EVN : điển hình của ngạo mạn quốc doanh
Mặc Lâm, VOA, 04/05/2019
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gọi tắt là EVN, có lẽ là cơ quan quốc doanh được người dân biết đến nhiều nhất mặc dù Việt Nam hiện nay có không ít tập đoàn kinh tế nhà nước. EVN được dư luận quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của mọi công dân trên lãnh thổ này vì lý do duy nhất : giá điện.
Kinh tế tăng trưởng làm tăng nhu cầu điện ; và điện tăng giá nhưng không giải thích được.
Nếu nói EVN là tập đoàn tai tiếng nhất cũng không sai vì từ nhiều năm qua báo chí không ngớt đưa những tin tức bất lợi chống lại tập đoàn này từ việc đầu tư ngoài ngành cho đến những nham nhúa trong việc đem cả những chi phí xây dựng nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập hay song lập, chung cư cao tầng có tiện nghi cao cấp như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với giá trị gần 600 tỷ đồng rồi tính vào khoản lỗ để làm lý do tăng giá điện.
Quyết định tăng giá mới nhất có hiệu lực từ tháng 3 năm 2019 qua thông báo giá điện tăng 8,3% nhưng qua thực tế người dân cho rằng hóa đơn tiền điện của họ đã tăng 50% thậm chí gấp đôi và có những bài viết phân tích của nhiều người lại xác định giá điện có thể tăng lên tới 75% tùy theo số điện sử dụng.
Qua phân tích của các chuyên gia kinh tế thì tuyên bố của EVN chỉ tăng 8.3% giá điện rõ ràng là sai, cố tính lập lờ, 8.3% là mức tăng của giá điện cơ bản, chứ không phải mức tăng của giá điện bình quân.
Người dân nổi giận vì sự qua mặt này một phần, một phần khác họ có cảm giác như bị bóc lột và không được kêu ca hay phàn nàn. Đứng trước một đối tượng "tầm cỡ" như EVN họ không còn chọn lựạ nào khác cách duy nhất là tiết kiệm số điện tiêu thụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu và giao phó con đường "tiền điện" phía trước cho nhà nước gánh vác.
Nhưng nhà nước gánh vác cách nào khi bất lực trước những sai trái có tính hệ thống của EVN bày ra trước mắt nhưng không thể có biện pháp mạnh đối với những lãnh đạo trực tiếp ký vào các dự án đầu tư ngoài ngành, những hoạt động kinh doanh được dựng lên để bòn rút ngân sách và cấu kết với các nhóm lợi ích nhằm chiếm dụng dòng vốn của nhà nước để rồi sau đó báo cáo lỗ triền miên hết năm này sang năm khác ?
Nhưng EVN có thực sự làm ăn thua lỗ trong ngành điện hay không thì lại là chuyện khác.
Căn cứ trên báo cáo thường niên của EVN thì từ năm 2013 đến nay tập đoàn này luôn thu được lợi nhuận trong kinh doanh điện. Chỉ riêng năm 2017 thì mới thất thu. Tuy nhiên nếu bình quân cho 6 năm từ 2013 tới 2018 thì số tiền lời lên tới hơn 20 ngàn tỉ chưa kể tiền thu được của năm 2019.
Không phải giá điện thấp làm cho EVN phải khai phá sản như nó từng hăm dọa trước đây mà chính là đầu tư ngoài ngành mới làm cho khuôn mặt của nó bệ rạc, vay đầu này, đắp đầu kia. Hình ảnh của nó không khác gì một con nợ điển hình của Việt Nam ngày nay tuy có bề ngoài bề thế nhưng mục ruỗng bên trong không phương cứu vãn.
Theo kết luận thanh tra mới đây cho biết EVN đã đầu tư ra ngoài với số vốn lên đến 121 ngàn tỉ vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, thậm chí vào giáo dục…nhưng không có nơi nào có lãi kể cả đầu tư vào giáo dục vẫn lỗ. Trước đây EVN và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký hợp đồng đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh cho 164 cán bộ thuộc EVN. Số tiền đã thanh toán cho khoa sau đại học là 1,648 tỷ, các chi phí khác gần 500 triệu đồng do Đại học Griggs của Mỹ đào tạo và cấp bằng. Toàn bộ số tiền đều đã được chuyển cho Đại học Griggs. Tuy nhiên, bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường này cấp không được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận. Vậy là lỗ trắng vừa tiền vừa công sức của người đi học.
Câu hỏi mà người không rành về kinh tế nhất cũng có thể đặt ra : Tại sao EVN lại đầu tư vào lĩnh vực mà nó không chuyên môn là điện ? Và rất nhiều người biết lý do : vì nó là công ty quốc doanh, mà quốc doanh thì không ai trách nhiệm cho sự thành bại của chính nó.
