Phần 2
Đó là một chiều thu ở Paris, Michael Sandel đang cùng với anh bạn Chồn Mập của tôi tản bộ trên con đường mòn lát đá men theo bờ hồ công viên. Tiết trời trong lành, dễ chịu, gió thổi mát dịu qua mặt hồ làm cho những ai bình tâm có thể cảm nhận được mùi của nước, mùi của cỏ cây, cũng như mùi ẩm mục của vỏ thân gỗ sồi còn đọng lại sau cơn mưa rào buổi sáng. Cạnh cây sồi to là một ghế băng có thể tìm thấy ở bất kì công viên nào. Những bóng nắng sớm xuyên qua từng tán sồi dày, rọi lên mặt ghế, lên mặt đường làm cho những người dạo chơi thích thú và là nơi cho họ nghỉ chân. Michael Sandel và Chồn Mập bước lại và ngả lưng vào băng ghế.
Michael Sandel ngồi bên trái, lòng bàn tay trái đặt úp lên bàn tay phải. Ông mặc một chiếc áo sơ-mi màu đen, quần kaki đen và đi đôi giày Oxford màu nâu được đánh bóng kĩ càng. Chồn Mập dựa vào lưng ghế, áo len mỏng cổ lọ dài tay màu xanh lá nhạt lộ lên cái bụng tròn nhưng vẫn toát lên sự rắn rỏi. Quần jean bạc màu, đeo giày sneaker Adidas màu đen, chân bắt chéo với nét mặt đầy hứng khởi. Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam càng làm nổi bật lớp lông trắng bạc – đen trên đầu anh ta, và kéo theo sự tò mò của Michael Sandel.
Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam.
"Chiếc mũ của cậu đẹp lắm !" – Michael Sandel khen ngợi và Chồn Mập cười mỉm, tỏ thái độ tán thành.
"Nó gợi nhớ đến cái mũ bóng chày của tôi. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng những năm 60, tôi sống ở bang Minnesota và là fan hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng chày Minnesota Twins và rất hay lui tới các sân bóng. Hồi đó, khán đài cũng được chia ra làm hai với những chỗ ngồi dạng hộp dành cho khán giả, với giá đắt hơn, và những chỗ ngồi phổ thông dạng ghế băng trên khán đài. Nhưng khi ấy, một ghế phổ thông có giá 1 đô, còn ghế tốt nhất ở sau vị trí gôn nhà thì có giá cũng chỉ 4 đô. Nhờ đó, mỗi lần đi xem bóng chày luôn là một trải nghiệm về sự hòa đồng giữa các giai tầng xã hội. Giám đốc ngồi xen lẫn với nhân viên hành chính. Mọi người đều phải ăn món bánh mỳ kẹp xúc xích nguội và cùng uống bia bình dân, rồi khi cơn mưa rơi xuống, tất thảy đều ướt nhẹp" – Michael Sandel hồi tưởng.
"Anh vẫn còn thường đi xem bóng chày nữa chứ ?" – Chồn Mập tò mò hỏi.
"Tôi không còn xem thường xuyên lắm đâu. Các khán đài bây giờ khác xưa nhiều lắm. Tôi nhớ không nhầm thì bắt đầu từ những năm 1990-2000. Ngày càng nhiều sân vận động tạo ra các phòng cho khách VIP, cho giới doanh nhân, gọi là skybox, tức những người "có điều kiện". Họ có thể ngồi trong phòng điều hòa, tiện nghi ở trên cao để xem trận đấu, tách biệt hẳn khỏi khu vực ghế ngồi phổ thông bên dưới. Tôi từng đưa ra một khái niệm "skybox hóa" trong một quyển sách của mình đấy. Không còn chuyện mọi người cùng ăn một suất ăn, cùng xếp hàng dài để đợi đi vệ sinh, ngay cả chuyện cùng bị ướt khi trời mưa cũng không còn nữa".
"Tôi rất thích nghe câu chuyện của anh. Cứ như những thước phim màu cũ năm nào vậy. Có phải sự nuối tiếc này liên hệ đến quyển sách "Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng" (The Tyranny of Merit) mà anh mới viết gần đây ?" – Chồn Mập hỏi.
"Đúng vậy ! Nếu xu thế này chỉ giới hạn ở các sân bóng chày thì chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng nó đang xảy ra trong toàn bộ đời sống xã hội và dân sự ở Mỹ hiện tại và cả ở quy mô toàn cầu, ở Châu Âu, ở Paris nữa, nơi tôi và anh đang ngồi đây! Và đó là điều khiến tôi rất lo ngại".
"Để tôi nhớ xem nào, có phải là chủ nghĩa tự do phóng khoáng và sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng mà anh diễn thuyết ?" – Chồn Mập hỏi.
"Đúng vậy ! Liberalism, hay còn gọi là chủ nghĩa tự do phóng khoáng đã trao quyền định đoạt vào tay thị trường. Người ta không còn những tranh luận về phải, trái, đúng, sai nữa. Các tranh luận về các giá trị đạo đức trong xã hội, sự liên đới, tinh thần công dân… vắng bóng và nhường chỗ cho cái gọi là "thẻ thông hành" (Lassiez-faire), tức là để thị trường quyết định, một cách tuyệt đối. Tôi đã cảnh báo điều này lâu rồi trong quyển sách "Kẻ bất mãn của nền Dân Chủ" (Democracy’s Discontent) những năm 90. Nhưng lý do tôi cảm thấy cần phải ra mắt quyển "Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng" là để cảnh báo một tâm lý đang tiếp tay làm cho xã hội hoen gỉ hơn. Không phải như nhiều ký giả từng so sánh thời gian của quyển sách như một sự trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đâu ! Với tôi, Donald Trump chỉ là một triệu chứng của một căn bệnh đã kéo dài quá lâu trong xã hội mà thôi !".
"Căn bệnh đó là gì, anh có thể nói rõ hơn được không ?" – Chồn Mập tiếp lời Sandel.
"Đó chính là sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng (meritocracy). Giải pháp của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, của toàn cầu hóa và bất bình đẳng xã hội hiện tại, mà anh có thể dễ dàng nghe từ Hoa Kỳ hay Châu Âu, đó là những ai làm việc chăm chỉ, tuân thủ luật pháp đều có thể trở nên thành đạt. Cũng giống như một lối ví von rằng sự nỗ lực và tài năng sẽ chắp cánh cho họ vậy. Tôi có nhấn mạnh điều này trong quyển sách bằng cụm từ : "Lời hùng biện của sự thành đạt". Nó dần trở thành tín điều, thành một trào lưu không cần xét lại. Những người ở đảng Cộng hòa hay Dân chủ ở Mỹ dù họ có thể khác nhau trên quan điểm xã hội, nhưng họ đều đồng ý với nhau một điều là : "Hãy tạo ra một sân chơi bình đẳng, để tất cả mọi người có cơ hội công bằng như nhau. Và nếu chúng ta làm được, như chúng ta luôn cố gắng, thì tất cả những ai vươn lên được bằng sự chăm chỉ, nỗ lực, tài năng sẽ xứng đáng với vị trí của họ, sẽ đạt được điều mình muốn".
"Tôi có thể hình dung chia sẻ của anh thành một khẩu hiệu !" – Chồn Mập cười nhưng nét mặt vẫn thể hiện sự chăm chú đầy nghiêm túc với Sandel.
"À, đã có người đăng ký bản quyền điều này rồi. Tony Blair, cựu thủ tướng của Anh, từng nhấn mạnh câu thần chú : "Giáo dục, giáo dục và giáo dục" (Education, education, education). Anh có thấy giống câu nói của anh chàng dân túy ở Philippines, Duterte : "Xây dựng, xây dựng, và xây dựng" (Build, build, build) không ? Tôi còn nhớ trong một bài phát biểu vào năm 2013 của Obama trước toàn thể sinh viên : "Chúng ta sống trong thế kỷ 21, thời đại của toàn cầu hóa. Và trong nền kinh tế toàn cầu, các công việc có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Các công ty tìm kiếm những người có trình độ giáo dục tốt nhất ở bất cứ nơi nào. Nếu các bạn không có giáo dục tốt, sẽ rất khó để các bạn có thể tìm kiếm một công việc với thu nhập thoải mái cho cuộc sống này. Và cho những ai phấn đấu, đây là lời cam kết của tôi đến các bạn : Đất nước này sẽ luôn là nơi mà các bạn có thể thành đạt nếu bạn đủ nỗ lực". Yes, we can ! – Sandel nhấn mạnh chữ Yes, we can! theo một nghĩa hết sức mỉa mai (ironic).
"Chẳng phải đây là Giấc Mơ Mỹ (American Dream) mà chúng ta thường biết đến sao ? – Chồn Mập hỏi Sandel.
"Anh nói đúng, nhưng giấc mơ Mỹ của ngày hôm nay, vào thời điểm chúng ta nói chuyện với nhau, chỉ là giấc mơ thành công cá nhân mà thôi. Xã hội Mỹ đã bị phân cực quá lâu rồi. Tôi không muốn làm anh đau đầu vì những con số trong tiết trời thu dễ chịu này đâu. Nhưng 1% người giàu ở Mỹ hiện tại có thu nhập cao hơn cả 50% người Mỹ ở dưới đáy. Giấc mơ Mỹ đang dần dần chỉ còn là một từ ngữ mà người ta muốn dùng để chấm dứt những cuộc tranh luận về cái gì đang xảy ra ở nước Mỹ hiện tại mà thôi !" – Sandel nói.
"Anh làm tôi nhớ đến khái niệm "quốc gia" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Quốc gia phải được hiểu như một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung. Tôi không nắm bắt được ngôn ngữ của anh một cách đầy đủ nhưng tôi thấy danh từ "tổ quốc" có rất nhiều cụm từ như nation, fatherland, homeland, motherland, america… phải chăng người Mỹ các anh đang không cùng hiểu giống nhau về American Dream nữa ? – Chồn Mập hỏi.
"Anh hãy nói nốt ý của mình rồi tôi sẽ trả lời" – Sandel nói.
"Nước Mỹ các anh được thành lập trên một đồng thuận về lý tưởng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng quyền tự do cá nhân. Nhưng như anh nói, qua mấy thập niên đeo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng cũng như chủ nghĩa khoa bảng, tôi có cảm giác mọi người đang hiểu chủ nghĩa cá nhân thành chủ nghĩa vị kỷ rồi. Tôi từng xem những clip về những người nông dân Mỹ, những người công nhân, thợ thuyền mà các anh gọi là những người ủng hộ đảng Cộng hHòa gần đây đó. Họ thường dùng những cụm từ như Motherland, Homeland, Home country, Thanksgiving… khi nói về nước Mỹ. Trong tiếng Việt có từ Tổ Quốc, nó như một tình cảm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại. Chứng tỏ Giấc Mơ Mỹ của họ đã từng khác với Giấc Mơ Mỹ mà các ông tổng thống Bill Clinton, Bush, Obama, Trump… nói tới. Giấc mơ Mỹ trước đây là một giấc mơ chung vì nó vươn ra cộng đồng và cho cộng đồng. Nhưng giấc mơ Mỹ hiện tại chỉ là giấc mơ thành đạt của mỗi cá nhân riêng biệt mà thôi. Giấc mơ này không thể nào đại diện cho nước Mỹ được và nó đã dẫn tới cái gì của ngày hôm nay" – Chồn Mập trả lời.
