Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc đẩy mạnh cuộc "chiến tranh cát" để đánh phá Đài Loan

Mai Vân, RFI, 12/02/2021

Trong thời gian gần đây, khi đề cập đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung Quốc-Đài Loan, báo giới chủ yếu nói đến những cuộc tập trận không quân của Trung Quốc gần đảo hoặc những vụ oanh tạc cơ và chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục xâm nhâp vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

cat1

Tàu khai thác cát Trung Quốc nhìn từ một tàu tuần duyên Đài Loan, ngoài khơi đảo Mã Tổ. Ảnh ngày 28/01/2021.  Reuters - ANN WANG

Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là còn đẩy mạnh việc sử dụng một loại "vũ khí ngầm" khác trong chiến lược quấy phá Đài Loan. Đó là tung tàu khai thác cát đến hoạt động trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan, vừa thủ lợi về mặt kinh tế, vừa bào mòn sức lực của lực lượng tuần duyên đối phương.

Đòn ngầm này của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan đã bị hãng tin Anh Reuters ngày 06/02/2021 nêu bật trong một phóng sự "Vũ khí mới nhất chống Đài Loan của Trung Quốc : Tàu hút cát". Trước đó, ngày 01/02, đặc phái viên tuần báo Pháp Le Point được cử đến Đài Loan cũng nêu bật thủ đoạn này của Trung Quốc trong một phóng sư đặc biệt mang tựa đề "Trung Quốc khỏi động cuộc chiến tranh cát".

Chính quyền Đài Loan dĩ nhiên đã thấy rõ ý đồ của Trung Quốc và đã cố tìm cách đối phó. Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngày 25 tháng Giêng vừa qua, chính quyền Đài Bắc đã công bố một bản tổng kết, cho biết là tính đến cuối năm ngoái 2020, lực lượng tuần duyên Đài Loan đã trục xuất được gần 4.000 chiếc tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào hải phận Đài Loan để xúc cát và sỏi, tăng gấp bội so với các năm trước đó, (600 chiếc năm 2019 và 71 chiếc năm 2018).

Tàu xúc cát hoành hành tại các đảo gần bờ biển Trung Quốc

Đặc phái viên Le Point đã đến vùng quần đảo Mã Tổ của Đài Loan, chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 15 km để tìm hiểu sự vụ và đã ghi nhận sự hiện diện của hàng chục chiếc tàu xúc cát và xà lan Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của Đài Loan. Theo tuần duyên Đài Loan, nhiều hôm, số lượng tàu Trung Quốc lên đến hơn một trăm chiếc.

Theo Le Point, kể từ năm 2019, đội tàu ăn cướp cát đến từ Trung Quốc này đã đeo bám vùng bờ biển của Đài Loan, giống như một điềm báo trước về hạm đội tàu chiến bất khả chiến bại mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ khởi động vào một ngày nào đó để tấn công Đài Loan.

Và Mã Tổ không phải là khu vực duy nhất bị bao vây : Kim Môn, một vùng đảo khác của Đài Loan ở xa hơn về phía nam, đối diện với thành phố Hạ Môn của Trung Quốc, là nạn nhân đầu tiên ngay từ năm 2005, cũng như là quần đảo Bành Hồ (Penghu) nằm giữa eo biển Đài Loan, nơi mà đội tàu khai thác cát đến từ Hoa Lục được cho là đông gấp đôi ở Mã Tổ.

Lực lượng tuần duyên Đài Loan đã phải vất vả tuần tra và can thiệp để đẩy lùi những kẻ xâm nhập này, mà số lượng ngày càng tăng, từ 71 chiếc năm 2018, lên thành gần 4.000 tàu năm 2020 ! Và cuộc chiến du kích trên biển này đang gia tăng sức ép lên người dân Đài Loan đã phải chịu sự đe dọa gần như là hàng ngày của không quân Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã và Thiên Nhiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đài Bắc, với các dự án bê tông hóa và mở rộng đô thị ven biển ở Trung Quốc, hơn 100.000 tấn cát sẽ được khai thác mỗi ngày ở eo biển Đài Loan. Với mức giá hiện tại, ở Trung Quốc, một chuyến hàng với 3.000 tấn cát sẽ trị giá khoảng 75.000 euro.

