Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đổ lỗi tại trời khiến dân phẫn nộ
Thu Thủy, Thoibao.de, 02/11/2020
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng bị dư luận chỉ trích nặng nề vì những phát ngôn theo kiểu đổ tại trời mưa, ông Dũng còn cho rằng các báo không khách quan khi đổ lỗi cho chính quyền.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng – Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng hôm 30/10-2020 than phiền về việc báo chí đưa tin không khách quan về bão lụt lịch sử ở miền Trung trong phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ.
"Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất.
Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết "Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước" – báo mạng Pháp Luật Online trích lời ông Dũng cho biết.
Ông Dũng biện minh cho hay, mưa thì nước lên, không có thủy điện thì nước càng lên mạnh, thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn.
Còn đối với vấn đề sạt lở đất, Phó Thủ tướng cũng cho rằng đó là do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính rất kém.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn cán bộ thị sát Hồ Kẻ Gỗ – Hà Tĩnh
Khi có thêm tác động sẽ gây ra sạt lở đất rất mạnh.
Đơn cử như ở Quảng Nam khi bão vào tác động mưa cục bộ thì sạt lở đất rất mạnh.
"Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng, các đồng chí xem ảnh kìa" – ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho rằng, diện tích phủ rừng ở Việt Nam hiện nay là 40% so với 1998 là 25%, do đó một số mạng xã hội hay trên báo chí đổ lỗi cho chặt phá rừng dẫn đến sạt lở đất, đổ lỗi cho thủy điện làm sạt lở đất là không khách quan.
"Thủy điện Rào Trăng 3, sạt lở đất không phải ở phía thủy điện. Thủy điện ở đó đang xây dựng chứ không phải thủy điện làm rồi. Còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không có thủy điện" – ông Dũng tiếp tục giải thích.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng chương trình đầu tư công trung hạn xây dựng nhà chống bão và lũ ở miền Trung, ông cũng đề nghị các nhà khoa học, bộ ngành lên tiếng để tránh trường hợp chính phủ làm tốt nhưng bị chỉ trích là không làm gì cả.
"Mưa bão là kẻ thù đối mặt, còn sạt lở đất là kẻ thù không biết xuất hiện lúc nào, do đó ứng phó vô cùng khó khăn" ông Trịnh Đình Dũng nói thêm.
Tuy nhiên cô Nguyễn Thùy Dương từ Thủ Thiêm không chấp nhận cách giải thích của ông Phó thủ tướng này.
"PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HÃY GIỮ TỰ TRỌNG !!!" – cô Thùy Dương viết trên Facebook cá nhân.
"Với tư cách là một công dân nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tôi yêu cầu ông Trịnh Đình Dũng- Phó Thủ Tướng Chính Phủ hãy giữ tự trọng cho bản thân ông, cũng như danh dự cho Nhân Dân cả nước. Bởi lẽ, một Phó Thủ Tướng nói dối hay ngu dốt là sự sỉ nhục đối với Quốc Thể.
Ông Dũng nói : "Sạt lở là kẻ thù giấu mặt". Chỉ với một câu nói này, tôi đề nghị Quốc Hội và Chính Phủ cắt ngay chức vụ của ông Trịnh Đình Dũng. Phải nói chính xác là sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng là thứ có thể thấy được, phòng tránh được.
Ở đây tôi không nói tới rừng, tôi nói với ông về nguyên tắc quản lý nhà nước, nguyên tắc phòng chống thiên tai. Sau 45 năm đất nước thống nhất, sau khi có sự giúp đỡ của người Mỹ về phòng chống thiên tai cho tới tận ngày hôm nay, Việt Nam vẫn chưa vẽ xong bản đồ sạt lở. Chuyện thật như đùa !
Hàng trăm ngàn tỷ bỏ ra cho công tác phòng chống thiên tai, vậy mà cho tới bây giờ chỉ có 10 đến 18 tỉnh có bản đồ sạt lở nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Tức là nửa mùa không dùng được. Bất kì ai học xây dựng, học về đất, về quy hoạch đều biết một chuyện cực đơn giản là nếu không có bản đồ phòng chống thiên tai, dự báo thiên tai thì quy hoạch các công trình chống thiên tai chỉ là manh mún, chấp vá. Bao nhiêu năm nay, cái cơ bản là xây dựng cái bản đồ, hệ thống bản đồ cảnh báo. Tại sao không làm cái gốc mà cứ đè công trình ra sửa là sửa cái gì ?
