Theo giáo sưDaniel W. Drezner thì chính phủ Trump và phần lớn cộng đồng về chính sách ngoại giao tại Hoa Kỳ hiếm khi đồng ý với nhau, ngoại trừ vấn đề duy nhất là Trung Quốc.
Thống kê tháng 2/2019 : 63% dân Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ, 32% xem là cộng sự.
Còn người dân thì sao ? Theo khảo sát mới nhất của Hội đồng Chigago về Vấn đề Toàn cầu năm 2019, thì trong vòng một năm qua, 50 phần trăm người Mỹ trước đây xem Trung Quốc chủ yếu là cộng sự (mostly partners) và 49 phần trăm xem chủ yếu là đối thủ (mostly partners) vào tháng Ba năm 2018, thì đến tháng Hai năm 2019, 63 phần trăm xem là đối thủ và 32 phần trăm là cộng sự. Nghĩa là một phần lớn dư luận Mỹ đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc, mặc dầu đại đa số người Mỹ vẫn ủng hộ chủ trương tiếp cận và chia sẻ quyền lực/lãnh đạo đối với các vấn đề quốc tế. Phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ chủ nghĩa quốc tế cấp tiến (liberal internationalism).
Tuy nhìn thấy mối quan ngại, cũng như đe dọa về an ninh và hòa bình, mà Trung Quốc tạo ra, các giải pháp và chiến lược của giới tinh hoa ngoại giao để đối phó với Trung Quốc khác nhau. Vẫn có những quan điểm trong giới tinh hoa Hoa Kỳ cho rằng thương chiến với Trung Quốc không phải là chiến lược hiệu quả nhất, xây dựng thế liên minh rộng vững là chiến lược cần thiết cho Hoa Kỳ, và cấm Huawei có thể đem lại những hệ quả tai hại lâu dài cho Hoa Kỳ sau này. Ba bài viết sau đây bàn về các vấn đề này.
Tom Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 2010 đến 2013, viết trên tạp chí Foreign Affairs bài "Thương chiến của Trump là con đường sai để cạnh tranh với Trung Quốc". Ông cổ võ cho việc tập trung đổi mới Hoa Kỳ, thay vì chú trọng vào chính sách bảo hộ. Đối với Donilon, để khôi phục lại vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ và vực dậy nền kinh tế đòi hỏi một chiến lược đầy tham vọng mà không thể chỉ phụ thuộc vào cách hành xử của Trung Quốc thôi mà nên chuẩn bị để Hoa Kỳ có thể cạnh tranh. Ông Donilon cho rằng lổ hổng của chiến lược hiện nay là tập trung quá nhiều vào Trung Quốc trong khi không đụng bao nhiêu đến vấn đề nội địa. Ông đề nghị nên đầu tư nhiều hơn vào khoa học, kỹ thuật, giáo dục, hạ tầng cơ sở, nhấn mạnh đến các giá trị nền tảng, củng cố các quan hệ đồng minh, và cải tổ hệ thống di dân để thu hút doanh nhân và chất xám cho tương lai Hoa Kỳ. Ông kết luận rằng chủ trương bảo hộ mang tính phòng thủ không phải là chìa khóa để làm Hoa Kỳ cường thịnh ; chìa khóa là phải xây dựng guồng máy kinh tế vĩ đại nhất ; cho nên bỏ khoảng cách đối với Trung Quốc là một vấn đề chủ yếu về mình (nội địa) hơn về họ.
Kurt M. Campbell và Jake Sullian, trong bài viết mới đây "Cạnh tranh mà không thảm họa" trên Foreign Affairs, cũng đề cao vai trò của đồng minh và thế liên minh. Campbell và Sullian biện luận rằng chủ trương đồng tồn tại (coexistence) là cần thiết để tránh rơi vào vòng nguy hiểm của sự đối đầu trong thời gian tới. Đồng tồn tại có nghĩa chấp nhận cạnh tranh là điều kiện để quản lý hơn là một vấn đề để giải quyết. Trung Quốc, theo Campbell và Sullian, là đối thủ đáng gườm hơn cả Liên Xô trước đây, nhưng khác Liên Xô, Trung Quốc cũng là cộng sự của Mỹ. Họ đề nghị để tránh thảm họa, nhất là đối với Biển Đông, thì cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nên thiết lập phương tiện và cơ chế truyền thông với nhau để tránh xung đột. Quan trọng nhất, nếu Hoa Kỳ biết khai dụng mạng lưới liên minh và cộng sự rộng lớn của mình thì sức mạnh đó có thể định hình các chọn lựa của Trung Quốc trên tất cả các mặt trận. Và do đó cung cách hành xử và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới v.v…, mang tính quyết định.