Khi Trung Quốc cấm khai thác cát tại các con sông và vùng lãnh hải của họ, thì những người khai thác cát Trung Quốc đi cướp bóc vùng đáy biển của các nước láng giềng. Trong những năm gần đây, các cuộc điều tra của nhà báo độc lập người Mỹ Vince Beiser đã tiết lộ quy mô sự tàn phá mà các tập đoàn khai thác cát khổng lồ của Trung Quốc gây ra.

Các nạn nhân từng là các nước đang phát triển yếu kém, không thể bảo vệ môi trường của họ, chẳng hạn như Philippines hay Cam Bốt. Giờ đây những toán cướp cát biển đang tung hoành tại eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho những kẻ đi cướp cát

Hành động của các đội tàu Trung Quốc đi cướp cát của Đài Loan đã dĩ nhiên đã bị phía Đài Loan cực lực tố cáo. Mùa hè vừa qua, ông Lí Vấn (Lii Wen), đại diện tại Mã Tổ của đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền ở Đài Bắc, đã gây được tiếng vang khi công bố ảnh chụp những con tàu Trung Quốc đến cướp cát trong khu vực.

Những hình ảnh khiến cả Đài Loan xôn xao, một số người nhìn thấy đó là tàu chiến ngụy trang. Trả lời Le Point, ông Lí Vấn đã tìm cách hạ nhiệt : "Không có gì chứng tỏ đó là một chiến dịch quân sự. Mặt khác, đó là một phần trong chiến thuật xâm lược của Trung Quốc tại "vùng xám". Mục tiêu của họ là xem chúng tôi phản ứng như thế nào". Một cách để Bắc Kinh chứng tỏ sự bất lực của Đài Bắc.

Tất nhiên, về mặt chính thức, các nhà chức trách Trung Quốc phủ nhận mọi trách nhiệm. Điều này khiến ông Lí Vấn rất tức giận : "Đó là những con tàu 3 lần vô danh : không tên, không đăng ký, không cảng nhà. Ngay cả ở Trung Quốc, chúng cũng bị coi là bất hợp pháp".

Nhưng đối với Lưu Vũ Thắng (Liu Yusheng), chủ tịch Hiệp Hội những người đánh cá nghiệp dư, đó không phải là những công ty tư nhân độc lập nhỏ : "Những tàu nạo vét này được các công ty lớn thuê mướn". Ông Lưu đã quan sát kỹ hoạt động của các tàu : "Các con tàu nạo vét ở rất lâu trên biển. Đó là một ngành công nghiệp khổng lồ. Các công nhân làm việc theo ca, bảy ngày trên bảy, một số tàu đi qua lại để tiếp tế lương thực và nhiên liệu cho họ. Và sà lan chở cát đến bờ biển Trung Quốc. Ở Bành Hồ và Kim Môn, một số bị đầy đến nỗi bị chìm ! Họ chỉ dừng lại khi không còn cát để hút"

Chiến thuật "Vùng xám"

Đối với hãng Reuters, hoạt động của đội tàu vét cát lậu Trung Quốc đã bào mòn sức lực của lực lượng tuần duyên Đài Loan buộc họ phải tuần tra ngày đêm để xua đuổi tàu Trung Quốc. Theo chính quyền đảo Đài Loan và giới quan sát, ăn cướp cát của Đài Loan là một trong những "vũ khí" đặc biệt mà Bắc Kinh dùng để tấn công Đài Loan.

Đây là chiến thuật được gọi là "vùng xám", tức là sử dụng những biện pháp bất thường làm đối thủ kiệt sức mà không cần phải phát động chiến tranh. Trong trường hợp Đài Loan, Trung Quốc đang nhắm tới lực lượng tuần duyên của vùng lãnh thổ này..