Sandel rút điện thoại trong túi ra, ông tìm kiếm một hồi và đưa lên cho Chồn Mập xem một tấm hình. Một tấm hình của Sandel thời trẻ, đang ngồi bên cạnh một người mà Chồn Mập rất quen. À, đúng rồi, chính là Ronald Reagan.
Michael Sandel (phải) và Ronald Reagan
"Anh có nhận ra tôi đang ngồi bên trái Reagan không ? – Sandel vừa mỉm cười vừa hỏi.
"Ồ có chứ, mái tóc của anh khi trẻ rất bồng bềnh và kiểu tóc của Reagan cũng như bộ vest của ông thì rất giống với nhân vật James Bond kinh điển !" – Chồn Mập tán dương.
"Tôi khi ấy đang là chủ tịch hội học sinh trường Palisades ở California, cũng vào thời điểm Ronald Reagan là thị trưởng của thành phố, chung một thị trấn. Năm 1971 tôi có cơ hội tranh luận với ông ấy trước 2.400 bạn trẻ. Tất nhiên, chúng tôi là là những người cấp tiến và ủng hộ cho đảng Dân chủ, còn Reagan là một người bảo thủ (conservative) thuộc đảng Cộng hòa" – Sandel nói.
"Trong suốt buổi tranh luận tôi đã nói rất nhiều và dẫn chứng nhiều thứ với hy vọng sẽ được ông ấy cho vào đầu. Ronald Reagan phản hồi và lập luận rất điềm tĩnh, nhã nhặn, tương kính nhưng không kém phần sắc sảo... Tôi nhận ra mình thua ngay ở gần đoạn kết của cuộc tranh luận. Nhưng kết quả của ngày hôm đó càng làm tôi nghĩ nhiều về ý nghĩa của một cuộc tranh luận là như thế nào. 9 năm sau Reagan trở thành tổng thống Mỹ".
"Còn anh thì vẫn đang cố gắng nói về đạo đức chính trị, tinh thần công dân, sự tương kính trong tranh luận với hy vọng chính trị Mỹ có thể thay đổi phải không ?" – Chồn Mập hỏi trong sự động viên.
"Đúng vậy ! Nếu anh biết rằng có 40% người Mỹ được khảo sát muốn nước Mỹ tan vỡ thì anh có thể sẽ bi quan lắm đấy ! Nhưng tôi phải lạc quan trong cả sự bi quan !".
"Trong thời đại chia rẽ ngày nay - Nếu chúng ta hiểu phần nào những mâu thuẫn đã được tích lũy trong mấy thập niên gần đây, chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ theo quan điểm độc hại, đảng phái, tôi càng hiểu sâu sắc rằng cần phải khôi phục lại một thứ tinh thần công dân mà chúng ta đã mất. Buổi tranh luận với Reagan dạy tôi rất nhiều về tầm quan trọng của sự lắng nghe, sự lắng nghe chân thành cũng quan trọng như tính chặt chẽ trong lập luận. Buổi tranh luận hôm đó dạy tôi rất nhiều về sự tương kính và bao dung trong không gian cộng đồng" – Sandel nói.
"Chia sẻ của anh rất thú vị. Nó làm tôi liên tưởng đến một bài viết. Để tôi cố nhớ lại xem ! À, đó là sự lắng nghe. Người ta chỉ có thể lắng nghe trong trạng thái hạnh phúc mà thôi. Tôi có cảm giác người Mỹ hiện tại, mà phần nào cũng giống như dân tộc Việt Nam tôi, đều là những người mệt mỏi. Khi mệt mỏi thì người ta sẽ mất đi khả năng lắng nghe chân thành, sự bao dung và sự khiêm nhường tối đa để phân định cái đúng - cái sai. Nó cũng giống như hai anh hàng xóm ghét nhau, chỉ muốn bịt tai lại rồi hét vào mặt bên kia và rồi ai hét to hơn thì thắng" – Chồn Mập tiếp lời.
"Rất hay !" – Sandel thốt lên.
"Nhưng tôi e rằng anh sẽ không có nhiều thời gian đi tản bộ với tôi tiếp đâu ! Quan niệm America First vẫn còn hiện diện mạnh ở nước Mỹ, có thể ngay vào lúc này dưới nhiệm kỳ của Biden" – Chồn Mập nói.
Chiều thu Paris và đàn ngỗng trời bên hồ nước...
Chồn Mập dứt lời thì nét mặt của Sandel cũng trở lên suy tư hơn, ông nhìn ra hồ nước và đàn ngỗng trời đang sà từng đàn xuống bãi cỏ, dường như để tìm một câu trả lời. Chồn Mập cũng nhìn sang Sandel, rồi nhìn ra hồ nước và mấp máy môi : "Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung !".
Việt Dân
(27/09/2021)
Hôm 14/12/2020 đại cử tri đoàn của 50 tiểu bang đã bỏ phiếu xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là Joe Biden với 306 phiếu và Trump 232 phiếu. Ngày 6/1/2021 tới đây kết quả cũng sẽ như vậy. Việc Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ 46 từ ngày 20/1/2021 là điều không còn gì bàn cãi. Donald Trump sẽ chìm dần vào quên lãng sau khi rời nhà Trắng. Câu hỏi mà chúng ta cần thảo luận là liệu Joe Biden có làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại sau 4 năm đập phá của Donald Trump hay không? Câu trả lời không giản dị như mọi người nghĩ.
Vì sao phải phân tích và tìm hiểu về chính trị nước Mỹ? Ngoài việc Mỹ là siêu cường số 1 thế giới, mọi quyết định lớn nhỏ của Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới trong đó có Việt Nam thì việc tìm hiểu về những gì đang xảy ra ở Mỹ sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về chính trị và qua đó rút ra những bài học cho Việt Nam trong tương lai.
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có viết rằng mô hình chính trị “tổng thống chế” đều thất bại trên thế giới ngoại trừ một ngoại lệ là Mỹ. Tuy nhiên sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump thì ngoại lệ đó cũng đã chấm dứt. Nước Mỹ, một quốc gia vĩ đại và dân chủ nhất thế giới đã chia rẽ chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều người Mỹ đã không còn tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang, liên bang đến Pháp Viện Tối Cao.
Nhiều người Mỹ đã không còn niềm tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang đến Pháp Viện Tối Cao
Hai đảng lớn nhất của Mỹ, Cộng hòa và Dân chủ không còn là những đảng chính trị đúng nghĩa. Các cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng để nhờ người dân chọn ứng cử viên ra tranh cử tổng thống thay vì do các đảng viên của đảng bầu chọn là một ví dụ. Người dân không thể có đủ kiến thức và thời gian để nhận biết và tìm hiểu xem ai là người xứng đáng để lãnh đạo quốc gia.
2500 năm trước triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates đã từng đặt câu hỏi, khi chọn một thuyền trưởng thì nên để thủy thủ đoàn hay là hành khách? Câu trả lời đúng là nên để thủy thủ đoàn. Trong một ca mổ phức tạp nên để hội đồng y khoa quyết định hay bệnh nhân? Câu trả lời đúng là nên để hội đồng y khoa. Việc chọn người lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khó để người dân đưa ra quyết định đúng vì họ không đủ thông tin và kiến thức để làm việc đó. Chế độ đại nghị là lựa chọn đúng đắn nhất. Người dân sẽ bầu các dân biểu mà mình biết và các vị dân biểu đó sẽ bầu ra vị nguyên thủ quốc gia.
Theo nghiên cứu và đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cần phải nâng cao vai trò và chỗ đứng của các chính đảng trong mỗi quốc gia vì các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Các chính đảng bao gồm hàng trăm ngàn, hàng triệu người quan tâm tới việc nước và họ sẽ chuyển tải tư tưởng chính trị từ các nhóm thảo luận tới quần chúng qua gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Không có các chính đảng mạnh thì không thể có những cuộc thảo luận rộng rãi và có chiều sâu. Các câu lạc bộ trí thức và giảng đường đại học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không thể thay thế cho vai trò của các tổ chức chính trị.
Nước Mỹ có hai vấn đề lớn cần phải nhận diện và thay đổi đó là chế độ tổng thống và chủ nghĩa phóng khoáng. Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của một nước Mỹ chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng một cách cuồng nhiệt, ít nhất là trong 40 năm qua. Từ khi Bill Clinton, một người trốn lính nhưng trẻ đẹp, ăn nói có duyên đánh bại đương kim tổng thống Bush cha và trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “kinh tế trên hết”.
Chủ nghĩa phóng khoáng là triết lý về chính trị và kinh tế đề cao tự do, nhất là tự do cá nhân. Chủ nghĩa phóng khoáng trong kinh tế mà Adam Smith là đại diện, tin rằng có “bàn tay vô hình” sắp đặt và điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Đây là khuynh hướng gia tăng tự do cá nhân trong kinh doanh, nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp, mọi việc cứ để xảy ra tự nhiên theo qui luật cung cầu của thị trường.
Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có.
Chủ nghĩa phóng khoáng đặt mục tiêu tối đa cho lợi nhuận, nó cho phép cởi bỏ mọi ràng buộc. Chủ nghĩa phóng khoáng không có tổ quốc và sự liên đới vì thế nó đã làm cho sự phân hóa ngày càng trở nên trầm trọng. Nước Mỹ chia rẽ thành hai loại người, một bên thành công hãnh tiến và một bên thất bại lầm lũi. Nhiều người da trắng ở các vùng quê cảm thấy bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi nước Mỹ từ một nước sản xuất và xuất khẩu sang một nước tiêu thụ, dịch vụ và kỹ thuật cao. Đây là lý do khiến nhiều người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump.
“Bàn tay vô hình” của Adam Smith chính là các giá trị của Ki tô giáo. Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có. Tiền bạc đã băng bó các vết thương của xã hội Mỹ. Tuy nhiên “thượng đế đã chết” như lời triết gia người Đức Friedrich Nietzsche. Tình yêu và sự tôn trọng dành cho thượng đế đã chết trong lòng nhiều người. Không những giáo dân mà ngay cả nhiều linh mục và mục sư đã ủng hộ và xem lời nói của Trump còn hơn cả Giáo Hoàng.
