Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 27 septembre 2021 07:00

Michael Sandel và anh bạn Chồn Mập

Phần 2

 

Đó là một chiều thu ở Paris, Michael Sandel đang cùng với anh bạn Chồn Mập của tôi tản bộ trên con đường mòn lát đá men theo bờ hồ công viên. Tiết trời trong lành, dễ chịu, gió thổi mát dịu qua mặt hồ làm cho những ai bình tâm có thể cảm nhận được mùi của nước, mùi của cỏ cây, cũng như mùi ẩm mục của vỏ thân gỗ sồi còn đọng lại sau cơn mưa rào buổi sáng. Cạnh cây sồi to là một ghế băng có thể tìm thấy ở bất kì công viên nào. Những bóng nắng sớm xuyên qua từng tán sồi dày, rọi lên mặt ghế, lên mặt đường làm cho những người dạo chơi thích thú và là nơi cho họ nghỉ chân. Michael Sandel và Chồn Mập bước lại và ngả lưng vào băng ghế.

Michael Sandel ngồi bên trái, lòng bàn tay trái đặt úp lên bàn tay phải. Ông mặc một chiếc áo sơ-mi màu đen, quần kaki đen và đi đôi giày Oxford màu nâu được đánh bóng kĩ càng. Chồn Mập dựa vào lưng ghế, áo len mỏng cổ lọ dài tay màu xanh lá nhạt lộ lên cái bụng tròn nhưng vẫn toát lên sự rắn rỏi. Quần jean bạc màu, đeo giày sneaker Adidas màu đen, chân bắt chéo với nét mặt đầy hứng khởi. Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam càng làm nổi bật lớp lông trắng bạc – đen trên đầu anh ta, và kéo theo sự tò mò của Michael Sandel.

Livre TL

Chiếc mũ lưỡi trai màu trắng có in logo Chim Bồ Câu với dòng chữ Chung Một Giấc Mơ Việt Nam.

"Chiếc mũ của cậu đẹp lắm !" – Michael Sandel khen ngợi và Chồn Mập cười mỉm, tỏ thái độ tán thành.

"Nó gợi nhớ đến cái mũ bóng chày của tôi. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng những năm 60, tôi sống ở bang Minnesota và là fan hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng chày Minnesota Twins và rất hay lui tới các sân bóng. Hồi đó, khán đài cũng được chia ra làm hai với những chỗ ngồi dạng hộp dành cho khán giả, với giá đắt hơn, và những chỗ ngồi phổ thông dạng ghế băng trên khán đài. Nhưng khi ấy, một ghế phổ thông có giá 1 đô, còn ghế tốt nhất ở sau vị trí gôn nhà thì có giá cũng chỉ 4 đô. Nhờ đó, mỗi lần đi xem bóng chày luôn là một trải nghiệm về sự hòa đồng giữa các giai tầng xã hội. Giám đốc ngồi xen lẫn với nhân viên hành chính. Mọi người đều phải ăn món bánh mỳ kẹp xúc xích nguội và cùng uống bia bình dân, rồi khi cơn mưa rơi xuống, tất thảy đều ướt nhẹp" – Michael Sandel hồi tưởng.

"Anh vẫn còn thường đi xem bóng chày nữa chứ ?" – Chồn Mập tò mò hỏi.

"Tôi không còn xem thường xuyên lắm đâu. Các khán đài bây giờ khác xưa nhiều lắm. Tôi nhớ không nhầm thì bắt đầu từ những năm 1990-2000. Ngày càng nhiều sân vận động tạo ra các phòng cho khách VIP, cho giới doanh nhân, gọi là skybox, tức những người "có điều kiện". Họ có thể ngồi trong phòng điều hòa, tiện nghi ở trên cao để xem trận đấu, tách biệt hẳn khỏi khu vực ghế ngồi phổ thông bên dưới. Tôi từng đưa ra một khái niệm "skybox hóa" trong một quyển sách của mình đấy. Không còn chuyện mọi người cùng ăn một suất ăn, cùng xếp hàng dài để đợi đi vệ sinh, ngay cả chuyện cùng bị ướt khi trời mưa cũng không còn nữa".

"Tôi rất thích nghe câu chuyện của anh. Cứ như những thước phim màu cũ năm nào vậy. Có phải sự nuối tiếc này liên hệ đến quyển sách "Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng" (The Tyranny of Merit) mà anh mới viết gần đây ?" – Chồn Mập hỏi.

"Đúng vậy ! Nếu xu thế này chỉ giới hạn ở các sân bóng chày thì chẳng có gì quan trọng lắm. Nhưng nó đang xảy ra trong toàn bộ đời sống xã hội và dân sự ở Mỹ hiện tại và cả ở quy mô toàn cầu, ở Châu Âu, ở Paris nữa, nơi tôi và anh đang ngồi đây! Và đó là điều khiến tôi rất lo ngại".

"Để tôi nhớ xem nào, có phải là chủ nghĩa tự do phóng khoáng và sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng mà anh diễn thuyết ?" – Chồn Mập hỏi.

"Đúng vậy ! Liberalism, hay còn gọi là chủ nghĩa tự do phóng khoáng đã trao quyền định đoạt vào tay thị trường. Người ta không còn những tranh luận về phải, trái, đúng, sai nữa. Các tranh luận về các giá trị đạo đức trong xã hội, sự liên đới, tinh thần công dân… vắng bóng và nhường chỗ cho cái gọi là "thẻ thông hành" (Lassiez-faire), tức là để thị trường quyết định, một cách tuyệt đối. Tôi đã cảnh báo điều này lâu rồi trong quyển sách "Kẻ bất mãn của nền Dân Chủ" (Democracy’s Discontent) những năm 90. Nhưng lý do tôi cảm thấy cần phải ra mắt quyển "Sự ngự trị của chủ nghĩa khoa bảng" là để cảnh báo một tâm lý đang tiếp tay làm cho xã hội hoen gỉ hơn. Không phải như nhiều ký giả từng so sánh thời gian của quyển sách như một sự trùng hợp với thời điểm Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đâu ! Với tôi, Donald Trump chỉ là một triệu chứng của một căn bệnh đã kéo dài quá lâu trong xã hội mà thôi !".

