuyển của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng

Cần khẳng định chống tham nhũng và chống đối thủ chính trị không hẳn là loại trừ nhau. Nhưng cũng cần thấy vì sao chỉ một số người bị điều tra về tham nhũng, còn những cán bộ làm điều tương tự lại không bị. Khả năng có hạn của nhà nước có thể là câu giải đáp, nhưng câu trả lời thuyết phục hơn thường liên quan chính trị.

Ta cũng cần thừa nhận có nhiều tham nhũng trong chính trị cấp cao ở Việt Nam, vì không có báo chí tự do kiểm tra, đảng cộng sản nói chung đứng trên luật pháp, kiểm soát tòa án và công tố. Quan trọng hơn cả, trong hệ thống hỗn hợp của Việt Nam, là nơi nhà nước vẫn kiểm soát rất nhiều (như vốn, đất đai), khu vực công sở hữu quá nhiều tài nguyên và nguồn lợi thì cơ hội tham ô là ở bên trong nhà nước. Một số ít người lại kiểm soát việc phân bổ hàng hóa, dịch vụ, vốn trong khi lại có quá ít sự kiểm tra và minh bạch.

BBC : Trong bài, ông viết nếu ông Đinh Thế Huynh lên làm Tổng bí thư, sẽ không tốt cho Việt Nam vì ông ấy có vẻ là người bảo thủ. Ông cũng nghĩ ông Đinh La Thăng là nhà cải cách. Nhưng chính trị Việt Nam rất bí mật. Liệu có ổn khi quy trách nhiệm hay chê trách cho một số cá nhân, ca ngợi một số nhà "cải cách", mặc dù ít ai biết thực sự điều gì xảy ra trong các cuộc họp của Bộ Chính trị ?

Zachary Abuza : Tôi đồng ý rằng sự phê phán này là công bằng. Tôi biết một số người hoàn toàn bất đồng với tôi khi tôi cho rằng ông Đinh Thế Huynh là người bảo thủ. Có một người nói ông Huynh là người "trung dung", nhưng tôi không thấy có bằng chứng. Rõ ràng là ông ấy có rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Toàn bộ sự nghiệp của ông Huynh là ở trong bộ máy Đảng như một nhà lý luận, ít kinh nghiệm thực tiễn.

Có thể nếu ông Đinh Thế Huynh trở thành Tổng bí thư, những hạn chế và thực tế của việc lãnh đạo sẽ hạn chế những gì ông có thể làm. Nhưng tôi cảm giác ông ấy rất lo lắng quyền uy và quyền quyết định của Đảng bị kéo trôi về phía các nhà kỹ trị trong chính phủ. Ông muốn tái xác lập sự lãnh đạo tối cao của Đảng, đây là việc không tốt cho nền kinh tế ngày càng phức tạp và hiện đại của Việt Nam.

Bài'The Fault Lines in Vietnam's Next Political Struggle ; Infighting ahead of the next mid-term Congress is already visible' được đăng trên trangThe Diplomat 23/12/2016.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 05/01/2017

Published in Diễn đàn