Châu Âu giã từ thượng đế bằng cách khẳng định chỗ đứng và phẩm giá của con người đồng thời tăng cường liên đới xã hội, đề cao sự bình đẳng bên cạnh tự do, tôn trọng môi trường, con người và nhân phẩm. Một xã hội văn minh và tiến bộ không thể lấy mỗi tiêu chí về GDP để đánh giá mức độ hạnh phúc và hài lòng của người dân mà còn nhiều chỉ số khác như tỉ lệ nghiện ngập, li hôn, tội phạm, thất nghiệp, sức khỏe của người dân, khả năng thăng tiến của nhóm người tầng lớp dưới…
Toàn cầu hóa đã làm nước Mỹ thay đổi nhanh chóng khi làn sóng chuyển dịch việc sản xuất hàng hóa từ Mỹ sang các nước đang phát triển gia tăng. Mỹ và các nước phát triển sẽ làm dịch vụ và kỹ thuật cao còn các nước nghèo thì sản xuất. Quá trình đó làm cho nhiều người Mỹ, vì tuổi tác cao và do sống xa các trung tâm công nghệ nên bị bỏ lại phía sau. Sức mạnh và quyền lực của các công ty công nghệ cao đã làm sâu sắc hố ngăn cách giàu nghèo. Các đại công ty trả lương theo năng lực chứ không vì màu da và quốc tịch. Toàn cầu hóa làm thế giới ngày càng nhỏ lại và liên đới mật thiết với nhau. Các quốc gia không còn là các ốc đảo riêng biệt. Đại dịch Covid-19 là minh chứng cho một thế giới liên thuộc.
Một hiện tượng ngược đời đang diễn ra ở Mỹ là tầng lớp giàu có, thành công lại ủng hộ cho đảng Dân chủ là đảng có khuynh hướng tăng cường liên đới xã hội, trợ giúp người nghèo, người không may mắn bằng các chương trình như bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare), trợ cấp thất nghiệp, giảm chi phí giáo dục đồng thời tăng thuế người giàu (có thu nhập trên 400.000 USD/năm) trong khi những người nghèo và bị bỏ rơi lại ủng hộ đảng Cộng hòa và chống lại đảng Dân chủ. Donald Trump chủ trương bỏ Obamacare và giảm thuế cho người giàu.
Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại.
Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại. Cũng như một căn bệnh không chữa trị kịp thời đến lúc bệnh quá nặng thì rất khó chữa trị. Đừng nghĩ giàu có và hùng mạnh như Mỹ thì có thể miễn nhiễm với bệnh tật và đổ vỡ. Gần 350.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 là một ví dụ. Các đế quốc trong quá khứ bắt đầu sự tan rã khi đang ở đỉnh cao và hùng mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có đến 18 tiểu bang và 126 dân biểu liên bang không thừa nhận sự chính đáng của một cuộc bầu cử được xem là “an toàn nhất từ trước đến giờ”. Sự xuống cấp của nền chính trị Mỹ đã đến ngưỡng báo động. Nếu đảng Dân chủ không có đa số ở thượng viện thì mọi kế hoạch cải tổ của Biden có thể sẽ thất bại.
Một phần ba dân Mỹ tin là có gian lận bầu cử dù nhóm luật sư của Donald Trump đã kiện gần 60 vụ và tất cả đều thất bại vì không đưa ra được bằng chứng nào. Các thẩm phán từ tiểu bang đến Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ thẳng thừng các đơn kiện. Dù vậy, sự chia rẽ và bất mãn của dân Mỹ đối với hệ thống chính trị vẫn còn nguyên sau ngày 20/1/2021. Trump đã làm cho nền dân chủ và giới chính trị Mỹ trở nên xấu xa, gian dối và đáng ghét trong con mắt người dân. Những đổ vỡ do Trump gây ra rất khó lòng hàn gắn dù Biden có cố gắng đến đâu đi nữa.
Biden sẽ rất khó khăn khi lấy những quyết định quan trọng như cải cách chế độ tổng thống, giảm chi phí giáo dục và y tế, tăng trợ cấp cho người nghèo…trong hoàn cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc như hiện nay. Mọi cải cách dù có thiện chí và đúng đắn đến đâu cũng gây ra nghi ngờ và chống đối. Biden không có cơ hội và thời gian để làm những gì mình muốn vì nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ông là hàn gắn người dân Mỹ và cải thiện nền kinh tế đang bị suy thoái vì Covid-19. Tuổi cao cũng là một hạn chế đối với Biden. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào Biden, nếu ông vạch ra một hướng đi đúng cho tương lai là đã quá may mắn cho nước Mỹ. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã chấm dứt dù Mỹ vẫn là siêu cường.
Bài học cho người Việt Nam chúng ta đó là phải quan tâm và chú trọng đến tư tưởng chính trị. Tầng lớp trí thức chính trị trong một quốc gia dù lớn như Mỹ hay nhỏ như Việt Nam cũng cần phải có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nếu muốn đất nước ổn định và phát triển. Những người tham gia vào chính trị cũng cần phải có đạo đức, tư cách và sự liêm sỉ để giữ gìn hình ảnh quốc gia.
Việt Hoàng
(1/1/2021)
Hơn 74 triệu người, đại diện cho gần một nửa nước Mỹ, bầu cho Trump để ông ta có thể tiếp tục đập phá nước Mỹ sau bốn năm đập phá khiến nước Mỹ phân hóa, bị cô lập và bị coi thường như chưa bao giờ thấy. Nước Mỹ đang ở trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Vì đâu ?
Khối người ủng hộ tổng thống Donald Trump cho biết sẽ sẵn sàng cầm súng nổi dậy nếu Trump kêu gọi.
Hai tuần trước, hãng thông tấn Reuters có thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến trong khối người ủng hộ tổng thống Donald Trump. Có thể mẫu thăm dò –nghĩa là số người được chọn để hỏi ý kiến- không tiêu biểu cho toàn bộ 74 triệu người bỏ phiếu cho Trump nhưng kết quả thật đáng kinh ngạc. Tất cả, 100%, đều tin rằng cuộc bầu cử vừa qua là gian lận, đáng lẽ Trump phải thắng lớn. Đáng sợ hơn nữa là đa số còn cho biết sẽ sẵn sàng cầm súng nổi dậy nếu Trump kêu gọi. Một số cho biết họ đang tập trận trong một đạo quân được đặt tên là Những Người Yêu Nước Miền Nam (The South Plains Patriots). Họ chỉ chờ Trump. Nước Mỹ chia rẽ một cách đáng sợ, ngoài mọi tưởng tượng.
Từ bất mãn đến phẫn nộ
Những người này là ai và tại sao họ có thể tin Trump đến như thế ?
Điều chắc chắn là đại đa số người Mỹ ủng hộ Donald Trump thuộc thành phần được gọi là Da trắng ít học (Non-college Whites). Những người sẵn sàng nổi loạn võ trang đều là những người đàn ông da trắng.
Trong một bài viết đầu năm nay tôi đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao một số đông đảo người Mỹ ủng hộ Donald Trump (1). Điều chắc chắn là đại đa số thuộc thành phần được gọi là Da trắng ít học (Non-college Whites). Những người sẵn sàng nổi loạn võ trang đều là những người đàn ông da trắng. Ta có thể hình dung họ là những người lái xe pickup, đội mũ Make America Great Again trong các bang miền Nam, làm việc trong các nông trại, hay làm những công việc tạm thời hoặc không toàn thời gian trong các công ty như Amazon, Walmart, Target. Chỉ gần đúng thôi bởi vì cũng có những người tốt nghiệp đại học có việc làm ổn vững với lương khá cao và cũng có những chủ nông trại lớn. Nói chung đa số là những người da trắng không chỉ bất mãn mà còn phẫn nộ trước hiện tình nước Mỹ. Họ là những người mà cha ông đã khai phá và xây dựng nước Mỹ thành cường quốc số 1 thế giới. Mới cách đây một nửa thế kỷ họ còn là thành phần thượng đẳng đầy tự hào trong xã hội Mỹ, các thành phần khác hoặc chỉ là những người mới tới, hoặc thuộc lớp người phục dịch cũ vừa được thăng tiến.
Nhưng xã hội Mỹ đã thay đổi quá nhanh. Từ một cường quốc sản xuất và xuất khẩu thành một cường quốc tiêu thụ và nhập khẩu, từ một trung tâm công nghiệp thành một trung tâm tài chính, từ một nước Thiên Chúa giáo ngoan đạo thành một nước vật chất thế tục. Rồi phong trào toàn cầu hóa đảo lộn tất cả. Các công nghệ truyền thống di chuyển dần ra nước ngoài, các công việc mới được trả lương cao dành cho những người có học thức và kỹ năng cao, nhiều khi vừa mới đến lập nghiệp tại Mỹ. Một số khá đông những người da trắng sau một thời gian hài lòng và yên trí bừng tỉnh nhận ra mình đã trở thành giai cấp thua kém trong xã hội, không chỉ không có mà còn không thể có công việc làm ổn vững với lương cao và chỗ đứng đáng tự hào trong đất nước mà họ tạo dựng ra. Họ thua kém cả về kinh tế lẫn kiến thức so với một khối người mà mới cách đây không lâu họ còn nhìn với con mắt kẻ cả. Bất mãn nhanh chóng trở thành phẫn nộ.
Các thăm dò cho thấy đa số người Mỹ da trắng bỏ phiếu cho Donald Trump (52% nói chung, 55% đàn ông, 48% phụ nữ). Như vậy phải hiểu là có gần một nửa người Mỹ da trắng đã thích nghi với tình thế mới và thành công. Điều này càng làm cho khối người sa cơ thất thế tủi hổ và giận dữ hơn. Họ tin Trump khi ông nói cuộc bầu cử này gian lận mà không cần ông phải đưa ra một bằng chứng thuyết phục nào bởi vì họ đã coi ông là đại diện và phát ngôn viên của họ, bởi vì họ muốn ông thắng để tiếp tục đập phá cái trật tự xã hội đã gạt họ ra ngoài lề và xuống dưới. Những người này cảm thấy như không còn gì để mất. Không thể thảo luận với họ về những gì có lợi cho nước Mỹ vì nước Mỹ này không còn là của họ nữa. Họ sẵn sàng làm tất cả để giành lại nước Mỹ mà họ nghĩ rằng họ đã mất. Nước Mỹ vĩ đại là nước Mỹ của họ chứ không cần là nước Mỹ thực sự vĩ đại.