"Căn bệnh đó là gì, anh có thể nói rõ hơn được không ?" – Chồn Mập tiếp lời Sandel.

"Đó chính là sự ngạo mạn của chủ nghĩa khoa bảng (meritocracy). Giải pháp của chủ nghĩa tự do phóng khoáng, của toàn cầu hóa và bất bình đẳng xã hội hiện tại, mà anh có thể dễ dàng nghe từ Hoa Kỳ hay Châu Âu, đó là những ai làm việc chăm chỉ, tuân thủ luật pháp đều có thể trở nên thành đạt. Cũng giống như một lối ví von rằng sự nỗ lực và tài năng sẽ chắp cánh cho họ vậy. Tôi có nhấn mạnh điều này trong quyển sách bằng cụm từ : "Lời hùng biện của sự thành đạt". Nó dần trở thành tín điều, thành một trào lưu không cần xét lại. Những người ở đảng Cộng hòa hay Dân chủ ở Mỹ dù họ có thể khác nhau trên quan điểm xã hội, nhưng họ đều đồng ý với nhau một điều là : "Hãy tạo ra một sân chơi bình đẳng, để tất cả mọi người có cơ hội công bằng như nhau. Và nếu chúng ta làm được, như chúng ta luôn cố gắng, thì tất cả những ai vươn lên được bằng sự chăm chỉ, nỗ lực, tài năng sẽ xứng đáng với vị trí của họ, sẽ đạt được điều mình muốn".

"Tôi có thể hình dung chia sẻ của anh thành một khẩu hiệu !" – Chồn Mập cười nhưng nét mặt vẫn thể hiện sự chăm chú đầy nghiêm túc với Sandel.

"À, đã có người đăng ký bản quyền điều này rồi. Tony Blair, cựu thủ tướng của Anh, từng nhấn mạnh câu thần chú : "Giáo dục, giáo dục và giáo dục" (Education, education, education). Anh có thấy giống câu nói của anh chàng dân túy ở Philippines, Duterte : "Xây dựng, xây dựng, và xây dựng" (Build, build, build) không ? Tôi còn nhớ trong một bài phát biểu vào năm 2013 của Obama trước toàn thể sinh viên : "Chúng ta sống trong thế kỷ 21, thời đại của toàn cầu hóa. Và trong nền kinh tế toàn cầu, các công việc có thể đi đến bất cứ nơi đâu. Các công ty tìm kiếm những người có trình độ giáo dục tốt nhất ở bất cứ nơi nào. Nếu các bạn không có giáo dục tốt, sẽ rất khó để các bạn có thể tìm kiếm một công việc với thu nhập thoải mái cho cuộc sống này. Và cho những ai phấn đấu, đây là lời cam kết của tôi đến các bạn : Đất nước này sẽ luôn là nơi mà các bạn có thể thành đạt nếu bạn đủ nỗ lực". Yes, we can ! – Sandel nhấn mạnh chữ Yes, we can! theo một nghĩa hết sức mỉa mai (ironic).

"Chẳng phải đây là Giấc Mơ Mỹ (American Dream) mà chúng ta thường biết đến sao ? – Chồn Mập hỏi Sandel.

"Anh nói đúng, nhưng giấc mơ Mỹ của ngày hôm nay, vào thời điểm chúng ta nói chuyện với nhau, chỉ là giấc mơ thành công cá nhân mà thôi. Xã hội Mỹ đã bị phân cực quá lâu rồi. Tôi không muốn làm anh đau đầu vì những con số trong tiết trời thu dễ chịu này đâu. Nhưng 1% người giàu ở Mỹ hiện tại có thu nhập cao hơn cả 50% người Mỹ ở dưới đáy. Giấc mơ Mỹ đang dần dần chỉ còn là một từ ngữ mà người ta muốn dùng để chấm dứt những cuộc tranh luận về cái gì đang xảy ra ở nước Mỹ hiện tại mà thôi !" – Sandel nói.

"Anh làm tôi nhớ đến khái niệm "quốc gia" của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Quốc gia phải được hiểu như một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung. Tôi không nắm bắt được ngôn ngữ của anh một cách đầy đủ nhưng tôi thấy danh từ "tổ quốc" có rất nhiều cụm từ như nation, fatherland, homeland, motherland, america… phải chăng người Mỹ các anh đang không cùng hiểu giống nhau về American Dream nữa ? – Chồn Mập hỏi.

"Anh hãy nói nốt ý của mình rồi tôi sẽ trả lời" – Sandel nói.

"Nước Mỹ các anh được thành lập trên một đồng thuận về lý tưởng dân chủ, nhân quyền, tôn trọng quyền tự do cá nhân. Nhưng như anh nói, qua mấy thập niên đeo đuổi chủ nghĩa tự do phóng khoáng cũng như chủ nghĩa khoa bảng, tôi có cảm giác mọi người đang hiểu chủ nghĩa cá nhân thành chủ nghĩa vị kỷ rồi. Tôi từng xem những clip về những người nông dân Mỹ, những người công nhân, thợ thuyền mà các anh gọi là những người ủng hộ đảng Cộng hHòa gần đây đó. Họ thường dùng những cụm từ như Motherland, Homeland, Home country, Thanksgiving… khi nói về nước Mỹ. Trong tiếng Việt có từ Tổ Quốc, nó như một tình cảm gạch nối từ quá khứ đến hiện tại. Chứng tỏ Giấc Mơ Mỹ của họ đã từng khác với Giấc Mơ Mỹ mà các ông tổng thống Bill Clinton, Bush, Obama, Trump… nói tới. Giấc mơ Mỹ trước đây là một giấc mơ chung vì nó vươn ra cộng đồng và cho cộng đồng. Nhưng giấc mơ Mỹ hiện tại chỉ là giấc mơ thành đạt của mỗi cá nhân riêng biệt mà thôi. Giấc mơ này không thể nào đại diện cho nước Mỹ được và nó đã dẫn tới cái gì của ngày hôm nay" – Chồn Mập trả lời.