Có hai khả năng cho lời phát biểu trên : Một là dốt, hai là nói dối. Ông Dũng đã từng Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng, ông dốt hay ông nói dối ? Hay ông xem thường dân, coi dân như bò nói gì nghe nấy không biết đúng sai ?
Ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Quốc Gia, ông phải giữ tự trọng cho bản thân và cho Nhân Dân. Tôi thật sự thất vọng và cảm thấy nhục nhã khi đất nước có một Phó Thủ Tướng như ông đó ông Dũng ạ !
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong những kì họp Quốc Hội cuối của nhiệm kì đã dám nói thật việc bị hạn chế nội dung phát biểu. Bà ấy là phụ nữ, dù rằng xã hội luôn đòi hỏi nam nữ bình quyền nhưng rõ ràng từ thể chất lúc sinh ra. Phụ nữ luôn bị hạn chế nhiều mặt hơn nam giới. Ông là đàn ông, ông có thấy hổ thẹn khi thua một người phụ nữ không ? Ông không giữ danh dự của một nguyên thủ thì chí ít ông phải giữ tự trọng của một trang nam nhi chứ ?
Tại sao tới tận cùng, ông không thể nói thật ? Ông không thể "xin lỗi Đồng Bào, đây là sự vô trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm, xin Đồng bào hãy tha thứ. Chúng ta cùng nhau làm lại từ đầu" ? Có thể ông sẽ bị chỉ trích, tuy nhiên nó sẽ mở ra một sự thay đổi tích cực. Còn bây giờ…… muộn rồi, đổ nát rồi ông Dũng ạ ! Dối trá đến tận cùng hay ngu dốt đến tăm tối ?
Ông không xứng, không xứng làm một quan chức, không xứng, không xứng cho bất kì một giọt nước, cái ghế, đôi giày mà Đất nước này đang cưu mang ông.
Thực ra là vẫn có bản đồ cảnh báo sạt lở đất, và các nhà khoa học kêu rằng họ đã nói mà chẳng có ai thèm nghe, báo lao động đưa tin hôm 30/10
Bản đồ 18 tỉnh có cảnh báo sạt lở. Nói nó giấu mặt là giấu ở chỗ nào ? Rõ ràng chuyện sạt lở có thể khống chế được nhưng lại không làm đến nơi đến chốn". Cô Nguyễn Thùy Dương nêu quan điểm.
Về sự cố sạt lở tang thương ở xã Trà Leng, từ năm ngoái đã có bài báo cảnh báo việc hạ sát rừng cổ thụ Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, như một sự chỉ mặt đặt tên rõ ràng nhưng quan chức Việt nam vẫn lờ đi như chưa từng nghe đến, vậy mà nay còn bao biện, không thể trách người dân phẫn nộ.
Bài đăng trên báo Phụ nữ ngày 25-4-2019 có tựa đề : HẠ SÁT TAN NÁT RỪNG CỔ THỤ Ở TRÀ LENG – QUẢNG NAM, nội dung như sau :
Theo nguồn tin báo của người dân địa phương, ngày 24/4/2019, PV đã trực tiếp tìm đến nơi để chứng kiến cảnh rừng tự nhiên bị tàn phá. Hai bên đường là những cọc gỗ được đóng cố định để tránh gỗ bị trượt xuống vực sâu khi tiến hành di chuyển.
Hàng chục cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ để xẻ thành từng phách đưa về nơi tập kết. Dấu vết mới có, cũ có xung quanh một khoảng rừng rộng lớn. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm cho biết không nắm được tình hình.
Dọc hai bên đường, những gốc cây lớn có tuổi hàng chục đến hàng trăm năm đã bị hạ sát với những dấu vết cũ và mới. Mất chừng 2 tiếng đồng hồ ngược núi, chúng tôi mới tìm đến nơi lâm tặc đang tiến hành khai thác gỗ.
