Trong văn bản pháp luật, thuật ngữ "bầu cử" được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước. Thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri) nhằm bầu ra một đại biểu (chức danh) với điều kiện phải có từ hai ứng cử viên trở lên. Định nghĩa trên cho phép phân biệt bầu cử với phương pháp khác trong việc thành lập cơ quan nhà nước, như bổ nhiệm, chỉ định.
Sở dĩ gọi là theo "danh sách", vì ở Việt Nam là câu chuyện của "Đảng cử – Dân bầu".
Ngoài những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị (thành lập cơ quan nhà nước), bầu cử còn được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, chính trị, như các đảng chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể quần chúng… Bầu cử cũng thường được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức thương mại và tư nhân, từ các câu lạc bộ cho đến các hội từ thiện và các tập đoàn…
Khác với cuộc bầu cử được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cuộc bầu cử thành lập cơ quan nhà nước hay một chức danh nhà nước được điều chỉnh bởi Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành. Thông thường, cơ quan đại diện của chính quyền địa phương được thành lập bằng con đường bầu cử. Ở một số nước, các cơ quan nhà nước khác như Tổng thống, Chính phủ, Tòa án cũng được thành lập thông qua bầu cử.
Bầu cử cho phép người dân có quyền rất lớn để hành động như những "chủ nhân" chọn những "công bộc" chính quyền cho chính họ. Ở Việt Nam thì danh sách "công bộc" sẽ được Đảng đưa ra để những "chủ nhân" chọn giới hạn trong danh sách đó thôi. Điều này cũng được áp dụng ngay trong chính bầu cử ở nội bộ Đảng – ví dụ vừa qua Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị ‘điều’ ông Nguyễn Văn Nên, người đang giữa chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng về ‘ứng cử’ ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả ông Nên đắc cử với tỷ lệ 100% (nghĩa là có luôn cả lá phiếu bầu bản thân mình của ông Nên). Điều này cho thấy dân chủ trong việc chọn người tài trong nội bộ Đảng, vẫn thuộc vào duy ý chí của Bộ Chính trị.
Đề có thể ‘lọt’ vào ‘danh sách’ để Đảng cử, lẽ dễ hiểu là người ấy phải được lòng Bộ Chính trị đương nhiệm. Thực tế cho thấy khá nhiều cán bộ, công chức của Việt Nam sau khi được "Dân bầu", đa phần là thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh. Đây không phải là chuyện "bới bèo ra bọ" mà là thái độ khoa học cần thiết phản biện dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ.
Quyết định của Đảng không phải là quyết định của các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp), nhưng cũng không phải là quyết định suông, mà có quyền lực thật sự.
Chính điều này đưa đến bài toán khó là muốn làm theo đúng ý nguyện của nhân dân, những công bộc dân cử hay công chức các cấp các ngành phải lãnh đạo, quản lý đất nước theo hiến pháp và hệ thống pháp luật do các cơ quan dân cử có thẩm quyền (quốc hội, cơ quan dân cử các cấp…) lập ra, có hiệu lực cưỡng hành và chế tài vi phạm đối với mọi người dân, cũng như những công bộc làm việc cho dân trong guồng máy công quyền quốc gia, từ trung ương đến các địa phương – chứ không phải là những ý kiến từ Bộ Chính trị như thường thấy lâu nay.
Bởi vậy nên "Đảng cử – Dân bầu" được xem như là mệnh lệnh hành chính, trong bối cảnh ở Việt Nam không chấp nhận các ứng viên được tự do đăng đàn kêu gọi lá phiếu cử tri.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 03/11/2020
Ngợi ca về Tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta hay rao giảng về nhiều huấn thị được cho là hết sức dân chủ của ông Hồ Chí Minh. Ít ai để ý rằng lúc đó là "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", không phải là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng, trong một phiên chất vấn của Quốc hội ngày 12/06/2010 : "Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, ngày mai thấy sai chỗ kia, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, lấy ai mà làm việc các đồng chí ?"
