Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng 6/2010, chính phủ Trung Quốc công bố Đề cương Quy hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn 2010/2020, đề xuất mục tiêu đến năm 2020 Trung Quốc phải tiến vào hàng ngũ các cường quốc tài nguyên con người (chữ Hán là "nhân tài cường quốc", "nhân tài" ở đây là tài nguyên con người).

didan1

Họ đã đến Singapore, Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malta, London, Tokyo và New York - bất cứ nơi nào ngoại trừ quê hương Trung Quốc, nơi họ cảm thấy rằng tài sản và sự an toàn cá nhân của họ ngày càng bị chính quyền độc tài kiểm soát.

Một số nhà phân tích cho rằng mục tiêu trên khó đạt được, bởi lẽ lâu nay ở Trung Quốc đang có tình trạng ra đi ngày một nhiều của cộng đồng tinh hoa với đại diện là tầng lớp người mới giàu lên sau 30 năm cải cách mở cửa. Một số người lại cho rằng nếu Trung Quốc kịp thời đưa ra và thực thi tốt chiến lược phấn đấu trở thành cường quốc nhân tài thì hoàn toàn có thể chấm dứt được tình trạng "chảy máu" tầng lớp tinh hoa, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc nhân tài hàng đầu thế giới.

Trung Quốc – một quốc gia thất bại ?

Báo cáo Chính trị và An ninh toàn cầu do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2007 cho biết, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu người di cư lớn nhất thế giới.

Tháng 6/2010, Văn phòng Kiều vụ thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố lượng kiều bào hải ngoại của nước này là trên 45 triệu người, lớn nhất thế giới về số lượng tuyệt đối.

Hiện tượng dân Trung Quốc di cư ra nước ngoài bắt đầu xảy ra từ sau ngày thi hành chính sách cải cách mở cửa. Thập niên 1980 có phong trào xuất khẩu lao động rồi ở lại nước ngoài ; thập niên 1990 – du học rồi ở lại ; thập niên đầu thế kỷ 21– sự ra đi của tầng lớp tinh hoa, mà mấy năm gần đây chủ yếu là những người mới giàu lên.

Sách Chiến tranh nhân tài xuất bản năm 2009 cho rằng Trung Quốc "tuyệt đối là quốc gia thất thoát nhân tài số lượng nhiều nhất, thiệt hại lớn nhất". Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng một số thống kê ngành nghề cho thấy riêng tỉnh Chiết Giang là nơi tập trung nhiều nhà giàu Trung Quốc, hàng năm có ít nhất 1500 người hoàn tất thủ tục ra nước ngoài định cư, và con số này tăng 10/20% hàng năm, phần lớn là thương nhân. Số người muốn ra đi còn nhiều hơn thế. Đây là dịp các công ty môi giới xuất cảnh đua nhau thành lập và hái ra tiền.

Số người ra đi nói trên đều là những người khởi nghiệp trong thời đại lớn này, nhưng bây giờ họ chọn một thân phận khác để sống, không còn giữ địa vị nhà giàu, người có máu mặt ở quê nhà nữa mà chấp nhận địa vị công dân loại bét trong xã hội phương Tây. Rất nhiều người giàu không thừa nhận họ ra đi để hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Suy nghĩ chính khiến họ muốn di cư là vì công việc của mình và vì tương lai của con cái.

Còn có những chuyện đáng tranh cãi hơn : từ năm 1978 tới nay đã có 1,06 triệu học sinh Trung Quốc du học nước ngoài, trong đó chỉ có 275 nghìn người về nước. Nghĩa là có 785 nghìn thanh niên tuấn tú chạy ra ngoài nước, tương đương 30 lần số sinh viên trường Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Tầng lớp tinh hoa ra đi mang theo chất xám, công nghệ, tài sản, và cả niềm tin mà một quốc gia đang trưởng thành không thể thiếu được.

Tình trạng đông đảo người dân bỏ đất nước mình ra nước ngoài sinh sống là một trong các Chỉ số quốc gia thất bại (Failed States Index) – một khái niệm do tạp chí chính trị học nổi tiếng Foreign Policy và một think tank ở Mỹ là Fund for Peace đưa ra năm 2005. Từ đó tới nay năm nào họ cũng công bố bảng xếp hạng các quốc gia thất bại.

Có một sự thật đáng buồn là tuy mấy chục năm nay Trung Quốc liên tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhưng năm 2009 lại bị rơi vào hàng ngũ các quốc gia thất bại nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối 60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất (Trung Quốc xếp thứ 57 trong số 177 quốc gia được khảo sát ; năm 2010 thứ 62 tức khá hơn). Sức ép tổng dân số quá lớn, trong đó có nhân tố thất thoát dân di cư ra nước ngoài, là một trong ba nhân tố chính làm cho Trung Quốc cam chịu số phận hẩm hiu này.

Một điều đáng chú ý : dân Trung Quốc di cư không phải là dân tị nạn như các quốc gia đói nghèo loạn lạc ở Châu Phi, mà là tầng lớp tinh hoa rất cần cho một xã hội mới trưởng thành.

Làn sóng di cư mới

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, tầng lớp người giàu nhanh chóng tăng lên, nhưng các tệ nạn sinh ra trong quá trình chuyển đổi xã hội cũng làm tăng thêm số người không chịu nổi sức ép của giá nhà đất và sự ngột ngạt khi bị kẹp giữa các mâu thuẫn. Khi ấy nước ngoài trở thành nơi tốt nhất để họ tìm đến. Đây là một quá trình lựa chọn có suy nghĩ lý trí của họ.

Một bình luận viên của mạng Reuters tổng kết : đợt dân di cư tinh hoa mới này có 3 đặc điểm :

1. Thành phần chính không chỉ còn là trí thức hoặc cán bộ chuyên môn bậc cao như trước kia, mà là người giàu ;

2. Họ mang đi một lượng tài sản lớn kiếm được tại Trung Quốc ;

3. Sau khi chuyển xong quốc tịch và thu xếp ổn thỏa để con cái ở nước ngoài, họ lại về Trung Quốc tiếp tục làm ăn kiếm tiền trên "chiến trường" quen thuộc này.

Cho dù trước mắt số lượng nhân tài và tài sản thất thoát ra nước ngoài còn chưa quá lớn, song tình trạng ngày một nhiều nhân vật tinh hoa xã hội bỏ đất nước ra đi và trở thành tầng lớp nòng cốt làm ra của cải cho nước ngoài đã gióng lên hồi chuông báo động khiến Trung Quốc phải cảnh giác khi tiến sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Vì lẽ đó, tờ Quốc tế Tiên khu Đạo báo (xuất bản tại Bắc Kinh) đã cử phóng viên đi khắp nơi phỏng vấn những người Trung Quốc bỏ tổ quốc ra đi.

