Thị trường tài chính Việt Nam mùa làm ăn Tết lại thêm căng thẳng
Hàn Lam, VNTB, 16/12/2022
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25 – 4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh theo chiều giảm giá.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Phố Wall chìm trong sắc đỏ dù ngân hàng trung ương Mỹ đã giảm tốc độ tăng lãi suất.
Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones. Đây cũng là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt của họ sẽ đạt mức từ 5 – 5,25% vào cuối năm 2023. Như vậy Fed vẫn có thể tái lập việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm 2023, bất chấp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ đã liên tiếp ghi nhận mức hạ nhiệt.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc truyền dẫn các quyết định chính sách của Fed vào nền kinh tế thực, ít thay đổi sau khi quyết định lãi suất được công bố. Trong khi đó, tỷ giá đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt giảm. Chỉ số Dollar Index chốt phiên dưới 103,7 điểm, thấp hơn 0,3% so với phiên trước.
Bình quân, các quan chức thành viên FOMC dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng lên mức 4,6% trong năm 2023 từ mức 3,7% hiện nay. Đó là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức thường thấy trong các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ được Fed dự báo chỉ tăng 0,5% trong năm 2023, bằng với mức tăng dự báo cho năm 2022, trước khi mức tăng phục hồi lên mức 1,6% trong 2024 và 2,8% trong năm 2025 – được cho là thấp hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Ghi nhận tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm USD/VND ngày 15/12 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được niêm yết ở mức 23.654 đồng/USD, giảm 1 đồng/USD so với phiên giao dịch trước. Tỷ giá tham khảo đô la Mỹ tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 24.830 đồng (bán ra).
Tỷ giá USD trong các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh theo chiều giảm giá. Vietcombank niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.340 – 23.650 đồng/USD, giữ đà giảm 100 đồng/USD chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước.
Giá vàng thế giới rạng sáng 15/12 giảm nhẹ, với giá vàng giao ngay giảm 2,7 USD xuống còn 1.807,8 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 2/2023, giao dịch lần cuối ở mức 1.818,7 USD/ounce, giảm 6,8 USD so với rạng sáng ngày trước đó. Giá vàng trong nước cũng giảm nhẹ 20.000 đồng/lượng và giao dịch quanh 67 triệu đồng/lượng bán ra.
Rất dễ thấy, một khi USD mạnh lên sẽ gây sức ép lên giá dầu và giá các hàng hóa khác niêm yết bằng USD, do nó khiến các sản phẩm này đắt đỏ hơn với người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài vay tiền bằng USD cũng sẽ tốn kém hơn khi trả nợ.
Dư nợ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm trong 2 tháng gần đây trước những biến động khó lường của tỷ giá. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng giảm dư nợ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn do nhiều doanh nghiệp tranh thủ trả nợ như một cách giảm thiểu rủi ro tỷ giá.
Xem ra thị trường tài chính Việt Nam mùa làm ăn Tết lại thêm căng thẳng…
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 16/12/2022
******************************
Vốn cho nền kinh tế và minh bạch của các nhà băng
Trường Sơn, VNTB, 15/12/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Tối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trước đó vào ngày 4/12, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, tối ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với công điện trên cho thấy dường như đang có một tín hiệu tốt về nguồn vốn sắp tới đây mà EU dành cho Việt Nam, vì phải sau ngày 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới trở về Việt Nam sau chuyến công du tại châu Âu từ ngày 9 đến 15/12/2022.
Nhiều tổ chức tín dụng đang thiếu minh bạch
Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, có nội dung như sau :
"Thực hiện Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 06/12/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đúng mục tiêu, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hoạt động ngân hàng đúng hướng, an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam :
1. Có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại :
a) Xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình.
b) Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế – xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.
c) Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12/2022 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay".
Nội dung công điện trên có một chi tiết đáng chú ý về khả năng biến động ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian tới : chống sở hữu chéo trong ngân hàng. Điều đó cũng có nghĩa Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành sẽ phải rốt ráo sửa đổi để có thể điều chỉnh hành vi sở hữu chéo trong ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng.
Những cái tên sẽ được xướng hay…
Tính đến hiện tại, với những gì đang xảy ra với một số ngân hàng thương mại cổ phần, cho thấy vẫn còn nguyên đó mối lo về vấn đề lách luật để sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt mức quy định tại các ngân hàng, hay còn gọi là sở hữu ngầm vượt mức quy định của cổ đông, nhóm cổ đông ngân hàng, dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu minh bạch như ở vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan của nhóm doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát chẳng hạn.
Còn nhớ vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt mức quy định để rồi chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng từng xảy ra trong quá khứ, có thể thấy rõ qua các đại án Trustbank – Hứa Thị Phấn, VNCB – Phạm Công Danh hay Oceanbank – Hà Văn Thắm…
Gần đây xuất hiện một số lãnh đạo của công ty bất động sản nhảy sang nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng cho thấy mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn bất động sản với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp, và cần điều chỉnh bằng luật pháp được tu chỉnh thích hợp chứ không phải từ các quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ghi nhận của người viết, việc sở hữu chéo gần như công khai, như tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), sau Đại hội đồng cổ đông ngày 15/02/2022, danh sách 7 thành viên hội đồng quản trị được thông qua chính thức xuất hiện những nhân vật mới có quan hệ với Tập đoàn Thành Công – đơn vị có tiếng trong lĩnh vực ô tô là Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại.
Bà Lê Hồng Anh là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch của Thành Công Group, và đang là chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn TCG Land (công ty con của Thành Công Group).
Ông Đào Phong Trúc Đại – Tổng giám đốc của hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu chính thức của nhóm Thành Công Group, theo một số nguồn tin đã lên tới 26,3%, là một trong những nhóm lớn nhất tại Eximbank hiện nay.
Hay một loạt các ngân hàng khác như : ABBank – Geleximco ; Sacombank, LienVietPostBank – Him Lam ; OCB – Hướng Việt ; Techcombank – Masterise ; MSB – TNG Holding ; HDBank – Sovico ; SCB – Vạn Thịnh Phát ; Nam Á Bank – Hoàn Cầu ; VietBank – Hoa Lâm ; VietABank – Việt Phương…
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 15/12/2022
************************
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ‘bơm tiền’ ra thị trường
Hàn Lam, VNTB, 14/2/2022
Ngày 12/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ‘bơm’ ra thị trường mở hơn 5.177 tỷ đồng. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm ròng ra thị trường hơn 62.595 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại.
Đáng chú ý, trong phiên gần nhất, bên cạnh giao dịch mua tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày, giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, thực hiện với 7 thành viên tham gia và trúng thầu, nhà điều hành đã ghi nhận giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày, giá trị gần 3.000 tỷ đồng, áp dụng với 4 thành viên trúng thầu.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sử dụng tới giao dịch mua kỳ hạn lên tới 91 ngày để ‘bơm’ tiền hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Với thời gian kể trên, gần 3.000 tỷ đồng này sẽ lưu thông trong nền kinh tế tới đầu tháng 3/2023 mới quay trở lại Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc lãi suất trúng thầu của các giao dịch mua kỳ hạn 91 ngày từ Ngân hàng Nhà nước chỉ ở mức 6,33%/năm, chỉ cao hơn 0,33 điểm % so với mức 6%/năm của kỳ hạn 14 ngày, cho thấy nhà điều hành chủ động ‘bơm’ tiền ra với kỳ hạn dài hơn để dòng tiền chảy trong nền kinh tế lâu hơn.
Việc cơ quan quản lý tiền tệ duy trì loạt phiên bơm ròng khối lượng tiền đồng liên tiếp qua kênh giao dịch thị trường mở cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang muốn tăng khối lượng tiền trong hệ thống ngân hàng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn tăng cao khi ‘room’ tín dụng được nới lên mức 15,5-16%, so với kế hoạch đầu năm là 14%.
Trong chuyện ‘bơm’ tiền trên thật ra là điều không lạ, bới với quyết định nới ‘room’ kể trên của Ngân hàng Nhà nước, đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ được ‘bơm’ thêm khoảng 156.000 – 200.000 tỷ đồng trong tháng 12 này thông qua hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, phần ‘room’ tín dụng được nới thêm kể trên cộng với phần ‘room’ tín dụng còn lại chưa dùng hết trong kế hoạch ban đầu, ước tính tổng hạn mức tín dụng cho nền kinh tế trong riêng tháng còn lại của năm 2022 sẽ đạt khoảng 400.000 tỷ đồng.
Kho bạc Nhà nước phát hành 42.790 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 11/2022. Lợi suất trái phiếu chính phủ thứ cấp đi ngang so với tháng trước. Khối ngoại bán ròng 959 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng.
Về lý thuyết tài chính thì ‘bơm’ tiền là việc Ngân hàng Nhà nước (hay còn gọi là Ngân hàng trung ương) ‘bơm’ tiền vào thị trường làm cho lượng tiền lưu hành tăng. Chính sách này sẽ được áp dụng khi mà nền kinh tế đang suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ngân hàng trung ương sẽ tiến hành ‘bơm’ tiền vào nền kinh tế. Mức cung tiền tăng lên làm cho mức lãi suất giảm. Tức là người ta có thể vay tiền ở ngân hàng thương mại dễ dàng hơn với một mức lãi suất thấp. Điều này kích thích những khoản vay cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó sẽ thúc đẩy mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Để mở rộng cung tiền thì Ngân hàng trung ương sẽ sử dụng 1 trong 3 cách sau đây, hoặc có thể thực hiện đồng thời cả ba : Mua chứng khoán ở trên thị trường mở – Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc – Giảm mức lãi suất chiết khấu.
Lưu ý, chính phủ có một quyền năng đặc biệt khác với người dân và doanh nghiệp là thể vay nợ mà không cần thế chấp, có thể tự phát hành tiền để tiêu và trả nợ, và khả năng vô cùng đặc biệt khác nữa là có thể làm tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.
Do vậy, ‘bơm’ tiền và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lạm phát sẽ được hiểu đơn giản là mức giá hàng hóa chung sẽ gia tăng cao và đồng tiền bị giảm giá trị. Việc này sẽ gây khó khăn trong hoạt động trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế.
Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 14/12/2022
******************************
Chứng khoán Việt Nam lao dốc do đâu ?
RFA, 13/12/2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 khiến rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thua lỗ. Nguyên nhân được đánh giá là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chiến dịch chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam mang hơi hướng từ Trung Quốc.
Các nhà đầu tư chứng khoán theo dõi giá cổ phiếu trên bảng điện tử tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội hôm 25/8/2015. AFP
Nguyên do
Một bài viết được đăng trên tờ Nikkei Asia vào ngày 5/12 vừa qua, có tiêu đề tạm dịch là "Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và cuộc đàn áp tham nhũng" của tác giả Lien Hoang. Bài viết chỉ ra chỉ số VN Index của Việt Nam đã giảm 31% trong năm 2022. Như vậy đây là thị trường chứng khoán lao dốc mạnh nhất Châu Á.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy nói với RFA rằng việc VN Index sụt giảm mạnh là bởi các biến động kinh tế trong nước cũng như thế giới trong năm qua.
"Kinh tế thế giới hầu như đang khủng hoảng lạm phát rất cao. Khi lạm phát ở các nước lên cao thì dẫn đến sức mua của người dân sẽ bị giảm xuống.
Cho nên, các nước như Trung Quốc hay Việt Nam chuyên xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ hay Châu Âu, khi lượng hàng hóa bị giảm xuống dẫn đến nhu cầu sản xuất trong nước bị giảm đi, dẫn đến lượng người thất nghiệp tăng lên và nền kinh tế bắt đầu gặp khó khăn".
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định giảm 31% là con số rất lớn. Nguyên nhân chính là do tác động từ bên ngoài khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sáu lần trong năm nay, và như vậy thì tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Về tình hình kinh tế trong nước, Tiến sĩ Hiếu dẫn ra một số nguyên do khiến VN Index giảm sâu như vậy.
Theo ông, những vụ đại án của các tập đoàn lớn cũng ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà đầu tư. Ví dụ như công ty FLC Faros đã tiến hành nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng tăng lên đến 4.300 tỉ đồng chỉ trong vòng hai năm. Điều này khiến cho các nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường trái phiếu.
Phía các ngân hàng cũng rất chật vật về vấn đề nguồn vốn trong thời điểm này. Nguyên do được tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lý giải là trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng đã sử dụng hết "room tín dụng" - là các không gian tăng trưởng mà Nhà nước giao cho mỗi ngân hàng, và trong nửa năm sau thì ngân hàng không còn "room tín dụng" để mà cho vay nữa.
Trong năm nay, tốc độ tăng trưởng tiền gửi thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Trong chín tháng đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng tới 11,05%, trong khi đó tốc độ huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,33%. Điều này làm cho các ngân hàng gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản.
Bên cạnh đó, việc trấn áp hàng loạt tập đoàn lớn trong năm nay, bao gồm Vạn Thịnh Pháp, FLC hay Tân Hoàng Minh khiến cho các doanh nghiệp e dè hơn trong việc phát hành trái phiếu để huy động vốn. Từ đầu năm cho đến nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56%.
"Việc giảm sâu như thế (VN Index - PV) bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề giảm niềm tin vừa là nguyên nhân và đó cũng vừa là hậu quả của việc chứng khoán dao động mạnh.
Tức là khi người ta đã mất lòng tin thì người ta sẽ rút tiền khỏi chứng khoán, bán tháo cổ phiếu, trái phiếu. Nhưng mà chính hành động đó cũng là hành động tác động ngược lại, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh".
Mang hơi hướng của Trung Quốc
Bài viết được đăng trên Nikkei nhận định sự suy thoái của thị trường chứng khoán Việt Nam mang hơi hướng của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.
Cũng giống như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mở chiến dịch chống tham nhũng, tuyên bố sẽ loại trừ các quan chức có hành vi sai trái, ngay cả trong đảng và các tập đoàn kinh tế lớn.
Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại quyết tâm này của Đảng trong một bài phát biểu hôm 17/11, rằng sẽ "đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội để mọi người có thể sống trong hòa bình, phát triển nền kinh tế lành mạnh, đúng pháp luật".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hóa như hiện nay thì một nền kinh tế tương tự Trung Quốc cùng với những biến chuyển của nó sẽ tác động lên tất cả các nền kinh tế khác, đặc biệt là Việt Nam - một quốc gia ở sát nách Trung Quốc, có những giao thương rất lớn về giao dịch hàng hóa cũng như giao dịch tiền tệ.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, khi tỷ giá dao động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong nước và cả thị trường ngoại thương của Việt Nam :
"Bên cạnh vấn đề tỷ giá thì những biến chuyển trong nền kinh tế của Trung Quốc về vấn đề đầu tư bất động sản, cũng như hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Bởi vì cả hai nước đều có những gắn kết chặt chẽ trên nhiều phương diện".
Ông Hiếu lấy ví dụ, trong một vài năm vừa qua, ở Trung Quốc có hiện tượng rất nhiều bất động sản trở thành các tài sản lãng khí của quốc gia. Bởi vì, các các đô thị được xây dựng lên một cách ồ ạt, nhanh chóng nhưng cuối cùng thì lại không được sử dụng. Từ đó tạo ra một cú sốc trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc.
"Tình hình đó hầu như có một sự tương đồng với tình hình bất động sản ở Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, chúng ta thấy một số các vụ đại án liên quan đến trái phiếu, và đặc biệt là trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, như những vụ việc Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…"
Vị tiến sĩ này nhận định, các vụ án vừa nêu sẽ làm nhà đầu tư mất lòng tin ở thị trường trái phiếu, từ đó dẫn đến việc thị trường trái phiếu bị đóng băng. Khi đó, các doanh nghiệp bất động sản không thể phát hành trái phiếu mới, cũng không có thu hồi tiền từ các sản phẩm bán ra của mình, và từ đó tạo ra tính mất thanh khoản cho nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Lời khuyên cho các nhà đầu tư
Vì những nguyên do mà các chuyên gia kinh tế đã phân tích ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, từ 1500 điểm vào hồi tháng một giảm còn hơn 900 điểm vào cuối tháng 11. Đặc biệt, vào ngày 15/11, chỉ số VN Index chỉ còn 908 điểm - thấp nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây kể từ tháng 10/2020.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong năm 2022. Ảnh : VNDirect
Sau những lần trồi sụt mạnh và liên tục đã khiến VN Index trở thành chỉ số có hiệu suất đầu tư kém tích cực từ đầu năm. Rất nhiều nhà đầu tư cũng thua lỗ nặng nề.
Tuy nhiên, trong các diễn đàn đầu tư chứng khoán trong nước, câu hỏi được một số nhà đầu tư đặt ra là thị trường Việt Nam liên tục đỏ sàn từ đầu năm, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư "bắt đáy", chờ thị trường đi lên hay không.
Phân tích về vấn đề này, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng chuyện có "bắt đáy" hay chưa rất phức tạp. Mọi người cần xem xét đến hai giá trị là giá trị nội tại là sức khoẻ của nền kinh tế, và và thứ hai là giá trị mong đợi, ví dụ như người ta mong đợi những chính sách của nhà nước đi đúng hướng thì sẽ mua vào, giữ đến lúc giá trị cổ phiếu đi lên.
Tuy nhiên, tiến sĩ Vũ đánh giá cả hai giá trị này không mấy khả quan trong thời điểm hiện nay :
"Chúng ta thấy có rất nhiều vấn đề mà Chính quyền Việt Nam hiện nay không có khả năng giải quyết nhanh chóng. Cho nên cái vấn đề nền tảng sức khỏe nền kinh tế không có và hiện nay mong đợi thay đổi về chính sách nhà nước thì cũng không rõ ràng và kinh tế thế giới sắp tới rất khó khăn.
Cho nên, nếu nói về mong đợi thì chưa thấy tương lai sáng sủa gì trong vòng một năm tới. Chứng khoán hiện nay của Việt Nam rất mờ mịt, chưa có gì thể hiện chứng khoán Việt Nam đang ở đáy cả".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo việc đợi cổ phiếu xuống đáy rồi mới mua là rất rủi ro bởi không ai có thể biết được khi nào thị trường sẽ chạm đáy cả. Do đó, ông đưa ra lời khuyên :
"Chính vì thế nên cần có kỷ luật tài chính. Tức là các nhà đầu tư nên đưa ra một điểm sàn và một điểm trần. Khi thị trường chứng khoán đụng tới điểm sàn thì mua vào, rồi khi đến điểm trần thì mình bán chứng khoán đó chứ không đợi nó lên tiếp theo.
Chúng ta không bao giờ biết là chừng nào thì thị trường chứng khoán chạm đáy và cũng không thể ai biết được điểm trần của nó ở đâu".