Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/06/2021

Trung Quốc đang có vấn đề chảy máu chất xám

Ngô Tuyết Lan

Trung Quốc là đại cường đang lên nhưng đã có vấn đề chảy máu chất xám nhất là trong ngành công nghệ trong thập kỷ qua.

chatxam1

Mobile World Congress Shanghai- những năm qua, Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về công nghệ

Ta có thể viện dẫn trước hết một công bố gần đây của một viện nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc về hiện tượng này.

Thinktank Marco Polo từ trường đại học Chicago Mỹ cách đây không lâu vừa làm một khảo sát về chuyên gia ngành trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới, dựa vào số bài nghiên cứu được chấp nhận tham gia hội thảo AI quyền uy nhất thế giới NeurIPS năm 2019.

Có 15.920 nhà nghiên cứu nộp 6.614 bài viết tham gia hội thảo với tỷ lệ chấp nhận là 21,6%. Marco Polo dựa vào số liệu của 21,6% bài viết được chấp nhận để khảo sát nghiên cứu tác giả của các bài viết, những người được coi là nhân tài AI hàng đầu thế giới (top-tier talent).

Kết quả khảo sát cho thấy gì ? Nó cho thấy rằng 59% nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới đang làm việc tại các trường đại học và công ty Mỹ, 2/3 trong số này học cử nhân ở các trường đại học bên ngoài Mỹ. Điều này cho thấy, Mỹ là nơi thu hút nhân tài công nghệ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.

Đáng chú ý hơn, trong số các nhân tài công nghệ quốc tế hàng đầu đang làm việc ở Mỹ, đa phần đến từ Trung Quốc, 29% trong số họ học bậc cử nhân ở Trung Quốc và số đông tốt nghiệp từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Nhân tài làm việc ở đâu và xuất xứ ?

Trong số nhân tài AI hàng đầu thế giới vẫn theo nguồn này, 59% chọn đến Mỹ làm việc, 11% chọn Trung Quốc ; 29% nhân tài AI hàng đầu thế giới đến từ Trung Quốc, trong khi Mỹ chỉ chiếm 20%.

Khảo sát cũng quan tâm đến các thông tin quan trọng là các nhà nghiên cứu AI làm việc trong các trường đại học và công ty ở Mỹ đến từ đâu và bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu AI Trung Quốc làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp và có học vị Tiến sĩ (Ph.D) ở Mỹ.

Và các số liệu khảo sát cho thấy trong số các chuyên gia AI đang làm việc trong các trường đại học và công ty của Mỹ, 27% đến từ Trung Quốc.

Còn các chuyên gia AI người Trung Quốc sau khi được đào tạo bậc cử nhân ở những trường đại học danh giá hàng đầu Trung Quốc, số đông lựa chọn ra nước ngoài, đặc biệt Mỹ, để học tiếp chương trình sau đại học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, 88% chọn ở lại Mỹ lập nghiệp, 10% trở về nước.

Trong số 25 trường đại học và công ty tập trung các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, Trung Quốc góp mặt Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh ; Mỹ có 18 gồm Google, Đại học Stanford, MIT, UC Berkeley, và Anh có một là đại học Oxford ; Châu Âu có ba và Canada có một.

Một xu thế được xác nhận

Thực tế này đã được tờ Bắc Kinh tuần bá北京周của Trung Quốc xác nhận, theo đó rất nhiều chuyên gia hàng đầu Trung Quốc đã sang Mỹ làm việc, tập trung trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đại học Thanh Hoa được cho là tổn thất nhiều nhất.

chatxam2

Dịch vụ của công ty mạng 360 tại TQ

Cuối tháng 4/2021, Viện khoa học Hoa Kỳ công bố danh sách các viện sĩ năm 2021, có 7 viện sĩ là người Hoa trong đó một người mang quốc tịch Trung Quốc.

Nhà khoa học Nhan Ninh (颜宁) là một ví dụ, cô đang là giảng viên của Đại học Thanh Hoa trước khi quyết định sang Mỹ định cư.

Năm 2019, cô được bầu là Viện sĩ quốc tịch nước ngoài của Viện khoa học Hoa Kỳ. Cô được coi là nhà sinh học hàng đầu thế giới hiện nay và khi được hỏi lý do chọn nước Mỹ, câu trả lời duy nhất của cô là "tự do".

Còn Trung tâm an ninh và công nghệ mới (Center for Security and Emerging Technology), một thinktank khác của Mỹ cho biết, năm 2018, tỷ lệ chuyên gia người Trung Quốc trong lĩnh vực AI sau khi lấy bằng Tiến sĩ chọn quay trở về Trung Quốc là dưới 10%.

Lý Phi Phi (飞飞) là trường hợp người Hoa điển hình thành danh ở Mỹ sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ, cô là chuyên gia AI hàng đầu ở Google.

