Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Con trai ông Trần Bắc Hà bị khởi tố (RFA, 29/03/2019)

Con trai của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), là Trần Duy Tùng bị khởi tố.

thamnhung1

Con trai của ông Trần Bắc Hà (bìa phải) là Trần Duy Tùng (bìa trái), nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV, bị khởi tố. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vtc.vn

Tin từ trong nước vào ngày 29 tháng 3 cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã khởi tố bị can đối với ông Trần Duy Tùng vì bị cáo buộc liên quan đến sai phạm mất vốn xảy ra tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ở Hà Tĩnh.

Theo cáo buộc vừa nêu cũng vào ngày 29 tháng 3, cơ quan chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can đồng thời khám xét tư gia của ông Trần Duy Tùng, 34 tuổi. Ông này là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú, trụ sở Quy Nhơn.

Tin cho hay, dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú không đạt hiệu quả kinh tế. Tập đoàn nhập hằng ngàn bò giống về và sau khi nuôi vài tháng đã bán tháo đi khiến doanh nghiệp thua lỗ lũy kế hơn 900 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú không thể trả nợ cho Ngân hàng BIDV khiến ngân hàng này chịu thiệt hại hơn 890 tỷ đồng.

Vừa qua ông Trần Bắc Hà, bố của ông Trần Duy Tùng, và một số nguyên lãnh đạo của BIDV bị khởi tố về tội danh ‘vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng’ theo khoản 4 Điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Ngoài ông Trần Duy Tùng, cơ quan chức năng cũng bắt giữ ông Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, và ông Thái Thành Vinh, cổ đông của công ty này trong cùng vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản BIDV.

Cũng vào sáng ngày 29 tháng 3, đại diện tổ công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đến trụ sở một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định để yêu cầu cung cấp hồ sơ nhà đất các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến gia đình ông Trần Bắc Hà.

Bản thân ông Trần Bắc Hà trước đây được biết là một tay chân thân cận của ông cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

*****************

Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà bị bắt và khởi tố (BBC, 29/03/2019)

Bộ Công an Việt Nam ngày 29/3 thông báo đã khởi tố, bắt giam ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, cùng ba người khác trong cuộc điều tra ngân hàng BIDV.

thamnhung2

Ông Trần Duy Tùng (trái) và ông Trần Bắc Hà (phải) trong một sự kiện chung với đối tác nước ngoài

Ông Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú (trụ sở thành phố Quy Nhơn), là con trai ông Trần Bắc Hà, người từng dẫn dắt BIDV thời gian dài.

Năm ngoái, ông Trần Bắc Hà đã bị khai trừ khỏi đảng, sau đó bị bắt tạm giam chờ xét xử.

Bộ Công an nói việc khởi tố, bắt giữ bốn người là liên quan vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.

Cùng bị bắt, có Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà ; Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà ; và Thái Thành Vinh, Cổ đông Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.

Thông cáo nói sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, việc khởi tố và bắt giữ đã tiến hành hôm 26/3.

Là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng điều hành công ty An Phú và cũng giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Tháng 9/2017, ông Tùng xin từ chức ở công ty cảng Quy Nhơn.

Đảng Cộng sản gần đây đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.

Theo truyền thông Việt Nam, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Bình Hà là chủ đầu tư.

BIDV là ngân hàng cho vay tiền để làm dự án.

Nhưng theo báo chí, tính đến hôm nay, dự án này chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đề ra.

Các vụ việc đã có 'từ lâu'

Trả lời phỏng vấn BBC vào tháng 11/2018, tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên viên Ngân hàng Thế giới và nhà phân tích tài chính từng làm việc ở Việt Nam từ 2003 đến 2014, cho hay :

..".trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích".

"Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến".

"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều".

"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ".

nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái :

"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều".

"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục n/hân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật nà)y hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ".

