Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/03/2019

Tuổi trẻ Việt Nam mất định hướng : vlog và thần tượng

Tổng hợp

‘Thần tượng’ quái gở của giới trẻ Việt (Người Việt, 31/03/2019)

Hôm 31 tháng Ba, Facebook tràn ngập hình ảnh một thanh niên tên Dương Minh Tuyền được đông đảo thanh thiếu niên chào đón nhiệt liệt khi đến Hưng Yên "trợ giúp nữ sinh lớp 9 trong vụ bị năm bạn học lột quần áo, đánh đập tại trường".

vlog1

Dương Minh Tuyền được nhiều trẻ em chào đón nồng nhiệt ở Hưng Yên hôm 31 tháng Ba. (Hình : Facebook Dương Minh Tuyền)

Hình ảnh thanh niên này đeo mắt kính đen, dây chuyền vàng và có nhiều hình xăm chi chít trên hai cánh tay được nhiều thiếu niên vây quanh như đón một thần tượng khiến phụ huynh dấy lên lo ngại.

Theo báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam, Dương Minh Tuyền ở Bắc Ninh "nổi tiếng là liều lĩnh, có các clip chửi bới trên mạng xã hội và thành tích ra tù vào tội của mình".

Chỉ sau ba giờ, một Facebook live của Dương Minh Tuyền về "chuyến thăm Hưng Yên" đã lập tức nhận được 94.000 lượt view và hơn 800 lượt share, hơn 1.400 comment với những lời ca tụng và bày tỏ sự ái mộ nồng nhiệt.

Trước đó, đầu tháng Ba, mạng xã hội cũng ồn ào về clip đốt xe và hình ảnh đứng dàn hàng ngang cùng bạn bè trên quốc lộ của một thanh niên khác có biệt danh Khá "Bảnh", người có tên thật là Ngô Bá Khá (26 tuổi, ở Bắc Ninh). Giới trẻ miền Bắc không những không lên án hành vi vi phạm pháp luật, mà còn tung hô Khá "Bảnh" như một "người hùng" vì dám nghĩ, dám làm… Đáng lưu ý, YouTube riêng của nhân vật này có hơn 1.9 lượt subscriber và mỗi clip đều đạt "hàng triệu lượt view" cùng vô số comment.

vlog2

Nhiều thanh thiếu niên chen nhau để được chụp hình với Dương Minh Tuyền ở Hưng Yên hôm 31 tháng Ba. (Hình : Facebook Dương Minh Tuyền)

Hai thanh niên nêu trên cùng với những nhân vật có biệt danh Huấn Hoa Hồng, Dũng Trọc, Ngân Trọc, Phú Lê, Quang Rambo… nghiễm nhiên trở thành những cái tên quen thuộc với giới trẻ Việt Nam.

Người ta thấy các thanh niên này xuất hiện trong các clip có lượt view nhiều trên YouTube cho thấy cách họ ăn chơi nhậu nhẹt, nói tục chửi thề, thách thức, cầm súng, mã tấu, gậy gộc đi "giải quyết công việc".

Báo VOV đặt vấn đề : "Số đông đang cổ vũ cho những ‘hiện tượng mạng’ là ai ? Là thế hệ 10X với những háo hức, tò mò. Không cần tài năng ; chỉ cần một phát ngôn gây sốc, khoe thân ‘show hàng,’ một giọng hát lệch tông, dở tệ hay khoe xe, khoe bạn gái, khoe tiền, khoe sự liều lĩnh… thế là ‘nổi tiếng.’"

Nói với báo này, Nguyễn Thị Hằng (22 tuổi, quê Nghệ An) cho rằng : "Thực ra việc tung hô những thứ nhảm nhí trong xã hội hiện nay không còn hiếm và trở nên rất bình thường. Những clip thu hút triệu view của Khá ‘Bảnh’ đều không có nội dung hay thông điệp gì cả. Mọi người xem nó vì thấy vui và nhằm để giải trí chứ không có ý nghĩa gì cả".

vlog3

Thanh niên có biệt danh Khá "Bảnh" đốt xe để gây chú ý. (Hình cắt từ clip)