Một vài quan chức muốn bênh vực cho sự bất cập trong việc liên tục tăng tiền điện đưa ra ý kiến cho rằng ngành điện mang "nhiệm vụ chính trị" nên nó chịu lỗ để khuôn mặt chính trị của Đảng có ý nghĩa chia sẻ gánh nặng cho người dân. Lập luận này hoàn toàn ngụy biện, ngành điện hay bất cứ đơn vị kinh doanh nào đều không mang gánh nặng "nhiệm vụ chính trị" như quan chức của chế độ vẽ vời. Nếu cho rằng mạng lưới điện quốc gia là hình thức "nhiệm vụ chính trị" cũng là cách nói hào nhoáng đánh bóng nhiệm vụ mà một chính phủ có bổn phận đối với quốc gia với thể chế mà nó đang phục vụ.
Người dân từng nghe tôn vinh rằng các tập đoàn kinh tế quốc doanh là những quả đấm thép, chúng góp sức làm cho kinh tế Việt Nam phát triển nhưng sự thật lại khác đi, những quả đấm thép ấy không đấm được ai mà chỉ nhắm vào dân, tức vào túi tiền mà người dân móc ra trả thuế. Những cái tên như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn Than khoáng sản, hay Tập đoàn Điện lực….đang điển hình cho sự ngạo mạn quốc doanh mà chúng được đảng giao phó.
EVN ngạo mạn trong việc xem thường túi khôn của quần chúng. Hóa đơn tiền điện nhảy vọt vì sự độc quyền kinh doanh mà một doanh nghiệp nhà nước được thụ hưởng. Cung cách EVN không khác gì cách phục vụ của những cửa hàng quốc doanh ở miền Bắc khi nhân viên hoạnh họe, quyền lực và khinh bỉ khách hàng là thuộc tính.
Cái ngạo mạn thứ hai là quyền lực được đảng giao cho nó là vô giới hạn. Nó có quyền được lỗ và thu tiền dân bù vào cái lỗ khả nghi ấy. Nó có quyền được chia cho nhân viên những phương tiện xa hoa từ nguồn tiền nhà nước mà không ai được chỉ trích.
Cái ngạo mạn thứ ba là nó có quyền cắt giòng điện quốc gia bất cứ lúc nào và biện giải rằng do lỗ lã không thực hiện được "nhiệm vụ chính trị".
Và cái ngạo mạn cuối cùng là nó sẽ vẫn đứng đó, thách thức thời gian và công luận về những sai trái mà nó làm dưới cái mác Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 04/05/2019
****************
Ngài phó thủ tướng thích đùa
Trúc Giang, VNTB, 03/05/2019
"Tầm phó thủ tướng mà không biết hệ quả của giá điện tăng như thế nào mà phải ‘yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng’. Theo tôi, cả đám chính phủ phụ trách kinh tế công nghệ, bắt đầu từ Nguyễn Xuân Phúc, phải đi xuống, trả ghế thủ tướng lại cho người khác". Ông Ngô Quốc Dũng, một học giả người Việt sống tại Marseille - Pháp, nhận xét.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Ảnh minh họa
"Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng" là tựa của một bài viết đăng trên báo điện tử Vietnamnet hôm 01/05/2019 (1). Theo tường thuật của bài báo, thì phó thủ tướng Vương Đình Huệ trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã yêu cầu : "Đối với mặt hàng điện, Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định".
Trên báo điện tử VnExpress cũng có bài tường thuật tương tự (2).
"Tác động của giá điện tăng là gì ? Là chuyện mà lãnh đạo phải nhìn thấy trước. Tầm thủ tướng thì phải biết trước từ một tới ba năm. Tầm chính sách quốc gia thì phải biết trước từ 20 năm". Ông Ngô Quốc Dũng, người tốt nghiệp đại học chuyên ngành toán – lý tại Pháp, nhận xét.
Ở đây xem ra nhiều khả năng có nguyên nhân khó nói nào đó, chứ không hẳn là ông Vương Đình Huệ dốt tính toán, vì bản thân ông Huệ cũng là dân khoa toán như ông Dũng. Ông Huệ còn là giảng viên khoa Kế toán của trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, và từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ hiểu rất rõ về "Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", vốn đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Như vậy thì vì sao ông Huệ lại có thể ngờ nghệch đưa ra yêu cầu "đánh giá tác động của giá điện tăng" ở vào giai đoạn mà chính phủ đã quyết định đồng ý tăng giá điện ? Nghĩa là đặt trong sự đã rồi.
