Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bất ngờ đổ sập khi có lúc đã giảm đến 50 điểm.

chungkhoan1

Kết phiên 26/10, VN-Index giảm 46,21 điểm (4,19%), xuống 1.055,45 điểm. Sàn HOSE chỉ còn 24 mã tăng, trong khi có tới 505 mã giảm (122 mã giảm sàn). Chỉ số VN30-Index giảm 48,37 điểm (4,34%) xuống 1.064,95 điểm với toàn bộ 30 mã giảm điểm, trong đó 6 mã giảm sàn.

Hàng loạt mã trong nhóm bất động sản giảm kịch sàn. Nhóm sản xuất cũng không chịu thua kém khi MSN, GVR, DCM, HSG, DBC, NKG, HT1, ANV, PAN, IDI, MSH đều giảm hết biên độ. Tương tự, cổ phiếu chứng khoán cũng giảm sâu với VND, VIX, FTS, CTS, AGR, TVS đều rơi kịch biên độ.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm 12,03 điểm (5,3%), xuống 219,98 điểm. Chỉ có 20 mã tăng so với 185 mã giảm (37 mã giảm sàn). UpCoM-Index giảm 2,78 điểm (-3,25%), xuống 82,79 điểm.

Chỉ riêng trên sàn HOSE, chốt phiên có tổng cộng 505 mã chứng khoán giảm giá, trong đó 123 cổ phiếu rớt hết biên độ về giá sàn. Đáng chú ý, toàn bộ 30 cổ phiếu bluechips trên HOSE đều giảm sâu với nhiều mã nằm sàn như GVR, MSN, PLX, VHM, VIC, VRE... Không có cổ phiếu nào trụ lại được nên dễ hiểu khi chỉ số VN30 giảm mạnh gần 50 điểm.

Cổ phiếu năng lượng cũng lao dốc không phanh. Theo đó, GAS giảm 6,09%, POW giảm 3,57%, PGV giảm 5,65% còn PLX thì giảm kịch sàn.

Cổ phiếu hàng không và bán lẻ cũng diễn biến tiêu cực : VJC và HVN lần lượt mất đi 2,92% và 4,95% giá trị ; MWG giảm 3,45%, PNJ giảm 0,4% và FRT giảm 2,21%.

ACB lãi đậm, cũng bị đỏ sàn.

Ngân hàng ACB báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh bất chấp lãi suất cho vay giảm sâu. Cụ thể, lãi trước thuế quý 3 đạt 5.035 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 12,5% lên mức 4.038 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACB đạt 15.024 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.038 tỷ đồng, cũng đạt mức tăng trưởng 11,2%.

Thế nhưng, khi kết quả kinh doanh tốt được công bố cũng là khi cổ phiếu ACB bị bán mạnh đẩy giá từ vùng gần 23.000 đồng về 21.500 đồng/cổ phiếu hiện tại. Trong phiên giao dịch hôm 26-10, cổ phiếu ACB giảm gần 2%.

Tại Vingroup, mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Phạm Nhật Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. VIC giảm sàn khiến giá trị tài sản chứng khoán của người giàu nhất Việt Nam bị thu hẹp 2.143 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, cũng sụt giảm khá mạnh tài sản cổ phiếu trong ngày 26-10. Theo đó, tài sản của CEO Vietjet Air giảm khoảng 879 tỷ đồng do VJC điều chỉnh mạnh.

Một số công ty chứng khoán cũng chưa nắm được nguyên nhân thị trường bất ngờ đổ sập, họ cho biết vẫn đang theo dõi sát thị trường. Với diễn biến tiêu cực ở thời điểm hiện tại, thị trường đã rơi sâu khỏi vùng hỗ trợ quanh 1.080 điểm và đang về sát mốc 1.060 điểm, vùng thấp nhất của VN-Index trong 5 tháng qua.

Trên thị trường, báo cáo từ FiinTrade ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết (tính đến ngày 25-10), cho biết đã có 633/1.609 ngân hàng và doanh nghiệp (đại diện gần 33% tổng giá trị vốn hóa trên thị trường) công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 3 đang giảm nhẹ khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngành có mức sụt giảm lợi nhuận sau thuế lớn là ngân hàng, bất động sản, hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng. Ngược lại, nhóm các công ty chứng khoán, dầu khí, công nghệ thông tin tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng mạnh.

Từ bình diện quốc tế, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas nổ ra đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt sụt giảm. Bên cạnh đó, giá vàng trong tình cảnh trượt dốc và giá dầu lập tức leo thang…

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 27/10/2023

Published in Diễn đàn

Thị trường tài chính Việt Nam mùa làm ăn Tết lại thêm căng thẳng

Hàn Lam, VNTB, 16/12/2022

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25 – 4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.

chungkhoan3

Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh theo chiều giảm giá.

Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Phố Wall chìm trong sắc đỏ dù ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm tốc độ tăng lãi suất.

Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones. Đây cũng là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt của họ sẽ đạt mức từ 5 – 5,25% vào cuối năm 2023. Như vậy Fed vẫn có thể tái lập việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm 2023, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận mức hạ nhiệt.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc truyền dẫn các quyết định chính sách của Fed vào nền kinh tế thực, ít thay đổi sau khi quyết định lãi suất được công bố. Trong khi đó, tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt giảm. Chỉ số Dollar Index chốt phiên dưới 103,7 điểm, thấp hơn 0,3% so với phiên trước.