Sandel rút điện thoại trong túi ra, ông tìm kiếm một hồi và đưa lên cho Chồn Mập xem một tấm hình. Một tấm hình của Sandel thời trẻ, đang ngồi bên cạnh một người mà Chồn Mập rất quen. À, đúng rồi, chính là Ronald Reagan.

sandel2

Michael Sandel (phải) và Ronald Reagan

"Anh có nhận ra tôi đang ngồi bên trái Reagan không ? – Sandel vừa mỉm cười vừa hỏi.

"Ồ có chứ, mái tóc của anh khi trẻ rất bồng bềnh và kiểu tóc của Reagan cũng như bộ vest của ông thì rất giống với nhân vật James Bond kinh điển !" – Chồn Mập tán dương.

"Tôi khi ấy đang là chủ tịch hội học sinh trường Palisades ở California, cũng vào thời điểm Ronald Reagan là thị trưởng của thành phố, chung một thị trấn. Năm 1971 tôi có cơ hội tranh luận với ông ấy trước 2.400 bạn trẻ. Tất nhiên, chúng tôi là là những người cấp tiến và ủng hộ cho đảng Dân chủ, còn Reagan là một người bảo thủ (conservative) thuộc đảng Cộng hòa" – Sandel nói.

"Trong suốt buổi tranh luận tôi đã nói rất nhiều và dẫn chứng nhiều thứ với hy vọng sẽ được ông ấy cho vào đầu. Ronald Reagan phản hồi và lập luận rất điềm tĩnh, nhã nhặn, tương kính nhưng không kém phần sắc sảo... Tôi nhận ra mình thua ngay ở gần đoạn kết của cuộc tranh luận. Nhưng kết quả của ngày hôm đó càng làm tôi nghĩ nhiều về ý nghĩa của một cuộc tranh luận là như thế nào. 9 năm sau Reagan trở thành tổng thống Mỹ".

"Còn anh thì vẫn đang cố gắng nói về đạo đức chính trị, tinh thần công dân, sự tương kính trong tranh luận với hy vọng chính trị Mỹ có thể thay đổi phải không ?" – Chồn Mập hỏi trong sự động viên.

"Đúng vậy ! Nếu anh biết rằng có 40% người Mỹ được khảo sát muốn nước Mỹ tan vỡ thì anh có thể sẽ bi quan lắm đấy ! Nhưng tôi phải lạc quan trong cả sự bi quan !".

"Trong thời đại chia rẽ ngày nay - Nếu chúng ta hiểu phần nào những mâu thuẫn đã được tích lũy trong mấy thập niên gần đây, chính trị Mỹ ngày càng chia rẽ theo quan điểm độc hại, đảng phái, tôi càng hiểu sâu sắc rằng cần phải khôi phục lại một thứ tinh thần công dân mà chúng ta đã mất. Buổi tranh luận với Reagan dạy tôi rất nhiều về tầm quan trọng của sự lắng nghe, sự lắng nghe chân thành cũng quan trọng như tính chặt chẽ trong lập luận. Buổi tranh luận hôm đó dạy tôi rất nhiều về sự tương kính và bao dung trong không gian cộng đồng" – Sandel nói.

"Chia sẻ của anh rất thú vị. Nó làm tôi liên tưởng đến một bài viết. Để tôi cố nhớ lại xem ! À, đó là sự lắng nghe. Người ta chỉ có thể lắng nghe trong trạng thái hạnh phúc mà thôi. Tôi có cảm giác người Mỹ hiện tại, mà phần nào cũng giống như dân tộc Việt Nam tôi, đều là những người mệt mỏi. Khi mệt mỏi thì người ta sẽ mất đi khả năng lắng nghe chân thành, sự bao dung và sự khiêm nhường tối đa để phân định cái đúng - cái sai. Nó cũng giống như hai anh hàng xóm ghét nhau, chỉ muốn bịt tai lại rồi hét vào mặt bên kia và rồi ai hét to hơn thì thắng" – Chồn Mập tiếp lời.

"Rất hay !" – Sandel thốt lên.

"Nhưng tôi e rằng anh sẽ không có nhiều thời gian đi tản bộ với tôi tiếp đâu ! Quan niệm America First vẫn còn hiện diện mạnh ở nước Mỹ, có thể ngay vào lúc này dưới nhiệm kỳ của Biden" – Chồn Mập nói.

sandel3

Chiều thu Paris và đàn ngỗng trời bên hồ nước...

Chồn Mập dứt lời thì nét mặt của Sandel cũng trở lên suy tư hơn, ông nhìn ra hồ nước và đàn ngỗng trời đang sà từng đàn xuống bãi cỏ, dường như để tìm một câu trả lời. Chồn Mập cũng nhìn sang Sandel, rồi nhìn ra hồ nước và mấp máy môi : "Quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung !".

