Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

01/01/2021

Joe Biden có làm nước Mỹ vĩ đại trở lại ?

Việt Hoàng

Hôm 14/12/2020 đại cử tri đoàn của 50 tiểu bang đã bỏ phiếu xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là Joe Biden với 306 phiếu và Trump 232 phiếu. Ngày 6/1/2021 tới đây kết quả cũng sẽ như vậy. Việc Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ 46 từ ngày 20/1/2021 là điều không còn gì bàn cãi. Donald Trump sẽ chìm dần vào quên lãng sau khi rời nhà Trắng. Câu hỏi mà chúng ta cần thảo luận là liệu Joe Biden có làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại sau 4 năm đập phá của Donald Trump hay không? Câu trả lời không giản dị như mọi người nghĩ.

Vì sao phải phân tích và tìm hiểu về chính trị nước Mỹ? Ngoài việc Mỹ là siêu cường số 1 thế giới, mọi quyết định lớn nhỏ của Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới trong đó có Việt Nam thì việc tìm hiểu về những gì đang xảy ra ở Mỹ sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về chính trị và qua đó rút ra những bài học cho Việt Nam trong tương lai.

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có viết rằng mô hình chính trị “tổng thống chế” đều thất bại trên thế giới ngoại trừ một ngoại lệ là Mỹ. Tuy nhiên sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump thì ngoại lệ đó cũng đã chấm dứt. Nước Mỹ, một quốc gia vĩ đại và dân chủ nhất thế giới đã chia rẽ chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều người Mỹ đã không còn tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang, liên bang đến Pháp Viện Tối Cao.

biden2020-1

Nhiều người Mỹ đã không còn niềm tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang đến Pháp Viện Tối Cao

Hai đảng lớn nhất của Mỹ, Cộng hòa và Dân chủ không còn là những đảng chính trị đúng nghĩa. Các cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng để nhờ người dân chọn ứng cử viên ra tranh cử tổng thống thay vì do các đảng viên của đảng bầu chọn là một ví dụ. Người dân không thể có đủ kiến thức và thời gian để nhận biết và tìm hiểu xem ai là người xứng đáng để lãnh đạo quốc gia.

2500 năm trước triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates đã từng đặt câu hỏi, khi chọn một thuyền trưởng thì nên để thủy thủ đoàn hay là hành khách? Câu trả lời đúng là nên để thủy thủ đoàn. Trong một ca mổ phức tạp nên để hội đồng y khoa quyết định hay bệnh nhân? Câu trả lời đúng là nên để hội đồng y khoa. Việc chọn người lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khó để người dân đưa ra quyết định đúng vì họ không đủ thông tin và kiến thức để làm việc đó. Chế độ đại nghị là lựa chọn đúng đắn nhất. Người dân sẽ bầu các dân biểu mà mình biết và các vị dân biểu đó sẽ bầu ra vị nguyên thủ quốc gia.

Theo nghiên cứu và đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cần phải nâng cao vai trò và chỗ đứng của các chính đảng trong mỗi quốc gia vì các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Các chính đảng bao gồm hàng trăm ngàn, hàng triệu người quan tâm tới việc nước và họ sẽ chuyển tải tư tưởng chính trị từ các nhóm thảo luận tới quần chúng qua gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Không có các chính đảng mạnh thì không thể có những cuộc thảo luận rộng rãi và có chiều sâu. Các câu lạc bộ trí thức và giảng đường đại học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không thể thay thế cho vai trò của các tổ chức chính trị.

Nước Mỹ có hai vấn đề lớn cần phải nhận diện và thay đổi đó là chế độ tổng thống và chủ nghĩa phóng khoáng. Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của một nước Mỹ chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng một cách cuồng nhiệt, ít nhất là trong 40 năm qua. Từ khi Bill Clinton, một người trốn lính nhưng trẻ đẹp, ăn nói có duyên đánh bại đương kim tổng thống Bush cha và trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “kinh tế trên hết”.

Chủ nghĩa phóng khoáng là triết lý về chính trị và kinh tế đề cao tự do, nhất là tự do cá nhân. Chủ nghĩa phóng khoáng trong kinh tế mà Adam Smith là đại diện, tin rằng có “bàn tay vô hình” sắp đặt và điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Đây là khuynh hướng gia tăng tự do cá nhân trong kinh doanh, nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp, mọi việc cứ để xảy ra tự nhiên theo qui luật cung cầu của thị trường.

biden2020-2

Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có.

Chủ nghĩa phóng khoáng đặt mục tiêu tối đa cho lợi nhuận, nó cho phép cởi bỏ mọi ràng buộc. Chủ nghĩa phóng khoáng không có tổ quốc và sự liên đới vì thế nó đã làm cho sự phân hóa ngày càng trở nên trầm trọng. Nước Mỹ chia rẽ thành hai loại người, một bên thành công hãnh tiến và một bên thất bại lầm lũi. Nhiều người da trắng ở các vùng quê cảm thấy bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi nước Mỹ từ một nước sản xuất và xuất khẩu sang một nước tiêu thụ, dịch vụ và kỹ thuật cao. Đây là lý do khiến nhiều người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump.

“Bàn tay vô hình” của Adam Smith chính là các giá trị của Ki tô giáo. Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có. Tiền bạc đã băng bó các vết thương của xã hội Mỹ. Tuy nhiên “thượng đế đã chết” như lời triết gia người Đức Friedrich Nietzsche. Tình yêu và sự tôn trọng dành cho thượng đế đã chết trong lòng nhiều người. Không những giáo dân mà ngay cả nhiều linh mục và mục sư đã ủng hộ và xem lời nói của Trump còn hơn cả Giáo Hoàng.