Bình quân, các quan chức thành viên FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng lên mức 4,6% trong năm 2023 từ mức 3,7% hiện nay. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức thường thấy trong các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ được Fed dự báo chỉ tăng 0,5% trong năm 2023, bằng với mức tăng dự báo cho năm 2022, trước khi mức tăng phục hồi lên mức 1,6% trong 2024 và 2,8% trong năm 2025 – được cho là thấp hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Ghi nhận tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 15/12 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được niêm yết ở mức 23.654 đồng/USD, giảm 1 đồng/USD so với phiên giao dịch trước. Tỷ giá tham khảo đô la Mỹ tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 24.830 đồng (bán ra).

Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh theo chiều giảm giá. Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.340 – 23.650 đồng/USD, giữ đà giảm 100 đồng/USD chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.

Giá vàng thế giới rạng sáng 15/12 giảm nhẹ, với giá vàng giao ngay giảm 2,7 USD xuống còn 1.807,8 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 2/2023, giao dịch lần cuối ở mức 1.818,7 USD/ounce, giảm 6,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó. Giá vàng trong nước cũng giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng và giao dịch quanh 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Rất dễ thấy, một khi USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên giá dầu và giá các hàng hóa khác niêm yết bằng USD, do nó khiến các sản phẩm này đắt đỏ hơn với người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài vay tiền bằng USD cũng sẽ tốn kém hơn khi trả nợ.

Dư nợ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm trong 2 tháng gần đây trước những biến động khó lường của tỷ giá. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng giảm dư nợ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn do nhiều doanh nghiệp tranh thủ trả nợ như một cách giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Xem ra thị trường tài chính Việt Nam mùa làm ăn Tết lại thêm căng thẳng…

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 16/12/2022

******************************

Vốn cho nền kinh tế và minh bạch của các nhà băng

Trường Sơn, VNTB, 15/12/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

chungkhoan4

Tối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trước đó vào ngày 4/12, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, tối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Với công điện trên cho thấy dường như đang có một tín hiệu tốt về nguồn vốn sắp tới đây mà EU dành cho Việt Nam, vì phải sau ngày 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới trở về Việt Nam sau chuyến công du tại châu Âu từ ngày 9 đến 15/12/2022.

Nhiều tổ chức tín dụng đang thiếu minh bạch

Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, có nội dung như sau :

"Thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam :

1. Có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại :

a) Xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.

b) Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.

c) Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12/2022 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay".

Nội dung công điện trên có một chi tiết đáng chú ý về khả năng biến động ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian tới : chống sở hữu chéo trong ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành sẽ phải rốt ráo sửa đổi để có thể điều chỉnh hành vi sở hữu chéo trong ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng.

Những cái tên sẽ được xướng hay…

Tính đến hiện tại, với những gì đang xảy ra với một số ngân hàng thương mại cổ phần, cho thấy vẫn còn nguyên đó mối lo về vấn đề lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt mức quy định tại các ngân hàng, hay còn gọi là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng, dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu minh bạch như ở vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan của nhóm doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát chẳng hạn.

Còn nhớ vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định để rồi chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rõ qua các đại án Trustbank – Hứa Thị Phấn, VNCB – Phạm Công Danh hay Oceanbank – Hà Văn Thắm…

Gần đây xuất hiện một số lãnh đạo của công ty bất động sản nhảy sang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng cho thấy mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn bất động sản với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp, và cần điều chỉnh bằng luật pháp được tu chỉnh thích hợp chứ không phải từ các quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ghi nhận của người viết, việc sở hữu chéo gần như công khai, như tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), sau Đại hội đồng cổ đông ngày 15/02/2022, danh sách 7 thành viên hội đồng quản trị được thông qua chính thức xuất hiện những nhân vật mới có quan hệ với Tập đoàn Thành Công – đơn vị có tiếng trong lĩnh vực ô tô là Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.

Bà Lê Hồng Anh là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group, và đang là chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn TCG Land (công ty con của Thành Công Group).

Ông Đào Phong Trúc Đại – Tổng giám đốc của hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo một số nguồn tin đã lên tới 26,3%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.

Hay một loạt các ngân hàng khác như : ABBank – Geleximco ; Sacombank, LienVietPostBank – Him Lam ; OCB – Hướng Việt ; Techcombank – Masterise ; MSB – TNG Holding ; HDBank – Sovico ; SCB – Vạn Thịnh Phát ; Nam Á Bank – Hoàn Cầu ; VietBank – Hoa Lâm ; VietABank – Việt Phương…

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 15/12/2022

************************

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ‘bơm tiền’ ra thị trường

Hàn Lam, VNTB, 14/2/2022

Ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bơm’ ra thị trường mở hơn 5.177 tỷ đồng. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm ròng ra thị trường hơn 62.595 tỷ đồng.

chungkhoan5

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, trong phiên gần nhất, bên cạnh giao dịch mua tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, thực hiện với 7 thành viên tham gia và trúng thầu, nhà điều hành đã ghi nhận giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày, giá trị gần 3.000 tỷ đồng, áp dụng với 4 thành viên trúng thầu.

Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Với thời gian kể trên, gần 3.000 tỷ đồng này sẽ lưu thông trong nền kinh tế tới đầu tháng 3/2023 mới quay trở lại Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc lãi suất trúng thầu của các giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 6,33%/năm, chỉ cao hơn 0,33 điểm % so với mức 6%/năm của kỳ hạn 14 ngày, cho thấy nhà điều hành chủ động ‘bơm’ tiền ra với kỳ hạn dài hơn để dòng tiền chảy trong nền kinh tế lâu hơn.

