Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Bref 2

13/07/2024

Phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp bán dẫn...

Phạm Đỗ Chí

Tăng tốc phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy kinh tế tư nhân

Cải thiện đầu tư công, tập trung vào mũi nhọn phát triển công nghiệp bán dẫn và thúc đẩy khối kinh tế tư nhân là những hướng đi cần thiết để Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa về kinh tế. Bài viết được Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí gửi cho BBC News tiếng Việt.

bandan1

Đại hội 13 đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%/ năm

Hiện nay công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2026-2030 phục vụ cho Đại hội Đảng lần thứ 14 đang được triển khai.

Đại hội 13 đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 7%/ năm ; Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Trên thực tế, GDP bình quân 3 năm 2021-2023 là 5,21% ; GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD. Mục tiêu kế hoạch năm 2024 dự kiến đạt 6-6,5% và nếu thực tế đạt mức cao là 6,5% thì năm 2025 GDP phải đạt 10,35%. Đây là mức cao chưa từng có.

Vậy cần làm gì để tiến tới mục tiêu tăng trưởng do Đại hội 13 đặt ra và mục tiêu nước thu nhập trung bình cao, cụ thể là mục tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn của Đại hội 14 cần đặt ra là bao nhiêu và làm gì để đạt được?

Cải thiện đầu tư công, tập trung vào bán dẫn

bandan2

Chính phủ Việt Nam nói đào tạo nguồn nhân lực là khâu "đột phá của đột phá" trong ngành công nghiệp bán dẫn

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chậm lại do đổi mới kinh tế và điều chỉnh cơ cấu kinh tế không có những biến chuyển tích cực, không tạo được đủ động lực cho tăng trưởng. Tình hình kinh tế khó khăn không chỉ đối với khu vực trong nước mà cả khu vực nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước trong 5 tháng ước đạt 21% kế hoạch. Đầu tư công ở Thành phố Hồ Chí Minh không phải ngoại lệ: đến ngày 24/5/2024 mới giải ngân 6.705,2 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đạt 8,5% kế hoạch vốn năm 2024 ; Dự toán kinh phí 1.800 tỷ đồng cho kinh tế số của thành phố hoàn toàn chưa được giải ngân.

Vì vậy, trong thời gian tới - trong năm 2025 còn lại của khóa 13 và 5 năm của khóa 14 - cần có giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tận dụng cơ hội khi căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp FDI chuyển địa điểm sang Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới, Việt Nam cần sửa soạn các chính sách kinh tế mới, chuẩn bị cho các rủi ro cũng như các tiềm năng thương mại với một chính phủ mới ở Washington DC.

Điểm then chốt là tập trung vào mũi nhọn phát triển công nghiệp bán dẫn đã được khởi xướng ý tưởng khi quan hệ hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện, nhưng chưa có kế hoạch triển khai cụ thể. Mũi nhọn này sẽ được tập trung nguồn lực theo hai hướng : (1) đầu tư công phát triển hạ tầng công nghệ cần thiết cho công nghiệp bán dẫn, làm nền tảng để (2) phát triển kinh tế tư nhân-tư nhân hóa. Hai hướng tập trung nguồn lực này đều phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 3 đột phá chiến lược là xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thể chế.

Thúc đẩy đầu tư công từ các nguồn vốn nhà nước như ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương) và doanh nghiệp nhà nước không chỉ hướng vào xây dựng hạ tầng giao thông như đường cao tốc, cầu, cảng hàng không, cảng biển như vẫn làm cho đến nay mà cần tập trung phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bằng việc chú trọng đầu tư vào điện, nước, viễn thông… với chất lượng đáp ứng yêu cầu cao của ngành.

Thúc đẩy kinh tế tư nhân

bandan3.

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, sinh viên đại học hiện đang theo học các ngành điện tử viễn thông hiện khoảng 26.000 người.

Chuyển đổi sở hữu là một chủ trương lớn của Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam nhằm phát huy nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác này cách khá xa mục tiêu đề ra, một phần vì lý do khách quan dịch bệnh nhưng cũng có những lý do chủ quan do nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, thí dụ như đất đai và quyền sử đất của doanh nghiệp cổ phần hóa…

Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022. Tuy nhiên, năm 2021 chỉ có 4 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng. Năm 2022, có 1 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng. Năm 2023 chưa có doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa.

Thoái vốn nhà nước có tiến triển nhanh hơn so với cổ phần hóa nhưng tiến độ cũng chậm dần. Trong năm 2021, đã thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng. Năm 2022, thoái vốn tại 1 doanh nghiệp với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. Trong 10 tháng của năm 2023, thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với giá trị 8,8 tỷ đồng, đã thu về 19 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng, thu về 206,3 tỷ đồng.

Tài sản công : Hiện đã có Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhưng nguồn lực chưa được sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế. Cho đến nay, Bộ Tài chính mới bắt đầu thử nghiệm triển khai kiểm kê tài sản công ở hai bộ (Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải) và ba địa phương (Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng).

bandan4

Đảng cộng sản Việt Nam xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần song song đồng hành vai trò của nhà nước và thị trường : nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng làm nền tảng để phát triển thị trường – phát triển kinh tế tư nhân. Tăng trưởng cao phụ thuộc nhiều vào sự năng động sáng tạo của khu vực tư nhân.

Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về kinh tế tư nhân, xác định đó là động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là :

(1) Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 do Hội nghị Trung ương 5 khóa 9 ban hành "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" ;

(2) Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 "Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" ;

(3) Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ;

(4) Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, cho đến nay kinh tế tư nhân chưa đạt được phát triển bền vững, tốc độ đầu tư đang chậm lại. Dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu và 14% có liên kết với đối tác nước ngoài.

Với định hướng như nêu trên, giai đoạn 2026-2030 có thể đạt mục tiêu tăng trưởng bứt phá 7,5-8%, trong khi vẫn kiềm chế lạm phát trong khoảng 3,5-4%/năm.

Để triển khai chủ trương chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn cần thành lập hai ủy ban về Đầu tư công-Chuyển đổi sở hữu và Phát triển tư nhân: Ủy ban Đầu tư công và Chuyển đổi sở hữu do thủ tướng làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ và cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, còn Ủy ban Phát triển tư nhân do một phó thủ tướng làm chủ tịch với sự tham gia của các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và một số tập đoàn tư nhân lớn, hiệp hội doanh nghiệp.

Phạm Đỗ Chí

Nguồn : BBC, 13/07/2024

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí nguyên là chuyên viên IMF. Ông có thời gian làm tư vấn cho Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane của Lào và Tổng thống Togo.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đỗ Chí
Read 189 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)