Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 18 décembre 2023 16:00

Công lý ở Việt Nam : 30%, bao thắng

Sau khi được cấp trên phân công thụ lý vụ án, thẩm phán Giáp Văn Huyên lần lượt gọi 3 bị cáo trong một vụ án hình sự vào phòng làm việc của mình tại trụ sở tòa án rồi nói, muốn giảm nhẹ hình phạt thì phải "chung chi". Cụ thể, hai bị cáo A và B mỗi người chi 70 triệu đồng thì sẽ xử 7 năm tù, không đưa thì bị xử 9 năm rưỡi. Bị cáo C do hoàn cảnh khó khăn nên thẩm phán Huyên giảm còn 30 triệu để được mức án nhẹ nhất.

congly1

Minh họa : một quyển sách về luật pháp được in với trang bìa có hình một diễn viên hài với nghệ danh là Công lý - Kenh14.vn

Thống nhất xong với từng người, thẩm phán Huyên gọi cả ba người vào phòng làm việc và yêu cầu họ lo tiền trong thời gian ngắn nhất.

Sau đó, thẩm phán Huyên nhiều lần gọi điện cho bị cáo A, giục đưa tiền, nếu không sẽ cho người này mức án nặng nhất. Hai bị cáo còn lại cũng bị giục tiền nhưng họ kêu không có.

Thế thì xử cho rơi tự do

Huyên nói với họ : "Thế thì xử cho rơi tự do".

Hai tháng sau, bị cáo A đến gặp Huyên, mặc cả giảm tiền xuống còn 50 triệu. Huyên đồng ý.

A đưa cho Huyên 19 triệu đồng sau đó gửi đơn tố cáo Huyên.

Vụ này xảy ra năm 2018, tại tòa án huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Bị cáo T. bị truy tố về hành vi vi phạm luật giao thông. Thẩm phán Bùi Thị Tú giải thích cho T. là sẽ bị tù giam, sau đó hướng dẫn T. gặp thư ký của mình là bà Lê Việt Phương để "nói chuyện cụ thể". Kết quả cụ thể của lần nói chuyện cụ thể này là 55 triệu đồng để cho T. hưởng án treo. Đưa trước 50 triệu, chuyển vào tài khoản của Phương, còn lại 5 triệu chuyển sau.

Nhận đủ tiền trước ngày mở phiên tòa xét xử T., thẩm phán Tú xử T. 15 tháng tù cho hưởng án treo, cực kỳ uy tín.

Chẳng ngờ T. lại làm đơn tố cáo cả hai thầy trò. Ít tháng sau, cựu thẩm phán và cựu thư ký được ra trước tòa với vai trò hoàn toàn mới là bị cáo trong vụ án "Nhận hối lộ".

Vụ này xảy ra tại tòa án thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, năm 2020.

Hai vụ kể trên có tình tiết vui vui nên tôi thuận tay lượm ra cho quý vị đọc chơi. Chứ nếu thống kê đủ các vụ thẩm phán đòi được cho ăn thì mới ngồi tòa nghiêm khắc "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để tuyên bản án theo đúng ý đương sự (rồi sau đó đã rơi tự do), thì có mà in ra cả tấn giấy. ("Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là câu bắt buộc để khởi đầu một phiên tòa hay một bản án, theo luật).

Còn những đồng chí chưa bị lộ thì cứ đi hỏi các camera chạy bằng cơm : bà bán quán nước chè, trà đá, ông bảo vệ trước cổng các trụ sở tòa án, các luật sư đánh đâu thắng đấy và… chính các đồng nghiệp của họ. Đảm bảo có đủ danh sách.

Có ai hoãn cái sự sung sướng lại được đâu. Đã có cả nồi tiền Thạch Sanh trong tay mà phải giả vờ sống thanh bạch để che mắt thiên hạ thì khổ quá, tức lắm, chịu sao nổi. Nhất là khi cái gì cũng thành đường dây rồi, trên ăn dưới ăn thì sợ gì. Có chết thì chết cả chùm !