Việc cơ quan quản lý tiền tệ duy trì loạt phiên bơm ròng khối lượng tiền đồng liên tiếp qua kênh giao dịch thị trường mở cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang muốn tăng khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn tăng cao khi ‘room’ tín dụng được nới lên mức 15,5-16%, so với kế hoạch đầu năm là 14%.

Trong chuyện ‘bơm’ tiền trên thật ra là điều không lạ, bới với quyết định nới ‘room’ kể trên của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ được ‘bơm’ thêm khoảng 156.000 – 200.000 tỷ đồng trong tháng 12 này thông qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, phần ‘room’ tín dụng được nới thêm kể trên cộng với phần ‘room’ tín dụng còn lại chưa dùng hết trong kế hoạch ban đầu, ước tính tổng hạn mức tín dụng cho nền kinh tế trong riêng tháng còn lại của năm 2022 sẽ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước phát hành 42.790 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 11/2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ thứ cấp đi ngang so với tháng trước. Khối ngoại bán ròng 959 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng.

Về lý thuyết tài chính thì ‘bơm’ tiền là việc Ngân hàng Nhà nước (hay còn gọi là Ngân hàng trung ương) ‘bơm’ tiền vào thị trường làm cho lượng tiền lưu hành tăng. Chính sách này sẽ được áp dụng khi mà nền kinh tế đang suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Ngân hàng trung ương sẽ tiến hành ‘bơm’ tiền vào nền kinh tế. Mức cung tiền tăng lên làm cho mức lãi suất giảm. Tức là người ta có thể vay tiền ở ngân hàng thương mại dễ dàng hơn với một mức lãi suất thấp. Điều này kích thích những khoản vay cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó sẽ thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Để mở rộng cung tiền thì Ngân hàng trung ương sẽ sử dụng 1 trong 3 cách sau đây, hoặc có thể thực hiện đồng thời cả ba : Mua chứng khoán ở trên thị trường mở – Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – Giảm mức lãi suất chiết khấu.

Lưu ý, chính phủ có một quyền năng đặc biệt khác với người dân và doanh nghiệp là thể vay nợ mà không cần thế chấp, có thể tự phát hành tiền để tiêu và trả nợ, và khả năng vô cùng đặc biệt khác nữa là có thể làm tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Do vậy, ‘bơm’ tiền và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lạm phát sẽ được hiểu đơn giản là mức giá hàng hóa chung sẽ gia tăng cao và đồng tiền bị giảm giá trị. Việc này sẽ gây khó khăn trong hoạt động trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 14/12/2022

******************************

Chứng khoán Việt Nam lao dốc do đâu ?

RFA, 13/12/2022

Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 khiến rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thua lỗ. Nguyên nhân được đánh giá là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chiến dịch chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam mang hơi hướng từ Trung Quốc.

chungkhoan1

Các nhà đầu tư chứng khoán theo dõi giá cổ phiếu trên bảng điện tử tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội hôm 25/8/2015. AFP

Nguyên do

Một bài viết được đăng trên tờ Nikkei Asia vào ngày 5/12 vừa qua, có tiêu đề tạm dịch là "Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và cuộc đàn áp tham nhũng" của tác giả Lien Hoang. Bài viết chỉ ra chỉ số VN Index của Việt Nam đã giảm 31% trong năm 2022. Như vậy đây là thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất Châu Á.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy nói với RFA rằng việc VN Index sụt giảm mạnh là bởi các biến động kinh tế trong nước cũng như thế giới trong năm qua.

"Kinh tế thế giới hầu như đang khủng hoảng lạm phát rất cao. Khi lạm phát ở các nước lên cao thì dẫn đến sức mua của người dân sẽ bị giảm xuống.

Cho nên, các nước như Trung Quốc hay Việt Nam chuyên xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ hay Châu Âu, khi lượng hàng hóa bị giảm xuống dẫn đến nhu cầu sản xuất trong nước bị giảm đi, dẫn đến lượng người thất nghiệp tăng lên và nền kinh tế bắt đầu gặp khó khăn". 

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định giảm 31% là con số rất lớn. Nguyên nhân chính là do tác động từ bên ngoài khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sáu lần trong năm nay, và như vậy thì tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán của Việt Nam.

Về tình hình kinh tế trong nước, Tiến sĩ Hiếu dẫn ra một số nguyên do khiến VN Index giảm sâu như vậy.

Theo ông, những vụ đại án của các tậđoàn lớn cũng ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư. Ví dụ như công ty FLC Faros đã tiến hành nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng tăng lên đến 4.300 tỉ đồng chỉ trong vòng hai năm. Điều này khiến cho các nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường trái phiếu.

Phía các ngân hàng cũng rất chật vật về vấn đề nguồn vốn trong thời điểm này. Nguyên do được tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lý giải là trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng hết "room tín dụng" - là các không gian tăng trưởng mà Nhà nước giao cho mỗi ngân hàng, và trong nửa năm sau thì ngân hàng không còn "room tín dụng" để mà cho vay nữa.

Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng tiền gửi thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong chín tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng tới 11,05%, trong khi đó tốc độ huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,33%. Điều này làm cho các ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.

Bên cạnh đó, việc trấn áp hàng loạt tập đoàn lớn trong năm nay, bao gồm Vạn Thịnh Pháp, FLC hay Tân Hoàng Minh khiến cho các doanh nghiệp e dè hơn trong việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Từ đầu năm cho đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.

"Việc giảm sâu như thế (VN Index - PV) bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề giảm niềm tin vừa là nguyên nhân và đó cũng vừa là hậu quả của việc chứng khoán dao động mạnh.

