Những quốc gia được xếp hạng cao về mức độ hạnh phúc-tại sao ?
Các quốc gia như Bắc Âu, Thụy Sĩ… luôn luôn được xếp hạng là những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) hàng năm của Liên hợp quốc. Ngoài việc người dân được sống trong những quốc gia tự do, dân chủ, có đời sống thanh bình, thịnh vượng, kinh tế ổn định, hệ thống an sinh xã hội tốt, còn vì những lý do khác.
Các quốc gia như Bắc Âu, Thụy Sĩ… luôn luôn được xếp hạng là những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới
Trước hết, họ có những triết lý sống lành mạnh. Chẳng hạn, triết lý sống của các sắc dân Bắc Âu là sống chậm, sống giản di, biết hài lòng với những gì mình đang có, giành nhiều thời gian cho gia đình, chơi thể thao nhiều để có sức khỏe tốt và gắn bó với thiên nhiên. Các gia đình từ trung lưu trở lên thường có một cái tàu để chạy chơi vào mùa hè và một nhà nghỉ vào mùa đông trên núi hoặc ở nơi hẻo lánh, ở đó họ có thể nghỉ ngơi, xa lánh mọi tiện nghi, mọi phương tiện của đời sống văn minh hiện đại như điện thoại, internet…chỉ đọc sách, thư giãn, nghỉ ngơi quanh bếp lửa…
Triết lý Phật giáo và thiên nhiên là hai yếu tố chính, cộng với lối sống giản dị, lương thiện là những yếu tố làm nên cuộc sống hạnh phúc của người Bhutan. Còn người Pháp là một dân tộc biết tận hưởng cuộc sống-enjoy life : họ làm việc vừa đủ, kiếm tiền vừa phải, dù có thế nào đi nữa thì cũng vẫn phải dành thì giờ để ngồi quán café, cho những bữa ăn ngon và đẹp mắt, rượu ngon, cho việc thưởng thức văn hóa nghệ thuật và…chơi-có thể đi chơi, đi du lịch hoặc tiêu khiển một thứ hobby nào đấy.
Thêm một đặc điểm : những dân tộc sống hạnh phúc có nhịp sống chậm hoặc tương đối chậm hơn nhiều dân tộc khác.
Những quốc gia không được xếp hạng cao về mức độ hạnh phúc-tại sao ?
Ngược lại, có những dân tộc không thực sự hạnh phúc dù sống trong những quốc gia giàu có, thịnh vượng, là vì lúc nào cũng bận bịu chạy theo cuộc sống, nhịp sống nhanh đến mức không có thời gian nhìn lại mình, không có thời gian đối thoại với chính mình, không có thời gian dành cho gia đình hoặc thưởng thức thiên nhiên.
Ví dụ như người Mỹ. Lúc nào cũng chạy theo những nấc thang giá trị trong đời sống : tiền tài, vật chất, công việc, chỗ đứng trong xã hội. Lúc nào cũng muốn nhiều hơn : chưa có xe/nhà thì phải có nhà, có xe/nhà rồi thì muốn cái xe đẹp hơn, cái nhà to hơn, chưa có việc thì mong có việc, có việc rồi thì muốn có việc ngon hơn, muốn con cái thành đạt hơn …Nên làm một job không đủ, phải làm hai job v.v…Một phần vì sức cạnh tranh trong xã hội cao nên con người luôn luôn phải cố gắng để không bị đào thải, không trở thành kẻ thất bại.
Dân Nhật cũng chẳng sướng. Đất nước giàu có nhưng người Nhật làm việc nhiều quá, làm nhiều đến nỗi không có thì giờ ngủ, ngủ trên xe điện ngầm, xe lửa, bất cứ đâu có thể chợp mắt một chút, và người Nhật thì có tinh thần trách nhiệm quá cao đối với xã hội, đòi hỏi quá khe khắt với bản thân.
Những vấn đề của Việt Nam, của người Việt
Người Việt thì tất nhiên là khổ. Có 4 lý do lớn làm nên nỗi khổ của người Việt :
1. Khổ vì phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị là cái khổ lớn nhất.
Không có tự do dân chủ, quyền con người bị chà đạp. Một nhà cầm quyền bất tài, bất lực, chỉ biết bóc lột dân mà không lo được gì cho dân, làm thì ít phá thì nhiều và "ăn"-tham nhũng càng nhiều hơn nữa, chỉ biết vơ vét, ăn sạch, bán sạch mọi thứ để lai một môi trường thiên nhiên bị tàn phá, một môi trường sống bị hủy hoại, một đống rác và một đống nợ cho tương lai. Sống trong một chế độ như vậy con người làm sao hạnh phúc nổi ?