Nhưng đòi đương sự/bị can đút cho vài chục triệu là hồi xưa, năm nẳm rồi. Theo đà trượt giá, luật chung chi những năm gần đây, ở các thành phố lớn rõ rành rành mạch hơn nhiều.

30% giá trị tài sản tranh chấp mỗi phiên

Nghĩa là giả sử tranh chấp tài sản có giá trị 1 tỷ đồng thì bên được xử thắng kiện phải cắt 30%, là 330.000 triệu cho (nhóm của) thẩm phán ngồi xử phiên sơ thẩm. Nhóm ít nhất gồm hai người là thẩm phán và thư ký.

Ấy thế nhưng nói trước, chỉ "bao thắng" ở mỗi một phiên tòa sơ thẩm thôi đấy nhé ! Nếu bên thua không chịu thua mà tiếp tục kiện dẫn đến phải xử phúc thẩm, thì bên muốn thắng sẽ mất tiếp 30% nữa cho thẩm phán phiên phúc thẩm.

Sơ sơ nếu thắng kiện cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm thì người thắng đã mất 60% giá trị tài sản tranh chấp cho các thể loại quan tòa.

Nếu suôn sẻ đi đến thẳng thi hành án thì mất tiếp khoảng 20%.

Còn nếu chẳng may phải giám đốc thẩm thì mất tiếp 40%, 50% cho mỗi phiên tòa, thậm chí hơn, tùy vụ.

Tổng cộng thời gian cho toàn bộ tiến trình từ khi khởi kiện cho đến khi có kết quả cuối cùng là khoảng bốn, năm năm cho đến bảy, tám năm. Hoặc hơn.

Năm 2018, vụ án tranh chấp quyền tác giả đối với bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt cuối cùng cũng đã được đưa ra xét xử lần đầu tiên, sau 12 năm theo kiện đằng đẵng. Họa sĩ Lê Linh, tác giả của bộ truyện nói với báo chí ông đã mất 5 năm theo kiện ở tòa án nhân dân quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần đang đi đón con hoặc đi làm việc lại được tòa gọi lên hỏi vài ba câu rồi kêu về, không giải quyết được gì. Sau 5 năm, thẩm phán thụ lý vụ kiện là bà Đặng Huyền Phương chuyển công tác, ông Linh mất tiếp 7 năm nữa để thưa kiện lại từ đầu.

Bảo không có gì mờ ám trong vụ kiện này thì đánh chết cũng chẳng ai tin.

Ông Lê Linh còn may mắn vì bộ truyện tranh của ông quá nổi tiếng nên được báo chí và dư luận ủng hộ. Ông lại có lòng kiên nhẫn phi thường. Nếu đổi lại là một người dân bình thường, tranh chấp một tài sản bình thường, chuyện gì sẽ xảy ra ?

Nhưng đấy vẫn chỉ là một ví dụ nhỏ.

Phần chìm của tảng băng trôi kinh khủng hơn những gì đã lộ sáng nhiều.

Chịu không nổi thì nhả tiền ra

Đã mất thời gian dài đằng đẵng với vô số lần đi hầu tòa mất công mất việc và mua tức vào người, còn bị cướp gần như mất trắng tài sản. Nên khi có tranh chấp, những người hiểu đời không chọn con đường chính thống tôn vinh pháp luật là kiện ra tòa án nữa.

Thần Công lý ở nhiều tòa án Việt Nam hiện tại thực sự đã bị bịt mắt, còn cái cân trong tay thần thì đã bị đổ thủy ngân. Thế thì đến tòa đi kiện làm (chó) gì ? Vô phúc mới đáo tụng đình !

Những người thực tế chọn cách giải quyết thực tế nhất : họ tìm mọi cách thương lượng trực tiếp với đối tác, chấp nhận thua thiệt ít nhiều nhưng dù mất cái gáo vẫn còn cái cán. Vả lại giải quyết nhanh chóng gọn lẹ, còn hơi sức làm việc khác, tránh cho đêm dài lắm mộng hoặc giá trị tài sản mất dần theo thời gian.