Tức là khi người ta đã mất lòng tin thì người ta sẽ rút tiền khỏi chứng khoán, bán tháo cổ phiếu, trái phiếu. Nhưng mà chính hành động đó cũng là hành động tác động ngược lại, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh".

Mang hơi hướng của Trung Quốc

Bài viết được đăng trên Nikkei nhận định sự suy thoái của thị trường chứng khoán Việt Nam mang hơi hướng của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

Cũng giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng, tuyên bố sẽ loại trừ các quan chức có hành vi sai trái, ngay cả trong đảng và các tập đoàn kinh tế lớn.

Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại quyết tâm này của Đảng trong một bài phát biểu hôm 17/11, rằng sẽ "đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội để mọi người có thể sống trong hòa bình, phát triển nền kinh tế lành mạnh, đúng pháp luật".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa như hiện nay thì một nền kinh tế tương tự Trung Quốc cùng với những biến chuyển của nó sẽ tác động lên tất cả các nền kinh tế khác, đặc biệt là Việt Nam - một quốc gia ở sát nách Trung Quốc, có những giao thương rất lớn về giao dịch hàng hóa cũng như giao dịch tiền tệ. 

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, khi tỷ giá dao động sẽ ảnh hưởng trực tiếđến nền kinh tế trong nước và cả thị trường ngoại thương của Việt Nam :

"Bên cạnh vấn đề tỷ giá thì những biến chuyển trong nền kinh tế của Trung Quốc về vấn đề đầu tư bất động sản, cũng như hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đều có những gắn kết chặt chẽ trên nhiều phương diện".

Ông Hiếu lấy ví dụ, trong một vài năm vừa qua, ở Trung Quốc có hiện tượng rất nhiều bất động sản trở thành các tài sản lãng khí của quốc gia. Bởi vì, các các đô thị được xây dựng lên một cách ồ ạt, nhanh chóng nhưng cuối cùng thì lại không được sử dụng. Từ đó tạo ra một cú sốc trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc.

"Tình hình đó hầu như có một sự tương đồng với tình hình bất động sản ở Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy một số các vụ đại án liên quan đến trái phiếu, và đặc biệt là trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, như những vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…"

Vị tiến sĩ này nhận định, các vụ án vừa nêu sẽ làm nhà đầu tư mất lòng tin ở thị trường trái phiếu, từ đó dẫn đến việc thị trường trái phiếu bị đóng băng. Khi đó, các doanh nghiệp bất động sản không thể phát hành trái phiếu mới, cũng không có thu hồi tiền từ các sản phẩm bán ra của mình, và từ đó tạo ra tính mất thanh khoản cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. 

Lời khuyên cho các nhà đầu tư

Vì những nguyên do mà các chuyên gia kinh tế đã phân tích ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, từ 1500 điểm vào hồi tháng một giảm còn hơn 900 điểm vào cuối tháng 11. Đặc biệt, vào ngày 15/11, chỉ số VN Index chỉ còn 908 điểm - thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ tháng 10/2020.

chungkhoan2

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong năm 2022. Ảnh : VNDirect

Sau những lần trồi sụt mạnh và liên tục đã khiến VN Index trở thành chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực từ đầu năm. Rất nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, trong các diễn đàn đầu tư chứng khoán trong nước, câu hỏi được một số nhà đầu tư đặt ra là thị trường Việt Nam liên tục đỏ sàn từ đầu năm, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư "bắt đáy", chờ thị trường đi lên hay không.

Phân tích về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng chuyện có "bắt đáy" hay chưa rất phức tạp. Mọi người cần xem xét đến hai giá trị là giá trị nội tại là sức khoẻ của nền kinh tế, và và thứ hai là giá trị mong đợi, ví dụ như người ta mong đợi những chính sách của nhà nước đi đúng hướng thì sẽ mua vào, giữ đến lúc giá trị cổ phiếu đi lên.

Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ đánh giá cả hai giá trị này không mấy khả quan trong thời điểm hiện nay :

"Chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề mà Chính quyền Việt Nam hiện nay không có khả năng giải quyết nhanh chóng. Cho nên cái vấn đề nền tảng sức khỏe nền kinh tế không có và hiện nay mong đợi thay đổi về chính sách nhà nước thì cũng không rõ ràng và kinh tế thế giới sắp tới rất khó khăn.

Cho nên, nếu nói về mong đợi thì chưa thấy tương lai sáng sủa gì trong vòng một năm tới. Chứng khoán hiện nay của Việt Nam rất mờ mịt, chưa có gì thể hiện chứng khoán Việt Nam đang ở đáy cả".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo việc đợi cổ phiếu xuống đáy rồi mới mua là rất rủi ro bởi không ai có thể biết được khi nào thị trường sẽ chạm đáy cả. Do đó, ông đưa ra lời khuyên :

"Chính vì thế nên cần có kỷ luật tài chính. Tức là các nhà đầu tư nên đưa ra một điểm sàn và một điểm trần. Khi thị trường chứng khoán đụng tới điểm sàn thì mua vào, rồi khi đến điểm trần thì mình bán chứng khoán đó chứ không đợi nó lên tiếp theo.

Chúng ta không bao giờ biết là chừng nào thì thị trường chứng khoán chạm đáy và cũng không thể ai biết được điểm trần của nó ở đâu".

