Con trai ông Trần Bắc Hà bị khởi tố (RFA, 29/03/2019)
Con trai của ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), là Trần Duy Tùng bị khởi tố.
Con trai của ông Trần Bắc Hà (bìa phải) là Trần Duy Tùng (bìa trái), nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV, bị khởi tố. Courtesy : Ảnh chụp màn hình vtc.vn
Tin từ trong nước vào ngày 29 tháng 3 cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công An đã khởi tố bị can đối với ông Trần Duy Tùng vì bị cáo buộc liên quan đến sai phạm mất vốn xảy ra tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ở Hà Tĩnh.
Theo cáo buộc vừa nêu cũng vào ngày 29 tháng 3, cơ quan chức năng thi hành quyết định khởi tố bị can đồng thời khám xét tư gia của ông Trần Duy Tùng, 34 tuổi. Ông này là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú, trụ sở Quy Nhơn.
Tin cho hay, dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú không đạt hiệu quả kinh tế. Tập đoàn nhập hằng ngàn bò giống về và sau khi nuôi vài tháng đã bán tháo đi khiến doanh nghiệp thua lỗ lũy kế hơn 900 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú không thể trả nợ cho Ngân hàng BIDV khiến ngân hàng này chịu thiệt hại hơn 890 tỷ đồng.
Vừa qua ông Trần Bắc Hà, bố của ông Trần Duy Tùng, và một số nguyên lãnh đạo của BIDV bị khởi tố về tội danh ‘vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng’ theo khoản 4 Điều 206 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Ngoài ông Trần Duy Tùng, cơ quan chức năng cũng bắt giữ ông Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, và ông Thái Thành Vinh, cổ đông của công ty này trong cùng vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản BIDV.
Cũng vào sáng ngày 29 tháng 3, đại diện tổ công tác của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đến trụ sở một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định để yêu cầu cung cấp hồ sơ nhà đất các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến gia đình ông Trần Bắc Hà.
Bản thân ông Trần Bắc Hà trước đây được biết là một tay chân thân cận của ông cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.
*****************
Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà bị bắt và khởi tố (BBC, 29/03/2019)
Bộ Công an Việt Nam ngày 29/3 thông báo đã khởi tố, bắt giam ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, cùng ba người khác trong cuộc điều tra ngân hàng BIDV.
Ông Trần Duy Tùng (trái) và ông Trần Bắc Hà (phải) trong một sự kiện chung với đối tác nước ngoài
Ông Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú (trụ sở thành phố Quy Nhơn), là con trai ông Trần Bắc Hà, người từng dẫn dắt BIDV thời gian dài.
Năm ngoái, ông Trần Bắc Hà đã bị khai trừ khỏi đảng, sau đó bị bắt tạm giam chờ xét xử.
Bộ Công an nói việc khởi tố, bắt giữ bốn người là liên quan vụ án hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.
Cùng bị bắt, có Đinh Văn Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà ; Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà ; và Thái Thành Vinh, Cổ đông Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.
Thông cáo nói sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, việc khởi tố và bắt giữ đã tiến hành hôm 26/3.
Là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà, ông Trần Duy Tùng điều hành công ty An Phú và cũng giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.
Tháng 9/2017, ông Tùng xin từ chức ở công ty cảng Quy Nhơn.
Đảng Cộng sản gần đây đã yêu cầu thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Theo truyền thông Việt Nam, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Bình Hà là chủ đầu tư.
BIDV là ngân hàng cho vay tiền để làm dự án.
Nhưng theo báo chí, tính đến hôm nay, dự án này chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đề ra.
Các vụ việc đã có 'từ lâu'
Trả lời phỏng vấn BBC vào tháng 11/2018, tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên viên Ngân hàng Thế giới và nhà phân tích tài chính từng làm việc ở Việt Nam từ 2003 đến 2014, cho hay :
..".trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích".
"Bây giờ, từ từ những vụ này bị khui ra thì đây không phải là chuyện gì mới mà là hình phạt tất phải đến".
"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều".
"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục nhân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật này hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ".
nói về những vấn đề rất nghiêm trọng như chuyện thất thoát tài sản quốc gia hay chuyện làm ăn sai trái :
"Các chuyện ngân hàng này thật ra là bắt đầu từ mười mấy năm trước và kéo dài dai dẳng và những lợi dụng quá nhiều".