Trang Thư Viện Khoa Học (Open Sci-Bot Library) hôm 24 tháng Ba đăng bài phân tích của tác giả Nguyễn Trung Kiên, nghiên cứu sinh xã hội học tại Đại Học Monash, Úc : "Khá ‘Bảnh’ là đại diện cho một giá trị ‘anh hùng’ cho bộ phận xã hội trong bối cảnh xã hội loạn giá trị. Trong xã hội, con người thường định hướng bản thân tới các hình mẫu giá trị. Nhưng niềm tin vào các đối tượng ‘chính danh’ đang bị xói mòn bởi các vụ việc như quan chức tham nhũng trong xây dựng đền đài, công trình giao thông ; vụ thầy cô có liên quan đến bán dâm trẻ em ; công an giao thông ăn hối lộ…"

"Khi những hành vi lệch chuẩn chẳng hạn như một kẻ được cho là trí thức cưỡng hôn cô gái chỉ bị phạt 200.000 đồng ($8.6), pháp luật và chế tài đang trở nên vô hại và không có khả năng thực hiện chức năng định hướng hành vi. Trong bối cảnh các khuôn mẫu và hệ giá trị chính danh bị xói mòn, và một bộ phận giới trẻ sinh ra và lớn lên trong sự lung lay không biết đặt niềm tin vào đâu thì Khá ‘Bảnh’ lại là một nhân vật có khả năng tạo ra các giá trị lấp chỗ trống vào sự hụt hẫng đó. Những người ‘giang hồ’ như Khá ‘Bảnh’ có thể trở thành nhóm giương cờ cho những người mất định hướng bấu víu vào trong lúc xã hội Việt Nam đảo lộn về giá trị quy chiếu", trang này viết. (T.K.)

******************

"Bớt phàn nàn về chính trị" hay sự vô tâm hiện thực ? (VNTB, 31/03/2019)

Xã hội Việt Nam có tương lai hay không, chính là dựa vào sự quan tâm các khía cạnh của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Khi giá xăng tăng cao, các nhà phân phối xăng sử dụng tiền lãi để đầu tư ngoài ngành và tham nhũng, thì sự "than thở" lại có tác dụng như một lưu tâm hiện thực. Và quả vậy, tương lai của quốc gia không hề được bỏ rơi từ chính sự "than thở" đó.

idiot0

A Flying Andrew, một fanpage của Nguyễn Đức Anh, một du học sinh đang sống ở Châu Âu, người mà đầu tháng 3 đã tung ra video "Chính trị Việt Nam cho người trẻ - Điều cần biết".

"Mình cảm thấy người Việt nên trân trọng đất nước mình hơn và cố gắng làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình thay vì chỉ phàn nàn".

Tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam tốt hơn bởi Việt Nam thường xuyên được tổ chức các sự kiện lớn của thế giới trong thời gian gần đây và trong mắt bạn bè thế giới, qua quan sát của Đức Anh trên Youtube, Việt Nam là một đất nước "ôn hòa và không có nhiều tỷ lệ tội phạm cao".

Còn những vấn đề khác, sẽ "dần dần dần dần sẽ được giải quyết". Và đề cao giá trị của đồng tiền, bởi theo quan điểm Đức Anh, "và khi người Việt Nam có nhiều tiền hơn, tất cả mọi thứ ở Việt Nam sẽ tốt lên rất nhiều. Bởi vì đồng tiền rất quyền lực. Khi bạn có tiền thì bạn có những quyền lực khác là đi kèm".

Tất cả là điều tốt !

idiot1

Tranh L'idiot du village do họa sĩ Xavier Bessière vẽ (2016)

Quan điểm biểu đạt của Nguyễn Đức Anh dù đúng hay sai, nhưng nó ôn hòa và mang góc nhìn cá nhân, và điều này hoàn toàn là điều tốt. Cách Đức Anh chia sẻ video, quan điểm về cái sự "than thở chính trị" đã cho thấy sự lưu tâm, ít nhất – là một người con xa quê hương đối với quốc gia và xu hướng giới trẻ.

Thế nhưng, góc nhìn của Nguyễn Đức Anh chỉ là góc nhìn mơ mộng hơn là thực tế, là góc nhìn qua youtube và của những người EU vốn chịu tác động bởi các hệ quả phi lý của vấn đề nhập cư hơn là một góc nhìn thực tế. Và cả hai góc nhìn gián tiếp này đều không đầy đủ.