Trong cuốn sách ngắn nhất, nhưng cũng là cuốn sách cần đọc nhất của ông, Những vấn đề của Triết (Problems of Philosophy), Bertrand Russell đã nhận xét : "Tất cả những gì chúng ta biết đều đặt nên tảng trên những niềm tin từ bản năng". Nhưng trong bản năng của những người ủng hộ Trump chỉ còn lại sự tức giận. Quá giận mất khôn. Vả lại từ lâu rồi họ không còn biết những gì đang xảy ra nữa. Họ chỉ nghe nhạc, xem phim hay những reality shows và những trận quyền Anh, football. Họ không đọc sách báo, không theo dõi những chương trình thời sự và bình luận và không quan tâm tới chính trị, dù đã giận dữ với chính trị đến độ sẵn sàng nổi loạn. Đó là khối cử tri cơ sở của Trump. Bạo lực và những đám đông cuồng nhiệt có sức thu hút của chúng, khối người này đã lôi kéo thêm được một số người khác, kể cả những trí thức bình thường có thể suy nghĩ một cách sáng suốt.
Châu Âu cho tới khi bức tường Berlin sụp đổ không thiếu những trí thức trình độ cao, như Jean-Paul Sartre và Louis Aragon, cổ võ cho chủ nghĩa cộng sản. Tại Việt Nam sau Cách mạng tháng 8-1945 nhiều trí thức hàng đầu –như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa và nhiều người khác- đã hùa theo Đảng cộng sản vào đúng lúc mà họ đang tàn sát thẳng tay những ngưới yêu nước không cộng sản.
Một cách tương tự thành phần cuồng nhiệt theo Trump cũng đã lôi kéo theo được những người có địa vị và học vị. Có những người chạy theo để lợi dụng, nhưng cũng có những người chỉ đơn giản bị hớp hồn, và cũng có những người sai lầm dù có bằng cấp. Kết quả là hơn 74 triệu người, đại diện cho gần một nửa nước Mỹ, bầu cho Trump để ông ta có thể tiếp tục đập phá nước Mỹ sau bốn năm đập phá khiến nước Mỹ phân hóa, bị cô lập và bị coi thường như chưa bao giờ thấy. Nước Mỹ đang ở trong một tình trạng rất hiểm nghèo. Vì đâu ?
Chủ nghĩa phóng khoáng và chế độ tổng thống
Nguyên nhân đầu tiên là chủ nghĩa thực tiễn (realism) thường được biết tới và đồng hóa với thể hiện kinh tế của nó là chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) hay, gần đây, tân phóng khoáng (neoliberalism).
Nền tảng của chủ nghĩa thực tiễn là dành ưu tiên cho quyền lợi cụ thể.
Hầu như từ ngày lập quốc nước Mỹ chỉ biết chủ nghĩa này nhưng ngày càng theo đuổi một cách cực đoan hơn. Nền tảng của chủ nghĩa thực tiễn là dành ưu tiên cho quyền lợi cụ thể. Điều này có nghĩa là mỗi khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi phải đi trước. Nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng là niềm tin mù quáng rằng cứ để cho mỗi người mặc sức tranh giành một cách tham lam và vị kỷ rồi đâu sẽ vào đó, sẽ có một bàn tay vô hình dàn xếp tất cả để sau cùng xã hội sẽ phồn vinh và hài hòa, mỗi người sẽ được phúc lợi. Không cần quá thắc mắc về số phận của những người nghèo khổ, luật và quy định càng ít càng tốt, thuế càng thấp càng hay. Nhiều lý thuyết gia của chủ nghĩa phóng khoáng, như Robert Nozick, còn lên án thuế và liên đới xã hội là vi phạm nhân quyền. Đó gần như là một tín ngưỡng tôn giáo bởi vì không có gì chứng minh cả, trái lại cuộc sống hàng ngày liên tục cho thấy lòng tham và lòng vị kỷ là những nguyên nhân quen thuộc của tội ác và thảm kịch.
Sức thu hút của chủ nghĩa phóng khoáng là nó đáp ứng bản năng sơ đẳng của con người, không đòi hỏi nghiên cứu và lý luận phức tạp và nhất là tiện lợi cho những người nhiều tiền và nhiều quyền. Bàn tay vô hình mà Adam Smith là người đầu tiên nói tới hơn hai thế kỷ trước không gì khác hơn là các giá trị đạo đức Kitô giáo –tôn trọng lẽ phải và yêu thương đồng loại- nhưng ngày nay bàn tay đó đã tê liệt vì Kitô giáo đã mất phần lớn ảnh hưởng. Hậu quả của chủ nghĩa phóng khoáng mà nước Mỹ mê mải chạy theo trong hơn một nửa thế kỷ qua là các giá trị đạo đức mờ nhạt dần, chênh lệch giầu nghèo ngày càng thách thức và các mâu thuẫn tích lũy. Xã hội không chỉ mất dần sự liên đới mà còn mất cả trí tuệ và tâm hồn.
Trừ một ngoại lệ nhỏ dưới thời Obama, các tổng thống Mỹ cho tới nay nói chung đã chỉ biết giảm thuế và bớt luật để kích thích tăng trưởng. Liên đới xã hội và, nghiêm trọng hơn, giáo dục và đào tạo xuống cấp ; học phí các trường đại học có phẩm chất vượt khỏi tầm tay đa số gia đình. Nhưng giáo dục là xương sống của mọi quốc gia, là động cơ của linh động xã hội và cũng đang là cuộc thế chiến giữa các dân tộc trong cuộc tranh đua chinh phục tương lai. Vì thế cùng với sự xuống cấp của giáo dục giấc mơ Hoa Kỳ cũng tan biến dần. Ngày nay khi nhìn vào các chỉ số xã hội –dù là tuổi thọ trung bình, tỷ lệ người bị bệnh tâm thần, tỷ lệ tội phạm, tỷ lệ các bà mẹ vị thành niên, thanh niên bỏ học và nghiện hút v.v.- Mỹ đều thua hẳn mọi nước phát triển khác. Tăng trưởng kinh tế mà các tổng thống Mỹ đặt làm ưu tiên hàng đầu –và cũng được đánh giá theo đó- chỉ chủ yếu dành riêng cho 1% những người giầu nhất. Nghiêm trọng hơn nữa là đa số người Mỹ, đặc biệt là những cử tri cơ sở của Trump, không nhìn thấy lý do bởi vì kiến thức và tư tưởng chính trị của nước Mỹ đã xuống cấp.
Không phải là Mỹ thiếu những nhà tư tưởng và những tác phẩm giá trị về tư tưởng chính trị và xã hội. Mỹ giầu có và thừa khả năng để thu hút những thành phần tinh hoa nhất về mọi mặt của mọi quốc gia. Vấn đề là các tư tưởng quý báu này chỉ quanh quẩn trong các trường đại học danh tiếng và các câu lạc bộ trí thức. Những cuốn sách rất giá trị về triết, kinh tế, xã hội nếu bán được 10.000 cuốn cũng đã là khá. Các bài giảng rất hay của các giáo sư và học giả danh tiếng đưa lên Youtube sau vài năm nếu được 100.000 lượt xem là một thành tích khả quan, trong khi các bài hát và các trận đấu quyền Anh có thể thu hút vài triệu hay vài chục triệu người xem. Nước Mỹ có tư tưởng nhưng người Mỹ không có tư tưởng.
Vì sao kiến thức và tư tưởng chính trị không đến được với người Mỹ ? Câu trả lời giản dị là chế độ tổng thống.
Chế độ Tổng thống Mỹ tập trung quyền lực vào tay một người và vì thế vô hiệu hóa và làm tan biến các chính đảng.
Chế độ này để người dân trực tiếp bầu người cần vận mệnh đất nước. Từ 25 thế kỷ trước, Socrates đã cảnh báo rằng tình trạng này cũng không khác để cho hành khách thay vì những người biết nghề đi biển biểu quyết chọn người thuyền trưởng. Mỗi cuộc bầu tổng thống gần như là một cuộc trình diễn, quần chúng bầu cho ứng cử viên hấp dẫn nhất hơn là cho người tài đức nhất bởi vì họ không đủ thông tin và trình độ để biết ai là người tài đức. Nguy hại nhất là chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào tay một người và vì thế vô hiệu hóa và làm tan biến các chính đảng. Nghiên cứu và thảo luận làm gì khi mà các quyết định chỉ tùy thuộc một người không do đảng chỉ định và do đó không cần phục tùng đảng, trái lại các đảng viên phải phục tùng tổng thống để được ban phát ơn huệ ?
Nhưng các chính đảng đúng nghĩa là điều tối cần thiết cho một quốc gia. Ai không biết điều này thì đừng nên tham gia vào hoạt động chính trị. Đó là những môi trường đào tạo những người có khả năng đảm nhiệm các chức vụ công cộng, là môi trương sản xuất và sàng lọc các ý kiến đồng thời thảo luận về các vấn đề quốc gia và các giải pháp. Quan trọng hơn hết, qua khối đảng viên, các chính đảng cũng là hàng trăm nghìn, hàng triệu cỗ xe chuyên chở kiến thức và tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Không có các chính đảng thì dân trí thấp là hậu quả tự nhiên. Đó là điều sau cùng đã xảy ra cho nước Mỹ. Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa không còn là những chính đảng đúng nghĩa mà chỉ còn là những bộ máy gây quỹ và tranh cử. Nước Mỹ sở dĩ đã vươn lên mạnh mẽ là nhờ tinh thần lành mạnh của các Founding Fathers, nhưng bây giờ, sau hai thế kỷ rưỡi bị chế độ tổng thống làm hao mòn, tinh thần đó không còn nữa. Cho tới nay tất cả các chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại, hoặc đưa đến độc tài hoặc đưa đến mâu thuẫn bế tắc giữa hành pháp và lập pháp. Chế độ tổng thống đã là nguyên nhân chính khiến Châu Mỹ La Tinh không vươn lên được. Nó cũng đã khiến Châu Phi Da Đen quằn quại trong đói khổ hoặc, bi đát hơn, tan rã trong bạo loạn và nội chiến. Cho đến nay Mỹ vẫn được coi là ngoại lệ duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công. Ngoại lệ này bây giờ cũng chấm dứt.
Có thể chờ đợi gì ở Biden ?