Hoặc tìm các mối quan hệ có sức nặng để gây áp lực với đối tượng kiện.

Nghe đồn, mối quan hệ có sức nặng trực tiếp nhất là "nhờ" công an hình sự.

Đối tượng này thì hiệu quả lắm. Ở Việt Nam ai chẳng sợ công an ? Nhất là doanh nghiệp, với hệ thống luật pháp rối nùi và hình thức một trăm phần trăm của Việt Nam, không cách nào làm ăn hoàn toàn ngay thẳng đường đường chính chính được. Nên tốt nhất là có quan hệ thân thiết với công an, nếu không xây dựng được quan hệ thân thiết thì cũng đừng bao giờ căng thẳng với họ.

Cái giá cho sự hiệu quả và tốc độ nhanh lẹ này là 50% giá trị tài sản tranh chấp (vẫn nghe đồn nhé quý vị).

Ông bà ông vải ơi sao mà làm quan tòa ăn dễ thế. Hèn chi lương của thẩm phán cao nhất chỉ là 14,4 triệu đồng/tháng, cho bậc 9 là bậc chuyên môn cao nhất của thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Có thâm niên, làm Chánh án thì có thêm cao nhất khoảng gần chục triệu đồng phụ cấp các loại… Thế nhưng vô số ông thẩm bà phán chẳng phải làm thêm đến thối cả móng tay, cũng chẳng thừa hưởng tài sản từ cha mẹ nhưng vẫn giàu nứt đố, xe hơi đổi soàn soạt, con cái đều du học tự túc nước ngoài, bất động sản rải khắp.

- Tụi đó giàu lắm. Cứ ngồi đó người ta mang tới cho ăn, mà tiền tỷ tỷ mới ăn. Vụ nào ít tiền họ không nhận đâu, hoặc nhận xong ngâm dấm cho lên men. Đương sự chờ đi, chờ không nổi thì nhả tiền ra – ông Ất, xuất thân luật sư nhưng không dám đánh đu với những tỷ lệ vàng kiểu 30%, 50% như kể trên nên đã bỏ nghề chạy mất dép, nói.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 18/12/2023

Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Ông quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Tham khảo :

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/bang-luong-cua-tham-phan-toa-an-nhan-dan-toi-cao-duoc-quy-dinh-the-nao-muc-luong-cao-nhat-la-bao-nh-382428-110548.html

https://thanhnien.vn/tham-phan-goi-dien-cho-bi-cao-hoi-chung-chi-hay-xu-cho-roi-tu-do-185833840.htm

https://thanhnien.vn/tham-phan-uy-quyen-cho-thu-ky-toa-nhan-hoi-lo-de-chay-an-185928012.htm

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-giu-khan-cap-tham-phan-tand-tinh-nhan-hoi-lo-119230815113134.htm

Published in Diễn đàn

Lược sử nghề Luật sư

Tìm kiếm trên google, cho thấy có ít nhất 11 luật sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam được ghi nhận [1], gồm :

01. Luật sư Phan Văn Trường (1876 - 1933)

02. Luật sư Trần Văn Chương (1898 – 1986)

03. Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986)

04. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997)

05. Luật sư Phạm Văn Bạch (1910 – 1986)

06. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910–1996)

07. Luật sư Phan Anh (1912 –1990)

08. Luật sư Vũ Văn Mẫu(1914-1998)

09. Luật sư Thái Văn Lung (1916 - 1946)

10. Luật sư Nguyễn Phước Đại (hay Nguyễn Thị Quỳnh Anh, (1924-2013).

11. Luật sư Trần Ngọc Liễng (1923 - 2011) 

Trên đây là bảng "xếp hạng" của trang "Nghề Luật sư".

luatsu1

Luật sư các tòa án thời Việt Nam Cộng Hòa - Ảnh minh họa

Quan sát cho thấy, việc sắp xếp được thực hiện theo thứ tự năm sanh của các luật sư. Chỉ có 2 vị cuối (tức bà Nguyễn Phước Đại và ông Trần Ngọc Liễng, không biết vì lầm lẫn hay không mà đảo thứ tự. Lẽ ra, theo 9 người trước thì ông Liễng nên đứng thứ 10 trong bảng).

