Mới giải ngân 30% !
Cho đến tháng 3/2017, tức gần tròn một năm sau thảm họa kinh hoàng do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, giới quan chức nhà nước vẫn chỉ dùng từ "sự cố" làm nhẹ bớt những "nhạy cảm chính trị", đồng thời vẫn tung ra các báo cáo cho rằng "người dân phấn khởi, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao những chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết sự cố môi trường".
Trong 8 tháng qua, với khoản tiền đã giải ngân bồi thường cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, số tiền còn lại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính "ngâm" để làm gì ?
Gần như chưa có gì thay đổi về não trạng "vì nhân dân phục vụ"…
Bộ Tài nguyên và Môi trường là một trong những địa chỉ tuyên giáo hăng hái nhất, bất chấp việc vào thời bộ trưởng tài nguyên môi trường cũ là Nguyễn Minh Quang, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa do bộ này soạn chỉ vẻn vẹn… một dòng. Còn khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính bộ này là nơi đưa ra nguyên nhân "thủy triều đỏ" như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.
Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính lại đưa ra thông tin như thể khoe khoang thành tích rằng đã cấp 4.680 tỷ đồng trong tổng số 500 triệu USD do Formosa bồi thường. Sau đó có báo còn tuyên truyền như một thành tích rằng số tiền 4.680 tỷ đồng này đã được "bồi thường hết" cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung.
Bối cảnh tuyên truyền trên được lồng trong không khí phong trào biểu tình phản kháng Formosa và sự bao che của chính quyền vẫn dồn dập phẫn uất ở các giáo xứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Trong lúc một số chuyên gia phản biện ước tính thiệt hại kinh tế của vụ "cá chết Formosa" phải lên đến 10 tỷ USD, kéo lùi đến 5% GDP của Việt Nam, và con số bồi thường 500 triệu USD của Formosa chỉ bằng 1/20 số thiệt hại ấy, rất nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung lại phải than rằng số tiền bồi thường cho họ là quá ít, họ hoàn toàn không biết sống bằng gì sau "6 tháng hỗ trợ".
Thậm chí ngay cả số "tạm ứng 4.680 tỷ đồng" cho 4 tỉnh miền Trung cũng rất đậm đà phong cách "báo cáo láo". Bởi đến đầu tháng 3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát đi một thông báo cho biết tính đến ngày 18/2, chính quyền 4 tỉnh miền Trung mới giải ngân được 3.330 tỷ đồng trên tổng số 4.680 tỷ đồng Chính phủ đã tạm ứng cho các tỉnh này.
Như vậy, tính từ thời điểm tháng 6/2016 là lúc chính phủ Việt Nam bất ngờ thông báo "Formosa sẽ bồi thường 500 triệu USD do thiệt hại xả thải ô nhiễm môi trường" đến nay đã qua 9 tháng, nhưng số tiền bồi thường mới chỉ chiếm vỏn vẹn 30% trong tổng số 500 triệu USD. Tỷ lệ này là rất "liêm chính" nếu đối chiếu lại lời hứa của quan chức cao cấp Nguyễn Xuân Phúc "ngư dân sẽ nhận được toàn bộ tiền bồi thường vào tháng 11/2016".
Cần nhắc lại, Thủ tướng Phúc đã hứa "cuội" không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa "tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền". Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc "thống kê thiệt hại" do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương. Thử hỏi nếu không có con sóng biểu tình ấy, không hiểu đến lúc nào khoản tiền bồi thường còm cõi mới đến tay những nạn nhân môi trường đã không còn đường sinh sống ?
‘Ngâm bồi thường’ để lấy lãi riêng ?
Tính từ thời điểm hai tháng 7 và 8 năm 2016 khi Formosa chuyển tiền hai đợt để bồi thường cho ngư dân, mỗi đợt 250 triệu USD mà Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đứng ra nhận, đến nay đã qua 8 tháng.
Câu hỏi đặt ra là trong 8 tháng qua, với số đã giải ngân chỉ chiếm 30% trong số 500 triệu USD, số tiền còn lại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính "ngâm" để làm gì ?
Trong thực tế, dư luận từng phản ánh rất nhiều về hiện tượng nhiều cơ quan Việt Nam đã dùng tiền được ngân sách cấp và tiền từ tài trợ ODA của quốc tế (chi cho các chương trình kinh tế và xã hội) để gửi ngân hàng lấy lãi riêng cho các cơ quan này chứ không tính vào khoản chi kinh tế - xã hội theo đúng nguyên tắc tài chính. Có dấu hiệu một số cơ quan còn cố ý kéo dài việc triển khai chương trình xã hội để thu lãi tiền gửi ngân hàng càng nhiều càng tốt.
Một trong những lĩnh vực thường bị lạm dụng như trên là nông nghiệp - phát triển nông thôn. Một trong những địa chỉ bị dư luận phản ánh là "dịch vụ cầm đồ" cho những khoản tiền gửi thu lợi riêng bất chính như thế là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tổ chức tín dụng mà đã trở thành quán quân trong giới ngân hàng Việt Nam có số vụ vi phạm pháp luật kinh tế nhiều nhất và số lãnh đạo bị bắt cao nhất.
Ngay cả một doanh nghiệp nhà nước là Công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) với chức năng là xử lý nợ xấu, đã được ngân sách cấp 2 ngàn tỷ đồng từ năm 2013, nhưng theo thú nhận của chính doanh nghiệp này thì từ đó đến nay VAMC chưa bỏ ra một đồng "tiền tươi thóc thật" nào để xử lý nợ xấu. Số tiền 2 ngàn tỷ đồng ấy, nếu được hiểu một cách "lương thiện" nhất, đã được VAMC gửi ngân hàng để lấy lãi chi dùng cho "đời sống cán bộ nhân viên" của doanh nghiệp độc quyền chính sách này.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính thì "xử" thế nào với con số 500 triệu USD bồi thường của Formosa ?
Ngay từ đầu khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra "nhận trách nhiệm giữ dùm" 500 triệu USD, đã có dư luận nghi ngờ về tính minh bạch của cơ chế này, nhất là khi xuyên suốt từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại là một trong những địa chỉ "bảo kê" rõ rệt nhất cho nạn xả thải của Formosa.
Sau khi giải ngân 30% của 500 triệu USD, với 8 tháng "giữ dùm" số còn lại, lãi tiền gửi ngân hàng của con số 350 triệu USD là ít nhất 300 tỷ đồng (tính theo kỳ hạn tiền gửi 3 tháng, lãi suất 5%/năm). Số tiền lãi này bằng đến phân nửa so với tiền "tạm ứng" đợt đầu cho một tỉnh miền Trung.
Số tiền lãi 300 tỷ đồng trên thuộc về ai ? Có phải theo "thông lệ" đã chui vào túi giới quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" mà không tính vào tiền bồi thường cho ngư dân ? Và đó có phải là nguyên do sâu xa để Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cố ý "ngâm" tiến độ bồi thường cho ngư dân càng chậm càng tốt ?
Đã đến lúc mà Thủ tướng Phúc, nếu không muốn bị tai tiếng thêm trong quốc nội về vụ Formosa sau "thỏa thuận bí mật" với doanh nghiệp từng bị tai tiếng quốc tế này, cần chỉ đạo làm rõ những nguyên nhân cố ý gây chậm trễ tiến trình chi tiền bồi thường cho ngư dân và yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính phải minh bạch toàn bộ số tiền "giữ giùm" gửi trong ngân hàng.
Đóng cửa Formosa !
Lối làm việc cực kỳ tắc trách, vô cảm và chỉ chực chờ đàn áp người dân đã khiến "uy tín" của chính phủ và các chính quyền địa phương miền Trung sụt giảm mạnh. Liên tiếp các đợt biểu tình phản kháng của ngư dân - giáo dân vào cận Tết năm 2017 và sau Tết đã chứng thực rằng người dân không còn chút nào niềm tin đối với chính quyền đang cai trị họ.
Ngay cả lời hứa "sẽ đóng cửa Formosa nếu tiếp tục vi phạm" của Thủ tướng Phúc cũng không còn giá trị gì nữa, khi đang có nhiều dấu hiệu Formosa tái diễn xả thải. Nạn ô nhiễm biển giờ đây không chỉ nằm trong khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, mà đã lan xuống phía Nam - khu vực biển Đà Nẵng. Cứ đà này, chắc chắn vùng biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng trong không bao lâu nữa.
Hơn một tháng sau tết Nguyên đán năm 2017, những đợt biểu tình của ngư dân - giáo dân miền Trung lại như sóng trào dữ dội. Sài Gòn, Hà Nội và một số địa phương khác cũng hưởng ứng. Bất chấp "trung ương" bất thần lôi "tội đồ" là Võ Kim Cự, nguyên bí thư Hà Tĩnh, cùng Nguyễn Thái Lai, cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ra kỷ luật, người dân thừa hiểu đó chỉ là "chuyện nội bộ đảng đóng cửa bảo nhau" mà vẫn chưa hề có một chút thành tâm hoặc thành khẩn nào đối với lớp dân đen.
Biểu tình cũng bởi thế sẽ không thể dừng được. Không chỉ bởi số tiền giải ngân bồi thường mới chỉ có 30%, mà còn do ước tính thiệt hại kinh tế của vụ xả thải Formosa nhiều hơn con số bồi thường 500 triệu USD gấp hai chục lần - 10 tỷ USD.
Và vì công lý phải đóng cửa Formosa !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/03/2017