Hãy đọc lại đoạn sau đây được cho là ‘văn nói’ của chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chính phủ tại đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước ngày 30/12/1966 :
"Tôi có một ý kiến bây giờ mới nói ra. Đây là đại hội anh hùng, có những anh hùng, chiến sĩ, có những đơn vị anh hùng, những tập thể anh hùng rất xứng đáng. Song có một tập thể cũng rất xứng đáng anh hùng mà Ban thi đua không đề nghị. Tập thể ấy là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính phủ ta là một chính phủ lâu bền, vững vàng. Trên thế giới không có chính phủ nào mà đã hơn 20 năm lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi như Chính phủ ta. Chính phủ ta lại có một cái đặc biệt mà trong thế giới không ai có là lương chính phủ, từ cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng lại ít nhất so với các chính phủ trên thế giới.
Các đại biểu thấy Chính phủ ta có anh hùng không ? Các cô, các chú, các cháu có hoa đỏ rồi thì ngày mai, ngày kia sẽ được tặng danh hiệu anh hùng nhưng mà Chính phủ thì không được tặng danh hiệu anh hùng. Bác nói là Ban thi đua thiếu sót chứ Bác không kiện.
Bởi vì Chính phủ ta là một chính phủ làm đầy tớ của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Nếu ai ở trong Chính phủ mà muốn làm quan thì không ở được trong Chính phủ ta. Bác nói như thế là chẳng những trong Chính phủ trung ương mà cả chính phủ địa phương cho đến các ủy ban hành chính xã, nếu ai muốn làm quan thì mời đi làm quan chứ không được ở trong chính quyền của ta".
(Trích băng ghi âm lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Văn bản dẫn theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966-1969), trang 190, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000)
Những lời như ghi ở trên là chủ tịch Hồ Chí Minh nói miệng chứ không phải đọc bằng giấy.
Cũng ở dạng ‘văn nói’, những mẫu câu sau đây được phát ngôn trong các bối cảnh theo ghi nhận như sau qua bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập : Trong một lần nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2, Bác nói :
"Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần nữa".
Thậm chí, trong một lần nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ còn quả quyết rằng :
"Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi".
Chính phủ trong các lời phát ngôn kể ở trên, là chính phủ của một Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, trong chính phủ của ông Hồ Chí Minh có Đảng Dân chủ Việt Nam với người đứng đầu là ông Dương Đức Hiền, Tổng Thư ký đầu tiên của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thanh niên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ủy ban Thường trực Quốc hội khóa I và khóa II.
Ngày 13/10/1988, Hội đồng Nhà nước đã tặng Huân chương Sao Vàng – là Huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Đảng Dân chủ Việt Nam đề ghi nhận những cống hiến của Đảng Dân chủ Việt Nam trong sự nghiệp Cách mạng chung của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khi được tặng Huân chương Sao Vàng, Đảng Dân chủ Việt Nam tuyên bố giải thể trong năm 1988.
Trong chính phủ của ông Hồ Chí Minh còn có Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập ngày 22 tháng 7 năm 1946, tên ban đầu Việt Nam xã hội đảng, dưới vận động của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm mục đích "tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ".
Lãnh đạo ban đầu là Phan Tư Nghĩa, Nguyễn Xiển, bảo trợ chính trị là Võ Nguyên Giáp. Đảng có 24 ghế trong Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tập hợp trong khối cánh tả. Một số thành viên như Hoàng Minh Giám, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Phúc Thông, tham gia chính phủ Việt Nam.
Cùng với Đảng Cộng sản (Việt Minh) và Đảng Dân chủ (và trong một thời gian ngắn các đảng khác), Đảng Xã hội đã liên minh tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ khóa II Quốc hội, các ứng cử viên tham gia ứng cử trong khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khi trào lưu đa nguyên đa đảng bắt đầu nảy nở ở một số nước cộng sản Đông Âu, với lý do đã kết thúc sứ mạng lịch sử, Đại hội đại biểu Đảng Xã hội họp từ ngày 21 đến ngày 22/07/1988 đã ra tuyên bố giải thể Đảng.
Như vậy với một chút gợi lại lịch sử về đảng phái chính trị ở thời điểm mà ngày nay vẫn hay nhắc tới huấn thị cho rằng đầy dân chủ, "Dân có quyền đuổi những công bộc hư hỏng", cho thấy hành động đó chỉ khả thi khi có sự cạnh tranh giữa những đảng phái chính trị.