Trung Quốc 'xuất siêu', Mỹ 'nhập siêu'

Một nguồn khác cho thấy bức tranh chung về chảy máu chất xám ở Trung Quốc có thể thấy khi tham khảo một tạp chí về chính trị học.

Theo phân tích của Berkeley Political Review mới đây công bố hôm 28/5/2021, nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám nhân tài công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc với Mỹ "nhập siêu" và Trung Quốc "xuất siêu".

Các lý do bao gồm những yếu tố chính sau :

- Lương và đãi ngộ cao : các trường đại học và công ty Mỹ trả lương cho chuyên gia công nghệ người nước ngoài với mức lương cao cạnh tranh và nhiều phúc lợi đi kèm là ưu thế nổi trội so với cùng vị trí khi họ làm ở những quốc gia khác, đặc biệt ở Trung Quốc.

- Chất lượng và môi trường làm việc chuyên nghiệp, tự do sáng tạo, dễ dàng kết nối với thế giới (đặc biệt các quốc gia nói tiếng Anh), là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển sự nghiệp trong tương lai.

- Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc cũng là yếu tố khiến các bộ óc hàng đầu cân nhắc làm nơi lập nghiệp và sinh sống cho gia đình họ.

Cuối cùng, một nghịch lý là chính sách nhập cư bị kiểm soát chặt của Trung Quốc khiến nhà khoa học nhập cư không thể xin được quyền định cư ở nước này.

Trung Quốc đối phó thế nào ?

Để đối phó lại, Trung Quốc đã và đang tiến hành một số chính sách, trong đó có kế hoạch 'Nước chảy về nguồn' hay 'Chương trình 1000 nhân tài' là một ví dụ.

Năm 2003, Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập Ban điều hành vấn đề nhân tài trung ương (中央人才工作协调小组), tập trung giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.

Năm 2007, ông Lý Nguyên Triều (李源潮) nguyên Bí thư tỉnh Giang Tô được đề cử là Trưởng ban tổ chức trung ương, sau đó làm Bí thư Ban bí thư. Sau ông được giao xây dựng Kế hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn và Kế hoạch thu hút nhân tài người Hoa xuất chúng thành danh ở hải ngoại (海外高层次人才引进计划 - Overseas High-level Talent Recruitment Programs).

Để đảm bảo an toàn cho những người tham gia, Kế hoạch thu hút nhân tài người Hoa hải ngoại được đặt dưới tên gọi Kế hoạch 1.000 người (千人计划 - 1000 Talents Plan).

Nội dung của kế hoạch là bắt đầu từ năm 2008, trong vòng 5 đến 10 năm, thu hút khoảng 2.000 người Hoa ở hải ngoại là những chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong các lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực khoa học công nghệ, về nước tham gia các dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, vườn ươm công nghệ, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp nhà nước.

Tháng 12/2010, tại Quảng Châu, Lý Nguyên Triều giới thiệu Kế hoạch 1.000 tài năng trẻ (青年千人计划 - Young Thousand Talent Program) nhằm thu hút 2.000 tài năng trẻ người Hoa dưới 40 tuổi trên khắp thế giới trước năm 2015. Theo thống kê, năm 2012, các chương trình tổng cộng thu hút được 3.319 người trên mọi lĩnh lực, năm 2014 vượt trên 4.000 người.

chatxam3

Nguồn tài năng Trung Quốc được đào tạo ở con số hàng trăm nghìn những năm qua tại chính các đại học, viện nghiên cứu của Hoa Kỳ, Anh và các nước Phương Tây

Hàng ngàn người được thu hút

Tính đến năm 2018, chương trình thu hút ước tính khoảng 7.000 người tham gia. Những người tham gia chương trình đều làm việc toàn thời gian (full-time) ở Trung Quốc, khi về nước được nhận khoản tiền ổn định cuộc sống ban đầu từ 500.000 - 1 triệu RMB (Nhân dân tệ).

Trong quá trình làm việc sẽ nhận các khoản kinh phí nghiên cứu hàng triệu RMB từ ngân sách trung ương và địa phương, được cung cấp phòng thí nghiệm, đội ngũ hỗ trợ nghiên cứu.

Bên cạnh đó, người trúng tuyển còn được nhận rất nhiều phúc lợi khác như ưu tiên mua nhà, tiền lương cho vợ/chồng, tiền học cho con, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cả gia đình.

Năm 2010, Trung Quốc tiếp tục triển khai chương trình tuyển dụng part-time những nhân tài người Hoa xuất chúng trên thế giới.

Tham gia chương trình này, ứng viên vẫn giữ công việc ở nước ngoài, thỉnh thoảng về nước tham gia những dự án sáng tạo khoa học công nghệ trong nước.