Việt Dân

(27/09/2021)

Published in Quan điểm

Hôm 14/12/2020 đại cử tri đoàn của 50 tiểu bang đã bỏ phiếu xác nhận người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là Joe Biden với 306 phiếu và Trump 232 phiếu. Ngày 6/1/2021 tới đây kết quả cũng sẽ như vậy. Việc Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ 46 từ ngày 20/1/2021 là điều không còn gì bàn cãi. Donald Trump sẽ chìm dần vào quên lãng sau khi rời nhà Trắng. Câu hỏi mà chúng ta cần thảo luận là liệu Joe Biden có làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại sau 4 năm đập phá của Donald Trump hay không? Câu trả lời không giản dị như mọi người nghĩ.

Vì sao phải phân tích và tìm hiểu về chính trị nước Mỹ? Ngoài việc Mỹ là siêu cường số 1 thế giới, mọi quyết định lớn nhỏ của Mỹ đều ảnh hưởng đến thế giới trong đó có Việt Nam thì việc tìm hiểu về những gì đang xảy ra ở Mỹ sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về chính trị và qua đó rút ra những bài học cho Việt Nam trong tương lai.

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có viết rằng mô hình chính trị “tổng thống chế” đều thất bại trên thế giới ngoại trừ một ngoại lệ là Mỹ. Tuy nhiên sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump thì ngoại lệ đó cũng đã chấm dứt. Nước Mỹ, một quốc gia vĩ đại và dân chủ nhất thế giới đã chia rẽ chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều người Mỹ đã không còn tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang, liên bang đến Pháp Viện Tối Cao.

biden2020-1

Nhiều người Mỹ đã không còn niềm tin vào các định chế như hệ thống bầu cử, các tòa án từ tiểu bang đến Pháp Viện Tối Cao

Hai đảng lớn nhất của Mỹ, Cộng hòa và Dân chủ không còn là những đảng chính trị đúng nghĩa. Các cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng để nhờ người dân chọn ứng cử viên ra tranh cử tổng thống thay vì do các đảng viên của đảng bầu chọn là một ví dụ. Người dân không thể có đủ kiến thức và thời gian để nhận biết và tìm hiểu xem ai là người xứng đáng để lãnh đạo quốc gia.

2500 năm trước triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates đã từng đặt câu hỏi, khi chọn một thuyền trưởng thì nên để thủy thủ đoàn hay là hành khách? Câu trả lời đúng là nên để thủy thủ đoàn. Trong một ca mổ phức tạp nên để hội đồng y khoa quyết định hay bệnh nhân? Câu trả lời đúng là nên để hội đồng y khoa. Việc chọn người lãnh đạo quốc gia cũng vậy, rất khó để người dân đưa ra quyết định đúng vì họ không đủ thông tin và kiến thức để làm việc đó. Chế độ đại nghị là lựa chọn đúng đắn nhất. Người dân sẽ bầu các dân biểu mà mình biết và các vị dân biểu đó sẽ bầu ra vị nguyên thủ quốc gia.

Theo nghiên cứu và đúc kết của anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì cần phải nâng cao vai trò và chỗ đứng của các chính đảng trong mỗi quốc gia vì các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Các chính đảng bao gồm hàng trăm ngàn, hàng triệu người quan tâm tới việc nước và họ sẽ chuyển tải tư tưởng chính trị từ các nhóm thảo luận tới quần chúng qua gia đình, bè bạn, đồng nghiệp. Không có các chính đảng mạnh thì không thể có những cuộc thảo luận rộng rãi và có chiều sâu. Các câu lạc bộ trí thức và giảng đường đại học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không thể thay thế cho vai trò của các tổ chức chính trị.

Nước Mỹ có hai vấn đề lớn cần phải nhận diện và thay đổi đó là chế độ tổng thống và chủ nghĩa phóng khoáng. Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của một nước Mỹ chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng một cách cuồng nhiệt, ít nhất là trong 40 năm qua. Từ khi Bill Clinton, một người trốn lính nhưng trẻ đẹp, ăn nói có duyên đánh bại đương kim tổng thống Bush cha và trở thành tổng thống Mỹ với khẩu hiệu “kinh tế trên hết”.

Chủ nghĩa phóng khoáng là triết lý về chính trị và kinh tế đề cao tự do, nhất là tự do cá nhân. Chủ nghĩa phóng khoáng trong kinh tế mà Adam Smith là đại diện, tin rằng có “bàn tay vô hình” sắp đặt và điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Đây là khuynh hướng gia tăng tự do cá nhân trong kinh doanh, nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp, mọi việc cứ để xảy ra tự nhiên theo qui luật cung cầu của thị trường.

biden2020-2

Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có.

Chủ nghĩa phóng khoáng đặt mục tiêu tối đa cho lợi nhuận, nó cho phép cởi bỏ mọi ràng buộc. Chủ nghĩa phóng khoáng không có tổ quốc và sự liên đới vì thế nó đã làm cho sự phân hóa ngày càng trở nên trầm trọng. Nước Mỹ chia rẽ thành hai loại người, một bên thành công hãnh tiến và một bên thất bại lầm lũi. Nhiều người da trắng ở các vùng quê cảm thấy bị bỏ lại trong quá trình chuyển đổi nước Mỹ từ một nước sản xuất và xuất khẩu sang một nước tiêu thụ, dịch vụ và kỹ thuật cao. Đây là lý do khiến nhiều người Mỹ đã bỏ phiếu cho Donald Trump.

“Bàn tay vô hình” của Adam Smith chính là các giá trị của Ki tô giáo. Nước Mỹ phát triển mạnh mẽ và ổn định nhờ giáo hội Tin Lành và sự giàu có. Tiền bạc đã băng bó các vết thương của xã hội Mỹ. Tuy nhiên “thượng đế đã chết” như lời triết gia người Đức Friedrich Nietzsche. Tình yêu và sự tôn trọng dành cho thượng đế đã chết trong lòng nhiều người. Không những giáo dân mà ngay cả nhiều linh mục và mục sư đã ủng hộ và xem lời nói của Trump còn hơn cả Giáo Hoàng.