Nơi đây như một công xưởng lớn giữa rừng với ngổn ngang những phách gỗ lớn đã được xẻ, chờ ngày chuyển đi. Quanh đó, hàng chục gốc cây cổ thụ lớn, có gốc 5-6 người ôm không xuể đã bị đốn hạ. Tiếng cưa lốc vẫn vang cả một góc rừng. Thoáng thấy bóng người, tiếng cưa chợt im bặt, những người này nhanh chóng lẩn vào rừng.
Bài báo năm 2004 đăng hình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đang là Chủ tịch tỉnh Quảng nam với phát biểu rằng : Chủ tịch tỉnh từ chức nếu rừng đầu nguồn bị phá. Đến nay thì rừng bị phá quá nhiều và sạt lở đất nghiêm trọng gây chết nhiều người đã xảy ra khi ông Phúc đã lên chức Thủ tướng
Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác gỗ đã diễn ra từ một khoảng thời gian rất dài.
Ban ngày thì tiến hành cưa, xẻ, đến đêm thì dùng trâu kéo gỗ ra nơi tập kết. Khi thì ven đường lộ vào trung tâm xã Trà Leng, lúc thì tập kết về phía dưới lòng sông rồi dùng ghe để di chuyển. Theo người dân, địa phận này thuộc thôn 3, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).
Bài báo hiện vẫn còn nguyên trên mạng với hình ảnh chụp rất nhiều, rõ ràng và cụ thể.
Một sự kiện khác chấn động hơn là việc xẻ núi Chín khúc để làm du lịch tâm linh và xây biệt thự trên núi để bán, tất cả đều hợp pháp đàng hoàng với sự đồng ý của chính quyền tỉnh Khánh Hòa.
"Du lịch tâm linh là thứ các địa phương vịn vào để bật đèn cho đại gia bất động sản chiếm đoạt thiên nhiên, "om" Phật bán vé. Là thứ nhiều địa phương dựng lên để làm đẹp, một vẻ đẹp phù phiếm.
Du lịch tâm linh như Tam Chúc, chùa toàn những cây gỗ thân to tính theo người ôm, cột kèo toàn gỗ quý chắc nịch. Đại gia Xuân Trường thỉnh cả tượng vợ vào trong ấy thờ, dân đi vãn bái lạy bình thường.
Thật đau khổ cho một dân tộc không có đức tin, nhưng sẽ bi thương hơn cho một dân tộc mù quáng. Tôi thấy bi phẫn khi nghĩ về một dân tộc mất hai quần đảo vẫn phải câm nín. Thấy điếng lòng khi thiên tai trút xuống chiếc đòn gánh miền Trung.
Không tâm linh nào cứu rỗi được người phàm mê lạc. Khi nhân mạng đồng bào ta đổ xuống, mới hiểu trong mỗi thớ gỗ, mỗi phiến đá khối tâm linh kia là biết bao nhiêu linh hồn u uất". nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận
Rừng cổ thụ bị đốn hạn với xưởng cưa thi công đêm ngày ở Trà Leng đã cảnh báo từ hơn một năm trước. Ảnh do PV báo Phụ nữ chụp tại hiện trường
Hình ảnh HỐ CHÔN TẬP THỂ giữa thời bình ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng nam sau vụ sạt lở khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Một cô gái ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My khóc đau đớn vì mất người thân và hố chôn người tập thể giữa thời bình gây ám ảnh
Bài viết "QUAN TÀI TẬP THỂ LÀ ĐỂ CHO DÂN ?" của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã cung cấp thêm nhiều thông tin về vụ tàn phá núi rừng công khai này.
"Núi Chín Khúc có chiều cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Từ đỉnh núi có tầm nhìn trọn vẹn đường bờ biển và vịnh Nha Trang. Từ chân núi cũng có thể dễ dàng kết nối với trung tâm thành phố qua đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Phong Châu.
Với vị trí thuận lợi này, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) đã xin UBND tỉnh Khánh Hòa cấp đất để làm dự án khu biệt thự sinh thái rộng khoảng 200 ha.