Theo thống kê, năm 2011, có 374 Hoa kiều hải ngoại về làm trong các trường đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc (99 người làm full-time - toàn thời gian, 275 người làm part-time - bán thời gian), chiếm 74,7% ; 45 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp nhà nước (36 người full-time, 9 người part-time), chiếm 9% ; 82 Hoa kiều về làm cho doanh nghiệp tư nhân (73 người làm full-time, 9 người part-time), chiếm 16,4%. Chương trình này còn mở rộng cho cả các nhà nghiên cứu quốc tịch nước ngoài không phải người gốc Hoa.

Yêu cầu cơ bản đối với những người trúng tuyển phải là giáo sư, chuyên gia cao cấp trở lên, có danh tiếng trên thế giới trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn của họ, đang làm việc tại những trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới ; kỹ sư IT (công nghệ thông tin) cao cấp hoặc nhân viên quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ hay tập đoàn tài chính lớn ; những người sở hữu bằng sáng chế hoặc công nghệ tiên tiến.

Chảy máu tự nhiên hay nhân tạo ?

Với sự lớn mạnh nhanh chóng của các đại gia công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, Tencent, ByteDance, nhiều kỹ sư công nghệ và nhà khoa học người Hoa, đặc biệt trong lĩnh vực AI đã dần đầu quân về với những ông lớn công nghệ này.

Các công ty trên đều có trụ sở tại San Francisco, đội ngũ tuyển dụng của họ thu hút nhân tài người Hoa của Google, Facebook, Apple ngay trên đất Mỹ bằng mức lương hẫp dẫn, môi trường làm việc nói tiếng Hoa, thậm chí căng-tin của công ty cũng cung cấp đồ ăn Trung Quốc. Sau một thời gian, nhiều người trong số họ về Trung Quốc làm việc với vị trí cao và đãi ngộ hấp dẫn hơn khi làm ở Mỹ.

Vì vậy, những năm gần đây xuất hiện xu hướng, nhiều chuyên gia và nhà khoa học lĩnh vực AI người Trung Quốc sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ ở Mỹ, ở lại Mỹ làm việc khoảng 5 năm sau đó quay về Trung Quốc làm việc.

Không thể bỏ qua yếu tố văn hoátrong quyết định lựa chọn nghề nghiệp của người Trung Quốc và người Mỹ gốc Hoa.

Người Hoa nói chung có tâm lý "lá rụng về cội", sự gắn kết trong cộng đồng người Hoa ở hải ngoại rất mạnh. Nếu mức độ đãi ngộ phù hợp, họ luôn muốn về Trung Quốc làm việc và "cống hiến" vì tình cảm gắn bó nguồn cội.

Lý Phi Phi từng tuyên bố, nếu một ngày tôi được nhận giải Nobel, tôi sẽ nhận giải với tư cách là người Trung Quốc.

Mỹ đối phó ra sao ?

Ngày từ năm 2015, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã để mắt tới Chương trình 1000 nhân tài của Trung Quốc. Đến năm 2018, FBI công khai việc bắt giữ các nhà khoa học người Hoa tham gia Chương trình 1000 nhân tài với cáo buộc những người này hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ chuyển về Trung Quốc.

Phía Trung Quốc ngay sau đó đã xóa danh sách những người tham gia chương trình. Tháng 6/2018, Chính phủ Mỹ rút ngắn thời hạn visa học tập của du học sinh Trung Quốc theo học một số chuyên ngành nhạy cảm như IT, AI, vũ trụ… từ 5 năm xuống còn một năm.

Tháng 9/2019, trên mạng xã hội Mỹ lưu truyền thông tin FBI đưa Chương trình 1.000 nhân tài của Trung Quốc vào diện trọng điểm điều tra, tiến hành điều tra từng người trong danh sách, nhiều người đã bị bắt. Đã có những kỹ sư công nghệ người Hoa từng làm việc cho Google, sau khi về nước đầu quân cho Baidu, ByteDance, Tencent nói, những ông lớn công nghệ Trung Quốc copy rất nhiều mô hình quản lý và công nghệ của Google.

Từ ngày 18/4/2020, từ khóa "千人计划" (Chương trình 1.000 nhân tài) biến mất trên các công cụ tìm kiếm như Baidu, Sougou và mạng xã hội như Wechat, Weibo của Trung Quốc.