Nghề Luật sư có ở Việt Nam từ rất xưa, dưới tên gọi "Trạng sư" (theo kiểu Trung Hoa).

Không biết người Việt Nam nào đã khai sinh ra chữ "Luật sư". Nhưng có một điểm chung, khi dùng chữ "sư", người Việt Nam rất trân trọng và tôn trọng khi dùng danh xưng này - theo cách gọi "thầy cãi" - với tư cách là một bậc thầy trong chuyên môn nào đó, như : thầy giáo, thầy tu, thầy thuốc v.v...

Theo dòng thời loạn, nghề Luật sư bị chi phối bằng sắc lệnh 46 do Hồ Chí Minh ký ban hành [2], song thực tế, như trang thegioiluat.vn cho biết [3] : "vì nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là cần tập trung mọi nỗ lực vào công cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại, nên hầu như ở vùng giải phóng các văn phòng luật sư đều ngưng hoạt động".

Việt Nam bị chia đôi bởi vĩ tuyến 17 vào năm 1954. Nghề Luật sư theo đó, mai một ở miền Bắc.

luatsu2

Một quan tòa thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ 19 - Ảnh minh họa

Trong 11 vị luật sư nổi tiếng kể trên, toàn bộ đều tốt nghiệp tại Pháp quốc. Cũng trong 11 vị luật sư đó, họ đều là những luật sư giỏi nghề cùng với lòng yêu nước trong thời tao loạn, nên tất cả đều dính líu đến chính trị.

Sau 1975, nghề Luật sư hoàn toàn không còn chỗ đứng vốn rất quan trọng trong xã hội. Điều này dễ hiểu, bởi từ 1975 cho đến trước khi Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận, nghề Luật sư không được đào tạo đúng chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dù đại học Luật Hà Nội được thành lập từ 1979, nhưng nghề Luật chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị của người cộng sản Việt Nam.

Đại học Luật tại Sài Gòn được thành lập từ 1996 - tức sau khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận, đó trở thành bằng chứng cho thấy nhu cầu chuyên môn này không thể thiếu được trong xã hội văn minh.

Sơ lược lịch sử của nghề Luật sư cho thấy, vai trò Luật sư chiếm một vị trí vô cùng nhỏ bé trong xã hội Việt Nam, vốn được quản trị bằng Luật Rừng của người cộng sản Việt Nam, luôn tuân theo khẩu hiệu : Chỉ làm những gì có lợi cho cách mạng (!).

Hòa theo dòng chảy thế giới, người cộng sản Việt Nam buộc phải hội nhập về mọi mặt. Theo đó, nghề Luật sư dần được công nhận trở lại tại "xứ sở thiên đường".

Ngày 5/7/2011, quyết định 1072/QĐ-TTg do Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ là Thủ tướng ký ban hành [4], với mục tiêu đạt được số lượng khoảng [5] từ 18.000 - 20.000 luật sư và tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500. Bên cạnh đó, người cộng sản Việt Nam mong muốn có chừng 150 Luật sư đủ khả năng tham gia các cuộc tranh tụng quốc tế về thương mại.

Cũng theo trang thegioiluat.vn cho biết : "số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%", so với số được cấp phép hành nghề khoảng 15.000 người.Tuy nhiên, yêu cầu hội nhập quốc tế theo những tiêu chuẩn gì, không thấy đề cập chi tiết.

Hiện nay, số lượng Luật sư có đủ khả năng sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp một cách thành thạo trong chuyên môn, có vẻ vô cùng ít ỏi.