Với yêu cầu "đánh giá tác động của giá điện tăng", cho thấy ông Vương Đình Huệ rất có thể thấu hiểu cặn kẽ nội tình của các phe nhóm trong bộ máy chính phủ và cả bên Đảng. Bởi khi Bộ Công thương muốn tiêu thụ các loại "điện mặt trời – photovoltaique" như hổm rày, thì họ ‘lốp-by’, tung tiền nhét vào miệng các ‘chuyên gia’ để họ ‘dẫn dắt dư luận’ (3). Điện gió thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vậy…
Người viết nghĩ rằng nguyên do chính ở đây là sự độc quyền chính trị dễ dẫn tới sự cám dỗ ‘ma đưa lối, quỷ đưa đường’ của độc đoán, lũng đoạn mang tính phe nhóm.
Đơn cử, Bộ trưởng Bộ Công thương thời nào cũng vậy, đều là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Chuyện quy hoạch phát triển điện với các lợi ích nhóm như nhiệt điện than do Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam theo phương thức BOT, nếu không được sự đồng tình của Bộ Chính trị, chắc chắn sẽ khó thể triển khai.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi các quyết sách đó, mặc dù ‘ăn đồng chia đủ’, song nếu bộc lộ những yếu kém do hạn hẹp tầm nhìn, thì việc quy lỗi cho tới nay gần như không thấy bóng dáng của vị đứng đầu Bộ Chính trị. Đây chính là điều mà dẫu ông Vương Đình Huệ có tài năng đến đâu trong ngành kiểm toán, ông cũng không thể giải nỗi ẩn số mang tên nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Bộ Chính trị đã hoạch định nhưng không hề rõ hình hài.
Lẽ ấy, nên xem ra ông Vương Đình Huệ đành chọn nước cờ "Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng", qua đó mở ra những cơ hội cho báo chí cũng như phe nhóm ‘đối nghịch’ nào đó (nếu có !), có thể đường hoàng lập những kênh điều tra độc lập quanh chuyện giá điện tăng có thực sự chỉ nhỉnh hơn 8% như tuyên bố của EVN.
Hoặc cũng rất có thể "yêu cầu đánh giá tác động của giá điện tăng" chỉ là một trò vui của ngài phó thủ tướng thích đùa. Bởi ở Việt Nam trong mọi trường hợp, người dân đều nghe quen câu cửa miệng "đã có Đảng và Nhà nước lo" (!?).
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 03/05/2019
(3) "Giảm vài triệu đồng tiền điện mỗi tháng nhờ lắp điện mặt trời" trên tờ VnExpress là đơn cử.
*****************
"Côn đồ nhà nước" hay câu chuyện EVN
An Viên, VNTB, 03/05/2019
Sự bức xúc của người dân đối với EVN chỉ là nhìn thấy những tai hại trước mắt, bởi bản thân EVN được hình thành từ chính cơ chế và chính sách nhà nước. Nếu cơ chế tốt, thì chắc chắn, EVN đã không có cơ hội đầu tư "thua lỗ" ngoài ngành, và các mà giới lãnh đạo EVN phung phí tiềm năng quốc gia như hiện nay. Do đó, nếu EVN là côn đồ nhà nước, thì cơ chế sinh ra EVN chính là lưu manh nhà nước.
Tác giả Sen Nguyen trong một bài viết trên trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (South China Morning Post - một trang tin tiếng anh của Hongkong) đã đề cập đến một nhóm người có ảnh hưởng trên truyền thông xã hội, vốn làm dấy lên mối lo ngại sẽ khiến lớp trẻ học theo. Sen Nguyen gọi đó là "bọn côn đồ trực tuyến" (online gangsters).
"Để tôi nói cho bạn chuyện này. Trong xã hội này, không có đúng hay sai. Chỉ có kẻ yếu và kẻ mạnh", một câu nói của Khá Bảnh thu hút rất nhiều lượt xem trên Youtube lẫn Facebook.
Và khi Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền (hay nhân vật giang hồ đình đám trên mạng xã hội xuất hiện) bao quanh hai người là lớp trẻ lẫn người trung niên. Một cái gì đó khiến những người Việt Nam nghĩ ngay đến hình ảnh lãnh tụ về thăm dân – một hình ảnh vốn thường trực trong chiến tranh và ngày càng xa xỉ thường bình.
Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền, và nhiều những "côn đồ trực tuyến" thu hút được lớp trẻ, vì bản thân các nhân vật này đại diện cho một hệ giá trị đang có chỗ đứng trong xã hội. Nơi mà, "mạnh được yếu thua" đang làm chủ, nơi mà người dân cầu vọng một "anh hùng" đứng ra giúp dân cứu nước.
