Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/02/2021

Tàu Trung Quốc trộm cát ở Kim Môn, Mả Tổ, Đài Loan cảm ơn Hoa Kỳ

RFI tổng hợp

Trung Quốc đẩy mạnh cuộc "chiến tranh cát" để đánh phá Đài Loan

Mai Vân, RFI, 12/02/2021

Trong thời gian gần đây, khi đề cập đến căng thẳng gia tăng trong quan hệ Trung Quốc-Đài Loan, báo giới chủ yếu nói đến những cuộc tập trận không quân của Trung Quốc gần đảo hoặc những vụ oanh tạc cơ và chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục xâm nhâp vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

cat1

Tàu khai thác cát Trung Quốc nhìn từ một tàu tuần duyên Đài Loan, ngoài khơi đảo Mã Tổ. Ảnh ngày 28/01/2021.  Reuters - ANN WANG

Tuy nhiên, Bắc Kinh được cho là còn đẩy mạnh việc sử dụng một loại "vũ khí ngầm" khác trong chiến lược quấy phá Đài Loan. Đó là tung tàu khai thác cát đến hoạt động trong vùng biển thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan, vừa thủ lợi về mặt kinh tế, vừa bào mòn sức lực của lực lượng tuần duyên đối phương.

Đòn ngầm này của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan đã bị hãng tin Anh Reuters ngày 06/02/2021 nêu bật trong một phóng sự "Vũ khí mới nhất chống Đài Loan của Trung Quốc : Tàu hút cát". Trước đó, ngày 01/02, đặc phái viên tuần báo Pháp Le Point được cử đến Đài Loan cũng nêu bật thủ đoạn này của Trung Quốc trong một phóng sư đặc biệt mang tựa đề "Trung Quốc khỏi động cuộc chiến tranh cát".

Chính quyền Đài Loan dĩ nhiên đã thấy rõ ý đồ của Trung Quốc và đã cố tìm cách đối phó. Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ngày 25 tháng Giêng vừa qua, chính quyền Đài Bắc đã công bố một bản tổng kết, cho biết là tính đến cuối năm ngoái 2020, lực lượng tuần duyên Đài Loan đã trục xuất được gần 4.000 chiếc tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào hải phận Đài Loan để xúc cát và sỏi, tăng gấp bội so với các năm trước đó, (600 chiếc năm 2019 và 71 chiếc năm 2018).

Tàu xúc cát hoành hành tại các đảo gần bờ biển Trung Quốc

Đặc phái viên Le Point đã đến vùng quần đảo Mã Tổ của Đài Loan, chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 15 km để tìm hiểu sự vụ và đã ghi nhận sự hiện diện của hàng chục chiếc tàu xúc cát và xà lan Trung Quốc hoạt động trong vùng biển của Đài Loan. Theo tuần duyên Đài Loan, nhiều hôm, số lượng tàu Trung Quốc lên đến hơn một trăm chiếc.

Theo Le Point, kể từ năm 2019, đội tàu ăn cướp cát đến từ Trung Quốc này đã đeo bám vùng bờ biển của Đài Loan, giống như một điềm báo trước về hạm đội tàu chiến bất khả chiến bại mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ khởi động vào một ngày nào đó để tấn công Đài Loan.

Và Mã Tổ không phải là khu vực duy nhất bị bao vây : Kim Môn, một vùng đảo khác của Đài Loan ở xa hơn về phía nam, đối diện với thành phố Hạ Môn của Trung Quốc, là nạn nhân đầu tiên ngay từ năm 2005, cũng như là quần đảo Bành Hồ (Penghu) nằm giữa eo biển Đài Loan, nơi mà đội tàu khai thác cát đến từ Hoa Lục được cho là đông gấp đôi ở Mã Tổ.