Còn một khi đã ‘một mình, một chợ’, thì nói như than vãn của ông Nguyễn Sinh Hùng lúc là phó thủ tướng mà báo chí đã đăng, thì :
"Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, ngày mai thấy sai chỗ kia, ‘cách chức đi, kỷ luật đi’, lấy ai mà làm việc các đồng chí ?
Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp ?".
(Phiên chất vấn của Quốc hội sáng 12/06/2010)" (*)
Xem ra ngợi ca Tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải được hiểu đó là những phát ngôn ở thế chế chính trị có vẻ ngoài hình thức là đa đảng phái chính trị.
Minh Thúy
Nguồn : VNTB, 28/02/2020
Chú thích :
(*)https://thanhnien.vn/thoi-su/co-tu-chuc-buoc-tu-chuc-moi-chon-duoc-nguoi-thuc-tai-lam-viec-417854.html
https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-nguyen-sinh-hung-phai-lam-duong-sat-cao-toc-383865.htm
Theo báo chí Việt Nam, ngày 28 tháng 9, Tổng cục Môi trường đã triệu hồi ông Nguyễn Xuân Quang về Hà Nội để giải trình (1).
Đúng là "họa vô đơn chí" !
Một buổi sinh hoạt chuyên đề cấp cơ sở về "suốt đời vì dân, vì nước, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân" (2012) - Ảnh minh họa
Chẳng riêng dân chúng, báo giới mà bây giờ, dường như cả lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng thiếu đồng cảm với ông Quang, người vừa mất 385 triệu đồng !
Ông Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường là một trong những viên chức được chỉ định làm lãnh đạo mười đoàn thanh tra, chia nhau kiểm tra tất cả các doanh nghiệp mà hoạt động có thể nguy hại cho môi trường trên khắp Việt Nam.
Ông Quang đến Long An hôm 20 tháng 9, dự tính sẽ ở đó 45 ngày để kiểm tra hoạt động của 30 doanh nghiệp. Mới kiểm tra được bảy doanh nghiệp thì ngày 26 tháng 9, phòng của ông Quang tại một khách sạn ở thị xã Tân An bị trộm viếng. Gần 400 triệu của ông Quang không cánh mà bay. Đã vậy Công an Long An còn tiết lộ thêm với báo chí, rằng may mà ông Quang vừa đem đến ngân hàng, gửi vào tài khoản riêng của ông một khoản tiền lớn (không rõ số lượng), nếu không, hậu quả của vụ trộm còn trầm trọng hơn.
Đáng nói là chỉ một mình ông Quang đau xót. Còn công an, báo giới, dân chúng đều cùng làm ngơ trước nỗi đau ấy. Dù ông Quang đã giải thích là khoản tiền khổng lồ so với thu nhập bình thường của một viên chức đó là tiền Nguyễn phu nhân giao cho ông mang vào Sài Gòn giải quyết việc riêng của gia đình, nhưng thiên hạ chẳng những không tin lại còn gièm pha.
Hẳn ông Quang rất buồn vì chẳng "thằng nào, con nào" thấy sự tận tụy của ông. Hoạt động của những doanh nghiệp mà ông Quang phải kiểm tra trong đợt công tác này đều thuộc loại phức tạp. Đâu dễ để xác định việc xả - xử lý nước thải từ sản xuất giấy, dệt, nhuộm, bao bì, hóa chất,… có gây nguy hại cho môi trường hay không, vậy mà trong sáu ngày, ông đã kiểm tra xong tới 7/30 doanh nghiệp thuộc loại này. Dưới gầm trời đầy dẫy chuyện ô trọc, vàng thau lẫn lộn, "đố cha thằng nào con nào" tìm được những người có năng lực tuyệt vời tới vậy.
Thiên hạ rõ ràng là… bạc !
***
Chẳng phải bây giờ mà nhiều năm gần đây, dân chúng Việt Nam thường xuyên tỏ ra bạc bẽo như thế đối với các "công bộc" của họ.
Năm 2011, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bị kẻ gian đột nhập vào phòng làm việc, cuỗm mất 245 triệu đồng và 2.000 Mỹ kim...