*****************

Liệu quan chức sẽ từ chối quà tặng theo luật định ? (RFA, 29/03/2019)

Luật phòng, chống tham nhũng 2018 của Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu được thi hành vào đầu tháng 7 tới đây và cơ quan chức năng tiến hành tham vấn về Dự thảo Nghị Định Hướng dẫn thi hành luật này. Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị Định là quan chức phải từ chối quà được tặng không đúng quy định, hay việc xử phạt tham nhũng sẽ được áp dụng cho cả khu vực ngoài nhà nước.

thamnhung3

Ông Phan Văn Anh Vũ, một trong những đại gia tại Việt Nam bị kết tội làm lộ bí mật nhà nước và tham nhũng nhà đất gây thiệt hại hàng triệu USD, tại phòng xử ở Tòa án Hà Nội hôm 30/1/2019. AFP

Những qui địinh như thế có khả thi, giúp xóa bỏ tình trạng tham nhũng trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay không ?

Người dân : "Chuyện thường ngày ở huyện"

Trong buổi tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội hôm 27/3 vừa qua, Thanh tra chính phủ Nguyễn Tuấn Anh nêu ra một số nội dung mới trong số 11 chương của Dự thảo.

Một trong những nội dung mới đáng chú ý được công bố là người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan,

Nội dung quy định về việc xử lý quà tặng nêu rõ : quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì sẽ được thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định ; quà tặng bằng hiện vật thì sẽ được xác định giá trị và bán công khai để nộp ngân sách.

Trò chuyện với RFA, Nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản hiện sinh sống ở Nha Trang, kể lại chuyện thời sinh viên của ông từ những năm 70s khi đi thực tập đã phải chấp hành những quy định khắt khe về chuyện nhận quà tặng dù rất nhỏ như cây viết, hộp quẹt. Ông chia sẻ :

Sinh viên mình thấy thế thì chấp hành nghiêm túc, nhưng sau này ra đi làm mới thấy chuyện biếu xén quà cáp ở Việt Nam hiện nay trở thành văn hóa rồi. Nếu mà ai không nhận thì thành ra cái gì đó "quái dị" lắm. Buồn như thế đấy !

Từ đó, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định :

Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.

Đánh giá việc ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, Lan, một phụ nữ trẻ làm trong ngành truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quan điểm :

Hình thức vẫn là cái nên có nhưng việc thực thi và áp dụng hình thức đó đến đâu thì lại tùy thuộc vào hệ thống bộ máy nhà nước. Hiện nay thì niềm tin đặt vào bộ máy nhà nước Việt Nam của người dân thì rất thấp. Thật ra tôi nghĩ người dân cũng chẳng quan tâm và họ cũng chẳng tin vào bản chất của cán bộ và nền giáo dục của đất nước này.

Lan giải thích thêm lý do mà cô cho rằng người dân bị "mất niềm tin" :

Nếu mà tin, thì họ đã chẳng phải vi phạm hối lộ. Làm việc ấy giống như "chuyện thường ngày ở huyện’ ! Ví dụ như giải quyết giấy tờ cũng phải nhét tiền cho cán bộ, đi ra ngoài đường bị công an thổi cũng phải nhét tiền cho công an.

Doanh nghiệp : "Công cụ để kiểm soát"

Một nội dung mới khác được đánh giá là khó lần đầu tiên Việt Nam quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng 2018 là việc áp dụng các biện pháp Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Theo đó, việc xử phạt hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước quy định : hành vi hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo và phạt tiền 5 – 10 triệu đồng ; hành vi tham ô, nhận hối lộ chưa đến mức bị truy cứu hình sự sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu dành cho biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân để vi phạm ; sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.

thamnhung4

Ông Đinh La Thăng tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 29/3/2018. Reuters

Nhận định về phạm vi áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước, chủ một doanh nghiệp đang phát triển ở Bình Dương nói với RFA :

Ra luật hối lộ mà phạt luôn doanh nghiệp thì cái đó về hình thức răn đe để người ta thượng tôn pháp luật thì không có, nhưng mà thay vì vậy, Nhà nước lại có một công cụ để kiểm soát doanh nghiệp nữa. Bởi vì bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào ví dụ như trốn thuế hay hối lộ thì đều phải trải qua hết. Vấn đề là có lôi ra hay không thôi.

Dẫn chứng một ví dụ, người doanh nhân trên nói riêng với chúng tôi rằng các doanh nghiệp vào cuối năm thường đều phải khai trả tiền lương và thưởng của công nhân ít hơn thực tế đồng nghĩa với hành vi trốn thuế. Người doanh nhân nói nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ giữ được tiền để trả thêm cho công nhân, thay vì phải đóng những khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn cho Nhà nước. Anh nói thêm :

Khi mà quyết toán thuế thì nó (cán bộ thuế) hiểu hết câu chuyện đó. Nó thả mà, để cuối năm nó hốt một cái.

