Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2023

Công lý ở Việt Nam : 30%, bao thắng

Nguyễn Nhơn

Sau khi được cấp trên phân công thụ lý vụ án, thẩm phán Giáp Văn Huyên lần lượt gọi 3 bị cáo trong một vụ án hình sự vào phòng làm việc của mình tại trụ sở tòa án rồi nói, muốn giảm nhẹ hình phạt thì phải "chung chi". Cụ thể, hai bị cáo A và B mỗi người chi 70 triệu đồng thì sẽ xử 7 năm tù, không đưa thì bị xử 9 năm rưỡi. Bị cáo C do hoàn cảnh khó khăn nên thẩm phán Huyên giảm còn 30 triệu để được mức án nhẹ nhất.

congly1

Minh họa : một quyển sách về luật pháp được in với trang bìa có hình một diễn viên hài với nghệ danh là Công lý - Kenh14.vn

Thống nhất xong với từng người, thẩm phán Huyên gọi cả ba người vào phòng làm việc và yêu cầu họ lo tiền trong thời gian ngắn nhất.

Sau đó, thẩm phán Huyên nhiều lần gọi điện cho bị cáo A, giục đưa tiền, nếu không sẽ cho người này mức án nặng nhất. Hai bị cáo còn lại cũng bị giục tiền nhưng họ kêu không có.

Thế thì xử cho rơi tự do

Huyên nói với họ : "Thế thì xử cho rơi tự do".

Hai tháng sau, bị cáo A đến gặp Huyên, mặc cả giảm tiền xuống còn 50 triệu. Huyên đồng ý.

A đưa cho Huyên 19 triệu đồng sau đó gửi đơn tố cáo Huyên.

Vụ này xảy ra năm 2018, tại tòa án huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Bị cáo T. bị truy tố về hành vi vi phạm luật giao thông. Thẩm phán Bùi Thị Tú giải thích cho T. là sẽ bị tù giam, sau đó hướng dẫn T. gặp thư ký của mình là bà Lê Việt Phương để "nói chuyện cụ thể". Kết quả cụ thể của lần nói chuyện cụ thể này là 55 triệu đồng để cho T. hưởng án treo. Đưa trước 50 triệu, chuyển vào tài khoản của Phương, còn lại 5 triệu chuyển sau.

Nhận đủ tiền trước ngày mở phiên tòa xét xử T., thẩm phán Tú xử T. 15 tháng tù cho hưởng án treo, cực kỳ uy tín.

Chẳng ngờ T. lại làm đơn tố cáo cả hai thầy trò. Ít tháng sau, cựu thẩm phán và cựu thư ký được ra trước tòa với vai trò hoàn toàn mới là bị cáo trong vụ án "Nhận hối lộ".

Vụ này xảy ra tại tòa án thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội, năm 2020.

Hai vụ kể trên có tình tiết vui vui nên tôi thuận tay lượm ra cho quý vị đọc chơi. Chứ nếu thống kê đủ các vụ thẩm phán đòi được cho ăn thì mới ngồi tòa nghiêm khắc "nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để tuyên bản án theo đúng ý đương sự (rồi sau đó đã rơi tự do), thì có mà in ra cả tấn giấy. ("Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là câu bắt buộc để khởi đầu một phiên tòa hay một bản án, theo luật).

Còn những đồng chí chưa bị lộ thì cứ đi hỏi các camera chạy bằng cơm : bà bán quán nước chè, trà đá, ông bảo vệ trước cổng các trụ sở tòa án, các luật sư đánh đâu thắng đấy và… chính các đồng nghiệp của họ. Đảm bảo có đủ danh sách.

Có ai hoãn cái sự sung sướng lại được đâu. Đã có cả nồi tiền Thạch Sanh trong tay mà phải giả vờ sống thanh bạch để che mắt thiên hạ thì khổ quá, tức lắm, chịu sao nổi. Nhất là khi cái gì cũng thành đường dây rồi, trên ăn dưới ăn thì sợ gì. Có chết thì chết cả chùm !

Nhưng đòi đương sự/bị can đút cho vài chục triệu là hồi xưa, năm nẳm rồi. Theo đà trượt giá, luật chung chi những năm gần đây, ở các thành phố lớn rõ rành rành mạch hơn nhiều.

30% giá trị tài sản tranh chấp mỗi phiên

Nghĩa là giả sử tranh chấp tài sản có giá trị 1 tỷ đồng thì bên được xử thắng kiện phải cắt 30%, là 330.000 triệu cho (nhóm của) thẩm phán ngồi xử phiên sơ thẩm. Nhóm ít nhất gồm hai người là thẩm phán và thư ký.

Ấy thế nhưng nói trước, chỉ "bao thắng" ở mỗi một phiên tòa sơ thẩm thôi đấy nhé ! Nếu bên thua không chịu thua mà tiếp tục kiện dẫn đến phải xử phúc thẩm, thì bên muốn thắng sẽ mất tiếp 30% nữa cho thẩm phán phiên phúc thẩm.

Sơ sơ nếu thắng kiện cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm thì người thắng đã mất 60% giá trị tài sản tranh chấp cho các thể loại quan tòa.

Nếu suôn sẻ đi đến thẳng thi hành án thì mất tiếp khoảng 20%.

Còn nếu chẳng may phải giám đốc thẩm thì mất tiếp 40%, 50% cho mỗi phiên tòa, thậm chí hơn, tùy vụ.

