Tăng tốc phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy kinh tế tư nhân
Cải thiện đầu tư công, tập trung vào mũi nhọn phát triển công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy khối kinh tế tư nhân là những hướng đi cần thiết để Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế. Bài viết được Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí gửi cho BBC News tiếng Việt.
Đại hội 13 đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%/ năm
Hiện nay công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2026-2030 phục vụ cho Đại hội Đảng lần thứ 14 đang được triển khai.
Đại hội 13 đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%/ năm ; Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Trên thực tế, GDP bình quân 3 năm 2021-2023 là 5,21% ; GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD. Mục tiêu kế hoạch năm 2024 dự kiến đạt 6-6,5% và nếu thực tế đạt mức cao là 6,5% thì năm 2025 GDP phải đạt 10,35%. Đây là mức cao chưa từng có.
Vậy cần làm gì để tiến tới mục tiêu tăng trưởng do Đại hội 13 đặt ra và mục tiêu nước thu nhập trung bình cao, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn của Đại hội 14 cần đặt ra là bao nhiêu và làm gì để đạt được?
Cải thiện đầu tư công, tập trung vào bán dẫn
Chính phủ Việt Nam nói đào tạo nguồn nhân lực là khâu "đột phá của đột phá" trong ngành công nghiệp bán dẫn
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại do đổi mới kinh tế và điều chỉnh cơ cấu kinh tế không có những biến chuyển tích cực, không tạo được đủ động lực cho tăng trưởng. Tình hình kinh tế khó khăn không chỉ đối với khu vực trong nước mà cả khu vực nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 5 tháng ước đạt 21% kế hoạch. Đầu tư công ở Thành phố Hồ Chí Minh không phải ngoại lệ: đến ngày 24/5/2024 mới giải ngân 6.705,2 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đạt 8,5% kế hoạch vốn năm 2024 ; Dự toán kinh phí 1.800 tỷ đồng cho kinh tế số của thành phố hoàn toàn chưa được giải ngân.
Vì vậy, trong thời gian tới - trong năm 2025 còn lại của khóa 13 và 5 năm của khóa 14 - cần có giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng cơ hội khi căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp FDI chuyển địa điểm sang Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới, Việt Nam cần sửa soạn các chính sách kinh tế mới, chuẩn bị cho các rủi ro cũng như các tiềm năng thương mại với một chính phủ mới ở Washington DC.
Điểm then chốt là tập trung vào mũi nhọn phát triển công nghiệp bán dẫn đã được khởi xướng ý tưởng khi quan hệ hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Mũi nhọn này sẽ được tập trung nguồn lực theo hai hướng : (1) đầu tư công phát triển hạ tầng công nghệ cần thiết cho công nghiệp bán dẫn, làm nền tảng để (2) phát triển kinh tế tư nhân-tư nhân hóa. Hai hướng tập trung nguồn lực này đều phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 đột phá chiến lược là xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Thúc đẩy đầu tư công từ các nguồn vốn nhà nước như ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) và doanh nghiệp nhà nước không chỉ hướng vào xây dựng hạ tầng giao thông như đường cao tốc, cầu, cảng hàng không, cảng biển như vẫn làm cho đến nay mà cần tập trung phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bằng việc chú trọng đầu tư vào điện, nước, viễn thông… với chất lượng đáp ứng yêu cầu cao của ngành.
Thúc đẩy kinh tế tư nhân
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, sinh viên đại học hiện đang theo học các ngành điện tử viễn thông hiện khoảng 26.000 người.
Chuyển đổi sở hữu là một chủ trương lớn của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam nhằm phát huy nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác này cách khá xa mục tiêu đề ra, một phần vì lý do khách quan dịch bệnh nhưng cũng có những lý do chủ quan do nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, thí dụ như đất đai và quyền sử đất của doanh nghiệp cổ phần hóa…
Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022. Tuy nhiên, năm 2021 chỉ có 4 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, có 1 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Năm 2023 chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa.
Thoái vốn nhà nước có tiến triển nhanh hơn so với cổ phần hóa nhưng tiến độ cũng chậm dần. Trong năm 2021, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Năm 2022, thoái vốn tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Trong 10 tháng của năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, đã thu về 19 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng, thu về 206,3 tỷ đồng.
Tài sản công : Hiện đã có Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhưng nguồn lực chưa được sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế. Cho đến nay, Bộ Tài chính mới bắt đầu thử nghiệm triển khai kiểm kê tài sản công ở hai bộ (Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải) và ba địa phương (Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng).