Vẫn hình thức !

Truyền thông trong nước nói Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung trước đây nằm trong nhiều văn bản liên quan khác nhau.

Bên cạnh đó, chiến dịch chống tham nhũng của Ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ít nhiều được dư luận cho rằng đã mang ra ánh sáng nhiều nhân vật các quan chức cao cấp, công an liên quan các đại án tham nhũng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…

Tuy vậy, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay :

Có những biện pháp ráo riết một thời gian, gọi là "làm màu làm mè" thế thôi, tạm lắng chỗ này chỗ kia thế thôi nhưng bản chất thì không thay đổi được.

Nói về bản chất khiến nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định :

Có một cái ai cũng thấy rất rõ. Dễ mà khó, khó mà dễ ! Đó là quy luật về mặt chính trị : chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nền báo chí và thể chế đa nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết nạn tham nhũng bằng việc tố giác, lên án và chỉ trích từ các phe đối lập. Trong khi đó, điều này khó có thể thực hiện được với thể chế độc đảng và giới lãnh đạo cao cấp muốn duy trì quyền lực tuyệt đối như ở Việt Nam hiện nay.

*******************

Lại 'Một người làm quan cả họ được nhờ' (RFA, 28/03/2019)

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/3/2019, Bộ Tài nguyên và môi trường đã giải trình về việc bổ nhiệm tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, ông Trần Hồng Thái - em trai bộ trưởng Trần Hồng Hà.

thamnhung5

Ông Trần Hồng Thái, em trai ông Trần Hồng Hà, được bổ nhiệm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Khí hậu Thủy văn. Courtesy of baomoi.com

Trước đó, ngày 8/3/2019, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Phạm Tân Tuyến đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục này. Ông Tuyến khẳng định việc bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái là đúng quy định của Đảng và Nhà nước, không có sự cả nể.

Vì sao Bộ Tài nguyên và môi trường phải có buổi giải trình việc bổ nhiệm nhân sự như thế, Nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định :

"Họ có quy định không bổ nhiệm người nhà, bây giờ lại bổ nhiệm người nhà rồi bảo là không phải tôi bổ nhiệm mà là chỗ khác bổ nhiệm. Bây giờ phải nói lại để cho các nơi quan tâm người ta thấy, ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay là Ban Nội chính Trung ương thấy không phải mình bổ nhiệm người nhà mà là một bộ khác, ví dụ như Bộ Nội vụ".

Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho rằng việc bổ nhiệm em trai của Bộ trưởng lên chức Cục trưởng thì đã là điều đáng nói, bây giờ lên tới cấp cao hơn, tức Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, chức này nó tương đương Thứ trưởng nên họ phải giải trình, nhưng phía chính quyền và những người có trách nhiệm không thể được giải thích là nó đúng quy trình.

Chuyện ‘con ông, cháu cha’ được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng không là chuyện hiếm ở Việt Nam từ trước đến nay. Cuối năm 2011, dư luận trong nước đã chú ý việc ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhận chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và được gọi là thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất Việt Nam, bởi khi đó ông Nghị mới 35 tuổi.

Hay như vụ ông Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 khi ông Anh mới 39 tuổi, là bí thư tỉnh thành phố trẻ nhất Việt Nam.

Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng, từng chia sẻ với RFA rằng sở dĩ có chuyện bổ nhiệm người nhà là do kẽ hở luật pháp. Ông phân tích :

"Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực.

Trước đây nhân loại đã tìm ra phương pháp khống chế đó là tam quyền phân lập, hoặc những quy định luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực đó. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ Đảng thôi".

Tại buổi họp báo giải trình về việc bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái hôm 27/3, ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nói rằng việc bổ nhiệm đã được xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi bộ có quyết định bổ nhiệm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng khẳng định với Đất Việt cách đây ba năm về việc bổ nhiệm người nhà rằng nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.

Chuyện lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm người thân, con cái vào các vị trí lãnh đạo đã xảy ra tại Việt Nam nhiều năm nhưng chưa có cách giải quyết. Nhiều diễn đàn trong nước cũng đã nói đến vấn đề này nhưng cụm tù "đúng quy trình" dường như là lực cản cho các cải cách.