Bà Lỗ Vạn Manh mới đây định cư tại Canada và kiếm được việc làm trong một công ty ô tô địa phương cho biết, câu chuyện ra đi của bà có nhiều tình tiết đau buồn. Vốn dĩ có gia cảnh khá giả, 6 năm trước, bà bỏ việc làm trong một xí nghiệp quốc doanh ăn nên làm ra ở quê nhà, theo chồng lên Bắc Kinh kiếm việc làm, nhưng khi thấy Bắc Kinh chẳng hơn gì chỗ cũ nên hai vợ chồng bàn nhau sang Canada định cư. Chi phí hết một nửa tiền tiết kiệm, bà mới xin được giấy phép mang con sang Toronto định cư, nhưng ông chồng lại không đi được, vì thế rất có thể cuộc hôn nhân của họ sẽ tan vỡ, điều làm bà rất buồn lòng. Sang đây bà chỉ còn là một người dân bình thường nhất chứ không "có máu mặt" như hồi còn ở quê nhà. Nhưng bây giờ bà không hề ân hận về quyết định ra đi. "Tiền thì có thể tiếp tục kiếm, song cảm giác sung sướng và tâm trạng yên tĩnh mới là thứ vô giá, chỉ ở đây mới có", bà nói.

Lỗ Vạn Manh chỉ là trường hợp bình thường nhất trong làn sóng định cư nước ngoài gần đây. Số liệu của Hội các tổ chức môi giới xuất cảnh vì việc riêng ở Bắc Kinh cho thấy : năm 2009 số người Trung Quốc khai báo có visa loại EB-5 [1] sang Mỹ làm dân di cư đầu tư tăng gấp 2 năm trước, từ 500 người năm 2008 tăng lên tới hơn 1000 người. Đồng thời số chuyên gia kỹ thuật xin ra nước ngoài trong 10 năm qua thì nhiều gấp 20 lần số dân di cư đầu tư. Số liệu chính phủ Mỹ công bố cho thấy, lượng người Trung Quốc được duyệt cấp visa EB-5 tăng mạnh trong năm 2010, chiếm khoảng 70% tổng số visa loại này đã cấp.

Canada là nơi người Trung Quốc đến nhiều thứ hai. Cục Xuất nhập cảnh Canada cho biết : năm 2009 có 2055 người nhập cư vào Canada , trong đó 1.000 là người Trung Quốc ; riêng số người Trung Quốc nhập cư tỉnh Quebec tăng 70%.

Australia luôn có cơn sốt nhập cư. Số liệu của Cục Thống kê nước này cho biết : từ 7/2009 tới 1/2010, đã có 7.800 người Trung Quốc đại lục nhập cư Australia, tỷ lệ người Trung Quốc đã vượt tỷ lệ người nhập cư truyền thống từ Anh và New Zealand, và cả Ấn Độ.

Quốc gia-thành phố Singapore nhỏ bé đông dân cũng là điểm đến của nhiều người Trung Quốc muốn con cái họ được đồng thời hưởng hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây.

Những số liệu nói trên cho thấy tình trạng di dân Trung Quốc cực kỳ nghiêm trọng. Ông Hồ Vĩ Lược, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu dân số và kinh tế lao động thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng có lẽ đúng là đã xuất hiện cái gọi là Đợt sóng di dân thứ ba, nhưng không phải chỉ vì số lượng dân di cư tăng lên mà chủ yếu là các đặc điểm của số dân di cư mới này, như học vấn cao, tay nghề cao, giá thành cao, tức tính tinh hoa của quần thể dân di cư. "Đợt di dân thập niên 1980 có tính mù quáng rất lớn, đợt di dân thập niên 90 có tính lý trí nhất định, còn đợt di dân này thì có tính lý trí tổng hợp" – Hồ Vĩ Lược nhận định. "Tính lý trí tổng hợp" là điều được dư luận quan tâm hơn cả khi nói về đợt di cư này.

Lỗ Vạn Manh là thí dụ tiêu biểu của "Tính lý trí tổng hợp". Trước ngày ra nước ngoài, bà có một gia đình hạnh phúc, công việc làm ăn rất tốt, đang trở thành tầng lớp trụ cột của xã hội Trung Quốc, vì thế bà không ham mê ra nước ngoài. Nhưng bà đã bỏ ra 6 năm phấn đấu gian khổ để được ra nước ngoài định cư, mục tiêu của bà không phải vì danh lợi hoặc vì để kiếm tiền, mà chỉ vì muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, muốn được hưởng sự giáo dục tốt hơn và một xã hội tốt lành hơn. Đó là logic điển hình của tầng lớp tinh hoa mới ở Trung Quốc.

Có điều đáng chú ý : tại Trung Quốc, tinh hoa (elite) là một khái niệm mù mờ ; khi gắn với nhân tài thì nó có nghĩa là trách nhiệm, khi gắn với tài sản thì nó đại diện cho những người đã được hưởng lợi trong mấy chục năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, khi gắn với quyền thế thì nó biến thành từ ngữ nói lên sự bất công trong xã hội. Khi tinh hoa và dân di cư tổ hợp thành một phức từ thì nó báo trước một vấn đề lớn không cho phép bỏ qua trong quá trình trưởng thành của một quốc gia.

didan00

Khi phép lạ kinh tế của Trung Quốc lụi tàn, các nhà lãnh đạo nước này có xu hướng chấp nhận rủi ro hơn.

Mất cả người lẫn của ?

Học giả Tăng Tỉnh Tồn ở Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng kết luận "mất cả người lẫn của" có lẽ còn quá sớm. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, việc xuất hiện làn sóng di cư có tính tất nhiên và tính hợp lý. Trên thực tế, trước đại lục Trung Quốc thì Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, và thậm chí một số nước phát triển cũng từng xuất hiện làn sóng di cư ra nước ngoài của giới tinh hoa. Dư luận hồi ấy phổ biến cho rằng hiện tượng đó gây thiệt hại cho Đài Loan, nhưng về sau qua việc "lưu chuyển nhân tài" thì lại thấy rất hữu ích. Làn sóng di cư từ đại lục Trung Quốc gần như diễn lại cảnh từng xảy ra tại Đài Loan năm xưa.

