Nguyên nhân đến từ đâu ?
Thống kê từ Bộ Công an mới đây cho thấy, các vụ chống lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiếm gần 23% số vụ chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, số vụ chống lại lực lượng công an chiếm gần 70%, làm 9 người chết, 204 người bị thương.
Ảnh minh họa một công an Việt Nam đang làm nhiệm vụ - AFP
Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới đây cũng xác nhận rằng, trong năm 2021, một số loại tội phạm có xu hướng gia tăng trong đó bao gồm các vụ liên quan đến chống người thi hành công vụ.
Luật sư Phạm Công Út nhận định một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng các vụ ‘chống người thi hành công vụ’ thời gian qua :
"Theo nhận định của tôi, hai Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ là vi hiến và cơ quan chức năng lạm dụng nó. Giá trị hiệu lực của các văn bản pháp luật thì chỉ thị không thể áp dụng cho toàn dân, toàn xã hội mà chỉ mang tính nội bộ. Khi người dân cảm thấy quyền con người của họ bị xâm hại thì họ chống trả lại thì thành ra ‘chống người thi hành công vụ’. Nhưng công vụ này là công vụ không hợp pháp. Cuối cùng lại khởi tố họ tội ‘chống người thi hành công vụ’.
Ngoài ra, nó có sự xung đột về quan điểm. Thí dụ người dân nói là ‘tôi được quyền giám sát các anh khi các anh thổi tôi với lỗi gì, căn cứ vào luật gì’. Họ vừa hỏi vừa quay phim. Nhưng những người đang thực thi công vụ trên đường mặc sắc phục Cảnh sát giao thông lại không thích bị quay phim, thành ra nó có sự xung đột trong cách hiểu về cái quyền của mình. Một bên đang cầm quyền và một bên nghĩ mình có quyền giám sát. Từ xung đột trong cách hiểu dẫn đến va chạm bạo lực. Cũng có nhiều người lạm dụng quyền để kiếm tiền".
Với cái nhìn của một người kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, ít nhiều va chạm với lực lượng Cảnh sát giao thông, cựu sĩ quan quân đội Võ Minh Đức nhận định nguyên nhân dẫn tới các vụ chống người thi hành công vụ đến từ hai phía, nhưng đa số từ lực lượng thi hành công vụ :
"Trước tiên có thể nói, lực lượng thi hành công vụ lạm quyền, lộng hành cũng rất phổ biến chứ không ít. Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân một phần là do lực lượng này. Họ lạm dụng quyền hành được giao và thực thi theo cảm tính cá nhân nên người dân cảm thấy bức xúc. Một phần nữa là kiểu hách dịch, cửa quyền, có những hành vi vòi vĩnh gây khó dễ cho người dân. Về phía người dân thì có một số không chấp hành pháp luật một cách vô ý và cố ý.
Phạm trù ‘chống người thi hành công vụ’ thì nó rộng lắm. Tôi thấy có rất nhiều trường hợp quy chụp. Có những người dân phản ứng một cách rất là nhẹ nhàng, ôn hòa bằng lý luận, bằng luật pháp nhưng bị quy chụp là ‘chống người thi hành công vụ’".
Tăng hình phạt hay trấn áp sự phản kháng ?
Theo Nghị định 208/2013 của Chính phủ, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Mức phạt cho người phạm tội chống người thi hành công vụ là từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến bảy năm.
Trao đổi với truyền thông nhà nước, một số luật sư cho rằng cần tăng chế tài xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ, bởi các quy định về xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ còn thiếu, khung hình phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, họ chỉ cho rằng cần quy định đầy đủ về xử lý hành chính cũng như quy định rõ hơn về thẩm quyền, cách thức, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm những người có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Công Út có ý kiến khác. Ông cho rằng, muốn tăng nặng hình phạt thì xử án giam thay vì xử án treo nhưng vẫn phải theo khung hình phạt hiện hành, không thể tùy tiện. Mặc dù vậy, Luật sư Út khẳng định, mục đích tăng mức hình phạt là muốn trấn áp sự phản kháng của người dân.
Cũng đồng quan điểm, ông Minh Đức nói với RFA :
"Tăng nặng hình phạt bằng tiền chẳng qua là nhắm vào kinh tế của người dân còn phạt tù thì nhằm mục đích giữ vững thế cai trị và buộc người bị trị lúc nào cũng phải tuân theo nhân viên công lực. Không được lên tiếng hay phản ứng gì cả. Phải chấp nhận phán quyết của nhân viên công lực hoặc của nhà cầm quyền".
Trong năm 2021, cụ thể là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều trường hợp bị khởi tố, bắt giam về tội "Chống người thi hành công vụ".
Cụ thể, hôm 2 tháng 10, công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố vụ án "Chống người thi hành công vụ" đối với bốn người có hành vi "kích động người khác gây rối trật tự tại chốt kiểm dịch". Theo cơ quan chức năng, bốn người này đã đã hô hào, lôi kéo, kích động nhiều người khác đi cùng gây rối trật tự công cộng, tấn công gây thương tích cho lực lượng công an, phá hàng rào chắn để vượt chốt trong cuộc tháo chạy về quê hôm đó.
Mấy hôm sau, ngày 6 tháng 10, công an quận tám khởi tố ba người trong một gia đình về tội "Chống người thi hành công vụ" do do xô xát với nhân viên y tế trước đó trong lúc lấy mẫu xét nghiệm.
Còn rất nhiều những trường hợp người dân bị khởi tố với tội danh tương tự, dù chính nhà nước đã thừa nhận có sai sót trong chính sách chống dịch.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 01/12/2021