Joe Biden là vị tổng thống có tài nhất trong lịch sử nước Mỹ từ gần một thế kỷ nay (NGK)
Theo tôi, Joe Biden là vị tổng thống có tài nhất trong lịch sử nước Mỹ từ gần một thế kỷ nay. Sinh ra trong một gia đình trung lưu thấp, ông đã đấu tranh với hoàn cảnh khó khăn để vươn lên và đã có cả một nửa thế kỷ để học hỏi và chứng minh bản lĩnh chính trị. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên hiểu biết và có kinh nghiệm về tình hình thế giới. Ông đã thất bại trong các lần tranh cử sơ bộ trước đây vì bầu cử tổng thống trước hết là một trình diễn trong khi ông thiếu sức thu hút. Lần này ông đã chỉ được bầu vì Đảng Dân Chủ và một số đông người Mỹ nhận ra là nước Mỹ đang lâm nguy. Joe Biden là vị tổng thống phù hợp nhất cho nước Mỹ trong tình thế này. Tuy vậy có thể dự đoán trước là sẽ không thể chờ đợi ở Biden một kết quả cụ thể ngoạn mục nào vì ông thừa hưởng một di sản quá khó khăn với quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách đã bị trì hoãn quá lâu. Ông sẽ phải hòa giải một nước Mỹ quá chia rẽ trên ngưỡng cửa của một cuộc nội chiến. Ông sẽ phải hòa giải với các đồng minh đã mất hết lý do để tin tưởng vào nước Mỹ và phục hồi uy tín của nước Mỹ đã tan tành sau bốn năm Donald Trump, vào lúc mà Mỹ và các nước dân chủ phải đương đầu quả quyết với thách thức từ Trung Quốc và các chế độ độc tài dân túy. Chính sách tăng thuế đối với các công ty và những người giầu để đầu tư vào liên đới xã hội và giáo dục đào tạo của ông rất đúng và rất cần thiết nhưng sẽ chỉ mang lại kết quả về lâu về dài trong khi trước mắt ông phải đương đầu với dịch Covid-19 đã làm 300.000 người chết và vẫn còn tiếp tục tàn phá. Trong những điều kiện may mắn nhất kinh tế Mỹ cũng sẽ chỉ trở lại được tình trạng cuối năm 2019 vào cuối nhiệm kỳ của ông. Nếu Biden chỉ vạch ra được cho nước Mỹ một hướng đi đúng về tương lai thì cũng đã là may mắn lắm rồi. Ông cũng sẽ không có thời giờ và cơ hội để đặt ra vấn đề quan trọng nhất của nước Mỹ là thay đổi chế độ tổng thống.
Có thể nói gì giữa người Việt Nam với nhau ?
Dấu hỏi càng lớn và đáng lo ngại khi một số đông ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt đến độ có thể mạt sát những đồng bào mà mình từng quý mến chỉ vì họ có quan điểm khác.
Sự kiện Việt Nam là một trong số vài dân tộc rất hiếm hoi trên thế giới mà cho tới gần đây đa số ủng hộ Trump là một dấu hỏi lớn về bản chất và văn hóa của dân tộc ta. Tại sao người Việt Nam, kể cả một số người có học vị và địa vị cao trong xã hội, có thể ngưỡng mộ một con người thấp kém về kiến thức, tồi tệ về đạo đức và nhỏ mọn trong tâm hồn như Donald Trump ? Chúng ta là một dân tộc như thế nào ? Dấu hỏi càng lớn và đáng lo ngại khi một số đông ủng hộ Trump một cách cuồng nhiệt đến độ có thể mạt sát những đồng bào mà mình từng quý mến chỉ vì họ có quan điểm khác. Chúng ta vừa chứng tỏ sự nông cạn về kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị và đó là lý do chính giải thích tại sao chúng ta đã là chúng ta ngày nay. Chúng ta còn cần một cố gắng văn hóa rất lớn.
Một quyết tâm mà chúng ta phải có ngay trong lúc này, trước thềm của kỷ nguyên dân chủ sắp mở ra, là phải dứt khoát gạt bỏ chế độ tổng thống. Đừng để lịch sử lặp lại. Chính vì thiếu văn hóa chính trị mà chúng ta đã đã không nhìn thấy những khuyết tật độc hại của tư tưởng Mác-Lênin và đã rước lấy chủ nghĩa cộng sản vào lúc mà thế giới đã nhìn ra nó như một sai lầm và một tội ác, với hậu quả là 30 năm nội chiến, sáu triệu người chết, đất nước tan hoang và tụt hậu và vẫn còn phải mang trên cổ cái ánh độc tài. Chúng ta cần cảnh giác để đừng chuốc lấy chế độ tổng thống vào lúc nó đã tiết lộ bản chất tệ hại.
Nguyễn Gia Kiểng
(07/12/2020)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Nước Mỹ nào sau Donald Trump ?", Thông Luận, 02/02/2020
Khi John Yoo — một cựu luật sư của Bộ Tư pháp chuyên soạn thảo các biên bản ghi nhớ pháp lý về các chiến thuật thẩm vấn nâng cao — lo lắng về việc vượt quá giới hạn của ngành hành pháp, thì bạn nên biết rằng mọi thứ đang thực sự trở nên nghiêm trọng. Trong một bài viết trên tờ New York Times gần đây, John Yoo cho rằng chính quyền Trump đã vượt qua giới hạn của mình trong việc thúc đẩy một số sắc lệnh, trong đó có lệnh cấm bảy quốc gia đa số theo Hồi giáo nhập cư gây tranh cãi.
John Yoo là tác giả của các biên bản ghi nhớ tra tấn trong nhiệm kỳ của mình tại Sở Tư pháp và điều này làm nên tên tuổi của Yoo. Không mấy ngạc nhiên, khi Yoo được xem là một người ủng hộ kiên định lập trường Tổng thống Hoa Kỳ có quyền quyết định không giới hạn đối với một loạt các vấn đề về chính sách. Nhưng, ngay cả đối với Yoo, Tổng thống Donald Trump dường như đang làm những việc vượt quá xa quyền hành của tổng thống.
Tuy nhiên, khi nhìn lại toàn bộ sự việc, chính quyền Trump với những sắc lệnh chỉ là một phần mở rộng của xu hướng chung của chính trị Mỹ. Các tổng thống kế tiếp nhau đã tiếp nhận quyền lực ngày càng lớn hơn so với Quốc hội. Trong thực tế, xu hướng đó là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống chính quyền của Hoa Kỳ không còn thích hợp để thực sự quản trị một cách hiệu quả. Chế độ tổng thống Hoa Kỳ không còn công dụng nữa.
Khi nói đến thể chế chính trị, Hoa Kỳ luôn luôn là một ngoại lệ. Hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển đều theo hệ thống nghị viện - như Westminster ở Anh hoặc Bundestag ở Đức. Sự khác biệt quan trọng giữa chế độ nghị viện và tổng thống là sự tách biệt giữa ngành lập pháp và hành pháp. Trong chế độ nghị viện, lập pháp và hành pháp gắn chặt với nhau ; trong chế độ tổng thống, hai nhánh quyền lực này hoạt động độc lập.
Bài luận văn năm 1990 có tựa đề "Những hiểm họa của chế tổng thống" (The Perils of Presidentialism) của nhà khoa học chính trị Juan Linz, phân tích những vấn đề quan trọng đối với các chế độ tổng thống. Trong số những vấn đề nghiêm trọng là tính chính đáng chính trị. Linz giải thích :
"Trong chế độ tổng thống, các nhà lập pháp, đặc biệt là khi họ đại diện các chính đảng có sự gắn bó vàtính kỷ luật với các tư tưởng và chính trị rõ ràng, cũng có thể tuyên bố tính chính đáng. Điều này sẽ càng nổi bật khi đa số của cơ quan lập pháp đại diện cho một khuynh hướng chính trị trái ngược với tổng thống. Trong hoàn cảnh như thế, ai có quyền tuyên bố đại diện cho nhân dân : tổng thống hay đa số lập pháp phản đối chính sách của tổng thống ? Bởi vì cả tổng thống và những nhà lập pháp đều nhận được quyền lực từ những phiếu bầu của người dân, trong một cuộc cạnh tranh tự do với các lựa chọn thay thế được định nghĩa rõ ràng, thì một cuộc xung đột luôn luôn có khả năng và đôi khi có thể nổ ra một cách đột ngột".
Trong một khoảng thời gian dài, Hoa Kỳ đã có thể vượt qua những vấn đề cơ cấu này bởi vì các nhà lập pháp đã không đại diện cho các chính đảng có tính gắn bó và kỷ luật với ý thức hệ rõ ràng. Trên thực tế, đối với người châu Âu, hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ hầu như không đại diện cho đảng nào cả, nhưng thay vào đó là các liên minh lỏng lẻo được tạo ra nhằm thu hút các cử tri. Tuy nhiên, kể từ thập niên 1960, nền tảng truyền thống của chính đảng Hoa Kỳ đã dần dần bị xói mòn.
Thế kỉ nhân quyền của thập niên 1950 và 1960 mang đến sự tách biệt ý thức hệ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện Hoa Kỳ, không có một thành viên nào của đảng Cộng hòa đồng thuận với khuynh hướng cánh tả của thành viên đảng Dân chủ bảo thủ nhất. Ảnh hưởng của việc gian lận bầu cử và không có những hạn chế tài chính cho chiến dịch tranh cử, đã gây ra hệ quả rõ rệt tại Nghị viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, các cuộc bầu cử sơ bộ cho thấy các chính trị gia thường bị đe dọa nhiều nhất bởi những người thách thức ý thức hệ của giới cánh tả và hữu (nhưng chủ yếu là cánh hữu) trong mùa bầu cử.
Kết quả là những gì chúng ta đang chứng kiến trong nền chính trị Mỹ. Hệ thống chính trị Hoa Kỳ được xây dựng chính xác dựa trên hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau (checks and balances). Tuy nhiên, những biện pháp cân đối quyền lực đã tạo ra bế tắc và xói mòn, cuối cùng dẫn đến quyền lực hành pháp tăng cao. Trong khoảng thời gian tốt đẹp nhất thì cùng một chính đảng kiểm soát cả Nhà Trắng và Quốc hội. Giống như chúng ta đã thấy trong năm 2009 với việc thông qua Obamacare, rất nhiều công việc đã được hoàn thành. Nhưng với chu kỳ bầu cử mỗi hai năm, chính quyền dễ có xu hướng chia rẽ. Và không có gì ngạc nhiên khi sự tê liệt đó diễn ra thường xuyên ở thủ đô Washington DC. Sản phẩm chính là một cơ quan lập pháp chẳng làm gì cả, gây ra sự giận dữ trong toàn bộ cử tri.
Trong tình huống này, tổng thống với quyền lực hành pháp, sẽ có động cơ để tạo ra chính sách nhằm thúc đẩy kế hoạch nghị sự của mình. Nhưng đó không phải là một vai trò mà Tổng thống có truyền thống đảm nhận. Trong mọi trường hợp, các sắc lệnh của tổng thống có thể trở nên cực đoan. Chính quyền Trump đã hủy bỏ một loạt các sắc lệnh của chính quyền Obama. Nếu sự ổn định của ngành lập pháp là một trong những đặc điểm nổi bật của nền dân chủ hoạt động hữu hiệu, thì hệ thống chính trị Hoa Kỳ gần như trái ngược hoàn toàn.