2. Bận bịu, nhiều nỗi lo.
Nhưng cũng giống như những dân tộc không thực sự hạnh phúc, chúng ta bận bịu quá. Mà bận là phải vì phải kiếm tiền, lo cho con học hành, lo cho mình lúc thất nghiệp, khi ốm đau, bị tai nạn hoặc tuổi già, bởi vì Việt Nam không có một chế độ an sinh xã hội để cất bớt cho cho người dân những nỗi lo âu ấy. Chúng ta có quá nhiều cái phải lo mà đời sống thì ngắn ngủi.
3. Không có một triết lý sống lành mạnh.
Chúng ta chạy theo những cái bên ngoài. Không chỉ là vật chất, mà cái hình thức bên ngoài, cái danh (mà thường là danh hão) như bằng cấp, chức vụ, nhà này nhà kia… Xã hội Việt dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo còn khổ vì cái "bệnh thành tích". Lúc nhỏ thì phiếu bé ngoan, bằng khen, giấy khen, điểm số, lớn lên cũng các loại thành tích khác.
Cả đời chúng ta chạy theo những cái "thành tích", cái sự đánh giá, xếp hạng của xã hội. Có con thì phải cho con đi học thêm để được điểm cao, phải học ở trường chuyên, trường điểm, lớp chuyên, lớp chọn. Rồi con cái phải vào được đại học, mà những ngành ngon lành trong mắt xã hội như ngành y, dược, kỹ sư, kinh tế, ngoại thương…Phải làm việc ở cục này bộ kia, phải có chức vụ (bệnh này ở người Bắc nặng hơn người Nam, có lẽ do ngoài Bắc đa phần sống bám vào hệ thống nhà nước còn trong Nam môi trường làm việc tư nhân phát triển, người ta biết nhau, giao việc cho nhau vì năng lực, vì cái tên của người đó chứ không phải vì con ông này cháu bà kia, do anh A chị B giới thiệu, tiến cử v.v…). Cho nên mới xảy ra chuyện "chạy" điểm, "chạy" bằng, "chạy" chức…là vậy. Tầng lớp trung lưu trở lên thì phải có nhà to, có con đi học ở nước ngoài…Nghĩa là cái gì người khác có thì ta phải có.
4. Tính cách của người Việt.
Như bệnh sĩ diện rất nặng, thói khoe khoang, phô trương…Phải công bằng mà nói đây không phải là tính cách của dân tộc Việt từ xưa đến nay. Chỉ nhìn lại đời sống êm đềm, hiền hòa ở miền Nam trước 1975 và đời sống ở Việt Nam bây giờ là thấy, bây giờ xô bồ hơn, chạy theo vật chất, chạy theo những cái bên ngoài nhiều hơn cho dù đó là những cái "ảo", "giả", "tạm" rất phù phiếm. Đạo đức xã hội xuống cấp khiến sự tử tế, tốt đẹp trong con người cũng giảm sút, mà con người càng nhiều ganh ghét, đố kỵ, độc ác, hoài nghi…thì làm sao hạnh phúc được ?
5. Tâm lý "ở trọ" ngay trên quê hương.
Nếu một dân tộc sống trong một xã hội có tự do, dân chủ, có niềm tin vào luật pháp công bằng, có một mức độ tin cậy vừa phải, hài lòng vừa phải với chính phủ, biết tiền thuế của mình được dùng đúng hay không, biết khi thất nghiệp, lúc ốm đau già cả có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của nhà nước thì thì dân tộc đó sẽ vui lòng làm việc đóng góp vào xã hội, cho tương lai chung của đất nước, cho thế hệ mai sau.
Nhưng người Việt sống dưới chế độ "xã hội chủ nghĩa giả cầy" do đảng cộng sản lãnh đạo thì hoàn toàn không có được niềm vui và niềm tin vào tương lai của đất nước, đi làm là để tích cóp cho mình, cho gia đình mình, mặc kệ xã hội, ai có tiền, có cơ hội thì cho con cái ra nước ngoài để tìm tương lai hoặc tự chuẩn bị cho mình tuổi già sẽ "hạ cánh" ở một nước phương Tây nào đó. Làm sao chúng ta hạnh phúc khi chúng ta sống với tâm lý "ở trọ" mà lại "ở trọ" ngay trên chính quê hương mình ? Người đi xa, sống ở nước ngoài cũng không thực sự hạnh phúc vì nhớ quê hương, vì còn đau đáu cho tương lại, vận mệnh đất nước.