Châu Âu giã từ thượng đế bằng cách khẳng định chỗ đứng và phẩm giá của con người đồng thời tăng cường liên đới xã hội, đề cao sự bình đẳng bên cạnh tự do, tôn trọng môi trường, con người và nhân phẩm. Một xã hội văn minh và tiến bộ không thể lấy mỗi tiêu chí về GDP để đánh giá mức độ hạnh phúc và hài lòng của người dân mà còn nhiều chỉ số khác như tỉ lệ nghiện ngập, li hôn, tội phạm, thất nghiệp, sức khỏe của người dân, khả năng thăng tiến của nhóm người tầng lớp dưới…

Toàn cầu hóa đã làm nước Mỹ thay đổi nhanh chóng khi làn sóng chuyển dịch việc sản xuất hàng hóa từ Mỹ sang các nước đang phát triển gia tăng. Mỹ và các nước phát triển sẽ làm dịch vụ và kỹ thuật cao còn các nước nghèo thì sản xuất. Quá trình đó làm cho nhiều người Mỹ, vì tuổi tác cao và do sống xa các trung tâm công nghệ nên bị bỏ lại phía sau. Sức mạnh và quyền lực của các công ty công nghệ cao đã làm sâu sắc hố ngăn cách giàu nghèo. Các đại công ty trả lương theo năng lực chứ không vì màu da và quốc tịch. Toàn cầu hóa làm thế giới ngày càng nhỏ lại và liên đới mật thiết với nhau. Các quốc gia không còn là các ốc đảo riêng biệt. Đại dịch Covid-19 là minh chứng cho một thế giới liên thuộc.

Một hiện tượng ngược đời đang diễn ra ở Mỹ là tầng lớp giàu có, thành công lại ủng hộ cho đảng Dân chủ là đảng có khuynh hướng tăng cường liên đới xã hội, trợ giúp người nghèo, người không may mắn bằng các chương trình như bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare), trợ cấp thất nghiệp, giảm chi phí giáo dục đồng thời tăng thuế người giàu (có thu nhập trên 400.000 USD/năm) trong khi những người nghèo và bị bỏ rơi lại ủng hộ đảng Cộng hòa và chống lại đảng Dân chủ. Donald Trump chủ trương bỏ Obamacare và giảm thuế cho người giàu.

Biden2020-3

Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại.

Chủ nghĩa phóng khoáng hay khuynh hướng cực hữu của Mỹ đã đi quá xa nên rất khó để quay lại. Cũng như một căn bệnh không chữa trị kịp thời đến lúc bệnh quá nặng thì rất khó chữa trị. Đừng nghĩ giàu có và hùng mạnh như Mỹ thì có thể miễn nhiễm với bệnh tật và đổ vỡ. Gần 350.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19 là một ví dụ. Các đế quốc trong quá khứ bắt đầu sự tan rã khi đang ở đỉnh cao và hùng mạnh. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có đến 18 tiểu bang và 126 dân biểu liên bang không thừa nhận sự chính đáng của một cuộc bầu cử được xem là “an toàn nhất từ trước đến giờ”. Sự xuống cấp của nền chính trị Mỹ đã đến ngưỡng báo động. Nếu đảng Dân chủ không có đa số ở thượng viện thì mọi kế hoạch cải tổ của Biden có thể sẽ thất bại.

Một phần ba dân Mỹ tin là có gian lận bầu cử dù nhóm luật sư của Donald Trump đã kiện gần 60 vụ và tất cả đều thất bại vì không đưa ra được bằng chứng nào. Các thẩm phán từ tiểu bang đến Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ thẳng thừng các đơn kiện. Dù vậy, sự chia rẽ và bất mãn của dân Mỹ đối với hệ thống chính trị vẫn còn nguyên sau ngày 20/1/2021. Trump đã làm cho nền dân chủ và giới chính trị Mỹ trở nên xấu xa, gian dối và đáng ghét trong con mắt người dân. Những đổ vỡ do Trump gây ra rất khó lòng hàn gắn dù Biden có cố gắng đến đâu đi nữa.

Biden sẽ rất khó khăn khi lấy những quyết định quan trọng như cải cách chế độ tổng thống, giảm chi phí giáo dục và y tế, tăng trợ cấp cho người nghèo…trong hoàn cảnh nước Mỹ chia rẽ sâu sắc như hiện nay. Mọi cải cách dù có thiện chí và đúng đắn đến đâu cũng gây ra nghi ngờ và chống đối. Biden không có cơ hội và thời gian để làm những gì mình muốn vì nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của ông là hàn gắn người dân Mỹ và cải thiện nền kinh tế đang bị suy thoái vì Covid-19. Tuổi cao cũng là một hạn chế đối với Biden. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào Biden, nếu ông vạch ra một hướng đi đúng cho tương lai là đã quá may mắn cho nước Mỹ. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đã chấm dứt dù Mỹ vẫn là siêu cường.

Bài học cho người Việt Nam chúng ta đó là phải quan tâm và chú trọng đến tư tưởng chính trị. Tầng lớp trí thức chính trị trong một quốc gia dù lớn như Mỹ hay nhỏ như Việt Nam cũng cần phải có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nếu muốn đất nước ổn định và phát triển. Những người tham gia vào chính trị cũng cần phải có đạo đức, tư cách và sự liêm sỉ để giữ gìn hình ảnh quốc gia.    

Việt Hoàng

(1/1/2021)

Published in Quan điểm
vendredi, 01 novembre 2019 13:13

Nền dân chủ đang lạc lối ?