Châu Âu giã từ thượng đế bằng cách khẳng định chỗ đứng và phẩm giá của con người đồng thời tăng cường liên đới xã hội, đề cao sự bình đẳng bên cạnh tự do, tôn trọng môi trường, con người và nhân phẩm. Một xã hội văn minh và tiến bộ không thể lấy mỗi tiêu chí về GDP để đánh giá mức độ hạnh phúc và hài lòng của người dân mà còn nhiều chỉ số khác như tỉ lệ nghiện ngập, li hôn, tội phạm, thất nghiệp, sức khỏe của người dân, khả năng thăng tiến của nhóm người tầng lớp dưới…

Toàn cầu hóa đã làm nước Mỹ thay đổi nhanh chóng khi làn sóng chuyển dịch việc sản xuất hàng hóa từ Mỹ sang các nước đang phát triển gia tăng. Mỹ và các nước phát triển sẽ làm dịch vụ và kỹ thuật cao còn các nước nghèo thì sản xuất. Quá trình đó làm cho nhiều người Mỹ, vì tuổi tác cao và do sống xa các trung tâm công nghệ nên bị bỏ lại phía sau. Sức mạnh và quyền lực của các công ty công nghệ cao đã làm sâu sắc hố ngăn cách giàu nghèo. Các đại công ty trả lương theo năng lực chứ không vì màu da và quốc tịch. Toàn cầu hóa làm thế giới ngày càng nhỏ lại và liên đới mật thiết với nhau. Các quốc gia không còn là các ốc đảo riêng biệt. Đại dịch Covid-19 là minh chứng cho một thế giới liên thuộc.

Một hiện tượng ngược đời đang diễn ra ở Mỹ là tầng lớp giàu có, thành công lại ủng hộ cho đảng Dân chủ là đảng có khuynh hướng tăng cường liên đới xã hội, trợ giúp người nghèo, người không may mắn bằng các chương trình như bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare), trợ cấp thất nghiệp, giảm chi phí giáo dục đồng thời tăng thuế người giàu (có thu nhập trên 400.000 USD/năm) trong khi những người nghèo và bị bỏ rơi lại ủng hộ đảng Cộng hòa và chống lại đảng Dân chủ. Donald Trump chủ trương bỏ Obamacare và giảm thuế cho người giàu.

Biden2020-3

Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại.

Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại. Cũng như một căn bệnh không chữa trị kịp thời đến lúc bệnh quá nặng thì rất khó chữa trị. Đừng nghĩ giàu có và hùng mạnh như Mỹ thì có thể miễn nhiễm với bệnh tật và đổ vỡ. Gần 350.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 là một ví dụ. Các đế quốc trong quá khứ bắt đầu sự tan rã khi đang ở đỉnh cao và hùng mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có đến 18 tiểu bang và 126 dân biểu liên bang không thừa nhận sự chính đáng của một cuộc bầu cử được xem là “an toàn nhất từ trước đến giờ”. Sự xuống cấp của nền chính trị Mỹ đã đến ngưỡng báo động. Nếu đảng Dân chủ không có đa số ở thượng viện thì mọi kế hoạch cải tổ của Biden có thể sẽ thất bại.

Một phần ba dân Mỹ tin là có gian lận bầu cử dù nhóm luật sư của Donald Trump đã kiện gần 60 vụ và tất cả đều thất bại vì không đưa ra được bằng chứng nào. Các thẩm phán từ tiểu bang đến Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ thẳng thừng các đơn kiện. Dù vậy, sự chia rẽ và bất mãn của dân Mỹ đối với hệ thống chính trị vẫn còn nguyên sau ngày 20/1/2021. Trump đã làm cho nền dân chủ và giới chính trị Mỹ trở nên xấu xa, gian dối và đáng ghét trong con mắt người dân. Những đổ vỡ do Trump gây ra rất khó lòng hàn gắn dù Biden có cố gắng đến đâu đi nữa.

Biden sẽ rất khó khăn khi lấy những quyết định quan trọng như cải cách chế độ tổng thống, giảm chi phí giáo dục và y tế, tăng trợ cấp cho người nghèo…trong hoàn cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc như hiện nay. Mọi cải cách dù có thiện chí và đúng đắn đến đâu cũng gây ra nghi ngờ và chống đối. Biden không có cơ hội và thời gian để làm những gì mình muốn vì nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ông là hàn gắn người dân Mỹ và cải thiện nền kinh tế đang bị suy thoái vì Covid-19. Tuổi cao cũng là một hạn chế đối với Biden. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào Biden, nếu ông vạch ra một hướng đi đúng cho tương lai là đã quá may mắn cho nước Mỹ. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã chấm dứt dù Mỹ vẫn là siêu cường.

Bài học cho người Việt Nam chúng ta đó là phải quan tâm và chú trọng đến tư tưởng chính trị. Tầng lớp trí thức chính trị trong một quốc gia dù lớn như Mỹ hay nhỏ như Việt Nam cũng cần phải có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nếu muốn đất nước ổn định và phát triển. Những người tham gia vào chính trị cũng cần phải có đạo đức, tư cách và sự liêm sỉ để giữ gìn hình ảnh quốc gia.    

Việt Hoàng

(1/1/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1570 times

2 comments

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)