Năm 2014, nhà khoa học chính trị Francis Fukuyama đã viết trên tạp chí Foreign Policy rằng nền chính trị Mỹ đang bị phân rã. Ông giải thích : "sự phân rã chính trị [...] xảy ra khi các thể chế không thích nghi với việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, hoặc do sự cứng nhắc tri thức hoặc vì sức mạnh của các tầng lớp lãnh đạo đương nhiệm nhằm bảo vệ vị trí của họ và ngăn chặn sự thay đổi".
[Giáo sư Francis Fukuyama nhấn mạnh trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy : "Hoa Kỳ đang lâm vào tình trạng suy thoái chính trị. Hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau (checks and balances) của hiến pháp Hoa Kỳ cùng với sự phân cực chính trị đảng phái và sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích giàu có về tài chính, đã kết hợp lại để tạo ra cái mà tôi gọi là "chế độ phủ quyết" (vetocracy), một tình trạng trong đó các nhóm lợi ích dễ dàng ngăn chặn Chính phủ thực hiện công việc, hơn là sử dụng chính phủ để thúc đẩy lợi ich chung".
Về bản chất, có quá nhiều điểm tắc nghẽn chặn đứng hoạt động của ngành lập pháp từ khi dự luật mới thai nghén. Ngoài sự phân hóa giữa Quốc hội và Nhà Trắng, còn có thủ thuật filibuster - là những nỗ lực ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật ở Thượng Viện. Các tiểu bang vẫn mạnh mẽ, với hệ thống lập pháp (chủ yếu là lưỡng viện) và các tòa án tối cao. Hệ thống bầu cử Đại cử tri đoàn (electoral college) cổ xửa dẫn đến kết quả là hai trong số ba tổng thống gần đây nhất đều thất bại về số phiếu phổ thông, trong khi đưa cho các bang chưa ngã ngũ (swing states - những bang mà sự chênh lệch giữa tỷ lệ ủng hộ của ứng viên này không nhiều hơn là bao so với ứng viên kia) quyền lực cử tri khổng lồ.
Thực trạng đáng nói là Hoa Kỳ đang điều hành một quốc gia hiện đại dựa trên cơ sở hiến pháp 1789 (mặc dù có một số sửa đổi). Những xung đột lớn là chắc chắn. Thật khó có thể tin được rằng những vị sáng lập đất nước Hoa Kỳ có khả năng nhìn thấy trước bản chất của cuộc khủng hoảng chính trị Mỹ hiện tại. Từ quan điểm của các nhà Lập Quốc, có lẽ là kỳ quái khi cho rằng sự thừa thãi của hệ thống kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau gây ra các vấn đề cho nền chính trị Hoa Kỳ.
Nhưng Hoa Kỳ nhanh chóng phát hiện ra rằng các định chế lạc hậu đang tan rã chính xác ở thời điểm mà các định chế truyền thống cũng đang bị đe dọa. Trong thực tế, các thể chế thất bại và sự xói mòn chuẩn mực có thể có tương quan chặt chẽ.
Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016, Daron Acemoğlu viết rằng nền chính trị Mỹ đã ở trong giai đoạn mang tính biểu tượng hình thức và "những biểu tượng được nhắm đến là các nền tảng đạo đức của nền dân chủ Hoa Kỳ". Nhưng một biểu tượng khác chính là hệ thống chính trị. Nếu hiến pháp Hoa Kỳ có thể được viết lại vào ngày mai, tập thể các nhà sáng lập của thế kỷ 21 sẽ thận trọng hủy bỏ hệ thống tổng thống và thay thế bằng hệ thống đại nghị. Tất nhiên, các vấn đề cấu trúc sẽ vẫn còn. Tuy nhiên, một hệ thống đơn giản và linh hoạt hơn của hệ thống đại nghị có nghĩa là chính quyền Hoa Kỳ sẽ không còn là một phần của vấn đề nữa, mà là một phần của giải pháp.
Tim Pfefferle
Mai V. Pham biên dịch
Nguồn : thongluan2016.blogspot.fr, 26/05/2018
Xã luận
Tại sao người Việt Nam chúng ta phải nhận diện sự hoại loạn của chế độ tổng thống ngay từ lúc này khi chúng ta chưa có dân chủ và chế độ cộng sản toàn trị vẫn còn ngạo nghễ trước mắt ?
Bốn vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ : George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt et Abraham Lincoln.
Tổng thống Donald Trump có lẽ nghĩ rằng có thể quét sạch nhanh chóng bọn khủng bố nhân danh Hồi Giáo khỏi mặt đất này như ông đã hứa với cử tri Mỹ, chúng vẫn còn tiếp tục tồn tại và gây tang tóc chỉ vì Obama đã quá nhu nhược.
Quả thực là Obama đã rất nhu nhược và sự nhu nhược của ông phải bị lên án nghiêm khắc vì đã góp phần quyết định làm khoảng 300.000 người Syria, Iraq và Libya thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản trong đó nhiều người đã thiệt mạng trên đường tỵ nạn. Vấn đề là Trump cũng không hơn gì Obama.
Đã gần hai tháng từ ngày Trump lên cầm quyền nhưng các vụ khủng bố vẫn tiếp diễn tại khắp nơi và không có dấu hiệu Mỹ sắp có phản ứng mạnh. Cuộc phản công lấy lại Mosul tại Iraq vẫn tiến theo vận tốc chậm chạp và thận trọng như trước. Quân đội Mỹ không can thiệp mạnh hơn tại Trung Đông và Afghanistan. Triều Tiên vẫn thử hỏa tiễn tầm trung bất chấp những lời đe dọa của Trump trong lúc vận động tranh cử.
Trump đang khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không phải muốn làm gì cũng được. Điều mà ông đã thực sự làm được là trưng ra hình ảnh một chính quyền Mỹ kỳ thị Hồi Giáo và gián tiếp động viên tinh thần cho bọn khủng bố mà sức mạnh chính là lòng căm thù đối với các nước phương Tây.
Trump đang khám phá ra rằng tổng thống Mỹ không phải muốn làm gì cũng được.
Trong bốn tổng thống Mỹ gần đây hai người – Clinton và Obama - không dám hành động và hai người – George W. Bush và Trump - hành động một cách thô vụng. Trong một phần tư thế kỷ qua Mỹ đã chỉ có những tổng thống dở.
Phải nói là chính trị Mỹ đã quá xuống cấp. Tại sao ?
Đó là do một tật nguyền từ bản chất của chế độ tổng thống trong đó phần lớn quyền hành tập trung trong tay một người do toàn dân bầu ra. Trong các dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định : "Sự thật lịch sử là cho tới nay, trừ trường hợp của Hoa Kỳ, tất cả mọi chế độ tổng thống trên thế giới đều đã thất bại". Ngày nay ngay cả tại Hoa Kỳ chế độ tổng thống cũng đã thất bại.
Tại Pháp, cường quốc dân chủ thứ hai theo chế độ tổng thống, tình trạng còn bi đát hơn. Hơn một tháng trước François Fillon, ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, coi như chắc chắn sẽ đắc cử. Hiện nay, năm tuần trước ngày bầu cử, ông đứng hàng thứ ba, sau rất xa hai người về đầu.
Fillon tuột dốc chỉ vì một sự kiện không quan trọng là đã dùng vợ con làm phụ tá dân biểu trong quá khứ mà không chứng minh được một cách minh bạch là họ đã thực sự làm việc, như nhiều dân biểu khác đã làm bởi vì đó là một thông lệ trước đây, một sự kiện mà nếu ông không ứng cử tổng thống thì không ai để ý. Hy vọng đắc cử của Fillon hiện nay rất mỏng manh. Ông thua khá xa hai người về đầu theo các thăm dò dư luận. Một người là lãnh tụ cực hữu Marine Le Pen. Người kia, Emmanuel Macron, là một thanh niên xuất phát từ môi trường ngân hàng, không thành tích cũng không có khuynh hướng chính trị rõ rệt.
Nếu Marine Le Pen đắc cử không phải chỉ nước Pháp điêu đứng mà Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể tan rã. Có nhiều triển vọng Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp. Nếu như thế thì Đảng Cộng Hòa, do tướng De Gaulle thành lập sau Thế Chiến II và đã cầm quyền trong phần lớn thời gian trong 60 năm qua, không chỉ thất bại mà còn sẽ bị xóa bỏ vì đã quá suy yếu và chia rẽ. Còn Đảng Xã Hội, đã hiện diện mạnh mẽ trên chính trị từ hơn một thế kỷ nay, chắc chắn sẽ tan biến sau cuộc bầu cử tổng thống này, dù kết quả thế nào.
Có nhiều triển vọng Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp
Nhiều câu hỏi phải được đặt ra. Tại sao số phận của một nước lớn như nước Pháp, và cả Liên Hiệp Châu Âu, lại có thể lệ thuộc vào những sự kiện không mấy quan trọng ? Tại sao hai đảng lớn và lâu đời, gắn bó chặt chẽ với lịch sử nước Pháp lại có thể bị xóa bỏ dễ dàng như vậy ?
Thảm kịch của nước Pháp cũng có cùng một nguyên nhân với tình trạng đáng buồn của nước Mỹ, đó là sự hoại loạn của chế độ tổng thống.
Trước khi bàn thêm chúng ta hãy đặt một câu hỏi cho chính chúng ta : Nếu Pháp, một nước giầu mạnh đứng hàng đầu về truyền thống dân chủ và tư tưởng chính trị, có thể chao đảo như vậy thì điều gì sẽ xẩy ra trong một trường hợp tương tự đối với một nước nghèo, non nớt về tư tưởng chính trị, chưa có truyền thống dân chủ và còn bị chia rẽ nghiêm trọng sau một cuộc nội chiến đẫm máu và không có hòa giải dân tộc sau đó như Việt Nam ?
Như chúng tôi đã phân tích trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, hai tật nguyền cơ bản của chế độ tổng thống là trước hết đòi toàn dân bầu cho một người thay vì cho một chính đảng và sau đó dành cho người đó quá nhiều quyền trong một thời gian cố định. Tổng thống khống chế chứ không tùy thuộc đảng của mình bởi vì không do đảng chọn.
Hậu quả đầu tiên là các chính đảng vì không có quyền lực nên cũng không có vai trò và sức thu hút, vì thế không mạnh lên được và nếu vì một lý do nào đó có sức mạnh ban đầu thì sức mạnh đó cũng mất dần.
Cả hai cường quốc dân chủ theo chế độ tổng thống, Mỹ và Pháp, đều đã chứng minh điều đó.
- Hoa Kỳ ra đời với một lý tưởng dân chủ mạnh và các chính đảng lớn, nhưng sau một thế kỷ dưới chế độ tổng thống cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều yếu đi và không còn khả năng chỉ định người ra ứng cử tổng thống nên phải tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ để nhờ cử tri chọn giùm ứng cử viên.