Sau đó, Công ty Khánh Hòa lại xin thêm gần 380 ha đất nữa để làm một dự án tâm linh trên đỉnh núi Chín Khúc, qua đó nâng tổng diện tích dự án lên 513 ha.
Sau khi được chấp thuận về chủ trương, doanh nghiệp này tiến hành đào đắp, xẻ núi làm đường, khiến núi Chín Khúc bị "cạo trọc" nham nhở trên đỉnh, phục vụ dự án Cửu Long Sơn Tự, gồm quần thể chùa, gian hàng trưng bày vật phẩm…
Theo Zing.vn, đây được coi là một trong những dự án tâm linh lớn nhất Việt Nam, chỉ kém hơn một chút quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) rộng 700 ha.
Công ty Khánh Hòa cho biết sẽ cho dựng một tượng phật cao 153 m trên đỉnh núi Chín Khúc. Hiện tại, phần đỉnh núi này đã được san bằng gần như toàn bộ, gần như không còn cây cối mọc như trước kia. Công ty thừa nhận dự án Cửu Long Sơn Tự trên đỉnh núi Chín Khúc chưa có đánh giá tác động môi trường.
Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, dự án này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép từ hơn 10 năm trước, từng nổ mìn phá đá.
Hiện nay, dự án vẫn ngổn ngang các hạng mục thi công, các công trình, tòa nhà, hồ bơi trên vách núi, phía dưới là đường giao thông, các khu dân cư hiện hữu…
Nhưng tới nay, cả chính quyền vẫn để mặc các điện đài, biệt thự tráng lệ, đắt tiền chễm chệ trên đỉnh núi ?
Họ không thấy "đổ lệ", có phải vì quan tài tập thể là để cho dân ?" Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nêu quan điểm.
Thu Thủy (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 03/11/2020
***********************
Từ thiện và phẩm giá người vùng lụt
Trung Nam, Thoibao.de, 02/11/2020
Một câu chuyện đáng suy ngẫm về việc phát tiền từ thiện do nhà báo Hoàng Linh ghi lại trên Facebook như sau :
Nghèo cho sạch
Chúng ta tôn trọng sự đóng góp của cộng đồng ủy nhiệm qua ca sĩ Thủy Tiên để cứu trợ đồng bào.
Tuy nhiên cần sự tự trọng mang tính cộng đồng chứ không vì phải nhận bằng được cứu trợ từ ca sĩ Thủy Tiên mà từ người dân đến cả chính quyền địa phương đều rúm ró "giải trình".
Sự việc xảy ra sáng 31/10, khi đang cứu trợ ở Hải Lăng, Quảng Trị ca sĩ Thủy Tiên đột ngột dừng cứu trợ và nêu lý do thấy có người đeo vàng, sơn móng tay móng chân.
Người dân ở xóm 1, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, phản ảnh bị thiệt hại ngập 1,5 mét đến 2 mét, thôn có 130 hộ mà chỉ xét được 6 hộ nhận hỗ trợ của Thủy Tiên nhưng trong đó lại có nhà của Xóm trưởng. Nội dung trích từ Video Clip đăng trên Facebook ca sĩ Thủy Tiên
Facebook của Thủy Tiên viết như sau :
Thông báo ngừng trao hỗ trợ tại Hải Lăng, Quảng Trị
Sáng nay phát quà Tiên phát hiện hầu như có rất nhiều người khá giả đến nhận quà, rất nhiều người đeo vàng và sơn móng chân đến nhận, nên Tiên đã cho ngừng lại và đi trực tiếp kiểm tra lại danh sách mà nhóm hỗ trợ đã duyệt.
Thì phát hiện ra có nhiều hộ có tên trong danh sách khảo sát nhưng lại không có được phiếu để nhận quà, mà phiếu do người khác đi nhận. Điển hình như chị trong video clip này có tên trong danh sách nhận quà nhưng lại không nhận được phiếu, vậy thì phiếu đến nhận đủ suất đâu ra ? Ngoài ra rất nhiều hộ khó khăn nước ngập sâu lại không có tên trong danh sách nhận hỗ trợ mà phiếu lại ưu tiên suất cho trưởng xóm như trong video clip ở đây.