Chúng ta là một dân tộc bất hạnh là vì vậy.
6. Không có niềm tin, không có tôn giáo.
Nhìn bên ngoài đa số người Việt vẫn có tôn giáo, người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, người thờ ông bà… Nhưng nhìn chung người Việt vẫn không thực sự là một dân tộc có tín ngưỡng, hay nói cách khác, đa phần là thờ ông bà, cộng thêm đa thần giáo, bái vật giáo, bệnh mê tín dị đoan rất nặng thể hiện trong đủ loại lễ hội, cúng bái, kiêng cử… trong phong tục tập quán của người Việt.
7. Không có một triết lý giáo dục tốt.
Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Đó là một triết lý rất đúng đắn đã góp phần làm nên thành công của nền giáo dục và tạo ra những con người ưu tú dưới chế độ VNCH. Nhưng điều này thì ảnh hưởng gì đến cảm giác hạnh phúc của mỗi con người ? Một triết lý giáo dục đúng đắn sẽ đào tạo ra những con người tốt cho xã hội mà xã hội càng có nhiều người tốt, trung thực, tử tế thì cái xấu, cái ác sẽ bớt đi, cái đẹp, sự tử tế sẽ tăng lên, như vậy sẽ ảnh hưởng tới cảm giác hạnh phúc của mỗi con người sống trong xã hội đó. Nhưng nói thật, một nền giáo dục tốt đẹp mà nằm trong một thể chế chính trị tệ hại thì cũng không thể đào tạo ra những con người trung thực, tử tế được.
Tóm lại, khi phải sống trong một mô hình thể chế chính trị tệ hại, lại không có niềm tin vào pháp luật, tôn giáo ; xã hội không có một triết lý giáo dục đúng đắn và một triết lý sống lành mạnh, thì con người không thể thực sự hạnh phúc, hơn thế, rất dễ bị vong thân.
Song Chi
Nguồn : RFA, 05/05/2020 (songchi's blog)
VOA - Ngày 31 tháng Giêng, 2017, VOA Việt Ngữ đăng tải bài viết của blogger Phạm Chí Dũng, tựa đề "Dân Việt ‘hạnh phúc và lạc quan kinh tế ?’". Bài của tiến sĩ Phạm Chí Dũng có nội dung phản biện kết quả thăm dò do công ty Indochina Research, thành viên mạng lưới Worldwide Independent Network/Gallup International Association (WIN/GIA), thực hiện. Sau khi bài viết của tiến sĩ Dũng được đăng tải, chúng tôi nhận được bài phản biện từ Indochina Research. Trong tinh thần duy trì diễn đàn thảo luận lành mạnh và đa chiều, VOA Việt Ngữ đăng nguyên văn bài viết của Indochina Research dưới đây.
Dân Việt ‘hạnh phúc’ và ‘lạc quan kinh tế’
***
Là một công ty nghiên cứu độc lập, Indochina Research đưa ra thông tin dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học có thể kiểm chứng được. Nghi ngờ của ông Phạm Chí Dũng về tính xác thực trong nghiên cứu của công ty Indochina Research và độ độc lập của công ty là hoàn toàn không có căn cứ.
Trong một bài blog trên trang VOA đăng ngày 31 tháng 1 năm 2017, Dân Việt "hạnh phúc" và "lạc quan kinh tế" ?, ông Phạm Chí Dũng có đề cập đến nghiên cứu của Indochina Research về mức độ hạnh phúc và lạc quan về tình hình kinh tế của người dân Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng tuyên bố những nhận định của Indochina Research là "khó tin và khó hiểu" và với những nhận định này công ty đã "gây quá nhiều tai tiếng", đồng thời đặt nghi vấn "chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để "mua" một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ" và "Indochina Research là một trường hợp rất đáng nghi ngờ về chuyện mua bán này".
Thứ nhất, công ty Indochina Research là một công ty nghiên cứu độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Công ty là thành viên của mạng lưới Worldwide Independent Network/Gallup International Association (WIN/GIA). Giám đốc điều hành của chúng tôi là thành viên của Hiệp hội nghiên cứu dư luận và thị trường Châu Âu (European Society for Opinion and Marketing Research - ESOMAR). Do đó, Indochina Research luôn hành động đúng theo Quy tắc ứng xử Quốc tế về nghiên cứu thị trường và xã hội của ESOMAR.