"Nếu mà ngày nào ra ánh sáng sự thật thì có lẽ còn cả chục n/hân vật như ông Trần Bắc Hà sẽ bị khui ra trước ánh sáng và khối tài sản nằm về tay những nhân vật nà)y hay một khối nhân vật đằng sau sẽ là một câu chuyện khổng lồ".
*****************
Liệu quan chức sẽ từ chối quà tặng theo luật định ? (RFA, 29/03/2019)
Luật phòng, chống tham nhũng 2018 của Chính phủ Việt Nam sẽ bắt đầu được thi hành vào đầu tháng 7 tới đây và cơ quan chức năng tiến hành tham vấn về Dự thảo Nghị Định Hướng dẫn thi hành luật này. Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị Định là quan chức phải từ chối quà được tặng không đúng quy định, hay việc xử phạt tham nhũng sẽ được áp dụng cho cả khu vực ngoài nhà nước.
Ông Phan Văn Anh Vũ, một trong những đại gia tại Việt Nam bị kết tội làm lộ bí mật nhà nước và tham nhũng nhà đất gây thiệt hại hàng triệu USD, tại phòng xử ở Tòa án Hà Nội hôm 30/1/2019. AFP
Những qui địinh như thế có khả thi, giúp xóa bỏ tình trạng tham nhũng trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay hay không ?
Người dân : "Chuyện thường ngày ở huyện"
Trong buổi tham vấn Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội hôm 27/3 vừa qua, Thanh tra chính phủ Nguyễn Tuấn Anh nêu ra một số nội dung mới trong số 11 chương của Dự thảo.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý được công bố là người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan,
Nội dung quy định về việc xử lý quà tặng nêu rõ : quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì sẽ được thủ trưởng nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định ; quà tặng bằng hiện vật thì sẽ được xác định giá trị và bán công khai để nộp ngân sách.
Trò chuyện với RFA, Nhà báo Võ Văn Tạo, một cựu chiến binh cộng sản hiện sinh sống ở Nha Trang, kể lại chuyện thời sinh viên của ông từ những năm 70s khi đi thực tập đã phải chấp hành những quy định khắt khe về chuyện nhận quà tặng dù rất nhỏ như cây viết, hộp quẹt. Ông chia sẻ :
Sinh viên mình thấy thế thì chấp hành nghiêm túc, nhưng sau này ra đi làm mới thấy chuyện biếu xén quà cáp ở Việt Nam hiện nay trở thành văn hóa rồi. Nếu mà ai không nhận thì thành ra cái gì đó "quái dị" lắm. Buồn như thế đấy !
Từ đó, nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận định :
Quy định cho vui vậy thôi chứ tính khả thi là rất ít.
Đánh giá việc ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, Lan, một phụ nữ trẻ làm trong ngành truyền thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết quan điểm :
Hình thức vẫn là cái nên có nhưng việc thực thi và áp dụng hình thức đó đến đâu thì lại tùy thuộc vào hệ thống bộ máy nhà nước. Hiện nay thì niềm tin đặt vào bộ máy nhà nước Việt Nam của người dân thì rất thấp. Thật ra tôi nghĩ người dân cũng chẳng quan tâm và họ cũng chẳng tin vào bản chất của cán bộ và nền giáo dục của đất nước này.
Lan giải thích thêm lý do mà cô cho rằng người dân bị "mất niềm tin" :
Nếu mà tin, thì họ đã chẳng phải vi phạm hối lộ. Làm việc ấy giống như "chuyện thường ngày ở huyện’ ! Ví dụ như giải quyết giấy tờ cũng phải nhét tiền cho cán bộ, đi ra ngoài đường bị công an thổi cũng phải nhét tiền cho công an.
Doanh nghiệp : "Công cụ để kiểm soát"
Một nội dung mới khác được đánh giá là khó lần đầu tiên Việt Nam quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng 2018 là việc áp dụng các biện pháp Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Theo đó, việc xử phạt hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước quy định : hành vi hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo và phạt tiền 5 – 10 triệu đồng ; hành vi tham ô, nhận hối lộ chưa đến mức bị truy cứu hình sự sẽ bị phạt 10 – 20 triệu đồng. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu dành cho biểu hiện nhũng nhiễu, lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân để vi phạm ; sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm.