Vì vấn đề này bất cập nên mong bà con 12 xã, Tiên đã thông báo tại Hải Lăng, Quảng Trị thông cảm Tiên sẽ ngừng phát tại đây cho đến khi nào Huyện, Xã sắp xếp lại danh sách đúng người cần giúp thì tụi Tiên sẽ quay lại.
Rất xin lỗi bà con Hải Lăng, Quảng Trị Tiên đã chờ Tiên trong ngày hôm nay, Tiên đã phải thức từ 4h30 để đi vào đây nhưng mà vì vấn đề này phải buộc lòng tạm hoãn, rất mong bà con thông cảm ạ.
(hết trích)
Người phụ nữ này ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị, xác nhận không được Trưởng thôn thông báo đi nhận quà mặc dù họ có tên trong danh sách và vẫn có người đi nhận thay… Đây là một trong những lý do khiến Thủy Tiên tạm ngưng phát quà
Ngay lập tức có nhiều người trình bày kiểu bà con đeo vàng hay sơn móng tay nhưng không giàu có gì đâu, mong Thủy Tiên quay lại…
Sao lại thế ?
Nhưng đáng buồn hơn nữa là đích thân một phó chủ tịch huyện phải lên báo giải thích bà con đau bệnh nên nhờ con cháu đi lãnh giùm mong ca sĩ bỏ qua. Ông này còn nói sẽ viết thư trình bày với ca sĩ Thủy Tiên.
Tôi không phê phán hay đưa ra bất cứ nhận định nào về cách ứng xử của ca sĩ Thủy Tiên và luôn trân trọng tất cả mọi đoàn thiện nguyện nhưng tôi quá ngạc nhiên trước thái độ của chính quyền.
Khi có thiên tai, dịch họa trách nhiệm cứu dân thuộc về chính phủ và hệ thống chính quyền cơ sở. Mọi đóng góp khác chỉ mang tính phụ trợ, hãy mang trọng trách và hành xử đúng vai.
Trân trọng, hỗ trợ mọi điều kiện cho các đoàn cứu trợ nhưng đừng quá hạ thấp sự chính danh của mình hoặc đẩy việc cứu dân lại cho chính những người dân như ca sĩ Thủy Tiên". Nhà báo Hoàng Linh đưa ra quan điểm.
Có những góc nhìn khác và những lời góp ý mà dường như người viết dự kiến sẵn sẽ nhận nhiều gạch đá, tức là bị chỉ trích từ người đọc, tuy nhiên bản chất dư luận luôn có hai chiều và cần được lắng nghe từ hai phía.
Thùng quà to ghi tên thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng cho dân Quảng Bình, tuy nhiên nhiều người cho rằng đây là tiền ngân sách nhà nước chứ không phải là tiền riêng của Thủ tướng. Vì vậy việc ghi tên Thủ tướng như vậy là không ổn và lẫn lộn giữa trách nhiệm của Chính phủ trước nhân dân và việc làm từ thiện từ nguồn đóng góp của dân chúng đùm bọc nhau
Xin giới thiệu với các bạn bài viết của tác giả Huỳnh Nhơn đăng trên đài Á Châu Tự do với tựa đề Từ thiện và phẩm giá người vùng lụt https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19376-suy-nghi-va-tam-s-trong-cong-tac-c-u-tr-mua-bao-lu, với nội dung như sau :
Đây sẽ là một bài viết không có nhiều con số từ các nghiên cứu chính thức về bản chất của cứu trợ, công tác xã hội, tính bền vững của cứu trợ xã hội và phẩm giá của người được cứu trợ.
Vì tôi sẽ nói về cảm xúc của mình khi nhìn những đôi tay xòe ra, ánh mắt van vỉ, cử chỉ xin xỏ và thái độ nằn nì của khá nhiều người dân miền Trung, các vùng ngập lụt bão lũ, thể hiện qua các video live stream mà nhóm của ca sĩ Thủy Tiên đang trực tiếp đến phát tiền.
Tôi sẽ ăn gạch đá đủ cho bài viết này.
- Người ta đang đói còn đòi giữ thể diện à ? Mất não.
- Người miền Trung chất phác như vậy thôi, không lẽ phải mặc đồ đẹp lên nhận tiền cứu trợ à ?