Dưới thời hai cha con họ Tưởng cai trị, các gia đình bình thường ở Đài Loan coi du học nước ngoài là ước muốn cao nhất đối với con cái mình. Trong thời kỳ cao trào du học hồi thập niên 1970-1980, chỉ có 20% số du học sinh về Đài Loan làm việc. Trong 10 năm qua, Đài Loan lại đóng góp cho Australia 90 nghìn dân di cư, trong đó số người có trí thức tăng dần. Thế nhưng xét tình hình hiện nay, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ chưa thấy xảy ra thiệt hại không thể bù đắp do dân di cư ra nước ngoài. Đó là do bản thân việc lưu chuyển nhân tài có tính tuần hoàn, ngoài ra còn một lý do quan trọng hơn là hồi ấy 3 nước và lãnh thổ nói trên đều áp dụng các biện pháp đúng đắn để thu hút nhân tài và mở đường cho họ về nước.

Đại lục Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm rất lớn về mặt đào tạo và thu hút nhân tài trong 10 năm tới bằng việc vừa mới công bố Đề cương quy hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn nhà nước.

Vì sao họ bỏ đất nước ra đi ?

Dư luận Trung Quốc rất quan tâm tới hiện tượng ngày càng có nhiểu người xuất ngoại. Sự nối nhau ra đi của các ngôi sao điện ảnh-truyền hình-truyền thông họ yêu quý đã gây xôn xao dư luận : Lý Liên Kiệt, Trần Khải Ca… sang Mỹ ; Trần Minh, Tưởng Đại Vi… sang Canada. Việc Củng Lợi nhập quốc tịch Singapore (11/2008) được dân mạng bàn tán sôi nổi nhất, có lẽ vì chị quá nổi tiếng trong giới điện ảnh và đồng thời còn là Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc. Lý Liên Kiệt (chuyển sang Mỹ), Triệu Vi, v.v… đã noi gương chị. Dân mạng Trung Quốc xôn xao bàn tán chuyện trên và không ít người chê trách các ngôi sao ấy "không yêu nước".

Có khá nhiều cách giải thích lý do xuất ngoại, tuy không phải ai cũng thật lòng nói ra. Dĩ nhiên người ra đi chỉ vì muốn tìm kiếm lợi ích cho bản thân và cho con cái ; chủ yếu là muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. Họ cho rằng phương Tây có đời sống yên bình, thanh thản, trật tự, ổn định hơn Trung Quốc, các dịch vụ và phúc lợi công cộng hoàn hảo. Giáo dục ở phương Tây thích hợp hơn, khác hẳn nền giáo dục Trung Quốc trọng thi cử, hành hạ lũ trẻ đến mức làm chúng sợ đi học. Còn có các lý do khác như giữ quốc tịch Trung Quốc thì đi đâu cũng phải xin visa, rất phiền phức mất thời giờ, trong khi nếu có quốc tịch Mỹ, Nhật, Singapore… thì có thể đi trên 130 nước mà không cần xin visa, rất tiện cho những ngôi sao điện ảnh-truyền hình luôn phải ra nước ngoài đóng phim hoặc hội họp. Cũng có người nói họ muốn sinh con thứ hai, thứ ba (ở Trung Quốc chỉ được sinh một con)…

Giới nhà giàu Trung Quốc xuất ngoại với những lý do có chút khác. Họ rất nhạy cảm với sự an toàn tài sản của mình. Tuy từ lâu Trung Quốc đã ban hành điều luật bảo đảm tài sản cá nhân, nhưng trên thực tế những người giàu đều chưa yên tâm.

Tại Trung Quốc, các doanh nhân không thể yên tâm chỉ làm kinh doanh, mà phải bỏ nhiều công sức lo dàn xếp "quan hệ" với chính quyền. Các doanh nghiệp có quá nhiều "mẹ chồng" để mắt trông coi, quản lý họ. Nhất là các doanh nghiệp giàu có thì chẳng khác gì miếng thịt béo ai cũng muốn xà xẻo kiếm chút lợi ích. "Làm kinh doanh ở Trung Quốc mệt lắm" – ông Chu Tân Lễ, Chủ tịch công ty Hội Nguyên có lần bộc bạch trên Đài Truyền hình trung ương.

Ngô Giai Xuyên, 42 tuổi, nhà kinh doanh bất động sản có tài sản cỡ chục triệu Nhân Dân Tệ thổ lộ : tôi không có cảm giác an toàn khi kinh doanh ở Trung Quốc, luôn nơm nớp lo sợ chẳng biết một ngày nào đó sẽ có một ban ngành nào đấy lấy một lý do nào đó làm tan tành toàn bộ sự nghiệp tôi gây dựng được. "Tôi làm nghề bất động sản, ai cũng nghĩ đây là một ngành mà chính quyền và doanh nghiệp xỏ chung một chiếc quần. Thực ra đâu phải thế. Mỗi lần bàn bạc với chính quyền một dự án nào, bao giờ tôi cũng bực tức đầy bụng", ông Ngô nói.

Ông kể : Cách đây vài năm, tôi làm một dự án ở huyện, nhà xây xong chưa bán hết, vì quá thiếu tiền mặt nên đành ký với cơ quan thuế huyện ấy một thỏa thuận "Dùng nhà nộp thuế". Về sau cơ quan ấy không báo chúng tôi biết mà tổ chức bán đấu giá, đem bán nhà chúng tôi xây cho cán bộ cơ quan họ với giá bằng nửa giá ấn định trong thỏa thuận. Nhà bán hết nhưng thuế thì chưa nộp, thế là chúng tôi nhận được thông báo "trốn thuế". Rắc rối ấy kéo dài 1 năm rưỡi mới giải quyết xong, công ty tôi chịu thiệt hại rất lớn. Lẽ ra tôi có quyền kiện vụ này ra tòa, nhưng dân kiện quan thì giá thành rất cao, tôi sao lo được tiền, đành chịu thua.

Từ lần đó trở đi tôi thực sự cảm thấy không còn chút cảm giác an toàn nào nữa. Có quá nhiều cơ quan nhà nước có thể "hành" doanh nghiệp. Khiếp nhất là khi cán bộ giải quyết sai một vụ việc nào đấy thì họ thà dùng một cái sai khác để che giấu cái sai kia, và cũng chẳng nhận họ sai, chỉ doanh nghiệp là chịu thiệt. Nếu tôi đãi đằng họ không chu đáo thì công ty lập tức gặp khó khăn. Mỗi ngày tôi làm việc 18 tiếng đồng hồ, phải dốc sức đối phó sự quấy nhiễu của các cơ quan giám quản, ngày nào cũng lu bù mời họ nhậu nhẹt khiến tôi mệt muốn chết.