Một người ở EU, hay thậm chí ở Mỹ đến hiện nay vẫn còn giữ ý thức "Việt Nam đang chiến tranh", và đây là chuyện rất bình thường, bởi sự giao tiếp xã hội bên ngoài của họ còn hạn hẹp. Một người Tây phương có thể nhận thấy Việt Nam là nơi đồ ăn rẻ, công an Việt Nam dễ dãi hơn, không có tình trạng thảm sát bằng súng,… nhưng tất cả chỉ nằm ở mức góc nhìn của một người du lịch, và trải nghiệm môi trường sống. Nó không đủ lâu để nhận ra rằng, không khí thành phố lớn ngột ngạt vì ô nhiễm, không có thảm sát bằng súng nhưng lại có hàng trăm ngàn vụ đâm chém nhau, đồ ăn rẻ nhưng lại là thực phẩm bẩn,…

Việt Nam là quốc gia "ôn hòa" trên bình diện quốc tế, nhưng trong nước hòa toàn "bất ôn hòa", vì thế mới sinh ra những cái chết trong đồn công an, nạn nhũng nhiễu trong hành chính công, dân oan…

Khi Đức Anh quan sát trên Youtube, thì có lẽ bạn mới quan sát ở một khía cạnh là các video giới thiệu du lịch hoặc là video tổ chức hội nghị, ở nơi đó, tất cả trở nên hoàn hảo hơn rất nhiều so với thực tế xã hội. Còn ngược lại, khi bạn bật vị trí là Việt Nam, thì xu hướng của Youtube Việt Nam là giang hồ và sex, những thứ mà khiến tầng lớp thanh thiếu niên chìm vào và quên đi thực tại. Ở nơi đó, nó cổ vũ cho quyền lực đồng tiền, cổ vũ cho đâm chém hơn là cổ vũ một trật tự xã hội bằng pháp luật và nơi mà pháp luật được ngự trị.

Nhưng Đức Anh đã có một quan điểm rất thực tế, đó là "đồng tiền rất quyền lực", và tại Việt Nam nó càng chứng tỏ sự quyền lực hơn. Đồng tiền có thể bẻ cong mọi thứ, kể cả chính trị lẫn số phận một con người. Giả như rằng, Đức Anh dưới lớp vai công nhân, Đức Anh sẽ thấy bất công xã hội ở một xã hội mà đồng tiền chi phối và làm nên mọi thứ như thế nào. Lúc đó, hẳn nhiên, Đức Anh sẽ không còn thấy Việt Nam "ôn hòa và tươi đẹp" như lúc nhận xét ở trời Âu. Và rằng, Đức Anh buộc phải "than thở về chính trị".

Những góc nhìn hẹp

Quan điểm của Đức Anh tồn tại rất nhiều ở những Tây Balo tại Việt Nam, nơi họ sử dụng đồng tiền có giá để chi tiêu ở một đất nước mà giá cả có phần thấp hơn. Họ nhìn cái hình thức được "chiêu đãi" đối với người nước ngoài để đánh giá một quốc gia hoàn hảo hơn tại quốc gia mình đang sống.

Ngay cả ở Việt Nam, một lớp người sùng bái quyền lãnh đạo độc tôn vẫn ngày ngày đem việc tổ chức Hội nghị quốc tế và tăng trưởng GDP ra để đáp lại những lời "chỉ trích". Tuy nhiên, họ không biết rằng, tiềm lực quốc gia (tài nguyên thiên nhiên, cơ cấu dân số vàng,…) không tương xứng với giá trị mang lại. 

Sẽ chẳng ngạc nhiên khi nhóm người đó vẫn hằng ngày sùng bái và ca tụng Triều Tiên như một biểu tượng kiên cường chống Mỹ, mà bỏ qua những cái chết vì thiếu ăn của công dân Triều Tiên. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi một công dân Mỹ , vào năm 2014 - người đã xâm nhập trái phép vào Triều Tiên đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng, tuyên bố từ bỏ quốc tịch và lên án chính hệ thống kinh tế và chính trị Mỹ.

Tất cả chỉ cho thấy một "góc nhìn hẹp", một góc nhìn được viết ra và nói ra trên đệm ghế salong. Đó là vì sao, Đức Anh đánh giá một "sự chia sẻ hay vote" sẽ không thay đổi được gì. Trong khi, tại Việt Nam, nếu không xuất hiện sự "chia sẻ hay vote" đó, thì có lẽ, bất công xã hội càng nặng nề hơn hiện tại.