– Nhà cửa tài sản cả đời người ta trôi hết mất rồi, quá khổ nên mới vậy. Thớt có cho được ngàn nào hay ngồi đó cào phím ?
– Đếch hiểu sao giờ này vẫn có thằng sân si dòm ngó từng cái chuyện nhỏ của người ta. Giỏi thì đi làm phụ chị Thủy Tiên đi không ai mượn làm thánh phán nha cha nội.
Đại loại phản ứng của đại đa số người đọc Việt Nam sẽ là như vậy.
Trên các video của ca sĩ Thủy Tiên, hôm qua đã bắt đầu có náo loạn. Người dân được phát tiền theo phiếu nhưng vẫn có nhiều người chen hàng, kéo theo người khác, trình bày kể khổ. Cô cũng dễ dàng rút thêm tiền đưa một số người có vẻ ngoài đáng thương. Trước đó, một ông cụ ở Hà Tĩnh vay ngân hàng 200 triệu đồng và bị nước cuốn mất gia súc cũng nằn nì xin thêm tiền, ngoài số 10 triệu Thủy Tiên phát cho mỗi hộ. Nghe xong ông cụ trình bày và hỏi vài câu với người dân địa phương, cô quay người rút ngay 200 triệu đồng đưa lập tức.
Ảnh bên trái là ông Nguyễn Hữu Cần, Trưởng thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, người đã đến từng nhà dân thu lại tiền được Thủy Tiên phát tặng tổng cộng 414 triệu đồng. Sau đó vì dư luận lên án, thôn Ngọa Cương đã phải trả lại đủ 414 triệu đồng cho dân
"Chị Thủy Tiên tốt lắm. Cứ thấy người già là chị cho thêm tiền à" - fans của Thủy Tiên bắt đầu bùng nổ những lời bình luận.
Vài lời cảnh báo, lo ngại sự cảm tính trong hành động này chìm nghỉm trong đại dương tung hô "chị Thủy Tiên đúng là tiên giáng trần cứu giúp dân miền Trung" "Chị là Phật sống chị ơi". Sự rộng lượng của dân mạng nhanh chóng lây qua chồng cô - cựu danh thủ Công Vinh : "Bàn thắng lớn nhất trong đời của Công Vinh chính là Thủy Tiên".
Và vô số bình luận bộc phát : "Chị ơi xin ghé nhà em, xóm em, đau lòng lắm, không còn gì ăn, sắp chết đói, 12 ngày rồi không một đoàn nào cứu trợ"…
Và cũng rất nhanh, có những bình luận an ủi : "Bạn ơi chờ đi thế nào chị Tiên cũng đến mà".
Rồi cũng bắt đầu có những bình luận : "Gia đình tôi ở đây đóng đủ hết tiền mà xã không phát phiếu nhận tiền, thật sự không công bằng".
Thực tế, ngay sau đó tại vài nơi Thủy Tiên đi phát tiền đã có những người dân sau khi nhận tiền thì quay lại thắc mắc tại sao người ít người nhiều.
Những người có chuyên môn về hoạt động xã hội đã lo lắng tình trạng này.
Phạm Trường Sơn, Giám đốc các chương trình NPO của Trung tâm LIN (một tổ chức phi chính phủ) viết một status được nhiều người trong nghề đồng tình.
"VÀI CÂN NHẮC KHI TRAO QUÀ TỪ THIỆN (hoạt động sau cứu trợ khẩn cấp)
Từ thiện là công việc của nhân đạo cần sự tử tế và bao dung, công việc sẽ chắc chắn nhiều nhóm làm hậu thiên tai. Số lượng hay chất lượng của món quà chỉ là phần nhỏ mà tấm lòng người trao mới là phần quan trọng. Vì vậy cần tránh :
1. Quy tụ một số đông người ở Ủy ban xã và mang tới một đống quà để bà con xếp hàng phát. Việc làm này hoàn toàn không đúng vì nó không thể hiện có giao tiếp và rất cao thấp. ĐÂY LÀ BỐ THÍ.