Riêng về công ty Huawei, theo bài viết của Lorand Laska "Tại sao cấm Huawei có thể phản tác dụng" trên Foreign Affairs, thì việc chính quyền Trump cấm các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE là nhằm tạo áp lực để Bắc Kinh ngồi vào bàn thảo luận. Mà mục tiêu chính là thương lượng "thay đổi cấu trúc" đối với nền kinh tế Trung Quốc. Laska biện luận rằng mục tiêu của Hoa Kỳ là muốn giáng một đòn vào Trung Quốc trong cuộc chạy đua chiếm ngự công nghệ thế hệ tới như trí tuệ thông minh/AI và 5G. Nhưng Laska cho rằng Washington đã coi thường khả năng "thắt lưng buộc bụng" của Trung Quốc, vì bên trong nước này, Tập Cận Bình cũng như dàn lãnh đạo của họ đã chuẩn bị tinh thần đối phó bằng hai quan niệm "tự lực cánh sinh" và "sáng kiến bản địa". Trong thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã thành công trong việc tự chế bom nguyên tử ngay cả khi Liên Xô cắt đứt mọi hỗ trợ kỹ thuật. Năm 2015 khi chính quyền Obama cấm Intel bán chip điện tử (processor) để Trung Quốc không thiết lập được máy siêu vi tính, Trung Quốc cũng đã thành công thiết lập máy TaihuLight hoàn toàn bằng các bộ óc vi tính của họ. Hiện nay Viện Hàn lâm Khoa Học Trung Quốc có lẽ là cơ quan nghiên cứu lớn nhất của thế giới, có đến 115 trung tâm nghiên cứu trên toàn quốc với 60 ngàn nghiên cứu sinh.
Sau khi Huawei bị chính quyền Trump cấm vào tháng Năm, Huawei đã sử dụng 10 ngàn nhân viên làm việc ngày đêm (ba ca một ngày) tại ba thành phố lớn để tìm cách xóa bỏ sự lệ thuộc vào các phần mềm và điện tử tối tân của Mỹ. Thật ra Trung Quốc đã thực hiện chủ trương bớt lệ thuộc vào các con chips tối tân của nước ngoài từ năm 2014. Họ đã bỏ cả trăm tỷ đô la để thiết kế và sản xuất chất bán dẫn (semiconductor). Tuy thế, vẫn cần một thời gian nữa để các công ty tại Trung Quốc có đủ khả năng và điều kiện để làm ra các con chip tối tân mà các công ty của Trung Quốc như Huawei và ZTE, chẳng hạn, đang cần đến từ Hoa Kỳ. Cấm Huawei và cấm các công ty Hoa Kỳ buôn bán các sản phẩm công nghệ cao này có thể gây khó khăn cho Trung Quốc trong thời gian ngắn trước mặt, nhưng Laska cho rằng về lâu dài, với sự quyết tâm và đầu tư của Trung Quốc hiện nay, nó cũng có thể là lý do để họ chạy nước rút, và sẽ tạo ra một Trung Quốc có khả năng công nghệ ghê gớm hơn.
Thương chiến, và chính trị quyền lực, tiếp tục leo thang trong những ngày qua. Ý định của Tổng thống Trump đánh 10 phần trăm thuế lên 300 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1 tháng Chín có nghĩa việc xét lại có nên tháo bỏ hạn chế với công ty Huawei, điều mà ông Trump gợi ý trước đây, sẽ không còn nữa. Ông Trump cũng nhanh chóng liệt kê Trung Quốc vào hàng "nước thao túng tiền tệ" vào ngày 5 tháng Tám vừa qua để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố ngừng mua nông sản của Mỹ và phá giá đồng nhân dân tệ.
Các bài viết và dẫn chứng trên cho chúng ta thấy rằng cuộc chạy đua và tranh giành thế thượng phong giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vài thập niên tới là khá phức tạp, đa miền và đa dạng. Chiến lược/chính sách, tính lưỡng đảng, thế liên minh quốc tế, quyết tâm và can đảm lấy quyết định khó khăn v.v…, và trên hết, khả năng lãnh đạo và thuyết phục người dân để hỗ trợ cho cho chiến lược lâu dài này, sẽ quyết định sự thành bại của mỗi bên.
Úc Châu, 08/08/2019
Phạm Khú Khải
Nguồn : VOA, 09/08/2019