Nghe bạn bè nói ra nước ngoài làm ăn thoải mái hơn nhiều, không cần quan hệ với chính quyền, thuế má cũng nhẹ, làm được hay không là do mình thôi. Môi trường như thế thật quá thu hút tôi. Rất nhiều doanh nhân bạn tôi đều muốn di cư. Tôi cho rằng nhà nước nên có chút cảm giác về nguy cơ này, Ngô Giai Xuyên kết thúc trả lời phỏng vấn.

Sự chán ghét cơ chế giáo dục xơ cứng thiếu tính nhân văn ở Trung Quốc là một nguyên nhân khác khiến người ta muốn di cư. Nhìn chung các nhà giàu Trung Quốc thường để con họ học xong cấp 3 rồi đưa cả gia đình ra nước ngoài để chúng học đại học. Họ cho rằng giáo dục cơ sở ở Trung Quốc rất có ích cho việc trau dồi kiến thức phổ thông, nhưng giáo dục đại học thì chất lượng còn thấp, khâu thi cử gây nhiều phiền hà.

Phần lớn các nhà giàu Trung Quốc mới đây di cư ra nước ngoài đều chia sẻ quan điểm nói trên của ông Ngô. Đúng là chính quyền chưa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nhân, khiến họ luôn có cảm giác không an toàn ; lại thêm cơ chế giáo dục lạc hậu khiến họ lo lắng cho tương lai của con cái mình. Đây là hai lý do chính khiến nhiều doanh nhân mới giàu lên nảy sinh ý định ra nước ngoài.

Nguyễn Hải Hoành

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/10/2023

[1] Là loại visa do chính phủ Mỹ đặt ra nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi năm Mỹ cho phép nhận 10.000 người nhập cư theo diện visa EB-5. Muốn có visa này, người nhập cư phải đầu tư vào Mỹ ít nhất 1 triệu USD (hoặc 0,5 triệu nếu đầu tư vào khu vực tạo việc làm) ; phải lập công ty mới ; phải tạo ra việc làm cho ít nhất 10 người Mỹ trong ít nhất hai năm …

Published in Diễn đàn
mercredi, 21 septembre 2022 14:09

Hồng Kông chảy máu chất xám

Hồng Kông chảy máu chất xám, trung tâm tài chính kinh tế của Châu Á bị lung lay ?

Những biện pháp khắt khe của chính sách Không Covid cũng như cuộc đàn áp chính trị của Bắc Kinh đối với hòn đảo, khiến nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp quyết định dời khỏi Hồng Kông. Trong số đó, có người là chuyên gia về công nghệ, người là nhà khoa học, người là giáo viên, khiến Hồng Kông phải đối mặt với một cuộc đại di cư - chảy máu chất xám.

hongkong1

Hình ảnh minh họa chảy máu chất xám ở Hồng Kông © Canva

Theo số liệu của Cục điều tra dân số và thống kê Hồng Kông, hơn 100 000 người đã rời khỏi hòn đảo trong năm qua. Dân số giảm từ 7,41 triệu vào giữa năm 2021 xuống còn 7,29 triệu giữa năm 2022. Số người trong độ tuổi lao động xuống còn 3,75 triệu người, đây là con số thấp nhất từ 10 năm qua, theo AFP.

Những quy định nghiêm ngặt của chính sách "Không Covid" trong hơn hai năm qua, khiến Hồng Kông bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Chính sách đàn áp thẳng tay những người bất đồng chính kiến, bắt đầu từ năm 2019, như Luật An Ninh Quốc Gia cũng như những áp đặt của Bắc Kinh đối với các trường học gần đây, (chỉnh sửa chương trình giảng dạy gần với tư tưởng của đảng Cộng Sản), tất cả những yếu tố này khiến nhiều gia đình và các doanh nghiệp quốc tế quyết định rời khỏi hòn đảo. Các bài đăng tìm dịch vụ chuyển nhà tràn ngập trong các nhóm "Expat" trên mạng xã hội ở Hồng Kông. Một số bình luận chỉ ra rằng các hãng vận chuyển không còn lịch trống vào tháng 7 và tháng 8 do quá nhiều đơn hàng.

Tình hình kinh tế và xã hội của Hồng Kông bị ảnh hưởng như thế nào trước tình trạng "chảy máu chất xám" ?, dù đây không phải là một hiện tượng mới mẻ.

Để tìm câu trả lời, RFI tiếng Việt trao đổi với nhà kinh tế học Gary Ng, làm việc tại Natixis, có trụ sở ở Hồng Kông, chuyên tư vấn về đầu tư cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân tại Châu Á Thái Bình Dương.

hongkong2

Gary Ng, nhà kinh tế học tại Natixis, có trụ sở tại Hồng Kông. © Kenneth Lim

RFI : Trước tiên, ông Gary Ng, liệu ông có thể nhắc lại những lợi thế, khiến Hồng Kông trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đầu tư từ hơn 20 năm qua ?

Gary Ng : Theo tôi, Hồng Kông có những lợi thế từ trước đến giờ vẫn không thay đổi, mặc dù nhiều thứ đã đổi thay. Dĩ nhiên đó là vị trí địa lý tốt – trung tâm của Châu Á và gần với Trung Quốc, là cầu nối giữa các doanh nghiệp phương Tây hoặc của các nước khác với Châu Á. Thêm vào đó, hệ thống thuế rất đơn giản. Hồng Kông cũng đưa ra nhiều ưu đãi về thuế, các doanh nghiệp không phải trả quá nhiều. Đây là một điểm cộng lớn đối với Hồng Kông. Sân bay của Hồng Kông từng là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới, có thể ít nhất là bây giờ không còn được như vậy. Cảng của Hồng Kông cũng là một trong những cảng lớn nhất thế giới. Tất cả những điều này dựa vào tốc độ tăng trưởng, cũng như chi phí sản xuất thấp ở Trung Quốc, kích thích hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng khác nhau ra thế giới, thông qua Hồng Kông.

RFI : Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng chảy máu chất xám hiện nay đối với nền kinh tế Hồng Kông ? Đâu là những nguyên nhân chính ?

Gary Ng : Hiện nay, tình hình kinh tế không được tốt cho lắm, đơn giản là vì nền kinh tế phải chịu nhiều áp lực khác nhau. Theo tôi, nguyên nhân chính đó chính sách "Không Covid" được áp dụng ở Hồng Kông. Hòn đảo vẫn chưa quay trở lại hoạt động bình thường, giống như trước năm 2020, khi mà các quốc gia khác trên thế giới đã mở cửa lại. Đây là một bất lợi của Hồng Kông so với thế giới.

Dĩ nhiên vẫn còn một lý do khác, không kém phần quan trọng, đó là rủi ro địa chính trị, không chỉ về Hồng Kông mà là về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xuống cấp. Các rủi ro về chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp trên thế giới tìm cách đa dạng nguồn cung, không sản xuất tất cả các mặt ở Trung Quốc mà ở cả các nước khác nữa, ví dụ như ở Việt Nam, hay ở các nước khác.

Cả hai lý do này đều quan trọng như nhau. Nhiều nhân tài cũng như đội ngũ chuyên gia đã quyết định rời khỏi Hồng Kông vì họ cho rằng các biện pháp chống dịch có thể quá khắt khe so với những khu vực khác. Chính sách Không Covid là áp lực về ngắn hạn, khiến mọi người rời đi. Đối với lý do về chính trị, như Luật An Ninh Quốc Gia. Khi chúng ta nhìn vào số đơn xin quốc tịch Anh cho đến nay, hơn 140 0000 đơn, đây không phải là một con số nhỏ. Do đó, lý do chính trị đã đẩy không ít người rời khỏi Hồng Kông. Tình trạng này có thể duy trì về lâu về dài. Như vậy, Hồng Kông sẽ dẫn mất đi sức hấp dẫn. Chất lượng sống của người dân hay khả năng cạnh tranh của hòn đảo đều bị ảnh hưởng.

RFI : Theo thăm dò của Hong Kong Investment Funds Asscociation thực hiện, hơn hai phần ba các doanh nghiệp thuộc tổ chức này đã dời văn phòng thậm chí là trụ sở ở Hồng Kông đến nơi khác. Theo ông, vậy trung tâm tài chính Hông Kông có phải đang gặp rủi ro hay không ?

Gary Ng : Đúng vậy, rủi ro lớn nhất của Hồng Kông phải đối mặt hiện nay đó là các doanh nghiệp bắt đầu tìm giải pháp thay thế trong ngắn hạn nếu chính sách Không Covid không bao giờ có hồi kết. Đó là quyết định rời đến Singapore, Seoul, Sydney hay các nơi khác trong khu vực.

Điều mà tôi lo lắng nhất hiện nay đó là các trung tâm tài chính khác sẽ được tạo ra. Hoặc là Singapore sẽ lợi dụng tình thế này để thu hút các doanh nghiệp di chuyển đến đó. Trong tương lai, có thể các doanh nghiệp không cần đến Hồng Kông để tiếp cận với thị trường Châu Á và Trung Quốc nữa, vì họ đã tìm được giải pháp thay thế. Thế nhưng, tôi cho rằng câu hỏi đặt ra là, không phải Hồng Kông có còn là trung tâm tài chính hay không mà là liệu Hồng Kông có phát triển như mong đợi hoặc nhanh hơn

RFI : Theo ông, kịch bản xấu nhất đối với kinh tế Hồng Kông là gì ?

Gary Ng : Kịch bản xấu nhất đó là việc Hồng Kông không thể mở cửa sớm trở lại và mất đi khả năng cạnh tranh, mất đi thị trường trong khu vực. Nếu đem so sánh thì tình hình hiện nay giống như một cuộc thi chạy : Hồng Kông chạy chậm còn các đối thủ khác chạy nhanh hơn. Khoảng cách giữa Hồng Kông và các đối thủ sẽ ngày càng rộng ra. Đây chính là rủi ro lớn nhất của Hồng Kông. Nếu nhìn vào hoạt động ở sân bay, tại Singapore, khoảng 60 % hoạt động đã phục hồi trở lại, nhưng ở Hồng Kông chỉ khoảng 20 %. Về lĩnh vực tài chính, hiện nhiều công ty đang tính đến việc chuyển trụ sở đến Singpore.

Tình hình địa chính trị toàn cầu đã thay đổi trong thời gian gần đây. Nếu tình trạng chia rẽ giữa Trung Quốc và phương Tây tiếp tục trầm trọng hơn thì chúng ta có thể tính đến trường hợp nền kinh tế Hồng Kông sẽ không còn đa dạng nữa và tăng trưởng kinh tế cũng không được như trước kia. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng, kinh tế Trung Quốc, dù gặp phải nhiều vấn đề, nhưng vẫn là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, do vậy Hồng Kông vẫn sẽ còn cơ hội phát triển. Mặc dù kỷ nguyên vàng của toàn cầu hoá, cho phép Trung Quốc bước vào hoặc đầu tư vào các nước mới nổi trên thế giới, đã kết thúc. Hiện giờ, phải xem liệu Trung Quốc có cố gắng để sống sót trong trật tự thế giới mới, hoặc cố gắng nắm bắt các cơ hội khác nhau.

Hòn đảo cũng sẽ mất khả năng xây dựng đội ngũ nhân tài. Việc những doanh nghiệp, cũng như lao động kỹ thuật cao trong lĩnh vực công nghệ rời đi, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ chính sách trừng phạt của một số nước phương Tây đối với các sản phẩm, thiết bị công nghệ từ Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó nhiều doanh nghiệp công nghệ cao ở Hồng Kông có thể sẽ không bị đối xử tách biệt khỏi Trung Quốc vì mối quan hệ chính trị gần đây.

RFI : Tình trạng chảy máu chất xám tác động như thế nào đến xã hội Hồng Kông ?

Gary Ng : Đầu tiên, tôi cho rằng các tài trợ đổ vào các trường đại học ở Hồng Kông sẽ không còn được như trước kia. Các trường đại học cũng khó thu hút và xây dựng được đội ngũ giáo sư cũng như các nhà khoa học. (4000 giáo viên đã nghỉ việc trong năm học 2021-2022, tỷ lệ cao nhất trong 5 năm vừa qua, và tăng 70 % so với năm trước đó). Ngoài thách thức về việc mất đi đội ngũ lao động chất lượng cao, Hồng Kông còn phải đối mặt với tình trạng dân số già. Hồng Kông đã ở trong tình trạng mà dân số ở tuổi lao động âm. Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm, chính phủ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng về phúc lợi xã hội, và cả về thuế thu nhập. Đây sẽ là một câu hỏi nan giải.

RFI : Đợt "chảy máu chất xám lần này" có gì khác so với cuộc di cư từ những năm 1980 ?