Nguồn : RFA, 13/12/2022

Published in Việt Nam

Sáng sớm, cháu tôi gọi điện cho mẹ nó. Từ xa tôi vẫn nghe rõ giọng nó thảng thốt : "Anh T tự tử rồi mẹ. Nhóm tụi con cũng mất hết tiền gởi ảnh".

chungkhoan1

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) - AFP

Anh T là bạn nó, vừa là đồng nghiệp cũ cùng công ty, vừa là bạn chơi thân cùng một nhóm. Tụi nó đều làm ngành marketing, tay nghề cao, làm cho các công ty nước ngoài, lương bổng cũng không tệ. Tuy nhiên trong số đó T là giàu có nhất. Chưa đến 30 tuổi, một vợ một con nhưng của ăn của để, xe hơi nhà cửa xông xênh dư dả.

Cho đến sáng nay…

Thua lỗ trong chứng khoán…

Hóa ra T đầu tư chứng khoán từ vài năm nay. Trước kia rất có lời nên T mạnh tay mượn sổ đỏ của người khác đi cầm ngân hàng vay vốn, còn mượn tiền mặt của nhiều người nữa. T hứa trả lãi vay đến 20%/năm, gấp ba bốn lần ngân hàng. Chơi với nhau lâu biết tính, lại thấy T giàu có chắc chắn với nhà cửa đất đai, có lẽ đã rất nhiều người góp tiền cho T vay.

Nhưng đêm qua, T tự tử. Trước đó nó đã trả lại sổ đỏ cho một người trong nhóm bạn của cháu tôi. Còn số tiền gom góp từ nhiều nguồn và là những nguồn nào, bao nhiêu, thì chỉ T mới biết và đã theo T về cát bụi. Tài sản nổi của T không hề ít, bán đi cũng vài chục tỷ cầm chắc, nên có lẽ số tiền kia lớn hơn rất nhiều mới khiến nó không thể gồng nổi mà phải chọn cách tự tử đế thoát nợ.

Ờ Hà Nội, dù báo chí không đăng nhưng dân tình vẫn truyền tai nhau nguyên nhân khiến cả một gia đình bốn người tự tử (hai vợ chồng và hai con, một vị thành niên, một còn nhỏ) cũng là do thua lỗ trong chứng khoán.

Những vụ việc được nhắc thẳng trên báo chí cũng không hề ít. Tháng 6/2021, một bài báo trên báo Diễn đàn Kinh tế có tên "Chứng khoán vỡ, đại gia thi nhau vào… viện tâm thần" nêu ra ba trường hợp đều là "đại gia chứng khoán" được đưa tới điều trị ở Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) vì bị hoảng loạn sau khi mất trắng toàn bộ tài sản, nhà cửa (do đã cầm cố ngân hàng lấy tiền). Không những thế, giống như T, họ còn huy động tiền bạc, tài sản của gia đình, người quen và cả dòng họ. Điểm giống nhau là ban đầu họ đều lãi rất nhiều và rất nhanh. 

Nhưng không phải ai cũng mất tiền tỷ tỷ thì mới quẫn trí. Cũng báo đăng : đầu năm ngoái, ở Trà Vinh, một thanh niên vay mượn 300 triệu đồng, dốc hết vào sàn chứng khoán và mất sạch. Cậu nhảy cầu Cần Thơ nhưng được cứu kịp.

Dù vậy, đó vẫn là những câu chuyện của người khác. "Họ chết vì tham quá, còn mình cứ cá nhỏ bắt mồi nhỏ đều đều thì chẳng bao giờ gặp vụ đó" - đó là tự nhủ của rất nhiều người. Một cảnh tượng dễ bắt gặp ở bất cứ quán cà phê, quán ăn, nhà hàng… nào ở Việt Nam bây giờ là những nhóm người ngồi cà phê nhưng chiếc điện thoại không rời khỏi tay, đập vào mắt là màn hình đỏ -xanh của sàn chứng khoán. Thậm chí chỉ cần đi dạo trên đường phố cũng có thể nghe thấy nhóm khách bộ hành đi lướt qua bạn đang rôm rả "Chị thắng con này", "Con kia đang về bờ", "Anh theo con ấy yên tâm không mất"…

Lao vào những thị trường dễ kiếm tiền là chọn lựa khôn ngoan không phải chỉ của loài người. Cỏ cây, động vật, côn trùng, ngay cả virus cũng biết chọn môi trường màu mỡ để sống. Đó là quy luật bình thường. Thế nhưng trong bối cảnh chính trị, pháp luật và xã hội Việt Nam, rất nhiều điều bình thường ở nơi khác trở thành bất bình thường.

Đó là khi người người, nhà nhà bỏ hết công việc chuyên môn để trở thành những "nhà đầu tư chứng khoán".

Nền chính trị đặc biệt, tính bất thường và bất công của luật pháp, sự bất ổn của xã hội… khiến người dân không có niềm tin để xây dựng những gì bền vững. Chủ nghĩa tư bản thân hữu mang lại lợi nhuận dễ dàng và khủng khiếp cho những tập đoàn, phe nhóm, đồng thời đe dọa sự thất thế, thua lỗ cho những ai không chọn kịp phe. Thế thì đánh bạc là hơn cả.

Đầu tư chứng khoán theo sự chỉ vẽ của các đội lái (những nhóm người dẫn dắt, cùng nhau đẩy các mã chứng khoán lên cao một cách giả tạo để thu hút tiền của các nhà đầu tư thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Khi thu được đủ họ sẽ nhả các mã này ra, xô thị trường xuống thấp) thì thật dễ dàng, nhất là khi họ úp mở nói có các anh tay to nào đó "bảo kê" để gây dựng sự tin tưởng.

chungkhoan2

Winsbank - Wefinex liên tục dùng hình ảnh "đống tiền" để lôi kéo người tham gia

Tiền ảo cũng vậy…

Dường như giới công chức nhà nước do sẵn thời giờ và các mối quen biết, cũng như chịu áp lực từ đồng lương thấp không đảm bảo cuộc sống, là những người tham gia vào thị trường chứng khoán và tiền ảo nhiều nhất. Nhất là trong ba năm dịch bệnh vừa qua, có rất nhiều người bị mất việc, giảm lương và không được tăng lương cơ bản, nhu cầu kiếm tiền nhanh càng bức thiết.