Lực lượng tuần duyên Đài Loan đã phải vất vả tuần tra và can thiệp để đẩy lùi những kẻ xâm nhập này, mà số lượng ngày càng tăng, từ 71 chiếc năm 2018, lên thành gần 4.000 tàu năm 2020 ! Và cuộc chiến du kích trên biển này đang gia tăng sức ép lên người dân Đài Loan đã phải chịu sự đe dọa gần như là hàng ngày của không quân Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp Hội Bảo Vệ Động Vật Hoang Dã và Thiên Nhiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Đài Bắc, với các dự án bê tông hóa và mở rộng đô thị ven biển ở Trung Quốc, hơn 100.000 tấn cát sẽ được khai thác mỗi ngày ở eo biển Đài Loan. Với mức giá hiện tại, ở Trung Quốc, một chuyến hàng với 3.000 tấn cát sẽ trị giá khoảng 75.000 euro.

Khi Trung Quốc cấm khai thác cát tại các con sông và vùng lãnh hải của họ, thì những người khai thác cát Trung Quốc đi cướp bóc vùng đáy biển của các nước láng giềng. Trong những năm gần đây, các cuộc điều tra của nhà báo độc lập người Mỹ Vince Beiser đã tiết lộ quy mô sự tàn phá mà các tập đoàn khai thác cát khổng lồ của Trung Quốc gây ra.

Các nạn nhân từng là các nước đang phát triển yếu kém, không thể bảo vệ môi trường của họ, chẳng hạn như Philippines hay Cam Bốt. Giờ đây những toán cướp cát biển đang tung hoành tại eo biển Đài Loan.

Bắc Kinh nhắm mắt làm ngơ cho những kẻ đi cướp cát

Hành động của các đội tàu Trung Quốc đi cướp cát của Đài Loan đã dĩ nhiên đã bị phía Đài Loan cực lực tố cáo. Mùa hè vừa qua, ông Lí Vấn (Lii Wen), đại diện tại Mã Tổ của đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền ở Đài Bắc, đã gây được tiếng vang khi công bố ảnh chụp những con tàu Trung Quốc đến cướp cát trong khu vực.

Những hình ảnh khiến cả Đài Loan xôn xao, một số người nhìn thấy đó là tàu chiến ngụy trang. Trả lời Le Point, ông Lí Vấn đã tìm cách hạ nhiệt : "Không có gì chứng tỏ đó là một chiến dịch quân sự. Mặt khác, đó là một phần trong chiến thuật xâm lược của Trung Quốc tại "vùng xám". Mục tiêu của họ là xem chúng tôi phản ứng như thế nào". Một cách để Bắc Kinh chứng tỏ sự bất lực của Đài Bắc.

Tất nhiên, về mặt chính thức, các nhà chức trách Trung Quốc phủ nhận mọi trách nhiệm. Điều này khiến ông Lí Vấn rất tức giận : "Đó là những con tàu 3 lần vô danh : không tên, không đăng ký, không cảng nhà. Ngay cả ở Trung Quốc, chúng cũng bị coi là bất hợp pháp".

Nhưng đối với Lưu Vũ Thắng (Liu Yusheng), chủ tịch Hiệp Hội những người đánh cá nghiệp dư, đó không phải là những công ty tư nhân độc lập nhỏ : "Những tàu nạo vét này được các công ty lớn thuê mướn". Ông Lưu đã quan sát kỹ hoạt động của các tàu : "Các con tàu nạo vét ở rất lâu trên biển. Đó là một ngành công nghiệp khổng lồ. Các công nhân làm việc theo ca, bảy ngày trên bảy, một số tàu đi qua lại để tiếp tế lương thực và nhiên liệu cho họ. Và sà lan chở cát đến bờ biển Trung Quốc. Ở Bành Hồ và Kim Môn, một số bị đầy đến nỗi bị chìm ! Họ chỉ dừng lại khi không còn cát để hút"

Chiến thuật "Vùng xám"

Đối với hãng Reuters, hoạt động của đội tàu vét cát lậu Trung Quốc đã bào mòn sức lực của lực lượng tuần duyên Đài Loan buộc họ phải tuần tra ngày đêm để xua đuổi tàu Trung Quốc. Theo chính quyền đảo Đài Loan và giới quan sát, ăn cướp cát của Đài Loan là một trong những "vũ khí" đặc biệt mà Bắc Kinh dùng để tấn công Đài Loan.