Thứ hai, tất cả các nghiên cứu của Indochina Research đều được tiến hành với phương pháp khoa học chặt chẽ có thể kiểm chứng được. Các thông tin đưa ra đều mang tính minh bạch, có phương pháp luận công khai để người đọc có thể đánh giá. Thông tin "người Việt Nam hạnh phúc thứ 4 và lạc quan kinh tế đứng thứ 5 thế giới" được dựa vào kết quả cuộc điều tra cuối năm 2016 của Indochina Research. Hàng năm, Hiệp hội nghiên cứu thị trường và điều tra Win/Gallup International tiến hành cuộc điều tra cuối năm tại nhiều nước trên thế giới về các vấn đề kinh tế, xã hội và văn hóa. Năm 2016, Win/Gallup International đã phỏng vấn 66.541 người dân sống tại 66 quốc gia trên thế giới về viễn cảnh, nhận định và suy nghĩ của họ về các vấn đề quốc tế và quốc gia. Tại Việt Nam, thành viên của WIN/Gallup là Indochina Research đã thực hiện 700 người tuổi từ 18 đến 64 sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với câu hỏi "Nhìn chung, cá nhân anh/ chị cảm thấy rất hạnh phúc, hạnh phúc, không hạnh phúc cũng không bất hạnh, bất hạnh hoặc rất bất hạnh về cuộc sống của anh/ chị ?", có 79% số người được hỏi tại Việt Nam trả lời họ hạnh phúc hoặc rất hạnh phúc và có 1% trả lời họ bất hạnh hoặc rất bất hạnh. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam (số % hạnh phúc trừ đi % bất hạnh) như vậy là 78%. So với 66 quốc gia được WIN/Gallup điều tra, chỉ số này đứng thứ 4.
Với câu hỏi "Theo ý kiến của anh/ chị, so với năm nay thì năm sau nền kinh tế của nước ta sẽ phát triển hơn, sẽ suy thoái đi hay vẫn không thay đổi ?" 59% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng 2017 sẽ là một năm kinh tế phát triển, 12% nghĩ kinh tế sẽ xấu đi và 26% cho rằng kinh tế 2017 sẽ không thay đổi so với năm 2016. Chỉ số lạc quan kinh tế (% kinh tế phát triển trừ đi % kinh tế xấu đi) là 47%, cao thứ 5 trong số 66 quốc gia được điều tra.
Indochina Research luôn mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng. Tuy nhiên, tất cả những bình luận không có căn cứ, không có lý luận khoa học từ những người không có thông tin đầy đủ về Indochina Research và các nghiên cứu của Indochina Research đều chỉ mang tính chất suy đoán và không phản ánh đúng sự thật.
Trân trọng,
Indochina Research
‘Hạnh phúc’ hay thảm cảnh ?
Một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research vừa gây quá nhiều tai tiếng khi công bố "Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%" trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.
Ảnh minh họa.
Nếu vào tháng 3/2016 khi Liên Hiệp Quốc công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96, khá nhiều tờ báo nhà nước và đặc biệt là báo đảng đã mượn gió bẻ măng với hàng loạt bài tung hô thành tích đầy tính hoang tưởng này, đến cuối năm 2016 đã chỉ thấp thoáng vài cái tên báo quốc doanh sa vào vòng trơ tráo ấy.
Ngay một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng phải thổ lộ rằng dù Việt Nam được Liên Hiệp Quốc xếp hạng 96 về chỉ số hạnh phúc, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét rằng kết quả xếp hạng khá phiến diện sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo Tiến sĩ Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ : từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
"Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào ? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam". - Tiến sĩ Hồng bức bối.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ nhưng thực tế thì không phải như vậy : "Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được ?"
Kết quả "lạc quan và hạnh phúc" của Indochina Research nêu ra lại "tự diễn biến" trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa mang tên Formosa, thảm cảnh do xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.
Thời gian cận Tết Nguyên đán 2017 cũng một lần nữa, trong nhiều năm liền lãnh đạo 15 tỉnh phải lên Văn phòng chính phủ xin gạo cứu đói cho dân. Cảnh tượng học sinh nghèo vùng cao phải ăn thịt chuột lại tái hiện. Những hình ảnh người nghèo chết không có nổi quan tài mà phải bó chiếu đưa về nhà lan rộng trên mạng xã hội.