Cũng không hề thiếu giới công an, thẩm phán nghỉ hưu hoặc chuyển ngành đi làm Luật sư. Thậm chí, năm 2006, Nguyễn Văn Hiện lúc bấy giờ tại vị chức Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đã thú nhận phải [6] "vơ vét để có đủ thẩm phán".

Chất lượng chuyên môn của những ông (bà) mang danh Luật sư vẫn không khá hơn. Bởi người ta cũng thấy còn quá nhiều người mang danh Luật sư nói - viết tiếng Việt vẫn sai trầm trọng. Đó là lý do mà Nguyễn Hòa Bình đã lên kế hoạch [7] "trong năm 2017, ngành tòa án sẽ mở lớp tập huấn để viết bản án theo mẫu định sẵn. Lớp học này sẽ mời các giáo viên dạy văn đến dạy về chính tả, ngữ pháp và từng dấu chấm, dấu phẩy…" (!).

Trong Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam có nhiều người mang danh "con nhà luật" như : Nguyễn Thị Kim Ngân, Tô Lâm, Tòng Thị Phóng... hoặc Trần Đại Quang (đã chết), Nguyễn Tấn Dũng (nghỉ hưu)...

Cũng trong số họ, có những người được nhận bằng nước ngoài như : Nguyễn Tấn Dũng [8] nhận bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành giáo dục của Thái Lan năm 2008, Nguyễn Thị Kimm Ngân [9] nhận bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành chính trị học của Hàn quốc năm 2018 hay Nguyễn Phú Trọng nhận [10] bằng "tiến sĩ danh dự" chuyên ngành chính trị học của Cuba.

"Án dân sự xử sao cũng được", còn án hình sự ?

Mới đây, Chánh án tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình Thiếu tướng công an - Phó giáo sư - tiến sĩ Luật học, muốn dùng hình ảnh vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý cho các tòa án tại Việt Nam, bị phản ứng dữ dội, ông Bình vớt vát bằng cách tuyên bố [11] huy động tiền của cán bộ ngành tòa án, không dùng tiền nhà nước. Tuy vậy, dư luận vẫn không đồng tình với cách bào chữa này.

Để tiếp tục ý tưởng sáng tạo và táo bạo, Nguyễn Hòa Bình đổi sang phương án [12] dùng 4 cố Chánh án TAND Tối cao gồm các ông Trần Công Tường (giai đoạn 5/1958-1959), ông Phạm Văn Bạch (giai đoạn 5/1959-5/1981), ông Phạm Hưng (giai đoạn 1979-1997) và ông Trịnh Hồng Dương (giai đoạn 1997-2002).

Trong 4 vị nói trên, người dân Việt Nam không thể nào quên phát ngôn của Trịnh Hồng Dương lúc sanh tiền, về xét xử tại xứ thiên đường : "Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được".

Và người dân đang chờ coi án hình sự của tử tù oan khuất Hồ Duy Hải chuẩn bị xét xử giám đốc thẩm vào ngày 6 tháng Năm năm 2020 do chính tay Nguyễn Hòa Bình "cầm cân nẩy mực" sắp diễn ra có đạt đúng tinh thần "suy đoán vô tội" hay không.

Nên lấy Thúy Kiều làm biểu tượng công lý tại Việt Nam

Liên quan đến việc chọn biểu tượng cho công lý tại Việt Nam nói trên, Dương Trung Quốc - sử gia - đại biểu quốc hội cho rằng [15] : Việt Nam không có nữ thần công lý. Ông Quốc nói tiếp với phóng viên báo Pháp Luật : "Ông cha mình vẫn có câu "cầm cân nẩy mực" thì đưa cái cân vào tượng thôi, chứ không liên quan hay lai căng gì đến nữ thần công lý của phương Tây cả. Còn chọn cụ thể mẫu nào, điều chỉnh thế nào thì hội đồng nghệ thuật còn bàn".

thuykieu1

Nên lấy Thúy Kiều làm biểu tượng công lý tại Việt Nam

Định dùng hình ảnh vua Lý Thái Tông bị phản ứng dữ dội, quay sang dùng hình ảnh của các ông Chánh án "xứ thiên đường" đã quá cố lại vấp phải "án xử sao cũng được" của Trịnh Hồng Dương. Mười một vị Luật sư tên tuổi ở đầu bài lại vô cùng "nhạy cảm" nếu dùng hình ảnh của họ. Không lẽ chịu bế tắc ?

