Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/12/2022

Việt Nam lại muốn xây dựng ‘Chuẩn mực văn hóa’

RFA tiếng Việt

Lãnh đạo cơ quan tuyên truyền của Việt Nam mới đây cho rằng cấp thiết phải xây dựng hệ giá trị quốc gia về văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết thông tin vừa nêu Tại Hội thảo khoa học ‘Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới’, được tổ chức mới đây.

vanhoa1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. Reuters

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, xã hội Việt Nam đã thay đổi, song văn hóa không thay đổi kịp và thiếu các hệ giá trị chuẩn mực để mỗi người tự soi chiếu.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, hôm 14/12 cho biết, từ trước đến giờ Việt Nam rất tự hào là một Quốc gia Dân tộc có hàng ngàn năm văn hóa. Theo ông Phúc, nói đến văn hóa thì có rất nhiều định nghĩa, hàn lâm cũng như dân gian… Ông Phúc nói tiếp :

"Tôi tâm đắc nhất định nghĩa của giáo sư Trần Quốc Vượng : "Văn hóa là câu trả lời, tức là thể ứng xử của con người trước thiên nhiên và xã hội". Nếu như chúng ta muốn xây dựng một chuẩn mực văn hóa để hướng tới một tương lai tốt đẹp cho quốc gia dân tộc, thì không chỉ một hai yếu tố mà phải kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và văn minh. Tôi cho rằng Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để xây dựng một chuẩn mực văn hóa mới, nhưng mấy mươi năm qua tôi thấy văn hóa Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng và đáng báo động…"

Theo ông Phúc, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hằng ngày để giải quyết thì không ai lý giải được nguyên nhân gốc, mà chỉ giải thích phần ngọn, giải thích những hiện tượng mà không thấy được bản chất của vấn đề. Ông Phúc cho rằng, chính điều đó đã làm thay đổi giá trị văn hóa của người Việt Nam trong từng ngày, từng giờ… đó là sự phân hóa giai tầng trong xã hội quá nhanh giữa người giàu một cách bất chính và người nghèo một cách cùng cực. Chính sự phân hóa xã hội đó theo ông Phúc đã làm thay đổi cấu trúc văn hóa, tức thay đổi cấu trúc ứng xử giữa con người với nhau. Ông nói tiếp :

"Pháp luật không bảo vệ được cái ứng xử giữa con người với con người thì người ta tự đi tìm cho mình cách giải quyết. Chúng ta thấy rằng, ra đường nhìn nhau thì đâm chém nhau, ixe va quẹt nhau thì có thể giết nhau, rồi con cái giết cha mẹ để giành của… Theo tôi chuẩn mực văn hóa này không phải dành cho người dân, muốn xây dựng nền tảng văn hóa phải đi vào cốt lõi của xã hội, đó là vấn đề giáo dục từ đứa trẻ lọt lòng cho đến khi về già nhắm mắt xuôi tay, chứ không chỉ giáo dục dành cho thế hệ trẻ".

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tại buổi Hội thảo cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người, hệ giá trị văn hóa quốc gia… nhưng phải mang tính thống nhất về định hướng phát triển văn hóa đất nước.

Tuy rằng ở Việt Nam có một số người trăn trở về văn hóa như ông Sơn và ông Nghĩa, nhưng dư luận lại nghi ngờ những người lãnh đạo này lại không thực lòng quan tâm mà chỉ nói cho qua chuyện. Vì những người này chưa đủ chuẩn mực văn hóa để đại diện cho dân tộc vì họ tôn thờ chủ nghĩa Mác Lê, trong khi chuẩn mực văn hóa phải dựa trên phẩm chất "Quang Minh Chính Đại" và hiện nhiều người trong giới lãnh đạo của Việt Nam bị cho là đang rất thiếu những phẩm chất đó.

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nói với RFA hôm 14/12 :

"Thường giá trị văn hóa lắng đọng ở những con người, mà đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, họ nói đó là những người được dân bầu lên. Những người đấy sẽ là chuẩn mực văn hóa hoặc là những tấm gương để dân nói theo. Nhưng thực ra dân không bầu những người này, mà là Đảng bầu, độc đảng đã tha hóa từ lâu rồi và độc đảng thì con người trong đảng còn giá trị gì đâu, không có giá trị văn hóa nào đâu. Cho nên lấy con người không có giá trị văn hóa để xây dựng một hệ giá trị văn hóa của quốc gia là không được. Đảng muốn làm gì thì làm, nhưng với đất nước là không được, nhưng vì họ đang nắm quyền nên họ cứ thế mà làm thôi".