Trả lời Reuters, ông Tô Tử Vân (Su Tzu Yun), nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu An Ninh và Phòng Thủ Đài Loan, môt tổ chức tham vấn quân sự, cho rằng nạo vét là "chiến thuật vùng xám mang đặc trưng của Trung Quốc", vừa lấy được cát, vừa gây được áp lực lên Đài Loan.

Theo một quan chức an ninh Đài Loan, các hoạt động khai thác cát còn nằm trong cuộc chiến tranh tâm lý nhắm vào Đài Loan, tương tự như những động thái tung chiến đấu cơ xâm phạm vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam Đài Loan mà Bắc Kinh đang thực hiện với tần suất dày đặc như hiện nay.

Mai Vân

********************

Đài Loan cám ơn Tổng thống Mỹ về thái độ cứng rắn với chủ tịch Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 11/02/2021

Chính quyền Đài Loan hôm 11/02/2021, đã nhiệt liệt hoan nghênh thái độ của tân tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua.

cat2

Phủ tổng thống Đài Loan. Ảnh minh họa.  © Wikipedia

Chính quyền Đài Bắc ra thông cáo khẳng định : "Chúng tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn về mối quan tâm của tổng thống Biden đối với vấn đề an ninh tại eo biển Đài Loan, và các vấn đề nhân quyền". Trong thông điệp nói trên, người phát ngôn phủ tổng thống Đài Loan, Trương Đôn Hàm (Xavier Chang), cũng khẳng định : "Với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Đài Loan sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị, trong đó có Hoa Kỳ, để góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Bắc Kinh thường xuyên mô tả Đài Loan như là vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Quan hệ Mỹ - Đài siết chặt trong nhiệm kỳ của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump khiến Trung Quốc tức giận. Trong cuộc điện đàm hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương là các vấn đề thuộc "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", mà Bắc Kinh hy vọng tổng thống Mỹ sẽ đề cập đến một cách thận trọng.

Cũng trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến "những quan ngại sâu sắc" của Washington trước các trấn áp tại Hồng Kông, tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tàn bạo tại Tân Cương, cũng như "các hàng động lấn lướt ngày càng gia tăng trong khu vực, bao gồm Đài Loan".

Theo Reuters, cùng ngày với cuộc điện đàm đầu tiên giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ đã có cuộc họp chính thức đầu tiên, kể từ khi tổng thống Biden nhậm chức, tại Washington. Đại diện ngoại giao trên thực tế của Đài Bắc tại Hoa Kỳ, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đã gặp ông Sung Kim, quyền vụ trưởng vụ Đông Á và Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ.

Giống như tuyệt đại đa số các nước, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Chính sách "Một nước Trung Hoa" vẫn là trụ cột trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, tuy nhiên, mỗi bên có cách giải thích khác nhau. Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp vũ khí chủ yếu cho Đài Loan và là thế lực quốc tế quan trọng nhất hậu thuẫn hòn đảo, trên thực tế đã trở thành một Nhà nước độc lập.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Mai Vân, Trọng Thành
Published in Châu Á
mercredi, 29 mai 2019 19:00

Chỉ sau một tiếng ùm… !

Chỉ sau một tiếng ùm, hàng ngàn ha đất vườn máu thịt biến mất dưới nước sông

Ông Ba Sổ không ngờ có một ngày mình trở thành người nổi tiếng nhất cồn Tân Bắc.

um1

Ông Ba Sổ bên căn nhà và vườn mà một phần lớn đã bị chìm xuống sông - Hoàng Lâm

Ông cũng hoàn toàn chẳng thể ngờ nổi, ở tuổi tám mươi ba, sau gần một thế kỷ sinh sống trọn vẹn trên cồn, ông và người vợ đã bảy mươi chín tuổi sắp phải tay trắng ra đi. Bởi vì hầu như toàn bộ gia sản, đất đai của họ đều đã sụp xuống dưới lòng sông Tiền.

