Những quốc gia được xếp hạng cao về mức độ hạnh phúc-tại sao ?
Các quốc gia như Bắc Âu, Thụy Sĩ… luôn luôn được xếp hạng là những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report) hàng năm của Liên hợp quốc. Ngoài việc người dân được sống trong những quốc gia tự do, dân chủ, có đời sống thanh bình, thịnh vượng, kinh tế ổn định, hệ thống an sinh xã hội tốt, còn vì những lý do khác.
Các quốc gia như Bắc Âu, Thụy Sĩ… luôn luôn được xếp hạng là những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới
Trước hết, họ có những triết lý sống lành mạnh. Chẳng hạn, triết lý sống của các sắc dân Bắc Âu là sống chậm, sống giản di, biết hài lòng với những gì mình đang có, giành nhiều thời gian cho gia đình, chơi thể thao nhiều để có sức khỏe tốt và gắn bó với thiên nhiên. Các gia đình từ trung lưu trở lên thường có một cái tàu để chạy chơi vào mùa hè và một nhà nghỉ vào mùa đông trên núi hoặc ở nơi hẻo lánh, ở đó họ có thể nghỉ ngơi, xa lánh mọi tiện nghi, mọi phương tiện của đời sống văn minh hiện đại như điện thoại, internet…chỉ đọc sách, thư giãn, nghỉ ngơi quanh bếp lửa…
Triết lý Phật giáo và thiên nhiên là hai yếu tố chính, cộng với lối sống giản dị, lương thiện là những yếu tố làm nên cuộc sống hạnh phúc của người Bhutan. Còn người Pháp là một dân tộc biết tận hưởng cuộc sống-enjoy life : họ làm việc vừa đủ, kiếm tiền vừa phải, dù có thế nào đi nữa thì cũng vẫn phải dành thì giờ để ngồi quán café, cho những bữa ăn ngon và đẹp mắt, rượu ngon, cho việc thưởng thức văn hóa nghệ thuật và…chơi-có thể đi chơi, đi du lịch hoặc tiêu khiển một thứ hobby nào đấy.
Thêm một đặc điểm : những dân tộc sống hạnh phúc có nhịp sống chậm hoặc tương đối chậm hơn nhiều dân tộc khác.
Những quốc gia không được xếp hạng cao về mức độ hạnh phúc-tại sao ?
Ngược lại, có những dân tộc không thực sự hạnh phúc dù sống trong những quốc gia giàu có, thịnh vượng, là vì lúc nào cũng bận bịu chạy theo cuộc sống, nhịp sống nhanh đến mức không có thời gian nhìn lại mình, không có thời gian đối thoại với chính mình, không có thời gian dành cho gia đình hoặc thưởng thức thiên nhiên.
Ví dụ như người Mỹ. Lúc nào cũng chạy theo những nấc thang giá trị trong đời sống : tiền tài, vật chất, công việc, chỗ đứng trong xã hội. Lúc nào cũng muốn nhiều hơn : chưa có xe/nhà thì phải có nhà, có xe/nhà rồi thì muốn cái xe đẹp hơn, cái nhà to hơn, chưa có việc thì mong có việc, có việc rồi thì muốn có việc ngon hơn, muốn con cái thành đạt hơn …Nên làm một job không đủ, phải làm hai job v.v…Một phần vì sức cạnh tranh trong xã hội cao nên con người luôn luôn phải cố gắng để không bị đào thải, không trở thành kẻ thất bại.
Dân Nhật cũng chẳng sướng. Đất nước giàu có nhưng người Nhật làm việc nhiều quá, làm nhiều đến nỗi không có thì giờ ngủ, ngủ trên xe điện ngầm, xe lửa, bất cứ đâu có thể chợp mắt một chút, và người Nhật thì có tinh thần trách nhiệm quá cao đối với xã hội, đòi hỏi quá khe khắt với bản thân.
Những vấn đề của Việt Nam, của người Việt
Người Việt thì tất nhiên là khổ. Có 4 lý do lớn làm nên nỗi khổ của người Việt :
1. Khổ vì phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị là cái khổ lớn nhất.
Không có tự do dân chủ, quyền con người bị chà đạp. Một nhà cầm quyền bất tài, bất lực, chỉ biết bóc lột dân mà không lo được gì cho dân, làm thì ít phá thì nhiều và "ăn"-tham nhũng càng nhiều hơn nữa, chỉ biết vơ vét, ăn sạch, bán sạch mọi thứ để lai một môi trường thiên nhiên bị tàn phá, một môi trường sống bị hủy hoại, một đống rác và một đống nợ cho tương lai. Sống trong một chế độ như vậy con người làm sao hạnh phúc nổi ?
2. Bận bịu, nhiều nỗi lo.
Nhưng cũng giống như những dân tộc không thực sự hạnh phúc, chúng ta bận bịu quá. Mà bận là phải vì phải kiếm tiền, lo cho con học hành, lo cho mình lúc thất nghiệp, khi ốm đau, bị tai nạn hoặc tuổi già, bởi vì Việt Nam không có một chế độ an sinh xã hội để cất bớt cho cho người dân những nỗi lo âu ấy. Chúng ta có quá nhiều cái phải lo mà đời sống thì ngắn ngủi.
3. Không có một triết lý sống lành mạnh.
Chúng ta chạy theo những cái bên ngoài. Không chỉ là vật chất, mà cái hình thức bên ngoài, cái danh (mà thường là danh hão) như bằng cấp, chức vụ, nhà này nhà kia… Xã hội Việt dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo còn khổ vì cái "bệnh thành tích". Lúc nhỏ thì phiếu bé ngoan, bằng khen, giấy khen, điểm số, lớn lên cũng các loại thành tích khác.