Trước kia, áp lực di cư có thể thấy rõ hơn, mọi người rời đi trong một giai đoạn ngắn. Nhưng lần này tôi nghĩ bối cảnh và kinh tế Hồng Kông đã thay đổi so với 30 - 40 năm trước. Khi nói về việc rời khỏi Hồng Kông tức là cả người và tài sản đều đi theo. Hiện nay, dù có những số liệu chỉ ra nhiều người đang rời khỏi Hồng Kông, nhưng cả về số lượng người cũng như của cải, đều không thể so sánh so với trước kia. Thứ nhất, GDP của Hồng Kông đã tăng cao rất nhiều so với cách nay 40 năm. Tức là mọi người có lương cao hơn và nhiều của cải hơn. Trước kia, khi rời Hồng Kông, mọi người thường bán tất cả tài sản nếu cần phải đi đến 1 nước khác sống. Lần này, nhiều người ra đi những vẫn để lại một phần của cải của họ ở đây. Ví dụ như nếu có hai ngôi nhà thì họ chỉ bán một rồi mang số tiền đó đến Anh Quốc sinh sống, vì họ biết có thể dễ dàng cho thuê căn hộ còn lại ở Hồng Kông và tạo ra thu nhập. Do vậy áp lực về tài chính từ việc di dân có thể không lớn như trước kia. Thế nhưng, nếu tình này tiếp tục và không thay đổi thì Hồng Kông sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

RFI : Theo ông, chính phủ Hồng Kông có thể làm gì ?

Gary Ng : Tôi nghĩ cách tốt nhất trong ngắn hạn đó là nới lỏng chính sách "Không Covid". Thêm vào đó là đưa ra chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhằm giữ chân họ lại, vì đây là cách nhanh nhất để giảm khoảng cách của HK với thế giới. Ví dụ như với việc cấp visa lao động dễ dàng hơn nữa, đưa thêm các chính sách ưu đãi về thuế, đặc biệt là với các công ty công nghệ cao. Tuy nhiên điều này chỉ mang tính tương đối, vì tôi chắc rằng rất nhiều nơi khác cũng có thể làm tương tự để thu hút nhân tài. Bởi vì, thế giới đang cạnh tranh tìm kiếm nhân tài, nhất là trong ngành công nghệ cao.

Chi Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 21/09/2022

Published in Diễn đàn

Trung Quốc là đại cường đang lên nhưng đã có vấn đề chảy máu chất xám nhất là trong ngành công nghệ trong thập kỷ qua.

chatxam1

Mobile World Congress Shanghai- những năm qua, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ

Ta có thể viện dẫn trước hết một công bố gần đây của một viện nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc về hiện tượng này.

Thinktank Marco Polo từ trường đại học Chicago Mỹ cách đây không lâu vừa làm một khảo sát về chuyên gia ngành trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, dựa vào số bài nghiên cứu được chấp nhận tham gia hội thảo AI quyền uy nhất thế giới NeurIPS năm 2019.

Có 15.920 nhà nghiên cứu nộp 6.614 bài viết tham gia hội thảo với tỷ lệ chấp nhận là 21,6%. Marco Polo dựa vào số liệu của 21,6% bài viết được chấp nhận để khảo sát nghiên cứu tác giả của các bài viết, những người được coi là nhân tài AI hàng đầu thế giới (top-tier talent).

Kết quả khảo sát cho thấy gì ? Nó cho thấy rằng 59% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại các trường đại học và công ty Mỹ, 2/3 trong số này học cử nhân ở các trường đại học bên ngoài Mỹ. Điều này cho thấy, Mỹ là nơi thu hút nhân tài công nghệ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.

Đáng chú ý hơn, trong số các nhân tài công nghệ quốc tế hàng đầu đang làm việc ở Mỹ, đa phần đến từ Trung Quốc, 29% trong số họ học bậc cử nhân ở Trung Quốc và số đông tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Nhân tài làm việc ở đâu và xuất xứ ?

Trong số nhân tài AI hàng đầu thế giới vẫn theo nguồn này, 59% chọn đến Mỹ làm việc, 11% chọn Trung Quốc ; 29% nhân tài AI hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ chiếm 20%.

Khảo sát cũng quan tâm đến các thông tin quan trọng là các nhà nghiên cứu AI làm việc trong các trường đại học và công ty ở Mỹ đến từ đâu và bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp và có học vị Tiến sĩ (Ph.D) ở Mỹ.

Và các số liệu khảo sát cho thấy trong số các chuyên gia AI đang làm việc trong các trường đại học và công ty của Mỹ, 27% đến từ Trung Quốc.

Còn các chuyên gia AI người Trung Quốc sau khi được đào tạo bậc cử nhân ở những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, số đông lựa chọn ra nước ngoài, đặc biệt Mỹ, để học tiếp chương trình sau đại học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, 88% chọn ở lại Mỹ lập nghiệp, 10% trở về nước.

Trong số 25 trường đại học và công ty tập trung các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, Trung Quốc góp mặt Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh ; Mỹ có 18 gồm Google, Đại học Stanford, MIT, UC Berkeley, và Anh có một là đại học Oxford ; Châu Âu có ba và Canada có một.

Một xu thế được xác nhận

Thực tế này đã được tờ Bắc Kinh tuần bá北京周của Trung Quốc xác nhận, theo đó rất nhiều chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã sang Mỹ làm việc, tập trung trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đại học Thanh Hoa được cho là tổn thất nhiều nhất.

chatxam2

Dịch vụ của công ty mạng 360 tại TQ

Cuối tháng 4/2021, Viện khoa học Hoa Kỳ công bố danh sách các viện sĩ năm 2021, có 7 viện sĩ là người Hoa trong đó một người mang quốc tịch Trung Quốc.

Nhà khoa học Nhan Ninh (颜宁) là một ví dụ, cô đang là giảng viên của Đại học Thanh Hoa trước khi quyết định sang Mỹ định cư.

Năm 2019, cô được bầu là Viện sĩ quốc tịch nước ngoài của Viện khoa học Hoa Kỳ. Cô được coi là nhà sinh học hàng đầu thế giới hiện nay và khi được hỏi lý do chọn nước Mỹ, câu trả lời duy nhất của cô là "tự do".

Còn Trung tâm an ninh và công nghệ mới (Center for Security and Emerging Technology), một thinktank khác của Mỹ cho biết, năm 2018, tỷ lệ chuyên gia người Trung Quốc trong lĩnh vực AI sau khi lấy bằng Tiến sĩ chọn quay trở về Trung Quốc là dưới 10%.

Lý Phi Phi (飞飞) là trường hợp người Hoa điển hình thành danh ở Mỹ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ, cô là chuyên gia AI hàng đầu ở Google.

Trung Quốc 'xuất siêu', Mỹ 'nhập siêu'

Một nguồn khác cho thấy bức tranh chung về chảy máu chất xám ở Trung Quốc có thể thấy khi tham khảo một tạp chí về chính trị học.

Theo phân tích của Berkeley Political Review mới đây công bố hôm 28/5/2021, nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám nhân tài công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc với Mỹ "nhập siêu" và Trung Quốc "xuất siêu".