Sự "than thở chính trị" suy cho cùng, không phải là làm xao lãng khả năng tạo ra "giá trị xã hội", mà ngược lại, trong một nhà nước độc tôn quyền lực, chính nó đã tạo ra mầm mống giá trị xã hội mà chính Đức Anh chưa đủ sự tinh tế và trái nghiệm để nhận ra : quyền tự do ngôn luận và sự chỉ trích Chính phủ. Hai yếu tố làm nên cuộc cách mạng tư sản và một nền tảng vật chất đủ đầy tại Tây Âu – nơi mà Đức Anh đang theo học.

Xã hội Việt Nam có tương lai hay không, chính là dựa vào sự quan tâm các khía cạnh của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội. Khi giá xăng tăng cao, các nhà phân phối xăng sử dụng tiền lãi để đầu tư ngoài ngành và tham nhũng, thì sự "than thở" lại có tác dụng như một lưu tâm hiện thực. Và quả vậy, tương lai của quốc gia không hề được bỏ rơi từ chính sự "than thở" đó.

Nguyễn Hiền

******************

Vlog 'Chính trị Việt Nam' của Nguyễn Đức Anh gây tranh cãi (BBC, 29/03/2019)

A Flying Andrew là trang video của Nguyễn Đức Anh, một du học sinh đang sống ở Châu Âu, nói rằng giới trẻ Việt "không nên phàn nàn" về tình hình chính trị xã hội Việt Nam, mà nên làm gì đó cho bản thân và cho đất nước.

vlog1

"Chính trị Việt Nam cho người trẻ - Điều cần biết" trên Flying Andrew là trang video của Nguyễn Đức Anh, một du học sinh đang sống ở Châu Âu - hình ảnh Facebook

Hôm 1/3, trang Facebook A Flying Andrew với 92.000 lượt theo dõi của Đức Anh đăng một video tiêu đề : "Chính trị Việt Nam cho người trẻ - Điều cần biết".

Trả lời BBC qua email hôm 6/3, chàng trai trẻ này nói, "Mình muốn làm clip này để chia sẻ với những bạn trẻ ở Việt Nam về quan điểm của mình về tình hình xã hội kinh tế.

"Và đây là những gì mình nhận ra sau nhiều năm sinh sống, học hỏi về lịch sử và nhìn thấy bạn bè khởi nghiệp thành công ở Việt Nam. Mình cảm thấy người Việt nên trân trọng đất nước mình hơn và cố gắng làm tốt nhất trong hoàn cảnh của mình thay vì chỉ phàn nàn".

A Flying Andrew đã nói gì ?

"Vlog dành cho những bạn nào đang phàn nàn về tình hình chính trị, về tình hình đất nước Việt Nam. Để mình kể cho các bạn một điều mà chắc hẳn ai cũng biết là những bài là bạn chia sẻ trên Facebook thậm chí là một cái vote của bạn cũng không có ý nghĩa gì lắm đâu", Đức Anh nói mở đầu clip.

Du học sinh này nói tiếp rằng tình hình kinh tế chính trị ở Việt Nam "tốt hơn" anh nghĩ rất nhiều và những người hay phàn nàn trên mạng, "thay vào đó là đi làm một điều gì đấy thực sự có ích cho bản thân mình và cho đất nước".

Đức Anh sau đó dẫn chứng về chỉ số GDP tăng hàng năm của Việt Nam, việc Việt Nam thường xuyên được tổ chức các sự kiện lớn của thế giới trong thời gian gần đây và trong mắt bạn bè thế giới, qua quan sát của Đức Anh trên Youtube, Việt Nam là một đất nước "ôn hòa và không có nhiều tỷ lệ tội phạm cao và chất lượng cơ sở vật chất ngày càng được nâng lên".

Sau đó, phần lớn nội dung còn lại vlog, anh dẫn chứng về tình trạng bất ổn xã hội ở các quốc gia khác.

Như tình trạng bị cướp giật, phóng uế bừa bãi, biểu tình đập phá tại Pháp, hay cướp giật và tội phạm bằng súng ở Nam Mỹ hay tình trạng thực phẩm không đảm bảo ở Châu Phi và những bất cập về tự do tôn giáo, nữ quyền ở Trung Đông.

"Tất nhiên là Việt Nam vẫn luôn có những cái vấn đề cần phải giải quyết ví dụ như là vấn đề môi trường, vấn đề ô nhiễm, nhưng những vấn đề này dần dần dần dần sẽ được giải quyết", Đức Anh nói ở gần cuối clip.