Trong năm 2011, kẻ gian đột nhập tư gia của ông Trương Công Chiến, Đội trưởng Đội Thuế Trước bạ của Chi cục Thuế quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, cuỗm sổ tiết kiệm, Mỹ kim, vàng, nữ trang, trị giá hơn sáu tỉ đồng...
Năm 2012, kẻ gian đột nhập tư gia của ông Đồng Xuân Thọ, Phó Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng của tỉnh Đồng Nai, trộm một chiếc xe hơi trị giá 800 triệu đồng...
Năm 2013, kẻ gian đột nhập vào tư gia ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, cuỗm mất 65 lượng vàng, vào thời điểm đó trị giá khoảng 2,8 tỉ đồng...
Cũng trong năm 2013, kẻ giam đột nhập tư gia của một cặp vợ chồng mà vợ là cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, chồng là cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An, cuỗm cả tiền lẫn vàng, trị giá khoảng hai tỉ đồng...
Năm 2014, kẻ gian đột nhập phòng làm việc của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cuỗm 1,6 tỉ đồng…
Thế nhưng không riêng dân chúng mà ngay cả báo chí cách mạng cũng tỏ ra thiếu đồng cảm trong việc… chia sẻ hoạn nạn với các… nạn nhân. Yếu tố nổi lên hàng đầu sau những vụ trộm vừa kể luôn luôn là chuỗi thắc mắc, bình phẩm tại sao các "công bộc" nhiều tiền, lắm vàng như vậy ? Luồng dư luận có tính chủ đạo ấy khiến phòng làm việc và tư gia của các "công bộc" trở thành nơi nhiều kẻ gian thích thăm viếng. Các "công bộc" vốn đã đau vì mất của, lại phải ngậm đắng nuốt cay, khai báo có khác gì chường mặt cho "chúng" dè bỉu.
Năm 2014, khi điều tra hoạt động của một băng trộm tại Bắc Kạn, công an Bắc Kạn phát giác, hóa ra băng trộm này từng đột nhập tư gia của ông Lăng Văn Hòa (Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn) và bà Dương Thị Hạnh (cán bộ Tỉnh ủy Bắc Kạn) trộm cả tiền, Mỹ kim, vàng, nữ trang, trị giá 1,2 tỉ. Tương tự, sau khi công an Việt Nam bắt được Nguyễn Tuấn Vũ, công chúng Việt Nam mới biết, phòng làm việc của nhiều "công bộc" tại các tỉnh : Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng,… đều đã từng bị Vũ "viếng".
Năm 2015, sau khi ông Võ Kim Cự, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, bắt quả tang Nguyễn Tiến Quân đang cạy cửa phòng làm việc của mình, người ta mới biết phòng làm việc của ông Cự thời ông làm Chủ tịch tỉnh này từng bị Quân viếng mà ông Cự không kể nên người ta không rõ Quân nẫng của ông bao nhiêu. Thiên hạ chỉ biết Phó Chủ tịch huyện Can Lộc từng bị Quân đột nhập vào phòng làm việc trộm 233 triệu đồng !
Nói theo kiểu ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam khóa 13, thì rõ ràng là "văn hóa ứng xử tại Việt Nam đang có vấn đề". Tiếc là ông Kiên đã thôi đăng đàn nên không thể nhờ ông phân tích "vấn đề" về "văn hóa ứng xử" đến từ phía nào và tại sao lại thế !
***
Bây giờ thì nhiều người đang tỏ ra hồ hởi trước sự kiện ông Quang – nạn nhân vụ trộm 385 triệu đồng – bị triệu hồi về Hà Nội để giải trình. Thế là không "ôn cố", làm sao có thể "tri tân" ?
