Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/10/2023

Vì sao tham nhũng ở Việt Nam mãi không giảm ?

RFA tiếng Việt

Trong vòng gần một năm qua, theo báo cáo của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Việt Nam có gần 6.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (tăng 11,69%) và 793 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 51,63%).

thamnhung1

Hội thảo về chống tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 18/10/2023 tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn

Nổi cộm các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, vì có sự góp mặt vi phạm của hàng loạt lãnh đạo cấp cao, phải kể đến như vụ FLC ; Tân Hoàng Minh ; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á ; Công ty AIC...

Chỉ chống phần ngọn…

Công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng đang càng lúc càng "căng" mặt dù ông Trọng từng tuyên bố "chống tham nhũng không có vùng cấm".

Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, hôm 20/10/2023 nói với RFA :

"Theo nhiều ý kiến, mà tôi cũng cho đúng như vậy, là do Việt Nam chống tham nhũng khá mạnh nhưng vẫn là chống ở phần ngọn, chứ chưa có những giải pháp chống ở phần gốc. Nói cách khác là nếu không chống ở gốc thì tham nhũng vẫn mọc tiếp. Và chúng ta dẹp được người nào thì chỉ là những người đó bị dẹp, còn những người khác thì chưa thể một lúc dẹp hết được. Thế thì ở đây phần gốc là gì ? Tức là có thể lấy ví dụ rất nhiều trường hợp, gần như là đại đa số tham nhũng vặt, tham nhũng cỡ nhỏ là do người ta lương thấp quá không đủ ăn".

Chính vì vậy, theo ông Võ, một giải pháp cơ bản nhất là Việt Nam phải có một hệ thống lao động tiền lương phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện nay. Giáo sư Võ kết luận, có như vậy thì từng bước một, khi đã đủ sống, thì chắc chắn số lượng người tham nhũng sẽ còn rất ít.

Tham nhũng, sản phẩm của chế độ độc đoán

Câu hỏi "Việt Nam đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ?" không chỉ được đại bộ phận người dân và giới quan sát thắc mắc mà ngay cả Trưởng ban Nội chính trung ương trong ngày 18/10/2023 cũng đã nêu ra.

Vấn đề nằm ở đâu ? Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 20/10/2023 khi trao đổi với RFA quan tin nhắn cho rằng, chế độ hiện nay do đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền không thể chống được tham nhũng. Đó thuộc về cơ chế. Tiến sĩ Vũ giải thích thêm :

"Thứ nhất, muốn chống được tham nhũng thì những người lãnh đạo cao nhất phải không tham nhũng. Nhưng làm sao có những lãnh đạo không tham nhũng trong chế độ hiện nay ? Bởi nếu không tham nhũng thì làm sao đủ sống và làm sao giải thích được những tài sản đồ sộ có được. Một chế độ mà những người lãnh đạo ở khắp các ban ngành đều ít nhiều phải tham nhũng, đều tìm kiếm cơ hội để kiếm chác, để sống, để lo cho gia đình, và để tiến thân, thì họ sẽ luôn tìm cách bao che cho nhau và ngăn chặn những hoạt động chống tham nhũng. Những quan chức sống nhờ chế độ luôn tạo ra một kháng thể để ngăn chặn những hoạt động chống tham nhũng".

Điểm thứ hai, vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn chống được tham nhũng phải có truyền thông, báo chí độc lập. Vì, truyền thông độc lập giúp mang các vụ tham nhũng ra ánh sáng. Tuy vậy, ông Vũ cho rằng, chính thể hiện nay rất lo sợ truyền thông độc lập. Những người cầm đầu chế độ đã luôn tìm mọi cách bóp nghẹt và bỏ tù tất cả những tiếng nói độc lập. Bởi nếu có truyền thông độc lập thì mọi cái xấu của chế độ bị lộ ra và chế độ nhanh chóng sụp đổ. Tiến sĩ Vũ cho biết tiếp :

"Thứ ba, muốn chống được tham nhũng phải có tư pháp độc lập. Chỉ khi có tư pháp độc lập thì mọi chi tiết của vụ án mới được điều tra cặn kẽ, xử án đúng người đúng tội, công bằng, minh bạch. Nhưng chế độ hiện thời đã không cho phép tư pháp độc lập, tư pháp phải nằm dưới quyền kiểm soát của giới lãnh đạo đảng cộng sản. Bởi nếu tư pháp độc lập, được quyền xét xử vô tư và minh bạch, thì chắc chắn nhiều người trong giới lãnh đạo sẽ phải đi tù. Thậm chí chế độ cũng sẽ không còn tồn tại khi mà đa số quan chức phải đi tù khi có tư pháp độc lập".

Theo đó, tiến sĩ Vũ đúc kết, tham nhũng là một sản phẩm của chế độ độc đoán hiện nay, chỉ khi nào chế độ trở nên dân chủ và minh bạch hơn, thì lúc đó mới thực thi được những phương cách hiệu quả để chống tham nhũng.

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022.

Reuters hôm 28/11/2022 đăng bài phân tích của tác giả Francesco Guarascio cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu...

Tác giả này cũng bình luận rằng cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra.

Theo Reuters, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt là nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị.

Nguồn : RFA, 20/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)