- Tại Pháp sau hơn một nửa thế kỷ dưới chế độ tổng thống cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đều cũng đã quá yếu và quá chia rẽ nên cũng không còn đồng thuận và kỷ luật nội bộ để chỉ định ứng cử viên tổng thống nữa và cũng phải dùng bầu cử sơ bộ. Nhưng về bản chất của nó bầu cử sơ bộ là một sự vô lý. Đó là sự kiện một đảng nhờ người ngoài chọn giùm lãnh tụ cho đảng mình. Đó cũng là sự kiện các đảng viên, những người hiểu biết các vấn đề của đất nước và tài năng của các cấp lãnh đạo đảng, nhờ những người kém hiểu biết, nghĩa là những thường dân, chọn người có quyền giải quyết các vấn đề.
Đó là những gì đã diễn ra tại Mỹ và Pháp. Kinh nghiệm tại các nước chưa phát triển và chưa có truyền thống dân chủ còn hùng hồn hơn. Các đảng cầm quyền tan rã ngay khi tổng thống mất quyền bởi vì chúng không phải là những chính đảng đúng nghĩa, chúng chỉ là những hư cấu, những dụng cụ của tổng thống. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam trước đây dù chỉ tồn tại được hai mươi năm cũng đã cống hiến hai bài học : cả Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu lẫn Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu đều đã tan biến hoàn toàn và tức khắc ngay sau khi lãnh tụ mất quyền. Sự kiện chế độ tổng thống không cho phép có các chính đảng đúng nghĩa không thể chối cãi.
Tại sao cần có các chính đảng lớn và mạnh ? Đó là vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước. Không có các chính đảng lớn thì tư tưởng và kiến thức chính trị nếu có cũng chỉ lẩn quẩn trong một vài trường đại học hay một vài câu lạc bộ trí thức. Sẽ không có những chính trị gia tài giỏi, dân trí sẽ thấp và nền dân chủ, nếu có, cũng sẽ chỉ là một nền dân chủ bệnh hoạn.
Cũng cần nói thêm là chế độ tổng thống bắt buộc phải là một chế độ bệnh hoạn – và thường dẫn đến độc tài - vì ít nhất hai lý do. Lý do thứ nhất là không thể đòi hỏi các công dân bình thường biểu quyết một quyết định quá khó khăn và phức tạp như việc chọn một người lãnh đạo quốc gia. Phổ thông đầu phiếu chỉ có thể sử dụng cho những chọn lựa tuy rất quan trọng nhưng nhưng cũng rất đơn giản và đã được thảo luận đầy đủ. Lý do thứ hai là do sự vắng mặt hoặc yếu kém của các chính đảng chỉ những người hoặc rất giầu có hoặc được sự đỡ đầu của giới tài phiệt mới có khả năng tài chính để vận động mạnh và đắc cử. Không có gì bảo đảm là họ có bản lĩnh chính trị.
Nhưng tại sao người Việt Nam chúng ta phải nhận diện sự hoại loạn của chế độ tổng thống ngay từ lúc này khi chúng ta chưa có dân chủ và chế độ cộng sản toàn trị vẫn còn ngạo nghễ trước mắt ?
Trước hết là để đừng dại dột thử nghiệm chế độ tổng thống sau khi đã may mắn thoát được ách cộng sản vì nó rất khó trút bỏ một khi đã được thử nghiệm.
Một kinh nghiệm lớn của thế giới là các nước Châu Mỹ La Tinh dù đã giành được độc lập từ hai thế kỷ nay vẫn lúng túng trong nghèo khổ dưới các chế độ độc tài. Họ đã chọn chế độ tổng thống và khó có thể chuyển hóa về chế độ đại nghị vì thiếu các chính đảng đúng nghĩa, hậu quả của chính chế độ tổng thống. Họ bị giam cầm trong một vòng luẩn quẩn.
Một kinh nghiệm bi đát hơn nữa là các nước Châu Phi da đen. Tất cả đều đã chọn chế độ tổng thống, tất cả đều quằn quại trong nghèo khổ dưới các chế độ độc tài, nhiều nước còn chìm đắm trong bạo loạn và nội chiến, nhưng chưa nước nào chuyển hóa được sang các chế độ đại nghị vì thiếu các chính đảng đúng nghĩa.
Cũng có một lý do khác rất gần, rất quan trọng và cụ thể. Đó là hình như đa số người Việt Nam có một thứ "phản xạ tổng thống". Nói tới dân chủ là nhiều người nghĩ ngay đến chế độ tổng thống và chính cái phản xạ tổng thống này đã góp phần quan trọng khiến cho tới ngày nay chúng ta vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Lý do là vì phản xạ tổng thống đi đôi với phản xạ nhân sĩ. Cả hai đều tìm những giải pháp cá nhân, làm lãnh tụ hay phò một lãnh tụ. Cả hai đều không coi trọng tổ chức trong khi giờ này ít nhất có một điều đã rõ ràng là chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi cho dân chủ nếu xây dựng được một tổ chức dân chủ mạnh.
Phải dứt khoát bác bỏ chế độ tổng thống để xây dựng đất nước một cách lành mạnh trong tương lai, nhưng cũng phải từ bỏ phản xạ tổng thống ngay từ bây giờ nếu chúng ta muốn giành được thắng lợi cho dân chủ.
Paris, 11/03/2017
Nguyễn Gia Kiểng
Tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt của một người ? Tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?
Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ
Trong sáu tháng cuối năm 2016 và tháng giêng năm 2017 đã diễn ra những cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ và Pháp, hai nước dân chủ lớn theo chế độ tổng thống. Những cuộc bầu cử này chiếu thêm một ánh sáng trong những suy nghĩ về việc chọn lựa chế độ chính trị sắp tới cho nước ta.
Một cách vắn tắt bầu cử sơ bộ là những cuộc bầu cử giữa những người ủng hộ một chính đảng để chọn ứng cử viên của đảng đó trong những cuộc bầu cử chính thức các chức vụ dân cử. Một số chính đảng tại khoảng mười quốc gia trên thế giới tổ chức những cuộc bầu cử này ở những mức độ khác nhau. Những cuộc bầu cử sơ bộ được biết đến nhất là những cuộc bầu chọn của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Mỹ để chọn ứng cử viên tổng thống. Tai Pháp Đảng Xã Hội đã tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng từ năm 2012, đảng Cộng Hòa mới tổ chức bầu cử sơ bộ lần đầu năm 2016. Tại Pháp cũng như tại Mỹ tất các đảng viên và cảm tình viên của mỗi đảng được mời tham gia tuyển chọn ứng cử viên của đảng vào chức vụ tổng thống.
Cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ đã đưa đến kết quả không ngờ là Donald Trump, một người không phải là một đảng viên Cộng Hòa chân chính và mới đầu rất ít người nghĩ là có thể thắng, được chọn làm ứng cử viên của đảng và sau đó đắc cử tổng thống Mỹ. Donald Trump không có tài đức gì, không có kinh nghiệm, cũng không có lý tưởng và tư tưởng chính trị. Ông thay đảng như thay áo, hết Đảng Cộng Hòa đến Đảng Dân Chủ, rồi lại Cộng Hòa. Có lúc còn gia nhập Đảng Cải Tổ của Ross Perot. Hoạt động chính của ông là kinh doanh nhà đất và hoạt náo những chương trình TV Reality khai thác thị hiếu tầm thường của quần chúng. Dầu vậy ông vừa trờ thành tổng thống Hoa Kỳ để khiêu khích cả thế giới và chủ trương kết thân với chế độ mafia của Putin tại Nga.
Tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ cũng đã gây sửng sốt. Bên Đảng Cộng Hòa (Les Républcains, thuộc cánh hữu ôn hòa) François Fillon đã vượt xa tất cả các ứng cử viên khác dù trước ngày bầu cử hai tuần ông chỉ đứng hàng thứ ba trong số các ứng cử viên với khoảng 13% số phiếu theo các cuộc thăm dò dư luận. Sang vòng chung kết ông hạ đo ván Alain Juppé, người trước đó vài tuần được coi như chắc chắn sắp là tổng thống Pháp, với tỷ số 66% - 33%. Lý do chính là François Fillon đã đưa ra một chương trình chính trị khuynh hữu một cách quả quyết. Bên cánh tả cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Xã Hội cũng gây ngạc nhiên không kém. Benoît Hamon, một ứng cử viên mờ nhạt, không hùng biện, không kinh nghiệm cũng chẳng có tài, ra ứng cử với một chương trình khuynh tả một cách hoang tưởng đã vượt hẳn các ứng cử viên khác trong vòng đầu dù trước đó chỉ hai ngày phần lớn các cuộc thăm dò dư luận cho rằng ông sẽ chỉ về hạng ba. Trong vòng hai Hamon loại cựu thủ tướng Valls với tỷ lệ áp đảo 58% - 41%. Hai Đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã thay nhau cầm quyền trong gần 60 năm qua. Cả hai đảng đều có thể bị loại khỏi chính quyền trong cuộc bầu cử tống thống ba tháng nữa. Đảng Xã Hội gần như chắc chắn sẽ thất bại và sau đó bị xóa bỏ như đã được dự đoán từ khá lâu nhưng số phận của Đảng Cộng Hòa ly kỳ hơn nhiều. Mới cách đây hai tuần nó còn chắc chắn sẽ giành được chức tổng thống và lãnh đạo nước Pháp nhưng bất ngờ báo chí phát giác François Fillon đã từng trả lương cho vợ và các con với tư cách phụ tá cho ông trước đây khi ông còn là dân biểu mà không ai biết rõ họ đã thực sự làm gì. Điều này tuy không trái luật nhưng đủ để làm uy tín của Fillon tuột dốc và nếu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong lúc này ông sẽ bi loại ngay vòng đầu.
Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao tương lai của một đảng cầm quyền lâu đời và cả tương lai của một cường quốc như Pháp lại có thể thay đổi hẳn vì một chuyện nhỏ nhặt như chuyện công việc của vợ và con ông François Fillon ? Một câu hỏi còn nghiêm trọng hơn là tại sao một nhân vật không tài đức, không kinh nghiệm và cũng chẳng có lý tưởng cao đẹp nào ngoài những khẩu hiệu mị dân như Donald Trump lại có thể trở thành nhân vật quyền lực nhất thế giới ?
Để trả lời hai câu hỏi đó có lẽ ta nên bắt đầu bằng hai câu hỏi khác cụ thể hơn.
Câu hỏi thứ nhất là tại sao các chính đảng không tự chọn lấy ứng cử viên tổng thống của mình mà lại phải nhờ cử tri của phe mình chọn hộ ?
Chắc chắn không phải là vì như thế ứng cử viên của đảng sẽ phù hợp hơn với cử tri toàn quốc. Bộ máy của đảng phải có cái nhìn chính xác hơn và cũng có nhiều thông tin và phương tiện để biết rõ hơn những người bình thường. Càng không phải như thế sẽ chọn đúng người tài đức nhất. Điều này không ai biết rõ bằng ban lãnh đạo và các đảng viên nòng cốt. Lý do chỉ giản dị là đảng đã quá suy yếu, chia rẽ và phân hóa nên không còn đồng thuận để chỉ định người đại diện cho mình, vì thế bầu cử sơ bộ trở thành giải pháp bắt buộc để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Một trong những hậu quả tai hại nhất của chế độ tổng thống là làm các chính đảng yếu đi vì mất quyền lực và ảnh hưởng. Điều này anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi đã nhận định trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :
(…) Ông hay bà (ứng cử viên) có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước (…).
Cần lưu ý là Hoa Kỳ đã chỉ cần những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống sau hơn một thế kỷ lập quốc và Pháp cũng chỉ mới có những cuộc bầu cử sơ bộ gần đây sau hơn nửa thế kỷ bầu tổng thống qua phổ thông đầu phiếu. Trong cả hai trường hợp bầu cử sơ bộ đã chỉ trở thành cần thiết sau khi chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng mất vai trò và sức mạnh.
Nhiều người, trong đó có chính kẻ viết bài này, đã từng nhận định sự xuống cấp của văn hóa chính trị tại Mỹ và Pháp trong những thập niên gần đây. Đó là vì các chính đảng đã suy yếu đi và không còn là môi trường sản xuất nhân tài và ý kiến nữa.
Câu hỏi thứ hai là tại sao khi đất nước đứng trước những chọn lựa khó khăn những cuộc bầu cử sơ bộ thường đưa tới thắng lợi của những ứng cử viên có lập trường cực đoan nhất ?
Điều này người ta đã có thế thấy qua thắng lợi của Donald Trump tại Mỹ, của François Fillon và Benoit Hamon tại Pháp. Câu trả lời chỉ giản dị là người ta không thể đòi hỏi ở quần chúng một chọn lựa đắn đo và trách nhiệm. Phản ứng bình thường của một người bình thường khi được yêu cầu bày tỏ thái độ là nói lên điều mình muốn mà không cần biết điều đó có hợp lý và khả thi hay không. Và các cử tri bình thường này đã nói bằng lá phiếu. Một người cánh hữu tham gia một cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu vì thế sẽ bầu cho ứng cử viên tiêu biểu nhất cho lập trường mà mình cho là "hữu" nhất. Tương tự, một cử tri phe tả sẽ có khuynh hướng bầu cho ứng cử viên "tả" nhất. (Cũng có khối cử tri trung lập bầu theo nhận định khách quan, nhưng những người này thường không tham gia những cuộc bầu cử sơ bộ). Đắn đo lựa chọn một giải pháp chính trị có sức thuyết phục đối với toàn thể dân tộc vì khả thi và phù hợp với bối cảnh quốc gia và quốc tế không phải là ưu tư của cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị như trong các cuộc bầu cử sơ bộ. Đó chỉ là ưu tư của những người hoạt động chính trị, nghĩa là những đảng viên nòng cốt. Thảo luận nghiêm túc và chấp nhận những thỏa hiệp giai đoạn nếu cần chỉ có nơi những người dấn thân chính trị. Một người dấn thân chính trị cánh tả có thể coi liên đới xã hội là giá trị cao nhất, có thể nghĩ rằng một xã hội văn minh không có quyền bỏ rơi những người yếu kém vì thế an sinh xã hội phải là ưu tiên số 1 của hoạt động chính trị, có thể tranh luận rất sôi nổi với một trí thức thuộc một đảng cánh hữu cho rằng tự do và tự hào mới là những giá trị cao nhất và tạo ra những người sống nhờ trợ cấp là xúc phạm tới phẩm giá con người, chính quyền vì vậy có trách nhiệm tạo ra những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân xây dựng đời mình nhưng không nên trợ cấp. Tuy vậy hai người đó hiểu nhau và nếu cần vẫn có thể thỏa hiệp để làm việc chung trong một chính phủ đoàn kết quốc gia trong một hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng đó không phải là thái độ của những cử tri thuộc một khuynh hướng chính trị, những người này ít kiến thức chính trị và chỉ bầu cho người nói điều mà họ muốn nghe, nghĩa là những ứng cử viên cực đoan.
Sau khi đã trả lời hai câu hỏi trên ta có thể trở lại hai câu hỏi đã đặt ra trước đó. Cả hai câu hỏi này đều có cùng một câu trả lời : đó là do hậu quả của chế độ tổng thống. Chế độ này tập trung quyền lực vào một người, biên tế hóa và làm suy yếu các chính đảng, làm xuống cấp cuộc thảo luận chính trị và cuối cùng hạ thấp dân trí khiến quốc gia không thích nghi được với những thay đổi ngày càng dồn dập về khoa học, kỹ thuật, nếp sống và bối cảnh thế giới.
Một tật nguyền khác của chế độ tổng thống đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người, quá tách biệt hành pháp với lập pháp và tư pháp và rất dễ dẫn tới xung đột bế tắc giữa các định chế. Trong các quốc gia chưa có truyền thống dân chủ vững vàng như nước ta nó rất dễ đưa tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là tham nhũng, đàn áp và bạo loạn, thậm chí nội chiến.
Thực tế là cho tới nay tất cả các chế độ tổng thống đều đã thất bại trừ trường hợp rất đặc biệt của Hoa Kỳ. Nhưng giờ đây chính Hoa Kỳ cũng đã bối rối vì chế độ tổng thống, như thắng lợi của Donald Trump vừa chứng tỏ.
Hoa Kỳ đã ra đời với một tư tưởng chính trị lành mạnh đặt nền tảng trên các giá trị tư do, dân chủ và nhân quyền nhờ các Founding Fathers, những người cha lập quốc, vì thế đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành siêu cường số 1 của thế giới. Nhưng chế độ tổng thống với những tật nguyền của nó đã khiến cái vốn tinh thần này hao mòn dần đi thay vì được bồi đắp thêm. Không phải vì Hoa Kỳ thiếu những nhà tư tưởng mà vì những tư tưởng của họ không ra khỏi một vài trường đại học và một vài câu lạc bộ trí thức. Vai trò của các chính đảng là đem các tư tưởng chính trị vào sinh hoạt xã hội, nhưng chế độ tổng thống đã dần dần làm các chính đảng yếu đi và làm cuộc thảo luận chính trị xuống cấp. Đồng thuận dân tộc yếu dần và xã hội đi dần và khủng hoảng. Hoa Kỳ sớm hay muộn cũng phải bỏ chế độ tổng thống.
Trường hợp của Pháp càng có ý nghĩa hơn. Pháp trước đây theo chế độ đại nghị và là một nước dẫn đầu về tư tưởng chính trị. Chế độ đại nghị với thể thức bầu cử theo tỷ lệ đã khiến chính quyền mất ổn định vì không đảng nào có được một đa số ổn định để cầm quyền. Năm 1958 tướng De Gaulle đề nghị một chế độ bán tổng thống, trên thực tế gần như một chế độ tổng thống vì tổng thống được bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu và có rất nhiều quyền, hơn cả tổng thống Mỹ. Từ năm 2002, khi nhiệm kỳ tổng thống được qui định là 5 năm như nhiệm kỳ của quốc hội, chế độ của Pháp trên thực tế đã trở thành một chế độ tổng thống, thủ tướng không khác một chánh văn phòng của tồng thống. De Gaulle đã làm một sai lầm lớn. Nguyên nhân của tình trạng bất ổn chính trị không phải là chế độ đại nghị mà là thể thức đầu phiếu theo tỷ lệ. Nếu muốn chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị chỉ cần chọn thể thức bầu cử đơn danh và một vòng. Hậu quả của chế độ tổng thống là các chính đảng ngày càng yếu đi và thảo luận chính trị ngày càng xuống cấp. Từ năm 2012 Đảng Xã Hội đã quá chia rẽ nên phải tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng. Năm 2016 đến lượt Đảng Cộng Hòa. Các cuộc bầu cử sơ bộ này càng làm cho đảng chia rẽ hơn, và yếu hơn, vì chúng áp đặt lên đảng một lãnh tụ mà đa số đảng viên không muốn. Trong đợt bầu cử sơ bộ vừa qua trong mỗi đảng đều có gần mười ứng cử viên với những chương trình chính trị rất khác nhau. Như vậy các đảng này còn đồng thuận nào để gắn bó các đảng viên với nhau và còn lý do gì để tiếp tục tồn tại ? Nhiều tiếng nói uy tín đã cất lên tố giác sự độc hại của chế độ tổng thống và kêu gọi trở lại chế độ đại nghị.
Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ ưu đãi những cá nhân được coi là "chống hệ thống" –những Donald Trump, Emmanuel Macron, Benoît Hamon, v.v.- nhưng thực ra là những sản phẩm của của hệ thống, hay đúng hơn sản phẩm của của tình trạng bệnh hoạn của hệ thống. Tại Mỹ cũng như tại Pháp không có đảng cầm quyền nào đủ mạnh để áp đặt những cải tổ cần thiết. Tại Mỹ cũng như tại Pháp các cuộc bầu cử sơ bộ được sử dụng như một giải pháp chữa chạy cho sự suy yếu của các chính đảng nhưng hiệu ứng của chúng lại khiến các chính đảng tan nát hơn. Thuốc làm cho bệnh nặng hơn. Như vậy phải hiểu rằng chế độ tổng thống không có thuốc chữa. Nó không chỉ dở mà còn rất độc hại. Nó là một tàn dư của chế độ quân chủ cần phải vất bỏ một cách dứt khoát không nể nang.
Nhưng đối với người Việt Nam chúng ta bàn chuyện thể chế chính trị vào lúc này có lạc điệu không khi mà chế độ độc tài toàn trị vẫn còn đứng sừng sững một cách thách đố trước mặt chúng ta ? Không, vì ít nhất hai lý do.
Lý do thứ nhất là vì một số rất đông trí thức Việt Nam vẫn còn một thứ "phản xạ tổng thống" coi chế độ tổng thống như là đương nhiên sau chế độ cộng sản. Đây là một sai lầm lớn và nguy hiểm. Nó sẽ khiến chúng ta bối rối, chịu nhiều hậu quả tai hại và mất rất nhiều thì giờ sau chế độ cộng sản, trong khi chúng ta đã quá tụt hậu.
Lý do thứ hai là nếu biết một cách chính xác sẽ làm lại đất nước như thế nào một khi đã giành được thắng lợi cho dân chủ chúng ta sẽ tự tin hơn, quyết tâm hơn và đấu tranh hiệu quả hơn.
Nguyễn Gia Kiểng
(11/02/2017)