Đây là chiến thuật được gọi là "vùng xám", tức là sử dụng những biện pháp bất thường làm đối thủ kiệt sức mà không cần phải phát động chiến tranh. Trong trường hợp Đài Loan, Trung Quốc đang nhắm tới lực lượng tuần duyên của vùng lãnh thổ này..

Trả lời Reuters, ông Tô Tử Vân (Su Tzu Yun), nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu An Ninh và Phòng Thủ Đài Loan, môt tổ chức tham vấn quân sự, cho rằng nạo vét là "chiến thuật vùng xám mang đặc trưng của Trung Quốc", vừa lấy được cát, vừa gây được áp lực lên Đài Loan.

Theo một quan chức an ninh Đài Loan, các hoạt động khai thác cát còn nằm trong cuộc chiến tranh tâm lý nhắm vào Đài Loan, tương tự như những động thái tung chiến đấu cơ xâm phạm vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam Đài Loan mà Bắc Kinh đang thực hiện với tần suất dày đặc như hiện nay.

Mai Vân

********************

Đài Loan cám ơn Tổng thống Mỹ về thái độ cứng rắn với chủ tịch Trung Quốc

Trọng Thành, RFI, 11/02/2021

Chính quyền Đài Loan hôm 11/02/2021, đã nhiệt liệt hoan nghênh thái độ của tân tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua.

cat2

Phủ tổng thống Đài Loan. Ảnh minh họa.  © Wikipedia

Chính quyền Đài Bắc ra thông cáo khẳng định : "Chúng tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn về mối quan tâm của tổng thống Biden đối với vấn đề an ninh tại eo biển Đài Loan, và các vấn đề nhân quyền". Trong thông điệp nói trên, người phát ngôn phủ tổng thống Đài Loan, Trương Đôn Hàm (Xavier Chang), cũng khẳng định : "Với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Đài Loan sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các quốc gia cùng chia sẻ các giá trị, trong đó có Hoa Kỳ, để góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Bắc Kinh thường xuyên mô tả Đài Loan như là vấn đề quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Quan hệ Mỹ - Đài siết chặt trong nhiệm kỳ của tổng thống tiền nhiệm Donald Trump khiến Trung Quốc tức giận. Trong cuộc điện đàm hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương là các vấn đề thuộc "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", mà Bắc Kinh hy vọng tổng thống Mỹ sẽ đề cập đến một cách thận trọng.

Cũng trong cuộc điện đàm hôm qua, tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến "những quan ngại sâu sắc" của Washington trước các trấn áp tại Hồng Kông, tình trạng người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp tàn bạo tại Tân Cương, cũng như "các hàng động lấn lướt ngày càng gia tăng trong khu vực, bao gồm Đài Loan".

Theo Reuters, cùng ngày với cuộc điện đàm đầu tiên giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ đã có cuộc họp chính thức đầu tiên, kể từ khi tổng thống Biden nhậm chức, tại Washington. Đại diện ngoại giao trên thực tế của Đài Bắc tại Hoa Kỳ, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đã gặp ông Sung Kim, quyền vụ trưởng vụ Đông Á và Thái Bình Dương, bộ Ngoại Giao Mỹ.

Giống như tuyệt đại đa số các nước, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Chính sách "Một nước Trung Hoa" vẫn là trụ cột trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, tuy nhiên, mỗi bên có cách giải thích khác nhau. Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp vũ khí chủ yếu cho Đài Loan và là thế lực quốc tế quan trọng nhất hậu thuẫn hòn đảo, trên thực tế đã trở thành một Nhà nước độc lập.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Vân, Trọng Thành
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)