Các lý do bao gồm những yếu tố chính sau :

- Lương và đãi ngộ cao : các trường đại học và công ty Mỹ trả lương cho chuyên gia công nghệ người nước ngoài với mức lương cao cạnh tranh và nhiều phúc lợi đi kèm là ưu thế nổi trội so với cùng vị trí khi họ làm ở những quốc gia khác, đặc biệt ở Trung Quốc.

- Chất lượng và môi trường làm việc chuyên nghiệp, tự do sáng tạo, dễ dàng kết nối với thế giới (đặc biệt các quốc gia nói tiếng Anh), là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp trong tương lai.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc cũng là yếu tố khiến các bộ óc hàng đầu cân nhắc làm nơi lập nghiệp và sinh sống cho gia đình họ.

Cuối cùng, một nghịch lý là chính sách nhập cư bị kiểm soát chặt của Trung Quốc khiến nhà khoa học nhập cư không thể xin được quyền định cư ở nước này.

Trung Quốc đối phó thế nào ?

Để đối phó lại, Trung Quốc đã và đang tiến hành một số chính sách, trong đó có kế hoạch 'Nước chảy về nguồn' hay 'Chương trình 1000 nhân tài' là một ví dụ.

Năm 2003, Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập Ban điều hành vấn đề nhân tài trung ương (中央人才工作协调小组), tập trung giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.

Năm 2007, ông Lý Nguyên Triều (李源潮) nguyên Bí thư tỉnh Giang Tô được đề cử là Trưởng ban tổ chức trung ương, sau đó làm Bí thư Ban bí thư. Sau ông được giao xây dựng Kế hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn và Kế hoạch thu hút nhân tài người Hoa xuất chúng thành danh ở hải ngoại (海外高层次人才引进计划 - Overseas High-level Talent Recruitment Programs).

Để đảm bảo an toàn cho những người tham gia, Kế hoạch thu hút nhân tài người Hoa hải ngoại được đặt dưới tên gọi Kế hoạch 1.000 người (千人计划 - 1000 Talents Plan).

Nội dung của kế hoạch là bắt đầu từ năm 2008, trong vòng 5 đến 10 năm, thu hút khoảng 2.000 người Hoa ở hải ngoại là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực khoa học công nghệ, về nước tham gia các dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vườn ươm công nghệ, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp nhà nước.

Tháng 12/2010, tại Quảng Châu, Lý Nguyên Triều giới thiệu Kế hoạch 1.000 tài năng trẻ (青年千人计划 - Young Thousand Talent Program) nhằm thu hút 2.000 tài năng trẻ người Hoa dưới 40 tuổi trên khắp thế giới trước năm 2015. Theo thống kê, năm 2012, các chương trình tổng cộng thu hút được 3.319 người trên mọi lĩnh lực, năm 2014 vượt trên 4.000 người.

chatxam3

Nguồn tài năng Trung Quốc được đào tạo ở con số hàng trăm nghìn những năm qua tại chính các đại học, viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, Anh và các nước Phương Tây

Hàng ngàn người được thu hút

Tính đến năm 2018, chương trình thu hút ước tính khoảng 7.000 người tham gia. Những người tham gia chương trình đều làm việc toàn thời gian (full-time) ở Trung Quốc, khi về nước được nhận khoản tiền ổn định cuộc sống ban đầu từ 500.000 - 1 triệu RMB (Nhân dân tệ).

Trong quá trình làm việc sẽ nhận các khoản kinh phí nghiên cứu hàng triệu RMB từ ngân sách trung ương và địa phương, được cung cấp phòng thí nghiệm, đội ngũ hỗ trợ nghiên cứu.

Bên cạnh đó, người trúng tuyển còn được nhận rất nhiều phúc lợi khác như ưu tiên mua nhà, tiền lương cho vợ/chồng, tiền học cho con, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cả gia đình.

Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục triển khai chương trình tuyển dụng part-time những nhân tài người Hoa xuất chúng trên thế giới.

Tham gia chương trình này, ứng viên vẫn giữ công việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng về nước tham gia những dự án sáng tạo khoa học công nghệ trong nước.

Theo thống kê, năm 2011, có 374 Hoa kiều hải ngoại về làm trong các trường đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc (99 người làm full-time - toàn thời gian, 275 người làm part-time - bán thời gian), chiếm 74,7% ; 45 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp nhà nước (36 người full-time, 9 người part-time), chiếm 9% ; 82 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp tư nhân (73 người làm full-time, 9 người part-time), chiếm 16,4%. Chương trình này còn mở rộng cho cả các nhà nghiên cứu quốc tịch nước ngoài không phải người gốc Hoa.

Yêu cầu cơ bản đối với những người trúng tuyển phải là giáo sư, chuyên gia cao cấp trở lên, có danh tiếng trên thế giới trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của họ, đang làm việc tại những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới ; kỹ sư IT (công nghệ thông tin) cao cấp hoặc nhân viên quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ hay tập đoàn tài chính lớn ; những người sở hữu bằng sáng chế hoặc công nghệ tiên tiến.

Chảy máu tự nhiên hay nhân tạo ?

Với sự lớn mạnh nhanh chóng của các đại gia công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent, ByteDance, nhiều kỹ sư công nghệ và nhà khoa học người Hoa, đặc biệt trong lĩnh vực AI đã dần đầu quân về với những ông lớn công nghệ này.

Các công ty trên đều có trụ sở tại San Francisco, đội ngũ tuyển dụng của họ thu hút nhân tài người Hoa của Google, Facebook, Apple ngay trên đất Mỹ bằng mức lương hẫp dẫn, môi trường làm việc nói tiếng Hoa, thậm chí căng-tin của công ty cũng cung cấp đồ ăn Trung Quốc. Sau một thời gian, nhiều người trong số họ về Trung Quốc làm việc với vị trí cao và đãi ngộ hấp dẫn hơn khi làm ở Mỹ.

Vì vậy, những năm gần đây xuất hiện xu hướng, nhiều chuyên gia và nhà khoa học lĩnh vực AI người Trung Quốc sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, ở lại Mỹ làm việc khoảng 5 năm sau đó quay về Trung Quốc làm việc.

Không thể bỏ qua yếu tố văn hoátrong quyết định lựa chọn nghề nghiệp của người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa.

Người Hoa nói chung có tâm lý "lá rụng về cội", sự gắn kết trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại rất mạnh. Nếu mức độ đãi ngộ phù hợp, họ luôn muốn về Trung Quốc làm việc và "cống hiến" vì tình cảm gắn bó nguồn cội.