Ông Ba Sổ tên trong giấy tờ là Dương Văn Sổ, nhà cặp bờ sông Tiền, trên cồn Tân Bắc (cồn Dơi) thuộc ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành? tỉnh Bến Tre. Chỉ là một ông lão nông dân vô cùng bình thường, nhưng mấy năm nay, chỉ vừa bước chân vào cồn Tân Bắc hỏi ông Ba Sổ thì hầu như ai cũng à lên : "Là ông già mất hết đất đó hả ?".

Ghe hút cát lậu đậu đông không thua chợ nổi Cái Răng

Cách đây chục năm, nhà ông khá lắm, vườn cây trái rợp kín bảy công đất. Nhưng từ hồi bị nạn "cát tặc" tới giờ, vườn và đất lần lần sụp xuống sông sạch sẽ. Ông bà chỉ còn một thẻo mỏng dánh vài mét kẹp giữa bờ bao trong, và lòng sông.

Trên cái thẻo đất đó, hai vợ chồng già đã dỡ nhà, dời nhà vô tới ba lần, cuối cùng đành chịu náu lại trong ngôi nhà tạm bợ nhỏ xíu. Bên này một bộ ngựa gỗ, trên mắc cái võng cũ mèm đòng đưa là nơi ông ngủ. Bên kia, chiếc giường gỗ to rộng chân quỳ đóng theo kiểu xưa, một đầu giường đóng dính cả chiếc tủ khá lớn, dấu vết còn sót lại của một thời rủng rỉnh ăn nên làm ra. Những chiếc chân quỳ kiểu cách giờ đứng chơ chỏng, tương phản đến đáng thương trên nền đất nện đen đủi lam nham.

um2

Ngay sau tấm nilon này là bờ bao, cũng đường đi của người dân dọc cồn. Thêm ba bước chân là vô tới nhà. Bà Ba đêm nào cũng thắp nhang cầu xin đất đừng lở nữa để hai vợ chồng già còn chỗ sống. Photo : RFA

Nhờ ơn đội quân hút cát khổng lồ hoành hành trên sông Tiền, cồn lở dữ dội. Tiền bạc từ huê lợi thửa vườn của vợ chồng ông Ba đổi thành đá tảng đổ xuống chân bờ bao hết. Một chỉ vàng lúc đó giá bốn, năm trăm ngàn đồng, ông Ba sang tận Đồng Tâm (Tiền Giang) mua tổng cộng tới 25 triệu tiền đá tảng, đổ xuống chân bờ bao để kè bờ. Nhưng bó tay !

um3

Đây là căn nhà thứ 3 mà ông Ba Sổ dựng lại vì sạt lở. Nhiều ngôi nhà trong cồn cũng không tô tường, để tạm bợ như thế này, vì không biết bao giờ thì đất lại lở nữa. Hoàng Lâm

Không chỉ hút cát giữa lòng sông, đội quân hút cát mò vào tận mép cồn, ngang nhiên neo ghe vô những gốc bần lớn mọc cách bờ bao có vài mét rồi cứ thế hút tận lực.

"Ghe với xà lan cát hàng trăm chiếc, đậu đen sông, (đông đúc) không khác gì cái chợ nổi Cái Răng"-anh Trần Hoàng Quân kể- "Tới nỗi có cả xuồng bơi ra bán cháo vịt cháo gà, cà phê sữa đá (cho người trên ghe hút cát), đủ hết".

Chỉ chục năm, nó hút bứt cái cồn

Từ ba năm nay, anh Quân giữ "chức" tổ phó tổ Nhân dân tự quản chống tội phạm khai thác cát sông trái phép số 2 ấp Tân Bắc. Anh lấy vợ là dân cồn này. Siêng năng, chịu khó, hai vợ chồng lần lần tạo lập cơ nghiệp gồm hơn 3 mẫu vườn trong cồn và một vựa trái cây ngoài lộ lớn, chỉ cách vài cây số.