Vì vậy, khi quy tụ nhiều người cần tổ chức như 1 buổi họp mặt bà con như hội chợ mua sắm, nếu được có văn nghệ phục vụ và phân nhiều quầy để bà con nhận nhiều loại quà. Nếu cẩn thận thì tìm hiểu trước xem bà con cần gì và chuẩn bị quà phù hợp.
2. Khi đến từng nhà trao thì không nên thực hiện cho nhanh để đi trao tiếp nhà khác vì ĐÓ LÀ ĐI CHO CÓ LỆ.
Vì vậy, nên dành 5/10 phút vào nhà ngồi trò chuyện, hỏi thăm bà con. Xin phép được chụp hình hay quay phim và lễ phép trao chút tấm lòng, nhấn mạnh là quà này của nhiều người nhờ mình trao tặng lại và chúc sức khỏe bà con.
3. Cần dẹp bỏ THÁI ĐỘ BỀ TRÊN cao thấp hay trịch thượng xem mình là thánh nhân đến trao quà từ thiện. Việc như vậy rất thường xảy ra ở cả những người đi làm từ thiện nhiều hay ít gặp phải.
Vì vậy, làm từ thiện cần sử dụng thêm lý trí và lòng bao dung, nếu tặng trẻ em, người già cần cúi chút người xuống để mình bằng với họ và nâng hai tay trao món quà của mình cũng là tấm lòng thành của nhiều người gởi gắm.
Nho nhỏ thế nhưng thực hành rất khó khăn, tuy nhiên khi đã làm được như vậy, bảo đảm người nhận và người trao đều cảm thấy ấm lòng".
Chúng tôi từng đến khá nhiều ngôi nhà nuôi những người già bán vé số. Thoạt nhìn, ai cũng đáng thương đến tức tim. Cái gì họ cũng cần, cái gì cũng thiếu.
Nhưng lân la qua lại một thời gian dài, cộng với tìm hiểu thêm ở những người xung quanh, chúng tôi vỡ ra một sự thật.
Ngôi nhà bẩn thỉu, gãy vỡ từng được một người hảo tâm đề nghị sơn sửa cho sạch sẽ, nhưng chính các cụ không đồng ý. Tặng áo quần đã mặc qua nhưng còn mới đến 80%, các cụ không mặc. Tặng xe lăn, các cụ không dùng. Thậm chí chính quyền đã đề nghị mua lại chính ngôi nhà các cụ đang ở chung rồi giao cho họ quản lý, các cụ không đồng ý nốt. Vì khi mặc quần áo trông khổ sở, sống trong ngôi nhà tăm tối, chống nạng hay lê lết đi trên đôi tay hay chiếc ghế thì các cụ mới bán được nhiều vé số nhất, hay được nhiều nhóm từ thiện tặng nhất, mỗi lần tặng nhiều quà nhất. Đấy mới là nguồn lợi lâu dài và lớn nhất của các cụ.
Tôi từng đi tặng quà đêm Giáng sinh với các bạn trẻ trong nhà thờ. Trước khi đi trao quà, chúng tôi được dạy kỹ : Phải tìm đến những người vô gia cư, người lang thang vỉa hè thật sự. Khi trao, phải giữ cơ thể bằng độ cao với họ (ví dụ họ đứng thì mình đứng, họ đang ngồi hay nằm thì mình phải ngồi hẳn xuống), xin chào, tự giới thiệu và trao quà bằng hai tay. Trao xong phải gửi một lời chúc chân thành.
Khó thực hiện như thế lắm. Chúng tôi đi trao quà trong khi dòng thanh niên bằng tuổi lên quần áo lộng lẫy đi chơi. Khi tìm đến một người vô gia cư, ngồi xuống với họ là đối mặt với hàng chục, hàng trăm ánh mắt tò mò từ dòng người nhìn ngó. Mình cũng là thanh niên như họ thôi, không khỏi có chút e ngại, ngượng ngùng.
Nhưng sau khi gặp ba bốn người, tôi hiểu vì sao các tu sĩ dặn kỹ như vậy. Vì chỉ khi ngồi xuống ngang bằng với những người vô gia cư rách rưới nhem nhuốc, nhìn thẳng vào mắt họ và cuối cùng cũng có thể nói ra một câu chúc chân thành từ đáy lòng, chúng tôi đã thấu được thêm một tầng ý nghĩa của câu nói có trong kinh của tất cả các đạo "Chúng ta đều là anh chị em".