Đảng cộng sản Việt Nam xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần song song đồng hành vai trò của nhà nước và thị trường : nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng làm nền tảng để phát triển thị trường – phát triển kinh tế tư nhân. Tăng trưởng cao phụ thuộc nhiều vào sự năng động sáng tạo của khu vực tư nhân.
Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về kinh tế tư nhân, xác định đó là động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là :
(1) Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 do Hội nghị Trung ương 5 khóa 9 ban hành "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" ;
(2) Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 "Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" ;
(3) Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ;
(4) Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế tư nhân chưa đạt được phát triển bền vững, tốc độ đầu tư đang chậm lại. Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu và 14% có liên kết với đối tác nước ngoài.
Với định hướng như nêu trên, giai đoạn 2026-2030 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bứt phá 7,5-8%, trong khi vẫn kiềm chế lạm phát trong khoảng 3,5-4%/năm.
Để triển khai chủ trương chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn cần thành lập hai ủy ban về Đầu tư công-Chuyển đổi sở hữu và Phát triển tư nhân: Ủy ban Đầu tư công và Chuyển đổi sở hữu do thủ tướng làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ và cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, còn Ủy ban Phát triển tư nhân do một phó thủ tướng làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và một số tập đoàn tư nhân lớn, hiệp hội doanh nghiệp.
Phạm Đỗ Chí
Nguồn : BBC, 13/07/2024
Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nguyên là chuyên viên IMF. Ông có thời gian làm tư vấn cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane của Lào và Tổng thống Togo.
Ưu tiên trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021–25) của Đảng cộng sản Trung Quốc là tăng cường sự tự chủ của Trung Quốc trong sản xuất chip bán dẫn. Điều này là nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế cung cấp chip chứa công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc. Chiến tranh thương mại là một lời nhắc nhở đối với giới lãnh đạo Trung Quốc rằng nước này không thể phụ thuộc vào nhập khẩu nữa mà phải phát triển công nghệ cốt lõi trong nước và theo đuổi các bước nhảy vọt về công nghệ, đặc biệt là trong các ngành thiết yếu như thiết bị bán dẫn.
Vấn đề thực sự của Trung Quốc nằm ở khả năng sản xuất chip cao cấp. Ảnh minh họa
Nhu cầu của Trung Quốc đối với các công nghệ hiện đại và mới nổi đang gia tăng. Nhập khẩu chip bán dẫn đã tăng lên hơn 300 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019 và là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này. Trung Quốc chỉ cung cấp 30% chip trong nước.
Sản xuất chip là một quá trình phức tạp liên quan đến các thành phần và công đoạn sản xuất khác nhau. Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong thiết kế chip – Huawei đã phát triển thành công chip cao cấp nội bộ, Kirin, cho thiết bị 5G và các mẫu điện thoại thông minh hàng đầu của hãng. Trên một số mặt, Kirin có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với chip của các đối thủ thương mại của hãng như Qualcomm và Samsung.
Vấn đề thực sự của Trung Quốc nằm ở khả năng sản xuất chip cao cấp. Chế tạo chip bán dẫn đòi hỏi độ chính xác cao. Các chip mạnh nhất chứa càng nhiều bóng bán dẫn càng tốt trong các thiết kế ngày càng nhỏ và hiệu quả hơn. Huawei thiết kế được các chip cao cấp nhưng không thể tự sản xuất nội bộ. Thậm chí ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) do nhà nước hậu thuẫn cũng không có khả năng này. Chip Kirin của Huawei được sản xuất bởi Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) sử dụng công nghệ và thiết bị của Hoa Kỳ.
Khoảng cách công nghệ giữa các xưởng sản xuất thiết bị bán dẫn của Trung Quốc và Đài Loan là rất lớn. TSMC sản xuất được chip bán dẫn cao cấp 5 nanomet, trong khi SMIC chỉ mới mua được công nghệ chế tạo loại 14 nanomet cần thiết để sản xuất hàng loạt. Năng lực sản xuất chip của Trung Quốc kém những công ty đầu ngành ít nhất hai thế hệ (7–10 năm).
Trong những năm qua, sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển một số năng lực sản xuất chip. Theo Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ lên tới 50 tỷ USD trong 20 năm qua – gấp 100 lần số tiền mà các công ty ở Đài Loan nhận được. Các công ty trong nước cũng được hưởng lợi từ việc miễn thuế, đất đai miễn phí, các khoản vay ưu đãi và ưu tiên mua sắm. Các công ty Trung Quốc đã tạo ra khối lượng chip ngày càng tăng và xuất khẩu thiết bị bán dẫn của Trung Quốc đạt 101 tỷ USD vào năm 2019, tăng 20% so với năm trước. Nhưng đây chủ yếu là các chip tầm thấp hoặc tầm trung.
