Nhân vụ nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng - Đỗ Hữu Ca bị truy tố do "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" số tiền 35 tỷ đồng từ một doanh nghiệp nhờ chạy án, dư luận một lần nữa lên án về thực trạng tồn tại trong ngành tư pháp Việt Nam lâu nay – đó là chuyện chạy án, mà bắt đầu từ công an cấp phường, xã.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh : Kim Anh/TTXVN)
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, từng có gần 30 năm hành nghề luật sư ở Việt Nam, nói với RFA sáng 22/2/2024 rằng, công an và luật sư là trung gian cho hầu hết các vụ chạy án :
"Hiện nay, trong tất cả các lĩnh vực, khi người dân gặp khó khăn liên quan đến luật pháp cái đầu tiên họ nghĩ đến là chạy (án-pv). Bất kể đó là hành chính, dân sự hay là hình sự. Bất cứ ai mà bị bắt trong thời hạn 12 cho đến 24 tiếng ở cấp phường, xã thì quyền lực đầu tiên thuộc về công an phường, nên họ đi tìm một công an phường nào đó để chạy.
Nếu không an phường nói phải đưa lên quận, huyện thì họ tìm công an quận, huyện để mà chạy. Nếu chạy không được mà buộc phải chuyển qua tòa thì họ phải tìm đến viện kiểm soát để chạy. Nếu lên đến viện kiểm sát mà họ vẫn còn đu đưa thì người dân phải chạy qua tòa án. Khi không được nữa thì họ mới nhờ tới luật sư chạy án. Tức là về danh nghĩa thì họ là luật sư bào chữa nhưng thực chất họ là luật sư chạy án".
Theo giải thích của Luật sư Miếng thì chuyện chạy án ở Việt Nam không phải chuyện lạ và chính đó là "lỗ hổng trong ngành tư pháp ở Việt Nam".
Mới hồi tháng 9 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Chung về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì đã nhận 100.000 USD để chạy án cho ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lúc bấy giờ, ông Hà bị cáo buộc nhận tiền hàng tháng, hàng quý của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành.
Từ 10 năm trước, tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 3 năm 2013, khi đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, hỏi Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lúc đó là ông Trương Hòa Bình : "Có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng khi số vụ án đưa ra xét xử thì ít nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45% ?".
Lúc bấy giờ, ông Trương Hòa Bình thừa nhận "thực tế có một số không ít cán bộ công chức tòa án bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiêu cực, nhận tiền của đương sự".
Nhìn nhận về trường hợp "chạy án" mới nhất qua vụ ông Đỗ Hữu Ca, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, việc ông Ca bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm chạy án. Ông nói với RFA :
"Việc hối lộ để chạy án vốn là hành vi vi phạm pháp luật, cho nên, các bên thực hiện đưa nhận tiền hối lộ thường rất kín đáo. Tuy vậy, vẫn có nhiều thẩm phán bị bắt quả tang lúc đang nhận hối lộ xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh thực trạng nền tư pháp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã tệ hại đến mức nào. Do đó, tôi không hề ngạc nhiên gì đối với vụ án xét xử ông Đỗ Hữu Ca, nguyên cựu giám đốc công an tỉnh Hải Phòng, người đã có hành vi nhận số tiền 35 tỷ đồng để chạy án cho các bị cáo trong vụ án hình sự".
Một bị đơn trong vụ kiện đất đai ở Sài Gòn, yêu cầu ẩn danh, kể với RFA câu chuyện liên quan đến "chạy án" của chính bản thân bà :
"Họ kiện sai nhưng tòa xử chị thua ở phiên sơ thẩm cách đây 6 tháng nên chị kháng cáo. Luật sư của chị nói phải chạy án với số tiền 50 triệu đồng cho phiên phúc thẩm, nhưng tỷ lệ thắng cũng chỉ 50% nên chị đang phân vân. Chị không biết người ăn tiền bên tòa là ai, chỉ biết đưa tiền qua luật sư của mình mà thôi. Nếu mình không chạy thì thua chắc, mà chạy cũng năm ăn năm thua hà. Chắc bên nguyên đơn cũng có chạy án".
Người phụ nữ này có nêu tên vị luật sư của mình nhưng cũng yêu cầu RFA ẩn danh.
Theo nội dung được quy định trong Nghị quyết 03/2020 về thu hồi tài sản tham nhũng của Hội đồng thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 2 năm 2021, nếu người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ trong quá trình tố tụng chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không bị áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử, kể cả mức án tử hình cũng sẽ được hạ xuống chung thân.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều ngày 3 tháng 3 năm 2023, khi báo chí đề nghị thông tin thêm về kết quả điều tra vụ ông Đỗ Hữu Ca, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra liên quan hành vi chạy án, ông Tô Ân Xô cho biết : "Khi xét hỏi, ông Đỗ Hữu Ca hợp tác với cơ quan điều tra. Ông Ca khai xác định đã nhận tiền của doanh nhân nhưng không và chưa tác động đến cá nhân hoặc cơ quan chức năng nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận từ doanh nhân là 35 tỷ đồng".
Việc trả lại tiền tham nhũng trước phiên xử để đổi lấy mức án thấp, hay đổi lấy tự do cũng là một hình thức chạy án. Nếu quy trình này tiếp tục được thực hiện thì việc "diệt trừ" nạn chạy án là điều không thể.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA rằng, trong thời gian hành nghề luật sư tại Việt Nam, ông biết hầu hết những chức nghiệp liên quan đến quá trình ban hành một phán quyết gồm : Thẩm phán, công an, kiểm sát viên và ngay cả luật sư đều có người tham gia vào việc chạy án. Ông nói thêm về nguyên nhân :
"Có khá nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng đáng buồn này, tiêu biểu như : Luật pháp không rõ ràng, đến mức xử như thế nào cũng được. Đạo đức của người làm việc. Đương sự không còn tin cậy vào hệ thống pháp đình ban phát công lý nữa, khi có việc, thì họ muốn mua công lý hơn là chờ ban phát một cách may rủi… Nhưng nguyên nhân tiên khởi là ở chính chế độ.
Thông qua cái gọi là Ban Nội Chính, họ đã từng can thiệp thô bạo vào các phán quyết của tòa án mà bất chấp quy định của pháp luật. "Thượng bất chính, hạ tắc loạn", họ tạo tiền đề cho việc xét xử, vận dụng pháp luật tùy tiện. Hậu quả là chúng ta có một nền tư pháp bất lực với việc ban phát công lý".
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, việc chạy án là một điều nhức nhối trong giới luật sư cũng như trong thực trạng của nền tư pháp Việt Nam. Thế nhưng muốn diệt trừ được, theo ông, phải có một hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng trong mức án ; không thể cùng một tội mà mức án rộng từ tù treo đến vài năm tù ở như hiện nay. Ông nêu ý kiến về giải pháp ngăn ngừa nạn chạy án :
"Theo tôi, thứ nhất là cần một hệ thống luật pháp minh bạch và nghiêm minh. Không thể một mớ luật pháp hỗn độn, ai muốn vận dụng kiểu gì thì vận dụng, người dân không biết đâu mà lần, chỉ biết bỏ tiền ra để đèn trời soi xét. Cái thứ hai mức lương, quyền lợi của những người tiến hành tố tụng phải đủ cao để họ không bán rẻ lương tâm, danh dự bằng những đồng tiền chạy án".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/02/2024
Sau vụ án "chuyến bay giải cứu", một khái niệm tuy không mới nhưng từ nay vẫn sẽ tiếp tục lên ngôi – Đó là "thị trường chạy án". Tại tòa, các cơ quan tố tụng đã để lộ quy trình "chạy án" tinh vi, lọc lõi và mang lại lợi nhuận kếch sù như thế nào.
Tước đoạt của những kẻ tước đoạt
Ngày 21/7/2023, theo TTXVN, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (1). Quy định này có hiệu lực từ 11/7/2023, đúng vào ngày Tòa Hà Nội bắt đầu xử 54 bị cáo trong "chuyến bay giải cứu". Quy định 114 được cho là để chống chạy chức, chạy quyền, nhưng không thấy điều khoản nào chống chạy án cả. Cũng dễ hiểu thôi, vì chạy án vốn là một trong những biểu hiện tập trung của tham nhũng.