Lý Phi Phi từng tuyên bố, nếu một ngày tôi được nhận giải Nobel, tôi sẽ nhận giải với tư cách là người Trung Quốc.

Mỹ đối phó ra sao ?

Ngày từ năm 2015, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã để mắt tới Chương trình 1000 nhân tài của Trung Quốc. Đến năm 2018, FBI công khai việc bắt giữ các nhà khoa học người Hoa tham gia Chương trình 1000 nhân tài với cáo buộc những người này hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ chuyển về Trung Quốc.

Phía Trung Quốc ngay sau đó đã xóa danh sách những người tham gia chương trình. Tháng 6/2018, Chính phủ Mỹ rút ngắn thời hạn visa học tập của du học sinh Trung Quốc theo học một số chuyên ngành nhạy cảm như IT, AI, vũ trụ… từ 5 năm xuống còn một năm.

Tháng 9/2019, trên mạng xã hội Mỹ lưu truyền thông tin FBI đưa Chương trình 1.000 nhân tài của Trung Quốc vào diện trọng điểm điều tra, tiến hành điều tra từng người trong danh sách, nhiều người đã bị bắt. Đã có những kỹ sư công nghệ người Hoa từng làm việc cho Google, sau khi về nước đầu quân cho Baidu, ByteDance, Tencent nói, những ông lớn công nghệ Trung Quốc copy rất nhiều mô hình quản lý và công nghệ của Google.

Từ ngày 18/4/2020, từ khóa "千人计划" (Chương trình 1.000 nhân tài) biến mất trên các công cụ tìm kiếm như Baidu, Sougou và mạng xã hội như Wechat, Weibo của Trung Quốc.

Những biến động gần đây

Những biến động gần đây đối với người sáng lập Alibaba, Pinduoduo, ByteDance là rất đáng quan tâm. Ngày 10/9/2019, Jack Ma (马云-Mã Vân)) chính thức "nghỉ hưu", bàn giao chức vụ Chủ tịch tập đoàn Alibaba, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Alibaba không chỉ hoạt động mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, còn lấn sân sang thanh toán điện tử, tài chính, bảo hiểm...

chatxam4

Sinh viên Việt Nam chụp ảnh trước tấm pano có hình ảnh Jack Ma trước sự kiện "Đối thoại cùng Jack Ma" tại Hà Nội năm 2017

Sau đó Alipay, một nền tảng thanh toán trực tuyến nổi tiếng của Alibaba với 500 triệu người dùng vướng vào tranh cãi về vấn đề sở hữu, sau đó Jack Ma tuyên bố sẵn sàng "dâng" Alipay cho chính phủ Trung Quốc, mặc dù từ năm 2011 Jack Ma đã tách Alipay ra khỏi tập đoàn Alibaba.

Một sự kiện gây chấn động Trung Quốc và thế giới là Ant Group bị buộc ngừng phát hành cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong ngay phút thứ 89.

Nguyên nhân khởi phát được cho là do bài phát biểu của ông Jack Ma, đồng sáng lập Ant Group, ngày 24/10/2020 tại một diễn đàn về tài chính tại Thượng Hải.

Ông Jack Ma đã gây kinh ngạc khi chỉ trích trực diện và gay gắt lãnh đạo ngành tài chính Trung Quốc và gián tiếp phê phán sự lạc hậu trong tư duy của lãnh đạo Trung Quốc. Bài nói của ông Jack Ma được cho là khiến ông Tập Cận Bình vô cùng tức giận và trực tiếp "đập bàn" quyết trừng trị.

Từ sau bài nói này và sự cố đối với Ant Group, ông Jack Ma gần như biến mất.

Tháng 4/2021, Reuters đưa tin, Jack Ma bị ép bán lại toàn bộ cổ phần của ông tại Ant Group cho doanh nghiệp đại diện nhà nước. Tài sản của Jack Ma hiện ước tính 46,6 tỷ USD.

Tháng 3/2021, Hoàng Tranh (), người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo nổi tiếng Trung Quốc đột ngột tuyên bố rút khỏi vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Pinduoduo. Ông từng học thạc sĩ chuyên ngành máy tính tại trường Đại học Wisconsin-Madison của Mỹ, sau khi tốt nghiệp đầu quân làm kỹ sư công nghệ của Google.

Năm 2006 Hoàng Tranh về nước tham gia thành lập văn phòng của Google tại Trung Quốc. Năm 2007 rời Gooogle khởi nghiệp, năm 2015 sáng lập trở thành chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Pinduoduo. Tài sản hiện nay của Hoàng ước tính 46,3 tỷ USD.

Siết chặt sau tấm màn nhung ?

Sự kiện gây "đứng tim" giới quan sát gần đây nhất là ngày 20/5/2021, Trương Nhất Minh (张一鸣), người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng Tik Tok đang làm mưa làm gió trên thế giới tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí CEO của Bytedance vào cuối năm nay. Tài sản của Trương hiện ước tính 36 tỷ USD.

Các nhà quan sát quốc tế thường khó đoán những gì xảy ra "sau màn nhung" ở Trung Quốc và nguyên nhân của chúng. Những biến động dồn dập xảy ra với các ông lớn công nghệ Trung Quốc trong năm nay có phải là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đang siết chặt hơn gọng kìm kiểm soát lên các tập đoàn công nghệ.

Diễn giải theo cách khác, phải chăng đang có chiến dịch "thay máu" ngành công nghệ ở Trung Quốc ?

Không thể không cân nhắc tới những hệ luỵ của biến động trên đối với giới kỹ sư chuyên gia công nghệ Trung Quốc. Giả thiết cần đặt ra, tiếp sau làn sóng người giàu rời Trung Quốc đi định cư ở các quốc gia phát triển, sẽ xuất hiện làn sóng chảy máu nhân tài công nghệ Trung Quốc đổ về các trung tâm công nghệ của thế giới như Mỹ, Anh và các nước Châu Âu ?

Với sự bất thường và can thiệp ngày càng thô bạo sâu rộng của Đảng cộng sản Trung Quốc vào hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua, tâm lý bất an là khó tránh khỏi.

Trong quan niệm của người Trung Quốc, "gia" luôn đứng trước "quốc".

Khi sự nghiệp, cuộc sống của cá nhân và gia đình bị thách thức, họ sẽ chọn nơi chốn "đất lành chim đậu" cho người thân của mình.

Ngô Tuyết Lan

Nguồn : BBC, 02/06/2021

Ngô Tuyết Lan là nhà nghiên cứu Trung Quốc học và Đông Phương học, cựu thành viên nghiên cứu Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Thành thị Hong Kong (City University Hong Kong)

Published in Diễn đàn