Địa chính trị đóng một vai trò trong việc giải thích tại sao sản xuất chip của Trung Quốc lại kém Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ba nền kinh tế này được hưởng lợi từ sự chuyển giao vốn và công nghệ của Mỹ do là đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Chính phủ Đài Loan đã cử một nhóm kỹ sư đầu tiên của mình đến Hoa Kỳ để đào tạo trong những năm 1970, những người sau đó đã quay về để giúp xây dựng xưởng đúc bán dẫn của Đài Loan. Thành công của TMSC cũng nhờ rất nhiều vào người sáng lập, Morris Chang, một kỹ sư gốc Hoa với 25 năm kinh nghiệm trong một công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ trước khi được chính phủ Đài Loan tuyển dụng để thành lập TMSC vào năm 1987.
Những tiến bộ trong sản xuất thiết bị bán dẫn đòi hỏi kỹ năng và chuyên môn không thể phát triển trong một sớm một chiều. Khi Samsung và TMSC bắt đầu đầu tư vào nghiên cứu phát triển và nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn vào cuối những năm 1970, Trung Quốc vừa mới thoát khỏi cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài hơn chục năm vốn đã chà đạp các nỗ lực khoa học. Di sản này có nghĩa là ngay cả sau khi cải cách và mở cửa bắt đầu vào năm 1978, trong suốt những năm 1980 và 1990, Trung Quốc vẫn thiếu các kỹ sư lành nghề để phát triển sự đổi mới trong ngành.
Mô hình nhà nước đầu tư ồ ạt để hỗ trợ các ngành chiến lược của Trung Quốc cũng không đạt hiệu quả cao. Ở Trung Quốc, đầu tư của nhà nước thường dẫn đến khối lượng sản xuất lớn nhưng chất lượng thấp, giống như trong ngành thép. Có những dấu hiệu cho thấy cuộc Đại Nhảy Vọt Chất bán dẫn (Great Semiconductor Leap Forward) do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo gần đây đã thúc đẩy sự gia tăng số lượng đăng ký thành lập các công ty liên quan đến thiết bị bán dẫn trong nước, trung bình 200 công ty mỗi ngày. Một số trong số này được thành lập chủ yếu để lợi dụng các ưu đãi của chính phủ.
Nhân tài rất quan trọng trong ngành bán dẫn. Nền giáo dục của Trung Quốc cần nuôi dưỡng tài năng và sự đổi mới trong khoa học cơ bản để lấp đầy khoảng trống công nghệ trong ngành chế tạo thiết bị bán dẫn. Hiện tại, ngành công nghiệp này của Trung Quốc đang thiếu hụt khoảng 200.000 nhân lực. Hiện Trung Quốc thiếu các nhà nghiên cứu lành nghề chuyên về phát triển các loại chip tiên tiến và các nhà quản lý có kinh nghiệm. Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực tuyển dụng các kỹ sư nước ngoài và giám đốc điều hành cấp cao từ các công ty bán dẫn hàng đầu. Nhưng rất nhiều đợt tuyển dụng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trung Quốc nên suy nghĩ lại về chiến lược nội địa hóa ngành bán dẫn của mình. Việc nội địa hóa chuỗi cung ứng có thể làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, nhưng sẽ tốn kém và không khả thi về mặt thương mại. Đài Loan dẫn đầu ngành bán dẫn là nhờ khả năng tập trung vào một phân khúc thay vì toàn bộ chuỗi cung ứng. Về công nghệ chế tạo chip cao cấp, các nhà sản xuất chip Trung Quốc sẽ phải mất 7–10 năm nữa mới có thể bắt kịp các đối thủ. Và thậm chí ngay cả khi đó, họ cũng đang đuổi theo một mục tiêu di động. TSMC hiện đang tiến tới phát triển quy trình sản xuất chip 3 nanomet.
Trung Quốc có thể tận dụng sự thay đổi công nghệ và tìm kiếm cơ hội bắt kịp đối thủ ở những lĩnh vực khác. Để leo lên cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu, Trung Quốc nên tập trung vào các lĩnh vực khác như chip trí tuệ nhân tạo – một lĩnh vực công nghệ mới với ít công ty hàng đầu hơn. Các công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Huawei đã bắt đầu đi đầu trong việc sản xuất những con chip này để sử dụng trong mạng 5G.
Yvette To
Nguyên tác : "China chases semiconductor self-sufficiency", East Asia, 22/02/2021
Phan Nguyên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/02/2021
Yvette To là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Châu Á và Quốc tế tại Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU).