Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo Tuổi Trẻ ra ngày 30/11/2023 cho biết : Ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo cán bộ chuyên ngành nội chính, pháp luật, phòng, chống tham nhũng... bằng các hình thức, cấp độ thích hợp và nhấn mạnh "Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, vừa là đồng chí, vừa là anh em. Có truyền thống hữu nghị lâu đời, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, con đường phát triển gần gũi, có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung" [1].

giup1

Ông Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, (trái) và ông Lý Hy, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tại cuộc gặp ở Bắc Kinh hôm 6/11.

Báo Thanh Niên ra ngày 10/01/2024 đưa tin : Hơn 6 tấn giấy tờ và gần 1 triệu bút lục được lập ra, cho vụ án kinh thiên động địa và giữ kỷ lục cao nhứt trong "lịch sử chống tham nhũng" từ tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây ra, dưới sự cầm quyền của chế độ độc đảng toàn trị, tồn tại suốt gần nửa thế kỷ qua [2].

Lời đề nghị của ông Trưởng ban Nội chính Trung ương Phạm Đình Trạc, thoạt nhìn qua có vẻ Đảng cộng sản Trung Quốc cũng giống Đảng cộng sản Việt Nam về bản chất chế độ. Từ đó, người cộng sản Việt Nam hy vọng, việc Trung Quốc chống tham nhũng thành công, ắt Việt Nam cũng sẽ thành công. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn sẽ thấy khá nhiều khác biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc chống tham nhũng :

Thứ nhứt, Trung Quốc thành công trong việc chuyển từ chế độ độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị. Trong khi đó, tính cho đến nay, Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ với chế độ độc đảng toàn trị. Điều này nhằm lý giải, hình ảnh ông Tập Cận Bình xuất hiện từ trong nước đến nước ngoài, gần như tuyệt đối với vai trò thống lĩnh thiên hạ tại Trung Hoa Đại Lục. Phải thừa nhận, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã gầy dựng gần như trọn vẹn hình ảnh Khổng Tử dạy "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Rất tiếc ! Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho đến nay, không một nhân vật nào làm được gì cả ! Tu thân không xong ! Tề gia không nổi ! Lấy gì để trị quốc ? Còn bình thiên hạ ư ? Xin lỗi ! Miễn bàn thêm !

Thứ nhì, khác biệt quá xa đến từ văn hóa của hai nhà nước. Thoạt nhìn, Việt Nam và Trung Quốc cũng giống nhau, vì cùng xuất thân từ nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu nhưng Trung Quốc đến nay đã gần như bứt phá, thoát khỏi nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu với sự thành công về kinh tế khiến cả thế giới kinh ngạc và có phần e dè. Còn Việt Nam, tính từ năm 1975 tới nay đã gần nửa thế kỷ, vẫn chỉ là nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, với đặt trưng "đất lề quê thói" - đúng với tục ngữ xưa "một người làm quan, cả họ được nhờ". Xét ở khía cạnh văn hóa chống tham nhũng - tại Việt Nam - chống tham nhũng là chống lại lòng tham, tức là chống lại bản chất của chế độ đã gầy dựng lên sự nghiệp cho Đảng cộng sản Việt Nam, với bằng chứng không thể rõ ràng hơn, tuyệt đại đa số quan chức cao cấp dính tham nhũng đều vô cùng giàu có. Kéo theo đám tham nhũng cấp cao và siêu cao là hàng hàng lớp lớp những người có liên quan. Để khi đứng trước tòa, bất chấp danh dự - phẩm giá được dày công học tập và làm theo từ thứ "đạo đức Hồ Chí Minh", họ sẵn sàng van xin lòng thương hại từ các đồng chí, bằng những giọt nước mắt lã chã rơi xuống, kèm theo những lý do luôn thuộc phép ngụy biện "đánh vào lòng thương hại" và đặc biệt "bịnh công thần" như là công cụ hữu hiệu, để họ được nhận án nhẹ. Nói một cách mỉa mai, tất cả bọn tham quan ô lại đều là loại "tham nhũng thuần khiết". Trong khi đó ở Trung Quốc, những nhân vật dính đến tham nhũng đều mang màu sắc chính trị.