Ông Đinh La Thăng tại Tòa án Nhân dân Hà Nội hôm 29/3/2018. Reuters
Nhận định về phạm vi áp dụng cho khu vực ngoài nhà nước, chủ một doanh nghiệp đang phát triển ở Bình Dương nói với RFA :
Ra luật hối lộ mà phạt luôn doanh nghiệp thì cái đó về hình thức răn đe để người ta thượng tôn pháp luật thì không có, nhưng mà thay vì vậy, Nhà nước lại có một công cụ để kiểm soát doanh nghiệp nữa. Bởi vì bất kỳ doanh nghiệp Việt Nam nào ví dụ như trốn thuế hay hối lộ thì đều phải trải qua hết. Vấn đề là có lôi ra hay không thôi.
Dẫn chứng một ví dụ, người doanh nhân trên nói riêng với chúng tôi rằng các doanh nghiệp vào cuối năm thường đều phải khai trả tiền lương và thưởng của công nhân ít hơn thực tế đồng nghĩa với hành vi trốn thuế. Người doanh nhân nói nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ giữ được tiền để trả thêm cho công nhân, thay vì phải đóng những khoản phí bảo hiểm, phí công đoàn cho Nhà nước. Anh nói thêm :
Khi mà quyết toán thuế thì nó (cán bộ thuế) hiểu hết câu chuyện đó. Nó thả mà, để cuối năm nó hốt một cái.
Vẫn hình thức !
Truyền thông trong nước nói Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm nhiều nội dung trước đây nằm trong nhiều văn bản liên quan khác nhau.
Bên cạnh đó, chiến dịch chống tham nhũng của Ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ít nhiều được dư luận cho rằng đã mang ra ánh sáng nhiều nhân vật các quan chức cao cấp, công an liên quan các đại án tham nhũng như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…
Tuy vậy, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay :
Có những biện pháp ráo riết một thời gian, gọi là "làm màu làm mè" thế thôi, tạm lắng chỗ này chỗ kia thế thôi nhưng bản chất thì không thay đổi được.
Nói về bản chất khiến nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam hiện nay, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định :
Có một cái ai cũng thấy rất rõ. Dễ mà khó, khó mà dễ ! Đó là quy luật về mặt chính trị : chúng ta không có đối trọng, không có đa nguyên, đa đảng, không có báo chí đối lập thì không cách nào chống được tham nhũng.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nền báo chí và thể chế đa nguyên sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết nạn tham nhũng bằng việc tố giác, lên án và chỉ trích từ các phe đối lập. Trong khi đó, điều này khó có thể thực hiện được với thể chế độc đảng và giới lãnh đạo cao cấp muốn duy trì quyền lực tuyệt đối như ở Việt Nam hiện nay.
*******************
Lại 'Một người làm quan cả họ được nhờ' (RFA, 28/03/2019)
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27/3/2019, Bộ Tài nguyên và môi trường đã giải trình về việc bổ nhiệm tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, ông Trần Hồng Thái - em trai bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Ông Trần Hồng Thái, em trai ông Trần Hồng Hà, được bổ nhiệm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Khí hậu Thủy văn. Courtesy of baomoi.com
Trước đó, ngày 8/3/2019, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Phạm Tân Tuyến đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục này. Ông Tuyến khẳng định việc bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái là đúng quy định của Đảng và Nhà nước, không có sự cả nể.
Vì sao Bộ Tài nguyên và môi trường phải có buổi giải trình việc bổ nhiệm nhân sự như thế, Nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp nhận định :
"Họ có quy định không bổ nhiệm người nhà, bây giờ lại bổ nhiệm người nhà rồi bảo là không phải tôi bổ nhiệm mà là chỗ khác bổ nhiệm. Bây giờ phải nói lại để cho các nơi quan tâm người ta thấy, ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay là Ban Nội chính Trung ương thấy không phải mình bổ nhiệm người nhà mà là một bộ khác, ví dụ như Bộ Nội vụ".
Cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho rằng việc bổ nhiệm em trai của Bộ trưởng lên chức Cục trưởng thì đã là điều đáng nói, bây giờ lên tới cấp cao hơn, tức Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, chức này nó tương đương Thứ trưởng nên họ phải giải trình, nhưng phía chính quyền và những người có trách nhiệm không thể được giải thích là nó đúng quy trình.