Giống như hầu hết người dân mé trên cồn, toàn bộ đất vườn của anh Quân đều nằm cặp sông Cái (nhánh sông Tiền Giang chảy qua vùng này-bên kia là sông Hàm Luông). Hưởng no nê dòng nước ngọt vô tận và phù sa bồi đắp mỗi năm cùng mưa thuận gió hòa, đất vườn mang lại huê lợi dồi dào. Một công (1.000 m2) sầu riêng, nếu trúng mùa có thể thu trên 200 triệu. Trừ hết công thuê người làm, phân bón, thuốc trừ sâu… khoảng 20-30 triệu, ít nhứt chủ vườn bỏ túi được 150 triệu đồng/năm. Nhà nào tự làm, không thuê nhân công thì còn lời nhiều hơn.

Trên chiếc cồn nổi dài theo sông Tiền này, dân tuyệt đại đa số sống bằng nghề vườn, từ cả trăm năm nay.

um4

Ông Sáu Đen, thành viên trong Tổ tự quản số 1. Đất cồn rất màu mỡ, trồng cây gì cũng tươi tốt Hoàng Lâm

Bởi vậy, khi những khu vườn đã cho cây trái hàng chục năm nay bắt đầu theo nhau lở ùm ùm xuống sông, đe dọa trực tiếp đến kế sinh nhai, anh Quân cũng như tất cả dân cồn xắn tay bắt đầu cuộc chiến ngoan cường chống lại lũ hút cát trộm.

Người dân cồn Tân Bắc kể, trước đây nhiều năm, mé bờ bên Bến Tre bồi rất mạnh. Đất vườn của dân còn kéo dài ra 30 m-50 m ra mặt sông hiện tại, rồi mới đến bờ bao cũ. Ngoài bờ là bãi lục bình dày bít. Tiếp đó là bãi bồi kéo dài từ mỏm Hàm Luông xuống gần như suốt dọc cồn, rộng vài chục mét. Bần, ô rô, cóc kèn, mái dầm, dứa dại… mọc dày đặc "bịt bùng tới nỗi tàu Mỹ bắn từ ngoài sông vô cũng không lọt qua được"-ông Sáu Đen kể. Ngày ngày người dân vẫn lội ra đó bắt rùa, rắn, cua đinh.

-Vậy mà chỉ chục năm, "nó" hút bứt cái cồn. Bứt luôn cái đê bao ngoài. Nhà nước phải lăn đê vô trong. Một lần lăn một lần dân mất đất. Cái đê này lăn ba lần rồi. Cô hỏi mí (mép) cồn ngày xưa hả ? Đứng trên này chỉ đâu có tới. Phải bơi xuồng ra mới chỉ tới lận-ông Ba Sổ lệu đệu đi ra sát mí sông, giơ tay chỉ.

Mới tháng 3 mà nắng gay gắt như lửa. Trong nắng quái, mặt sông Tiền càng mênh mang. Ở vài khúc sông, những thân dừa khoảng 20 năm ngã ngang ngoài mặt nước tít xa vẫn còn đánh dấu nơi đó từng là đất, là vườn.

um5

Sông Tiền Hoàng Lâm

Kéo dài từ mỏm Hàm Luông đến cuối cồn Dơi, một cảnh tượng chung đáng sợ : những ngôi nhà đổ sập, bốn bức tường gạch đỏ hay sơn xanh vỡ nát nằm thoi loi giữa nước sâu. Những cánh cửa vẫn đóng chặt nhưng không còn được che chở cho mái ấm nào nữa.