Một khát vọng về một mẫu hình Lương Sơn Bạc hay Thái Bình Thiên Quốc như trong phim ảnh hay tiểu thuyết Trung Quốc từng đặc tả.
Hãy lắng nghe một vụ tai nạn giao thông mà biển số xanh là yếu tố gây lo ngại. Cư dân mạng lo ngại một "thế lực biển xanh" có thể khiến cho vụ việc trở nên chìm xuồng.
Trong tháng Tư vừa qua, cộng đồng mạng xã hội dậy sóng, lý do nằm ở một ông Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Thành phố Đà Nẵng dâm ô một bé gái trong cầu thang máy. Và cư dân mạng lo sợ vì tiến trình điều tra, truy tố của các cơ quan điều tra có liên quan chậm rãi một cách bất thường, họ lo ngại về quyền lực nhà nước bị can thiệp bởi "địa vị, vai trò xã hội" của ông Linh. Và theo báo Tuổi Trẻ online, đến tận tối ngày 21 tháng Tư, Viện Kiểm sát quận 4 (Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn chưa phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra Công an quận 4.
Điều đó cho thấy rằng, niềm tin của xã hội đang sút giảm nghiêm trọng, bản thân người dân không còn tin cậy những phát ngôn về mặt "thượng tôn pháp luật" hay "nhà nước vì dân", họ tin rằng, mạnh được yếu thua đang trở lại. Và "côn đồ trực tuyến" được đón nhận chính vì nhóm người này thể hiện đúng sự bản chất hiện thực xã hội đương thời.
EVN hay "côn đồ nhà nước" ?
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành chủ đề nóng kế tiếp theo "côn đồ trên mạng" vì giá điện và đầu tư ngoài ngành.
Bằng cách đầu tư ngoài ngành, EVN đã gia nhập những tập đoàn… thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. EVN đúng chuẩn làm theo xã hội chủ nghĩa nhưng tiêu sài hơn tư bản chủ nghĩa. Và vì vậy, những khoảng tiền nhà nước luôn được EVN vung tay quá trán.
Vấn đề đặt ra, EVN giữ thế độc quyền trong năng lượng điện, bản chất doanh nghiệp nhà nước này được xếp hạng "đặc biệt", và EVN đã tận dụng tốt điều này. Những khoảng lỗ do đầu tư trái ngành, yếu kém trong quản lý đã được chuyển thành giá điện theo lũy kế, và trong những ngày đầu tiên của mùa hè năm 2019, giá điện tháng Tư đã gấp 2-3 lần so với giá điện tháng trước đó.
Nhiều quan điểm đã cho rằng, phương thức chuyển lỗ của EVN không khác gì một lũ côn đồ, một lưu manh, và bịp bợm có thừa. Bởi bằng cách đó, EVN đã không phải gánh chịu một trách nhiệm từ sự yếu kém lẫn tham nhũng của mình, trong khi toàn bộ những điều mà người dân không làm buộc họ phải gánh chịu.
Điện tăng lũy làm giá điện tăng, cùng với giá xăng dầu tăng tiếp vào đầu tháng Năm, đã đẩy đời sống người dân lẫn khối doanh nghiệp sản xuất vào một thời kỳ khó khăn mới. Thời kỳ mà "vật giá" bao vây tứ phía.
"EVN là côn đồ nhà nước, chính lũ phá hoại đã cản trở sự phát triển của quốc gia", Facebooker Dương Nga cho hay.
Sự bức xúc của người dân đối với EVN chỉ là nhìn thấy những tai hại trước mắt, bởi bản thân EVN được hình thành từ chính cơ chế và chính sách nhà nước. Nếu cơ chế tốt, thì chắc chắn, EVN đã không có cơ hội đầu tư "thua lỗ" ngoài ngành, và các mà giới lãnh đạo EVN phung phí tiềm năng quốc gia như hiện nay. Do đó, nếu EVN là côn đồ nhà nước, thì cơ chế sinh ra EVN chính là lưu manh nhà nước.
Một cơ chế lưu manh không thể sinh ra một hệ thống vì dân !. Và chính vì những bất công tồn tại cách đương nhiên trong xã hội, vận hành một cách nghiễm nhiên bất chấp những khó khăn, kêu thán từ người dân như vậy, đã khiến người dân quay lưng nhà nước và sớm gia nhập vào giấc mộng về Lương Sơn Bạc hay Thái Bình Thiên Quốc, nơi "mạnh được yếu thua" được biểu hiện rõ rệt, thay vì khoác lớp áo "của dân, do dân, vì dân".
An Viên
Nguồn : VNTB, 03/05/2019