Đã từng có một vài ý kiến gửi đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên rằng hãy lo chuyện của tổ chức hay của Việt Nam đi, lo chuyện thế giới làm gì, Việt Nam là nước nhỏ thì đâu có ảnh hưởng gì đến thế giới ?… Hời hợt vốn là bản tính của người Việt nhưng trong lĩnh vực chính trị là rõ nét hơn cả. Không chỉ người dân mà ngay cả trí thức Việt Nam cũng không biết gì nhiều về chính trị. Chiến tranh thế giới lần thứ I xảy ra, trí thức Việt Nam không hay biết gì đã đành nhưng ngay cả khi Thế chiến II đang diễn ra thì trí thức Việt Nam vẫn không hay biết gì, họ vẫn mải mê và đắm chìm trong thơ văn trữ tình và lãng mạn.

Sau thế chiến II, chủ nghĩa thực dân sụp đổ trên toàn thế giới nhưng Đảng cộng sản Việt Nam, lực lượng chính trị duy nhất vừa giành được chính quyền vẫn không hay biết gì. Họ đã kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm trời (1945-1954). Năm 1975 là tròn 100 năm ngày chủ nghĩa cộng sản khai tử tại đại hội Gotha (Đức, 1875) nhưng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn hân hoan reo mừng chiến thắng và cho rằng chủ nghĩa cộng sản đang toàn thắng trên thế giới. Trước đó vào năm 1973, người dân miền Nam thì ngạc nhiên còn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì ngơ ngác khi thấy người Mỹ rút khỏi Việt Nam. Trong bài diễn văn từ chức, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa buồn vừa đổ lỗi cho sự phản bội và bỏ rơi đồng minh của người Mỹ…

Trong khúc quanh của lịch sử thế giới và cũng như tại Việt Nam lần này người Việt Nam không còn bị bất ngờ nữa vì đã có một tổ chức chính trị là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, luôn đưa ra các phân tích, nhận định và đánh giá về tình hình thế giới cũng như Việt Nam để rồi qua đấy mở ra một con đường thoát hiểm, một sinh lộ mới cho dân tộc. Trái với quan điểm của một số người, chúng tôi cho rằng vì Việt Nam quá nhỏ, quá yếu và quá phụ thuộc vào thế giới nên càng phải quan tâm đến thế giới. Chỉ cần thế giới ‘hắt hơi’ là Việt Nam có thể ‘bị ốm’. Nếu Việt Nam hùng mạnh như Mỹ thì có thể không cần phải bận tâm đến thế giới. Trong thực tế, đã nhiều lần nước Mỹ mắc sai lầm nhưng vì quá hùng mạnh nên họ chẳng làm sao cả. Bài viết này tiếp tục phân tích về tình hình chính trị thế giới để giúp độc giả định hình được phần nào tương lai của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng.

chile1

Biểu tình phản đối chính phủ tại Chile

Chưa bao giờ, trong suốt 70 năm qua, thế giới lại đang đứng trước những thách thức to lớn và nghiêm trọng như bây giờ. Nền dân chủ trên thế giới đang bị xét lại và chất vấn một cách gay gắt. Trong lúc các nhà tư tưởng chính trị trên thế giới đang tìm cách giải quyết thì xã hội đã có những phản ứng đầu tiên. Dễ thấy nhất là phong trào dân túy đang nổi lên khắp nơi mà nổi bật và có ảnh hưởng nhất là việc Trump trở thành tổng thống Mỹ. Nhiều nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới được bầu lên là các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy như Áo, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Brasil…

Một cuộc khủng hoảng xã hội đang xảy ra tại Chile, một quốc gia thuộc loại phát triển mạnh nhất ở khu vực Nam Mỹ. Các cuộc biểu tình làm tê liệt thủ đô với hàng chục người chết mà nguyên nhân là do chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm. Chile đã phải hủy bỏ việc tổ chức diễn đàn APEC và hội nghị về khí hậu COP25. Trả lời báo Le Monde, sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện nghiên cứu của Pháp về Châu Mỹ La-tinh (IHEAL) nhận định căn nguyên, nguồn cội của cuộc khủng hoảng lần này là sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nạn bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng (1).

Chúng ta chưa quên các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng tại Pháp kéo dài nhiều tháng trời cũng bắt đầu từ việc chính phủ tăng giá xăng. Một cuộc khủng hoảng nữa đang diễn ra tại Châu Á mà chưa có hồi kết là Hồng Kông, một trung tâm tài chính lớn của thế giới. Iraq, Lebanon, Algeria, Haiti, Ecuador, Honduras, Catalonia (Tây Ban Nha)… đều đang chìm trong các cuộc biểu tình bạo động. Lý do chính mà các cuộc biểu tình đưa ra là các đòi hỏi về ‘tự do, dân chủ và nhân phẩm’ nhưng có một lý do quan trọng bên trong nữa đó là sự bất bình đẳng xã hội.

Mỹ, quốc gia giàu có và là một trong những nước dân chủ nhất thế giới cũng đang rơi vào tình trạng chia rẽ và bối rối hơn bao giờ hết. Theo ông Ray Dalio, nhà quản lý quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới người Mỹ thì "thế giới hiện đang chứng kiến khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ thập niên 1930, và điều này đang tạo ra sức ép lớn về chính trị" (2).

Chuyện gì đang xảy ra với thế giới ? Chủ nghĩa phóng khoáng hay còn gọi là chủ nghĩa tân tự do, là nền tảng tư tưởng chính trị của các quốc gia dân chủ đang đối mặt với khủng hoảng ?