Tháng 6/2016, tại Diễn đàn Chủ Nhật báo Tuổi Trẻ có đặt ra câu hỏi làm sao dẹp nạn này và nhiều chuyên gia, luật sư đã nhiệt tình tham gia. Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, có ý kiến trên diễn đàn này rằng luật không quy định cụ thể, cấm cụ thể việc bố bổ nhiệm con trong cơ quan (trừ một số vị trí theo luật chuyên ngành), vậy nên việc các cán bộ trong cơ quan nhà nước đưa con em, người thân của mình vào làm cùng cơ quan, cùng ngành diễn ra khá phổ biến.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì bản chất vấn đề là họ muốn bổ nhiệm người nhà dù có thay đổi văn bản hay quy định, có thể số lượng được bổ nhiệm sẽ ít đi. Ông nói :

"Trong tương lai có thể sẽ xảy ra bớt đi, nhưng họ vẫn muốn bổ nhiệm người thân quen, bởi cái hệ thống này nó như thế kể cả họ thay đổi văn bản hay họ làm một cái gì khác nhưng họ vẫn bổ nhiệm người nhà được. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ là họ muốn như thế thì họ có thể vượt qua tất cả các thứ văn bản. Đấy là cái không đúng của văn bản".

Ông kết luận rằng không nên bổ nhiệm người nhà vì người tài không thiếu. Cho dù có bổ nhiệm đúng thì nhìn từ ngoài vào thì thấy là không tốt vì ông anh bổ nhiệm ông em. Hơn nữa, làm như vậy thì Bộ Nội vụ cũng như Ban Tổ chức Trung ương sẽ mang tiếng thêm nữa.

Vị cựu đại tá công an nêu ý kiến của mình để có thể giảm vấn nạn này :

"Theo tôi thì phải dứt khoát tạm dừng việc bổ nhiệm, xem xét bổ nhiệm con ông cháu cha trong một thời gian dài cho đến khi những người được bổ nhiệm đó chứng minh được tài năng của họ, không phải dựa vào thế con ông cháu cha. Họ đi lên thực sự do khả năng của chính mình thì lúc đó mới lấy lại lòng tin của quần chúng, lòng tin của dư luận xã hội và các cơ quan chức năng".

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Việt Nam khóa XIV sáng 22/5/2017, Chính phủ Hà Nội chính thức cho biết rằng trong thời gian năm tính đến lúc đó có 9 địa phương đã bổ nhiệm 58 cán bộ có quan hệ ruột thịt, họ hàng, vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm.

Đến nay gần 2 năm sau, vấn đề vẫn tiếp diễn và buộc cơ quan hữu quan lên tiếng trần tình.

Diễm Thi

Published in Việt Nam
dimanche, 26 février 2017 22:36

Làm rõ việc "cả họ làm quan"

Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố danh sách các cán bộ ở 9 địa phương có người nhà công tác tại cơ quan do mình làm lãnh đạo. Đáng chú ý, nhiều trường hợp không đủ trình độ hoặc công tác không đúng chuyên môn…

Ngay sau khi nắm bắt thông tin từ các cơ quan báo chí phản ánh tại nhiều địa phương, đơn vị có hiện tượng "cả họ làm quan", gây bức xúc trong nhân dân, Bộ Nội vụ đã vào cuộc thanh tra. Quá trình thanh tra được tiến hành từ ngày 31/10/2016 đến 3/11/2016 tại 9 địa phương là Hà Giang ; xã Hạ Sơn (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) ; huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) ; huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) ; tỉnh Bình Định ; huyện Phong Điền (Cần Thơ) ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) ; tỉnh Yên Bái ; Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng.