Một người đàn ông chỉ còn da bọc xương trong số 12 hộ nghèo tại xã A Ngo, huyện ĐaKrong, tỉnh Quảng Trị
Hôm qua ca sĩ Phương Thanh có một status gây bão dư luận.
Cô viết : "Sáng nay Chanh đi từ thiện 1 làng bị cô lập ở miền núi. Nhiều người dân trên bờ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ không nằm trong vùng lũ cũng canh me, đồn : đoàn Thủy Tiên tới cho tiền kìa : 10 triệu. Toàn canh me 10 triệu. Không bị lũ lụt lắm cũng canh me tiền. Vô tình tính tham của con người cũng bắt đầu trỗi dậy.
Tiền đi trước có lợi trước, nhưng về hậu sẽ gây ra nhiễu loạn vì ai cũng nhắm vào tiền và đồ nhu yếu phẩm bị vứt bỏ (tấm lòng của biết bao người mua ngày thức làm đêm cực khổ).
Người đang cần thì không có, người không cần thì bị phát dư thừa xong đem vứt bỏ".
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (báo Thanh Niên) cũng viết trên facebook : "Mình đi phát quà từng nhà, theo khảo sát trước, mỗi nhà 500 ngàn. Định mức này do người tài trợ yêu cầu.
Phát cho ai phải ghi vào biên nhận, có họ tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại từng người.
Đang phát, tự nhiên mọi người bỏ chạy rần rật. Vừa chạy vừa la : Thủy Tiên, Thủy Tiên !
Chờ mãi rồi họ cũng về, mặt mày rạng rỡ, xòe tiền ra bảo : 3 triệu".
Nên nghĩ gì đây ?
Trong một nghiên cứu năm 2015 của Viện nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam mang tên "Nhận thức của người dân về hoạt động từ thiện", 75% người được hỏi nói một trong những động cơ khiến họ làm từ thiện là để tích đức, tạo phúc cho chính mình và con cháu. Động cơ này khiến người làm từ thiện không cần biết về hoàn cảnh hay tương lai của người được nhận từ thiện. Và sẽ có cuộc tranh giành từ thiện, "từ thiện du lịch", "từ thiện úp phây", "từ thiện quảng cáo", "từ thiện giải nghiệp"… chỉ làm hèn đớn người nhận từ thiện. Những người gặp hoàn cảnh khó khăn đang vô thức tự nguyện và bị biến thành ăn mày.
Sự không may mắn có thể đến với bất cứ ai trong chúng ta bất cứ khi nào. Nhưng nếu người được giúp đỡ có cảm nhận về sự thua thiệt vật chất càng sâu (dù vô thức), thì người trao tặng càng phải chân thành, trân trọng hơn để tránh cứa lên vết thương tinh thần đó.
Trao con cá hay cần câu đều quý giá, nhưng quý giá và bền vững hơn hết là khơi được sự tự tin vào chính bản thân của người đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Có như vậy họ mới có thể quật cường thực hiện tâm niệm "sau cơn mưa trời lại sáng".
Dân miền Trung có một câu tục ngữ nói về từ thiện rất chính xác : "Được mùa thì siêng hơn nhác, mất mùa thì nhác lại hơn siêng". Nhác là lười biếng. Ý nghĩa câu này là khi mất mùa, thiên tai thì những người lười biếng sẵn có cuộc sống khổ sở rách rưới sẽ được bố thí nhiều hơn những nhà chăm chỉ làm ăn, bình thường khá giả, sáng sủa hơn.
Do vậy, khi tình hình khẩn cấp không còn, việc cứu trợ phải được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp, theo chiều sâu. Nếu không nó hoàn toàn trở thành phát chẩn. Nhưng tương lai của phát chẩn thì chỉ là sự tăng cấp của những căn nhà lụp xụp, những tấm lưng còng rạp, gương mặt khổ sở, hoàn cảnh bi đát.
Và sự xuống cấp thảm thương của ý thức xã hội.
Trung Nam (tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 02/11/2020