Cả đời chúng ta chạy theo những cái "thành tích", cái sự đánh giá, xếp hạng của xã hội. Có con thì phải cho con đi học thêm để được điểm cao, phải học ở trường chuyên, trường điểm, lớp chuyên, lớp chọn. Rồi con cái phải vào được đại học, mà những ngành ngon lành trong mắt xã hội như ngành y, dược, kỹ sư, kinh tế, ngoại thương…Phải làm việc ở cục này bộ kia, phải có chức vụ (bệnh này ở người Bắc nặng hơn người Nam, có lẽ do ngoài Bắc đa phần sống bám vào hệ thống nhà nước còn trong Nam môi trường làm việc tư nhân phát triển, người ta biết nhau, giao việc cho nhau vì năng lực, vì cái tên của người đó chứ không phải vì con ông này cháu bà kia, do anh A chị B giới thiệu, tiến cử v.v…). Cho nên mới xảy ra chuyện "chạy" điểm, "chạy" bằng, "chạy" chức…là vậy. Tầng lớp trung lưu trở lên thì phải có nhà to, có con đi học ở nước ngoài…Nghĩa là cái gì người khác có thì ta phải có.
4. Tính cách của người Việt.
Như bệnh sĩ diện rất nặng, thói khoe khoang, phô trương…Phải công bằng mà nói đây không phải là tính cách của dân tộc Việt từ xưa đến nay. Chỉ nhìn lại đời sống êm đềm, hiền hòa ở miền Nam trước 1975 và đời sống ở Việt Nam bây giờ là thấy, bây giờ xô bồ hơn, chạy theo vật chất, chạy theo những cái bên ngoài nhiều hơn cho dù đó là những cái "ảo", "giả", "tạm" rất phù phiếm. Đạo đức xã hội xuống cấp khiến sự tử tế, tốt đẹp trong con người cũng giảm sút, mà con người càng nhiều ganh ghét, đố kỵ, độc ác, hoài nghi…thì làm sao hạnh phúc được ?
5. Tâm lý "ở trọ" ngay trên quê hương.
Nếu một dân tộc sống trong một xã hội có tự do, dân chủ, có niềm tin vào luật pháp công bằng, có một mức độ tin cậy vừa phải, hài lòng vừa phải với chính phủ, biết tiền thuế của mình được dùng đúng hay không, biết khi thất nghiệp, lúc ốm đau già cả có thể trông cậy vào sự hỗ trợ của nhà nước thì thì dân tộc đó sẽ vui lòng làm việc đóng góp vào xã hội, cho tương lai chung của đất nước, cho thế hệ mai sau.
Nhưng người Việt sống dưới chế độ "xã hội chủ nghĩa giả cầy" do đảng cộng sản lãnh đạo thì hoàn toàn không có được niềm vui và niềm tin vào tương lai của đất nước, đi làm là để tích cóp cho mình, cho gia đình mình, mặc kệ xã hội, ai có tiền, có cơ hội thì cho con cái ra nước ngoài để tìm tương lai hoặc tự chuẩn bị cho mình tuổi già sẽ "hạ cánh" ở một nước phương Tây nào đó. Làm sao chúng ta hạnh phúc khi chúng ta sống với tâm lý "ở trọ" mà lại "ở trọ" ngay trên chính quê hương mình ? Người đi xa, sống ở nước ngoài cũng không thực sự hạnh phúc vì nhớ quê hương, vì còn đau đáu cho tương lại, vận mệnh đất nước.
Chúng ta là một dân tộc bất hạnh là vì vậy.
6. Không có niềm tin, không có tôn giáo.
Nhìn bên ngoài đa số người Việt vẫn có tôn giáo, người theo đạo Phật, người theo đạo Thiên Chúa, người thờ ông bà… Nhưng nhìn chung người Việt vẫn không thực sự là một dân tộc có tín ngưỡng, hay nói cách khác, đa phần là thờ ông bà, cộng thêm đa thần giáo, bái vật giáo, bệnh mê tín dị đoan rất nặng thể hiện trong đủ loại lễ hội, cúng bái, kiêng cử… trong phong tục tập quán của người Việt.
7. Không có một triết lý giáo dục tốt.
Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Đó là một triết lý rất đúng đắn đã góp phần làm nên thành công của nền giáo dục và tạo ra những con người ưu tú dưới chế độ VNCH. Nhưng điều này thì ảnh hưởng gì đến cảm giác hạnh phúc của mỗi con người ? Một triết lý giáo dục đúng đắn sẽ đào tạo ra những con người tốt cho xã hội mà xã hội càng có nhiều người tốt, trung thực, tử tế thì cái xấu, cái ác sẽ bớt đi, cái đẹp, sự tử tế sẽ tăng lên, như vậy sẽ ảnh hưởng tới cảm giác hạnh phúc của mỗi con người sống trong xã hội đó. Nhưng nói thật, một nền giáo dục tốt đẹp mà nằm trong một thể chế chính trị tệ hại thì cũng không thể đào tạo ra những con người trung thực, tử tế được.
Tóm lại, khi phải sống trong một mô hình thể chế chính trị tệ hại, lại không có niềm tin vào pháp luật, tôn giáo ; xã hội không có một triết lý giáo dục đúng đắn và một triết lý sống lành mạnh, thì con người không thể thực sự hạnh phúc, hơn thế, rất dễ bị vong thân.
Song Chi
Nguồn : RFA, 05/05/2020 (songchi's blog)