Kết quả thanh tra của Bộ Nội vụ như sau, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương theo báo chí phản ánh là 60 người (thực tế chỉ có 2 người không có quan hệ họ hàng). Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người (có chức vụ là 15 người ; không có chức vụ là 3 người) ; số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ là 22 người, không có chức vụ là 18 người) ; số người làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

quan1

Những trường hợp cụ thể được Bộ Nội vụ công bố gồm có trường hợp của bà Phạm Thị Hà (vợ ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) đang giữ chức Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - thiếu trình độ ngoại ngữ B. Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý (em trai bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái), hiện đang giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái - chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính, hiện đang học lớp quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế : Bà Lê Thị Thêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới (vợ ông Hồ Xuân Trăng - Bí thư Huyện ủy A Lưới) - thời điểm bổ nhiệm bà này không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định. Trường hợp ông Hồ Thanh Hà - Phó trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch huyện A Lưới (em vợ ông Trăng), việc tiếp nhận đối với ông Hà từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới về công tác tại UBND huyện không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thời điểm bổ nhiệm ông Hà không có bằng lý luận chính trị, không đủ thời gian giữ ngạch chuyên viên 3 năm trở lên và không có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại quyết định, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện A Lưới (em ruột ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện A Lưới). Tại thời điểm bổ nhiệm, bà Hà không có trình độ lý luận chính trị theo quy định.

Tại Thành phố Đà Nẵng, bà Trần Thị Thu Vân - Phó trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ thuộc Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đà Nẵng (em dâu ông Võ Đình Thạnh - nguyên Giám đốc Trung tâm) - không cung cấp được tài liệu liên quan đến phiếu và biên bản kiểm phiếu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với Phó trưởng phòng.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra các địa phương, đơn vị, cũng như căn cứ các quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm được phát hiện qua kiểm tra. Cùng với việc rà sóat điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý theo kết quả kiểm tra lại tại biên bản làm việc giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan, đơn vị. Cần xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với các trường hợp không đáp ứng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII. Bà An cho rằng : "Hiến pháp 2013 quy định rất rõ mọi người dân có quyền bình đẳng trước pháp luật, trong đó có việc tiếp cận các cơ hội việc làm. Trong trường hợp này tất cả mọi người có cơ hội như nhau. Nếu con cháu các đồng chí đó mà đủ tiêu chuẩn thì mình không bàn, nhưng trong trường hợp báo chí thông tin về các trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì phải bàn. Vì sao lại có những hiện tượng như vậy ?".

Bên cạnh đó, theo bà An cần phải đặt vấn đề là trong cả một vùng mà chẳng lẽ chỉ có con cháu các đồng chí đó đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực sao ? Trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo với dân như thế nào ? Ít ra phải có mặt bằng chung để mọi người dân được tiếp cận các cơ hội tìm kiếm công việc chứ.

"Thời gian vừa qua, việc tuyển dụng con ông, cháu cha đã gây nên tâm lý hơi nặng nề trong dân đó là : Cơ quan đấy là của các ông ấy, ông ấy tuyển con ông ấy vào còn mình không có tiền thì không vào được…" - bà An ngậm ngùi.

Theo bà An, có nhiều đồng chí làm lãnh đạo tốt, tâm huyết và tận tâm vì dân vì nước rất vô tư, nhưng đâu đó vẫn còn những người khiến nhân dân mất lòng tin.

"Tôi nghĩ những người nào được Nhà nước giao phó, tin tưởng giao trách nhiệm thì phải làm tròn trách nhiệm đó, chứ không được vơ vét cá nhân" - nguyên đại biểu Quốc hội nói.

Đánh giá về khâu tuyển dụng nhân sự tại các cơ quan Nhà nước trong thời gian qua, bà Bùi Thị An nói : "Giai đoạn vừa rồi mình có tiêu chí nhưng phải nói là có những nơi tiêu chí chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất. Trong quá trình tuyển dụng, đáng ra phải công bố tiêu chí công khai, phải chọn ra hội đồng chuẩn nhưng có nhiều nơi báo chí phản ánh trong thi cử còn để lộ đề… thế thì rõ ràng khâu tuyển chọn chưa đạt yêu cầu. Chính việc này dẫn đến tình trạng sáng cắp ô đi chiều cắp ô về".

Việc tuyển chọn chưa đạt yêu cầu nên không chọn được người tài, người có phẩm chất tốt vào làm việc tại các cơ quan công quyền nên cuối cùng bộ máy cứ phình to nhưng không đạt được hiệu quả cao.

Để hạn chế tình trạng "cả họ làm quan", nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị cần có cơ chế để dân giám sát việc tuyển dụng. Các cơ quan Nhà nước khi tuyển dụng phải công bố công khai tất cả các thông tin như : Đơn vị nào tuyển, cần tuyển những vị trí nào và những ai tham gia dự tuyển. Minh bạch công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân biết.