Trước hết chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) là gì ? Đây là hệ thống lý thuyết và tư tưởng nền tảng của Châu Âu, bao gồm nhiều giá trị dân chủ và tiến bộ được đúc kết trong hơn 2 thế kỷ qua. Không ai có thể định nghĩa một cách đầy đủ về chủ nghĩa phóng khoáng vì chúng quá rộng lớn và khác nhau. Để không rơi vào mông lung và tranh cãi thì chúng ta có thể tạm hiểu "chủ nghĩa phóng khoáng là triết lý về chính trị và kinh tế đề cao tự do tối đa, nhất là tự do cá nhân ở mức độ có thể chấp nhận được".

Chủ nghĩa phóng khoáng trong kinh tế mà Adam Smith là đại diện, tin rằng có "bàn tay vô hình" sắp đặt và điều chỉnh các quan hệ trong xã hội. Đây là khuynh hướng gia tăng tự do cá nhân trong kinh doanh, nhà nước không cần can thiệp vào các hoạt động của cá nhân và doanh nghiệp, mọi việc cứ để xảy ra tự nhiên theo qui luật cung cầu của thị trường.

Giáo sư Michael Sandel (Đại học Harvard) đã trao đổi rất thẳng thắn và thú vị trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Steve Paikin về "chủ nghĩa phóng khoáng" mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã dịch ra tiếng Việt (3). Trong bài phỏng vấn này, giáo sư Sandel phân tích về "hiện tượng Donald Trump" và chỉ ra những sai lầm trong cách làm chính trị của những người theo chủ nghĩa tự do/phóng khoáng tại Mỹ. Theo ông những chính trị gia theo chủ nghĩa phóng khoáng, đã không quan tâm đúng mức cần thiết đến vấn đề bình đẳng và liên đới xã hội vì thế đã không phản ứng kịp thời trước xu hướng xã hội bị "thị trường hóa", trong đó, thị trường gần như trở thành thước đo duy nhất quyết định các giá trị đạo đức, còn các thảo luận cần thiết về các vấn đề như bình đẳng hay luân lý thì bị tránh né vì sợ gây tranh cãi. Đó là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy nảy nở.

Theo giáo sư Sandel thì chủ nghĩa phóng khoáng đã thất bại tại Mỹ vì ‘các cuộc thảo luận chính trị trở nên quá trống rỗng’, vì không trả lời được về các giá trị mà người dân quan tâm ‘xoay quanh các giá trị, các câu hỏi luân lý, về công lý và tình trạng bất bình đẳng cũng như về câu hỏi "tư cách công dân có ý nghĩa ra sao?". Và khi những người theo chủ nghĩa phóng khoáng và cấp tiến không đem lại cho quần chúng một nền chính trị như thế, khi họ hầu như đều tiếp cận các vấn đề theo kiểu "kỹ trị", thì khoảng trống đó đã bị lấp đầy bởi những tiếng nói hẹp hòi, bấtdung và bởi thứ chủ nghĩa quốc gia đang rất ồn ào hiện nay’.

Sự phân hóa giàu-nghèo trên thế giới đang ngày càng lớn và đã đến ngưỡng báo động. Không chỉ ở các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam mà ngay ở tại các nước dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp… thì ‘giai cấp thành đạt’ có thu nhập cao đang sống ngày càng tách biệt với số đông dân chúng thu nhập thấp. Họ học trường riêng, chữa bệnh ở các bệnh viện riêng và sống trong những khu vực riêng, hoàn toàn độc lập với mọi người xung quanh. Tiền bạc đã thực sự trở thành "thượng đế", là "giá trị" cao nhất, lấn át hoàn toàn các giá trị khác.

Một thực tế phũ phàng khi khoảng cách giàu nghèo gia tăng một cách kinh khủng: 1% nhóm người giàu nhất thế giới chiếm đến 20% toàn bộ tài sản của thế giới. Tại Mỹ thì 1% người giàu nhất chiếm đến 30% toàn bộ của cải trong xã hội trong khi 50% những nghèo nhất chia nhau 10% số còn lại. Lương của các giám đốc điều hành (CEO) trong các tập đoàn lớn là 2 triệu USD/ năm, cao gấp 200-300 lần so với mức lương trung bình trong cùng một xí nghiệp. Cho dù người dân hiện nay sung túc hơn trước đây rất nhiều nhưng cũng không thể nào chấp nhận thực tế trần trụi và vô lý đó.

Một lý do quan trọng nữa mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra quá nhanh chóng khiến tư tưởng chính trị không thể theo kịp. Để giải quyết các vấn đề nhức nhối đó cần phải có một cuộc xét lại toàn diện và đau nhức về tư tưởng chính trị trên phạm vi toàn thế giới. Các chính trị gia truyền thống đã tìm cách tránh né những câu hỏi nền tảng và hóc búa đó nên các chính trị gia dân túy nổi lên và nắm quyền trên khắp thế giới. Đây là phản ứng giận dữ của quần chúng với giới tinh hoa chính trị truyền thống. Trước mắt hiện tượng này sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, nhưng nó là mệnh lệnh để thế giới xét lại các vấn đề nền tảng trong chính trị.

Chính vì những lý do đó mà các chính trị gia dân túy, kêu gọi phá bỏ trật tự cũ như Trump được người dân lựa chọn. Tuy nhiên nguyên nhân và cách giải quyết nằm ở chỗ khác chứ không phải kêu gọi "đập phá" và chiến tranh (dù là chiến tranh thương mại). Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích rất nhiều về sự khủng hoảng tư tưởng chính trị, đây mới là nguyên nhân gây ra làn sóng chủ nghĩa dân túy trên thế giới. Giải pháp chỉ có và chỉ đến từ các tổ chức chính trị thực sự vì các chính đảng là công cụ duy nhất để chuyên chở các giá trị đúng của tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Các câu lạc bộ và giảng đường cũng như các tổ chức xã hội dân sự không thể thay thế cho vai trò của các tổ chức chính trị. Tư tưởng chính trị của các tôn giáo, nhất là Ki-tô giáo đã giảm rất nhiều ảnh hưởng trên thế giới. Để các chính đảng có khả năng thảo luận một cách đứng đắn thì cần phải nói không một cách dứt khoát với mô hình chính trị theo chế độ ‘tổng thống chế’ như Mỹ. Chính giáo sư Sandel cũng đã sai khi cho rằng ‘không thể trông chờ vào các đảng phái chính trị và các chính trị gia’ vì ông nhìn vào sự bất lực của các chính đảng Mỹ đang bị một người là tổng thống thao túng hoàn toàn.  