Với tư cách một người dân Việt Nam, tôi chợt nhớ đến hình ảnh Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, hình ảnh nàng Kiều hoàn toàn đủ căn cứ để làm biểu tượng công lý cho "xứ thiên đường", bởi :

- Truyện Kiều và nhân vật Thúy Kiều nổi tiếng toàn thế giới, đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là "danh nhân văn hóa thế giới".

- Toàn bộ pho truyện bằng thơ này cũng được Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất ưng ý và thường "lẩy kiều" lúc cao hứng cũng như khi thành đạt.

- Cựu Tổng thống Obama đã từng dẫn hai câu Kiều [16] "Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi" lúc Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam.

- Thúy Kiều là nhân vật hư cấu tựa như Nữ Thần Công Lý, đồng thời cả hai đều là phụ nữ.

- Đặc biệt, phần nội dung Thúy Kiều xử án nhờ sự bảo kê của tướng cướp Từ Hải cho thấy tài uyên bác trong việc "ơn đền oán trả" của Kiều, đã làm cho người đời tâm phục khẩu phục và truyền tụng xưa nay.

Hy vọng ý kiến hèn mọn này được ngành tòa án "xứ thiên đường" chiếu cố.

Chỉ ghi chú rằng : Một khi Thúy Kiều được dựng tượng, không cần mảnh vải bịt mắt, cũng không cần tay nắm gươm tay cầm cân. Thay vào đó, một tay cầm búa, tay kia cầm liềm cùng vương miện đỏ lòm bao quanh ngôi sao vàng khè, tất cả cùng chói lọi trên đầu nàng Kiều, nhất định biểu tượng đó sẽ trở thành tuyệt tác không thể nào chê.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 05/05/2020 (nguyenngocgia's blog)

[1] https://www.facebook.com/ngheluatsuvn/posts/329894883852702/

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/dich-vu-phap-ly/Sac-lenh-46-quy-dinh-...

[3] https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Nghe-luat-su-o-Viet-Nam-da-ra-...

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dich-vu-phap-ly/Quyet-dinh-1072-QD-TT...

[5] https://danluat.thuvienphapluat.vn/den-nam-2020-viet-nam-se-co-20-000-lu...

[6] https://tuoitre.vn/vo-vet-de-co-du-tham-phan-174877.htm

[7] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-den-day-ca...

[8] http://tuyengiao.vn/print/1367/thu-tuong-nguyen-tan-dung-nhan-bang-tien-...

[9] https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-ngoai/920725/chu-tich-quoc-hoi-nguye...

[10] https://zingnews.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nhan-bang-tien-si-danh-...

[11] https://www.msn.com/vi-vn/news/other/c%C3%A1n-b%E1%BB%99-ng%C3%A0nh-t%C3...

[12] https://dantri.com.vn/xa-hoi/tand-toi-cao-muon-dung-tuong-cac-co-chanh-a...

[13] https://danluat.thuvienphapluat.vn/luat-cua-ta-xu-the-nao-cung-duoc-nghi...

[14] https://tuoitre.vn/co-an-le-tham-phan-khong-the-xu-sao-cung-duoc-1111663...

[15] https://plo.vn/phap-luat/ong-duong-trung-quoc-noi-ve-dung-tuong-ly-thai-...

[16] https://zingnews.vn/tong-thong-my-lay-kieu-va-su-am-hieu-van-hoa-viet-po...

Published in Diễn đàn