Ngày 04/6/2022, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ nói trong cuộc họp Quốc hội : "Trước đây, hằng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn. Năm sau cần tính toán việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, viên chức".

Vấn đề ở chỗ mức tăng cũng chẳng đáng là bao, chẳng đủ bù trượt giá. Đã thế lại còn chờ các cụ tính toán thì có lẽ đến mùa quýt.

Trong một diễn biến khác rất liên quan, thị trường lao động lớn nhất Việt Nam đang cần thêm 135.000 -150.000 lao động, nhưng vẫn tiếp tục thiếu, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì ba năm dịch bệnh đã tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trong chiều sâu cuộc sống người lao động. Trong hơn 23.000 người mất đi trong dịch bệnh, có rất nhiều người từ các địa phương khác đến Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc. Mất đi cha-mẹ-vợ-chồng-con cái, cũng có nghĩa mất đi chỗ dựa và cánh tay phải trong cuộc vật lộn mưu sinh. Vật giá sau dịch leo thang không tưởng tượng nổi. Nhiều người buộc phải hồi hương để nương nhờ gia đình, tiết kiệm khoản tiền thuê nhà, có ông bà giúp trông nom con nhỏ để đi làm việc. Đô thị đã giảm đi rất nhiều sức hút của nó với người lao động ngoại tỉnh khi trận đại dịch lột ra những điểm yếu trầm kha, nhưng nhiều năm nay họ vẫn chấp nhận.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ 500.000 đ/tháng tiền nhà cho một số người lao động đáp ứng đủ điều kiện như đang thuê nhà trọ, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng trở lên và có bảo hiểm xã hội.

chungkhoan3

Tầng lớp công nhân và người lao động vẫn chỉ có thể thuê ở chung trong những khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, thiếu không khí và không đảm bảo vệ sinh như trước khi đại dịch ập tới.

Còn lao động tự do thì tức nhiên là tự lo

Nhưng giá thuê nhà bèo bèo ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/người, cho nên tầng lớp công nhân và người lao động vẫn chỉ có thể thuê ở chung trong những khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, thiếu không khí và không đảm bảo vệ sinh như trước khi đại dịch ập tới. Họ cũng phải thắt chặt chi tiêu, chuyển nhà trọ rẻ hơn, tìm kiếm việc làm thêm và chỉ còn tập trung vào chi phí sinh hoạt tối thiểu.

Bên dưới những bức ảnh cờ vẫy đỏ cả đường phố và sự phấn khích tột độ của người dân sau những trận thắng của đội tuyển bóng đá nam tại SEA Games 31 là nỗi lo bạc tóc về cơm áo gạo tiền.

Vòng xoáy của những nghịch lý về lao động, việc làm và đời sống khiến niềm mơ ước làm giàu chỉ sau một đêm càng trở nên mãnh liệt và phổ biến.

Rất cần các chính sách thật sự tháo gỡ khó khăn cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước và người lao động, để họ còn sống, còn thở, còn gỡ, còn kiếm ra tiền mà nộp thuế cho Nhà nước.

Nhưng liệu có thể tin vào Nhà nước Việt Nam, cái trung tâm đẻ ra các khó khăn đó ?

Nguyễn Quốc

Nguồn : RFA, 05/06/2022

Tham khảo :

https://baomoi.com/sinh-vien-doi-cho-tro-chuyen-sang-di-xe-buyt-thoi-bao-gia/c/42804857.epi

https://tienphong.vn/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-tai-tphcm-chiem-74-ca-nuoc-post1393851.tpo

https://nld.com.vn/cong-doan/tp-hcm-thieu-hut-khoang-16000-lao-dong-20220603195749709.htm

https://baomoi.com/chu-tich-quoc-hoi-can-tang-luong-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc/c/42796940.epi

https://laodong.vn/xa-hoi/thua-chung-khoan-vo-no-thanh-nien-di-tu-tra-vinh-len-cau-can-tho-tu-tu-868196.ldo

https://www.bvsc.com.vn/News/2011624/167764/chung-khoan-vo-dai-gia-thi-nhau-vao-vien-tam-than.aspx

https://vnews.gov.vn/news/nam-thanh-nien-tu-tu-nghi-do-thua-lo-dau-tu-tien-ao-26418.htm

Published in Diễn đàn

Biểu tình tiếp tục ở miền Trung và bắt bớ khắp nơi (RFA, 18/06/2018)

Hằng ngàn người dân tại miền trung Việt Nam vào ngày chủ nhật 17 tháng 6 tiếp tục xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối kế hoạch của chính phủ Hà Nội cho người nước ngoài đầu tư vào các đặc khu kinh tế.

vn1

Đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy thị trấn Phan Rí Cửa bị đốt cháy sau cuộc biểu tình ngày 11/6/2018. AFP

Reuters loan tin dẫn nguồn từ những người chứng kiến các cuộc biểu tình. Theo Reuters những người biểu tình quan ngại việc cho thuê đất như thế có thể bị những nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm.