Người dân làm đủ cách để giữ chân bờ bao : xây gạch, xây bê tông, đóng cừ tràm, cừ bằng thân dừa gie ngang ra sông để làm yếu dòng chảy, tấn hàng ngàn bao cát, nuôi lục bình, trồng bần… Vô ích ! Phía nhà ông Sáu Lai, hàng mít trên bờ bao vẫn đeo bầy trái nặng trĩu nhưng một nửa bộ rễ phơi trọn ra ngoài vì bị bóc sạch lớp đất. Chỉ vài tuần lễ nữa thôi, với sóng đánh ngày đêm vào bờ đất thịt mềm không còn bất cứ thứ gì che chắn, tất cả những hàng mít, hàng dừa sống sót này cũng sẽ nối tiếp nhau ngã ùm xuống sông hết.

Gần mỏm Hàm Luông, bờ bao bê tông vỡ chìm xuống sông hàng mảng lớn. Ao nuôi cá của hộ nào đó đã bị bể. Những nhà kho lớn của các công ty nuôi cá giờ gần như nằm ngay mép nước. 

Đang là mùa khô, nhưng đó đây những chiếc xáng cạp đã gừ gừ móc đất lên đắp cho cao những bờ bao riêng của từng hộ dân. Đến mùa mưa, đất đã đủ cứng lại, may mắn thì chống được sức nước cả trên cao đổ xuống, dưới sông tràn lên.

Nhưng đó chỉ là may mắn thôi. Không ai dám đoán được ngày nào những chiếc lưỡi của dòng sông sẽ thản nhiên liếm nốt lớp đất đai, vườn tược, nhà cửa còn lại.

Bể bờ bao thì dân trong cồn chết hết

Ông Hai Nhỏ, hàng xóm ông Ba Sổ kể : mới cách đây mấy năm, tính từ bờ bao vô, vườn ông Ba Sổ có một liếp dừa, một liếp nhãn long, một liếp nhãn quế, tiếp đến một liếp dừa nữa mới vô thấu nhà. Mỗi liếp chừng 6 m bề ngang, kéo dài hết 150 m chiều rộng đất. Giờ mất sạch. Lòng sông khúc này đã ăn sâu vô tới hơn 20 m.

Dòng nước cứ gặm lem lém chân đê. Chỉ cách ba tuần, chúng tôi quay lại cồn, những bựng đất còn nguyên cỏ cao tới bụng người đã tuột xuống lòng sông. Mặt đê bao chỉ còn một lối nhỏ xíu, dân phải dắt xe đạp qua chứ không dám chạy.

um6

Suốt dọc từ mỏm Hàm Luông dài dài dọc cồn, những ngôi nhà tan nát như thế này Hoàng Lâm

Ngôi nhà của ông Ba đã lùi hết đất. Không còn chỗ, bàn thờ thiên phải dựng ngay sát bờ bao, ngay dưới lối chân người đi, xe chạy. Sợ bụi đất xổ xuống bàn thờ, ông bà căng tấm nilon cũ che vòng. Nhưng dù hai ông bà chủ già vẫn cố gắng giữ sạch sẽ và tươm tất nhất có thể, dù những bông hoa đỏ thắm mang tên Hạnh phúc vẫn luôn cắm đầy chiếc bình nhỏ trên bàn thờ, vẫn không giấu nổi sự rệu rã đến đáng thương của quang cảnh.

Trụi lủi, không còn bãi bồi hay vườn tược che chắn, bây giờ khi nước lớn, tầm mắt từ ngoài sông có thể xồng xộc phóng thẳng đến tận bàn thờ tổ tiên, đến tận giường ngủ. Đêm xuống, ngọn đèn vàng mờ mờ dưới cái chái nhà thấp trĩu không mang cho người ta sự yên lòng như vẫn thường thấy, mà chỉ càng trĩu nặng thêm nỗi bất lực và cô độc.

Từ nhà ông Ba, bờ cồn sạt lở nặng nhất kéo dài xuống cả ngàn mét. Vì từ mé này, cồn Tân Bắc hơi cong ngang ra mặt sông. Người dân giải thích do quá nhiều cát đáy sông bị lấy mất, tạo thành những lòng chảo sâu bên dưới nên đất phải từ chỗ cao hơn trụt xuống bù lại, khiến bờ bao cồn không còn chân đứng nữa. Địa hình lòng sông biến dạng quá lớn cũng khiến dòng chảy thay đổi. Mùa nước đổ, dòng nước xói thẳng vào phần đất cồn cong ra này.