Chuyện ‘con ông, cháu cha’ được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng không là chuyện hiếm ở Việt Nam từ trước đến nay. Cuối năm 2011, dư luận trong nước đã chú ý việc ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, nhận chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng và được gọi là thứ trưởng đương nhiệm trẻ nhất Việt Nam, bởi khi đó ông Nghị mới 35 tuổi.
Hay như vụ ông Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 khi ông Anh mới 39 tuổi, là bí thư tỉnh thành phố trẻ nhất Việt Nam.
Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng, từng chia sẻ với RFA rằng sở dĩ có chuyện bổ nhiệm người nhà là do kẽ hở luật pháp. Ông phân tích :
"Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực.
Trước đây nhân loại đã tìm ra phương pháp khống chế đó là tam quyền phân lập, hoặc những quy định luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực đó. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có đoạn nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ Đảng thôi".
Tại buổi họp báo giải trình về việc bổ nhiệm ông Trần Hồng Thái hôm 27/3, ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nói rằng việc bổ nhiệm đã được xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi bộ có quyết định bổ nhiệm.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng khẳng định với Đất Việt cách đây ba năm về việc bổ nhiệm người nhà rằng nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.
Chuyện lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm người thân, con cái vào các vị trí lãnh đạo đã xảy ra tại Việt Nam nhiều năm nhưng chưa có cách giải quyết. Nhiều diễn đàn trong nước cũng đã nói đến vấn đề này nhưng cụm tù "đúng quy trình" dường như là lực cản cho các cải cách.
Tháng 6/2016, tại Diễn đàn Chủ Nhật báo Tuổi Trẻ có đặt ra câu hỏi làm sao dẹp nạn này và nhiều chuyên gia, luật sư đã nhiệt tình tham gia. Ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, có ý kiến trên diễn đàn này rằng luật không quy định cụ thể, cấm cụ thể việc bố bổ nhiệm con trong cơ quan (trừ một số vị trí theo luật chuyên ngành), vậy nên việc các cán bộ trong cơ quan nhà nước đưa con em, người thân của mình vào làm cùng cơ quan, cùng ngành diễn ra khá phổ biến.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì bản chất vấn đề là họ muốn bổ nhiệm người nhà dù có thay đổi văn bản hay quy định, có thể số lượng được bổ nhiệm sẽ ít đi. Ông nói :
"Trong tương lai có thể sẽ xảy ra bớt đi, nhưng họ vẫn muốn bổ nhiệm người thân quen, bởi cái hệ thống này nó như thế kể cả họ thay đổi văn bản hay họ làm một cái gì khác nhưng họ vẫn bổ nhiệm người nhà được. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ là họ muốn như thế thì họ có thể vượt qua tất cả các thứ văn bản. Đấy là cái không đúng của văn bản".
Ông kết luận rằng không nên bổ nhiệm người nhà vì người tài không thiếu. Cho dù có bổ nhiệm đúng thì nhìn từ ngoài vào thì thấy là không tốt vì ông anh bổ nhiệm ông em. Hơn nữa, làm như vậy thì Bộ Nội vụ cũng như Ban Tổ chức Trung ương sẽ mang tiếng thêm nữa.
Vị cựu đại tá công an nêu ý kiến của mình để có thể giảm vấn nạn này :
"Theo tôi thì phải dứt khoát tạm dừng việc bổ nhiệm, xem xét bổ nhiệm con ông cháu cha trong một thời gian dài cho đến khi những người được bổ nhiệm đó chứng minh được tài năng của họ, không phải dựa vào thế con ông cháu cha. Họ đi lên thực sự do khả năng của chính mình thì lúc đó mới lấy lại lòng tin của quần chúng, lòng tin của dư luận xã hội và các cơ quan chức năng".
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Việt Nam khóa XIV sáng 22/5/2017, Chính phủ Hà Nội chính thức cho biết rằng trong thời gian năm tính đến lúc đó có 9 địa phương đã bổ nhiệm 58 cán bộ có quan hệ ruột thịt, họ hàng, vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm.
Đến nay gần 2 năm sau, vấn đề vẫn tiếp diễn và buộc cơ quan hữu quan lên tiếng trần tình.
Diễm Thi