Những biến động gần đây

Những biến động gần đây đối với người sáng lập Alibaba, Pinduoduo, ByteDance là rất đáng quan tâm. Ngày 10/9/2019, Jack Ma (马云-Mã Vân)) chính thức "nghỉ hưu", bàn giao chức vụ Chủ tịch tập đoàn Alibaba, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Alibaba không chỉ hoạt động mạnh trong lĩnh vực bán lẻ, còn lấn sân sang thanh toán điện tử, tài chính, bảo hiểm...

chatxam4

Sinh viên Việt Nam chụp ảnh trước tấm pano có hình ảnh Jack Ma trước sự kiện "Đối thoại cùng Jack Ma" tại Hà Nội năm 2017

Sau đó Alipay, một nền tảng thanh toán trực tuyến nổi tiếng của Alibaba với 500 triệu người dùng vướng vào tranh cãi về vấn đề sở hữu, sau đó Jack Ma tuyên bố sẵn sàng "dâng" Alipay cho chính phủ Trung Quốc, mặc dù từ năm 2011 Jack Ma đã tách Alipay ra khỏi tập đoàn Alibaba.

Một sự kiện gây chấn động Trung Quốc và thế giới là Ant Group bị buộc ngừng phát hành cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong ngay phút thứ 89.

Nguyên nhân khởi phát được cho là do bài phát biểu của ông Jack Ma, đồng sáng lập Ant Group, ngày 24/10/2020 tại một diễn đàn về tài chính tại Thượng Hải.

Ông Jack Ma đã gây kinh ngạc khi chỉ trích trực diện và gay gắt lãnh đạo ngành tài chính Trung Quốc và gián tiếp phê phán sự lạc hậu trong tư duy của lãnh đạo Trung Quốc. Bài nói của ông Jack Ma được cho là khiến ông Tập Cận Bình vô cùng tức giận và trực tiếp "đập bàn" quyết trừng trị.

Từ sau bài nói này và sự cố đối với Ant Group, ông Jack Ma gần như biến mất.

Tháng 4/2021, Reuters đưa tin, Jack Ma bị ép bán lại toàn bộ cổ phần của ông tại Ant Group cho doanh nghiệp đại diện nhà nước. Tài sản của Jack Ma hiện ước tính 46,6 tỷ USD.

Tháng 3/2021, Hoàng Tranh (), người sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo nổi tiếng Trung Quốc đột ngột tuyên bố rút khỏi vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Pinduoduo. Ông từng học thạc sĩ chuyên ngành máy tính tại trường Đại học Wisconsin-Madison của Mỹ, sau khi tốt nghiệp đầu quân làm kỹ sư công nghệ của Google.

Năm 2006 Hoàng Tranh về nước tham gia thành lập văn phòng của Google tại Trung Quốc. Năm 2007 rời Gooogle khởi nghiệp, năm 2015 sáng lập trở thành chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Pinduoduo. Tài sản hiện nay của Hoàng ước tính 46,3 tỷ USD.

Siết chặt sau tấm màn nhung ?

Sự kiện gây "đứng tim" giới quan sát gần đây nhất là ngày 20/5/2021, Trương Nhất Minh (张一鸣), người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng Tik Tok đang làm mưa làm gió trên thế giới tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí CEO của Bytedance vào cuối năm nay. Tài sản của Trương hiện ước tính 36 tỷ USD.

Các nhà quan sát quốc tế thường khó đoán những gì xảy ra "sau màn nhung" ở Trung Quốc và nguyên nhân của chúng. Những biến động dồn dập xảy ra với các ông lớn công nghệ Trung Quốc trong năm nay có phải là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đang siết chặt hơn gọng kìm kiểm soát lên các tập đoàn công nghệ.

Diễn giải theo cách khác, phải chăng đang có chiến dịch "thay máu" ngành công nghệ ở Trung Quốc ?

Không thể không cân nhắc tới những hệ luỵ của biến động trên đối với giới kỹ sư chuyên gia công nghệ Trung Quốc. Giả thiết cần đặt ra, tiếp sau làn sóng người giàu rời Trung Quốc đi định cư ở các quốc gia phát triển, sẽ xuất hiện làn sóng chảy máu nhân tài công nghệ Trung Quốc đổ về các trung tâm công nghệ của thế giới như Mỹ, Anh và các nước Châu Âu ?

Với sự bất thường và can thiệp ngày càng thô bạo sâu rộng của Đảng cộng sản Trung Quốc vào hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ trong thời gian qua, tâm lý bất an là khó tránh khỏi.

Trong quan niệm của người Trung Quốc, "gia" luôn đứng trước "quốc".

Khi sự nghiệp, cuộc sống của cá nhân và gia đình bị thách thức, họ sẽ chọn nơi chốn "đất lành chim đậu" cho người thân của mình.

Ngô Tuyết Lan

Nguồn : BBC, 02/06/2021

Ngô Tuyết Lan là nhà nghiên cứu Trung Quốc học và Đông Phương học, cựu thành viên nghiên cứu Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Thành thị Hong Kong (City University Hong Kong)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Tuyết Lan
Read 808 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)