-Đêm nằm nghe đất lở ùm ùm xuống sông. Dân cồn này không dám ăn, không dám ngủ-chị Năm Dánh nói.

um7

Hết đất, không còn sức khỏe, không còn vốn liếng, hai vợ chồng ông Ba Sổ sống qua ngày bằng trồng chuối trên gần một công đất còn lại. Hoàng Lâm

Tổng cộng có đến 13 hộ dân mất đất nặng nề : ông Ba Sổ mất khoảng 6 công ; anh Sáu Đen, ông Tư Dần, ông Năm Dánh, bà Hai Bé, anh Út Nhỏ, ông Sáu Lai, ông Năm Lai... mỗi người đều mất từ một tới hơn 3 công… Đất cồn này màu mỡ hơn nhiều chỗ khác. Mỗi công đất mới trồng chôm chôm, giá khoảng 300-400 triệu đồng. Vườn sầu riêng đắt hơn nhiều, tới năm, sáu trăm triệu/công. Còn vườn ở mé sát lộ, không bị sạt lở có giá tới cả tỷ ; tỷ ba, tỷ tư/công.

"Nhưng mấy năm nay hổng ai hỏi mua nữa"-ông Chín kể. Ông có vườn ở mé trong của cồn, không bị sạt lở.

"Nhưng mà bể bờ bao thì ở sâu như tui cũng chết, dân trong cồn chết hết, cây trái chết hết"-ông nói thêm.

Những miền đất thịt ngã xuống sông

Đêm 10/3, vừa phờ phạc trở về sau một ngày trời giang nắng lặn lội hết trong vườn lại ra sông, có một anh thanh niên lượn sát chiếc xe máy tới bên anh đạo diễn của chúng tôi, nói em chờ anh chị ở đây lâu lắm rồi. Rồi em dúi vào một chiếc phong bì mỏng.

Chúng tôi không biết phải làm gì. Mười mấy năm qua, đã có hàng ngàn bài báo điều tra, phỏng vấn, phân tích đủ kiểu về hiện trạng khai thác cát tận diệt + khai thác lậu cộng với việc ngăn dòng thủy điện trên sông Mê Kông đã khiến mỗi năm thêm 500 ha đất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long mất hút xuống sông.

Được biết từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Bến Tre đã phát hiện, bắt giữ hơn 650 phương tiện khai thác cát trái phép, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước ; xử phạt gần 5,5 tỷ đồng.

Nhưng, số tiền phạt trên chỉ là hạt cát so với lợi nhuận khổng lồ mà lũ hút cát lậu thu được. Mỗi đêm hút khoảng 3-5 chuyến, một xà lan thu lời cả trăm triệu đồng. Lợi nhuận choáng óc như thế, chỉ bằng vài biện pháp xua đuổi, "tự quản" của người dân làm sao có thể chấm dứt ?

Ngoài ra, về an ninh, không thể tiếp tục để người dân mạo hiểm trực diện với những kẻ liều lĩnh và cố tình vi phạm pháp luật.

Mười mấy năm nay, hàng trăm ngàn ha đất thịt của Đồng bằng đã thành đáy sông theo đà hút cát lậu hung hãn.

Đất thịt có nghĩa là đất trồng trọt tốt. Nhưng ở một nghĩa khác, nó chính là máu thịt của nhiều đời người nối nhau vun bồi nên vườn tược xanh tươi, làm nên danh tiếng miệt vườn Nam Bộ.

Nhưng, những máu thịt trải hàng trăm năm đó đang ngày ngày biến mất tăm dưới hàng chục sải nước sông.

An Nhiên

Nguồn : RFA, 28/05/2019

Published in Diễn đàn