‘Cực kỳ lạc quan kinh tế’ hay bờ vực sụp đổ ?
Không chỉ bố cáo "Việt Nam hạnh phúc thứ 4 trên thế giới", tổ chức Indochina Research còn nêu ra một đánh giá rất khó tin và khó hiểu : "Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017".
Chi tiết rất đáng đối chiếu là chỉ một tháng sau đánh giá vừa kể của Indochina Research, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bất thần thú nhận "nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần", và đặc biệt nêu ra cụm từ cảnh báo đầy rủi ro : "sụp đổ tài khóa quốc gia".
Năm 2016, tình hình thực tế ở Việt Nam đã "lạc quan" đến mức phần nợ công quốc gia đã vọt hẳn qua ngưỡng nguy hiểm 65% GDP và có thể lên đến 100 - 150% GDP, cho dù giới điều hành kinh tế và Quốc hội Việt Nam vẫn nhất quyết không chịu sửa Luật về Nợ công để tính cả phần vay nước ngoài của hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vào nợ công quốc gia theo đúng tiêu chí của Liên Hiệp Quốc.
Trong bối cảnh ngân sách gần như cạn kiệt, Hà Nội đã phải dùng một phần không thể dây dưa của chi ngân sách để trả nợ cho các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu… để sau đó Việt Nam mới được vay tiếp. Trong năm 2015, ngân sách Việt Nam đã phải xuất ra đến 20 tỷ USD để trả nợ, năm 2016 xuất ít nhất 12 tỷ USD, còn những năm sau cũng phải trả nợ quốc tế ít nhất hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Lòng tham lam cộng với sự ngu dốt của quá nhiều ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ đầu tư ồ ạt vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm những năm 2006 - 2008 đã khiến nợ xấu tích tồn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vọt đến ít nhất 25 tỷ USD cho đến nay. Thế nhưng bất chấp thời kỳ thủ tướng và thống đốc ngân hàng cũ là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình công bố thành tích "đã quyết tâm kéo giảm nợ xấu về dưới 3%", cho tới giờ toàn bộ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn hầu như chưa được xử lý. Toàn bộ thư chào bán nợ xấu cho nước ngoài vẫn không hề nhận được hồi âm…
Cùng lúc, quốc nạn bội chi ngân sách cũng chỉ tiến không lùi, dù ngân sách có thể đã phải giảm đến 40% so với nhu cầu chi tiêu vào năm 2016.
Khác hẳn vài năm trước, ngân sách trung ương đang cực kỳ khốn quẫn. Ngân sách này chỉ có thể lo việc chi trả lương và một ít đề mục về an sinh xã hội, còn đa phần "đầu tư phát triển" phải tiết chế đến mức tối thiểu. Sau trào lưu xây trụ sở và tượng đài từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ vô tội vạ và vô liêm sỉ trong những năm trước, đến giờ ngân sách tìm ra một ngàn tỷ đồng để chi đã là khó khăn.
Một số chuyên gia đã tính toán rằng với cái đà thu thuế ngày càng ghê gớm nhưng chi vẫn không giảm, ngân sách chế độ chỉ chịu được tối đa 2 năm nữa.
Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, có lẽ chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay. Mới đây, một nguồn giấu tên tiết lộ một sự thật chẳng mấy người muốn tin : Việt Nam vỡ nợ không còn là "nguy cơ" nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Cận cảnh đang lờ mờ hiện ra là ngân sách Việt Nam sẽ bị vỡ nợ hệt như Argentina hai lần vào năm 2001 và 2014.
Tình hình đã tồi tệ đến mức ngân sách chính quyền chỉ còn trông mong vào việc thu thuế càng nhiều càng tốt.
Theo đó, trong khi căn bệnh lạm thu, tận thu của hơn 400 loại thuế và lệ phí vẫn không hề thuyên giảm thì hàng loạt thứ thuế trời ơi khác đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Chỉ tính riêng thuế bảo vệ môi trường, cứ mỗi lít xăng người dân phải chịu đến 8.000 đồng tiền thuế.
Mua bán ?
Vậy vì sao tổ chức Indochina Research lại dám đánh giá "Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017" ?
Hãy lùi lại một chút về quá khứ.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đôla mỗi năm để "quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế" trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để "mua" một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ về thể diện và chính trị, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.
Indochina Research là một trường hợp rất đáng nghi ngờ về chuyện mua bán này.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA tiếng Việt, 31/01/2017