"Nếu bạn thực sự quan tâm về tình hình chính trị ở Việt Nam thì tại sao bạn không tham gia vào bộ máy chính trị và góp phần thay đổi theo một hướng mới hơn và góp phần trẻ hóa bộ máy chính trị của Việt Nam ?" Đức Anh đặt câu hỏi.

Chia sẻ rằng bản thân mong muốn khởi nghiệp một công ty online, Đức Anh nói anh không đam mê chính trị nên "sẽ chăm lo phát triển bản thân, sẽ chăm lo đầu tư tạo ra những business, tạo ra giá trị cho xã hội".

vlog2

Châu Ngô, 23 tuổi nói khá thích Andrew vì cách nói không quá căng thẳng, giọng cũng ấm áp nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người nhưng clip trên thì không nghĩ là hay, nhưng đáng xem để biết thêm một góc nhìn khác.

"Khi bạn tạo ra giá trị cho xã hội thì bạn sẽ tạo ra việc làm mới, bạn sẽ nâng cao đời sống của nhân dân bằng những sản phẩm, những mô hình kinh doanh, những ngành công nghiệp".

"Và khi người Việt Nam có nhiều tiền hơn, tất cả mọi thứ ở Việt Nam sẽ tốt lên rất nhiều. Bởi vì đồng tiền rất quyền lực. Khi bạn có tiền thì bạn có những quyền lực khác là đi kèm", Đức Anh nhấn mạnh.

Đức Anh cũng khuyên các bạn trẻ nên đam mê đọc sách hơn để mở mang tầm mắt và tìm kiếm cơ hội du học để trải nghiệm, và để hiểu rằng nhiều quốc gia "không hoàn hảo như bạn nghĩ".

"Hy vọng các bạn cũng bớt phàn nàn đi trong cuộc sống và dành thời gian công sức để làm điều gì để có ích hơn cho mình cho bản thân và xã hội nhé", Đức Anh để lại lời nhắn cuối cùng.

Những bạn trẻ khác nghĩ gì ?

Sau khi video được đăng tải đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều, trong đó có một vlog phản hồi của một bạn trẻ khác tên Nguyễn Quốc Huy, 27 tuổi đang sinh sống ở Mỹ.

Anh nói rằng khá là thất vọng vì "tiêu đề là về chính trị việt nam nhưng toàn bộ video của [Đức Anh] lại chẳng có chút gì về chính trị Việt Nam cả".

"Điều này cũng dễ hiểu vì chuyện này cũng không lạ vì chúng ta không được quyền nói về chính trị ở Việt Nam. Bạn không được quyền nghi ngờ năng lực lãnh đạo của cũng như đặt dấu chấm hỏi về những chính sách của họ", Huy nói tiếp.

Huy phản đối quan điểm cho rằng "một cái vote của bạn thì cũng không làm được gì cả".

"Rất nhiều chuyện nhờ cộng động mạng, chung tay 1 vote 1 like mà tìm được công lý. Ý bạn là chúng ta nên dửng dưng trước cái xấu ?

"Bạn trả tiền cho một bữa ăn và bạn nhận được thái độ phục vụ tồi tệ, và đồ ăn rất dở, tất cả những gì bạn nên làm là không nên phàn nàn mà nên cầm đống chén đĩa của mình rửa giùm tụi nó luôn đi ?"

'Nên đọc sách và quan tâm chính trị'

Ông Nguyễn Trường Sơn, 28 tuổi, người vận động cho khu vực Đông Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế nói anh rất đồng tình với quan điểm của Đức Anh về việc nên đọc sách, tham gia chính trị và các bạn trẻ nên đi du học để mở rộng hiểu biết.

Cũng không đồng tình với quan điểm "những bài mà bạn chia sẻ trên Facebook, thậm chí là những cái vote của bạn cũng không có ý nghĩa gì lắm đâu" .

vlog3

Nguyễn Quốc Huy, 27 tuổi đang sinh sống làm việc và học tập tại Texas, Hoa Kỳ

"Trước hết thì chúng ta cần phải làm rõ rằng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, từ những cái like, thả tim hay phẫn nộ trên mạng xã hội, cho tới việc viết báo, diễn thuyết... đều nhằm mục đích bày tỏ quan điểm và cảm xúc của một cá nhân trước một vấn đề gì đó, mà trong lĩnh vực nhân quyền thì nó được gọi là quyền tự do biểu đạt".

"Chúng ta thấy rằng trên thực tế đã có nhiều chính sách của nhà nước Việt Nam đã phải thay đổi hơn với ý dân, thông qua mạng xã hội, từ việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, việc quy định phụ nữ có vòng ngực nhỏ thì không được lái xe, tới chuyện gần đây nhất là việc quấy rối tình dục trong thang máy ở Hà Nội.

"Việc người dân bày tỏ sự không đồng tình của mình, vừa có thể mang lại sự thay đổi trong việc làm chính sách, vừa góp phần thay đổi định kiến của toàn xã hội về một vấn đề nào đó. Và tự chung là nó vô cùng có ý nghĩa".

Ngoài ra, anh cũng không thấy thuyết phục khi Đức Anh thường mang những vấn đề tiêu cực nhất ở các quốc gia và khu vực khác để so sánh với Việt Nam.

"Việc đem những điều tệ hại của người khác ra để so sánh với nước mình, và từ đó tự cho phép mình cảm thấy hài lòng, theo tôi đó là một cách so sánh và suy nghĩ không tích cực.

"Bởi, nếu chúng ta muốn Việt Nam trở thành một quốc gia giàu có hơn, văn minh hơn, thì chúng ta phải nhìn vào những điều tích cực ở các nước khác và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, chứ nếu chỉ nhìn xuống và tự an ủi bản thân rằng mình vẫn hơn khối nước, thì sẽ khó có thể giúp Việt Nam tiến bộ được, nó chỉ giúp chúng ta cảm thấy đỡ tệ hơn, chứ không giúp chúng ta nhận thấy tiềm năng thực sự của mình".

Bạn nữ Châu Ngô, 23 tuổi nói bạn đã biết đến A Flying Andrew từ lâu và đồng tình với 80% quan điểm của anh nhưng có một số điểm không đồng tình.

"Mình khá thích anh Andrew vì cách nói không quá căng thẳng, giọng cũng ấm áp nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Clip trên thì mình không nghĩ là hay. Nhưng mình nghĩ đáng xem để biết thêm một góc nhìn khác".

"Đầu tiên là cách lập luận của anh ấy khá là phản tác dụng so với thông điệp mà anh ấy muốn truyền tải. Andrew muốn giới trẻ tham gia vào chính trị và hành động để thay đổi xã hội thay vì chỉ ngồi cào bàn phím.

"Nhưng việc đưa ra những ví dụ tiêu cực về những vấn đề của các nước phát triển có khả năng khiến mọi người nghĩ là 'Ôi giời các quốc gia hàng đầu thế giới còn be bét thế thì mình cố làm quái gì'.

vlog4

Nguyễn Trường Sơn, 28 tuổi, người vận động cho khu vực Đông Nam Á của tổ chức Ân xá Quốc tế

"Mặc dù mình hiểu ý định của anh Andrew là tốt nhưng cách truyền tải hơi u ám và dìm hàng chuyện phát biểu quan điểm trên mạng là không cần thiết vì 'cào bàn phím' không nhất thiết 100% là xấu. Bản thân anh ấy và cái clip này cũng là một cách 'phàn nàn' qua mạng thôi".

Giới trẻ có thật quan tâm đến chính trị xã hội ?

"Giới trẻ Việt Nam vẫn còn ngây ngô về chính trị và dễ bị truyền thông dắt mũi. Mình nghĩ giới trẻ Việt Nam quan tâm đến chính trị ở tầm vi mô chứ ko phải vĩ mô. Tức là nếu có hot news thì sẽ đổ xô vào comment này nọ. Nhưng nếu hết hot rồi thì trong đời sống bình thường cũng không chủ động tìm hiểu về chính trị xã hội. Đấy là những gì mình quan sát", Châu Ngô nói.

Còn Trường Sơn thì nói, "Tôi nhận thấy rằng các bạn trẻ ở Việt Nam đang càng ngày càng quan tâm hơn đến chính trị, cần phải làm rõ rằng, chính trị không phải là vấn đề gì to tát như ngoại giao, làm luật hay điều hành nền kinh tế cả.

"Nó xuất phát từ những việc hết sức gần gũi ; như thái độ của công chức, chất lượng của nền giáo dục, y tế, giao thông, an ninh, môi trường, thực phẩm.. Đó đều là những vấn đề chính trị cả. Và thông qua theo dõi thì tôi nhận thấy rằng người trẻ ở Việt Nam càng ngày càng mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ sự quan tâm của mình đối với các vấn đề chính trị. Và như thế là một dấu hiệu tích cực".

Quay lại trang chủ
Read 586 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)