Trường hợp cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an Thủ đô – nói như một bị can trong vụ đại án này đã khai nhận trước tòa – chẳng qua là "do số đen, không may thì thôi, trả lại cho Nhà nước cũng được". Trên thực tế có thể cảm đoán, ông Tuấn là loại "tướng chạy án" có số má ở Bộ Công an và đã lọt được nhiều vụ. Nếu không thì ông ta lấy đâu ra nhiều tiền đến mức không nhớ nổi chênh lệch 200 ngàn USD trong quá trình giao dịch, giống như thiên hạ nhầm lẫn vài chục VND khi tiêu xài. Ủng hộ Tuấn, sáng 21/7, đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm buộc tội Hưng và cho rằng Hưng "trơ tráo, không trung thực, khai báo nhỏ giọt" trong phần đối đáp. Với quan điểm này, Hưng lại cho rằng, Viện kiểm sát xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình và đề nghị tòa xem xét lại (2).
Cuộc "kéo co" trong nhóm "chạy án" này chắc còn nan giải và sẽ còn có nhiều pha giật gân, vì cho đến nay, kẻ được cho là "chống lưng cho Hưng" vẫn chưa bị gọi tên ! Thật ra, cả cựu Thiếu tướng lẫn Trưởng phòng Điều tra đều không lạ lẫm gì quy trình chạy án, và các ông đã đi guốc trong bụng của nhau, qua những lần từng chia chác. Cử tọa có thể cảm đoán được như thế, nếu không, tại sao hai kẻ đang "choảng nhau" và "vạch áo cho người xem lưng", lại có thể từng coi nhau như anh em được ? Qua vụ án tham nhũng, đưa và nhận hối lộ để chạy án này, cử tọa có thể thấy rõ tính chất tinh vi và lọc lõi của các bị can trong quá trình đi "tước đoạt kẻ tước đoạt" (3).
Đúng theo tinh thần và lời văn của Tuyên ngôn Đảng cộng sản mà Marx đã viết từ 1848. Lịch sử đi "tước đoạt" của Đảng cộng sản Việt Nam từ khi "cướp chính quyền đến nay như cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, dồn ruộng của nông dân vào hợp tác xã, áp dụng "cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội" đối với kinh tế miền Nam sau 1975… tất cả cho thấy bản chất của toàn trị là chuyên chính và đàn áp. Chuyên chính và đàn áp đã làm sống lại loại hình "kinh tế hái lượm" xa xưa của nhân loại khi loài người chưa có công cụ sản xuất. Sang thời hiện đại, chúng đã biến tướng để chiếm đoạt vô tội vạ tài sản của tha nhân (4).
Bị cáo Hoàng Văn Hưng (trái) và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đối đáp tại tòa - Ảnh : NAM ANH
Kịch tính của cuộc đối đầu sinh tử giữa bị can Hoàng Văng Hưng – được mạng xã hội tôn lên thành "đệ nhất cãi lý" – với các bị can Tuấn, Hằng và Sơn sẽ còn được đẩy lên cao đến đâu nữa, chúng ta khó đoán trước. Cho đến ngày 21/7, thì cả Hưng lẫn Tuấn đều đã khóc trước tòa. Kể cũng lạ, những con người như Tuấn và Hưng, ở ngoài xã hội thì thét ra lửa, nhưng trước tòa, họ không dấu được những biểu hiện của sự mềm lòng. Họ sợ hãi thật hay đang đóng kịch, chúng ta khó biết ! Hãy nghe Tuấn năn nỉ với Hưng : "Chúng ta đã đứng ở đây, chúng ta nên có sự tôn trọng nhân cách của mình. Cho dù mình là một thằng tù cũng phải có nhân cách (!?). Là con người cũng phải có nhân cách của con người, đừng để nhân cách không đúng, không hay" (5). Nếu họ đóng kịch thì phải nói trình độ "diễn" khá cao thủ. Cả hai đã cố che đậy thói hống hách khi dọa nạt dân đen hay moi tiền từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù khoe tài hùng biện (như Hưng), hay giở ngón tình cảm (như Tuấn) thì phải chăng cả hai, đều nhem nhẻm trước tòa chẳng qua là nhằm để phi tang các bằng chứng ?