Thứ ba, yếu tố pháp luật là một điểm quan trọng mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa nhận ra, khi định mời Trung Quốc giảng dạy và hỗ trợ chống tham nhũng. Bởi việc thực thi pháp luật ở Trung Quốc có sự xuyên suốt rõ ràng. Trong khi đó, tại xứ thiên đàng, việc thực thi pháp luật trong vấn đề chống tham nhũng gần như theo thời cuộc, lúc này lúc khác, rất nghiệp dư. Vụ án tày trời của bà Trương Mỹ Lan, với hàng triệu tỷ đồng, chưa xét xử gì nhưng báo chí đã phóng tin với dư luận rằng "những người liên quan mà không mưu lợi thì được miễn truy tố". Dù theo kế hoạch báo chí công bố, ngay sau Tết Nguyên Đán, vụ án được đưa ra xét xử nhưng rất khó thuyết phục trong dư luận về tính nghiêm minh. Bởi vụ án động trời này, không phải vài năm sau này mới lộ ra. Rất nhiều người đặt câu hỏi : Với "chuyên chính vô sản" nắm chắc trong tay, tại sao nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để Trương Mỹ Lan và đồng phạm thoải mái rút hàng triệu tỷ đồng, mà các cơ quan nhà nước gần như không hay không biết (?).

Thứ tư, quá nhiều khác biệt, khi xét đến yếu tố an ninh quốc gia trong lĩnh vực chống tham nhũng. Trong khi Trung Quốc luôn đặt yếu tố này lên hàng đầu, còn ở Việt Nam quá nhục nhã ! Những quan chức tham nhũng của xứ thiên đàng, họ hầu như không quan tâm đến an ninh quốc gia, mờ mắt chỉ biết tiền, không cần quan tâm danh dự của Đảng cộng sản Việt Nam, nói gì đến an ninh quốc gia. Những cái tên : Trịnh Xuân Thanh (bỏ trốn và bị bắt cóc từ Đức đem về. Khi đứng trước tòa lại ỉ ôi "xin lỗi bác Trọng" v.v...), Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bỏ trốn cho tới nay chưa bắt được và tên tuổi bà này liên quan đến nhiều quan chức đang ở tại Việt Nam mà dư luận vẫn bàn tán xôn xao).

Thứ năm, đó là yếu tố nhân tâm. Nhân tâm của người Việt Nam hiện nay người ta không phục, không tin vào vấn đề chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam. Bởi vì cách chống tham nhũng trong hàng chục năm qua mang đậm màu sắc thanh trừng, hơn là vì dân vì nước.

Do đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam muốn mời nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc giảng dạy - hỗ trợ việc chống tham nhũng là suy nghĩ nông cạn. Việc này chỉ mang tính chất phiến diện, xuất phát từ phương châm "bốn tốt, mười sáu chữ vàng", vốn là chiêu bài ràng chặt buộc kỹ về mặt tư tưởng, do nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc mưu cầu "đầu độc chính trị".

Điều nguy hại hơn nữa, bởi khi mời Trung Quốc giảng dạy - tư vấn - huấn luyện - hỗ trợ chống tham nhũng, tức là phía Việt Nam buộc phải để họ đi sâu vào ngóc ngách của vấn đề thượng tầng chính trị. Do đó, từ những vụ việc ngỡ là "tham nhũng đơn thuần" nhưng các nhân vật cấp cao trong Bộ Chính trị và Trung ương đảng, dễ dàng trở thành con tin chính trị.

Việc mời Trung Quốc dạy chống tham nhũng là suy nghĩ yếm thế và rất chủ quan - Điều không nên có từ "đầu óc trí tuệ" của những nhân vật cấp cao của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời, sự việc tự bộc lộ ra trong nội bộ của cấp cao và cấp cao nhứt của Đảng cộng sản Việt Nam, đang có sự phân rã mãnh liệt.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 12/01/2024

[1] https://tuoitre.vn/de-nghi-trung-quoc-ho-tro-viet-nam-dao-tao-can-bo-chu...

[2] https://thanhnien.vn/vu-an-van-thinh-phat-tiep-nhan-6-tan-ho-so-gan-1-tr...

Published in Diễn đàn

Trong vòng gần một năm qua, theo báo cáo của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Việt Nam có gần 6.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 11,69%) và 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 51,63%).

thamnhung1

Hội thảo về chống tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 18/10/2023 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Nổi cộm các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, vì có sự góp mặt vi phạm của hàng loạt lãnh đạo cấp cao, phải kể đến như vụ FLC ; Tân Hoàng Minh ; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á ; Công ty AIC...

Chỉ chống phần ngọn…

Công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng đang càng lúc càng "căng" mặt dù ông Trọng từng tuyên bố "chống tham nhũng không có vùng cấm".

Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 20/10/2023 nói với RFA :

"Theo nhiều ý kiến, mà tôi cũng cho đúng như vậy, là do Việt Nam chống tham nhũng khá mạnh nhưng vẫn là chống ở phần ngọn, chứ chưa có những giải pháp chống ở phần gốc. Nói cách khác là nếu không chống ở gốc thì tham nhũng vẫn mọc tiếp. Và chúng ta dẹp được người nào thì chỉ là những người đó bị dẹp, còn những người khác thì chưa thể một lúc dẹp hết được. Thế thì ở đây phần gốc là gì ? Tức là có thể lấy ví dụ rất nhiều trường hợp, gần như là đại đa số tham nhũng vặt, tham nhũng cỡ nhỏ là do người ta lương thấp quá không đủ ăn".

Chính vì vậy, theo ông Võ, một giải pháp cơ bản nhất là Việt Nam phải có một hệ thống lao động tiền lương phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Giáo sư Võ kết luận, có như vậy thì từng bước một, khi đã đủ sống, thì chắc chắn số lượng người tham nhũng sẽ còn rất ít.

Tham nhũng, sản phẩm của chế độ độc đoán

Câu hỏi "Việt Nam đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ?" không chỉ được đại bộ phận người dân và giới quan sát thắc mắc mà ngay cả Trưởng ban Nội chính trung ương trong ngày 18/10/2023 cũng đã nêu ra.

Vấn đề nằm ở đâu ? Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 20/10/2023 khi trao đổi với RFA quan tin nhắn cho rằng, chế độ hiện nay do đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền không thể chống được tham nhũng. Đó thuộc về cơ chế. Tiến sĩ Vũ giải thích thêm :

"Thứ nhất, muốn chống được tham nhũng thì những người lãnh đạo cao nhất phải không tham nhũng. Nhưng làm sao có những lãnh đạo không tham nhũng trong chế độ hiện nay ? Bởi nếu không tham nhũng thì làm sao đủ sống và làm sao giải thích được những tài sản đồ sộ có được. Một chế độ mà những người lãnh đạo ở khắp các ban ngành đều ít nhiều phải tham nhũng, đều tìm kiếm cơ hội để kiếm chác, để sống, để lo cho gia đình, và để tiến thân, thì họ sẽ luôn tìm cách bao che cho nhau và ngăn chặn những hoạt động chống tham nhũng. Những quan chức sống nhờ chế độ luôn tạo ra một kháng thể để ngăn chặn những hoạt động chống tham nhũng".

Điểm thứ hai, vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn chống được tham nhũng phải có truyền thông, báo chí độc lập. Vì, truyền thông độc lập giúp mang các vụ tham nhũng ra ánh sáng. Tuy vậy, ông Vũ cho rằng, chính thể hiện nay rất lo sợ truyền thông độc lập. Những người cầm đầu chế độ đã luôn tìm mọi cách bóp nghẹt và bỏ tù tất cả những tiếng nói độc lập. Bởi nếu có truyền thông độc lập thì mọi cái xấu của chế độ bị lộ ra và chế độ nhanh chóng sụp đổ. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp :

"Thứ ba, muốn chống được tham nhũng phải có tư pháp độc lập. Chỉ khi có tư pháp độc lập thì mọi chi tiết của vụ án mới được điều tra cặn kẽ, xử án đúng người đúng tội, công bằng, minh bạch. Nhưng chế độ hiện thời đã không cho phép tư pháp độc lập, tư pháp phải nằm dưới quyền kiểm soát của giới lãnh đạo đảng cộng sản. Bởi nếu tư pháp độc lập, được quyền xét xử vô tư và minh bạch, thì chắc chắn nhiều người trong giới lãnh đạo sẽ phải đi tù. Thậm chí chế độ cũng sẽ không còn tồn tại khi mà đa số quan chức phải đi tù khi có tư pháp độc lập".

Theo đó, tiến sĩ Vũ đúc kết, tham nhũng là một sản phẩm của chế độ độc đoán hiện nay, chỉ khi nào chế độ trở nên dân chủ và minh bạch hơn, thì lúc đó mới thực thi được những phương cách hiệu quả để chống tham nhũng.

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022.

Reuters hôm 28/11/2022 đăng bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu...

Tác giả này cũng bình luận rằng cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra.

Theo Reuters, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị.

Nguồn : RFA, 20/10/2023

Published in Việt Nam