Song song đó những người biểu tình cũng quan ngại Luật an ninh mạng mới được thông qua sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Tin cho biết hằng ngàn người tại Hà Tĩnh sau khi dự thánh lễ ngày chủ nhật đã tiến hành biểu tình một cách ôn hòa. Họ giương những biểu ngữ với nội dung ‘Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày’ hay ‘Luật an ninh mạng giết chết quyền tự do’.

Biểu tình tại Hà Tĩnh như vừa nêu kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ mà không có đụng độ nào với phía công an, cảnh sát.

Trong khi đó thì tại những tỉnh, thành khác ở Việt Nam, an ninh được xiết chặt trong ngày chủ nhật với sự hiện diện của đông đảo công an, cảnh sát tại những khu vực công cộng.

Ở Sài Gòn đã xảy ra tình trạng bắt người như lời của cô Nguyễn Ngọc Lụa, người bị bắt đưa về trụ sở Công an Phường Bến Nghé sau khi đi dự lễ tại Nhà Thờ Đức Bà ra, và chứng kiến một người khác mà cô biết bị đánh đập ngay tại trụ sở công an :

"Những thanh niên bị đưa vào, trên mặt họ đều có máu. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện vì khi đứng lên nói vì sao đánh người chảy máu thì họ tát tai, không cho nói. Chúng tôi ở phía ngoài, còn anh Trịnh Toàn ở bên trong khi bị đánh kêu lên ‘Cứu tôi với, công an đánh tôi’. Tôi cảm thấy họ đánh anh rất đau nên tôi nói với họ ‘Đừng đánh anh đó nữa ; đó là người anh em của chúng tôi ; anh em của anh đó chứ không phải người Trung Quốc đâu mà đánh. Khi chúng tôi cùng đứng lên yêu cầu đừng đánh thì họ dùng dui cui đánh và nói ‘Ngồi xuống, tụi bây chống phá hả !".

Một người chứng kiến khác ở Sài Gòn cũng cho biết các lực lượng chức năng có mặt trong ngày 17 tháng 6 ở Sài Gòn mà anh này ghi nhận được :

"Gồm có Áo vàng, Áo xanh, Kiểm soát quân sự, An ninh Sở, An ninh Quận ; hầu hết các lực lượng đều có ở đó".

Theo báo chí trong nước có tất cả 310 người bị bắt giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh sau cuộc những cuộc biểu tình hồi tuần trước 10,11/6/2018 nhằm phản đối dự luật đặc khu và luật an ninh mạng.

Ngoài ra truyền thông nhà nước cũng cho biết công an đã "xử lý" những người bị cáo buộc có hành vi quá khích, kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự. Cũng theo báo chí Việt Nam, trong số những người bị cầm giữ có 7 người bị tạm giữ hình sự, 175 người bị "xử lý" hành chính.

Đặc biệt có một người bị cơ quan công an nói rằng đã giả dạng công an để quay phim chụp ảnh đám đông những người biểu tình.

vn2

Công an và an ninh trên đường phố Sài Gòn ngày 17/6/2018 Citizen photo

Liên quan tới những cuộc biểu tình tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, còn có hai công nhân bị cáo buộc ném đá vào lực lượng chức năng trong cuộc biểu tình tại Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân vào ngày 11/6, một công nhân bị buộc tội dùng ống sắt chia cho công nhân để tấn công cảnh sát cơ động.

Tại tỉnh Bình Thuận nơi diễn ra những vụ bạo động khi diễn ra biểu tình vào các ngày 10, 11, và 12/6, cơ quan công an Thành phố Phan Thiết đã khởi tối vụ án gọi là ‘gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công cộng’.

Báo Thanh Niên trong nước cho biết có 200 người bị tạm giữ ở Phan Thiết.

Tại thị trấn Phan Rí Cửa nơi trụ sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy bị đốt cháy trong ngày 11/6, có 10 người đã bị khởi tố.

Tại Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có hai người cũng bị khởi tố với cáo buộc ‘kích động và gây rối trật tự công cộng’.

Trong các ngày 10, 11 tháng sáu nhiều ngàn người tại các tỉnh, thành ở Việt Nam đã xuống đường biểu tình chống dự luật đặc khu có thời hạn cho nước ngoài thuê đất 99 năm, và đạo luật an ninh mạng yêu cầu cung cấp thông tin người sử dụng mạng cho công an.

Đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa tại Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, nhưng tại Phan Thiết đã biến thành bạo động đốt cháy Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Thuận, trụ sở Sở Kế hoạch- Đầu tư, đồn cảnh sát phòng cháy chữa cháy tại Phan Rí Cửa, cùng nhiều xe cộ.

****************

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục lao dốc "đỏ rực" (RFA, 18/06/2018)

Chốt phiên giao dịch ngày 18 tháng 6, VN-Index giảm 29,17 điểm (tương đương 2,87%), mất gần 1.000 điểm có được của 10 phiên giao dịch trước đó.

vn3

Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh. Courtesy of tuoitre.vn

Tin do báo trong nước loan đi cùng ngày cho biết cùng với cổ phiếu tài chính lao dốc là tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt hai nhóm là cổ phiếu chứng khoán và tiện ích giảm giá mạnh nhất, khoảng 5,69% và 5,31%.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, nhóm 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức giảm của thị trường có tới 9 cổ phiếu thuộc nhóm VN30. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhiều cổ phiếu, gần 11 triệu cổ phiếu trên HoSE, tương đương 489 tỷ đồng và 950 ngàn cổ phiếu trên sàn HNX, tương đương 18 tỷ đồng.

Theo các ý kiến chia sẻ gần đây trên mạng xã hội, lý do thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc là do chính quyền Việt Nam thông qua luật An Ninh Mạng vào ngày 12 tháng 6 vừa qua. Luật này đưa ra nhiều quy định gây tranh cãi như yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ Internet và mạng xã hội phải đặt máy chủ ở Việt Nam và phải cung cấp dữ liệu cá nhân của người sử dụng cho cơ quan an ninh, bất kể có giấy triệu tập của tòa án hay không.

*********************

Sạt lở nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long do các đập thủy điện của Trung Quốc (RFA, 18/06/2018)

Các đập thủy điện đầu nguồn do Trung Quốc xây dựng trên dòng sông Mekong đang gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

vn4

Hình chụp hôm 28/8/2001 : Đập thủy điện Đại Triều Sơn ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc -  AP

Báo cáo của Tổng cục phòng chống thiên tai công bố hôm 18/6 như vừa nêu.

Tại hội nghị công bố bản đồ các điểm sạt lở ở bờ sông và bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại Hà Nội hôm 18/6, ông Tăng Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai thuộc Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết vào trước năm 2010, khi Trung Quốc chưa hoàn thành các công trình thủy điện tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long không nghiêm trọng. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, khi nhiều dự án thủy điện và hồ chứa của Trung Quốc đã hoàn thành, mức độ sạt lở đã gia tăng nghiêm trọng.

Thống kê của Tổng cục cho thấy từ năm 2010 đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở trên gần 800 km, trong đó có 55 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.

Các dự án hồ chứa nước ở thượng nguồn được cho biết đã làm giảm lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có 19 dự án hồ chứa đang được triển khai, trong đó có nhiều hồ chứa lớn thuộc Trung Quốc.

Ngoài ra tình trạng khai thác cát, gia tăng công trình và mật độ dân cư hai bên bờ sông, ven biển cũng được đánh giá là nguyên nhân khiến tình hình sạt lở thêm phức tạp.

******************

Người dân Bình Định phản đối nạn khai thác cát vì lo ngại sạt lở (RFA, 18/06/2018)

Nhiều người dân ở khu vực Long Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gần đây phản ánh tình trạng khai thác cát ồ ạt trên bờ sông Côn chạy qua khu vực gây sạt lở mạnh, hủy hoại hoa màu và nhà cửa của người dân.

vn5

Hình minh họa chụp hôm 18/12/2016 : một cậu bé đang chèo thuyền đi qua những căn nhà bị ngập lụt thuộc tỉnh Bình Định - AFP

Báo Lao Động trích lời người dân địa phương cho biết tình trạng này đã diễn ra từ năm 2012 trở lại đây và người dân đã phản đối nhưng nạn khai thác cát vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch ủy ban nhân dân phương Nhơn Hòa cho báo Lao Động biết tình trạng xâm thực tại bờ sông là do hoạt động của khai thác cát và ảnh hưởng từ lũ lụt. Ông cũng cho biết thêm là vào tháng 4 năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho một doanh nghiệp ở thành phố Quy Nhơn thuê hơn 2 hecta đất tại sông Côn đoạn chảy qua khu vực Long Quang để khai thác cát. Tuy nhiên người dân đã phản đối khi công ty triển khai máy móc ra bờ sông.

Hiện có gần 100 hộ dân ở khu vực này được xác định là nằm trong vùng sạt lở cần di dời khi có lũ lớn xảy ra.

******************

Việt Nam phải điều tra cáo buộc tra tấn sau khi bắt giữ hằng loạt (RFA, 18/06/2018)

Cơ quan chức năng Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện những người biểu tình bị giam qua đợt bắt giữ hằng loạt vào cuối tuần qua, đồng thời những đơn vị liên quan phải tiến hành cuộc điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả đối với những cáo buộc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.

vn6

Anh Trịnh Văn Toàn bị đánh chấn thương sọ não đang được điều trị ở bệnh viện ở Sài Gòn hôm 17/6/2018 - FB Khánh Trần

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trụ sở tại Anh Quốc, ra kêu gọi như vừa nêu vào ngày 18 tháng 6.

Theo Ân Xá Quốc Tế, có khoảng 150 người bị bắt giữ tùy tiện khi tham gia những cuộc biểu tình diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng 6 trên khắp đất nước Việt Nam nhằm phản đối dự thảo luật khu hành chính đặc biệt.

Tổ chức này cho biết nhận được nhiều báo cáo của hằng chục người nói rằng họ bị tra tấn khi bị bắt ; trong số này có người cho hay họ bị đánh bằng gậy gỗ khi từ chối không mở khóa điện thoại cho công an.

Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn Cầu của Ân Xá Quốc Tế, ông Minar Pimple, lên tiếng rằng những báo cáo về tra tấn người biểu tình như thế là vô dùng đáng quan ngại. Do đó cơ quan chức năng Việt Nam cần phải tiến hành điều tra ngay, toàn diện về những cáo buộc được đưa ra đồng thời qui trách nhiệm đối với bất cứ nghi can nào gây ra hành động tra tấn.

Theo ông Minar Pimple thì cơ quan chức năng Việt Nam không thể dùng cớ duy trì trật tự xã hội như là một lệnh bài nhằm hành hạ và giam cầm người biểu tình. Họ bị tước mất quyền tự do, quyền bày tỏ ý kiến, quyền tập trung ôn hòa và quyền được hỗ trợ pháp lý.

Ân Xá Quốc Tế cho rằng làn sóng bắt bớ vào cuối tuần qua chỉ là sự trả thù đối với những người chỉ muốn bày tỏ quan ngại của họ về một chính sách của chính phủ.

Published in Việt Nam