Hồi thượng tuần tháng 4 năm 2006, tiếp viên trên một phi cơ của Vietnam Airlines giao lại cho An ninh hàng không của phi trường Nội Bài một cái cặp hiệu Echolac, ở quai có gắn thẻ VIP mà hành khách để quên. Mở cặp để thực hiện các thủ tục liên quan đến hành lý vô chủ, An ninh hàng tìm thấy 11 phong bì, trong đó 2 phong bì có ghi nơi gửi là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, 2 phong bì ghi nơi gửi là các doanh nghiệp nhà nước (Ban Quản lý Dự án thủy điện Sê San 3A thuộc Tổng Công ty Sông Đà và Công ty Tư vấn - Xây dựng đường thủy thuộc Tổng Công ty Tư vấn - Thiết kế giao thông vận tải). 7/11 phong bì còn lại không ghi nơi gửi. Tổng số tiền chứa trong 11 phong bì này lên tới 20 triệu đồng và 10.300 Mỹ kim…
Sau đó, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã làm việc với An ninh Hàng không để thu lại cặp đựng phong bì đó vì nó là của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - chức vụ tương đương Thứ trưởng. Một trong những cá nhân mà chỉ Ban Bí thư của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền định đoạt số phận.
Do tác động của dư luận, Đảng ủy Văn phòng Chính phủ đã tổ chức kiểm điểm ông Lâm vì lỗi "quên cặp sau chuyến công tác dài ngày ở miền Trung". Nơi này thông báo, nhờ trong cặp không có tài liệu mật nên lỗi của ông Lâm không đáng kể.
Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nói thêm, họ không kiểm điểm chuyện ông Lâm đã nhận phong bì do một số nơi gửi tặng bởi đó là "quà cho cả đoàn". Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận giải thích của ông Lâm về 7/11 phong bì không ghi nơi gửi : Đó là tiền do "anh em trong Nam gửi mua ‘sừng tê’ và một số thứ khác.
Để dân chúng thôi dị nghị, Văn phòng Chính phủ loan báo sẽ chuyển ông Lâm từ chỗ đặc trách chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại sang đặc trách nghiên cứu, xây dựng pháp luật. Ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, loan báo, tuy Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không có ý kiến về khoản tiền ông Lâm đã nhận của một số nơi nhưng ông Lâm vẫn chứng tỏ thiện tâm bằng cách gửi số tiền ấy vào Quỹ Công đoàn của Văn phòng Chính phủ nhằm… giúp người nghèo và khuyến học.
Việc tiếp nhận – xử lý vụ ông Nguyễn Văn Lâm của Đảng, Chính phủ đã nghiêm túc, khách quan đến vậy mà dân chúng vẫn cứ bàn ra, tán vào. Tháng 7 năm 2006, ông Lâm xin từ chức. Thật là… đau lòng !
***
Việt Nam có hàng chục ngàn người nhờ nghiên cứu những đề tài kiểu như "Tắm, giặt của chiến sĩ miền núi" mà trở thành tiến sĩ nhưng lại chưa có ai nghiên cứu vấn đề đang càng ngày càng nóng : Tại sao ác cảm của dân chúng Việt Nam đối với "công bộc" càng ngày càng tăng ?
Bao giờ các nghiên cứu sinh tiến sĩ của hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chú ý tới đề tài này nhỉ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/09/2017
--------------------
(1) Quan chức Việt Nam đi thanh tra 'mất gần 400 triệu đồng’ (BBC, 27/09/2017)
Phó cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị mất 385 triệu đồng tại khách sạn trong lúc đi thanh tra tỉnh Long An.
Mất tiền - Hình minh họa
Theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Quang, quan chức của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường, thông báo với chủ khách sạn là bị mất trộm.
Số tiền lớn đang gây ồn ào trong dư luận ở Việt Nam.
Một lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với báo Dân Trí rằng đã yêu cầu ông Quang báo cáo sự việc.
Trong khi đó, ông Quang nói với báo chí tại Việt Nam rằng đây chỉ là tiền ông đem theo để làm việc riêng cho gia đình chứ không phải như thông tin trên mạng là của doanh nghiệp.
Vào năm 2006, truyền thông Việt Nam từng đưa tin Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm bỏ quên tại sân bay Nội Bài một chiếc cặp số màu đen, trong đó chứa nhiều phong bì đựng tiền USD.
Trong số các phong bì có cái ghi tên một số UBND tỉnh, ban quản lý dự án.
Đến tháng Bảy năm đó, ông Nguyễn Văn Lâm từ chức và nhận "khuyết điểm" vì nhận phong bì của nhiều cơ quan.
Chưa rõ liệu giới chức sẽ điều tra nguồn gốc số tiền của ông Nguyễn Xuân Quang hay không.