"Chạy án" hay là câu chuyện chiếc "đèn cù"
Quan điểm "quan chức tống tiền doanh nghiệp" được các mạng xã hội chia sẻ rộng rãi cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Điều nghiêm trọng, theo FB Trương Nhân Tuấn từ Marseille (Pháp), đây là "một vụ tống tiền có tổ chức (tức chuyến bay giải cứu) bởi những lãnh đạo từ "thượng tầng kiến trúc quốc gia", mà tay chân thể hiện qua cán bộ, đảng viên thuộc 5 bộ Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Quốc phòng và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Nếu chỉ đóng khung tội phạm ở mức "đưa và nhận hối lộ" thì tòa xử vụ đại án này chưa "đúng người đúng tội". FB này khẳng định : "Khi Tòa đề nghị các biện pháp cho phép các bị cáo ‘nhả tiền’ để ‘khắc phục hệ quả’, như một hình thức ‘chạy án công khai’ để được ‘giảm án’. Thì bản thân Tòa đã hủ bại" (6). Và chính sự hủ bại không gì có thể cứu vãn được này là mảnh đất "màu mỡ" để cho các cuộc "chạy án" sau vụ này vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở. Bời vì, vụ "bay giải cứu" thực chất cũng chỉ là để hiện thực hóa cơ chế "xin – cho". Một cơ chế gắn liền với "lý do tồn t ại" (raison d'être) của chế độ "còn đảng còn mình". Chế độ càng tạo ra nhiều cơ chế "xin – cho", càng mở ra cơ hội cho tiêu cực và tham nhũng, cho hối lộ và chạy án.
Giữa khẩu hiệu và hành động, giữa các quy định về chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam và những thực tế khi người dân và doanh nghiệp phải "đến cửa quan" cách xa nhau một trời một vực. Tại sao tồn tại một môi trường xã hội không thể rạch ròi về các hành vi mang các tính đối nghịch rõ ràng ? (Hối lộ để cứu mình, chạy án để cứu người…).
Việc biến quyền lực thành món hàng có thể mua bán, đổi chác ngay trước chốn công đường là lỗi từ đâu ? Từ chính thể chế, từ các cơ quan nhà nước, từ những kể nắm giữ quyền lực. Nếu họ không bán thì chẳng ai có thể mua được. Nói cách khác, hành vi nhận hối lộ là hành vi bán đứng quyền lực nhà nước, bán đứng nhân dân mà quan chức chính là người đại diện. Đúng như nick name Thi Đào bình luận trong FB của Lão Tạ, người nhận hối lộ do đó đã phạm hai tội cùng một lúc. Thứ nhất, là bán thứ không được phép, và thứ hai, bán thứ không phải của mình. Điều thứ nhất thì nhiều người hiểu. Nhưng điều thứ hai không phải ai cũng hiểu. Là nhà nước độc tài toàn trị, Việt Nam chưa có Hiến pháp như một "khế ước xã hội" mà Rousseau đã viết các đây 261 năm, nên quyền lực chưa thực sự thuộc về nhân dân (7) !
Bộ Chính trị từng có Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 cũng được cho là để kiểm soát quyền lực trong công việc chống chạy chức, chạy quyền. Các hội nghị tổng kết thời gian qua cho thấy sự thất bại của các quy định kiểu như thế. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022 năm ngoái đã diễn ra với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc một bài đít-cua trên 10.760 từ (8). Không thể tin nổi ! Tổng bí thư còn nhắc lại câu nói "đời người chỉ sống một lần…" của nhân vật chính trong tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Liên Xô (cũ). Tổng bí thư nói rằng, đó là cuốn sách "gối đầu giường" của lớp thanh niên cỡ tuổi ông thời kỳ những năm 1959 – 1960. Nếu Bộ Chính trị của ông Trọng tiếp tục chống tham nhũng bằng sách vở thì số phận của Quy định 114-QĐ/TW cũng sẽ không thể khác mấy cái Quy định 205-QĐ/TW ! Bởi vì, "ng ười ta chỉ có thể đem con khỉ ra khỏi khu rừng, chứ không thể nào đem khu rừng ra khỏi con khỉ" (9). Thưa Tổng bí thư, không thể thay đổi bản chất hệ thống bằng cách tác động từng phần riêng lẻ của nó !
Tham khảo :
(3) https://www.voatiengviet.com/a/tu-huyet-tuoc-doat-ke-tuoc-doat/2451812.html