Ngoài ra, cũng cần công khai chế tài xử lý để xem có đủ mạnh không chứ không thể để một trường hợp bị kỷ luật ở đơn vị này lại được điều chuyển sang làm lãnh đạo đơn vị khác, thế thì không có nghĩa lý gì. Việc công khai chế tài xử lý để xem có đủ mạnh không, có đúng tội không chứ nếu chỉ rút kinh nghiệm thì không có tác dụng gì cả.

Thiên Minh - Xuân Hinh

Nguồn : PetroTimes, 26/02/2017

Published in Diễn đàn

Chín địa phương có tình trạng ‘cả họ làm quan’ (RFA, 17/02/2017)

Ngảy 17/02/2017, Bộ Nội vụ Việt Nam công bố kết quả kiểm tra rà soát tại 9 địa phương đơn vị là những nơi bị phát hiện có tình trạng tuyển dụng người nhà vào làm việc trong bộ máy chính quyền.

vn1

Đúng quy trình hay một người làm quan cả họ được nhờ (ảnh : tranh ndiep)

 

Cụ thể báo cáo cho thấy số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 (trong đó người có chức vụ là 15 người), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người (trong đó người có chức vụ là 22 người). Số người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước là 24 người, cơ quan đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người, đơn vị sự nghiệp là 14 người.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho báo chí biết những thiếu sót chủ yếu được phát hiện bao gồm người được tuyển dụng còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, trình tự bổ nhiệm của một số trường hợp không có văn bản đề nghị và phê duyệt chủ trương bổ nhiệm, không thực hiện trình tự, thủ tục tuyển dụng, đồng thời không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương rà soát lại các điều kiện và tiêu chuẩn còn thiếu của các công chức được bổ nhiệm, xem xét theo thẩm quyền việc miễn nhiệm chức vụ đối với những trường hợp không đáp ứng quy định.

Việc thanh tra ở 9 địa phương được thực hiện trong hơn 1 tháng sau khi có các thông tin trên báo chí về hiện tượng cả họ làm quan ở một số địa phương. Sau những phản ánh của báo chí, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra, rà soát các thông tin mà báo chí phản ánh.

******************

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tử hình (RFA, 17/02/2017)

vn2

Ông Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines, bị kết án tử hình tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 16/12/2013. AFP photo

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, trụ sở tại Paris- Pháp, hôm nay ra thông cáo xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước tử hình nhiều người nhất thế giới.

Thông cáo dựa vào báo cáo mới đây của Bộ Công an Việt Nam công bố trong tháng này cho biết Việt Nam đã tử hình tổng cộng 429 người từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 6 năm 2016. Với con số này, Việt Nam chỉ xếp sau các nước Trung Quốc, Iran, Pakistan, Ả Rập Xê út và Hoa Kỳ.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam nói những con số như vừa nêu là khủng khiếp. Ông cho rằng việc dùng án phạt tử hình ở Việt Nam là do luật pháp không công bằng ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công An Việt Nam đề ngày 4 tháng 1 năm nay, để đối phó với số đông đảo người bị tử hình, Việt Nam đã xây dựng 5 cơ sở tử hình mới để bổ sung cho 5 cơ sở khác hiện có ở Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Sơn La và Dak Lak. Theo báo cáo, các nhân viên an ninh đang được đào tạo gấp rút để có thể tiến hành tiêm thuốc độc cho tử tù.

Báo cáo cũng đưa ra những thông tin được cho là nhậy cảm về tình hình thực hiện các án tử hình hiện tại, theo đó có 681 tù nhân đang chờ thi hành án trong tháng 6 năm 2016, 80 người được kéo dài thời gian chờ thi hành án hoặc phải xử lại vì kết án sai, 36 người khác đã chết khi chờ thi hành án trong 5 năm qua. Thông tin về việc thi hành các án tử hình ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn được coi là bí mật quốc gia.

Báo cáo cũng cho biết, mặc dù Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 đã giảm số tội phải chịu án tử hình từ 44 xuống còn 22 nhưng con số người bị tuyên án tử hình hàng năm tại Việt Nam vẫn không giảm. Điều này cho thấy sự bất lực của án tử hình trong việc giúp ngăn chặn tội phạm.

Published in Việt Nam