Theo ông Bình, nếu người dân thực sự được bầu thì đây là những người được chọn lọc ra, ít nhất là có những chuẩn mực nhất định. Còn nếu dùng những con người của Đảng để xây dựng giá trị văn hóa thì chỉ nên xây dựng cho Đảng, không nên xây dựng cho nhân dân.

Nhiều năm gần đây, rất nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật do vi phạm vào tiêu chí ‘Năm Không’ gồm : Không cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà ; Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm ; Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm ; Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối ; Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Đó là những quy định rõ rệt, còn những người làm việc hành chánh, tiếp xúc với dân nhưng có thái độ cửa quyền hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, quan liêu, vô cảm… thì diễn ra hàng ngày nhưng dường như chưa thấy ai bị kỷ luật mà được báo chí công khai đăng tải.

Trở lại với ý kiến phải cấp thiết xây dựng hệ giá trị quốc gia về văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, từ ngày xưa khi đi học từ tiểu học thì thầy cô đã dạy từng cái nhỏ nhất như bỏ mũ chào khi gặp đám tang, giúp đỡ người già, tôn trọng quốc ca… Theo ông Phúc, nếu chúng ta không tiếp thu được cái nhỏ nhất, thì lấy gì để hiểu được những cái lớn nhất như tình yêu quốc gia, tình yêu đất nước tình yêu dân tộc để xây dựng cho đất nước. Ông Phúc nói về thực trạng hiện nay :

"Ngày nay cán bộ Việt Nam tham, vơ vét làm sao cho mình và gia đình mình được hơn người thì coi đó là hạnh phúc, bất kể sự phát triển đất nước… như thế thì làm sao có môi trường văn hóa để xây dựng đất nước. Vì sao đất nước trải qua mấy mươi năm chiến tranh thì sống được đoàn kết với nhau, tương trợ với nhau, nhường cơm sẻ áo với nhau… mà bây giờ đất nước phát triển thì con người lại quay mặt đi với nhau, sẵn sàng cầm gậy golf đánh vào mặt, vào đầu đồng loại ; sẵn sàng bao che với nhau để tham nhũng, hối lộ… Chúng ta thấy rõ rằng cái môi trường xã hội đó sẽ phá hỏng nên tảng văn hóa của đất nước, không gì lấy lại được".

Người cầm gậy golf đánh người mà ông Phúc nhắc đến là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam - Nguyễn Viết Dũng. Vào ngày 6/12, ông Dũng cùng một nhóm bốn khách đến chơi tại sân golf BRG Đà Nẵng, nữ nhân viên tên N.A.L., 20 tuổi, được phân công phục vụ nhóm này. Trong lúc chơi golf, ông Dũng cho rằng nữ nhân viên L. không trung thực về số gậy được tính chơi trong một hố nên đã dùng gậy golf đánh nhân viên N.A.L. khiến chị bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu.

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng nguyên nhân do con người không hành xử theo những điều mà người ta đưa ra :

"Có thể là những cái mà người ta nói ra, là phải có lòng nhân ái chẳng hạn, cần phải công bằng chẳng hạn, nhưng đấy là những điều người ta nói ra có vẻ là một thứ được người ta cho là có giá trị và được tôn trọng, nhưng trên thực tế thì người ta lại không hành xử theo điều người ta đưa ra. Nhiều khi những ứng xử trong xã hội cũng không theo cái người ta tưởng là được xã hội, như công bằng, nhân ái".

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương giải thích thêm rằng, những lợi ích có giá trị khác nhau đã gây ra những xung đột không chỉ về mặt lợi ích kinh tế mà còn về mặt giá trị của từng cá nhân hoặc từng nhóm xã hội. Những giá trị khác nhau đấy dẫn đến sự lựa chọn không đồng nhất, khiến cho nhóm xã hội này ảnh hưởng không tốt đến nhóm xã hội khác.

Nguồn : RFA, 14/12/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 233 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)