Tổng cộng thời gian cho toàn bộ tiến trình từ khi khởi kiện cho đến khi có kết quả cuối cùng là khoảng bốn, năm năm cho đến bảy, tám năm. Hoặc hơn.

Năm 2018, vụ án tranh chấp quyền tác giả đối với bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt cuối cùng cũng đã được đưa ra xét xử lần đầu tiên, sau 12 năm theo kiện đằng đẵng. Họa sĩ Lê Linh, tác giả của bộ truyện nói với báo chí ông đã mất 5 năm theo kiện ở tòa án nhân dân quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần đang đi đón con hoặc đi làm việc lại được tòa gọi lên hỏi vài ba câu rồi kêu về, không giải quyết được gì. Sau 5 năm, thẩm phán thụ lý vụ kiện là bà Đặng Huyền Phương chuyển công tác, ông Linh mất tiếp 7 năm nữa để thưa kiện lại từ đầu.

Bảo không có gì mờ ám trong vụ kiện này thì đánh chết cũng chẳng ai tin.

Ông Lê Linh còn may mắn vì bộ truyện tranh của ông quá nổi tiếng nên được báo chí và dư luận ủng hộ. Ông lại có lòng kiên nhẫn phi thường. Nếu đổi lại là một người dân bình thường, tranh chấp một tài sản bình thường, chuyện gì sẽ xảy ra ?

Nhưng đấy vẫn chỉ là một ví dụ nhỏ.

Phần chìm của tảng băng trôi kinh khủng hơn những gì đã lộ sáng nhiều.

Chịu không nổi thì nhả tiền ra

Đã mất thời gian dài đằng đẵng với vô số lần đi hầu tòa mất công mất việc và mua tức vào người, còn bị cướp gần như mất trắng tài sản. Nên khi có tranh chấp, những người hiểu đời không chọn con đường chính thống tôn vinh pháp luật là kiện ra tòa án nữa.

Thần Công lý ở nhiều tòa án Việt Nam hiện tại thực sự đã bị bịt mắt, còn cái cân trong tay thần thì đã bị đổ thủy ngân. Thế thì đến tòa đi kiện làm (chó) gì ? Vô phúc mới đáo tụng đình !

Những người thực tế chọn cách giải quyết thực tế nhất : họ tìm mọi cách thương lượng trực tiếp với đối tác, chấp nhận thua thiệt ít nhiều nhưng dù mất cái gáo vẫn còn cái cán. Vả lại giải quyết nhanh chóng gọn lẹ, còn hơi sức làm việc khác, tránh cho đêm dài lắm mộng hoặc giá trị tài sản mất dần theo thời gian.

Hoặc tìm các mối quan hệ có sức nặng để gây áp lực với đối tượng kiện.

Nghe đồn, mối quan hệ có sức nặng trực tiếp nhất là "nhờ" công an hình sự.

Đối tượng này thì hiệu quả lắm. Ở Việt Nam ai chẳng sợ công an ? Nhất là doanh nghiệp, với hệ thống luật pháp rối nùi và hình thức một trăm phần trăm của Việt Nam, không cách nào làm ăn hoàn toàn ngay thẳng đường đường chính chính được. Nên tốt nhất là có quan hệ thân thiết với công an, nếu không xây dựng được quan hệ thân thiết thì cũng đừng bao giờ căng thẳng với họ.

Cái giá cho sự hiệu quả và tốc độ nhanh lẹ này là 50% giá trị tài sản tranh chấp (vẫn nghe đồn nhé quý vị).

Ông bà ông vải ơi sao mà làm quan tòa ăn dễ thế. Hèn chi lương của thẩm phán cao nhất chỉ là 14,4 triệu đồng/tháng, cho bậc 9 là bậc chuyên môn cao nhất của thẩm phán tòa án nhân dân tối cao. Có thâm niên, làm Chánh án thì có thêm cao nhất khoảng gần chục triệu đồng phụ cấp các loại… Thế nhưng vô số ông thẩm bà phán chẳng phải làm thêm đến thối cả móng tay, cũng chẳng thừa hưởng tài sản từ cha mẹ nhưng vẫn giàu nứt đố, xe hơi đổi soàn soạt, con cái đều du học tự túc nước ngoài, bất động sản rải khắp.

- Tụi đó giàu lắm. Cứ ngồi đó người ta mang tới cho ăn, mà tiền tỷ tỷ mới ăn. Vụ nào ít tiền họ không nhận đâu, hoặc nhận xong ngâm dấm cho lên men. Đương sự chờ đi, chờ không nổi thì nhả tiền ra – ông Ất, xuất thân luật sư nhưng không dám đánh đu với những tỷ lệ vàng kiểu 30%, 50% như kể trên nên đã bỏ nghề chạy mất dép, nói.

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 18/12/2023

Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Ông quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Tham khảo :

https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/bang-luong-cua-tham-phan-toa-an-nhan-dan-toi-cao-duoc-quy-dinh-the-nao-muc-luong-cao-nhat-la-bao-nh-382428-110548.html

https://thanhnien.vn/tham-phan-goi-dien-cho-bi-cao-hoi-chung-chi-hay-xu-cho-roi-tu-do-185833840.htm

https://thanhnien.vn/tham-phan-uy-quyen-cho-thu-ky-toa-nhan-hoi-lo-de-chay-an-185928012.htm

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khoi-to-giu-khan-cap-tham-phan-tand-tinh-nhan-hoi-lo-119230815113134.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)