Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2020

Khi "chủ nhân" chỉ được bầu "công bộc" theo "danh sách"

Triệu Tử Long

Trong văn bản pháp luật, thuật ngữ "bầu cử" được hiểu là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hay chức danh nhà nước. Thủ tục này được thực hiện bởi sự biểu quyết của cử tri (đại cử tri, đại diện cử tri) nhằm bầu ra một đại biểu (chức danh) với điều kiện phải có từ hai ứng cử viên trở lên. Định nghĩa trên cho phép phân biệt bầu cử với phương pháp khác trong việc thành lập cơ quan nhà nước, như bổ nhiệm, chỉ định.

dangcudanbau1

Sở dĩ gọi là theo "danh sách", vì ở Việt Nam là câu chuyện của "Đảng cử – Dân bầu".

Ngoài những cuộc bầu cử mang tính chất chính trị (thành lập cơ quan nhà nước), bầu cử còn được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội, chính trị, như các đảng chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể quần chúng… Bầu cử cũng thường được sử dụng rộng rãi trong các tổ chức thương mại và tư nhân, từ các câu lạc bộ cho đến các hội từ thiện và các tập đoàn…

Khác với cuộc bầu cử được áp dụng trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, cuộc bầu cử thành lập cơ quan nhà nước hay một chức danh nhà nước được điều chỉnh bởi Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước ban hành. Thông thường, cơ quan đại diện của chính quyền địa phương được thành lập bằng con đường bầu cử. Ở một số nước, các cơ quan nhà nước khác như Tổng thống, Chính phủ, Tòa án cũng được thành lập thông qua bầu cử.

Bầu cử cho phép người dân có quyền rất lớn để hành động như những "chủ nhân" chọn những "công bộc" chính quyền cho chính họ. Ở Việt Nam thì danh sách "công bộc" sẽ được Đảng đưa ra để những "chủ nhân" chọn giới hạn trong danh sách đó thôi. Điều này cũng được áp dụng ngay trong chính bầu cử ở nội bộ Đảng – ví dụ vừa qua Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị ‘điều’ ông Nguyễn Văn Nên, người đang giữa chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng về ‘ứng cử’ ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả ông Nên đắc cử với tỷ lệ 100% (nghĩa là có luôn cả lá phiếu bầu bản thân mình của ông Nên). Điều này cho thấy dân chủ trong việc chọn người tài trong nội bộ Đảng, vẫn thuộc vào duy ý chí của Bộ Chính trị.

Đề có thể ‘lọt’ vào ‘danh sách’ để Đảng cử, lẽ dễ hiểu là người ấy phải được lòng Bộ Chính trị đương nhiệm. Thực tế cho thấy khá nhiều cán bộ, công chức của Việt Nam sau khi được "Dân bầu", đa phần là thiếu tư duy phản biện, dễ chấp nhận những kết luận, nhận định vuông vức, tròn trịa, êm thuận mà cấp trên đưa ra, dù trong thực tế cuộc sống còn đầy những gai góc, gập ghềnh. Đây không phải là chuyện "bới bèo ra bọ" mà là thái độ khoa học cần thiết phản biện dân chủ. Vì người phản biện chỉ có thể giành phần thắng khi chân lý thuộc về họ, chứ không vì chức vụ quan trọng mà người ấy nắm giữ.

Quyết định của Đảng không phải là quyết định của các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp), nhưng cũng không phải là quyết định suông, mà có quyền lực thật sự.

Chính điều này đưa đến bài toán khó là muốn làm theo đúng ý nguyện của nhân dân, những công bộc dân cử hay công chức các cấp các ngành phải lãnh đạo, quản lý đất nước theo hiến pháp và hệ thống pháp luật do các cơ quan dân cử có thẩm quyền (quốc hội, cơ quan dân cử các cấp…) lập ra, có hiệu lực cưỡng hành và chế tài vi phạm đối với mọi người dân, cũng như những công bộc làm việc cho dân trong guồng máy công quyền quốc gia, từ trung ương đến các địa phương – chứ không phải là những ý kiến từ Bộ Chính trị như thường thấy lâu nay.

Bởi vậy nên "Đảng cử – Dân bầu" được xem như là mệnh lệnh hành chính, trong bối cảnh ở Việt Nam không chấp nhận các ứng viên được tự do đăng đàn kêu gọi lá phiếu cử tri.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 03/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)