Vừa qua, tại Mỹ nổi lên một ứng cử viên đảng Dân chủ rất đặc biệt là Bernie Sanders. Các chính sách mà ông đưa ra trong đợt tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 đề cao sự liên đới xã hội rất gần gũi với các đảng Dân chủ xã hội Bắc Âu. Ông là người nói nhiều về sự bất bình đẳng xã hội và ủng hộ hệ thống y tế nhân văn hơn cũng như các vấn đề cấp bách của thế giới như biến đổi khí hậu, cải cách tài chính… Dù ông đã thua Hillary Clinton nhưng tiếng nói của ông càng ngày càng được lắng nghe.

Tình hình tại Chile, Pháp, Hồng Kông… nói lên rằng một chế độ dân chủ và thành công về mặt kinh tế cũng sẽ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng nếu không quan tâm đến liên đới xã hội. Trong dự án chính trị của mình, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng khẳng định: "Liên đới xã hội là  điều kiện bắt buộc để giữ gìn sự bền chắc của nền tảng xã hội, bảo đảm sự tham gia tích cực và phấn khởi của mọi người vào tương lai đất nước, tránh những xung đột có thể làm gẫy đổ đà tiến của dân tộc về tương lai và đưa đến bạo loạn. Trong thực tế, phát triển kinh tế thường  đẻ ra và làm trầm trọng thêm những chênh lệch trong xã hội. Nhiệm vụ trọng yếu của nhà nước là ngăn chặn và làm giảm thiểu những nguyên nhân căng thẳng mà sự phát triển, vì không thể nào hoàn toàn cân đối, chắc chắn sẽ đem lại".

Nước Mỹ giàu có và thành công nhưng ít nhất có hai lĩnh vực khá bất công là giáo dục và y tế. Hai lĩnh vực quan trọng này ở Mỹ đã bị thị trường hóa một cách phũ phàng. Những người nghèo phải chịu nhiều thiệt thòi khiến sự giận dữ của họ tăng lên và làm cho tình cảm đối đất nước giảm xuống. Có khoảng 26% cử tri Mỹ sẽ luôn ủng hộ Trump vô điều kiện vì họ không còn cảm thấy nước Mỹ là của họ như trước đây.

Khi chủ nghĩa phóng khoáng thất bại thì cần có một hệ giá trị tư tưởng mới thay thế và đó là việc của các nhà tư tưởng chính trị thế giới. Riêng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì đã xây dựng được cho Việt Nam một truyện thuyết như vậy. Đó là giải pháp dân chủ đa nguyên được trình bày rất đầy đủ và rõ ràng trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Nhiều giá trị và quan niệm lỗi thời cần được định nghĩa lại, ví dụ quan niệm về quốc gia. Tập Hợp định nghĩa rằng "quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và là một dự án tương lai chung" chứ quốc gia không chỉ còn là một vùng lãnh thổ, một ngôn ngữ và một văn hóa... 

Vẫn hiểu rằng sẽ không bao giờ có công bằng hay dân chủ tuyệt đối vì bất cứ trong một quốc gia nào, ở bất cứ thời điểm nào luôn có những thành phần dân chúng thành công và một thành phần khác sẽ thất bại và thua kém. Dù muốn dù không nhà nước dân chủ trong tương lai vẫn phải tôn trọng tự do và dân chủ nhưng bên cạnh đó nhà nước cần phải quan tâm và xử lý hài hòa các vấn đề như liên đới xã hội, môi trường, y tế, giáo dục… dựa trên triết lý điều hành quốc gia là "hòa giải dân tộc".

Sẽ không có một chính sách nào, dù đúng đắn đến đâu lại có thể thỏa mãn tất cả dân chúng vì vậy cần phải có một chính quyền lương thiện và có trách nhiệm. Người dân có thể tha thứ và bỏ qua cho những sai lầm nhất thời của một chính phủ mà họ tin là đứng đắn và tử tế. Một chính quyền đã đánh mất niềm tin hoàn toàn như Đảng cộng sản Việt Nam thì quả thật là không còn một cơ hội nào cho họ nữa. Mọi sự cố gắng của họ, nếu có cũng sẽ vô ích. Dân chủ dù lạc lối hay thăng trầm thì vẫn có cơ chế để sửa chữa và tiến lên. Với sự trưởng thành về nhận thức và tư tưởng chính trị của người dân thế giới, chúng tôi tin rằng làn sóng dân túy sẽ nhanh chóng qua đi, thế giới sẽ không rơi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện như hồi thập niên 1930 hay chiến tranh... nhưng sẽ có những thay đổi rất sâu sắc và căn bản. Các giá trị bị ‘lãng quên’ một thời như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, đối thoại, hợp tác, bình đẳng, bao dung và liên đới… sẽ được nhìn nhận lại một cách đúng đắn và tôn vinh đúng mực.

Việt Hoàng

(1/11/2019)

(1) Khủng hoảng Chile - "sản phẩm" của 40 năm chính sách tân tự do

(2) "Ông trùm" đầu cơ Mỹ : Kinh tế toàn cầu đang giống hồi thập niên 1930

(3) Sự thất bại của nền chính trị "Tự do phóng khoáng"

Published in Quan điểm